Bài tập lớn môn lịch sử ĐẢng cộng sản việt nam lớP: L08 nhóM: 14


Giá trị lý luận việc bổ sung phong trào yêu nước của Nguyễn Ái Quốc



tải về 191.33 Kb.
trang10/13
Chuyển đổi dữ liệu03.08.2022
Kích191.33 Kb.
#52794
1   ...   5   6   7   8   9   10   11   12   13
Nhóm 14 - chủ đề 3 - L08

3.1.2. Giá trị lý luận việc bổ sung phong trào yêu nước của Nguyễn Ái Quốc
Ở Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đầu tiên vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của đất nước. Ngay sau khi được đọc bản “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I. Lê-nin, Người xác định, con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam là phải tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa để giải phóng dân tộc, giai cấp và con người. Vì thế, xuyên suốt và nhất quán trong tư tưởng Hồ Chí Minh là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là người tiên phong trong việc thức tỉnh dân tộc mình và các dân tộc bị áp bức vùng lên đấu tranh giành lại độc lập dân tộc. Đồng thời, Người cũng khẳng định: Cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa có mối quan hệ chặt chẽ với cách mạng ở chính quốc, nhưng không hoàn toàn phụ thuộc vào cách mạng ở chính quốc; nhân dân các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc có thể chủ động đứng lên, “đem sức ta mà giải phóng cho ta”, giành thắng lợi trước cách mạng ở chính quốc.
Xuất phát từ điều kiện đặc thù của xã hội Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giải quyết sáng tạo và thành công mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp, dân tộc và quốc tế, từ đó tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với cách mạng nước ta. Về con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, Người cho rằng, đặc điểm lớn nhất của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta là “từ một nước nông nghiệp lạc hậu tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội không phải kinh qua chế độ tư bản chủ nghĩa”. Quan điểm này của Người đã cụ thể hóa và làm phong phú thêm lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; đồng thời, là cơ sở để xác định bước đi và các biện pháp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Về mục tiêu và lý tưởng của chủ nghĩa xã hội, Người khẳng định: “Chủ nghĩa xã hội trước hết nhằm làm cho nhân dân lao động thoát nạn bần cùng, làm cho mọi người có công ăn việc làm, được ấm no và sống một đời hạnh phúc”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp thu, chuyển hóa và vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn cách mạng nước ta; qua đó, tạo nên hệ thống tư tưởng của mình và tạo tiền đề quan trọng cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam vào mùa Xuân năm 1930.
Khi bàn về sự ra đời của Đảng Cộng sản, xuất phát từ hoàn cảnh cụ thể của nước Nga và Châu Âu, V.I.Lê-nin đề cập hai yếu tố: Chủ nghĩa Mác và phong trào công nhân kết hợp với nhau. 
Chủ nghĩa Mác (sau này là chủ nghĩa Mác - Lênin) sinh ra trước hết từ bên ngoài giai cấp công nhân. Bản thân phong trào công nhân có phát triển mạnh đến đâu đi chăng nữa, nhưng không có chủ nghĩa Mác - Lênin soi sáng thì giai cấp công nhân không thể nào phát triển lên được trình độ tự giác, cùng lắm chỉ đạt tới “chủ nghĩa công đoàn” mà thôi, chỉ dừng lại ở hình thức đấu tranh kinh tế, không ý thức được sứ mệnh lịch sử của mình là người đào huyệt chôn chủ nghĩa tư bản (CNTB) và xây dựng xã hội mới: Xã hội cộng sản chủ nghĩa. 
Đồng thời, chủ nghĩa Mác - Lênin không thể mang trong mình bản chất cách mạng và khoa học được nếu nó không đi vào phong trào công nhân. Phong trào công nhân trở thành "cái cốt vật chất" cho chủ nghĩa Mác - Lênin, làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin luôn có sức sống mạnh mẽ. 
Nhưng, ngoài hai yếu tố chủ nghĩa Mác - Lê-nin và phong trào công nhân, Hồ Chí Minh còn đề cập thêm yếu tố thứ ba nữa khi nói về quy luật hình thành Đảng Cộng sản Việt Nam - đó là phong trào yêu nước. Hồ Chí Minh viết: "Chủ nghĩa Mác - Lênin kết hợp với phong trào công nhân và phong trào yêu nước đã dẫn tới việc thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương vào đầu năm 1930".1
Đây là điểm bổ sung rất quan trọng và đúng đắn của Hồ Chí Minh về quy luật hình thành Đảng Cộng sản so với luận điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Từ luận điểm của Hồ Chí Minh trên đây, có mấy vấn đề đáng chú ý: 
Một là, thời điểm mà Hồ Chí Minh nêu luận điểm trên là dịp kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Đảng ta (năm 1960). Từ cuối những năm 50, trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế đã có sự bất đồng về tư tưởng tập trung trên các vấn đề: Đảng nào là cách mạng chân chính, đảng nào là giáo điều, là cơ hội, xét lại, v.v. Mặc dù phong trào cộng sản và công nhân quốc tế đã tổ chức hai hội nghị lớn tại Mát-xcơ-va vào năm 1957 và năm 1960 để thống nhất tư tưởng và thống nhất hành động, nhưng những bất đồng của một số đảng vẫn chưa được giải quyết và còn kéo dài mãi về sau. Vào thời điểm phức tạp của cuộc đấu tranh tư tưởng và lý luận trong nội bộ phong trào cộng sản và công nhân quốc tế ấy, ai nêu ra những ý kiến khác với các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin thì rất dễ bị quy vào xét lại. Vậy mà Hồ Chí Minh đã bổ sung thêm một yếu tố nữa vào luận điểm của Lê-nin xuất phát từ hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam. 
Hai là, luận điểm này được nêu ra trên bình diện quốc tế rộng rãi, công khai; cụ thể là trong bài viết của Người với tựa đề “Ba mươi năm hoạt động của Đảng” đăng ở Tạp chí Những vấn đề hòa bình và chủ nghĩa xã hội - Tạp chí thông tin lý luận và chính trị của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, ra hàng tháng, đặt trụ sở ở Pra-ha (Tiệp Khắc), một diễn đàn công khai rất quan trọng của các đảng cộng sản và công nhân trên thế giới sau khi Quốc tế Cộng sản đã tuyên bố tự giải tán, nhiều đảng cộng sản và công nhân đã có đại diện của mình ở tòa soạn tạp chí. 
Hồ Chí Minh đánh giá rất cao vai trò của chủ nghĩa Mác - Lênin đối với cách mạng Việt Nam và đối với quá trình hình thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Hồ Chí Minh cũng đánh giá rất cao vị trí, vai trò của giai cấp công nhân và phong trào công nhân Việt Nam trong việc tập hợp lực lượng cách mạng. Số lượng công nhân Việt Nam tuy ít, nhưng nó hội đủ những phẩm chất tốt đẹp của giai cấp có sứ mệnh lãnh đạo phong trào cách mạng của dân tộc. Hồ Chí Minh coi giai cấp công nhân Việt Nam là chủ lực quân, là lực lượng lãnh đạo, liên minh với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức làm thành nòng cốt trong khối đại đoàn kết dân tộc.
Nhưng, tại sao Hồ Chí Minh lại đề cập thêm yếu tố phong trào yêu nước, coi đó là một trong ba yếu tố kết hợp dẫn đến việc hình thành Đảng Cộng sản Việt Nam? ở châu Âu phong trào yêu nước phi vô sản - hầu hết nếu không nói là tất cả - không thể kết hợp được với phong trào công nhân và chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Điểm vận dụng sáng tạo của Hồ Chí Minh so với chủ nghĩa Mác - Lê-nin là ở chỗ này. Sở dĩ Hồ Chí Minh nêu thêm phong trào yêu nước, coi đó là một trong ba yếu tố cấu thành cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam là vì những lý do chủ yếu sau: 
Đầu tiên, chủ nghĩa yêu nước là giá trị tinh thần trường tồn trong lịch sử Việt Nam có vai trò rất lớn và là nhân tố chủ đạo quyết định thắng lợi của sự nghiệp chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta. Ở Việt Nam, phong trào yêu nước có trước phong trào công nhân. Chỉ riêng trong 80 năm thực dân Pháp đô hộ nước ta, phong trào yêu nước của nhân dân ta vẫn dâng lên mạnh mẽ. Phong trào yêu nước liên tục và bền bỉ trong mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước đã kết thành chủ nghĩa yêu nước và, cao hơn nữa, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam đã trở thành giá trị đạo đức tốt đẹp nhất trong cộng đồng dân tộc, đồng thời nó là tinh hoa văn hóa dân tộc. 
Bên cạnh đó, khi giai cấp công nhân ra đời và có phong trào đấu tranh thì phong trào yêu nước không bài xích mà kết hợp được ngay với phong trào công nhân. Cơ sở của sự kết hợp ấy là do ở nước ta tồn tại mâu thuẫn cơ bản giữa toàn thể nhân dân Việt Nam với bọn đế quốc và tay sai. Chính vì thế, các phong trào đều có yêu cầu chung, mục tiêu chung, “mẫu số chung”: Giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước hùng cường. Ở châu Âu, phong trào yêu nước phi vô sản thường là mâu thuẫn với phong trào công nhân. Trái lại, ở nước ta, điểm tương đồng giữa hai phong trào đó là cơ bản. Thậm chí, nhiều phong trào yêu nước lúc đầu theo xu hướng dân chủ tư sản, dần dần - do tác động của chủ nghĩa Mác - Lênin cũng như của phong trào công nhân - đã chuyển dần sang xu hướng cộng sản chủ nghĩa. Thực tế này thể hiện rõ nhất trong những năm 20, nhất là từ năm 1925 trở đi. 
Và nói đến phong trào yêu nước Việt Nam phải kể đến vai trò của nông dân. Đầu thế kỷ 20, nông dân Việt Nam chiếm khoảng 95% dân số. Phong trào đấu tranh của nông dân chống ngoại xâm và bè lũ tay sai đã có một bề dày truyền thống. Giai cấp nông dân Việt Nam lại là bạn đồng minh tự nhiên với giai cấp công nhân. Do điều kiện lịch sử chi phối, đến những năm 20 và 30, ở Việt Nam không có công nhân nhiều đời. Công nhân Việt Nam xuất thân chủ yếu trực tiếp từ những nông dân không có ruộng (bần, cố nông - những người bị bóc lột địa tô). Khi không có việc ở các làng quê (theo mùa vụ), người nông dân tìm đến các cơ sở công nghiệp, chủ yếu là các mỏ than và các khu đồn điền, để làm thuê với tư cách là công nhân - những người bị bóc lột giá trị thặng dư, đến mùa lại về quê làm thuê cho địa chủ, bị bóc lột địa tô. Hầu hết công nhân Việt Nam đầu thế kỷ 20 có gốc từ nông dân. Đó là một trong những điểm vô cùng thuận lợi cho sự liên minh giữa công nhân và nông dân. Thực tế các cao trào cách mạng ở Việt Nam từ năm 1930 trở đi đều là phong trào có sự liên minh chặt chẽ giữa công nhân và nông dân. Cao trào cách mạng 1930-1931, mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh, do Đảng ta lãnh đạo khi Đảng vừa mới ra đời là một biểu tượng sinh động cho sự liên minh đó. 
Cuối cùng, phong trào yêu nước Việt Nam những thập niên đầu thế kỷ 20 ghi dấu ấn to lớn bởi vai trò của tầng lớp trí thức. Tuy số lượng không nhiều, nhưng lúc đầu chính họ là những ngòi nổ cho các phong trào yêu nước chống thực dân Pháp xâm lược và bọn tay sai bán nước. Hàng loạt các tổ chức yêu nước ra đời trong những năm 20 mà thành viên và cả những người lãnh đạo đều là trí thức. Họ mang một bầu nhiệt huyết yêu nước, thương nòi, căm thù bọn cướp nước và bọn bán nước. Nhạy cảm với thời cuộc, họ đón nhận những luồng gió mới, cả những ảnh hưởng của các trào lưu dân chủ tư sản, cả tư tưởng XHCN qua các sách báo. Họ lại có dịp hòa cùng các phong trào yêu nước khác, đặc biệt là với phong trào công nhân. Trong hàng ngũ họ tất yếu có phân hóa, số đông ngả theo xu hướng cộng sản và - đặc biệt thay - họ trở thành những nhân vật chủ chốt trong ba tổ chức cộng sản sau hợp nhất lại thành Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 03-02-1930, dưới sự chủ trì của Hồ Chí Minh. Chính tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam là tổ chức Việt Nam thanh niên cách mạng - một tổ chức yêu nước, với bộ phận lãnh đạo chủ yếu là trí thức tiểu tư sản có xu hướng cộng sản chủ nghĩa. 
Thấu hiểu hoàn cảnh lịch sử của Việt Nam, thấy rõ vai trò to lớn của phong trào yêu nước bên cạnh yếu tố chủ nghĩa Mác - Lê-nin và phong trào công nhân. Hồ Chí Minh đã đưa ra chủ trương đúng đắn về tập hợp lực lượng cách mạng ở các nước thuộc địa. Trong khi Đại hội VI Quốc tế Cộng sản năm 1928 đề ra chủ trương tả khuynh, cô lập hẹp hòi trong việc tập hợp lực lượng ở các nước thuộc địa thì Hồ Chí Minh - trong các văn kiện thành lập Đảng - lại có chủ trương "lôi kéo tiểu tư sản, trí thức và trung nông về phía giai cấp vô sản; Đảng tập hợp và lôi kéo phú nông, tư sản và tư sản bậc trung" , "đối với bọn phú nông, trung, tiểu địa chủ và tư bản An Nam mà chưa rõ mặt phản cách mạng thì phải lợi dụng". Từ năm 1941 về nước cùng Trung ương Đảng lãnh đạo phong trào cách mạng, Hồ Chí Minh thực thi quan điểm của mình, tổ chức ra Mặt trận Việt Minh tập hợp tất cả mọi lực lượng không phân biệt dân tộc, tôn giáo, gái trai, giàu nghèo... miễn là người Việt Nam có tinh thần yêu nước, đứng lên đấu tranh giành độc lập dân tộc. Nếu không coi trọng phong trào yêu nước, không chú ý đến các lực lượng khác ngoài vô sản, chỉ chú trọng chủ nghĩa Mác - Lênin và phong trào công nhân thôi thì sẽ không hình thành được Đảng Cộng sản Việt Nam. 
Từ đây, có thể nói rằng, quan điểm của Hồ Chí Minh về quy luật hình thành Đảng Cộng sản Việt Nam là sự vận dụng một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam, một nước kinh tế lạc hậu, chậm phát triển, nơi có số lượng giai cấp công nhân ít so với dân cư. Bằng việc đó, luận điểm của Hồ Chí Minh còn có ý nghĩa quốc tế đối với những nước có hoàn cảnh tương tự như Việt Nam, ghi một mốc son trong việc phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, một cống hiến xuất sắc vào kho tàng lý luận về xây dựng Đảng kiểu mới của giai cấp công nhân. 


tải về 191.33 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   5   6   7   8   9   10   11   12   13




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương