Ban Quản lý Di tích tỉnh Quảng Bình



tải về 368.78 Kb.
trang1/4
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2016
Kích368.78 Kb.
#29675
  1   2   3   4
NHÂN DÂN QUẢNG BÌNH VỚI CÔNG TÁC TRÙNG TU TÔN TẠO

CÁC DI TÍCH LỊCH SỬ QUA CÁC THỜI KỲ



Ban Quản lý Di tích tỉnh Quảng Bình

Quảng Bình là một tỉnh thuộc Bắc Trung Bộ, ở vào 17­005’02’’ đến 18005’12’’ vĩ độ Bắc và 106056’55’’ đến 106059’37’’ kinh độ Đông, là vùng đất cực hẹp của đất nước. Phía Bắc giáp tỉnh Hà Tĩnh, ngăn cách bởi dãy Hoành Sơn chạy theo hướng từ Tây sang Đông dài 129km, phía Nam giáp tỉnh Quảng Trị có chung địa giới là 83km. Phía Tây giáp tỉnh Khăm Muộn của nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào chạy dọc dãy Trường Sơn 201km. Phía Đông giáp biển Đông có đường biển dài 116km. Dải đất Quảng Bình như một bức tranh hoành tráng, có rừng, có biển với nhiều cảnh quan đẹp, thắng cảnh nổi tiếng: Đèo Ngang, đèo Lý Hòa, cửa biển Nhật Lệ, phá Hạc Hải, Cổng Trời,... và Di sản Thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

Quảng Bình là vùng đất văn vật, có các di sản Văn hóa Bàu Tró, các di chỉ thuộc nền Văn hóa Hòa Bình và Đông Sơn, nhiều địa danh nổi tiếng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ. Trên dặm dài lịch sử, đã hình thành nhiều làng văn hóa nổi tiếng và được truyền tụng từ đời này sang đời khác như “Bát danh hương”: “Sơn - Hà - Cảnh - Thổ - Văn - Võ - Cổ - Kim”. Nhiều danh nhân tiền bối học rộng, đỗ cao và nổi tiếng xưa nay trên nhiều lĩnh vực quân sự, văn hóa - xã hội như: Dương Văn An, Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Hàm Ninh, Hoàng Kế Viêm, Võ Nguyên Giáp...

Cũng như mọi miền quê khác của đất nước Việt Nam, trong quá trình sinh tồn và phát triển, trên mảnh đất Quảng Bình đã ôm trong lòng một hệ thống di tích lịch sử văn hóa vừa là tấm gương phản chiếu và chứng nhân lịch sử, đồng thời là thước đo các giá trị văn hóa của cộng đồng. Có thể coi di tích lịch sử văn hóa như là một loại tượng đài mà trên đó, các thế hệ đi trước đã ghi dấu những giá trị lịch sử, văn hóa nghệ thuật, kỹ thuật tài năng sáng tạo, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tinh thần yêu nước, sự hy sinh cao cả, bản lĩnh và khí phách anh hùng vượt qua muôn vàn thử thách cam go trong chiến đấu giành độc lập dân tộc và xây dựng đất nước. Di tích lịch sử văn hóa là bản “thông điệp” được vật chất hóa của ông cha gửi lại cho các thế hệ hôm nay và mai sau, là một thành tố quan trọng thể hiện sinh động và cụ thể bản sắc văn hóa của dân tộc. Trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ xin nêu khái quát một số vấn đề liên quan đến công tác trùng tu, tôn tạo di sản văn hóa vật thể (di tích) qua các thời kỳ, đặc biệt là giai đoạn kể từ khi tái thiết lập tỉnh 1989 và được chú trọng hơn từ năm 2000-2015…

Qua kiểm kê bước đầu từ năm 1997 đến 2013, trong toàn tỉnh có 230 di tích và dấu hiệu di tích. Có 99 di tích được xếp hạng, trong đó 51 di tích cấp Quốc gia và 48 di tích cấp tỉnh. Hệ thống di tích lịch sử Đường Trường Sơn (Đường Hồ Chí Minh) được xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt; Di sản Thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

Di tích là những bằng chứng vật chất có ý nghĩa quan trọng, minh chứng về lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của quê hương, của dân tộc. Di tích giúp con người biết được cội nguồn của dân tộc mình, hiểu về truyền thống lịch sử, đặc trưng văn hóa của đất nước và do đó có tác động ngược trở lại tới việc hình thành nhân cách con người Việt Nam hiện đại.

Di tích chứa đựng những giá trị kinh tế to lớn (trị giá nhiều ngàn tỷ đồng) nếu bị mất đi không đơn thần là mất tài sản vật chất mà là mất đi những giá trị tinh thần lớn lao không gì bù đắp nổi. Đồng thời di tích còn mang ý nghĩa là nguồn lực cho phát triển kinh tế, một nguồn lực rất lớn, sẵn có nếu được khai thác, sử dụng tốt sẽ góp phần không nhỏ cho việc phát triển kinh tế đất nước và nó ngày càng có ý nghĩa to lớn khi đất nước đang rất cần phát huy tối đa nguồn nội lực để phát triển.

Tồn tại song hành cùng với di sản văn hóa vật thể là một kho tàng di sản văn hóa phi vật thể phong phú không kém phần đa dạng, bao gồm nhiều loại hình, hình thức, nghi lễ của các dân tộc, các địa phương. Năm 2011, tổng số di sản văn hóa phi vật thể đã được kiểm kê là 104, trong đó:

- Lễ hội truyền thống dân gian: 52

- Nghề thủ công truyền thống: 27

- Nghệ thuật trình diễn dân gian: 12

- Tri thức văn hóa dân gian: 13

Xét về bản chất, di sản văn hóa dù ở trong hình thức nào, từ văn hóa vật thể cho tới phi vật thể, từ trong các di tích cho tới mọi sinh hoạt nghệ thuật, tín ngưỡng, lễ hội, tôn giáo, phong tục tập quán, lối sống, nếp sống, hoặc các tri thức dân gian về ngành nghề thủ công, y học, ẩm thực,... tất cả đều là những giá trị tồn tại dưới những dạng vật chất cụ thể hoặc dạng cái trừu tượng (không phải cái cụ thể) mang tính chất là những cái ẩn chứa phía sau những hoạt động hoặc kết quả của các hoạt động tinh thần (có ý thức) của con người trong mọi mối quan hệ với tự nhiên, với xã hội và với chính bản thân mình. Những giá trị ấy chính là cái “hồn”, là nơi thể hiện rõ nhất những thành tựu, trình độ, bản sắc văn hóa của một cộng đồng tại một không gian (địa điểm, địa phương,...) ở một thời gian, thời điểm nhất định. Tích lũy trong quá khứ, qua trường kỳ lịch sử, các giá trị đó trở thành một bộ phận quan trọng hợp thành vốn di sản văn hóa quý báu của quê hương, dân tộc.

Di tích lịch sử - văn hóa có vai trò to lớn đối với sự phát triển lành mạnh và bền vững của cuộc sống đương đại. Bảo vệ và phát huy giá trị của di tích là nền tảng, là nguồn động lực cho sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước, là quyền lợi và trách nhiệm của mỗi người và của cả cộng đồng.



I. Đặc điểm hiện trạng di sản văn hóa (vật thể)

- Di tích - danh thắng ở Quảng Bình có mật độ dày, phân bố rộng, đều khắp các địa phương trong tỉnh, xét về số lượng cũng như loại hình, nhưng tính tập trung không cao.

- Về loại hình di tích - danh thắng ở Quảng Bình khá phong phú: Trong tổng số 99 di tích được xếp hạng có đủ bốn loại hình: Di tích kiến trúc nghệ thuật, di tích khảo cổ, di tích lịch sử và di tích danh thắng, trong đó danh thắng Phong Nha - Kẻ Bàng đã được công nhận là Di sản Thiên nhiên thế giới. Đặc biệt ở Quảng Bình có một đặc điểm mà ít địa phương có, đó là ngay trong lòng Di sản Thiên nhiên thế giới còn chứa đựng nhiều di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt thuộc hệ thống di tích đường Hồ Chí Minh huyền thoại.

Di sản văn hóa vật thể của Quảng Bình phần lớn làm bằng chất liệu hữu cơ, lại bị tàn phá nặng nề của chiến tranh, thiên tai và do sự quan tâm không đầy đủ của con người qua hàng trăm năm nên nhiều di tích bị xuống cấp nghiêm trọng như thành Đồng Hới, Quảng Bình Quan, lũy Đào Duy Từ,...

Hệ thống di tích Quảng Bình đã và đang chịu tác động ngày càng nhanh chóng của sự biến đổi môi trường tự nhiên và xã hội. Theo quan sát của chúng tôi, có thể quy vào mấy trường hợp sau đây:

- Không gian của di sản bị lấn chiếm để làm nhà ở, cơ sở dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, công sở và sử dụng vào những mục đích gây bất lợi cho di sản: Thành Đồng Hới, cửa biển Nhật Lệ, đá nhảy Lý Hòa...

- Môi trường thiên nhiên truyền thống của một số khu di sản bị biến dạng một phần, do các công trình xây dựng bao quanh khu di sản không phù hợp với quy hoạch truyền thống của khu di tích về vị trí, màu sắc, hình dáng... Khi các công trình xây dựng hoàn thành, được đưa vào sử dụng lại gây ảnh hưởng không tốt tới môi trường của di sản do tiếng ồn, khói bụi, nước thải…

- Môi trường thiên nhiên của một số di sản bị lấn át do những công trình xây dựng bao quanh có quy mô quá lớn cả về chiều cao và diện tích xây dựng, làm cho di sản trở nên nhỏ bé và chật chội.

- Không gian của di sản bị lấn chiếm để làm nhà ở, cơ sở dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, công sở và sử dụng vào những mục đích gây bất lợi cho di sản: Thành Đồng Hới, cửa biển Nhật Lệ, đá nhảy Lý Hòa.

- Môi trường của di sản bị ô nhiễm do sự phát triển du lịch, sự tập trung quá đông người trong mùa lễ hội mà chưa có những biện pháp quản lý bảo vệ cần thiết, chưa xây dựng được một kế hoạch hoạt động du lịch bền vững tại các khu di sản.

Sở dĩ có những hiện tượng trên là do sự thiếu đồng bộ, thiếu ý thức và thiếu quan tâm đến việc bảo tồn di sản của một số ngành, địa phương trong quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng các cơ sở sản xuất, như:

- Xây cảng, dựng cầu, mở đường, phát triển các ngành công nghiệp khai thác khoáng sản than, xi măng, nuôi trồng thuỷ sản... không chú ý đến việc bảo tồn di sản văn hóa trong khu vực triển khai dự án.

- Việc phát triển các đô thị không theo quy hoạch hoặc quản lý quy hoạch đô thị không nghiêm, dẫn đến tình trạng xây dựng đường xá, cầu cống, nhà hàng, khách sạn, biệt thự, nhà ở cao tầng ồ ạt, vô cùng lộn xộn. Những công trình mới đó, vô hình chung đã làm cho di sản văn hóa bị mất không gian truyền thống, nhiều di sản còn bị các công trình mới chèn lấn, có nguy cơ bị mai một. Các công trình cấp thoát nước và xử lý nước thải cũng như xử lý khói bụi, tiếng ồn ở các đô thị và nhà máy chưa đảm bảo, dẫn đến tình trạng gây ô nhiễm môi trường của di sản.

- Việc đô thị hóa nông thôn nhanh chóng, việc xây dựng ồ ạt các công trình mới không được kiểm soát một cách chặt chẽ nghiêm ngặt, dẫn đến tình trạng một số di sản văn hóa không có khu vực đệm, một số di sản văn hóa còn bị thu hẹp dần khu vực bảo vệ để nhường chỗ cho các hoạt động kinh tế, xã hội.

- Việc phát triển du lịch một cách mạnh mẽ trong khi chưa có đủ cơ sở hạ tầng, chưa có những công cụ pháp lý hữu hiệu để điều chỉnh các hành vi liên quan cũng làm cho di sản văn hóa có nguy cơ bị ô nhiễm do quá tải, nhất là trong mùa lễ hội, du lịch.

- Nhiều không gian hoạt động tại di sản văn hóa, không gian lễ hội bị phá vỡ, hoặc thu hẹp lại (đình, chùa bị phá hoại trong chiến tranh, các con đường hành lễ, các địa điểm sinh hoạt lễ hội, không gian văn hóa bị chia cắt do việc xây dựng mở mang các đô thị, khu công nghiệp…). Thế hệ trẻ ngày càng ít quan tâm và không còn muốn sống trong những môi trường truyền thống, môi trường sống tại các đô thị hiện đại có lực hấp dẫn mạnh mẽ đối với họ. Con người ngày càng muốn sống trong các điều kiện hiện đại, có đầy đủ tiện nghi hơn, vì vậy di sản văn hóa luôn đứng trước nguy cơ bị cải biến theo hướng hiện đại.

Trong quá khứ, nhiều di sản của chúng ta bị các yếu tố tự nhiên và xã hội tàn phá. Nhiều di sản đã bị xóa sổ trong chiến tranh, đến khi hòa bình lập lại (1954), thống nhất đất nước (1975), với truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, trên nền móng cũ, nhiều công trình (ngôi đình thờ thành hoàng làng, ngôi chùa thờ Phật, ngôi đền thờ những người có công với dân với nước...) được phục hồi để bảo tồn và phát huy các giá trị tinh thần truyền thống của cộng đồng.

II. Khó khăn và thách thức

Do quá trình đô thị hóa với tốc độ nhanh đang diễn ra cộng với các hiện tượng thiên tai, lũ lụt thường xuyên xảy ra và cả những tác động chủ quan của con người như: lấn chiếm đất đai, phá rừng, ô nhiễm môi trường, hỏa hoạn… đã khiến một số di sản văn hóa đứng trước tình trạng bị biến dạng và có nguy cơ bị hủy hoại nghiêm trọng. Công tác quản lý di tích ở một số địa phương còn bị buông lỏng, tìm trạng trộm cắp hiện vật quý hiếm trong di tích vẫn chưa được ngăn chặn triệt để. Năm 2008, UBND tỉnh đã chấn chỉnh, xử lý hàng chục vụ việc “nóng” liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ, tôn tạo di tích ở các địa phương như di tích lịch sử đình Hòa Ninh ở xã Quảng Hòa, huyện Quảng Trạch; Đình Lộc Điền ở xã Quảng Thanh... Trong khi đó, một số di tích ở các địa phương tu bổ không xin phép hoặc chưa được tu bổ đúng quy trình gây dư luận không tốt cho xã hội.

Việc xảy ra sai sót trong công tác tu bổ, tôn tạo di tích do những người tham gia chỉ đạo và trực tiếp thi công thiếu kiến thức chuyên môn. Khi tiến hành tu bổ, tôn tạo di tích, một số nơi vừa có biểu hiện bớt xén nguyên vật liệu, vừa không tuân thủ đúng các nguyên tắc thiết kế ban đầu. Thậm chí có người muốn thay thế di tích bằng một hình thế, kiểu dáng mới, mà không nhận thức sâu sắc rằng, di tích chỉ có giá trị khi nó phù hợp với từng thời điểm lịch sử cụ thể nhất định.

Bên cạnh đó, công tác xã hội hóa hoạt động bảo vệ và phát huy di sản văn hóa trong điều kiện cơ chế thị trường còn thiếu năng động và sáng tạo, chưa có sự phối kết hợp hoạt động.




tải về 368.78 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương