Ban thưỜng trực số: 04 /Đa-mttw-btt cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam



tải về 97.08 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu13.08.2016
Kích97.08 Kb.
#17552


UỶ BAN TRUNG ƯƠNG

MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM



BAN THƯỜNG TRỰC

Số:  04 /ĐA-MTTW-BTT



CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

         Hà Nội, ngày 28 tháng 12 năm 2015



       

ĐỀ ÁN

Tổ chức thực hiện cuộc vận động

Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”



Phần thứ nhất

SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

   I. CĂN CỨ CHỦ TRƯƠNG CỦA TRUNG ƯƠNG

  Căn cứ các văn bản chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam:

   - Các văn bản của Đảng: Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 12/3/2003 Hội nghị lần thứ 7 BCH Trung ương Đảng khoá IX về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; Nghị quyết số 26/NQ-TW ngày 05/8/2008 Hội nghị lần thứ 7 BCH Trung ương Đảng khoá X về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn”; Kết luận số 62- KL/TW ngày 08/12/2009 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đổi mới nội dung phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị- xã hội”; Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 Hội nghị lần thứ 9 BCH Trung ương Đảng khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; Quyết định số 217-QĐ/TW và số 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị ban hành kèm theo Quy chế Giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; Quy định về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng Chính quyền.

   - Các văn bản của Quốc hội khóa XIII: Luật MTTQ Việt Nam số 75/2015/QH13 được kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 09/6/2015; Nghị quyết số 76/2014/QH13 ngày 24/ 06/ 2014 về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020; Nghị quyết số 100/2015/QH13 ngày 12/11/2015 về phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016- 2020.

- Các quyết định của Thủ tướng Chính phủ: Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 về ban hành bộ tiêu chí Quốc gia Nông thôn mới, Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, Quyết định số 1620/QĐ-TTg ngày 20/09/2011 về Kế hoạch tổ chức Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”.

- Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2014 - 2019 về yêu cầu đổi mới nội dung phương thức tổ chức thực hiện các cuộc vận động do MTTQ Việt Nam chủ trì cho phù hợp với yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới; Nghị quyết số 06/NQ-MTTW-ĐCT ngày 08/7/2015 Hội nghị lần thứ tư Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

II. CĂN CỨ THỰC TIỄN

1. Căn cứ vào thực tiễn 20 năm triển khai cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và 15 năm cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì và phát động:

Qua 20 năm triển khai thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” cho thấy: Nội dung Cuộc vận động đã bám sát chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và gắn với nhiệm vụ chính trị ở từng địa phương. Quá trình triển khai Cuộc vận động đã phát huy được tính tích cực, sáng tạo và nội lực của người dân, cộng đồng dân cư, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh trật tự ở từng địa bàn khu dân cư; đã khơi dậy truyền thống đoàn kết trong các tầng lớp nhân dân, tăng cường củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; phát huy quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân thông qua hình thức tự quản ở cơ sở, tích cực xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh… Kết quả của Cuộc vận động đã góp phần quan trọng cùng Nhà nước thực hiện đường lối của Đảng về công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” qua 15 năm thực hiện đã khẳng định được ý nghĩa chính trị, xã hội và nhân văn sâu sắc; phù hợp với ý Đảng, lòng dân, được sự hưởng ứng nhiệt tình của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Cuộc vận động đã góp phần phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái của cộng đồng các dân tộc; khơi dậy tình yêu thương, giúp đỡ của người Việt Nam ở trong và ngoài nước cùng chăm lo, giúp đỡ người nghèo, tạo điều kiện người nghèo vươn lên trong cuộc sống. Cùng với các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, từ quỹ “Vì người nghèo” và hoạt động an sinh xã hội, Ủy ban MTTQ Việt Nam và đoàn thể các cấp đã vận động nhân dân hỗ trợ, giúp đỡ các hộ nghèo, vùng kinh tế khó khăn một cách thiết thực, góp phần chia sẻ trách nhiệm với các cấp chính quyền và thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác chăm lo giúp đỡ người nghèo. Cuộc vận động còn thể hiện sự hưởng ứng tích cực mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hiệp quốc về xóa đói, giảm nghèo, đã nhận được sự ủng hộ của các tổ chức quốc tế thông qua các hoạt động, dự án giúp cho người nghèo, vùng khó khăn. Kết quả Cuộc vận động đã góp phần tích cực vào việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, phát triển bền vững của đất nước.

Cùng với việc triển khai cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, trong những năm qua, thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Nông nghiệp, nông dân và nông thôn”, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 và phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” do Thủ tướng Chính phủ phát động năm 2011; Ủy ban MTTQ Việt Nam và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp  đã xây dựng chương trình, kế hoạch hưởng ứng phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; các tiêu chí xây dựng nông thôn mới đã được Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên lồng ghép với nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Thông qua các hoạt động cụ thể, phù hợp với tình hình của địa phương, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên đã tích cực vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới, góp phần thiết thực vào kết quả giai đoạn đầu của mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, ở khu vực đô thị, Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng các tổ chức thành viên đã vận động nhân dân xây dựng khu phố, phường, thị trấn văn minh đô thị với các nội dung thiết thực như: xây dựng tuyến phố tự quản, khu phố đảm bảo trật tự an ninh, khu phố thực hiện tốt công tác cảm hóa, giáo dục người lầm lỗi tại cộng đồng, khu phố văn minh, tuyến phố xanh, sạch, đẹp… góp phần cùng chính quyền và các ngành chức năng thực hiện nhiệm vụ xây dựng các đô thị phát triển, văn minh, hiện đại.

Tuy nhiên, việc triển khai cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” còn một số hạn chế kéo dài: cơ chế chỉ đạo và phối hợp triển khai Cuộc vận động và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở Trung ương và các địa phương không ổn định, nhất quán; việc phối hợp tổ chức thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua giữa Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên ở các cấp chưa cụ thể, thường xuyên; chưa đánh giá rõ được đóng góp của Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên vào việc thực hiện các mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Công tác thi đua khen thưởng chưa được quan tâm đúng mức; việc bình bầu các danh hiệu thi đua ở cơ sở và khu dân cư nhiều nơi còn hình thức, chưa chú trọng nâng cao chất lượng “Gia đình văn hóa”, khu dân cư văn hóa.

   Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” tuy đã có những kết quả đáng ghi nhận song vẫn còn nhiều bất cập. Công tác vận động ủng hộ quỹ “Vì người nghèo” ngày càng khó khăn, nhất là những địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, nơi có ít doanh nghiệp nên nguồn lực chăm lo giúp đỡ người nghèo còn hạn chế. Hỗ trợ của quỹ chưa tạo động lực, điều kiện để hộ nghèo vươn lên thoát nghèo. Bên cạnh quỹ “Vì người nghèo” có rất nhiều quỹ do các tổ chức, các ngành vận động, do đó vừa phân tán nguồn lực, vừa gây nên tình trạng huy động sức dân quá mức. Trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” có nội dung vận động nhân dân đoàn kết, hỗ trợ người nghèo, do đó đánh giá kết quả còn có sự trùng lắp giữa cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.

   2. Trong giai đoạn hiện nay, nội dung và phương thức tổ chức các cuộc vận động  của  MTTQ Việt Nam phải bảo đảm thiết thực, sát với mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh đất nước, đồng bộ với phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2016 - 2020 với chủ đề: “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” và những nội dung thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động tại Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX. Ủy ban MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị- xã hội cần thống nhất, phối hợp tổ chức cuộc vận động và phong trào cụ thể để phát huy tinh thần sáng tạo trong nhân dân, không phân biệt tầng lớp, giai cấp, giới, lứa tuổi, dân tộc và tôn giáo, tạo khí thế thi đua  sôi nổi, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn  hội nhập quốc tế hiện nay.

Kế thừa những kết quả quan trọng của hai cuộc vận động, khắc phục căn bản các hạn chế trong quá trình tổ chức thực hiện thời gian qua, đồng thời đảm bảo thống nhất nội dung trong công tác vận động các tầng lớp nhân dân tham gia phát triển kinh tế- xã hội, giữ vững an ninh trật tự, xây dựng cộng đồng dân cư phát triển, góp phần thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng, chương trình, đề án của Chính phủ về xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và giảm nghèo bền vững, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam xây dựng Đề án Tổ chức thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Phần thứ hai

MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU, NỘI DUNG VÀ GIẢI PHÁP

THỰC HIỆN CUỘC VẬN ĐỘNG

   I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

   1. Mục đích

Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”nhằm không ngừng củng cố và phát huy khối đoàn kết toàn dân tộc, tạo nên sức mạnh tổng hợp góp phần hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và giảm nghèo bền vững.

   2. Yêu cầu

- Nội dung Cuộc vận động thiết thực, toàn diện, phù hợp với chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và điều kiện thực tiễn của từng địa phương, đáp ứng các yêu cầu chính đáng của nhân dân. Đồng thời phát huy dân chủ, nhân dân tham gia giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật của nhà nước tại địa phương, góp phần xây dựng Đảng, Chính quyền trong sạch, vững mạnh.

- Đối với khu vực nông thôn:

+ Trên cơ sở bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới và thống nhất với Ủy ban nhân dân xã, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã căn cứ tình hình thực tế của địa phương, lựa chọn các tiêu chí phù hợp, cụ thể hóa thành các nội dung để vận động nhân dân tham gia thực hiện ở từng khu dân cư.

+  Đối với các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, vận động nhân dân tiếp tục phát huy kết quả, tích cực tham gia các hoạt động góp phần nâng cao chất lượng xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đối với các xã chưa đạt chuẩn, Ủy ban MTTQ Việt Nam hiệp thương với các tổ chức thành viên để phân công vận động nhân dân phát huy tính sáng tạo, tích cực đóng góp sức người, sức của góp phần thực hiện các tiêu chí xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới. Các tổ chức thành viên cần xây dựng các mô hình tự quản đảm nhận các phần việc cụ thể, hỗ trợ các gia đình để phát huy sức mạnh đoàn kết của nhân dân chung sức xây dựng nông thôn mới.

- Đối với khu vực đô thị:

+ Căn cứ vào hướng dẫn, chỉ đạo của Trung ương và Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố, Ủy ban MTTQ Việt Nam phường, thị trấn thống nhất với Ủy ban nhân dân cùng cấp lựa chọn các tiêu chí phù hợp vận động nhân dân tham gia xây dựng khu dân cư (khu phố, tổ dân phố) và phường, thị trấn theo yêu cầu đô thị văn minh.

+ Ủy ban MTTQ Việt Nam hiệp thương với các tổ chức thành viên để phân công vận động nhân dân phát triển kinh tế, tích cực góp công, góp sức thực hiện các tiêu chí đô thị văn minh. Các tổ chức thành viên xây dựng các mô hình tự quản, đảm nhận các phần việc cụ thể, hỗ trợ các gia đình để phát huy sức mạnh đoàn kết của nhân dân chung sức xây dựng đô thị văn minh.

  - Việc triển khai Cuộc vận động được tiến hành thường xuyên, liên tục, từng giai đoạn có sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, bổ sung nội dung, giải pháp cho giai đoạn tiếp theo.

  II. NỘI DUNG CUỘC VẬN ĐỘNG

  Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh với 5 nội dung trọng tâm là:

      1. Đoàn kết tham gia phát triển kinh tế, tích cực giúp nhau giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống, khuyến khích làm giàu chính đáng.

   Vận động nhân dân giúp nhau phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu hợp pháp; thực hiện quy hoạch và chỉnh trang khu dân cư; hiến đất, góp công xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn và đường bê tông trong khu phố. Vận động, hướng dẫn và hỗ trợ các hộ gia đình đăng ký sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn. Vận động người thân ở xa quê đóng góp xây dựng quê hương. Từ hỗ trợ của quỹ “Vì người nghèo”, các chương trình, dự án và hỗ trợ từ cộng đồng giúp các hộ nghèo nâng cấp nhà ở, cải thiện đời sống.

- Ở nông thôn, vận động nông dân tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới; hỗ trợ liên kết giữa các hợp tác xã và hộ nông dân với doanh nghiệp để phát triển các chuỗi liên kết có sức cạnh tranh và hiệu quả cao; phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại; phát huy nghề truyền thống của địa phương; tích cực chuyển đổi cơ cấu sản xuất để không ngừng nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh tế.

 (Các hoạt động trên góp phần tích cực thực hiện các tiêu chí: 1, 2, 6, 9, 10, 11, 12 và 13 về xây dựng nông thôn mới).

- Ở đô thị, vận động nhân dân thực hiện nghiêm các quy định về quy hoạch đô thị; phát triển, đa dạng hoá ngành nghề dịch vụ và sản xuất kinh doanh, bảo tồn và phát triển ngành nghề truyền thống; xây dựng văn minh và đạo đức trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, không bán hàng không có xuất xứ theo quy định của pháp luật, hàng giả, hàng kém chất lượng.



2. Đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, chăm lo sự nghiệp giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, chăm sóc sức khỏe nhân dân; xây dựng gia đình văn hóa; phát huy truyền thống đền ơn, đáp nghĩa, tương thân, tương ái.  

Vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn hoá, ứng xử văn minh, bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá của các vùng, miền, bảo vệ các công trình văn hoá lịch sử. Thực hiện phổ cập giáo dục mầm non, tiểu học và trung học cơ sở; khuyến khích học nghề và phát triển nguồn nhân lực, tích cực xây dựng xã hội học tập. Vận động nhân dân tập luyện thể dục, thể thao; phòng chống các dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe; mua bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội. Tích cực xây dựng gia đình hạnh phúc, nâng cao chất lượng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa.

Thường xuyên tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc các gia đình chính sách, người có công, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng. Tích cực tham gia công tác nhân đạo, từ thiện, giúp đỡ gia đình bị thiên tai, người bị nhiễm chất độc da cam-đioxin, người già yếu không nơi nương tựa, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

(Các hoạt động trên góp phần tích cực vào thực hiện các tiêu chí 14, 15 và 16 về xây dựng nông thôn mới).



3. Đoàn kết tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng  cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp.

Vận động nhân dân tích cực tham gia các hoạt động giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường; xử lý chất thải sản xuất và sinh hoạt đảm bảo vệ sinh môi trường; trồng cây xanh; xây dựng các mô hình cổng nhà sân vườn, đường làng ngõ xóm, khu phố sáng - xanh - sạch - đẹp.

Hướng dẫn để người dân biết cách ứng phó với biến đổi khí hậu và tham gia giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường.

Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, phường hiệp thương với các tổ chức thành viên để phân công thực hiện các công trình, phần việc bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu ở xã, phường và ở từng khu dân cư.

(Các hoạt động trên góp phần tích cực thực hiện tiêu chí 17 về xây dựng nông thôn mới).

   4. Đoàn kết chấp hành pháp luật, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Vận động nhân dân thực hiện tốt hương ước, quy ước của cộng đồng; sống và làm việc theo pháp luật, tích cực phòng chống tội phạm, các tệ nạn xã hội; giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội, không vi phạm quy định của pháp luật về an toàn giao thông, về an toàn thực phẩm.

Phát huy vai trò các tổ hòa giải, giải quyết hiệu quả những mâu thuẫn, bất hòa trong nội bộ nhân dân, tạo không khí hòa thuận ở khu dân cư.

(Các hoạt động trên góp phần tích cực thực hiện tiêu chí 19 về xây dựng nông thôn mới).

 5. Đoàn kết phát huy dân chủ, tích cực tham gia giám sát và phản biện xã hội, góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch vững mạnh.

  Phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Hoạt động của Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng đạt hiệu quả cao. Tích cực tham gia góp ý với cán bộ đảng viên, với chi bộ, chi đoàn, chi hội các đoàn thể trong các cuộc họp khu dân cư và sinh hoạt đoàn thể; giám sát chính quyền xã, phường trong việc tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tổ chức thực hiện các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tích cực đấu tranh với những hành vi tham nhũng, lãng phí của cán bộ, đảng viên; đấu tranh với các phần tử lợi dụng dân chủ, có hành vi gây rối trật tự xã hội, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

(Các hoạt động trên góp phần tích cực vào thực hiện tiêu chí 18 về xây dựng nông thôn mới).

  Kết quả thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới đô thị văn minh” đóng góp vào chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh và giảm nghèo bền vững được đánh giá qua:

  - Chất lượng và số lượng gia đình được công nhận gia đình văn hóa, với các tiêu chí phù hợp với yêu cầu về xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh.

  - Chất lượng và số lượng các khu dân cư được công nhận khu dân cư văn hóa (làng văn hóa, thôn văn hóa, tổ dân phố văn hóa...) với các tiêu chí phù hợp với yêu cầu xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh.

  - Số lượng và tác dụng của các công trình, phần việc mà MTTQ Việt Nam ở xã, phường, Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư, các tổ chức thành viên đã thực hiện, góp phần thiết thực hoàn thành các tiêu chí xã nông thôn mới và phường, thị trấn văn minh.



III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN CUỘC VẬN ĐỘNG

          1. Đẩy mạnh công tác truyền thông

- Thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân về ý nghĩa, mục tiêu xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và giảm nghèo bền vững; tuyên truyền về vai trò, tác dụng và cách tổ chức thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; lắng nghe ý kiến của nhân dân về trách nhiệm của chính quyền, về công tác phối hợp hướng dẫn nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh của Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên, về kết quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, từ đó tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân góp phần thực hiện thành công mục tiêu xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và giảm nghèo bền vững.  

  - Kịp thời phát hiện và giới thiệu gương điển hình, mô hình khu dân cư, xã, phường, thị trấn tiêu biểu thực hiện hiệu quả các nội dung Cuộc vận động trên các phương tiện thông tin đại chúng, các báo, ấn phẩm của Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên.



2.  Hiệp thương, phân công trách nhiệm tổ chức thực hiện Cuộc vận động

- Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp thực hiện tốt vai trò chủ trì, hiệp thương xây dựng chương trình phối hợp, kế hoạch triển khai Cuộc vận động, theo dõi, tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện Cuộc vận động; phát huy vai trò tự quản của nhân dân; tập hợp ý kiến đề xuất với Đảng, Nhà nước về chủ trương, cơ chế, chính sách để Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên triển khai có hiệu quả Cuộc vận động.

- Trên cơ sở nội dung của Cuộc vận động, hiệp thương và phân công trách nhiệm giữa Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận phát huy tính sáng tạo, đa dạng các phong trào thi đua của các tổ chức thành viên. Hướng dẫn các tổ chức thành viên ở xã, phường, khu dân cư đăng ký thực hiện ít nhất một nội dung, công việc cụ thể, một công trình tự quản để góp phần thực hiện mục tiêu  xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và giảm nghèo bền vững.

 Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên ở xã, phường hiệp thương thống nhất việc vận động, hướng dẫn và hỗ trợ các gia đình cụ thể ở các thôn, ấp, bản, khu phố, phấn đấu không có hộ nghèo nào không được một tổ chức chính trị- xã hội hỗ trợ, tư vấn để thoát nghèo bền vững.



3.  Nâng cao chất lượng tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư

Hằng năm, nhân dịp Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam - Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc (18/11), Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp phối hợp với các tổ chức thành viên hướng dẫn tổ chức các hoạt động thiết thực; tuyên truyền về truyền thống MTTQ Việt Nam và ý nghĩa Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc; đánh giá kết quả thực hiện Cuộc vận động và các phong trào thi đua do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể tổ chức, phát động, qua đó biểu dương tập thể và cá nhân có đóng góp tích cực trong thực hiện Cuộc vận động ở khu dân cư.



4. Phối hợp rà soát, điều chỉnh các nội dung, điều kiện triển khai Cuộc vận động

- Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với các bộ, ngành, các tổ chức thành viên rà soát các nội dung đang thực hiện để thống nhất thay thế những điểm chưa hợp lý, điều chỉnh, bổ sung nội dung phù hợp khi tổ chức thực hiện Cuộc vận động.

- Kiện toàn Ban vận động quỹ “Vì người nghèo” các cấp; điều chỉnh nội dung, phương thức quản lý, sử dụng quỹ tập trung hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo và thăm Tết, hỗ trợ các hộ nghèo vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo, vùng còn nhiều khó khăn.

   5. Phối hợp nội dung Cuộc vận động với các phong trào thi đua yêu nước

- Thông qua cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đóng góp thiết thực vào triển khai phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”;  phối hợp với chính quyền xác định các yêu cầu cụ thể ở mỗi địa phương, gợi ý cho mỗi xã, phường, khu dân cư và từng gia đình đề xuất và tự nhận những việc làm, công trình cụ thể, thiết thực, góp phần đạt mục tiêu chung về xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và giảm nghèo bền vững.

- Hướng dẫn và tổ chức để nhân dân giám sát việc bình chọn và công nhận gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa đúng tiêu chí, có tính thuyết phục.

- Phối hợp với các tổ chức thành viên xây dựng tiêu chí đánh giá kết quả Cuộc vận động phù hợp với từng vùng, miền và đóng góp của các tổ chức thành viên.

   6.  Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp cùng các bộ, ngành bổ sung, hoàn thiện cơ chế thực hiện Cuộc vận động

   -  Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xây dựng tiêu chí Gia đình văn hóa và khu dân cư văn hóa theo chuẩn nông thôn mới.

   - Phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xây dựng tiêu chí đô thị văn minh, hướng dẫn xây dựng tiêu chí Gia đình văn hóa và khu phố văn hóa theo chuẩn đô thị văn minh.

- Phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng thống nhất hướng dẫn cách bình chọn Gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

- Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ (Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương) hướng dẫn nội dung, tiêu chí, khen thưởng đối với Cuộc vận động.

   - Phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan xây dựng thông tư  hướng dẫn kinh phí đảm bảo cho việc tổ chức thực hiện Cuộc vận động.

   - Phối hợp với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và các tỉnh, thành phố khảo sát và phân loại các nhà văn hóa xã, phường, khu dân cư theo các tiêu chí đảm bảo phục vụ sinh hoạt của cộng đồng (diện tích, công năng, trang thiết bị, công tác quản lý, hiệu quả hoạt động...); xây dựng Đề án thí điểm xây dựng Trung tâm sinh hoạt cộng đồng báo cáo Thủ tướng Chính phủ. 

   7.  Đề xuất với Ban Bí thư, Chính phủ ban hành chủ trương, chính sách để tạo điều kiện triển khai Cuộc vận động

- Đề nghị Ban Bí thư ban hành Chỉ thị về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

- Đề nghị Chính phủ phối hợp với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ban hành Nghị quyết liên tịch về xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và giảm nghèo bền vững.

          8. Về kinh phí thực hiện Cuộc vận động

    Căn cứ Nghị quyết liên tịch của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam với Chính phủ, ngân sách Nhà nước cấp một phần kinh phí, đồng thời Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên vận động đóng góp của xã hội.

9. Xác định lộ trình thực hiện Cuộc vận động từ 2016 đến 2020

   * Năm 2016:

   - Quý I: Ký kết Nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; rà soát và công bố các tiêu chí Gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa giai đoạn 2016 - 2020; ban hành thông tri hướng dẫn đảm bảo kinh phí cho Cuộc vận động.

   - Quý II: Tổ chức tập huấn, hướng dẫn triển khai Cuộc vận động đến cán bộ Mặt trận và tổ chức thành viên các cấp.

   - Quý III: Tiếp tục triển khai Cuộc vận động.

   - Quý IV: Đánh giá năm đầu và rút kinh nghiệm triển khai Cuộc vận động. Hướng dẫn triển khai Cuộc vận động năm 2017.

   * Năm 2017: Khảo sát, xây dựng Đề án thí điểm xây dựng Trung tâm hoạt động cộng đồng, triển khai thực hiện Đề án sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đánh giá 2 năm triển khai Cuộc vận động.

   * Năm 2018:  Đánh giá kết quả thí điểm Trung tâm hoạt động cộng đồng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ; Sơ kết 3 năm thực hiện Cuộc vận động.

   * Năm 2019: Kiểm tra, sơ kết, đánh giá 4 năm triển khai Cuộc vận động trên địa bàn cả nước (trước Đại hội lần thứ IX của MTTQ Việt Nam).

   * Năm 2020: Tổng kết 5 năm thực hiện Cuộc vận động; báo cáo với Ban Bí thư và Chính phủ về kết quả thực hiện Cuộc vận động và phương hướng triển khai giai đoạn tiếp theo.



Phần thứ ba

TỔ CHỨC THỰC HIỆN CUỘC VẬN ĐỘNG

1. Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam

   - Phối hợp với các bộ, ngành Trung ương xây dựng Nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và giảm nghèo bền vững (Quý I/2016).

   - Phối hợp với Văn phòng Trung ương và các ban Đảng Trung ương xây dựng dự thảo Chỉ thị của Ban Bí thư về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” (Quý I/2016).

   - Củng cố, kiện toàn Ban vận động quỹ “Vì người nghèo” Trung ương; điều chỉnh, bổ sung Quy chế vận động, đối tượng và nội dung hỗ trợ, công tác quản lý quỹ “Vì người nghèo” hướng dẫn các tỉnh, thành phố thực hiện (Quý I/2016).

   - Ban hành Thông tri hướng dẫn triển khai cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và tổ chức tập huấn cán bộ Mặt trận các tỉnh, thành phố. Chủ trì phối hợp với các tổ chức thành viên và trực tiếp chỉ đạo thực hiện Cuộc vận động trong phạm vi cả nước (Quý II/2016).

   - Định kỳ hằng năm tổ chức đánh giá công tác phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam với các tổ chức thành viên, kết quả triển khai Cuộc vận động; 5 năm tổ chức hội nghị tổng kết, biểu dương điển hình tiêu biểu toàn quốc trong thực hiện Cuộc vận động.



2. Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố

- Báo cáo cấp ủy Đảng về chủ trương triển khai cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Phối hợp với chính quyền và các đoàn thể chính trị - xã hội cùng cấp xây dựng chương trình phối hợp giữa Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, thành phố với UBND tỉnh, thành phố và các đoàn thể chính trị- xã hội để triển khai Cuộc vận động (Quý II/2016).

- Phối hợp với các tổ chức thành viên triển khai Cuộc vận động tới các xã, phường và khu dân cư (Quý II/2016).

- Định kỳ hằng năm phối hợp với các tổ chức thành viên và chính quyền cùng cấp kiểm tra, đánh giá; 05 năm tiến hành tổng kết, biểu dương điển hình tiêu biểu thực hiện Cuộc vận động.



3. Các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

- Các đoàn thể chính trị - xã hội và các tổ chức thành viên khác của Mặt trận ở Trung ương hiệp thương với Ủy ban MTTQ Việt Nam để thống nhất việc tham gia Cuộc vận động và có hình thức triển khai thực hiện phù hợp trong hệ thống tổ chức mình, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và giảm nghèo bền vững.

- Các tổ chức thành viên tham gia Cuộc vận động ở tỉnh, thành phố, huyện, quận, xã, phường. Báo cáo và tham gia đánh giá kết quả triển khai chương trình phối hợp giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố và các tổ chức thành viên.

Trên đây là Đề án Tổ chức thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Đề nghị các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố phối hợp tổ chức thực hiện có hiệu quả. Trong quá trình triển khai, Đề án sẽ tiếp tục được hoàn chỉnh phù hợp với tiến độ và kết quả thực hiện.



TM. BAN THƯỜNG TRỰC

CHỦ TỊCH

(Đã ký)

Nguyễn Thiện Nhân



Каталог: HoatDongAnh -> thang%2002%20nam%202016
thang%2002%20nam%202016 -> Ủy ban thưỜng vụ quốc hội chính phủ ĐOÀn chủ TỊch ủy ban trung ưƠNG
thang%2002%20nam%202016 -> Ban thưỜng trực số: 03 /hd-mttq-btt cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
HoatDongAnh -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập –Tự do – Hạnh phúc
HoatDongAnh -> Ủy ban nhân dân cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam thành phố HỒ chí minh độc lập Tự do Hạnh phúc
HoatDongAnh -> Ủy ban nhân dân thành phố HỒ chí minh
HoatDongAnh -> QuyếT ĐỊnh về việc ban hành Quy định cơ chế quản lý đầu tư và xây dựng, quản lý nguồn vốn đầu tư tại các xã thực hiện Chương trình
HoatDongAnh -> Ủy ban nhân dân cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
thang%2002%20nam%202016 -> Ban thưỜng trực số: 04 /hd-mttq-btt cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
thang%2002%20nam%202016 -> Ban thưỜng trực số: 19/kh-mttq-btt cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
thang%2002%20nam%202016 -> Ban thưỜng trực số: 05 /hd-mttq-btt cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam

tải về 97.08 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương