Bài 1 giới thiệu tông huấn familiaris consortio



tải về 342.63 Kb.
trang2/4
Chuyển đổi dữ liệu12.09.2017
Kích342.63 Kb.
#33119
1   2   3   4

Những luật lệ của Hội Thánh bao gồm những luật có tính cách tích cực, nghĩa là làm cho việc hôn nhân trở nên công khai và hoàn chỉnh, gọi là mô thức hôn nhân; hoặc những luật có tính cách tiêu cực, nghĩa là có ý gạt bỏ khỏi hôn nhân những vướng mắc làm cho Bí tích hôn nhân bất thành sự, bất hợp pháp – gọi là các ngăn trở hôn phối.

Như vậy, khi đưa ra những điều luật vốn chỉ ràng buộc đối với người Công giáo (GL 11; 1059; 1075 §2), Hội Thánh nhắm mục đích giúp con cái mình xây dựng một cuộc sống hôn nhân “thấm nhuần tinh thần Chúa Kitô để chu toàn bổn phận hôn nhân và gia đình, nhờ đó tất cả đời sống của họ được thấm nhuần đức tin, cậy, mến và càng ngày càng tiến gần hơn tới sự trọn lành riêng biệt của bí tích hôn nhân và sự thánh hóa lẫn nhau; và nhờ đó, cùng nhau tôn vinh Thiên Chúa” (GS 48).

Vì lý do này, Hội Thánh đòi buộc các tín hữu của mình phải kết hôn theo thể thức của Hội Thánh. Có nhiều lý do để giải thích quy định này:

- Bởi vì Hôn nhân mang tính bí tích là một hành vi phụng vụ, nên cần được cử hành trong phụng vụ của Hội Thánh.

- Hôn nhân đưa người ta vào một bậc sống trong Hội Thánh, mang lại những quyền lợi và nghĩa vụ trong Hội Thánh giữa đôi phối ngẫu và đối với con cái.

- Hôn nhân là một bậc sống trong Hội Thánh, nên cần thiết phải có sự chắc chắn về hôn nhân (bắt buộc phải có các nhân chứng).

- Tính chất công khai của sự ưng thuận và bảo vệ sự ưng thuận đó sau khi nó đã được thực hiện, và trợ giúp người ta chung thủy với lời ưng thuận đó (x. GLGHCG 1631).

Như thế, để giao ước hôn nhân có được những nền tảng nhân bản và Kitô giáo một cách vững chắc và lâu bền, việc chuẩn bị hôn nhân là điều hết sức quan trọng.

Giáo luật điều 1063 khuyên các mục tử hãy dùng việc giảng thuyết hoặc huấn giáo thích hợp chuẩn bị cho mọi thành viên thuộc mọi lứa tuổi trong cộng đoàn do mình phụ trách, hiểu biết về ý nghĩa của hôn nhân Kitô giáo, vai trò của vợ và chồng cũng như của bậc làm cha làm mẹ theo tinh thần Kitô giáo. Đặc biệt, các mục tử cần phải chuẩn bị chu đáo cho những ai sắp kết hôn biết sẵn sàng hướng đến sự thánh thiện cũng như những bổn phận của bậc sống mới mà họ sẽ đảm nhận.

Ngoài ra, gương sáng và sự giáo dục do cha mẹ và gia đình luôn là con đường đặc biệt cho việc chuẩn bị này. Cộng đoàn Kitô hữu cũng cần biết trợ giúp các Kitô hữu để bậc hôn nhân được bảo tồn trong tinh thần Kitô giáo và tiến tới trong sự hoàn thiện.

Tóm lại, Giáo luật nhắm giúp cho mọi Kitô hữu xây dựng một cuộc sống hôn nhân và gia đình bền vững, hạnh phúc, thánh thiện, thể hiện ơn gọi hôn nhân và gia đình theo như ý Thiên Chúa mong muốn. Để bí tích Hôn phối thành sự, cần những điều kiện sau đây:

- Phải là một người nam và một người nữ, đã Rửa tội (x. GLGHCG, 1625).

- Hai người có tự do để kết hôn; tự do ở đây có nghĩa là:

+ Không bị ép buộc.

+ Không bị ngăn trở bởi luật tự nhiên hoặc luật Hội Thánh (x. GL 11; 1059; 1075§2)

- Phải bày tỏ sự ưng thuận kết hôn của mình.

- Cử hành theo thể thức của Hội Thánh (x. GLGHCG, 1625).

3. Ghi nhớ

Giáo luật của Hội Thánh nhằm bảo vệ hạnh phúc và sự thánh thiện của đời sống hôn nhân và gia đình như ý Thiên Chúa muốn. Vì thế, Hội Thánh đòi buộc các tín hữu của mình phải kết hôn theo thể thức của Hội Thánh.

4. Quyết tâm

Gia đình công giáo luôn nghe theo lời giáo huấn của Hội thánh, vâng phục những hướng dẫn của các mục tử, để cùng nhau xây dựng một gia đình hạnh phúc như Chúa mong muốn.




Bài 8

SỰ PHÂN LY VỢ CHỒNG

 

1. Lời Chúa:


Còn những ai đã kết hôn, thì tôi truyền, thật ra không phải tôi, mà là Chúa, là vợ không được bỏ chồng, và giả như đã bỏ chồng thì phải ở độc thân, hay phải làm hòa với chồng; và chồng cũng không được rẫy vợ” (1 Cr 7,10-11).
2. Giải thích
Trong Tin Mừng theo thánh Mátthêu, Chúa Giêsu nói với những người Biệt Phái như sau: “Sự gì Thiên Chúa kết hợp, loài người không được phân ly” (Mt 19,6). Như thế, Hội Thánh không có quyền cho phép ly dị các cuộc hôn nhân đã trọn vẹn của các tín hữu. Hôn nhân trọn vẹn tức là:

- Hôn nhân đã thành sự.

- Là bí tích.

- Đã ăn ở với nhau.

Vì thế, giữa hai người đã chịu bí tích Rửa tội, “hôn nhân đã ký kết và hoàn hợp thì không thể bị tháo gỡ bởi bất cứ quyền lực nhân loại nào, bất cứ vì lý do gì, ngoại trừ cái chết” (GLGHCG, 2383; x. GL 1141).

Hội thánh luôn mong muốn rằng: “Do giao ước hôn phối, người nam và người nữ tạo nên một cuộc thông hiệp trọn cả cuộc sống. Tự bản tính, giao ước hôn phối hướng về thiện ích của đôi bạn và việc sinh sản cùng giáo dục con cái. Chúa Kitô đã nâng giao ước giữa những người đã lãnh nhận Bí tích rửa tội lên hàng Bí tích.” (GL 1055,1). Tuy nhiên vẫn có những hoàn cảnh thực tế chẳng hạn như:

Do ngoại tình (x. GL 1152); do gây nguy hiểm trầm trọng về tinh thần hay thể xác cho bên kia hoặc cho con cái (x. GL 1153 §1); hay nếu bằng cách nào khác làm cho đời sống chung trở nên quá cơ cực, không thể chịu đựng nổi (GL 1153 §1) khiến đôi phối ngẫu không thể tiếp tục sống chung được nữa.

Trong những trường hợp ấy, Hội Thánh chấp nhận sự ly thân và chấm dứt việc sống chung của đôi phối ngẫu. Hiển nhiên việc ly thân chỉ có thể sử dụng như giải pháp cuối cùng sau khi đã dùng đủ mọi cố gắng để tránh sự đổ vỡ mà không ích lợi gì.

Tuy sống cảnh ly thân, họ vẫn là chồng, là vợ của nhau trước mặt Thiên Chúa; họ không được tự do để ký kết một hôn ước mới.

Trong hoàn cảnh khó khăn như vậy, giải pháp tốt nhất, nếu có thể, là hòa giải với nhau. Cộng đoàn Kitô hữu được mời gọi trợ giúp những người đó sống đời Kitô hữu trong hoàn cảnh của họ, luôn chung thủy với dây hôn phối vẫn bất khả phân ly của họ (x. GLGHCG 1649; Tông huấn về Gia Đình, 83 ; GL 1151-1155).

Ngoài ra, những người ly dị trước tòa án dân sự, tức là những người đã lãnh bí tích hôn phối mà phá đổ hôn phối ấy, được hiểu là rơi vào tình trạng mắc tội trọng. Tội ấy tuy trầm trọng nhưng trên nguyên tắc, vẫn có thể xưng thú, và được xá giải. Vì thế, ngay cả sau khi ly dị trước tòa án dân sự, cả hai người vẫn có thể xưng tội và rước lễ.

Tuy nhiên, phải minh định rằng, người tín hữu ly dị trước tòa án dân sự, chỉ có thể lãnh các bí tích nếu họ sống đời độc thân. Ngược lại, nếu sau khi ly dị trước tòa án dân sự, họ lại ăn ở hay kết hôn phần đời với một người khác thì sẽ không được xưng tội và rước lễ. Bởi vì, trong trường hợp đó, họ sống trong tình trạng đi ngược lại luật Thiên Chúa, tội lỗi thường trực. Và dĩ nhiên, khi lựa chọn sống trong tình trạng tỗi lỗi thường trực thì không thể lãnh nhận Bí tích Thống hối được. Sự giao hòa qua Bí tích Thống hối chỉ có thể được ban cho những ai thống hối vì mình đã vi phạm dấu chỉ của giao ước và của sự trung thành với Đức Kitô, và tự buộc mình sống tiết dục trọn vẹn (x. GLGHCG 1650)


3. Ghi nhớ
Trong một số trường hợp đặc biệt, Hội Thánh có thể cho ly thân. Ly thân là khi vợ chồng vì lý do nghiêm trọng không thể chung sống với nhau. Dù sống tình trạng ly thân, họ vẫn là vợ chồng của nhau trước mặt Thiên Chúa. Vì thế, họ không được phép tái hôn.

Hội Thánh không chấp nhận việc ly dị. Nếu sau đó lại ăn ở hoặc tái hôn theo luật đời, thì không được xưng tội, rước lễ.


4. Quyết tâm
Vợ chồng công giáo luôn sống yêu thương, cầu nguyện cho nhau, chân thành tha thứ và nhẫn nại chấp nhận nhau trong những khác biệt, nhất là những lúc đau ốm, hoạn nạn, khó khăn ...
Bài 9

SỰ KHÁC BIỆT GIỮA NAM VÀ NỮ
1. Lời Chúa
Anh em hãy hết lòng khiêm tốn, hiền hậu, nhẫn nại, chịu đựng nhau trong đức ái, hãy lo bảo vệ sự hợp nhất do Thần Khí mang lại, lấy bình an hòa thuận làm dây ràng buộc” (Ep 4,2-3).
2. Giải thích
Thiên Chúa tạo dựng nên con người có nam có nữ (x. St. 1,2-7); người nam và người nữ có sự khác biệt nhau về giới tính, tâm tình, cách cảm nhận cũng như hành động.

Theo Giáo lý Hội Thánh, giới tính ảnh hưởng trên toàn bộ con người. Nói cách tổng quát, nó liên quan đến các năng lực thực hiện những mối quan hệ hiệp thông với người khác (x. GLGHCG, 2332). Do đó, người nam và người nữ phải nhận ra và chấp nhận giới tính của mình hầu bổ sung cho nhau về thể xác, tinh thần và tâm linh (luân lý, tôn giáo) để hướng tới những lợi ích của hôn nhân, bởi vì “sự hòa hợp đôi vợ chồng và của xã hội tùy thuộc một phần vào việc hai bên nam nữ bổ túc, đáp ứng và nâng đỡ nhau” (GLGHCG, 2333).

Vậy, đôi vợ chồng cần biết giới tính là gì và có ảnh hưởng như thế nào.

Giới tính là tất cả những đặc điểm để phân biệt người nam và người nữ (vóc dáng bên ngoài, tâm tính, cách nhận thức và hành động). Giới tính ảnh hưởng trên toàn bộ con người, đặc biệt đối với đời sống tình cảm, khả năng yêu thương và truyền sinh.

Sự phân biệt sự khác nhau giữa nam và nữ, trên bình diện tâm - sinh - lý, được diễn tả qua Năm quy luật:

- Ưu tiên: Nam: Ưu tiên thể xác, sắc đẹp…

Nữ: Ưu tiên tình cảm.

- Phân cách: Nam: Quan tâm tới nhiều lĩnh vực (cho vợ,

công việc, lý tưởng, giải trí…).

Nữ: Quan tâm lớn nhất là gia đình (chồng,

con cái).

- Chi tiết: Nam: Quan tâm đến điều cốt yếu, tổng thể.

Nữ: Bận tâm đến chi tiết, đôi khi vụn vặt.

- Bất đồng: Nam: Phản ứng nhanh nhưng mau dứt.

Nữ: Phản ứng chậm nhưng kéo dài.

- Thính giác: Nam: Không thích nói nhiều.

Nữ: Thích nghe và dễ tin.
3. Ghi nhớ

Để tạo được sự hòa hợp trọn vẹn và vững bền trong đời sống hôn nhân và gia đình, hai vợ chồng cần hiểu biết và chấp nhận cách vui vẻ những sự khác biệt của nhau để cảm thông và nâng đỡ nhau, thấy rõ khuyết điểm của nhau để khắc phục và biết khám phá ra những ưu điểm của nhau mà phát huy. Từ đó, dễ chia sẻ và nương tựa vào nhau trong sự kính trọng và yêu thương chân thành.


4. Quyết tâm
Quan tâm nuôi dưỡng tình yêu, trước tiên bằng ý thức giới tính là ân huệ Chúa ban để biết làm chủ và sử dụng đúng theo ý Chúa muốn, tiếp đến là biến đổi chính mình và luôn quan tâm chăm sóc lẫn nhau. .
Bài 10

TRIỂN NỞ TRONG TÌNH YÊU
1. Lời Chúa
Lòng mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1 Cr 13,7).
2. Giải thích
Tertullianô (160 - 220) diễn tả như sau: “Đẹp biết bao… hôn nhân diễn ra giữa hai người Kitô hữu, hai người có chung một hy vọng, một ước mơ, một hướng đi để cùng tiến bước, một tôn giáo để cùng thực hành…” (Tertullianô, Trao tặng hiền thê).

Thật vậy, qua nghi lễ hôn phối, hôn nhân trở thành Bí Tích, mà Bí Tích là con đường thích hợp và cần thiết dẫn tới Thiên Chúa; và trong ý định nhiệm mầu thẳm sâu, Thiên Chúa (như) đã kêu gọi người nam, người nữ nói lên lời ưng thuận với sự cam kết từ thuở đời đời trong Đức Kitô (x. Ep 1,4): “Anh nhận em làm vợ của anh, và hứa giữ lòng chung thủy với em, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi mạnh khỏe cũng như lúc đau yếu, để yêu thương và tôn trọng em mọi ngày suốt đời anh”. Lời ưng thuận cam kết đó đã mở ra cánh cửa cho cuộc sống hôn nhân và gia đình. Thiên Chúa như muốn mời gọi hai người làm sống lại cuộc giao ước và trao đổi tình yêu thánh thiện giữa Người với Dân riêng của Người. Thiên Chúa đã dự định cho hai người đưa nhau đi vào trong sự hiệp nhất yêu thương quảng đại của Đức Kitô (x. Kinh tiền tụng nghi lễ Hôn phối).

Trong ngày lễ Hôn phối, khi thực hiện lời hứa ưng thuận, họ đã thể hiện cho nhau một hành động tích cực, khác với lời nói xã giao lịch sự, cũng chẳng phải là những ước mơ trôi nổi trong tâm trí, nhưng là một lời hứa long trọng với ý thức rằng Hôn nhân Kitô giáo là cách vợ chồng tận hiến cuộc đời cho nhau mọi ngày suốt đời mình. Họ thề hứa chung sống với nhau theo khuôn khổ hôn nhân gia đình Kitô, có nghĩa là tôn vinh các mục đích tối thượng của cuộc sống hôn nhân: đó là sinh sản và dưỡng dục con cái, liên kết trong yêu thương và tìm gặp Chúa qua ân sủng Người ban trong Bí Tích hôn nhân.

Thiên Chúa là nguồn gốc của mọi ơn gọi và bậc sống trong Hội Thánh (x. Ga 15,16). Mọi ơn gọi và bậc sống hướng đến mục đích là mang lại nhiều hoa trái hầu làm vinh danh Chúa Cha; và hoa trái Chúa muốn tìm kiếm ở nơi con người là tình yêu, với giới răn: “Anh em hãy yêu thương nhau” (x. Ga 15,12).

Vậy, qua Bí tích Hôn phối, Đức Kitô phối hợp người nam, người nữ nên vợ chồng để thực hiện giới răn yêu thương. Ngài muốn đôi vợ chồng sống lời mời gọi ấy giữa lòng Hội Thánh và làm sáng tỏ đời sống Hội Thánh trong mối liên hệ mật thiết, hiệp nhất giữa Đức Kitô và Hội Thánh là hiền thê của Ngài (x. 1 Cr 6,13). Do đó, khi đôi nam nữ tỏ bày sự ưng thuận qua lời cam kết trao ban cuộc sống cho nhau, thì đó là một quyết tâm vừa trao trọn cuộc đời cho nhau, vừa sẵn sàng hy sinh, phục vụ lẫn nhau. Và chính lúc ấy, nền tảng đời sống tâm linh của đôi nam nữ thay đổi trước tôn nhan Thiên Chúa. Hai người trở nên một, gắn bó với nhau bền lâu, vì điều gì “Thiên Chúa phối hợp loài người không được phân ly” (Mt 19,3-6).

Nghi thức trao nhẫn cho nhau tiếp diễn sau lời ưng thuận nói lên dấu chứng về sự trung thành của lời cam kết. Hình tròn của chiếc nhẫn biểu hiện tình yêu tròn đầy bắt nguồn từ Thiên Chúa là Tình Yêu viên mãn. Khi trao cho nhau chiếc nhẫn, họ nói lên ý của Thiên Chúa là Người muốn nâng đôi vợ chồng lên để họ tham dự vào tình yêu bất tận của Người với nỗ lực chăm sóc, vun xới cho tình yêu mỗi ngày thêm triển nở trong tình yêu Chúa.


3. Ghi nhớ
Muốn tình yêu lứa đôi được triển nở mỗi ngày, vợ chồng hãy sống trung thành với lời cam kết, làm cho tình nghĩa phu thê mỗi ngày thêm đậm đà, gia đình hạnh phúc được tròn đầy bằng cách:

- Tôn trọng lẫn nhau trong lời nói và cách cư xử.

- Hy sinh cho nhau vì hạnh phúc gia đình, quan tâm và chăm sóc lẫn nhau cách tế nhị.

- Biết đối thoại với nhau trong các việc chung của gia đình, tránh những bất đồng, bất công.

- Dành cho nhau thời gian để tâm sự và chia sẻ.

- Nói cho nhau nghe những lời êm ái, dịu dàng.

- Làm tròn bổn phận làm vợ, làm chồng.

- Cầu nguyện với nhau và cho nhau, đồng thời tạo bầu không khí yêu thương và thánh thiện.


4. Quyết tâm
Sống mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi yêu thương và hiệp nhất. Tin tưởng vào Chúa và ơn Ngài ban qua bí tích Hôn phối, để trao cho nhau lòng yêu thương chan hòa như thánh Phaolô dạy: “Lòng mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1 Cr 13,7).
Bài 11

GIẢI QUYẾT NHỮNG BẤT HÒA

ĐỂ TÌNH YÊU TRIỂN NỞ
1. Lời Chúa
Chúa Giêsu giáng sinh trong hoàn cảnh sau đây: Mẹ Ngài là Maria đính hôn với thánh Giuse, trước khi về chung sống với nhau, đã thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần. Giuse, bạn của bà là người công chính, không muốn tố cáo bà, định tâm lìa bỏ bà cách kín đáo” (Mt 1,18-19).
2. Giải thích
Hôn nhân là một trong bảy bí tích, là một mầu nhiệm cao cả thuộc về đức tin Kitô giáo. Mầu nhiệm mô tả trong hôn nhân là một giao ước tình yêu. Giao ước tình yêu đó được thiết lập trên nền tảng và mẫu gương tình yêu mãi mãi vững bền của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Chính khi bước theo khuôn mẫu ấy, vợ chồng sẽ yêu thương nhau và tìm được sức mạnh để giảm thiểu các bất hòa, vươn lên khỏi các xung đột do bất đồng gây ra.

Hôn nhân là môi trường thuận tiện để vợ chồng bày tỏ tình yêu, trao đổi cuộc sống. Đó là lúc họ làm cho tình yêu của Thiên Chúa trở nên hữu hình trước mặt người đời trong chính cuộc sống của họ.

Tuy nhiên, cuộc sống hôn nhân và gia đình có lúc tươi sáng như trời quang mây tạnh, thì cũng có lúc phải lao đao như giữa bảo táp mưa sa. Điều quan trọng là cả hai đồng tâm hiệp lực vượt qua những mối bất hòa không tên có thể làm cho tình yêu bị xói mòn và có thể đưa đến những đổ vỡ tai hại không lường trước được.

Nếu xác tín có ân sủng bí tích trợ giúp trong những nỗ lực kiến tạo, xây đắp đời sống hôn nhân gia đình Kitô giáo bền vững, chắc chắn vợ chồng sẽ vượt qua những bế tắc, những thử thách trong đời sống hôn nhân gia đình. Các thử thách ấy sẽ là cơ hội giúp vợ chồng hiểu nhau hơn và tình yêu ngày mỗi triển nở. Muốn được vậy, vợ chồng cần phải:

a. Tìm ra những nguyên nhân gây nên xung đột:

- Do sự khác biệt về phương diện tổng quát (vóc dáng, thể trạng) phương diện tâm – sinh – lý.

- Do sự khác biệt về cách nhận thức, quan điểm, sở thích, quan niệm về bậc thang giá trị.

- Do sự khác biệt về nền giáo dục đã lãnh nhận.

- Do những trục trặc trong chuyện chăn gối.

- Do bất đồng chính kiến trong một số lĩnh vực.

- Do không tin, không yêu và không giữ lề luật Chúa.

- Do không sống đúng theo lương tâm, lương tâm lệch lạc về phương diện luân lý.

- Do thiếu sự trưởng thành về nhân cách.

- Do điều kiện kinh tế chi phối.

b. Biện pháp ngăn ngừa:

- Trước khi kết hôn, cần tìm hiểu nhau kỹ lưỡng, tránh những ảo tưởng về nhau; chớ nên buôn bán tình yêu.

- Cần học hỏi, trang bị những kiến thức nuôi dưỡng tình yêu, bàn hỏi với những người khôn ngoan kinh nghiệm.

- Sửa đổi những thói hư tật xấu.



3. Ghi nhớ
Khi xảy ra xung đột:

- Tự chủ : tránh nóng nảy, phản ứng vội vàng…

- Có thiện chí muốn giải quyết, tránh thái độ cố chấp.

- Đối thoại với nhau, tìm hiểu quan điểm người khác.

- Chấp nhận khuyết điểm của mình và can đảm sửa lỗi.

- Cố gắng làm lành và hàn gắn.

- Cầu nguyện để biết cách giải quyết theo ý Chúa muốn.
4. Quyết tâm
Đón nhận nhau với sự tôn trọng và lòng bao dung quảng đại tha thứ.

Siêng năng lãnh nhận các Bí Tích, vì các Bí Tích giúp thánh hóa, canh tân đời sống gia đình và giúp chu toàn bổn phận hôn nhân gia đình.


*****

CHỦ ĐỀ 3


GIA ĐÌNH BẢO VỆ SỰ SỐNG
Bài 12

ƠN GỌI HÔN NHÂN

TRONG CHƯƠNG TRÌNH CỦA THIÊN CHÚA
1. Lời Chúa
Thiên Chúa tạo thành con người giống hình ảnh Thiên Chúa. Ngài tạo thành họ có nam có nữ (St 1, 28). Thiên Chúa phán: “Đàn ông ở một mình không tốt, Ta hãy tạo dựng cho nó một nội trợ giống như nó”. Vậy Thiên Chúa khiến cho Ađam ngủ say, và khi ông đang ngủ, Ngài lấy một xương sườn của ông và đắp thịt lại. Thiên Chúa làm cho chiếc xương sườn đã lấy từ Ađam trở thành người đàn bà, rồi dẫn đến Ađam. Ađam liền nói: “Bây giờ xương bởi xương tôi và thịt bởi thịt tôi. Người này sẽ được gọi là người nữ, vì bởi người nam mà ra”. Vì thế, người đàn ông sẽ lìa bỏ cha mẹ mà kết hợp với vợ mình, và cả hai nên một thân thể” (St 2,7.18.21-24).
2. Giải thích
Tình yêu là ơn gọi nền tảng và bẩm sinh của con người:

Qua mầu nhiệm Ba Ngôi, Thiên Chúa tự mạc khải là Thiên Chúa Tình Yêu (x. 1 Ga 4,8.16). Vì yêu, Thiên Chúa đã tác tạo con người giống hình ảnh mình và mời gọi con người sống yêu thương. Thế nên, khi yêu thương, con người thể hiện đúng bản chất của mình là hình ảnh Thiên Chúa, được dựng nên để sống yêu thương và hiệp thông với nhau. Tình yêu là ơn gọi nền tảng và bẩm sinh của con người (x. GLGHCG, 1604). Tình yêu là nền móng xây dựng các mối tương quan làm nên ý nghĩa và hạnh phúc đích thực của con người. Hôn nhân và gia đình là trường dạy yêu thương cơ bản và không thể thay thế của con người.



Ơn gọi của bậc sống Hôn Nhân:

Khi tạo dựng con người có nam có nữ, Thiên Chúa muốn họ sống cho nhau, bổ túc cho nhau và hiệp thông với nhau trong tình yêu. Và duy chỉ trong hôn nhân, Thiên Chúa kết hợp hai người nam nữ “thành một xương một thịt” để có thể lưu truyền sự sống qua muôn thế hệ. Khi lưu truyền sự sống cho dòng dõi mình với tư cách là vợ chồng và cha mẹ, người nam và người nữ cộng tác một cách độc đáo vào công trình của Đấng Sáng Tạo (x. GLGHCG, 371-372).

Như vậy, chính Thiên Chúa là Đấng tác tạo hôn nhân, qua việc tạo thành loài người có nam có nữ và kết hợp họ thành một xương một thịt với lệnh truyền “sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly” (Mt 19,6), Thiên Chúa đã thiết lập và ban những định luật riêng cho đời sống chung thân mật và cho cộng đoàn tình yêu vợ chồng (x. GS 48,1). Vì thế, hôn nhân không phải là một định chế thuần túy nhân loại. Đằng sau những khác biệt đến từ các nền văn hóa, các tôn giáo hay các cơ cấu xã hội hoặc những biến đổi qua các thời đại, chúng ta vẫn nhận ra những yếu tố thường tồn làm nên sự cao quý của hôn nhân và gia đình, như tình yêu vợ chồng chung thủy, tình phụ tử mẫu tử cao dày của bậc làm cha mẹ hay lòng hiếu thảo của con cái (x. GLGHCG, 1603).

Hơn bao giờ hết, trong bối cảnh đầy thách đố của hôn nhân và gia đình hôm nay, người Kitô hữu cần phải nhận ra Ơn Gọi của bậc sống Hôn Nhân để có thể sống chung thủy và giúp nhau chu toàn sứ mạng Chúa trao phó.


3. Ghi nhớ
Hôn nhân không phải là một định chế thuần túy nhân loại. Chính Thiên Chúa là Đấng tác tạo hôn nhân, thiết lập và ban những định luật riêng cho đời sống chung thân mật và cho cộng đoàn tình yêu vợ chồng (x. GS 48,1) mà mọi thành viên trong gia đình phải tuân giữ để bảo đảm hạnh phúc đích thực của gia đình.
4. Quyết tâm
Noi gương Thánh Gia Thất, luôn tìm kiếm và thực thi Thánh Ý Chúa trong mọi biến cố của gia đình để trung thành bảo vệ sự sống trong đời sống hôn nhân.

Bài 13

SỐNG THỜI KỲ ĐÍNH HÔN
1. Lời Chúa
Đây là ý muốn của Thiên Chúa, là anh em nên thánh: anh em phải xa lánh hẳn tà dâm! Mỗi người trong anh em phải biết làm chủ bản thân mình, trong sự thánh thiện và danh dự. Đừng buông theo dục tình đam mê, như dân ngoại không biết Thiên Chúa” (1 Tx 4, 3-5).
2. Giải thích
Lễ đính hôn

Lễ đính hôn là một truyền thống văn hóa của nhiều dân tộc trên thế giới. Ở Việt Nam, thường có lễ dạm, rồi đến lễ đính hôn hay lễ hỏi, và sau cùng là lễ thành hôn hay lễ cưới. Lễ đính hôn nhằm công khai hóa tình yêu của đôi bạn trai gái với họ hàng đôi bên và cho phép họ chính thức gặp gỡ tìm hiểu nhau để tiến tới hôn nhân. Với lễ đính hôn, hai bên gia đình lãnh trách nhiệm tôn trọng, bảo vệ tình yêu đôi lứa của con cái cũng như cùng cộng tác với Giáo Hội giúp cho đôi bạn chuẩn bị bước vào đời sống hôn nhân và lãnh nhận hữu hiệu bí tích Hôn Phối.



Sống thời kỳ đính hôn:

Công việc càng hệ trọng càng cần có thời gian chuẩn bị. Thời gian đính hôn là thời gian chuẩn bị cần thiết để giúp đôi bạn được thực sự tự do, trưởng thành và chín chắn trong quyết định chọn sống đời hôn nhân trăm năm hạnh phúc.

Việc chuẩn bị sống đời hôn nhân đòi hỏi một sự cộng tác hài hòa và tích cực của đôi bạn nam nữ, của gia đình hai bên và của Giáo Hội. Thật vậy, công cuộc chuẩn bị mà Giáo Hội muốn thực hiện cho đôi bạn nam nữ sắp thành hôn không chỉ là tổ chức một Khóa Giáo Lý Chuẩn Bị Hôn Nhân, mà là một chương trình Giáo Lý mang tính toàn diện và nền tảng, như Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo dạy: “Phải biết giáo dục thanh thiếu niên hợp thời và hợp cách về phẩm giá, phận sự và hành vi thể hiện tình yêu vợ chồng, nhất là trong chính khung cảnh gia đình; nhờ đó, một khi đã được rèn luyện để giữ đức khiết tịnh, đến tuổi thích hợp, họ có thể tiến tới hôn nhân sau khi đã sống đúng đắn giai đoạn đính hôn (GLGHCG 1632; x. MV 49,3).

Có thể nói rằng thời gian đính hôn là giai đoạn chuẩn bị cuối cùng, tối thiểu, cần thiết, như điều kiện cần và đủ để giúp đôi bạn hiểu rõ về ý nghĩa, mục đích của bậc sống hôn nhân và gia đình cũng như đáp ứng các điều kiện và các thủ tục cần thiết cho việc cử hành bí tích Hôn Phối thành sự. Ngoài ra, việc chính thức được công khai tìm hiểu nhau trong thời gian đính hôn sẽ giúp đôi bạn biết rõ hơn về bản thân và gia cảnh của nhau, có cơ hội “thực tập đời làm dâu, làm rể” để thể hiện trách nhiệm đối với nhau và đối với gia đình đôi bên nhằm chứng thực tình yêu của họ không chỉ là tình cảm chóng qua.

Do đó, thời gian đính hôn dài hay ngắn là tùy theo mức độ trưởng thành và hiểu biết của đôi bạn về hôn nhân và gia đình. Nói chung, không nên vội vàng, hấp tấp, nhưng cũng không nên kéo dài quá lâu.



tải về 342.63 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương