Bài tập tình huống1: Áp dụng lệnh cấm hút thuốc lá mở rộng ở nơi công cộng tại Việt Nam



tải về 113.99 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu04.01.2018
Kích113.99 Kb.
#35431

Bài tập tình huống1:
Áp dụng lệnh cấm hút thuốc lá mở rộng ở nơi công cộng tại Việt Nam


Hướng dẫn

Tài liệu này cung cấp thông tin nền cho việc thực hiện đánh giá tác động về một đề xuất chính sách.

Phần 1: Lớp học sẽ chia thành các nhóm nhỏ để thảo luận và mỗi nhóm sẽ cử ra một đại diện để trình bày kết quả thảo luận.

Phần 2: Lớp học sẽ tham gia một chương trình trò chơi mô phỏng có tên “Ai là Triệu phú”. Tài liệu sẽ không được phát trước trừ các thông tin nền dưới đây.



Thông tin nền

Theo số liệu điều tra mức sống dân cư năm 2006, số nam giới Việt Nam hút thuốc vào khoảng 47.7%. Các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới ước tính, mỗi năm có từ 30.000 đến 40.000 người chết liên quan đến thuốc lá ở Việt Nam, gấp 4 lần số ca tử vong vì tai nạn giao thông đường bộ mỗi năm. Căn cứ vào tính toán của nhóm chuyên gia trường Đại học Y tế Công cộng, số tiền để điều trị 3 trong số 25 căn bệnh liên quan đến thuốc lá hàng năm của cả nước là 804 tỷ đồng. Khu vực Nam Trung bộ và Đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ người hút thuốc lá cao nhất, nhóm tuổi hút thuốc lá cao nhất là 25-44 tuổi và nghề nghiệp hút thuốc lá nhiều nhất là xây dựng và lái xe. Nghiên cứu của Bộ Y tế mới công bố vào tháng 12/2009 cho thấy tỷ lệ nhân viên y tế hút thuốc là 14.8%. Khoảng 2/3 trẻ em và phụ nữ thường xuyên bị tiếp xúc với khói thuốc thụ động tại nhà và tại các địa điểm công cộng. Còn theo một nghiên cứu mới của Đại học Y Hà Nội, tỷ lệ ngửi thấy hơi thuốc và thấy tẩu thuốc trên sàn nhà, nhất là cầu thang, hành lang, quán cà phê, căng tin khá cao. Nghiên cứu này kết luận rằng tình hình hút thuốc lá ở khu vực cấm hút thuốc cao hơn khu vực không hạn chế. Công tác tuyên truyền cũng chưa phát huy tác dụng. Bản thân nhiều cán bộ truyền thông nam của trung tâm truyền thông giáo dục sức khoẻ của tỉnh và huyện hút thuốc (37%).

Kể từ năm 2000, Thủ tướng Chính phủ đã ký duyệt hàng loạt quyết định và nghị quyết kiểm soát vấn đề thuốc lá. Để giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá và tỷ lệ mắc và chết do các bệnh liên quan đến thuốc lá, các biện pháp Chính phủ Việt Nam đã đề ra bao gồm: giáo dục sức khoẻ, quản lý quảng cáo và khuyến mại thuốc lá, cấm trẻ em dưới 18 tuổi hút thuốc, quy định lời cảnh báo về tác hại của thuốc lá, tăng thuế và giá thuốc lá, hỗ trợ cai nghiện thuốc lá, quy định nơi không hút thuốc lá, quản lý sản xuất và kinh doanh thuốc lá. Năm 2005, thông qua Nghị định 45/2005/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế (“Nghị định 45”), chính phủ Việt Nam lần đầu tiên ban hành mức xử phạt hành chính từ 50.00 – 100.000 đồng đối với hành vi hút thuốc lá ở một số địa điểm bị cấm. Tuy nhiên, chế tài xử phạt vi phạm đối với hành vi hút thuốc lá nơi công cộng chưa được thực hiện triệt để và cũng chưa có thống kê nào về lượng người bị phạt do vi phạm quy định cấm hút thuốc lá nơi công cộng ở Việt Nam. Mặc dù đã có Nghị định 45, nhưng văn bản hướng dẫn việc xử phạt cho chưa rõ ràng và cụ thể. Thêm vào đó, số lượng thanh tra ở các bộ chuyên ngành rất ít, ví dụ, Bộ Y tế chỉ có tổng cộng 316 thanh tra y tế trên toàn quốc. Để củng cố các biện pháp nhằm làm giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá và thực hiện cam kết quốc tế trong công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1315/QĐ-TTg, ngày 21/8/2009. Theo Quyết định này, việc hút thuốc lá sẽ bị nghiêm cấm tại lớp học, nhà trẻ, các cơ sở y tế, thư viện, rạp chiếu phim, nhà hát, nhà văn hoá, các khu vực sản xuất và nơi làm việc trong nhà, nơi có nguy cơ cháy nổ cao và trên các phương tiện công cộng từ ngày 1/1/1010.

Ở Việt Nam, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá từ năm 2008 là 65% giá xuất xưởng và 10% thuế giá trị gia tăng, tương đương 45% giá bán lẻ. Năm 2008, Việt Nam thu được 7.500 tỷ đồng từ thuế thuốc lá, tăng 1000 tỷ đồng so với số tiền ngân sách thu được trước khi tăng thuế. Thuế thuốc lá thuộc loại thấp nhất thế giới là một trong những nguyên nhân gây ra giá thuốc lá rẻ ở Việt Nam. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mức thuế thuốc lá nên ở mức 65% giá bán lẻ. Nếu so sánh các loại thuốc lá cùng nhãn mác, thì giá thuốc lá ở Việt Nam được coi là rẻ nhất thế giới, chưa kể, ở Việt Nam có những loại thuốc lá giá chỉ trên 2.000 đồng/gói. Theo Ngân hàng Thế giới, trung bình khi tăng giá thuốc lá thêm 10% thì mức tiêu dùng sẽ giảm từ 4% đến 8%, còn thu ngân sách từ thuế thuốc lá sẽ tăng khoảng 7%. Theo ước tính nếu Việt Nam tăng thuế thuốc lá thêm 20%, các yếu tố khác không đổi, giá bán lẻ sẽ tăng khoảng 10%. Điều này giúp nguồn thu ngân sách từ thuế thuốc lá của Chính phủ tăng thêm từ 1.500 đến 2.000 tỷ đồng mỗi năm, đồng thời, sẽ giúp tránh được trên 100.000 ca tử vong sớm do thuốc lá tính đến năm 2050. 

Trên toàn quốc hiện có 17 doanh nghiệp sản xuất thuốc lá điếu, tổng sản lượng tiêu thụ của toàn ngành có xu hướng tăng trong những năm gần đây. Năm 2000, sản lượng đạt khoảng 2,7 tỷ bao, con số này đã tăng lên khoảng trên 4 tỷ bao vào năm 2007. Bên cạnh số thuốc lá sản xuất trong nước, Việt Nam còn nhập khẩu một lượng đáng kể thuốc lá ngoại. Nạn buôn lậu thuốc lá có xu hướng tăng mạnh sau khi điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt lên tới 65% vào đầu năm 2008 cùng với sự tăng giá mạnh của các vật tư trong vài năm qua. Thuốc lá bất hợp pháp chiếm tỷ lệ khoảng 13% kể từ năm 2005 và cho đến nay là 16,8 %. Thị phần của thuốc lá lậu tại thành phố Hồ Chí Minh và phía Nam (với các con số tương ứng là 46% và 42%) có chiều hướng cao hơn các vùng còn lại của đất nước, trong đó buôn lậu hàng chính hãng (trốn thuế) chiếm phần lớn thị trường buôn lậu thuốc lá.

Kinh nghiệm quốc tế

Singapore

Singapore được Tổ chức Y tế Thế giới trao tặng “Giải thưởng Thế giới không thuốc lá cho những đóng góp nổi bật cho sức khỏe cộng đồng” vì những nỗ lực trong việc bảo vệ sức khỏe của những người không hút thuốc và ngăn chặn việc hút thuốc. Vào năm 1970, lệnh cấm hút thuốc lá lần đầu tiên được thực hiện trên xe buýt, rạp chiếu phim và nhà hát, và dần được mở rộng sang những địa điểm công cộng khác theo thời gian. Hiện nay, có khoảng 26 loại địa điểm công cộng cấm hút thuốc lá ở đảo quốc này. Cuối năm 2005, Ban cải thiện sức khỏe Singapore (“HPB”) hợp tác cùng với Cục Khoa học Y tế (“HAS”) đã đề xuất mở rộng phạm vi áp dụng lệnh cấm hút thuốc lá ở những địa điểm vui chơi giải trí (quán rượu, vũ trường, hộp đêm và các quán karaoke), các trung tâm thương mại và các quán cà phê.

Ngoài ra, để ngăn chặn việc hút thuốc, chính phủ Singapore đã đánh thuế tiêu thụ đặc biệt là 352S$ (khoảng 4,7 triệu đồng)2 trên 1000 điếu. Kể từ sau ngày 1/7/2004, thuốc lá được bán ở Singapore bắt buộc phải in một trong 6 thông điệp cảnh báo về sức khỏe khi sử dụng thuốc lá trên vỏ bao. Các thông điệp này phải được in trên diện tích ít nhất là 50% mặt trước và mặt sau vỏ bao với những hình ảnh như ung thư phổi và xuất huyết não sau đột quỵ. Các biện pháp mới này được áp dụng vì 2 mục đích: để Singapore hoàn thành nghĩa vụ đã cam kết trong Công ước Khung về Kiểm soát Thuốc lá (FCTC), và để đối phó với các xu hướng mới xuất hiện như các sản phẩm thay thế thuốc lá. Hợp tác cùng với HAS, HPB đã đề xuất sửa đổi đạo luật Kiểm soát về Quảng cáo và Buôn bán Thuốc lá và các văn bản dưới luật của đạo luật này.

Các biện pháp chống thuốc lá của chính phủ đã làm giảm số lượng người hút thuốc lá ở Singapore từ 18% dân số vào năm 1992 xuống còn 14% vào năm 2005. Đối với nam giới trong độ tuổi từ 18-69, tỷ lệ người hút thuốc đã giảm từ 33% xuống còn 24%. Tuy nhiên, tỷ lệ nữ giới hút thuốc trong độ tuổi từ 18-24 đã tăng từ 2,8% tới 8,2% trong vòng 13 năm qua. Các lao động nước ngoài là những người hút thuốc nhiều nhất ở đảo quốc này, và nhiều người trong số này cho biết việc giá thuốc lá tăng thêm 3$S/gói (tương đương 40.000 đồng) cũng sẽ không khuyến khích họ giảm hút thuốc được. Singapore có dân số khoảng 4,48 triệu người. Các lao động nước ngoài chiếm khoảng ¼ tổng số lao động tại đây. Theo khảo sát của Công ty British American Tobacco, một tập đoàn sản xuất thuốc lá lớn, trên khoảng 1.000 công nhân nước ngoài, 50% số lao động quốc tịch Trung Quốc hút thuốc. Thị trường thuốc lá ở Singapore tăng trưởng trung bình 2,7%/năm trong khoảng thời gian từ năm 2001-2006.



Các quốc gia khác

Thái Lan là một nước khá thành công trong hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá, có mức thuế thuốc lá năm 2008 là 400% giá xuất xưởng tương đương khoảng 65% giá bán lẻ. Thuế thuốc lá trên giá xuất xưởng của Thái Lan tăng liên tục từ 55% năm 1992 cho đến nay là 400%. Tỷ lệ hút thuốc ở Thái Lan trong thời gian đó đã giảm từ 26,6% xuống 19%. Doanh thu thuế thuốc lá cũng tăng lên liên tục từ 15,4 tỷ baht (tương đương 8.300 tỷ đồng)3 năm 1992 đến 41,5 tỷ baht (22.369 tỷ đồng) vào năm 2007. 

Nhiều quốc gia như Hoa Kỳ, Canađa, Úc, Ai len, Niu Di-lân và Na Uy đang hướng đến xây dựng xã hội không có khói thuốc, và đã ban hành lệnh cấm hút thuốc ở các quán rượu, quầy bar, nhà hàng và nhiều nơi làm việc. Các nước như Scôtlen, Thụy Điển và Hồng Kông cũng cho biết rằng họ sẽ thực hiện các lệnh cấm tương tự. Bên cạnh đó, biện pháp đẩy giá thuốc lá lên cao cũng được nhiều nước áp dụng. Trong 6 mức xếp hạng của WHO, mức đắt nhất là 5 USD/gói (tương đương 92.000 đồng4). Dẫn đầu trong nhóm đắt đỏ này là Singapore, Canađa và các nước thuộc Tây Âu. Mỹ nằm trong nhóm thứ nhì với giá khoảng 4-4.9 USD/gói thuốc lá (74.000 – 90.500 đồng). Việt Nam nằm trong nhóm 5/6 với mức giá từ 1-1.99 USD/gói (18.500 – 37.000 đồng), chỉ cao hơn một số nước như là Ac-hen-ti-na, Kazakhstan, In-đô-nê-xi-a với mức dưới 1 USD/gói (18.500 đồng). Đến tháng 5/2009, có 23 nước cảnh báo sức khoẻ bằng hình ảnh (trên 50% diện tích) trên vỏ bao thuốc lá.

Kinh nghiệm từ các nước khác cho thấy khi quy định cấm hút thuốc được áp dụng ở các địa điểm kinh doanh thì luôn gặp phải sự phản đối. Những người phản đối cho rằng cấm hút thuốc ở những địa điểm này sẽ làm công việc kinh doanh và du lịch thất thu, công ăn việc làm giảm. Tuy nhiên, các nghiên cứu của các nước cho thấy lệnh cấm hút thuốc không gây ra tác động tiêu cực về kinh tế cho doanh nghiệp. Một nghiên cứu lớn thực hiện trên 97 nghiên cứu về tác động kinh tế của chính sách không hút thuốc áp dụng trong ngành dịch vụ cho thấy quy định cấm hút thuốc ở các nhà hàng và quán bar không gây ra tác động nào hoặc có tác động tích cực tới doanh số và việc làm. Nghiên cứu thực hiện tại New York vào tháng 3/2004 cho thấy tổng giá trị nguồn thu thuế của ngành dịch vụ tăng 8,7%, có thêm 234 quán bar mới, tạo ra 10.600 việc làm, và hàm lượng nicôtin (một chất phụ được sản sinh ra từ khói thuốc lá) mà các nhân viên không hút thuốc đã hít phải khói thuốc trong ngành này giảm 85%.



Đề xuất mở rộng phạm vi áp dụng lệnh cấm hút thuốc lá

Các nghiên cứu đã chỉ ra khói thuốc lá trong môi trường gây ảnh hưởng bất lợi cho sức khỏe của người không hút thuốc cũng tương tự như với người hút thuốc. Khói thuốc lá trong môi trường hay còn gọi là hút thuốc bị động làm tăng 20 – 30% nguy cơ ung thư phổi, 25 -30% các bệnh về tim mạch và đến 82% nguy cơ bị đột quỵ. Những người hút thuốc bị động cũng mắc phải các bệnh về đường hô hấp nhiều hơn như ho, cảm lạnh và khó thở. Đáp ứng xu hướng quốc tế, Chính phủ Việt Nam đang cân nhắc việc cấm hút thuốc lá cục bộ một cách triệt để hơn, tức là chỉ cho phép hút thuốc lá tại các khu vực được hút thuốc lá như góc/phòng hút thuốc lá trong các công sở, hoặc được phép hút thuốc lá sau 10 giờ tối tại các nơi công cộng sau đây:



      • Các địa điểm vui chơi giải trí (quán bar, vũ trường, hộp đêm và các quán Karaoke)

      • Các trung tâm ăn uống

      • Các quán cà phê

      • Các khu bể bơi phức hợp công cộng

      • Các sân vận động ngoài trời

      • Các trung tâm/câu lạc bộ cộng đồng

Với tư cách là nhà hoạt định chính sách, dựa vào bài tập tình huống trên, các nhóm sẽ thảo luận về nội dung của một báo cáo RIA cho đề xuất mở rộng phạm vi áp dụng lệnh cấm hút thuốc lá ở Việt Nam với các phần sau:

  • Xác định vấn đề bất cập

  • Đặt mục tiêu chính sách

  • Xác định các phương án chính sách

  • Đánh giá tác động các chính sách đề xuất

Danh sách tài liệu tham khảo:

  1. Báo cáo y tế Singapore năm 2004 

  2. Chi phí cho xã hội của việc hút thuốc tại Singapore

  3. Báo cáo về hút thuốc thụ động

  4. Các địa điểm cấm hút thuốc tại Singapore
  5. Các bước phát triển chính sách không hút thuốc trên thế giới


  6. Tóm tắt các nghiên cứu đánh giá tác động về kinh tế của các chính sách không hút thuốc trong ngành dịch vụ khách sạn - nhà hàng

  7. Thành phố New York không khói thuốc

  8. Các văn bản pháp luật:

Nghị định 45/2005/NĐ-CP, ngày 06/04/2005 của Chính phủ

Nghị quyết 12/2000/NQ-CP, ngày 14/08/2000 của Chính phủ

Quyết định 877/2004/QĐ-CTN, ngày 11/11/2004 của Chủ tịch nước

Quyết định 1315/2009/QĐ-TTg, ngày 21/08/2009 của Thủ tướng Chính phủ

Nghị định 11/1999/NĐ-CP, ngày 3/3/1999 của Chính phủ


  1. Các bài báo:

Báo Lao động: Việt Nam cần tăng thuế thuốc lá lên trên 20% http://www.laodong.com.vn/Home/Viet-Nam-can-tang-thue-thuoc-la-len-tren-20/200910/159175.laodong

Tuổi trẻ: Xử phạt hút thuốc lá nơi công cộng chưa rõ ràng



http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=354142&ChannelID=3

Vietnam Net: Cấm hút thuốc lá nơi công cộng: Nhiều người…không biết



http://home.vnn.vn/cam_hut_thuoc_la_noi_cong_cong__nhieu_nguoi____khong_biet-33619968-622116788-0

Gia đình Net: 90% số người hút thuốc lá dễ bị ung thư phổi



http://giadinh.net.vn/home/20090311085614958p1054c1057/90-so-nguoi-hut-thuoc-la-de-bi-ung-thu-phoi.htm

Quân đội nhân dân: Phải chi tới 804 tỷ đồng/năm để điều trị 3/25 căn bệnh liên quan đến thuốc lá



http://www.cpv.org.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30523&cn_id=56214

Diễn đàn các Nhà báo Môi trường Việt Nam: Mỗi năm Việt Nam có 40.000 người chết liên quan đến thuốc lá



http://www.vfej.vn/vn/chi_tiet/20421/moi_nam_vn_co_40_000_nguoi_chet_lien_quan_den_thuoc_la

Tuổi trẻ: Giá thuốc lá ở Việt Nam rẻ nhất thế giới



http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=319104&ChannelID=3

Tuổi trẻ: Khó phạt người hút thuốc lá nơi công cộng



http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=355506&ChannelID=12

British American Tobacco: Buôn lậu thuốc lá ở Việt Nam



http://www.batvietnam.com/group/sites/BAT_7LQK54.nsf/vwPagesWebLive/DO7RXFBJ?opendocument&SKN=1


1 Tài liệu này do VNCI chuẩn bị để làm cơ sở cho thảo luận trong lớp học. Bài tập tình huống này không nhằm mục đích xác nhận, minh họa cho quan điểm của VNCI về vấn đề chính sách này cũng như không phải là nguồn dữ liệu tham khảo.

2 Tỷ giá liên ngân hàng: 1 S$ = 13.260 VND (ngày 28/12/2009)

3 Tỷ giá liên ngân hàng: 1 bath = 539 VND (ngày 28/12/2009)

4 Tỷ giá liên ngân hàng: 1 U$ = 18.479 VND (ngày 28/12/2009)



tải về 113.99 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương