Ban tuyên giáo số 18 -cv/btghu đẢng cộng sản việt nam



tải về 79.26 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu19.08.2016
Kích79.26 Kb.
#24728


HUYỆN ỦY CHÂU ĐỨC
BAN TUYÊN GIÁO

*

Số 18 -CV/BTGHU



ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

Châu Đức, ngày 16 tháng 11 năm 2015



V/v tuyên truyền kỷ niệm

75 năm ngày khởi nghĩa Nam kỳ.








Kính gửi:

- Các chi, đảng bộ trực thuộc Huyện ủy.




- Mặt trận và các đoàn thể chính trị- xã hội huyện;




- Phòng Văn hóa và Thông tin huyện;




- Đài Truyền thanh huyện.

Thực hiện Công văn số 12-CV/BTGTU, ngày 11/11/2015 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy về việc tuyên truyền kỷ niệm 75 năm ngày khởi nghĩa Nam kỳ (23/11/1940 - 23/11/2015), nhằm nâng cao nhận thức, niềm tự hào về truyền thống cách mạng của dân tộc, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện, Ban Tuyên giáo Huyện ủy sao gửi “Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 75 năm Ngày khởi nghĩa Nam kỳ ” do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy biên soạn đến các cơ quan đơn vị làm tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền. Ban Tuyên giáo Huyện ủy đề nghị:

- Các chi, đảng bộ trực thuộc Huyện ủy, các đoàn thể chính trị - xã hội huyện tùy theo điều kiện, tình hình thực tế tại địa phương, đơn vị tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân.

- Phòng Văn hóa & Thông tin, Đài Truyền thanh huyện bằng các hình thức, nghiệp vụ chuyên môn tăng cường tuyên truyền về ý nghĩa Ngày Nam kỳ khởi nghĩa (23/11/1940 - 23/11/2015) sâu rộng đến nhân dân trên địa bàn huyện.



* Lưu ý: Ban Tuyên giáo gửi file đề cương tuyên truyền lên trang thông tin điện tử huyện Châu Đức, các đơn vị vào địa chỉ: http://chauduc.baria-vungtau.gov.vn/download-tai-lieu/ để tải về và thực hiện tuyên truyền.

Kính đề nghị các đơn vị quan tâm thực hiện./.




Nơi nhận:

- Thường trực HU (b/c);

- Như kính gửi; - Lưu văn thư BTG.


K/T TRƯỞNG BAN

PHÓ TRƯỞNG BAN


(Đã ký và đóng dấu

Nguyễn Thị Hồng Minh


ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN

75 NĂM NGÀY KHỞI NGHĨA NAM KỲ

(23/11/1940 - 23/11/2015)

I. BỐI CẢNH CHUNG

Ngày 01/9/1939, chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Ngày 03/9/1939, Chính phủ Anh và Chính phủ tư sản Pháp tuyên chiến với phát xít Đức. Chính phủ Pháp thi hành hàng loạt các biện pháp mang tính phát xít nhằm thủ tiêu các phong trào cách mạng dân chủ, yêu nước và tiến bộ ở Pháp cũng như ở các thuộc địa. Tại Đông Dương, Pháp tiến hành đàn áp, ngăn cấm hoạt động của các Hội Ái hữu, các tổ chức liên quan đến Đảng Cộng sản. Khắp các tỉnh Nam Kỳ, nhiều cán bộ, đảng viên, hội viên các tổ chức quần chúng bị bắt, kết án và đày đi các nhà lao.

Trong thời gian này, thực dân Pháp dâng 3 nước Đông Dương cho phát xít Nhật. Nhân dân ta rơi vào cảnh một cổ chịu hai tròng và chiến tranh đã đẩy nhân dân ta đến chỗ cùng cực lầm than.

Về phía Nhật, vừa tiến quân vào Bắc kỳ, vừa xúi giục Thái Lan điều quân đến biên giới Campuchia gây sức ép tranh chấp đất đai với Pháp. Chiến tranh Pháp - Thái nổ ra. Thực dân Pháp tại Đông Dương huy động lực lượng quân sự, phần lớn là binh lính người Việt lên biên giới chống lại quân Thái, trong đó có cả những cơ sở của Xứ ủy Nam Kỳ trong binh lính người Việt. Vì vậy, phong trào đấu tranh chống phát xít Nhật và thực dân Pháp, phong trào chống bắt lính...diễn ra khắp nơi.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Nam Kỳ đã thừa kế và phát huy được truyền thống yêu nước và cách mạng của toàn dân ta nói chung và của nhân dân Nam kỳ nói riêng. Chính đó là một nhân tố quan trọng và là một trong những tiền đề của cuộc khởi nghĩa Nam kỳ.



II. KHỞI NGHĨA NAM KỲ

1.  Chủ trương khởi nghĩa của xứ ủy Nam Kỳ và chuẩn bị khởi nghĩa

Trước sự biến đổi nhanh chóng của tình hình thế giới và trong nước do tác động của cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai; đặc biệt là sự đàn áp, khủng bố dã man của thực dân Pháp đối với Đảng Cộng sản và phong trào cách mạng của nhân dân. Từ ngày 6 đến ngày 8/11/1939, tại xã Tân Thới Nhất (Bà Điểm - Gia Định) ngay “ vành đai đỏ” của thành phố Sài Gòn- Chợ Lớn, Trung ương Đảng họp Hội nghị lần VI đã ra nghị quyết: đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu của cách mạng Đông Dương, tạm gác khẩu hiệu cách mạng ruộng đất để tập trung mọi năng lực vào nhiệm vụ chủ yếu là chống đế quốc giành độc lập, tự do cho dân tộc. Hội nghị cũng đã đề ra hình thức đấu tranh thích hợp: Bước tới bạo động làm cách mạng giải phóng dân tộc. Song phải hết sức tránh những cuộc đấu tranh non, đấu tranh vô phương pháp, vô chuẩn bị. Đồng chí Phan Đăng Lưu cùng một số đồng chí khác được Trung ương phân công chỉ đạo việc thi hành Nghị quyết lần thứ VI tại Nam Kỳ.

Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần VI là một nghị quyết quan trọng, đánh giá bước chuyển hướng chiến lược chỉ đạo cách mạng Việt Nam của Đảng ta.

Tháng 7/1940, Xứ ủy Nam Kỳ họp hội nghị mở rộng, với sự tham dự của 24 đại biểu thuộc 19 tỉnh trong số 21 tỉnh Nam kỳ, nhận định tình hình và thông qua Đề cương khởi nghĩa do Thường vụ Xứ ủy khởi thảo. Tại hội nghị này, đồng chí Tạ Uyên được bầu làm Bí thư Xứ ủy (thay đồng chí Võ Văn Tần, ủy viên Trung ương Đảng kiêm Xứ ủy Nam kỳ đã bị giặc bắt ngày 21-4-

Đăng Lưu ra Bắc ngay để báo cáo và xin chỉ thị của Trung ương Đảng. Theo tinh thần chỉ đạo của Xứ ủy, công cuộc chuẩn bị khởi nghĩa được đẩy mạnh hẳn lên, nội dung các truyền đơn thôi thúc nhân dân nổi dậy. Cùng với việc tuyên truyền bằng sách báo, truyền đơn, biểu ngữ, treo cờ... các Đảng bộ đã tổ chức ra những đội tuyên truyền chuyên đi diễn thuyết. Nhìn chung, công tác thực hiện nghị quyết về chuẩn bị khởi nghĩa diễn ra rất sôi nổi.

Tháng 9/19940, Phát xít Nhật đánh vào Lạng Sơn, quân Pháp nhanh chóng đầu hàng Nhật. Trước tình hình trên, từ ngày 21 đến ngày 23/9/1940, Xứ ủy Nam Kỳ đã triệu tập hội nghị đại biểu toàn Xứ tại làng Xuân thới Đông (nay là xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn, Gia Định). Tại hội nghị này, đồng chí Tạ Uyên đã nhận định tình hình: Pháp gặp nhiều khó khăn, tinh thần suy sụp, quân Nhật mới đến, chưa vững, tình hình quần chúng đang sục sôi chờ khởi nghĩa. Về phía ta thì tổ chức chưa củng cố, phong trào chưa đủ mạnh. Tuy nhiên, việc Nhật – Pháp đánh nhau được hội nghị cho rằng thời cơ đã đến. Hội nghị đã quyết định tích cực chuẩn bị khởi nghĩa và trao cho Thường vụ Xứ ủy quyền ra lệnh khởi nghĩa sớm.

Với tác động mạnh mẽ của tình hình trên, lại được khí thế của khởi nghĩa Bắc Sơn cổ vũ, Hội nghị Xứ ủy Nam Kỳ vào tháng 11/1940 đã thống nhất đánh giá: dù bị thực dân Pháp khủng bố nhưng nhìn chung lực lượng quần chúng và phong trào cách mạng vẫn tiếp tục phát triển. Hội nghị bàn thảo các phương án, mục tiêu, cân nhắc về những điều kiện của cuộc khởi nghĩa. Cuối cùng Ban Thường vụ Xứ ủy quyết định lệnh cho toàn Nam Kỳ khởi nghĩa vào lúc 12 giờ đêm 22 rạng sáng ngày 23/11/1940. Từ Cấp Xứ trở xuống cho đến cơ sở đều tích cực thực hiện chủ trương chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang

Trước đó, tại Hội nghị Trung ương lần thứ 7 (từ ngày 06 đến ngày 09/11/1940 tại Đình Bảng, Bắc Ninh), sau khi nghe đồng chí Phan Đăng Lưu báo cáo về phong trào cách mạng và kế hoạch khởi nghĩa ở Nam Kỳ, Trung ương cho rằng so sánh lực lượng giữa ta và địch chưa thuận lợi và công việc chuẩn bị chưa đầy đủ nên chỉ thị cho Xứ ủy Nam Kỳ hoãn ngay cuộc khởi nghĩa, chờ Xứ ủy Trung Kỳ và Bắc Kỳ chuẩn bị rồi sẽ tổ chức khởi nghĩa theo một kế hoạch chung của Trung ương. Nhưng, ý kiến của Trung ương về cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ không kịp truyền đạt vì đồng chí Phan Đăng Lưu về tới Sài Gòn thì bị địch bắt, Xứ ủy Nam kỳ chưa được biết đến chủ trương này.

Liên tỉnh ủy (Gia Định, Mỹ Tho, Cần Thơ, Long Xuyên), các tỉnh ủy và thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn đều đã lập Ban khởi nghĩa, có nhiệm vụ lãnh đạo toàn thể nhân dân nhất tề nổi đậy cùng một lúc. Đồng chí Tạ Uyên, trưởng Ban khởi nghĩa của Xứ, trực tiếp làm trưởng Ban khởi nghĩa thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn. Các đồng chí Thường vụ, Xứ ủy viên trong Ban khởi nghĩa Xứ trực tiếp làm trưởng Ban khởi nghĩa các tỉnh chung quanh như Gia Định, Chợ Lớn, Tân An, để hành động phối hợp và đưa lực lượng lên hỗ trợ tiến công một số trọng điểm tại Sài Gòn

2. Diễn biến

* Tại Sài Gòn- Chợ Lớn

Xứ ủy đã ra sức chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang ở tất cả các tỉnh. Thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn được chọn làm trọng điểm. Tại đây, vừa là nơi phát lệnh khởi nghĩa cho toàn Xứ, vừa là nơi giáng đòn quyết định vào cơ quan đầu não của địch, giành thắng lợi cho cuộc cuộc khởi nghĩa. Vị trí Sài Gòn có tầm quan trọng quyết định thắng lợi của cuộc khởi nghĩa. Do đó, nếu cuộc nổi dậy bị thất bại ở Sài Gòn, thì phong trào sẽ gặp muôn vàn khó khăn. Cả ta và địch đều rất coi trọng địa bàn này.

Đầu tháng 8/1940, Hội nghị Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn mở rộng được triệu tập do đồng chí Tạ Uyên, Bí thư Xứ ủy mới được cử tại Hội nghị Tân Hương thay đồng chí Võ Văn Tần, chủ trì, họp ở khu lao động Cầu Kho (nay thuộc quận 1), đang họp thì bị động phải chuyển sang xóm Mới thuộc đất Tân Định. Đồng chí Tạ Uyên truyền đạt cho Hội nghị Thành ủy tinh thần nghị quyết về chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang của Hội nghị Tân Hương, nhận định tình hình chung cả nước, toàn Nam kỳ và đặc biệt tình hình Sài Gòn - Chợ Lớn.

Hội nghị kiểm điểm phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân, nhất là công tác binh vận, một công tác được Xứ ủy rất quan tâm trong việc chuẩn bị khởi nghĩa. Hội nghị đề ra những công tác thiết thực phát triển cơ sở Đảng, quần chúng, nhất là ở cơ sở phường, hộ dân phố về công tác Đảng. Các tổ chức công nhân do Đảng lãnh đạo được mở rộng ở bến cảng Khánh Hội, đề-pô xe lửa Chí Hòa (Sài Gòn), xưởng Ba Son, các hãng dầu Nhà Bè, hãng vận tải Đông Dương (S.I.T.)... Tuy bị o ép, khống chế nhưng các cuộc đấu tranh của công nhân vẫn diễn ra. Chỉ trong tháng 5/1940 đã có 6 cuộc đấu tranh.

Thành ủy đặc biệt chú trọng công tác binh vận. Gần cận ngày khởi nghĩa, Xứ ủy đã nhắc nhở và đôn đốc Thành ủy ra sức chuẩn bị và lãnh đạo cuộc khởi nghĩa trong phạm vi nhiệm vụ của mình. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Xứ ủy, Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, các quận, cơ sở đều khẩn trương chuẩn bị mọi công tác và chỉ còn đợi mệnh lệnh thực hiện. Trước khởi nghĩa, có tên Qưới là gián điệp của Pháp cài vào tổ chức của ta, nên kế hoạch khởi nghĩa bại lộ. Sáng ngày 22/11/1940, Xứ uỷ tổ chức họp để nghe đồng chí Tạ Uyên phổ biến kế hoạch khởi nghĩa cho Thành uỷ Sài Gòn - Chợ Lớn. Đồng chí Nguyễn Như Hạnh, Bí thư Thành uỷ họp xong ra tới đường thì bị bắt, địch khám xét người đồng chí Hạnh thấy một bản Hiệu triệu của ta và địa chỉ nhà 160 phố Dayot (nay là đường Nguyễn Thái Bình), tại đây chúng bắt được đồng chí Tạ Uyên. Sau đó, đồng chí Phan Đăng Lưu vừa ở miền Bắc về đến Sài Gòn cũng bị địch bắt.

Ngay tại Sài Gòn, địch cho cảnh sát đi kiểm tra khám lớn, một trong những mục tiêu chính của những người nổi dậy, địch bủa khắp các đường phố chính, cho xe gầm rú các ngả đường, kiểm soát giấy tờ những người từ ngoại thành vào thành phố và bắt giữ bất kỳ ai chúng tình nghi, chúng ra lệnh cấm trại binh lính người Việt và tước vũ khí của số lính phản chiến. Các đồng chí lãnh đạo chủ chốt đã bị bắt, cùng tất cả những biện pháp đề phòng ngăn chặn đối phó của địch làm cho cuộc khởi nghĩa của thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn không nổ ra, kế hoạch định lấy tiếng súng đánh chiếm thành phố Sài Gòn vào lúc 24 giờ 22/11/1940 làm súng lệnh không thành. Các đội nghĩa quân của các địa phương kéo lên thành phố tham gia phối hợp hành động, đợi mãi không thấy tiếng súng nổ, điện đèn không tắt; trời đã gần sáng, đành phải quay về địa phương. Cuộc khởi nghĩa tại thành phố Sài Gòn không nổ ra có ảnh hưởng rất lớn tới các tỉnh.

Tuy cuộc khởi nghĩa không nổ ra được ở nội thành Sài Gòn - Chợ Lớn nhưng, những vùng ngoại ô kế cận thành phố như Gò vấp, Hóc Môn, Trung Quận, Cần Giuộc, Đức Hòa... cùng toàn Nam kỳ đã nổi dậy đấu tranh theo mệnh lệnh của Xứ ủy, mặc dù Pháp đã cảnh giác đề phòng ngăn chặn.

* Tại Gia Định:

Gia Định có vị trí quan trọng trong cuộc khởi nghĩa Nam kỳ trên nhiều mặt. Nằm sát cạnh Sài Gòn - Chợ Lớn, là nơi nhiều năm, sau Sài Gòn được chọn làm chỗ đóng cơ quan của Trung ương Đảng và Xứ ủy Nam kỳ.

Hội nghị lần thứ VI tháng 11/1939 của Trung ương Đảng, mấy cuộc họp của Xứ ủy và Ban Thường vụ Xứ đề ra chủ trương khởi nghĩa, kể cả quyết định ngày giờ khởi nghĩa, đều diễn ra trên đất Gia Định. Mệnh lệnh khởi nghĩa đến Gia Định rất sớm vì đồng chí Lê Văn Khương là thành viên cùng được họp bàn và quyết định cùng với đồng chí Tạ Uyên, Bí thư Xứ ủy. Mệnh lệnh đó nhanh chóng được truyền đạt tới các cấp.

Ngay từ chiều 22-11, lực lượng được được tuyển chọn ở các làng Xuân Hòa, Thới Hòa, Vĩnh Lộc, Bình Hưng... thuộc tổng Bình Chánh Thượng (quận Gò Vấp) và các đơn vị của Thủ Đức, Nhà Bè, chia thành nhiều toán nhỏ đến địa điểm tập kết đã quy định đợi đánh khám lớn, trại Ô Ma, sân bay Tân Sơn Nhất. Dưới sự chỉ huy của Ban khởi nghĩa, quần chúng các làng đã nổi dậy uy hiếp và đánh chiếm các đồn, bốt Lăng Cha Cả, Vườn Tiêu, ngã năm Vĩnh Lộc, Bà Điểm, Phú Lâm, Bình Thới; đồng thời quần chúng xuống đường nổi trống, mỏ, phá Nhà việc, chặt cây, phá cầu, hạ cột điện, cắt dây thép ngay tại địa phương mình... Nghĩa quân đã làm chủ được quận lỵ Hóc Môn từ 1h30 đến 5h sáng ngày 23/11/1940, cho bộ phận tuyên truyền phát loa trấn an nhân dân, giải thích chính sách của cách mạng, kêu gọi nhân dân đứng về phía cách mạng để giải phóng dân tộc.

Như vậy là, ngay cạnh thành phố Sài Gòn, cơ quan cai trị đầu não của địch, nhân nhân đã nổi dậy làm chủ được quận lỵ trên 4h đồng hồ. Nghĩa quân và quần chúng còn tiến hành mấy cuộc biểu tình biểu dương lực lượng nữa, nhưng do tương quan lực lượng, địch mạnh hơn, cho nên cuộc nổi dậy xuống dần.

Thực hiện mệnh lệnh của Xứ ủy, chỉ trừ Hà Tiên, Trà Vinh, Bà Rịa, Vũng Tàu, còn lại các tỉnh thành Nam Bộ đều đồng loạt đã vùng dậy vào ngày 23/11/1940 và những ngày đầu hầu như làm chủ tình thế. Đây là cuộc khởi nghĩa vũ trang của toàn xứ uỷ Nam Kỳ có quy mô rộng khắp và mạnh mẽ nhất từ khi Pháp xâm lược nước ta năm 1858 đến 1940 dưới sự lãnh đạo của Đảng.



3. Kết quả

Trong khởi nghĩa Nam Kỳ, quần chúng được Đảng tổ chức đã dùng bạo lực cách mạng kết hợp lực lượng vũ trang với lực lượng chính trị tiến công làm tan rã từng mảng chính quyền tai sai của Pháp.

Trong 20 tỉnh ở Nam Kỳ (không kể thành phố Sài Gòn, Chợ Lớn) có 75 quận, thì đã có 56 quận thực hiện việc chuẩn bị khởi nghĩa, trong đó có 38 quận có hoạt động khởi nghĩa mạnh, yếu khác nhau và ta làm chủ 2 quận: ở quận Vũng Liêm (Vĩnh Long) chủ quận chạy trốn, nghĩa quân hoàn toàn nắm giữ quận lỵ 8 giờ và quận Hóc Môn (Gia Định) nghĩa quân nắm giữ quận lỵ hơm 4 giờ.

Tổng số làng của 20 tỉnh là 899, đã có 430 làng chuẩn bị nổi dậy; 304 làng nổ ra khởi nghĩa, trong đó có 144 làng nghĩa quân giành được quyền làm chủ với nhiều mức độ khác nhau. Tại 1 số quận thuộc các tỉnh Gia Định, Chợ Lớn, Mỹ Tho, Vĩnh Long... hầu như tất cả các làng đều nổi dậy khởi nghĩa, làm cho chính quyền của địch ở những nơi đó hoang mang tan rã. Ở các trung tâm đô thị như Sài Gòn- Chợ Lớn, Gia Định, Chợ Lớn, Tân An, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Cần Thơ, Bạc Liêu, Long Xuyên... ta đã đề ra kế hoạch đánh chiếm, nhưng không thành vì kế hoạch bị lộ, địch chặn trước. Riêng tỉnh Mỹ Tho, ta chưa giành được quyền làm chủ ở tỉnh lỵ, nhưng Chính quyền cách mạng tỉnh đã ra mắt ở Long Hưng (Châu Thành), đã lập tòa án cách mạng để xét xử những người chống cách mạng. ó chỗ nghĩa quân làm chủ tới 12 ngày như ở Cái Ngang (Tam Bình- Vĩnh Long)..

Giặc Pháp khủng bố rất khốc liệt, dã man, chúng đốt làng, đốt rừng, đưa quân ruồng bố, bắn giết, bắt bớ giam cầm, chà đi xát lại suốt tháng 12/1940 đến đầu năm 1941. Nghĩa quân ta ngày càng gặp thêm nhiều khó khăn, phải lên Truông Mít (Thủ Dầu Một) và Bình Hoà - Bình Thành nằm trong vùng Đồng Tháp Mười và U Minh để củng cố lực lượng chờ thời cơ mới. Tháng 12/1940, Đảng bộ Nam Kỳ họp ở Bà Quẹo (Gia Định) cũng quyết định rút lui để tránh tổn thất, đưa lực lượng còn lại xây dựng căn cứ ở rừng U Minh và Đồng Tháp Mười. Ngay từ khi được tin Nam Kỳ khởi nghĩa, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã ra thông báo khẩn cấp, chỉ thị cho các địa phương chia lửa với Nam Kỳ. Từ việc rải truyền đơn, bãi khoá, bãi thị đến việc phát động du kích, nếu có điều kiện phá đường, phá cầu cống ngăn quân thù đàn áp. Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ tuy bị dập tắt, nhưng bọn thực dân vẫn chưa hết hoảng sợ.

III. BÀ RỊA - VŨNG TÀU VỚI CUỘC KHỞI NGHĨA NAM KỲ


  1. Bà Rịa - Vũng Tàu trước khi cuộc khởi nghĩa nổ ra.

Thời kỳ 1936 - 1939, do hoàn cảnh thuận lợi, bên chính quốc Pháp đã ra đời Chính phủ của Mặt trận Bình dân; chính phủ này ban bố một số điều tiến bộ đối với nhân dân Pháp và các nước thuộc địa. Theo chủ trương của Đảng, Đảng bộ Bà Rịa - Vũng Tàu đã tổ chức và lãnh đạo quần chúng đấu tranh đòi các quyền dân sinh, dân chủ chống chiến tranh đế quốc, phát xít, bằng hình thức công khai, hợp pháp và nửa hợp pháp.

Những tháng cuối năm 1936, hưởng ứng phong trào lập ủy ban hành động thu thập dân nguyện đòi các quyền lợi dân sinh dân chủ, để tiến tới Đông Dương Đại hội do Sài Gòn phát động và tổ chức, tỉnh Bà Rịa đã thành lập được ủy ban hành động của tỉnh và nhiều ủy ban ở quận, làng, đồn điền cao su... Trên cơ sở phong trào hoạt động và phát triển, năm 1937, chi bộ Phước Hải đã kết nạp thêm gần 10 đảng viên ở Phước Hải, Long Điền, Long Mỹ. Giữa năm 1937, Ban cán sự lâm thời Tỉnh ủy Bà Rịa được thành lập, gồm các đồng chí Trương Văn Bang, Bí thư; Võ Văn Thiết; Hồ Trí Tân; Nguyễn Văn Tư; Lương Tống; Nguyễn Thị Sanh. Ngoài mấy chi bộ đã có trước, lúc này lập thêm chi bộ Liên sở cao su Bình Ba - Xà Bang - Láng Lớn. Đảng bộ đã lãnh đạo cơ sở đấu tranh đòi các quyền lợi thiết thân hàng ngày.

Tuy nhiên hoạt động công khai nói trên và báo chí của thời kỳ này đã nhanh chóng bị chính quyền thuộc địa dập tắt.

Theo báo cáo của Xứ ủy Nam Kỳ tháng 2 - 1939, Đảng bộ Vũng Tàu - Bà Rịa lúc đó thuộc Liên tỉnh ủy Gia Định: tỉnh Bà Rịa có 2 chi bộ, 7 đảng viên, 128 quần chúng trong tổ chức do Đảng lãnh đạo; Vũng Tàu có 1 chi bộ, 5 đảng viên (trong đó 2 đang bị đế quốc giam giữ trong tù) và 13 quần chúng. Do Xứ ủy rất quan tâm đến công tác binh vận, cho nên Xứ ủy đã lập 2 Ủy ban chuyên môn binh vận: 1 Ủy ban do đồng chí Tạ Uyên Bí thư Xứ và Trưởng ban khởi nghĩa Xứ trực tiếp nắm đóng tại Sài Gòn, và 1 Ủy ban do đồng chí Phạm Hồng Thám Xứ ủy viên phụ trách, đóng tại Bà Rịa - Vũng Tàu, chủ yếu nắm các cơ sở trong binh lính lúc đó đang đồn trú ở Vũng Tàu.

Khi chiến tranh thế giới bùng nổ, bọn cai trị Đông Dương thẳng tay đàn áp Đảng cộng sản và các tổ chức quần chúng do Đảng lãnh đạo và chúng thực thi sắc lệnh 20-1-1940 của Tổng thông Pháp “vô hiệu hóa” những người chúng cho là chống đối chúng và có hại cho an ninh quốc phòng. Do đó, Pháp đã cho bắt Dương Bạch Mai đưa ra tòa thượng thẩm Sài Gòn xử 5 năm tù và 10 năm quản thúc; Hà Theo (tức Hồ Hạ) 3 năm tù và 5 năm quản thúc.

Chúng còn bắt Hồ Tri Tân đưa đi đày ngoài Côn Đảo; cho đi căng đặc biệt lao động Bà Rá Hồ Thị Trinh, Hồ Thị Bang; Lê Minh Châu (Ba Cụt) đưa đi cư trú bắt buộc ở Châu Đốc... Đây là những đồng chí, cán bộ đã hoạt động công khai rất hăng hái trong thời kỳ 1936 - 1939. Những cán bộ, đảng viên chủ chốt của địa phương bị địch bắt và đưa đi tù có ảnh hưởng nhất định đến phong trào và hoạt động cách mạng của địa phương.

Pháp ban hành những chính sách phản động trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế, xã hội đẩy mâu thuẫn giữa nhân dân ta nói chung và nhân dân Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng với bọn đế quốc cướp nước càng thêm sâu sắc. Nhân dân ta không còn con đường nào khác là phải vùng lên cách mạng giải phóng dân tộc, giành lấy độc lập, như nghị quyết của Hội nghị VI của Trung Ương (tháng 11 - 1939) đã đề ra.

2. Diễn biến khởi nghĩa ở Bà Rịa- Vũng Tàu

Sau các Hội nghị tháng 7 - 1940 ở Tân Hương (Mỹ Tho) và tháng 9 - 1940 ở Xuân Thới Đông (Gia Định) của Xứ ủy, Liên tỉnh ủy Gia Định đã chỉ đạo cho Đảng bộ Bà Rịa - Vũng Tàu đẩy mạnh công tác chuẩn bị khởi nghĩa, nhất là đối với công tác binh vận ở Vũng Tàu.

Khi ấy, Ban cán sự Đảng tỉnh Bà Rịa không còn hoạt động, nhưng các đồng chí đảng viên dựa vào các đồn điền cao su, nắm được chủ trương của Xứ ủy, tích cực vận động chuẩn bị khởi nghĩa trong các đồn điền Bình Ba, Xà Bang, Hàng Gòn, Ông Quế, Láng Lớn. Các đồng chí đã tổ chức các đội tự vệ, trang bị các loại vũ khí thô sơ như gậy tầm vông, giáo mác, dao găm, luyện tập quân sự háo hức chờ lệnh. Ở đồn điền việc luyện tập quận sự rất thuận lợi vì trong rừng vừa rộng, kín đáo, vừa xa các trung tâm.

Đồng chí Nguyễn Văn Lê, đảng viên ở An Ngãi vận động được khoảng 20 thanh niên các làng Long Điền, An Ngãi, Hắt Lăng, Phước Hưng (Tam Phước), Long Mỹ tổ chức các đội tự vệ làm nhiệm vụ bảo vệ cán bộ trong các cuộc hội họp, mít tinh, khống chế bọn tề, mật vụ đi lùng xục trong làng. Đội tự vệ do Phạm Văn Tỷ phụ trách, thường xuyên luyện tập võ nghệ, do ông Chín Quỳ huấn luyện, đã tổ chức trừng trị con Hội đồng quản hạt Bùi Thế Khâm là Bùi Thế Phượng; đánh 3 tên hương quản làng An Ngãi, Chợ Bến... để cảnh cáo và hạ uy thế của chúng.

Song cũng như tình hình ở các tỉnh Nam Bộ, phong trào cách mạng ở Bà Rịa và VũngTàu đang đứng trước những khó khăn thử thách ngày càng gay gắt.Trương Văn Bang phải chuyển vùng; Hồ Tri Tân bị bắt đày ra Côn Đảo; Dương Bạch Mai- một trong những người cộng sản đầu tiên của Bà Rịa –Vũng Tàu bị kết án 5 năm tù, 10 năm biệt xứ; một số cán bộ chủ chốt khác bị đày đi Bà Rá, Tà Lài, Châu Đốc; một số phải tạm lánh một thời gian, bí mật củng cố các cơ sở công nhân cao su, dựng lán trong rừng sống bất hợp pháp. Công tác tuyên truyền vận động và phát triển cơ sở và kết nạp thêm đảng viên trong binh lính ở Vũng Tàu do đồng chí Phạm Hồng Thám Xứ ủy viên trực tiếp phụ trách. Các anh Lê Đình Y, Bùi Cửu, Nguyễn Ngoạn là cơ sở cách mạng nòng cốt trong binh lính người Việt ở Vũng Tàu tích cực chuẩn bị hưởng ứng khởi nghĩa.

Vì Ban cán sự Tỉnh ủy Bà Rịa không còn, đồng chí Phạm Hồng Thám Xứ ủy viên và một số cán bộ có năng lực như Bùi Thị Trường trước làm Ban Cán sự Tỉnh ủy Sóc Trăng, Bạc Liêu; Nguyễn Tấn Khương, trước đó làm Ban Cán sự Sóc Trăng... được điều về Ủy ban binh vận hoạt động ở Vũng Tàu do đồng chí Thám làm Trưởng ban trực tiếp phụ trách. Tuy nhiên, thực tế lúc đó các đồng chí phụ trách phong trào của Bà Rịa - Vũng Tàu.

Cuộc khởi nghĩa không nổ ra tại Bà Rịa - Vũng Tàu, vì phương án khởi nghĩa dựa vào cơ sở binh vận và binh lính giác ngộ không thành. Trung tuần tháng 11/ 1940, nhiều binh lính người Việt tại Vũng Tàu đã bị điều động lên Sài Gòn. Đêm 22/11/1940, thực dân Pháp ra lệnh cấm trại, đổi phiên gác, tước vũ khí toàn bộ binh lính bản xứ và tăng cường quân lính canh gác khắp các nơi. Nhiều cơ sở binh vận bị bắt.

Dù Bà Rịa - Vũng Tàu đã nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương của Xứ và của Liên tỉnh ủy Gia Định ra sức chuẩn bị mọi mặt để lãnh đạo quần chúng nổi dậy. Nhưng, vì không có khởi nghĩa nổ ra như các tỉnh xung quanh, cho nên địch không khủng bố gắt gao. Nhưng trong cuộc khủng bố trắng, nhiều cán bộ đảng viên ở Bà Rịa đã bị thực dân Pháp bắt đày đi căng Tài Lài, Bà Rá, Côn Đảo. Hai đảng viên Hà Du và Trương Văn Tân được Đảng bộ cài vào lính mã tà ở Bà Rịa cũng bị địch phát hiện và bị bắt đày đi an trí. Số còn lại phải lánh đi nơi khác. Nhiều ngôi chùa ở Bà Rịa- Vũng Tàu đã bị địch khám xét gắt gao do chúng tình nghi là cơ sở cách mạng, Phong trào cách mạng ở Bà Rịa - Vũng Tàu lắng xuống.

Tuy bị địch khủng bố, nhưng sau khởi nghĩa Nam kỳ, các cơ sở thuộc đồn điền cao su dọc lộ 2 vẫn được duy trì, bảo vệ tốt, các cuộc đấu tranh của công nhân cao su liên tiếp nổ ra; ngoài ra công nhân đồn điền cao su và đồng bào các dân tộc đã cưu mang đùm bọc cán bộ đảng viên bị địch truy lùng, từ nhiều nơi về đây tạm thời ẩn náu. Các cơ sở cao su Bình Ba, Xà Bang, Láng Lớn trở thành chỗ dựa vững chắc cho phong trào cách mạng của Bà Rịa - Vũng Tàu. Chi bộ Đảng trong quân đội địch ở Vũng Tàu vẫn còn.

Dưới sự lãnh đạo của đảng viên cộng sản, phong trào đầu tranh của công nhân đồn điền cao su trong tỉnh vẫn tiếp tục phát triển.

Ngày 29/12/ 1940, 1000 công nhân cao su Bình Ba và các phân sở Xà Bang, Sông Cầu đình công đòi thi hành ngày làm 8 giờ, nghỉ chủ nhật; không được đánh đập công nhân; không được phát gạo mục, cá thối; hết công - ta phải trả công nhân về địa phương... Do công nhân tỏ thái độ đấu tranh kiên quyết, sau hai ngày chủ đồn điền Bình Ba phải nhượng bộ chấp nhận phát đủ thực phẩm tốt, hứa không đánh đập công nhân...

Tháng 4/1941, anh chị em làm muối, do đồng chí Dương Văn Xá lãnh đạo đấu tranh chống nhân viên sở quan thuế trạm Cỏ May ép giá và giai lận sản lượng của các chủ ruộng muối. Giữa năm 1941, một công nhân cạo mủ số 70 ở Láng Lớn (đồn điền Courtenay) bị nhân vụ tên xu Lu đánh chết, các đồng chí cán bộ cách mạng bí mật sáng tác bài vè kể tội bọn xu xếp, kêu gọi công nhân đoàn kết đấu tranh. Bài vè nhanh chóng lan truyền khắp các sở Nha Trào, Suối Cả, Láng Lớn, Xà Bang gây sự phẫn nộ trong công nhân. Chủ sở Bousou cấm mọi người không được hát bài vè và cho san bằng mộ công nhân số 70. Sự bất bình của công nhân đã dâng lên tột độ, người công nhân mang số 3388 đã vận động công nhân ở phân sở Láng Lớn ra viếng mộ người công nhân số 70 để tuyên truyền, vạch trần tội ác của bọn chủ tư bản thực dân và kêu gọi công nhân đứng lên đấu tranh. Sáng ngày 10/9/1941, hơn 500 công nhân đồn điền Courtenay bỏ việc, biểu tình kéo xuống tỉnh lỵ Bà Rịa yêu cầu tên tỉnh trưởng người Pháp can thiệp, buộc chủ sở chấm dứt việc đánh đập, hành hạ công nhân. Khi đoàn biểu tình tới Xà Bang, lính địch tìm cách chặn lại, đánh ngã 5 người đi đầu. Nhưng đoàn biểu tình tiếp tục khênh 5 người bị thương đi tới tỉnh trưởng Bà Rịa đấu tranh. Đoàn biểu tình được công nhân các sở Xà Bang, Bình Ba, nông dân vùng Long Kiên, Long Xuyên mang cơm nước ra hỗ trợ động viên. Cuối cùng tỉnh trưởng Bà Rịa phải hứa can thiệp buộc chủ sở bồi thường thiệt hại cho công nhân, châm dứt việc hành hạ đánh đập công nhân… Cuộc đấu tranh kế thúc thắng lợi.



IV. Ý NGHĨA LỊCH SỬ VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM

1. Ý nghĩa lịch sử:

- Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ giương cao khẩu hiệu “Đánh đổ đế quốc Pháp thống trị! Chống phát xít Nhật xâm lược!” cùng “vua chúa bổn xứ và tất cả bọn tay sai phản bội dân tộc”, mang tính chất của một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc.

- Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ mang tính chất nhân dân rộng rãi và sâu sắc, vì các tầng lớp, giai cấp, dân tộc, tôn giáo trong xã hội đều tham gia khởi nghĩa trên quy mô rộng lớn khắp Nam Kỳ.

- Tinh thần của cuộc khởi nghĩa Nam kỳ là tinh thần quật khởi của dân tộc, là minh chứng hùng hồn và ý thức dân tộc mãnh liệt của nhân dân Nam Kỳ, nối tiếp những truyền thống quật cường của các thế hệ đi trước, chiến đấu dưới ngọn cờ của chủ nghĩa Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh.

- Cuộc khởi nghĩa đã gây tiếng vang trong cả nước, ảnh hưởng sâu rộng trong nhân dân, làm thức tỉnh mọi người dân yêu nước, tạo tiền đề cho thắng lợi của cách mạng tháng Tám 1945.

2. Những bài học kinh nghiệm:

Do những điều kiện khách quan và chủ quan, cuộc khởi nghĩa không thành công và bị đàn áp vô cùng tàn bạo, nhưng cuộc khởi nghĩa Nam kỳ đã để lại nhiều bài học vô giá, đã đào tạo và rèn luyện một đội ngũ cán bộ, đảng viên trung thành với lý tưởng của Đảng, gương mẫu chiến đấu vì lợi ích của nhân dân; đã tổ chức được hàng vạn quần chúng qua thử thách của cuộc khỏi nghĩa, chuẩn bị cho Cách mạng Tháng Tám 1945 và 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ thành công và cho cả sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa hiện nay. Khởi nghĩa Nam kỳ đã để lại cho chúng ta những bài học kinh nghiệm sâu sắc như sau:



Thứ nhất: Đường lối chính trị đúng đắn, cán bộ đảng viên tuyệt đối trung thành dũng cảm, tiên phong gương mẫu, tin dân, dựa vào dân, tổ chức và phát động nhân dân kiên quyết thực hiện là những nhân tố cơ bản làm cho cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ nổ ra vừa mạnh, vừa rộng hầu khắp Nam Kỳ.

Thứ hai: Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ nổ ra khi tình thế cách mạng đã xuất hiện, nhưng chưa đủ điều kiện chín muồi cho một cuộc tổng khởi nghĩa trong phạm vi Nam Kỳ và cả nước.

Thứ ba: Chủ trương chọn Sài Gòn - Chợ Lớn làm nơi phát lệnh và đóng vai trò quyết định thắng lợi cho một cuộc tổng khởi nghĩa; trong thực tế cuộc khởi nghĩa lại chỉ có thể nổ ra rất mạnh ở vùng nông thôn.

Thứ tư: Quyết tâm phát lệnh khởi nghĩa, nhưng chủ quan đơn giản, chỉ có một phương án, thiếu các phương án dự phòng để duy trì cuộc chiến đấu lâu dài, chờ thời để tiến lên.

Thứ năm: Thiếu cảnh giác cách mạng để cho kẻ địch chui vào hàng ngũ của ta, kế hoạch khởi nghĩa bị bại lộ.

Những bài học kinh nghiệm giá trị trên đây đã góp phần tích cực cho cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 thắng lợi và cho những cuộc kháng chiến 30 năm chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ sau này. Kỷ niệm 75 năm ngày Nam Kỳ khởi nghĩa (23/11/1940 - 23/11/2015), là dịp để các thế hệ dân tộc Việt Nam ôn lại truyền thống vẻ vang về lòng yêu nước, nhất là thế hệ hôm nay và mai sau mãi mãi tự hào về những chiến công oanh liệt, những khí phách hiên ngang, dũng cảm, kiên cường, bất khuất của những đảng viên cộng sản và quần chúng nhân dân đã xả thân cứu nước, quyết đương đầu với thực dân Pháp để giành độc lập tự do cho đất nước./.



BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY




tải về 79.26 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương