Bài 1: giới thiệu tổng quan kinh trung bộ Học kỳ 3 – Khóa III – Khoa Đào tạo Từ xa giới thiệu tổng quan



tải về 85.61 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích85.61 Kb.
#30820
Bài 1: GIỚI THIỆU TỔNG QUAN KINH TRUNG BỘ

Học kỳ 3 – Khóa III – Khoa Đào tạo Từ xa



GIỚI THIỆU TỔNG QUAN

Trung Bộ Kinh là tuyển tập thứ 2 trong 5 bộ kinh thuộc văn hệ Pali (Nikàya), gồm 152 pháp thoại do đức Phật và các vị đại đệ tử của đức Phật giảng thuyết khi Ngài còn sinh tiền. Do vì độ dài của kinh vừa phải, không quá dài như Kinh Trường Bộ hoặc ngắn như Kinh Tương Ưng, Kinh Tăng Chi, hoặc nhiều đề tài tổng hợp như Tiểu Bộ, do đó được đặt tên là “Trung Bộ Kinh” (Majjhima Nikàya).

Theo Lời thưa của môn đồ đệ tử của cố Hòa thượng Thích Minh Châu trong Tóm tắt Kinh Trung Bộ của [Hòa thượng] Thích Minh Châu, bộ kinh này được Hòa thượng khởi sự nghiên cứu vào năm 1952 (trên 60 năm về trước), lúc Ngài đang du học ở Sri Lanka, nhưng cho đến những đầu năm thập niên 60, 70 của thế kỷ trước, Ngài mới bắt đầu dịch bộ kinh này từ bản Pali ra tiếng Việt. Bộ kinh được xuất bản đầu tiên gồm 3 tập vào năm 1978, rồi tái bản vào năm 1986. Cuối cùng được đưa vào Đại tạng kinh Việt Nam năm 1992. Bộ mới nhất được Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam cho tái bản năm 2012, in thành 2 tập.

Đương thời, khi Hòa thượng còn sinh tiền, Hòa thượng rất chú trọng đến Trung Bộ Kinh. Hòa thượng hầu như đã dành thời gian để giảng đi giảng lại các bài kinh này trong các đạo tràng tại Thiền viện Vạn Hạnh, Tịnh xá Trung Tâm, Trường Cao Cấp Phật Học – cơ sở II.

Hòa thượng Thích Minh Châu đã viết trong Lời giới thiệu của bộ kinh năm 1986 để nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc học bộ kinh này: “Chưa học Kinh Trung Bộ là chưa nắm được tinh hoa của Phật giáo Nguyên thủy. Chưa nghiên cứu Kinh Trung Bộ rất có thể rơi vào những lệch lạc định nghĩa các danh từ chuyên sâu trong đạo Phật mà đức Phật đã dày công định nghĩa mỗi khi Ngài thuyết giảng giáo lý của Ngài”.

Tuy vậy, Hòa thượng cũng lưu ý trong công trình nghiên cứu So sánh kinh Trung A-hàm chữ Hán và kinh Trung Bộ chữ Pàli "A Comparative Study of the Chinese Madhyama Agama and the Pali Majjhima Nikaya" (Luận án tiến sĩ, 1961) rằng, Trung Bộ Kinh là tài liệu của Thượng Tọa Bộ và Trung A Hàm (222 kinh) thuộc Hữu Bộ đều dựa trên một tài liệu chung nào đó, có thể được viết bằng ngôn ngữ Magadhi, mà ngày nay nguồn tài liệu này đã mất.



NỘI DUNG, ĐỐI TƯỢNG THÍNH CHÚNG VÀ NGƯỜI GIẢNG

Nội dung: Nội dung kinh vô cùng uyên áo. Chúng ta không thể tóm tắt trong vòng 1-2 trang giấy để bao quát toàn bộ nội dung sâu sắc và nhiều đề tài này. Nếu chúng ta chia thành 5 phần chính: Phật, Pháp (giáo lý), Tăng, quan điểm ngoại đạo, vũ trụ quan Phật giáo thì Trung Bộ Kinh chuyển tải đầy đủ 5 phần này.

Mỗi bài kinh là một chủ đề riêng biệt hoặc một bài kinh với nhiều nội dung quan trọng khác nhau. Từ những sự kiện trong những kiếp quá khứ của Bồ-tát trước khi thành Phật đến kiếp chót Bồ-tát thọ thai giáng phàm, cho đến những sự kiện xuất gia, học đạo và chứng đắc Thánh quả vô thượng giác với những thành tựu tam minh, lục thông, thập trí và tứ vô sở úy. Các pháp tu tập Tứ Niệm xứ, Bát Chánh đạo... được trình bày đầy đủ, cách này hoặc cách kia. Lộ trình tu chứng từ một địa vị phàm phu đến chứng đắc Thánh quả Tu-đà-hoàn (Sotāpanna), Tư-đà-hàm (Sakadāgāmī), A-na-hàm (Anāgāmī) và A-la-hán (Arahant). Trung Bộ Kinh còn trình bày chi tiết những điều bất thiện của một phàm phu hay cho đến những nếp sống cao cả của một đoàn thể thanh tịnh, giải thoát.



Đối tượng thính chúng: Cho hội chúng Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Sa-di, cư sĩ nam, hội chúng Bà-la-môn, du sĩ ngoại đạo, Đế Thích, Ma vương, v.v… 152 bài kinh trong Trung Bộ Kinh hầu như mỗi bài là một đối tượng khác nhau trong mỗi trường hợp khác nhau.

Người giảng: - Phần lớn các bài kinh trong Trung Bộ Kinh do chính Đức Phật giảng, nhưng cũng có những trường hợp sau:

- Đức Phật thuyết vắn tắt và sau đó Tôn giả Sariputta và Moggalàna giảng như Kinh Không uế nhiễm (số 5).

- Tôn giả Xá-lợi-phất giảng độc lập như Kinh Giáo Giới Cấp Cô Độc (số 143).

- Tôn giả Sariputta giảng sau khi Phật giảng vắn tắt như Kinh Thừa tự pháp (số 3), Kinh Chánh Tri kiến (số 9), Đại kinh Dấu chân voi (số 28).

- Đức Phật chứng minh và Tôn giả Ananda giảng theo chủ đề do Đức Phật yêu cầu như Kinh Hữu Học (số 53).

- Tôn giả Moggalàna giảng như Kinh Tư lượng (số 15) và Kinh Hàng ma (số 50).

- Do các tôn giả cùng nhau chia sẻ và Đức Phật cho ý kiến đúc kết (Đại kinh Khu rừng sừng bò (số 32).

- Có những bài kinh do Tôn giả Mahàkaccàna giảng như phần thứ hai của bài kinh Mật hoàn (số 18); v.v…

- Kinh theo thể loại hỏi đáp như Tiểu kinh phương quảng (số 44) được nam cư sĩ Visàkha đặt ra và được Trưởng lão Ni Dhammadinnà trả lời.

- Kinh Trạm xe (số 24): Đức Phật tán thán tôn giả Punna Mantaniputta. Tôn giả Sariputta hoan hỷ đến thọ pháp và do đó tôn giả Punna Mantaniputta giảng.



Địa điểm giảng: Mỗi bài kinh có một bối cảnh riêng, do đó địa điểm được Đức Phật hoặc các Tôn giả đại đệ tử của Đức Phật giảng cũng khác nhau. Tuy nhiên, Tịnh xá Kỳ Viên tại Savatthi là địa điểm xuất hiện nhiều kinh nhất. Chúng ta có thể làm một cuộc khảo sát 60 kinh đầu trong 152 kinh:

Tại Xá Vệ: *Tịnh xá Kỳ Viên như từ Kinh Tất cả các lậu hoặc (2) đến Kinh Chánh tri kiến (9), Kinh Tiểu kinh Sư tử hống (11), Kinh Đại kinh Khổ uẩn (13), Kinh Tâm hoang vu (16), Kinh Khu rừng (17), Kinh Song tầm (19), Kinh An trú tầm (20) đến Kinh Gò mối (23), Kinh Bẫy mồi (25) đến Đại kinh Ví dụ dấu chân voi (28), Tiểu kinh Dụ lõi cây (30), Đại kinh Người chăn bò (32), Đại kinh Đoạn tận ái (38), Kinh Veranjaka (42), Kinh Nhiều cảm thọ (59), Đại kinh Phương quảng (43), Tiểu Kinh pháp hành (45), Đại kinh Pháp hành (46), Kinh Phạm thiên cầu thỉnh (49). ** Một số kinh ở địa danh khác như Đông Viên Lộc Mẫu Giảng đường: Tiểu kinh Đoạn tận ái (37). ***Trong nước Kosala: Kinh Sàleyyaka (41), Kinh Không gì chuyển hướng (60).

Tại Vương Xá: Tịnh xá Trúc Lâm, Linh Thứu hoặc Rừng xoài của Jivaka Komarabhacca: Kinh Trạm xe (24), Kinh Đại kinh Thí dụ lõi cây (29), Tiểu kinh Phương quảng (44), Kinh Tư sát (47), Kinh Jivaka (55), Kinh Vương tử Vô Úy (58).

Tại Vesali: Đại kinh Sư tử hống (12), Tiểu kinh Saccaka (35), Đại kinh Saccaka (36), Kinh Bát thành (52).

Tại Varanasi: Lộc Uyển hoặc những vùng phụ cận: Kinh Tư lượng (15), Kinh Hàng ma (50).

Tại Kosambi: Kinh Kosambiya (48).

Tại Kuru, thị trấn Kammassadhamma (kiềm-ma sắt đàm): Kinh Đại niệm xứ (10).

Kapilavatthu (Ca-tỳ-la-vệ) tại vườn Nigrodha (Ni-câu-luật viên): Tiểu kinh Khổ uẩn (14), Kinh Mật hoàn (18).

Tại tụ lạc Ukkattha, trong rừng Subhaga (rừng Hạnh phúc), dưới gốc cây Sa-la vương: Kinh Căn bản pháp môn (1).

Nadika, tại Ginjakavasatha: Tiểu kinh Rừng sừng bò (31), Đại kinh Rừng sừng bò (32).

 Tại Ukkacela, trên bờ sông Hằng: Tiểu kinh Người chăn bò (34).

Tại Anga (Ương-già), Assapura (xóm Ngựa): Đại kinh Xóm ngựa (39), Tiểu kinh Xóm ngựa (40).

Tại Campa (Chiêm-bà): Kinh Kankaraka (51).

Tại Anguttarapa: Kinh Potaliya (53).

Tại Koliya: Kinh Hạnh con chó (57).

Tại  Nalanda, trong rừng Pavarikamba: Kinh Ưu-ba-ly (56)

CÁC CÁCH ĐẶT TIÊU ĐỀ CỦA BÀI KINH

1. Dựa vào nội dung chính của pháp thoại: Kinh Pháp môn căn bản1 (1), Kinh Tất cả lậu hoặc (2)2, Kinh Thừa tự pháp (3), Kinh Sợ hãi và khiếp đảm (4),3 v.v..

2. Dựa vào địa điểm bài kinh được giảng: Tiểu kinh Khu rừng sừng bò (39), Đại kinh Khu rừng sừng bò (40), Đại kinh Xóm Ngựa (39), Tiểu kinh Xóm Ngựa (40),…

3. Dựa vào đối tượng người nghe: Tiểu kinh Saccaka (35), Kinh Giáo giới La-hầu-la (60), Kinh Jivaka (55), v.v…

4. Mượn một hình ảnh (dụ ngôn) để trình bày nội dung: Kinh Ví dụ tấm vải (7), Đại kinh Sư tử hống (12), Kinh Ví dụ cái cưa (21) Kinh Ví dụ con rắn (22), Kinh Gò mối (23), Kinh Trạm xe (24), Tiểu kinh Ví dụ dấu chân voi (27), Đại kinh Ví dụ lõi cây (29), v.v…

5. Dựa vào đối tượng người nghe và địa danh: Kinh Giáo giới La-hầu-la ở rừng Am-ba-la (61)

6. Dựa vào tầm quan trọng của nội dung nên đặt tên kinh là Tiểu (Cula) hay là Đại (Mahà): Tiểu kinh Sư tử hống (11), Đại kinh Sư tử hống (12)…

TƯ LIỆU HỌC TẬP

1. Tài liệu tiếng Việt:

1.1. Tài liệu bắt buộc:

- Kinh Trung Bộ, Đại tạng kinh Việt Nam, xuất bản năm 2012.

Ấn bản điện tử trên trang nhà Buddhasasana của Bình Anson. www.budsas.org/uni/u-kinh-trungbo/trung00.htm hoặc trang nhà Thư viện Hoa Sen. Người biên tập ấn bản này đã dựa vào bản tiếng Anh của Nanamoli nên đã chú thích thêm các tiêu đề của từng đoạn kinh.

- Thích Nữ Trí Hải (tóm tắt và chú giải), Toát yếu Kinh Trung Bộ (3 tập), Hà Nội, Nhà xuất bản Tôn Giáo, 2010.

- Thích Minh Châu, Tóm tắt Kinh Trung Bộ, TP.HCM, Nhà xuất bản Văn Hóa Sài Gòn, 2010.

1.2. Tài liệu tham khảo:

1. Kinh Trung A Hàm trong Đại tạng kinh, được đăng tải trên trang: http://www.viet.net

2. Thích Chơn Thiện, Tìm hiểu Trung Bộ Kinh (3 tập), Hà Nội, Nhà xuất bản Tôn Giáo, 2004.

3. Tỳ-khưu Chánh Minh, Luận giải Chánh Tri Kiến, Hà Nội, Nhà xuất bản Tôn Giáo, 2006.

4. Thiền sư Mahasi (TK. Pháp Thông dịch), Giảng giải Kinh Đoạn Giảm, TP. HCM, Nhà xuất bản Hồng Đức, 2013.

5. Bhikkhu Bodhi (Tỳ khưu Giác Lộc dịch), Chú Giải Kinh Căn Bản Pháp Môn (The Discourse On The Root of Existence). Đăng trên trang www. budsas.org


6. Hòa thượng Thích Minh Châu, Thích Nữ Trí Hải dịch Việt (1998), So sánh kinh Trung A-hàm chữ Hán và kinh Trung Bộ chữ Pàli "A Comparative Study of the Chinese Madhyama Agama and the Pali Majjhima Nikaya" (Luận án tiến sĩ, 1961).

7. Các bài do TT. Thích Nhật Từ biên soạn đã được đăng trên mạng Học viện: www.vbu.edu.vn


1.3. Pháp thoại: Các pháp thoại giảng giải về Kinh Trung Bộ do TT. Thích Nhật Từ giảng đã đăng trên trang Học viện: www.vbu.edu.vn hoặc đăng trên trang www.phapam.com

2) Tài liệu tiếng Anh:

Bản dịch thứ nhất với văn phong cổ với tựa đề The Collection of Middle Length Sayings, 3 vols. (London: PTS, 1954 – 1959) do bà I. B. Horner4 dịch sang tiếng Anh. Bản dịch thứ hai do Tỳ-kheo Nanamoli (25 /06/ 1905 – 08.03/1960) dịch và sau đó được Bhikkhu Bodhi hiệu chỉnh với tựa đề The Middle Length Discourses of the Buddha, 2 vols., (Boston: Wisdom Publication, 1995) hoặc Buddha (Wisdom Publications, 2009).


Chúng ta có thể tham khảo các nguồn tài liệu trên các trang mạng Phật giáo bằng tiếng Anh như: http://www.accesstoinsight.org/ hoặc trên trang Buddhasasana do Bình Anson biên tập.

Một số bản dịch khác do một số chư Tôn đức dịch với văn phong hiện đại và cũng ảnh hưởng đến nền văn học Phật giáo bằng tiếng Anh như: Thanissaro, Nyanaponika, Buddharakkhita, v.v…  



3) Tài liệu Pali và Prakrit

Vì hạn chế ngôn ngữ, nên chúng ta không sử dụng bản nguyên tác để học. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên biết tất cả bản dịch tiếng Việt hay bản dịch tiếng Anh đều dựa trên ấn bản Pali do Hội Pali Text Society ấn hành từ những năm 1879 trở về sau. Ấn bản Trung Bộ Kinh bằng tiếng Pali được V. Trenckner & R. Chelmers biên tập, 3 quyển, (London: PTS, 1888 – 1896).

Theo Wikipedia http://en.wikipedia.org/wiki/Majjhima_Nikaya, hiện nay chúng ta có bản dịch Kinh Trung Bộ bằng tiếng Hindi từ nguyên tác Prakrit.

Đối với các học giả giỏi Pali ngữ, Sớ giải Kinh Trung Bộ (Papañcasūdani) bằng tiếng Pali của Ngài Buddhaghosa là bảo bối đối với người nghiên cứu. Cách phân 152 kinh thành 15 phẩm (vagga) cũng do Ngài Buddhaghosa thực hiện. Chữ MA trong các ấn bản tiếng Anh và tiếng Việt là chữ viết tắt của Majhima Nikāya Aṭṭhakātha (Sớ giải Kinh Trung Bộ). Trên thực tế như đã nói, chữ sớ giải Kinh Trung Bộ bằng tiếng Pali của ngài Buddhaghosa phải viết là Papañcasūdani.

Một bản Hậu Sớ giải của Kinh Trung Bộ (Majjhima Nikaya Tika, viết tắt là MT), tức là Sớ giải của Sớ giải Kinh Trung Bộ do đại học giả Theravada là Ngài Dhammapala, được xem là vị sớ giải lớn thứ hai trong nền văn học Pali.

CÁCH HỌC

- Trước khi đến lớp, học viên phải tự đọc bài kinh hoặc tài liệu do giáo thọ đã cung cấp trước hoặc những tài liệu đã giới thiệu. Qua đó, mỗi học viên có thể tự thẩm thấu lời dạy của đức Phật bằng chính sự suy tư của mình.

- Học viên nghe bài giảng tại lớp để tự đối chiếu với những gì mình đã đọc và suy tư để phát triển nhận thức. Giảng viên không nhất thiết là đọc toàn bộ bài kinh để giảng chi tiết toàn bộ.

- Thảo luận tại lớp với giảng viên (nếu có thời gian và khi cần thiết) để giải tỏa những điểm nghi ngờ.



CÁC BÀI ĐÃ HỌC TRONG NĂM THỨ NHẤT

Đối với học viên năm 1 khoa Đào tạo từ xa khóa III đã được học một số kinh để thay thế cho môn Thuật ngữ Phật pháp tiếng Anh. Do đó, trong học kỳ I các học viên được yêu cầu phải học từ bài 1 đến bài 8 (theo thứ tự file đã đưa trên mạng) để thi giữa kỳ và bài 9 đến bài 18 để thi cuối kỳ theo các bài giảng của TT. Nhật Từ.

Trong học kỳ 2, một số kinh đã được học (xếp theo số thứ tự) như sau: 1. Tiểu kinh Saccaka (35), 2. Kinh Hữu học (53), 3. Tiểu Kinh Malunkyaputta (63), 4. Kinh Ratthapala (82), 5. Kinh Vương tử Bồ-đề (85), 6. Kinh Angulimala (86), 7. Đại kinh Bốn Mươi (117), 8. Kinh Phù-di (126).

ĐỀ CƯƠNG THEO NHÓM

Bài 00: Giới thiệu tổng quan

Cách phân loại sau dựa theo cách phân loại của Ngài Buddhaghosa. Trong mỗi nhóm nếu chúng ta chọn một hoặc hai bài tiêu biểu để học thì chúng ta sẽ chọn như dưới đây. Mỗi bài tối đa 2 tiết.



Bài 01 = Nhóm 1 (1-10): Cương yếu của các pháp môn căn bản

Kinh Tất cả lậu hoặc (2) Phật dạy các Tỳ-kheo bảy phương pháp để chế ngự và từ bỏ nhiễm ô, tức những phiền não căn bản cứ tiếp tục trói buộc con người vào chu kỳ sinh tử. Kinh Niệm xứ (10) là một trong những kinh quan trọng nhất hướng dẫn thiền tập, phát triển tuệ quán. Ngài nhấn mạnh Bốn Niệm xứ - quán thân, quán thọ, quán tâm và quán pháp là con đường thẳng tắt để chứng quả Bất hoàn, A-la-hán, Niết-bàn tịch tĩnh.

Bài 02 = Nhóm 2 (11-20): Tiếng rống sư tử

Đại kinh Sư tử hống (12): Phật giảng về 10 lực của một đức Như Lai, bốn vô úy và những đức thù thắng khác, nhờ đó Ngài đủ uy lực và tư cách rống tiếng rống sư tử trong các hội chúng.

Bài 03 = Nhóm 3 (21-30): Các ảnh dụ 5

Kinh Ví dụ con rắn (22): Một Tỷ-kheo tên Ariṭṭha khởi lên tà kiến cho rằng hành vi mà Phật cấm thực sự không phải là chướng ngại (cho giải thoát). Phật quở trách ông và với nhiều ví dụ đáng nhớ. Ngài nhấn mạnh những nguy hiểm của việc áp dụng sai và giải thích pháp một cách sai lạc. Cao điểm của kinh này là một trong những thiên trường luận khởi sắc nhất về vô ngã được tìm thấy trong Kinh tạng.

Bài 4 = Nhóm 4 (31-40): Các phẩm song đối

Tiểu kinh Rừng sừng bò (31): Phật gặp 3 Tỷ-kheo sống chung hòa hợp như “nước với sữa” và hỏi họ làm thế nào sống được hòa hợp như vậy. Đại kinh Rừng sừng bò (32): Vào một đêm trăng sáng, một số cao đệ (A-nan, Ly-bà-đa, A-na-luật, Ca-diếp, Mục-kiền-liên, Xá-lợi-phất) của Phật tụ họp trong rừng cây Sa-la thảo luận về hạng Tỷ-kheo nào có thể làm chói sáng khu rừng. Sau khi mỗi người đã trả lời theo lý tưởng của riêng mình, họ cùng đi đến Phật. Ngài đưa ra câu trả lời của chính ngài. Đại Kinh Xóm ngựa (39): Tại thôn có tên Xóm ngựa của dân Anga (Ương-già), Đức Phật dạy cho chư Tỳ-kheo về 10 pháp tác thành một Sa-môn, Bà-la-môn như tu tập tàm và quý, không khen mình, chê người; tam nghiệp hành thanh tịnh, mạng sống thanh tịnh; hộ trì các căn; tiết độ trong ăn uống, chú tâm cảnh giác, chánh niệm tỉnh giác, tu thiền định đoạn trừ năm triền cái. Đặc biệt Đức Phật còn định nghĩa rõ thế nào được gọi là Sa-môn, Bà-la-môn.

Bài 5 = Nhóm 5 (41-50): Các phẩm song đối (tiếp theo)

Kinh Kosampiya (48): Trong thời gian chư Tỳ-kheo ở Kosambi chia rẽ vì một cuộc tranh cãi, Phật giảng dạy cho họ sáu đức tính tạo nên tình thương yêu và tương kính, đưa đến hòa hợp. Rồi Ngài giải thích bảy thắng trí mà một vị Thánh đệ tử có được khi chứng quả Dự Lưu. Kinh Phạm thiên cầu thỉnh (49): Vị trời Baka cõi Phạm thiên có tà kiến rằng cõi trời mà ông làm chủ là trường cửu, không có cõi nào cao hơn. Phật viếng thăm ông ta để giải trừ tà kiến nơi ông và đưa ông vào một cuộc tranh tài có tầm cỡ thế vận hội.

Bài 6 = Nhóm 6 (51 -60): Phẩm các gia chủ

Kinh Kandaraka (51): Phật bàn đến bốn hạng người được tìm thấy trên đời: hạng người tự hành khổ [mình]; hạng hành khổ người; hạng vừa tự hành khổ [mình] vừa hành khổ người; hạng không tự hành khổ, không hành khổ người mà lại sống một đời thực Thánh thiện. Kinh Jivaka (55): Phật giảng những quy luật Ngài đã chế định về sự ăn thịt và bảo vệ các đệ tử khỏi bị lên án bất công.

Bài 7 = Nhóm 7 (61-70): Phần các Tỳ-kheo

Kinh Giáo giới La Hầu La ở rừng Am-ba-la (61): Phật khuyến cáo con trai của Ngài là chú tiểu Rahula (La-hầu-la) những nguy hiểm trong sự nói dối và nhấn mạnh tầm quan trọng của sự thường xuyên tư duy về những hành động của mình.

Bài 8 = Nhóm 8 (71-80): Các kinh liên hệ đến các du sĩ ngoại đạo

Kinh Ba minh Vacchagotta (71): Phật phủ nhận có toàn tri về mọi sự vào mọi lúc, và định nghĩa ba minh mà Ngài chứng.

Bài 9 = Nhóm 9 (81-90) : Phần liên hệ các vị vua và hoàng tộc

Kinh Ái sanh (87): Vì sao Phật dạy sầu ưu khởi lên từ những người thân ái.

Bài 10 = Nhóm 10 (91-100): Phần liên hệ các Bà-la-môn

Kinh Canki (95): Phật giáo giới một thanh niên Bà-la-môn về sự hộ trì chân lý, khám phá chân lý và chứng đạt chân lý.

Bài 11 = Nhóm 11 (101-110): Phần thị trấn các Sakka (thuộc dòng họ Thích)

Kinh Devadaha (101): Phật xem xét chủ trương của Kỳ-na giáo cho rằng phải khổ hạnh mới đạt giải thoát, và đề nghị một giải thích khác, làm thế nào để tinh cần đem lại kết quả. Kinh Làng Sàma (104): Phật ấn định những điều luật để chỉ đạo cho Tăng chúng sống hòa hợp sau khi Ngài Niết-bàn.

Bài 12 = Nhóm 12 (111-120): Phần bất đoạn

Đại kinh bốn mươi (117): Phật định nghĩa các chi của Thánh đạo tám ngành và giải thích tương quan giữa các chi phần ấy.

Bài 13 = Nhóm 13 (121-130): Phần không tánh

Kinh Tiểu không (121): Phật dạy A-nan về sự chứng nhập tính Không thuần túy không bị cong quẹo. Kinh Phù Di (126): Vương tử Jayasena hỏi tôn giả Bhùmija lập trường của Phật giáo về việc tu phạm hạnh, vì ông nghe các ngoại đạo cho rằng tu phạm hạnh không đem lại kết quả, dù người tu có ước nguyện hay không, hoặc vừa có vừa không hay không có không không.

Bài 14 = Nhóm 14 (131-142): Phần phân tích

Đại nghiệp phân biệt (136): Phật hiển thị những điều vi tế trong vận hành của nghiệp, làm đảo lộn những lập thuyết ngây ngô và quy nạp bừa bãi.

Bài 15 = Nhóm 15 (143-152): Phần lục xứ

Kinh sáu sáu (148): Một bản kinh hết sức thâm thúy sâu xa dạy cách quán mọi yếu tố thuộc kinh nghiệm giác quan đều là phi ngã.

  • Nội dung các bài kinh được tóm tắt trên được trích từ Toát yếu Kinh Trung Bộ do Ni sư Trí Hải tóm tắt và chú giải năm 2010. Những đoạn trích đó được Tỳ-kheo Bodhi tóm tắt và Ni sư Trí Hải dịch và cho in trong Toát yếu Kinh Trung Bộ.

ĐỀ CƯƠNG THEO CHỦ ĐỀ

Bài 1: Cuộc đời Đức Phật: Xuất gia, tầm đạo, khổ hạnh và đắc quả

Đại kinh Sư tử hống (12), Kinh Thánh cầu (26), Kinh Vương tử Bồ-đề (85)



Bài 2: Những đặc điểm siêu việt của Đức Phật

Đại kinh Sư tử hống (12), Kinh Ba minh Vacchagotta (71)



Bài 3: Đức Phật hiện thần thông

Kinh Angulimala (86), Kinh Phạm thiên cầu thỉnh (49)



Bài 4: Bồ-tát tối hậu thân

Kinh Hy hữu vị tằng hữu pháp (123)



Bài 5: Các bất thiện pháp của người chưa tu tập cần phải loại trừ

Kinh Không uế nhiễm (5), Kinh Đoạn giảm (8), Kinh Tư lượng (15).



Bài 6: Lộ trình tu tu tập của hữu học

Kinh Tất cả lậu hoặc (2), Kinh Trạm xe (24), Đại kinh Xóm ngựa (39), Kinh Hữu học (53), Kinh Gulisani (69), Kinh Điều ngự địa (125).



Bài 7: Tu tập thiền định và thiền quán

Kinh Niệm xứ (10), Kinh Nhập tức xuất tức niệm (118), Kinh Thân hành niệm (119)



Bài 8: Quả vị Thanh Văn

Kinh Căn bản pháp môn (1), Kinh Ví dụ con rắn (22), …



Bài 9: Cách hóa độ của đức Phật đối với những vị tân nhập đạo

Kinh Càtumà (67)



Bài 10: Quan điểm về tam tịnh nhục

Kinh Jivaka (55)



Bài 11: Nếp sống hòa hợp của tu sĩ

Tiểu kinh Khu rừng sừng bò (31), Kinh Kosampiya (48) Kinh Tùy phiền não (128)



Bài 12: Giáo hóa ngoại đạo

Tiểu kinh Saccaka (35), Đại kinh Saccaka (36), Kinh Upali (56), Kinh Trường trảo (74), Kinh Magandiya (75), Kinh Sandaka (76), Đại kinh Sakuludayi (77), Kinh Samanamandika (78), Tiểu kinh Sakuludayi (79), Kinh Vekhanassa (80)…



Bài 13: Giáo hóa chư thiên

Tiểu kinh Đoạn tận ái (37), Kinh Phạm thiên cầu thỉnh (49)…



Bài 14: Giáo hóa Sa-di nhỏ tuổi nhất

Kinh Giáo giới La Hầu La ở rừng Am-ba-la (61).



Bài 15: Giáo hóa người bệnh

Kinh Giáo giới Cấp Cô Độc (143)



Bài 16: Giáo hóa ma quân

Kinh Hàng ma (50)



Bài 17: Tinh thần nghe pháp và hoằng pháp

Kinh Thánh cầu (26), Đại kinh Khu rừng sừng bò (32), Kinh Giáo giới Phú-lâu-na (145)



Bài 18: Nhận thức luận

Kinh Pháp môn căn bản (1), Kinh Canki (95), Kinh Phù Di (126)



Bài 19: Quan điểm về siêu hình học

Tiểu kinh Malunkyaputta (63)



Bài 20: Nguyên nhân của khổ đau

Kinh Ái sanh (87)



Bài 21: Duyên sinh

Kinh Chánh tri kiến (9)



Bài 22: Bát chánh đạo

Đại kinh Bốn mươi (117).



Bài 23: Tứ đế

Kinh Phân biệt về sự thật (141).



Bài 24: Ba mươi bảy phẩm trợ đạo và tám giải thoát

Đại kinh Sakuludayi (77)



Bài 25: Căn – trần – thức

Kinh Phân biệt sáu xứ (137), Kinh Sáu sáu (148), Đại kinh Sáu xứ (149), Kinh Căn tu tập (152)



Bài 26: Sáu cõi

Kinh Dhananjani (97), Kinh Hiền ngu (129), Kinh Thiên sứ (130).

Bài 27: Nghiệp báo

Kinh Tiểu nghiệp phân biệt (135), Kinh Đại nghiệp phân biệt (136).



Bài 28: Phước báu cúng dường

Kinh Phân biệt cúng dường (142).



Bài 29: Kinh liên hệ đến tiền thân

Kinh Ghatìkàra (81).



Bài 30: Kinh có những ví dụ giống như kinh Đại thừa

Kinh Ví dụ con rắn (22).



Bài 31: Các kinh có dấu hiệu của Đại thừa

Tiểu không kinh (121) và Đại không kinh (122).



Bài 32: Kinh quán tứ đại

Kinh Pháp môn căn bản (1), Đại kinh Dụ dấu chân voi (28).



Bài 33: Các luận thuyết của ngoại đạo về ngã và thế giới

Kinh Không gì chuyển hướng (60).



Bài 34: Cách giáo hóa của đức Phật

Kinh Vương tử Vô Úy (58).

Bài 35: Thập thiện

Kinh Chánh Tri kiến (9), Kinh Samanamandikà (78).


CÁC BÀI HỌC TRONG HỌC KỲ 3 NĂM 2014

Tiết 1-4: Giới thiệu tổng quan Kinh Trung Bộ

Tiết 5-6: Kinh Ví dụ con rắn (22)

Tiết 7-8: Đại kinh Xóm ngựa (39)

Tiết 9-10: Kinh Kandaraka (51)

Tiết 11-12: Đại kinh Sakuludayi (77)

Tiết 13-14: Kinh Ái sanh (87)

Tiết 15-16: Tiểu kinh Nghiệp phân biệt (135)

Tiết 17-18: Tiểu kinh Phương Quảng (44)

Tiết 19-20: Kinh Giáo giới Cấp Cô Độc (143)

Tiết 21-22: Kinh Không uế nhiễm (5)

Tiết 23-24: Kinh Niệm xứ (10)



Tiết 25-26: Ôn tập

1 Tựa đề theo TT. Thích Nhật Từ chưa phù hợp lắm, nên Thượng tọa đã đề nghị đổi thành “Các cấp độ nhận thức”.

2 TT. Nhật Từ cũng đổi thành Kinh “Bảy cách tu”.

3 TT. Nhật Từ đã đổi thành “Cách chinh phục sợ hãi”.

4 Isaline Blew Horner (30/03/1896 – 25/04/ 1981), thường được viết tắt là I. B. Horner. Bà xuất thân từ Anh quốc và là nhà Ấn Độ học, cũng là một trong những học giả hàng đầu của văn học Pali của thế kỷ 20, là vị kế nhiệm Chủ tịch của Hiệp hội Pali Text Society (1959–1981). Cũng nên đề cập ở đây, bản dịch Kinh Trung Bộ của I. B. Horner được dựa trên ấn bản Pali do V. Trenckner & R. Chelmers biên tập, 3 quyển (London: PTS, 1888 – 1896).

5 Từ kinh 21 đến kinh 30 đều phù hợp, ngoại trừ kinh 26: Thánh cầu là không phù hợp.



Каталог: application -> uploads -> Daotaotuxa -> Khoa3 -> Kinh%20Trung%20Bo%203
Kinh%20Trung%20Bo%203 -> ĐỀ 4 kinh trung bộ khóa III giữa học kỳ 3 NĂM 2014 1/ Các kinh nào sau đây đã được học trong học kỳ 3? a
Khoa3 -> Nhận định về Vô Thần
Khoa3 -> Kinh kim cang phần Thứ V như lai – giao cảm với như lai
Khoa3 -> LỊch sử triết học phưƠng tâY
Kinh%20Trung%20Bo%203 -> TÓm tắT ÐẠi kinh sakuludàyi (SỐ 77) (Mahàsakuludàyin sutta) I. Giới thiệu tổng quan
Kinh%20Trung%20Bo%203 -> TÓm tắt kinh kandaraka (SỐ 51) (Kandaraka sutta) I. Giới thiệu tổng quan người giảng: Đức Phật. Địa điểm: Bên bờ hồ Gaggaranước Campa
Kinh%20Trung%20Bo%203 -> TÓm tắt kinh ví DỤ con rắN (SỐ 22) (alagaddùpama sutta) I. Giới thiệu tổng quan

tải về 85.61 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương