Bùi Giáng: thơ phơi giữa nắng (Tham luận của Huỳnh Như Phương)



tải về 41.27 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu22.04.2018
Kích41.27 Kb.
#37047
Bùi Giáng: thơ phơi giữa nắng

(Tham luận của Huỳnh Như Phương)

           Cách đây 15 năm, ngày 07-10-1998, nhà thơ Bùi Giáng phủi nợ trần gian sau một cơn tai biến mạch máu não. Đêm trước ngày tiễn ông về nghĩa trang Gò Dưa, giới văn nghệ Sài Gòn tụ tập ở vãng sanh đường chùa Vĩnh Nghiêm, hát và đọc thơ ông. Hôm nay chúng ta gặp nhau ở đây, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, trong khuôn viên Trường Đại học Văn khoa ngày trước, để tưởng nhớ ông.

           15 năm qua, hình ảnh Bùi Giáng ngày càng hiện ra đậm nét và tròn đầy trong ký ức văn học của đất nước. Từ ngày hòa bình đến nay, sau Nguyễn Hiến Lê và Sơn Nam, có lẽ Bùi Giáng là tác giả có nhiều tác phẩm được tái bản, đa dạng về thể loại: thơ, tiểu luận văn học, biên khảo triết học, sách giáo khoa, dịch thuật… Theo một thống kê chưa đầy đủ, sách của Bùi Giáng đã xuất bản trong nước và ngoài nước gồm có 25 tập thơ; 26 công trình nghiên cứu triết học, phê bình văn học; 16 dịch phẩm. Đó là chưa kể hiện nay di cảo thơ của ông còn được cất giữ tản mát trong sưu tập của những người yêu thơ, thỉnh thoảng lại được công bố ra ở nơi này nơi khác nhưng chưa được tập hợp đầy đủ. Vì vậy, mặc dù chồng sách Bùi Giáng để lại nay đã cao lắm, nhưng chắc còn lâu nữa những nhà nghiên cứu mới có thể nói đến một “Toàn tập Bùi Giáng”. Có thể nói, đời sống văn học Việt Nam chịu một cái ơn lớn đối với lao động nghệ thuật và học thuật của ông.

           Theo Sơ lược tiểu truyện Bùi Giáng do nhà văn Đặng Tiến soạn, Bùi Giáng quê gốc làng Vĩnh Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam; sau gia đình dời sang làng Thanh Châu bên cạnh và ông sinh ở đó ngày 17-12-1926. Thân phụ là ông Bùi Thuyên, tục danh là Cửu Tý; thân mẫu là bà Huỳnh Thị Kiền, người vợ kế. Cả hai đời vợ, ông Cửu Tý có đến 12 người con, Bùi Giáng thứ năm, nói theo người miền Nam là Sáu Giáng. Bùi Giáng từng làm câu thơ vui:



Có ông Cửu Tý họ Bùi.

Đẻ ra Bùi Giáng đuổi ruồi không bay.

Lớn lên ông đi học ở Hội An, Điện Bàn, vào Quy Nhơn rồi ra Huế, đậu bằng thành chung, sau đó tiếp tục theo học bậc tú tài ở Bồng Sơn và Hà Tĩnh, có lúc về làng Trung Phước chăn dê. Trong kháng chiến chống Pháp, Bùi Giáng tham gia một đơn vị bộ đội công binh, theo lời kể của nhà thơ Tường Linh, một người học trò và đồng hương của ông. Ông lập gia đình với bà Phạm Thị Ninh, nhưng bà mất sớm. Sau khi chịu tang vợ, vì mắt kém, sức khỏe yếu, ông xin xuất ngũ rồi vào Sài Gòn làm nghề dạy học.

           Từ 1952, Bùi Giáng ở Sài Gòn, vừa dạy Việt văn và Pháp văn cho các trường trung học, vừa làm thơ, soạn sách giáo khoa, dịch văn học Pháp và nghiên cứu văn học, triết học. Năm 1969, sau một vụ hỏa hoạn thiêu rụi  bản thảo, tranh và sách báo ở nhà trọ, Bùi Giáng phát bệnh tâm thần, phải vào điều trị ở Dưỡng trí viện Biên Hòa. Từ đó cho đến khi qua đời, ông vừa là thi nhân, vừa là bệnh nhân. Ông sống trong thế giới của riêng ông nhưng vẫn không mất cảm giác về thực tại: đất nước, chiến tranh, hòa bình… Đặc biệt, ông là một người điên hiền lành, không làm hại ai và sức sáng tạo vẫn dồi dào cho đến những năm tháng cuối cùng.

           Nguyễn Minh Châu có lần nói rằng Nguyễn Tuân là cả một định nghĩa về người nghệ sĩ. Trong ý tứ ấy, có lẽ nhà văn muốn nhấn mạnh đến tính độc đáo của Nguyễn Tuân, người mà cách sống và cách viết không hề giống ai và cũng không ai giống được. Không thể lấy Bùi Giáng để định nghĩa về người nghệ sĩ như Nguyễn Tuân, nhưng nói về tính độc đáo thì Bùi Giáng không thua gì, thậm chí có thể nói đó là một “ca” đặc biệt, độc nhất vô nhị, của văn học Việt Nam cả về đời người và đời văn, làm nên căn cước của một văn tài không có “thẻ căn cước”.

           Vậy cái độc đáo của Bùi Giáng là ở chỗ nào? Nhiều người đã viết về điều này với những phân tích và dẫn chứng thuyết phục. Nhân đây, cũng xin nói thêm rằng, trong lịch sử tiếp nhận văn học Việt Nam đương đại, ít có tác gia nào gợi cảm hứng cho nhiều bài viết hay như Bùi Giáng. Hai cuốn sách Bùi Giáng trong cõi người ta và Đười ươi chân kinh nói lên điều đó. Kế thừa ý kiến của những nhà nghiên cứu đi trước, dưới đây chúng tôi xin nêu lên một số đặc điểm khái quát nói lên sự độc đáo của văn và người Bùi Giáng.

 Thứ nhất, thơ và người Bùi Giáng là sự kết hợp giữa thiên nhiên nguyên sơ, hoang dã và nhịp đời phố thị. Tuổi thơ Bùi Giáng trải qua một vùng thiên nhiên hào phóng ruộng đồng, non nước, cỏ cây dọc sông Thu Bồn, dưới chân núi Cà Tang. Thơ lục bát của Bùi Giáng hóa kiếp và cho đầu thai để tái sinh cả những cánh bướm, cánh chuồn chuồn, con kiến, con vi trùng, sâu bọ cùng hoa hoang cỏ dại qua ngôn ngữ hiện đại. Ông thi vị hóa và biểu tượng hóa những năm tháng theo đời Tô Vũ những ngày Trung Phước đó. Nhưng ông cũng sớm nhập vào cuộc sống đô thị, bắt đầu từ Hội An, Huế, rồi Sài Gòn:



Anh đi về đô hội.

Ngó phố thị mơ màng.

Ông như một cái cây bị bứng khỏi phù sa Thu Bồn, vất giữa đất Sài Gòn, tưởng thung thổ lạ lẫm mà vẫn hút được dưỡng chất phồn hoa để tồn tại. Những ai từng gặp ông quần áo tả tơi, thổi tu huýt, cầm tàu lá chuối chỉ hướng cho xe cộ ngược xuôi ở một ngã tư giữa trưa nắng Sài Gòn, sẽ thấy sự kết hợp kỳ lạ giữa hình ảnh người nhà quê và văn minh đô thị. Ông vừa lạc lõng giữa đất Sài Gòn lại vừa muốn là một tế bào – tuy là tế bào dị thể – của nó. Thơ ông không dửng dưng với “những đèn khuya phố thị”, “những chiều hôm phố thị”. Có lúc ông tự tránh mình: Bây giờ tôi đã quên xưa/ Sài Gòn cám dỗ tôi chưa chịu về. Điều kỳ diệu là Bùi Giáng ngao du sơn thủy mà vẫn như trụ chân một chỗ. Sau 37 năm ông mới trở lại quê nhà, nhưng thật ra ông đã có bao chuyến về tâm thức, đúng hơn, chân ông đi xa mà tâm ông còn ở lại: Hỏi rằng: người ở quê đâu?/ Thưa rằng: tôi ở rất lâu quê nhà. 

        Thứ hai, gắn liền với kết hợp Quê – Phố đó là một kết hợp khác trong sự nghiệp Bùi Giáng: kết hợp giữa cổ xưa và hiện đại, Đông phương và Tây phương. Từ một làng quê xứ Quảng, giã từ bầy dê từng được ông choàng hoa và đặt tên, Bùi Giáng và những trang từ điển của ông mở lối lên thành phố và đi ra nhân loại. Rồi ra Trung Niên Thi Sĩ không chỉ thân thiết với Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Chu Mạnh Trinh, Tản Đà…; mà còn làm quen với những tâm hồn xứ lạ của Martin Heidegger, Saint-Exupéry, Gérard de Nerval, André Gide, Albert Camus… Ông chơi với cái cổ điển nhất cũng hết mình như chơi với cái tân kỳ nhất. Ông yêu Thúy Vân trong vẻ đẹp truyền thống nhưng cũng tụng ca Thúy Kiều trên nền nhạc hiện sinh. Nhưng dù là truyền thống hay cách tân, Bùi Giáng vẫn hướng về những giá trị vĩnh cửu. Với ông, cái tĩnh tại uy nghi trường tồn như núi Ngự muôn đời bên bờ sông Hương là đẹp, đồng thời cái biến dịch muôn sắc huy hoàng cũng là đẹp, miễn là chúng ta vĩnh cửu hóa nó bằng nghệ thuật. Nếu làm một thống kê từ vựng trong thơ Bùi Giáng, sẽ thấy rằng bảng pha màu ngôn ngữ của ông đa dạng biết bao: những từ cổ kính, nghiêm trang đan kết với những từ tân thời, nghịch ngợm. Trục chọn lựa của ông phong phú, đa dạng mà trục kết hợp thì bất ngờ, kỳ lạ. Bản dịch Terre des hommes có nhiều nhan đề tiếng Việt: Giá trị con người, Quê xứ con người, Đất của con người… nhưng phải nhận rằng cái nhan đề do Bùi Giáng lấy từ câu thơ Kiều là hay nhất: Cõi người ta. Tương tự như vậy, theo thiển ý, Hoàng tử bé vẫn hay hơn Cậu hoàng con, Chú bé hoàng tử hay Cậu bé con nhà trời… Có lúc ông tặng cho bạn đọc cả hai nhan đề của cùng một cuốn sách: ai thích thân mật, suồng sã thì chọn Trường học đờn bà; ai muốn nghiêm cẩn, đài các thì lấy Thục nữ học đường. Nếu dùng một từ thời thượng hiện nay là “mở cửa”, “hội nhập”, thì ông nhà quê Bùi Giáng là người “mở cửa”, “hội  nhập” sớm hơn ai hết. Việc ông giỏi chữ Hán, tiếng Pháp thì không khó hiểu. Nhưng chỉ mười năm ở Sài Gòn, không qua trường lớp nào, mà ông thông thạo tiếng Anh, có thể đọc Shakespeare trong nguyên tác, và am hiểu một cách chuẩn xác, sâu sắc, khi đọc, dịch, trích dẫn Friedrich Hölderlin, Martin Heidegger, như sự xác nhận qua kiểm chứng trong thực tế của nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn, thì quả là một năng lực ngôn ngữ thâm hậu.  

        Thứ ba, một đối cực khác được kết hợp trong tác phẩm và con người Bùi Giáng là sách vở, nhà trường trang nghiêm với cuộc đời nắng gió, bụi bặm, xô bồ. Đó cũng là kết hợp giữa quy cách và phá cách. Xuất thân Bùi Giáng là nhà giáo, ông viết những lời trân trọng về các thầy giáo cũ của mình: Lê Trí Viễn, Cao Xuân Huy, Trần Đình Đàn, Hoài Thanh, Đào Duy Anh... Ông vào trường thi, thi rớt, phải thi lại để có tấm bằng. Nhưng ông cũng sẵn sàng bỏ trường mà đi khi thất vọng về nó. Khi viết sách giáo khoa, ông viết rõ ràng, mạch lạc, khúc chiết. Khi sáng tác, viết khảo luận và dịch thuật, ông để dòng ý thức của mình lôi ngòi bút đi miên man bất tận. Khó ai nói là đã hiểu đúng, hiểu hết ý tứ của ông, trong thơ và cả trong tiểu luận. Dịch Cõi người ta và Hoàng tử bé, ông có thể thêm vào những câu văn của chính mình để quảng diễn tư tưởng của tác giả, miễn là không trái nghịch với nó, như sự phân tích của nhà phê bình Bùi Vĩnh Phúc. Say Truyện Kiều, nên ông tập Kiều rất nhanh để diễn giải một hiện tượng văn học khác, chẳng hạn ông nói về tác phẩm Sylvie của G. de Nerval mà ông dịch là Mùi hương xuân sắc:

                          Người lên ngựa kẻ chia bào

                     Màu Sylvie đã nhuộm màu thời gian

                          Dặm hồng bụi cuốn chinh an

                     Trông vời lịch sử quan san nghiêng mày.

          Sách vở giúp Bùi Giáng trở thành trí giả; cuộc đời và số phận biến ông thành hiền giả. Người trí giả phải chịu lép vế trước người hiền giả trong ông. Điều thú vị là chưa nghe ai nói đến học giả Bùi Giáng, như cách dùng phổ biến lâu nay để chỉ những người chuyên sâu về một lĩnh vực học thuật như ông. Người và văn ông không để cho những chuẩn mực câu thúc, ý văn ông tràn ra ngoài những ranh giới của Lý trí, vì ông tin vào Heidegger: “Tư tưởng chỉ bắt đầu tư tưởng, là lúc chúng ta đã lịch nghiệm lĩnh hội được rằng cái Lý trí, vốn từ ba thế kỷ được xiển dương, xưng tụng, chính nó là thù địch ngoan cố nhất của Tư tưởng”. Và như vậy tư tưởng của ông đi theo đường dây của nó, nhảy từ Nerval đến Shakespeare, nhảy từ Shakespeare đến Nguyễn Du, nhảy từ Nguyễn Du đến Gide, rồi lại từ Gide nhảy đến Saint-Exupéry… Qua cái bề ngoài phi lô-gích, văn bản của ông thách đố người đọc đi tìm sự mạch lạc nội tại của nó.

          Thứ tư, đứng về mặt tâm lý sáng tạo và chức năng biểu hiện của văn bản, tác phẩm Bùi Giáng là sự pha trộn, nhập nhòa giữa thực và mộng, giữa tỉnh và mê. Thực và mộng, tỉnh và mê không có ranh giới rõ ràng mà thực hòa trong mộng, tỉnh hòa trong mê và ngược lại. Cô Mọi nhỏ, nàng Brigitte Bardot, em Marilyn Monroe, nường công chúa trong rừng…, đó là thực hay mộng, vậy mà ông thầm thì trò chuyện? Người ta có thể làm thơ trong khi điên, khi mê; nhưng điên và mê mà viết tiểu luận, biên khảo có được không? Có những trang thơ, trang sách Bùi Giáng viết như lên đồng, như viết tự động, viết trong giấc thụy du.  

          Theo lời kể của gia đình, bệnh án Bùi Giáng có ghi ông mắc bệnh “tâm thần phân liệt dạng sáng tạo chữ”. “Máu cuồng và hồn điên” phải chăng là một tố chất nghệ sĩ? Điên là cách thoát khỏi thế giới thực tại để đi vào trong một thế giới huyễn ảo của tâm hồn. Nói cách khác, điên là lìa xa thế giới của người, ẩn sâu vào thế giới của mình, không còn bị gò bó, vướng bận. Từ khi được/ bị xem là điên, Bùi Giáng thong dong đi tiếp con đường của mình, không phải chiều lụy gia đình, xã hội; không ai và không điều gì có thể níu kéo, làm phiền ông nữa. Điên như Bùi Giáng có hai cái lợi. Một mặt, ông không tùy thuộc vào đời sống vật chất, không theo những quy ước thông thường của con người xã hội. Mặt khác, ông có thể phóng mình vào thi giới của mình, một thi giới mang ít nhiều ảnh tượng của hiện thực nhưng lại do chính ông tái tạo và chế biến. Có thể nói ông là đấng toàn năng, là hoàng đế trong thế giới của riêng ông. 

         Thứ năm, lao động nghệ thuật của Bùi Giáng là sự kết hợp giữa nghĩ, viết và chơi. Có lẽ ông không phải là “phu chữ”, như cách nói của Lê Đạt, mà là “người nghịch chữ”. Ngay trong khi nghĩ, ông đã nghịch ngợm những con chữ và khi viết ra thì thực sự là ông bày trò chơi trên trang giấy. Bao vấn đề suy tư triết học, tư tưởng văn học hóc búa, rối rắm, ông diễn đạt tuy rườm rà mà đọc vẫn thấy vui, nhiều khi ta chưa hiểu hết ý của ông mà không thấy mệt óc. Ông là bậc kế tục thượng thừa những trò chơi chữ, nói lái của văn hóa dân gian, của Hồ Xuân Hương, Tú Xương, Tú Quỳ… Người ta ít thấy trong văn Bùi Giáng vẻ nghiêm nghị, cau có của người tin rằng mình đang nói những điều quan trọng hay đang phát ngôn cho chân lý. 

         Thứ sáu, đây là điều tế nhị mà cũng khó phân tích đầy đủ, ngôn ngữ Bùi Giáng là sự kết hợp giữa tục và thanh, tục mà thanh, thanh mà tục, trong tục có thanh, trong thanh có tục. Tôi e là sẽ đi quá xa nếu dùng khái niệm ẩn ức của phân tâm học để giải thích sự say mê từ ngữ có tính chất sinh thực khí, nhiều khi đến độ lẳng lơ, của Bùi Giáng. Nhưng đó là một thực tại ngôn từ trong văn bản của ông. Nhiều khi những khái niệm triết lý uyên áo được biểu đạt bằng một từ mà với cách nói lái, người đọc hồ nghi về sự nghiêm túc của nó. Thay vì tìm đường tránh né bằng cách viết tắt, hay lộ liễu nói ra sự vật không che đậy như các nhà văn trẻ bạo liệt hiện nay, Bùi Giáng dùng cách nói lái, có lẽ vì ông cho rằng cách này sẽ không làm mất đi sự vang lên của âm thanh trong tiếp nhận của người đọc, lại vang những hai lần theo hai lối ngược và xuôi. Hẳn nhiên, như đã nói, ông không phải là kẻ khai phá hay sáng chế thú chơi chữ này, nhưng có lẽ ông là người phát huy nó mạnh mẽ và cuồng nhiệt nhất.

         Tuy nhiên, Bùi Giáng lại hiếm khi gắn cái sự nghịch ngợm đó khi phác vẽ hình tượng những người nữ yêu mến của ông. Tình yêu của ông với những người nữ ngoài đời hay trong tưởng tượng, từ Cô mọi nhỏ đến những bậc nữ lưu danh giá như Phùng Khánh, Kim Cương, Hà Thanh, Marilyn Monroe, Brigitte Bardot… đều là tình yêu thánh hóa, tình yêu trong ý niệm theo kiểu Platon. Những khát khao dục tính chìm khuất dưới lớp từ ngữ nhiều ẩn dụ. Thành ra Bùi Giáng không ưa làm một thứ văn chương sạch sẽ quá, nhưng văn chương ông vẫn là sang trọng, tục mà không thô.

         Sáu đặc điểm đó nói lên rằng Bùi Giáng là một thứ của lạ, của hiếm trong văn học Việt Nam. Ông là thứ quả mà cây văn chương chỉ kết được một lần. Thiên tài bao giờ cũng là một bí ẩn. Hàn Mặc Tử là bí ẩn. Bích Khê là bí ẩn. Nhưng Hàn Mặc Tử chôn kín đời mình trong trại phong Quy Hòa, Bích Khê giam thân trên con đò Trà Giang, mặc cho người đời tìm cách suy đoán, giải mã thế giới nghệ thuật của họ. Bùi Giáng, trái lại, phơi mình giữa nắng gió cuộc đời, rong chơi bất tận giữa đám đông người mà vẫn là bí ẩn trước mắt thiên hạ.

         Ai ở Sài Gòn những năm 70, 80, 90 mà không một lần gặp Trung Niên Thi Sĩ. Trên những con đường quanh chợ Trương Minh Giảng. Trước cổng trường Đại học Vạn Hạnh. Trong sân chùa Già Lam. Giữa các con hẻm quanh co của Xóm Gà Gia Định. Chúng tôi có bốn năm là hàng xóm của ông ở Xóm Gà. Một buổi trưa nắng gắt, tôi chạy xe về hẻm 482 Lê Quang Định, thấy ông nằm như thiu ngủ trên một đống cát nhà ai đang xây, bóng cây không che hết gương mặt teo tóp đọng nắng của ông. Vài tờ giấy viết dở vương vãi bên cạnh. Tôi dừng xe lại, chưa biết làm gì: nhặt giúp ông những tờ bản thảo sắp bay đi hay đánh thức gọi ông vô nhà. Giữa lúc tôi còn phân vân, thì Bùi Giáng, mắt vẫn nhắm nghiền, nhưng linh cảm có người bên cạnh, đưa bàn tay lên xua qua xua lại, ngầm bảo rằng: hãy đi chơi chỗ khác đi, đừng quấy rầy ông, hãy để ông yên với cơn mê của ông, thế giới của ông.

          Chúng ta nói nhiều, viết nhiều về Bùi Giáng, nhưng có lẽ chúng ta vẫn là người xa lạ đối với ông. Cuộc tọa đàm này cần cho chúng ta, để chúng ta thêm một lần đón nhận ông, đón ông về lại với không gian văn hóa này, thậm chí, có thể nói, một cách nào đó là chuộc lỗi với ông, bởi có lần ta đã lạnh nhạt, nếu không muốn nói là xua đuổi ông. Thử tưởng tượng bữa nay Bùi Giáng tinh anh nghe nói có tọa đàm về ông ở trường đại học. Chắc ông sẽ lò dò đến đây, leo lên cầu thang, đứng ngoài cửa ngó vào, nghe lấy đôi câu, rồi hấp háy đôi mắt dưới cặp kính dày cộp mà lẩm bẩm: “Các con cứ ở đó mà tọa đàm đi, Trẫm rong chơi đây!”.

          Dẫu có như thế, chúng ta cũng đừng phật ý. Ta hãy đáp lại ông bằng ngôn ngữ của chính ông: “Vui thôi mà, thưa Trung Niên Thi Sĩ”.







tải về 41.27 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương