BỐi cảnh ra đỜi và xu hưỚng phát triển của cáC ĐẢng chính trị HỒi giáO Ở ĐÔng nam á trưỜng hợp inđÔNÊxia và malaysia



tải về 58.28 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích58.28 Kb.
#30987

CSDL PICMS Thông tin Hỏi - đáp phục vụ ĐBQH của Phòng Thông tin, Trung tâm Thông tin - TV - NCKH, Văn phòng Quốc hội


BỐI CẢNH RA ĐỜI VÀ XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN CỦA CÁC

ĐẢNG CHÍNH TRỊ HỒI GIÁO Ở ĐÔNG NAM Á

TRƯỜNG HỢP INĐÔNÊXIA VÀ MALAYSIA

Mặc dù tiếp thu Hồi giáo khá muộn(1), nhưng các đảng chính trị mang màu sắc Hồi giáo ở Đông Nam Á lại xuất hiện khá sớm trên nền tảng các phong trào Hồi giáo chống chủ nghĩa thực dân phương Tây từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Cùng với sự trưởng thành của các phong trào dân tộc - tôn giáo, các đảng chính trị Hồi giáo không ngừng phát triển và đóng vai trò to lớn trong công cuộc giải phóng dân tộc trước đây, cũng như ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống chính trị Hồi giáo ở các quốc gia Đông Nam Á ngày nay.

1. Sự ra đời của các đảng Hồi giáo đầu tiên trên cơ sở hình thành chủ nghĩa dân tộc và quá trình lớn mạnh của phong trào cải cách Hồi giáo đầu thế kỷ XX ở Đông Nam Á - trường hợp Inđônêxia và Malaysia

1.1. Trường hợp Inđônêxia: Trên các vùng lãnh thổ Đông Ấn thuộc Hà Lan (Dutch East Indies), hai nhóm xã hội đóng vai trò chủ đạo trong phong trào chống thực dân thời kỳ đầu, về sau phát triển thành các phong trào dân tộc là thương nhân Java (sudagar) vùng kauman và tầng lớp quý tộc (priyayi) sống gần hoặc trong lâu đài (kraton). Hai tầng lớp này có quan điểm khá khác nhau: trong khi tầng lớp priyayi coi sudagar là những kẻ có bản tính dối trá, tham lam, thô lỗ và tất cả vì mục đích lợi nhuận, thì những người sudagar coi kinh doanh, làm giầu là việc tốt, thuận theo lời dạy của Nhà tiên tri Mohamad.

Từ thập kỷ 1830, tầng lớp piyayi tham gia bộ máy chính quyền thực dân. Tuy nhiên, đã bị phân biệt đối xử so với đồng nghiệp da trắng nên tầng lớp này nhanh chóng trở nên bất mãn và tham gia đấu tranh chính trị. Cũng từ những năm 1880, nhiều con em của piyayi được theo học tại các trường dạy bằng tiếng châu Âu ở Batavia, một số có cơ hội đi du học. Vì vậy, họ vừa có kiến thức vừa được làm quen với văn minh phương Tây. Năm 1908, phong trào Budi Otomo ra đời với mục tiêu đấu tranh đòi cải thiện vị trí thấp kém của các piyayi trong bộ máy chính quyền thực dân vùng Pangreh Pradja(2).

Từ thực tiễn đấu tranh, nhiều piyayi dần ly khai khỏi Budi Otomo. Những người có tư tưởng cấp tiến tham gia vào các phong trào dân tộc, tiêu biểu như năm 1912, hoàng tử Suwardi Suryaningrat (Ki Hajar Dewantara) gia nhập đảng Ấn Độ (Indische Partij). Nhiều người quay lại các tổ chức thần bí với mục tiêu chống chủ nghĩa quân bình, xây dựng một cộng đồng chính trị mang tính thần bí, trong đó, người dân thường (cilik) chịu sự quản lý chạc chế của tầng lớp võ sĩ (satria).

Tầng lớp sudagar chính thức tham gia chính trị từ những năm 1910, bắt đầu bằng việc thành lập đảng Sarekat Dagang Islam vào năm 1909 do Kyai Ahmad Dahlan lãnh đạo (hai năm sau đổi thành Sarekat Islam). Vào thời gian này, do tác động của những thành tựu khoa học kỹ thuật, tàu hơi nước tương đối phổ biến đã rút ngắn hành trình của những người hành hương đến Meca, ngành in ấn phát triển đưa những tư tưởng Hồi giáo đến gần hơn với tín đồ, nhất là giới trẻ có tri thức, nhiều người có điều kiện được đi học ở Trung Đông. Do đó, một trào lưu cải cách Hồi giáo ra đời, tiêu biểu như Muhammadiyah (Hiệp hội của Nhà tiên tri) năm 1912, hay Persatuan Islam (Hiệp hội Hồi giáo) năm 1923. Các hiệp hội này chủ trương làm trong sạch Hồi giáo ở Java và chống lại sự hành đạo đa thần (shirk). Trong những năm 1920, Sarckat Islam trở thành tổ chức mạnh nhất trong số các đảng chính trị ở Java, là đầu mối tổ chức các cuộc bãi công lớn trong các đồn điền. Tuy nhiên, đảng này dần mất ảnh hưởng vào tay Đảng Cộng sản và những đặc điểm Hồi giáo cũng bị mai một.

Trước làn sóng cải cách lan rộng, các giáo sĩ ulama theo xu hướng truyền thống, vẫn không muốn thay đổi thực tiễn hành đạo, thành lập đảng Nahdlatul Ulama (Ulama mới) năm 1926. Các ulama của đảng này đều là những người đứng đầu các trường Hồi giáo lớn (pesantren) ở nông thôn Java, trong khi đó, Muhammadiyah là phong trào xuất phát và có nền tảng ở thành thị.

Như vậy, đầu những năm 1920, phong trào dân tộc chủ nghĩa ở Inđônêxia tồn tại hai luồng tư tưởng: xu hướng chủ yếu dựa trên những truyền thống bản địa Java, do các priyayi khởi xướng; và xu hướng mang tư tưởng Hồi giáo, là sản phẩm của thương nhân kauman. Bên cạnh đó, trong nội bộ cộng đồng giáo sĩ Hồi giáo Java cũng bị phân chia thành hai phe: cải cách và truyền thống. Cũng chính từ đây đã xuất hiện những tranh luận xung quanh vai trò của Hồi giáo trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc.



1.2. Trường hợp Malayxia: Khác với thực dân Hà Lan, ở Malayxia người Anh không áp dụng cơ chế cai trị trực tiếp hay tổ chức “nền kinh tế đồn điền”, nên cho đến những năm 1940 vẫn chưa nổ ra nhiều phong trào quy mô lớn chống thực dân. Tuy nhiên, do những ảnh hưởng của các luồng tư tưởng phương Tây, từ nửa sau thế kỷ XIX đã diễn ra một quá trình thay đổi tư tưởng ngày càng mạnh mẽ trong đội ngũ các Sultan tiến bộ. Ý tưởng về một nhà nước thống nhất (negara), dưới sự lãnh đạo của một quân vương (raja) mạnh, cũng như các quan niệm mới về quyền tự do cá nhân xuất hiện công khai. Đến những năm 1940, các phong trào dân tộc tập hợp lại dưới tổ chức chính trị rộng lớn: Tổ chức thống nhất dân tộc Malay (UMNO) nhằm đấu tranh thành lập liên bang Malay độc lập.

Cuối năm 1950, một nhóm ulama tách khỏi UMNO để thành lập đảng Hiệp hội Giáo sĩ toàn Malayxia (Persatuan Ulama se-Malayxia), sau đổi thành đảng Hồi giáo Malayxia (PAS). Các ulama thuộc đảng PAS phê phán quan điểm hiện đại của các thủ lĩnh UMNO. Tuy nhiên đảng PAS vẫn ủng hộ UMNO cho đến cuối thập kỷ 1950.

Có thể nói, đến cuối những năm 1940 ở Malayxia không diễn ra sự đối đầu trực tiếp giữa các phong trào dân tộc và chính quyền thực dân. Câu hỏi về quan hệ giữa Hồi giáo và dân tộc (bangsa) ít được đặt ra đến tận cuối thời kỳ thực dân, mặc dù vấn đề đổi mới các sultanate theo hướng tự do đã được các nhà tư tưởng Hồi giáo đề cập từ cuối thế kỷ XIX.

Như vậy, từ đầu thế kỷ XX ở Inđônêxia và Malayxia diễn ra hai hiện tượng có tác động qua lại với nhau: sự ra đời của các phong trào dân tộc chống lại các nhà nước thực dân và phong trào cải cách Hồi giáo. Điều đó đồng thời dẫn đến hình thành tư tưởng dân tộc (bangsa) và một hình thức cộng đồng mới được Hồi giáo thừa nhận là các dạng chính trị Hồi giáo, thực thể trước đây bị kinh Qur'an cấm vì được cho là biểu hiện của chủ nghĩa bè phái (asabbiyah) có thể dẫn tới phá vỡ tính đoàn kết của cộng đồng (ummat).



2. Các xu hướng của một số đảng chính trị Hồi giáo ở Đông Nam Á thời kỳ hậu độc lập

Sau khi giành được độc lập, bối cảnh lịch sử - chính trị mới đã có tác động quyết định đến xu hướng phát triển của các đảng Hồi giáo ở Inđônêxia và Malayxia, một số phát triển theo xu hướng cực đoan.

- Ở Inđônêxia, sự ra đời và phát triển chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan về cơ bản có thể chia thành ba giai đoạn: Giai đoạn thứ nhất (1948 đến đầu những năm 1960), gắn liền với cuộc đấu tranh đòi thành lập nhà nước Hồi giáo độc lập do phong trào Darul Islam tiến hành. Giai đoạn thứ hai kéo dài từ giữa thập kỷ 60 đến cuối những năm 1990, thời kỳ các tổ chức Hồi giáo bị chính phủ Suharto đàn áp và kiểm soát chặt chẽ. Và giai đoạn thứ ba từ giữa những năm 1990 đến nay. Giữa những năm 1990, chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo có cơ hội trỗi dậy khi Suharto tìm cách dựa vào các tổ chức này để đối phó với giới sĩ quan quân sự cao cấp và các phong trào dân chủ. Vì vậy, hàng loạt tổ chức vũ trang Hồi giáo nhận được những nguồn hỗ trợ to lớn của chính phủ và khi chế độ Suharto sụp đổ tháng 5/1998, các tổ chức này lại càng có cơ hội phát triển nhanh chóng về cả số lượng và quy mô.

Từ năm 1942 - 1945, Inđônêxia nằm dưới sự thống trị của quân đội Nhật hoàng. Để quản lý Java, người Nhật dựng lên nhiều tổ chức, một trong số đó là Majlis Syuro Muslimin Indonesia (Masjumi). Đây là tổ chức tập hợp các ulama nổi tiếng, có chức năng quyết định những vấn đề thuộc về các cộng đồng có đông người Hồi giáo, như giáo dục Hồi giáo, tôn giáo, lễ hội, hành hương v.v...

Ngày 17/8/1945, Inđônêxia tuyên bố độc lập, nhưng ngay sau đó phải bước vào cuộc kháng chiến 4 năm chống quân Hà Lan quay trở lại. Trong cuộc chiến này, trên toàn Java xuất hiện nhiều đơn vị du kích quân. Nhiều đơn vị ủng hộ Sukarno xây dựng nhà nước thế tục, nhưng ngược lại có nhiều tổ chức như Barisan Sabilillah hay Barisan Hizbullah với thủ lĩnh là các giáo sĩ Hồi giáo (kyai) lại hướng tới mục tiêu một nhà nước Hồi giáo (negara Islam), lấy Shar'iah làm hiến pháp. Cũng từ năm 1948 đến 1962, ở Java và sumatra nổi lên phong trào du kích Hồi giáo Danh Islam (lãnh thổ Hồi giáo) chống lại nhà nước cộng hoà.

Sau Hội nghị bàn tròn Hague năm 1949, tổng thống Sukarno, với sự ủng hộ của Masjumi, đã tiến hành xây dựng nhà nước thế tục dựa trên bản hiến pháp 1945. Masjumi trở thành một đảng xã hội dân chủ dưới sự lãnh đạo của Moh Natsir. Đảng này tham gia tranh cử năm 1955, giành 20% ghế quốc hội và tham gia chính phủ.

Nhưng từ 1957, Sukarno giải tán quốc hội, cấm nhiều đảng hoạt động, trong đó có cả đảng Xã hội và Masjumi. Do đó các tay súng Masjumi tiến hành hoạt động bí mật. Năm 1967, Masjumi sáng lập Hội đồng tuyên truyền Hồi giáo Inđônêxia (Dewan Dakwah Islamiyah Indonesia-DDII). Tổ chức này ngày càng trở nên cực đoan. Giữa những năm 1970, DDII thành lập ủy ban đoàn kết Hồi giáo thế giới Inđônêxia (KISDI), lấy mục tiêu hành động là chống Mỹ và ủng hộ nhà nước Palestin. KISDI thiết lập quan hệ với nhiều tổ chức Hồi giáo lớn ở trung Đông và Malayxia.

Sau cuộc chính biến năm 1965, Suharto lên cầm quyền, mở đầu thời kỳ Trật tự mới (Orde Baru). Thời kỳ này, quân đội thẳng tay đàn áp hai mục tiêu là đảng Cộng sản (thập kỷ 60) và các phong trào Hồi giáo (thập kỷ 70, 80).

Năm 1971, Inđônêxia tổ chức tổng thuyền cử lần thứ 2. Ngoài Goikar, 9 đảng phái khác cũng tham gia tranh cử. Các đảng đối lập chính có Nahdlatul Ulama (tổ chức của các giáo sĩ Hồi giáo chính thống), đảng Dân tộc Inđônêxia (PNI) và Đảng Hồi giáo tự do Permusi. Kết quả là đảng Golkar chiếm 236 ghế (65%), với 63% tổng số phiếu bầu; Đảng Nahdlatul chiếm 60 ghế, Đảng Permusi 23 ghế, và PNI 20 ghế, 6 đảng còn lại chia nhau 21 ghế(3).

Mặc dù vậy, năm 1973, Suharto cấm Quốc hội tự do thảo luận những vấn đề nhạy cảm liên quan đến chính phủ. Tình hình càng trở nên xấu đi cùng với nạn tham nhũng tràn lan, khoảng cách phân biệt giàu nghèo ngày càng lớn. Đặc biệt, từ năm 1983, chính phủ đưa Pancasila trở thành nguyên tắc tư tưởng chính thức duy nhất cho mọi đảng phái, bất cứ ai chống lại Pancasila đều bị quy là cộng sản hay phần tử Hồi giáo cực đoan. Các đảng Hồi giáo, thủ lĩnh chính trị và các giáo sĩ phản ứng gay gắt, thậm chí sử dụng các hành động bạo lực. Năm 1984, Nahdlatul Ulama tách khỏi tổ chức liên minh các đảng Hồi giáo PPP. Tháng 9/1984, hàng nghìn thanh niên Hồi giáo tổ chức các cuộc bạo động tại Tanjung Priok, Jakarta, khiến hàng chục người chết.

Tuy nhiên, đến cuối thập kỷ 80, xuất phát từ những xung đột giữa tổng thống và một số tướng lĩnh cao cấp, Suharto tìm sự ủng hộ của các thủ lĩnh Hồi giáo. Năm 1990 Suharto hành hương đến Mecca, sau đó đỡ đầu cho sự thành lập Hiệp hội trí thức Hồi giáo Inđônêxia-ICMI, một tổ chức Hồi giáo ôn hoà do các viên chức nhà nước đứng đầu. Đồng thời, chính phủ hỗ trợ về giáo dục, tài chính... cho các thể chế Hồi giáo và chính thức thừa nhận vị trí chính thức của một số luật lệ Hồi giáo điều chỉnh những hành vi của tín đồ. Từ năm 1995, chính phủ cố gắng tái thiết lập quan hệ với DDII. Suharto, thậm chí phái con rể là tư lệnh Kopassus, lực lượng đặc biệt trong quân dội, tiến hành đàm phán với DDII. Do có quan hệ chặt chẽ, nhiều đơn vị của Kopassus dần chịu ảnh hưởng của Hồi giáo cực đoan.

Sau khi chế độ Suharto sụp đổ, có tới 42 đảng Hồi giáo ra đời, 9 trong số này tham gia cuộc bầu cử năm 1999. Tuy các đảng Hồi giáo không giành được quá 1/3 tổng số phiếu bầu, nhưng liên minh giữa các đảng Hồi giáo truyền thống và cách tân, thường được gọi là “trục trung dung” cũng đủ sức chặn đứng thủ lĩnh của Đảng Dân chủ đấu tranh PDI-P Sukarno Megawati và đưa đối thủ chính của Suharto là Abdurrahman Wahid lên chức tổng thống(4).

Trong khi đó, cùng với sự hồi sinh đầy sức sống của Hồi giáo sau kỷ nguyên Suharno, các tổ chức Hồi giáo cực đoan mới có điều kiện xuất hiện nhanh chóng với số lượng lớn.

Các tổ chức Hồi giáo cực đoan Inđônêxia có xuất phát điểm, nền tảng tư tưởng và cơ chế hoạt động rất đa dạng. Một số tổ chức bán quân sự như: Laskar Jihad (những chiến binh thần thánh), Laskar Jundul1ah (những chiến binh của chúa) và Laskar Mujahidin (những chiến binh thần thánh). Đây là các tổ chức tham gia vào các cuộc xung đột với người Thiên chúa giáo. Các nhóm khác, như FPI (Người bảo vệ mặt trận Hồi giáo) lại có hình thức hoạt động như một tổ chức bảo kê các khu đèn đỏ, nhà hàng, khách sạn... Tuy nhiên, tổ chức khét tiếng nhất, được coi là có quy mô lớn nhất Đông Nam Á là Jemaah Islamiyah (JI). Tổ chức này có cơ sở tại nhiều nước, nhưng phần lớn chủ tướng và thành viên là người Inđônêxia. JI là tổ chức liên quan đến các cuộc đánh bom khủng bố đẫm máu ở Inđônêxia, như các vụ đánh bom nhà thờ Thiên chúa giáo trong đêm Giáng sinh 2002, khiến 19 người thiệt mạng và vụ đánh bom trên đảo Bali tháng 10/2002 cướp đi sinh mạng của 202 người,...

Ở Malayxia, cựu thủ tướng Mahathir coi các ulama của đảng PAS là mối đe doạ thực sự (Mahazalim). Là một bộ phận của UMNO, năm 1951, PAS tách ra thành lập đảng chính trị và ngày nay là đảng đối lập chính tại Malayxia. Thời kỳ đầu, đội ngũ lãnh đạo của PAS là những người thuộc đảng cánh tả Dân tộc chủ nghĩa Malay, thành viên chủ yếu là giáo viên ở vùng nông thôn. Năm 1982, sự thay đổi lãnh đạo của PAS đánh dấu sự chuyển hướng mạnh mẽ theo các đặc trưng Hồi giáo. Ngày nay, các lãnh đạo và các nhà hoạt động chủ chốt của PAS là những giáo sĩ Hồi giáo.

Trong số các đảng chính trị đối lập, PAS cũng là đảng có mục tiêu tư tưởng được xác định rõ ràng nhất. Với nền tảng tư tưởng chính trị Hồi giáo, mục tiêu của PAS là xây dựng một nhà nước Hồi giáo. Đối với người dân Malayxia, nhất là người Bumiputra Hồi giáo, PAS xác định mục tiêu cải tạo xã hội hiện tại theo các nguyên lý Hồi giáo. Theo PAS, việc xây dựng một nhà nước Hồi giáo sẽ dẫn tới sự phục hưng tôn giáo và nâng cao công bằng, dân chủ, đạo đức, trật tự và ý thức xã hội, đồng thời loại bỏ sự áp bức của pháp luật và những hoạt động kinh tế “không lành mạnh” như cờ bạc. Như vậy, mục tiêu của PAS là không chấp nhận các khái niệm dân chủ thế tục như quyền lực đa số, quyền tự do cá nhân... Hầu hết người dân Malayxia thành thị, kể cả tín đồ Hồi giáo coi các chính sách của PAS, đặc biệt về xã hội, là quá khắt khe và cứng nhắc(5).

Ngày nay, PAS vẫn nhận được sự ủng hộ ở một số vùng nông thôn do chính sách tuyên truyền chính trị và tôn giáo là hai mặt tách rời nhau trong Hồi giáo và tôn giáo nên được nhìn nhận như một cách nhận thức về thế giới, về hệ giá trị, đặc điểm dân tộc và thậm chí là hệ tư tưởng. Bên cạnh đó, đảng PAS cũng nhận được sự tôn trọng của các tín đồ do các nhà lãnh đạo đảng này là các giáo sĩ Hồi giáo có uy tín và học thức tôn giáo uyên thâm.

Ngoài ra, ỏ Malayxia còn tồn tại phong trào cực đoan Darul Arqam với hơn 10 nghìn thành viên, tách ra khỏi PAS từ những năm 1970. Darul Arqam hoạt động dựa trên lãnh tụ uy tín Ashari Muhammad và mặc dù theo phái Suuni, tổ chức này mang cả các đặc trưng dòng Shiite. Chính phủ Malayxia coi tổ chức này là mối đe doạ đến tính đoàn kết dân tộc. Năm 1994, Hội đồng Fatwa liên bang cấm Darul Arqam hoạt động và Ashari bị bắt tại Thái Lan(6).

Như vậy, trước bối cảnh lịch sử - chính trị mới, một số đảng chính trị và tổ chức Hồi giáo có xu hướng hoạt động mang tính cực đoan. Tuy nhiên, xu hướng ôn hòa vẫn là dòng chính, chế ngự tính cực đoan trong một bộ phận các đảng phái/tổ chức Hồi giáo ở khu vực.

Ở Malayxia, cho đến nay và có lẽ trong tương lai gần, những chính sách ưu tiên của chính phủ với mục tiêu nâng cao vị thế của người Malay Hồi giáo, cùng với điều kiện kinh tế sung túc, trật tự an ninh - xã hội được bảo đảm... chính là cơ sở điều hoà những mâu thuẫn trong xã hội. Bên cạnh đó, chính phủ liên bang tăng cường khả năng quản lý Hồi giáo và sẵn sàng sử dụng các biện pháp mạnh để trấn áp các lực lượng âm mưu sử dụng bạo lực hay xung đột sắc tộc, tôn giáo vì mục tiêu chính trị.

Ở Inđônêxia, Hồi giáo xuất hiện trở lại như một lực lượng tôn giáo - chính trị có ảnh hưởng lớn sau khi chế độ Suharto sụp đổ năm 1998. Tuy nhiên, các chỉ số về kết quả bầu cử cho thấy, số phiếu dành cho các đảng Hồi giáo giảm từ 40% năm 1955 xuống chỉ còn 18% năm 1999. Đồng thời tỷ lệ ủng hộ hiến pháp thừa nhận luật Hồi giáo cũng giảm mạnh trong cùng thời gian trên. Như vậy, trong khi người dân coi trọng Hồi giáo trong đời sống tinh thần và hành vi cá nhân thì đa số lại khá dè dặt với việc Hồi giáo hoá đời sống chính trị(7). Bên cạnh đó, viễn cảnh Hồi giáo hoá nền chính tả Inđônêxia dường như khó sớm trở thành hiện thực vì khác với số lượng, các đảng Hồi giáo thường có quy mô nhỏ, không có tổ chức chặt chẽ, cương lĩnh không rõ ràng, nên khó tạo thành những lực lượng mạnh cố kết các tín đồ Hồi giáo có xu hướng hoạt động chính trị.

Gần đây nhất, hai cuộc bầu cử ở Malayxia và ở Inđônêxia cũng thể hiện so sánh lực lượng của các đảng Hồi giáo và xu hướng của nền chính trị.

Cuộc bầu cử ở Malayxia (21/3/2004) cho thấy cách mà UMNO, đảng chính trị Hồi giáo theo xu hướng tiến bộ và ôn hoà, giành thắng lợi bằng con đường dân chủ trước đảng PAS mang nhiều yếu tố cực đoan. UMNO gửi đến cử tri khẩu hiệu tranh cử “Hồi giáo và phát triển”, nhằm thể hiện phương châm cân bằng giữa tôn giáo và phát triển. Trong khi đó, đảng PAS đưa ra thông điệp mạnh mẽ: “lá phiếu cho thiên đường Hồi giáo”, nhấn mạnh mục tiêu áp dụng luật Shar'iah và cấm tất cả các hình thức giải trí “lai căng”.

Kết quả là PAS thất bại thảm hại tại Trengganu và mất nhiều ghế ở Kelatan, các bang thuộc “vành đai xanh” của PAS. Ngoài ra, tại nghị viện Liên bang đại diện của PAS giảm từ 29 xuống chỉ còn 7 ghế.

Cuộc bầu cử ngày 05/4/2004 ở Inđônêxia cũng thể hiện xu hướng ôn hoà của Hồi giáo chính trị nước này. Các đảng Hồi giáo như đảng Thống nhất phát triển (PPP), đảng Trăng lưỡi liềm (PBB) và đảng Dân chủ thịnh vượng (PKS) chủ trương áp đụng Shar'iah, bị các đảng có xu hướng thế tục như Dân chủ đấu tranh (PDI-P) và GOLKAR đánh bại. Hơn nữa hai tổ chức Hồi giáo ôn hoà khổng lồ Nahdlatul Ulama Muhammadiyah, với tổng số trên 70 triệu thành viên, đều đứng đằng sau PDI-P và GOLKAR để ủng hộ xây dựng một nhà nước Inđônêxia thế tục. Trang chiến dịch tranh cử, chỉ có một số ít đảng trong tổng số 24 đảng Hồi giáo có chương trình hành động dựa trên các nguyên tắc và mục tiêu Hồi giáo. Các dạng còn lại tập trung vào mục tiêu phát triển hơn là các vấn đề tôn giáo(8).

Diễn biến và kết quả Hai cuộc bầu cử là ví dụ sống động nhất cho thấy khuynh hướng ôn hoà vẫn là xu hướng chủ đạo, là sự lựa chọn của đa số cử tri.



Như vậy, cái nhìn lịch sử - chính trị đã góp phần cho thấy quá trình ra đời, phát triển và xu hướng của các đảng/tổ chức chính trị Hồi giáo ở Inđônêxia và Malayxia.

Các đảng Hồi giáo ra đời ngay trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc. Ở các phong trào thời kỳ này, dù lực lượng tham gia, phương pháp đấu tranh ít nhiều khác nhau, nhưng đều lấy Hồi giáo làm nền tảng tư tưởng chủ yếu. Hồi giáo đã trở thành ngọn cờ đoàn kết các lực lượng dân tộc. Trong quá trình đấu tranh, nhiều phong trào sớm thất bại, tan vỡ, một số tiếp tục phát triển theo những xu hướng khác nhau: phát triển thành các đảng chính trị Hồi giáo hoặc trở thành các phong trào đấu tranh với chính phủ vì các lợi ích của cộng đồng hay nhóm xã hội nhất định.

Từ sau khi các quốc gia ở Đông Nam Á giành được độc lập, do những điều kiện lịch sử - chính trị nhất định, một số đảng Hồi giáo phát triển theo hướng cực đoan hoá. Tuy nhiên cho đến nay và trong tương lai gần, xu hướng ôn hoà vẫn thắng thế. Xu thế này sẽ quyết định bản chất nền chính trị nói chung cũng như sách lược và nội dung hoạt động của mỗi đảng chính trị Hồi giáo trong khu vực.

CHÚ THÍCH

1. Cho đến nay, những chứng cứ đáng tin cậy cho thấy sự hiện diện sớm nhất của Hồi giáo ở Đông Nam Á là văn bia Leran tại miền Đông Java (c. 1050); bia mộ Gresik ỏ Đông Java (c. thế kỷ 12); và bia đá 4 cạnh Terengganu (batu tulis, 1350 - 1390) ở Bắc Malayxia. Tới nửa cuối thế kỷ 14 (1350 - 1400), tại Bắc Malayxia và Nam Thái Lan đã hình thành các tiểu quốc Hồi giáo.

2. Di. Romain Bertrand (Dec., 2004), Islam and Politics in Southeast Asia, Course at Fudan University, Department of International Relations.

3. D.R. SarDesai (2003), Southeast Asia: Past and Present, 5th ed, Westview Press, Colorado, USA. tr. 279.

4. Vincent. J.H.Houben, Southeast Asia and Islam, The Annals of The American Academy, AAPSS, 588, July 2003. P.159.

5. Edmund Terence Gomez (1998): Malayxia, in: Political Party Systems and Democratic Development in East and Southeast Asia, Volume 1: Southeast Asia, Wolfgang Sachsenroder and Ulrike E. Frings (edited), Ashgate Publishing Ltd. P. 248/49.

6. Vincent. J.H.Houben (2003), sđd, tr. 160.

7. Political Islam in Southeast Asia, (2003) Conference Report, The Paul H. Nitze School of Advanced International Studies (SAIS) - Johns Hopkins University, Washington, D.C.. tr.12.



8. Teo Chu Cheow, Elections in Malaysia and Indonesia: The future of political Islam in Southeast Asia, Radio Singapore (KSI), 22 April 2004.

ThS. Nguyễn Thanh Hải

Khoa Đông Phương học, trường ĐH KHXH và NV, Đại học Quốc gia Hà Nội

Nguồn: Nghiên cứu Đông Nam Á, 6/2006




Каталог: uploaded -> 2011
2011 -> Nghị quyết số 49-nq/tw ngàY 02 tháng 6 NĂM 2005 CỦa bộ chính trị VỀ chiến lưỢc cải cách tư pháP ĐẾn năM 2020
2011 -> BỘ giáo dục và ĐÀo tạo viện nghiên cứu phát triểN giáo dụC
2011 -> TÌnh hình và xu thế phát triển giáo dụC ĐẠi họC Ở MỘt số NƯỚc thuộc khu vực châU Á thái bình dưƠNG
2011 -> LUẬt pháp về biển và VÙNG biểN
2011 -> VĂn phòng quốc hộI
2011 -> Nghị quyết số 9-nq/tw ngàY 02 tháng năM 2005
2011 -> MỘt số quy đỊnh của bộ luật tố TỤng hình sự VỀ hoạT ĐỘng đIỀu tra và truy tố ĐỐi với ngưỜi chưa thành niên phạm tộI
2011 -> Nguyên tắc lập luận hợp lý VÀ nguyên tắc VI phạm mặc nhiên trong pháp luật cạnh tranh giới thiệu chung

tải về 58.28 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương