Ban chấp hành đẢng bộ huyện krông pa tỉnh gia lai lịch sử ĐẢng bỘ


Lãnh đạo nhân dân trong huyện nổi dậy phá ấp, giải phóng nông thôn



tải về 1.87 Mb.
trang6/14
Chuyển đổi dữ liệu13.06.2018
Kích1.87 Mb.
#39932
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   14

2. Lãnh đạo nhân dân trong huyện nổi dậy phá ấp, giải phóng nông thôn

Phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân toàn miền ngày càng phát triển mạnh, chuyển sang thế tấn công, đẩy Mỹ - ngụy vào thế phòng ngự, bị động. Kế hoạch Stalây - Taylo từng bước thất bại. Mâu thuẫn nội bộ giữa chính quyền tay sai Sài Gòn và đế quốc Mỹ ngày một gay gắt. Để cứu vãn tình thế, tháng 11-1963, Mỹ tiến hành đảo chính “thay ngựa giữa dòng”, lật đổ Diệm - Nhu, đưa tướng Nguyễn Khánh lên cầm quyền .

Tháng 3-1964, Mỹ thông qua chiến lược mới với kế hoạch Mac Namara hòng mở rộng chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, tăng cường quân nguỵ, cố vấn Mỹ, đẩy mạnh kế hoạch lập ấp chiến lược, bình định miền Nam trong 2 năm 1964 - 1965. Cuộc chiến tranh của nhân dân ta đứng trước khó khăn và phức tạp.

Tháng 12-1963, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 9 đã phân tích tình hình, âm mưu, kế hoạch chiến tranh mới của Mỹ- nguỵ, đề ra phương châm chiến lược chung của cuộc cách mạng miền Nam là: “Kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang một cách linh hoạt tuỳ theo từng vùng và từng thời kỳ khác nhau. Với mục tiêu chủ yếu là tiêu diệt sinh lực địch, tạo điều kiện làm tan rã lực lượng quân nguỵ, tiến lên làm thất bại kế hoạch gom dân lập ấp chiến lược của địch, Hội nghị chỉ rõ, phải tìm mọi cách kiềm chế và thắng địch trong “Chiến tranh đặc biệt”. Trong khi vận dụng phương châm chiến lược ba vùng (vùng rừng núi, đồng bằng, và vùng đô thị) phải linh hoạt, không để địch phân tuyến, phân vùng. Đánh địch bằng ba mũi giáp công, tiêu diệt và làm tan rã nhiều sinh lực địch.

Tháng 1-1964, Hội nghị Khu ủy V họp và đề ra mục tiêu: Tiêu diệt địch và làm thất bại kế hoạch ấp chiến lược của địch, nêu rõ nhiệm vụ phát triển lực lượng chính trị, vũ trang, xây dựng lực lượng chủ lực, tiến công tiêu diệt địch làm thất bại kế hoạch ấp chiến lược, bình định của địch.

Năm 1964, trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk, địch tăng cường các biện pháp nhằm thực hiện âm mưu lập ấp chiến lược, tiến hành các chiến dịch, các cuộc hành quân càn quét dồn xúc dân, củng cố lại hệ thống ấp chiến lược đã bị ta phá rã.

Quán triệt chủ trương của Trung ương và Khu ủy, trong toàn tỉnh Đăk Lăk và huyện H2 dấy lên phong trào quần chúng nổi dậy phá ấp giành dân. Lực lượng vũ trang tỉnh, huyện tổ chức các mũi phối hợp bám đánh địch càn quét sâu vùng căn cứ, phá ấp chiến lược, giải phóng dân.

Để đối phó khi địch kiểm soát dọc hai bờ sông Ba, chia cắt địa bàn huyện, gây khó khăn cho cán bộ ta đi lại hoạt động, Tỉnh ủy Đăk Lăk chỉ đạo chia huyện H2 thành hai vùng hoạt động (còn gọi là 2L): L44 là vùng phía bắc sông Ba và L45 là vùng phía nam sông Ba.

Chủ trương của cấp ủy hai vùng (2L) trong thời gian này là bảo vệ căn cứ, vận động nhân dân các buôn lập làng chiến đấu, bố phòng chống địch bằng các vũ khí thô sơ như chông thò, mang cung, hầm chông; tổ chức, xây dựng lực lượng tiến công ra phía trước; thành lập các đội công tác bám địa bàn từng vùng, từng khu vực để xây dựng cốt cán, vừa nắm tình hình dân vệ trong các khu dồn, ấp chiến lược, vừa đánh địch càn vùng căn cứ.

Vùng ở phía bắc sông Ba (L44) gồm các xã 1 đến xã 5, có các đội công tác K12, K15, K16 đứng chân. Đồng chí Ksor Y Ngor (Ama HLy) làm Bí thư Ban cán sự vùng. Đồng chí Vân Sơn làm Phó bí thư. Các đội công tác dựa vào các buôn Thung Ngung, Hlít, buôn Lanh và một số hộ dân ở buôn Tờ Khế để làm nơi đứng chân hoạt động.

L45 thuộc vùng phía nam sông Ba, có các đội công tác K11, K13, K14, do đồng chí Nguyễn Tiển (Ama Đam), Bí thư huyện H3 được điều về phụ trách. Các đội công tác dựa vào các gia đình Ơi Bré, Y Thé ở buôn Drun, buôn Yah làm cơ sở để nắm tình hình địch trong vùng. Mỗi đội bố trí một lực lượng vũ trang làm nhiệm vụ xây dựng cơ sở nắm tình hình trong ấp, tổ chức tấn công tiêu diệt địch ngay trong ấp, chống địch càn quét.

Đội công tác K11, phụ trách vùng ấp chiến lược Kà Lúi, Tơ Loah, gồm các đồng chí Ama Thoa, Ama Hlôi, Ama Nôch, Ama Driah, Ơi Hmôi, Ksor Ôi... do đồng chí Ama Thoa, Thường vụ Huyện ủy, làm đội trưởng.

Đội K12, phụ trách vùng ấp Tân Vinh, gồm buôn Nai, buôn Bung, có các đồng chí Ama Hyang (Rah Hlan), Kpă Thoă, Kpă Soa (Ama Xuân), Rơchơm Bơm, Hồ Chí Kiên, đồng chí Đáng, do đồng chí Ama Hming làm đội trưởng.

Đội K13 phụ trách vùng Mỏ Két xuống đầu ấp buôn Ma Rôk, giáp Phú Túc, do Kpă ĐHâm làm đội trưởng.

Đội công tác K14, phụ trách vùng buôn Bông, gồm các đồng chí Ama H’ Tuar, Ama Kar, Ơi Pri, Y Krep, HKrong, Amí Hrí, Trần Tuấn, do đồng chí Ama H’ Tuar làm đội trưởng.

Đội công tác K15, phụ trách vùng Ơi Nu (đông cầu Ơi Nu), xã Ia Rsai, gồm các đồng chí Ksor Y Chuan, Y Thuk, Y Huk, Ama H’mlem, do đồng chí Ksor Y Chuan, huyện ủy viên, làm đội trưởng.

Đội công tác K16, địa bàn hoạt động từ Ia Tul đến buôn Broăi, do các đồng chí Rơ Ô Thuk, Ama Tung, Ama Gó, Châu lần lượt phụ trách.

Trong thời kỳ địch đẩy mạnh dồn dân lập ấp, đốt phá nhà cửa, ruộng rẫy, hoa màu, nhân dân, lực lượng vũ trang và các đội công tác gặp vô cùng khó khăn, thiếu đói lương thực gay gắt, có nơi phải đào củ rừng ăn thay. Nhưng anh em đội công tác vẫn bám sát nhiệm vụ, bám dân, tổ chức, hướng dẫn đồng bào lấy cớ về buôn cũ để phát rẫy gieo trồng kịp thời vụ, lấy lương thực, thực phẩm... làm địch khó kiểm soát; đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền binh vận làm cho binh lính địch nghi ngờ lẫn nhau, lính người địa phương nhớ buôn làng cũ, bỏ ngũ về với gia đình, binh lính người Kinh hoang mang, lo sợ. Các đội công tác là mũi nhọn trong hoạt động đấu tranh chống địch, giành và giữ dân.

Trong đợt Xuân - Hè 1964, Tỉnh ủy Đăk Lăk đẩy mạnh hoạt động ở bắc Đăk Lăk và các trọng điểm đông và tây Buôn Hồ, đông Cheo Reo. Khắp nơi trong tỉnh, lực lượng vũ trang đẩy mạnh hoạt động tấn công địch. Lực lượng vũ trang địa phương tổ chức các đợt tấn công địch hỗ trợ cho phong trào quần chúng nổi dậy phá ấp và khu dồn, giải phóng dân. Phong trào phát triển mạnh, hàng loạt ấp chiến lược của địch ở Đăk Lăk, phía Nam Buôn Ma Thuột, nam đường 21 (đường 7) bị phá lỏng, đưa dân lên làm chủ.

Phối hợp với chiến trường trong tỉnh, huyện H2 đã chỉ đạo lực lượng vũ trang đẩy mạnh hoạt động vũ trang tiến đánh địch, gây hoang mang trong lực lượng dân vệ, bảo an và binh lính, đột nhập vào trong ấp, phát động quần chúng bên trong nổi dậy phá hàng rào ấp chiến lược, đốt phá trụ sở dân vệ, tước súng bảo an, trừng trị bọn ác ôn, giành quyền làm chủ.

Lực lượng vũ trang và các đội công tác đã tích cực vận động đồng bào các buôn làng nổi dậy đấu tranh phá ấp, không cho địch dồn lại. Quần chúng các buôn làng nổi dậy phá ấp với khí thế mạnh mẽ. Với quyết tâm phá ấp và giữ không cho địch dồn lại, nhiều nơi trong huyện, đồng bào có sự hướng dẫn của cán bộ ta đã tự đứng lên phá ấp, không chờ sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang. Phong trào phá ấp chiến lược diễn ra ở vùng có cơ sở mạnh và cả vùng cơ sở yếu, gần đồn bót, ven thị xã, thị trấn trong toàn tỉnh, đưa nhân dân lên thế làm chủ, tạo vùng giải phóng mới.

Phối hợp với hoạt động của lực lượng vũ trang, phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng diễn ra sôi nổi, rộng khắp, đòi dân sinh dân chủ, chống dồn dân lập ấp, phá kìm. Đồng bào các xã trong huyện tổ chức thành đoàn kéo lên quận lỵ, đồn bốt đòi phá bỏ ấp chiến lược, trừng trị ác ôn.

Đấu tranh chính trị trực diện kết hợp với binh tề vận, tranh thủ tuyên truyền, vận động binh lính bỏ ngũ trở về buôn làng phát triển. Hàng trăm phụ nữ các buôn làng quanh đồn Ơi Nu và quận Phú Túc đã gùi cõng con chia thành hai cánh: một cánh đi Ma Rok với gần 1.000 người, một cánh đi Kà Lúi với hơn 500 người kéo lên tận đồn và quận lỵ đấu tranh đòi trả chồng con trở về buôn làng làm ăn.

Từ sau đảo chính Diệm, ta đã đấu tranh thu súng dân vệ và thanh niên chiến đấu, giải phóng dân ở một số ấp chiến lược vùng Kà Lúi về buôn cũ, chủ yếu dân sống ở các buôn Ji, Jú, Tang, Tối, Pan, Lối, dọc sông Krông Năng, đoạn từ sông Ba lên đến buôn Tối.

Cùng với hoạt động của lực lượng vũ trang, hoạt động của lực lượng an ninh huyện H2 được đẩy mạnh. Tháng 3-1964, tổ công tác của lực lượng an ninh do đồng chí Ksor Ôi phụ trách đã tổ chức phục kích tiêu diệt địch trên đường hành quân từ Phú Túc đi Kà Lúi, diệt 4 tên, thu 4 súng AR15.

Với sức mạnh của phong trào đấu tranh của quần chúng, đợt hoạt động phá ấp giành dân ở bắc Đăk Lăk (B3) đã đạt được những kết quả to lớn. Năm 1964, phong trào chống phá ấp chiến lược của quần chúng diễn ra sôi nổi, rộng khắp. Các đội công tác vũ trang và bộ đội địa phương huyện, tỉnh phối hợp với quần chúng nổi dậy phá ấp, tước súng, giải tán dân vệ. Nhiều ấp chiến lược bị phá banh, vùng giải phóng được mở rộng ở huyện H2, H3. Nhiều nơi đã nối liền với vùng căn cứ, thu hẹp vùng địch kiểm soát, phá lỏng kìm kẹp của địch trong các ấp chiến lược, khu dồn. Cơ sở chính trị trong vùng địch được củng cố và phát triển.

Trong đấu tranh ta đã vận dụng linh hoạt phương châm “hai chân, ba mũi giáp công”. Lực lượng vũ trang địa phương phối hợp với lực lượng của tỉnh đẩy mạnh hoạt động đánh địch càn quét, bảo vệ căn cứ, vùng giải phóng, giữ dân, chống dồn, đồng thời bám đánh sau lưng địch để kéo dân bung ra khỏi các khu dồn, đưa trở về làng cũ.

Kết hợp với hoạt động vũ trang, phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng diễn ra rộng khắp với các khẩu hiệu chống càn quét, dồn xúc dân, lập ấp chiến lược, chống bắt lính, bắt thanh niên vào dân vệ và thanh niên chiến đấu, đòi được tự do đi lại làm ăn, sản xuất, đòi cứu đói, cứu đau…Đồng thời, ta đẩy mạnh công tác vận động tranh thủ tề, dân vệ, thanh niên chiến đấu, tạo điều kiện để lực lượng vũ trang bên ngoài đột nhập khu dồn, ấp chiến lược, diệt ác ôn, phá kèm kẹp, thu súng dân vệ, hỗ trợ quần chúng bên trong đứng lên phá banh ấp, giữ thế hợp pháp chống địch. Phong trào đấu tranh vũ trang, chính trị được kết hợp chặt chẽ với đấu tranh binh vận đã làm nên thắng lợi của đợt đồng khởi phá ấp, phá kìm, giành quyền làm chủ và giải phóng dân trong huyện H2.

Trong năm 1964, lực lượng vũ trang địa phương huyện H2 và du kích các xã, buôn phát triển, tích cực đánh địch thu được nhiều kết quả to lớn, giành được thế chủ động trên chiến trường.

Ngày 1-5-1964, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương thành lập Mặt trận Tây Nguyên (mật danh là B3), có nhiệm vụ xây dựng Tây Nguyên thành chiến trường tác chiến của quân chủ lực. Mặt trận B3 thành lập với các hoạt động tác chiến và chi viện về quân sự của quân chủ lực đã tạo thế đứng vững chắc để phát triển cuộc chiến tranh nhân dân ở địa phương, tạo thuận lợi cho phong trào cách mạng, phong trào chiến tranh du kích các tỉnh Tây Nguyên như Đăk Lăk, Gia Lai... phát triển.

Tháng 12-1964, Đại hội Đảng bộ huyện H2 lần thứ II tổ chức tại khu căn cứ xã Ia Rsai, đã kiểm điểm tình hình lãnh đạo phong trào địa phương từ năm 1962, đề ra nhiệm vụ của Đảng bộ những năm tới. Đại hội ra Nghị quyết tập trung vào một số nhiệm vụ cụ thể trước mắt của Đảng bộ là: Tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng căn cứ địa cách mạng ở 6 xã còn lại (5 xã bắc sông Ba, 1 xã nam sông Ba). Tập trung đấu tranh phá ấp, giành dân, diệt ác, phá kìm, cô lập ác ôn, tranh thủ tầng lớp trên người dân tộc ủng hộ, hưởng ứng các cuộc đấu tranh của quần chúng; vận động nhân dân tích cực đấu tranh chống bắt lính, càn quét đốt phá nương rẫy, chống dồn dân, lập ấp, lập tề và kìm kẹp dân chúng, tạo thế hợp pháp cho nhân dân đấu tranh vừa sống trong ấp, vừa sống ở ngoài rẫy... Đẩy mạnh xây dựng thực lực về các mặt quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa trên địa bàn. Xây dựng lực lượng vũ trang, bộ đội tập trung địa phương, dân quân du kích huyện, xã và cả trong các ấp. Chú trọng xây dựng chính trị, quân sự, an ninh, các tổ chức quần chúng như đoàn thanh niên, hội phụ nữ, mặt trận; đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế trong vùng căn cứ, vùng giải phóng.

Đồng thời, Đảng bộ chủ trương lãnh đạo xây dựng 3 vùng chiến lược, chú trọng vùng căn cứ kháng chiến và vùng địch kiểm soát, xây dựng thực lực cách mạng trên địa bàn để làm hậu thuẫn bổ sung cho tỉnh.

Đại hội đã Bầu Ban chấp hành Đảng bộ gồm 12 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Tiển (Ama Đam) được bầu làm Bí thư Huyện ủy. Đồng chí Vân Sơn làm Phó bí thư, phụ trách kinh tài. Đồng chí Nay Ang (Ama Hiu), Ủy viên Thường vụ Huyện ủy, phụ trách công tác chính quyền, dân vận và Mặt trận. Các đồng chí Nguyễn Việt Đức phụ trách an ninh, Amí H’Tring phụ trách phụ nữ, đồng chí Lâm phụ trách Tổ chức, Tuyên huấn. Trong Đại hội các đại biểu đã làm lễ truy điệu đồng chí Ksor Y Ngor (Ama Hly), Bí thư huyện H2 đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ.

Tháng 12-1964, Thường vụ Khu ủy, Đảng ủy Bộ Tư lệnh Quân khu V chủ trương mở đợt hoạt động Xuân 1965 với mục tiêu tiêu diệt bộ phận sinh lực địch, đẩy mạnh phong trào đấu tranh của quần chúng, phá rã hệ thống ấp chiến lược của địch còn lại trên chiến trường.

Đầu năm 1965, phong trào phá ấp giành dân phát triển mạnh. Huyện H2 hưởng ứng chiến dịch Xuân - Hè 1965, lực lượng vũ trang huyện phối hợp với bộ đội chủ lực Quân khu đánh tiêu diệt tiểu đoàn lính cộng hòa nguỵ tại Cầu Đôi (Ia Rsai), diệt 400 tên, phá 2 xe quân sự, thu 400 súng.

Nhân dân trong huyện với khí thế cách mạng sục sôi, đã nổi dậy phá ấp, đấu tranh không cho địch dồn trở lại, mở rộng và khôi phục vùng giải phóng, giữ thế hợp pháp đi lên. Ta giải phóng một vùng rộng từ buôn Nai đến Kà Lúi, đưa dân về làng cũ. Vùng giải phóng được mở rộng. Các đội công tác tăng cường bám dân để lãnh đạo quần chúng. Trong các khu dồn, hình thành thế trận ban ngày địch kiểm soát, ban đêm ta nắm dân bàn cách đấu tranh với địch.

Tháng 5-1965, lực lượng chủ lực Quân khu tiến đánh địch trên đường số 7, diệt cứ điểm Ơi Nu, Ma Rôk mở đầu chiến dịch, hỗ trợ nhân dân H2 giải phóng hàng loạt ấp chiến lược từ Ơi Nu xuống buôn Ma Rôk, buôn Bông đến sát quận lỵ Phú Túc.

Đầu tháng 6-1965, chủ lực Quân khu tập kích và bao vây quận lỵ Thuần Mẫn, diệt cứ điểm Hoanh Châm, đánh thiệt hại tổng đoàn dự bị quân nguỵ từ Cheo Reo đến cứu viện. Ở phía tây Cheo Reo, ngày 30-6, địch rút chạy khỏi Thuần Mẫn, quân dân huyện H3 đẩy mạnh tấn công địch, giải phóng mảng ấp chiến lược rộng lớn từ cầu Ia Hiao vào Thuần Mẫn đến Buôn Hồ, nối liền các buôn dọc


đường 14.

Kết quả đợt hoạt động, tính đến tháng 6-1965, ta đã phá vỡ 3/5 ấp chiến lược và hệ thống dinh điền trong toàn tỉnh Đăk Lăk. Mở rộng vùng giải phóng từ bắc vào nam. Vùng nông thôn huyện H2 cùng với H3 và các huyện trong tỉnh được giải phóng. Lực lượng vũ trang, du kích huyện đẩy mạnh hoạt động phối hợp đánh địch, phá ấp giành giữ dân.

Thực hiện chiến dịch “A12” là tuyên truyền giác ngộ chính sách của cách mạng, lực lượng vũ trang an ninh huyện H2 đã đột nhập vào một số buôn làng, có lần đột nhập vào tận quận lỵ Phú Túc để bắt sống, trừng trị những tên nguỵ quân, nguỵ quyền có nhiều nợ máu, tuyên truyền, giác ngộ, cải tạo những tên khác theo chính sách của cách mạng. Chỉ trong thời gian gần ba tháng, lực lượng an ninh huyện đã truy bắt, tập trung cải tạo gần 500 tên tề nguỵ, gây hoang mang, dao động trong hàng ngũ địch.

Tháng 2-1965, tại địa bàn huyện H2 có một tổ chức tình báo địch mang bí số P26 hoạt động trên hành lang qua huyện và vùng căn cứ của tỉnh Đăk Lăk trên vùng suối Uar đi Chư Djú để nắm tình hình chiến dịch và lực lượng ta. Chúng giả người đi mua bán hàng hóa để đi sâu vào vùng căn cứ, nắm tình hình, báo cho địch đánh phá. Lực lượng an ninh huyện phối hợp với an ninh tỉnh Gia Lai điều tra, nắm quy luật hoạt động và tổ chức của địch. Sau một tháng điều tra, ta đã đột nhập vào khu ấp buôn Thúa, bắt gọn 3 tên chủ chốt do Y Kam cầm đầu, ngăn chặn kịp thời âm mưu hoạt động đánh phá của địch, góp phần bảo vệ an toàn hành lang và căn cứ cách mạng.

Tháng 10-1965, theo quyết định của Khu ủy V, B3 (Bắc Đăk Lăk) và B5 (Nam Đăk Lăk) hợp nhất thành tỉnh Đăk Lăk. Đồng chí Nguyễn Liên (Bốn Đạo) làm Bí thư Tỉnh ủy.

Song song với lãnh đạo phong trào đấu tranh, Đảng bộ huyện H2 luôn chú trọng công tác củng cố, xây dựng vùng căn cứ, vùng giải phóng, phát triển kinh tế, xã hội, chăm lo đời sống nhân dân; chú trọng công tác xây dựng Đảng, giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và quần chúng. Tiến hành các đợt học tập chính trị triển khai chỉ thị, nghị quyết của Đảng bộ tỉnh, Khu ủy V và Trung ương, quán triệt tình hình và nhiệm vụ mới, nâng cao ý chí cách mạng tiến công và sức chiến đấu của cán bộ, đảng viên.

Đến năm 1965, số lượng đảng viên, chi bộ trong toàn huyện đều tăng nhanh. Xã Đất Bằng có 1 chi bộ với 10 đảng viên. Xã Ia Rsai có 1 chi bộ với 10 đảng viên. Xã Chư Drăng có 1 chi bộ với 6 đảng viên. Xã Ơi Nu có 2 chi bộ, do Ama Đuk làm Bí thư. Xã Ia RMok có 2 chi bộ. Vùng Buôn Hlang, Buôn Toah có cơ sở, chỉ còn vùng Buôn Du chưa có đảng viên. Các xã có tổ chức Đảng ngày càng mạnh về chất lượng, là lực lượng nòng cốt trong lãnh đạo phong trào cách mạng ở địa phương.

Cùng với xây dựng Đảng, huyện tăng cường củng cố các tổ chức chính trị xã hội, các đoàn thể phụ nữ, thanh niên, mặt trận huyện xã; đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phong trào đấu tranh chống địch dồn dân lập ấp, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tích cực tăng gia sản xuất, trồng mì, khoai lang để dự trữ nuôi quân, đẩy mạnh vòng đổi công ở một số buôn làng, giữ gìn ổn định đời sống nhân dân vùng căn cứ. Các đội công tác bám dân hướng dẫn sản xuất, phát triển kinh tế. Các cơ quan của huyện đều có bộ phận sản xuất. Phong trào làm “Rẫy cách mạng” phát triển ở các buôn vùng căn cứ, như Chư Djú... Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, tổ, đội du kích đều có rẫy mì cách mạng. Chi hội phụ nữ xã, buôn phát huy vai trò trong việc vận động, tập hợp chị em phụ nữ tích cực tham gia các phong trào đấu tranh, sản xuất, xây dựng và bảo vệ căn cứ. Nhiều chị là cán bộ phụ nữ cơ sở đã trưởng thành lên làm cán bộ phụ nữ huyện, tỉnh có nhiều đóng góp cho phong trào của địa phương mình như Amí Đoan (buôn Uar), Amí Tring (buôn Chai), Amí Nhung, Amí Djú (H’thiơ), Amí Tha, Amí H’Mui, Amí Nô, Amí H’Blôm... Tiêu biểu như Amí Đoan (Ksor H’Klo) là Ủy viên Ban chấp hành Phụ nữ giải phóng miền Nam Việt Nam, Phó chủ tịch Mặt trận dân tộc tự trị Tây Nguyên, Ủy viên Ban chấp hành Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Các Amí HTring, Amí Jú đều là Hội trưởng Hội phụ nữ tỉnh Đăk Lăk.

Đồng chí Ksor Djứ (Ama Liêm), huyện ủy viên, được rút về làm Bí thư Huyện Đoàn (1962) đẩy mạnh hoạt động đoàn thanh niên. Ban Chấp hành Đoàn phân công cán bộ phụ trách từng xã. Cán bộ, đoàn viên không quản ngại khó khăn, thường xuyên đến từng buôn làng để phát động thanh niên tăng gia sản xuất, trồng mì chống đói. Phong trào đoàn phát triển mạnh ở buôn Bông. Việc kết nạp đoàn viên được căn cứ vào tinh thần hăng hái thi đua, dám hy sinh, nhận thức tốt về Điều lệ Đoàn thanh niên nhân dân cách mạng của những thanh niên ưu tú, nòng cốt trong các phong trào đấu tranh, thi đua sản xuất phát triển kinh tế.

Đồng bào vùng căn cứ huyện H2 hăng hái tham gia tăng gia sản xuất. Năm 1965 bình quân đạt 10kg giống/đầu người. Phong trào phát triển mạnh trong vùng nông thôn đồng bào dân tộc thiểu số, nhờ vậy đời sống nhân dân trong các buôn làng từng bước được ổn định, nạn đói được giải quyết.

Ngoài ra, ta còn hướng dẫn nhân dân kế hoạch dự trữ muối, lương thực, đồng thời tranh thủ mở cửa khẩu thu mua, kể cả hàng nhu yếu phẩm, trao đổi với Phú Yên để có lương thực, muối cho nhân dân trong vùng. Cơ sở nòng cốt trong các ấp, sát quận lỵ mua gạo, nhu yếu phẩm đưa ra vùng căn cứ.

Để phục vụ chiến trường, nhân dân trong huyện tích cực tham gia phục vụ hành lang, đóng góp nhân tài vật lực, ủng hộ cách mạng. Cán bộ xã cùng với già làng xuống từng gia đình để vận động, thu mua lương thực. Đồng bào các buôn làng với tinh thần tự nguyện, đã tích cực tham gia phong trào đóng góp ủng hộ lương thực nuôi quân.

Phong trào bình dân học vụ, văn hóa văn nghệ…được duy trì và đẩy mạnh ở các buôn làng căn cứ. Huyện phát động phong trào học chữ trong thanh niên. Đội y tế huyện thường xuyên xuống các buôn làng vùng căn cứ, vùng giải phóng hướng dẫn đồng bào thực hiện vệ sinh phòng bệnh, chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Ở trong các ấp địch kiểm soát chặt chẽ, nhưng quần chúng vẫn đấu tranh đòi thuốc men chữa bệnh lúc ốm đau và để chuyển ra cho đồng bào vùng làm chủ, vùng căn cứ.

Thời kỳ từ cuối năm 1954 đến năm 1965, là cả một chặng đường đầy khó khăn, gian khổ và thử thách của nhân dân và Đảng bộ huyện H2. Trải qua quá trình mười năm phải đương đầu với những âm mưu, thủ đoạn và chiến lược chiến tranh hết sức thâm độc, tàn ác của địch, mặc dù phong trào cách mạng địa phương có những lúc gặp tổn thất, cơ sở bị vỡ, cán bộ, quần chúng bị khủng bố, tàn sát nhưng Đảng bộ và nhân dân huyện H2 đã anh dũng vượt qua mọi khó khăn, kiên trì trụ bám, kiên quyết đấu tranh chống các âm mưu thủ đoạn của địch trong tố cộng diệt cộng, chống dồn dân lập ấp, bảo vệ và xây dựng căn cứ cách mạng, nơi đứng chân và là hậu phương vững chắc ở phía bắc của tỉnh Đăk Lăk.

Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, quân và dân các dân tộc trong huyện đã đẩy mạnh các hoạt động đấu tranh ba mũi giáp công, phối hợp hỗ trợ trong đấu tranh chính trị, quân sự và binh tề vận, với nhiều hình thức sáng tạo, linh hoạt, phá rã từng mảng hệ thống ấp chiến lược, khu dồn của địch trên địa bàn, giải phóng vùng rộng lớn, đưa dân lên thế làm chủ, tạo cơ sở vững chắc để phát triển và xây dựng phong trào lên một bước mới.

Với những thắng lợi đạt được trong những năm 1954-1965, Đảng bộ và quân dân các dân tộc trong huyện đã đưa phong trào cách mạng địa phương từng bước phát triển, góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong tỉnh và cả nước đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của địch, sẵn sàng đương đầu với những chiến lược mới của đế quốc Mỹ và tay sai.



Chương IV

TIẾP TỤC ĐẤU TRANH CHỐNG CÁC CHIẾN LƯỢC CỦA MỸ - NGỤY, PHÁT ĐỘNG QUẦN CHÚNG NỔI DẬY TẤN CÔNG ĐỊCH, TIẾN TỚI GIẢI PHÓNG TOÀN HUYỆN
(1965 - 1975)

I- PHÁT TRIỂN CHIẾN TRANH NHÂN DÂN, GIỮ VỮNG PHONG TRÀO CÁCH MẠNG, TỪNG BƯỚC ĐÁNH BẠI CHIẾN LƯỢC “CHIẾN TRANH CỤC BỘ” CỦA ĐẾ QUỐC MỸ

Với những thất bại liên tiếp trên chiến trường miền Nam, nhất là sau trận Đồng Xoài, Ba Gia mùa hè năm 1965, chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ bị phá sản hoàn toàn. Ba chỗ dựa chủ yếu của “chiến tranh đặc biệt” là quân đội, chính quyền và ấp chiến lược mà Mỹ dày công xây dựng, nuôi dưỡng, trang bị vũ khí, làm cố vấn và chỉ huy trong suốt 4 năm với bao hy vọng đã đổ vỡ. Để cứu vãn tình thế, với bản chất hiếu chiến và ngoan cố đeo đuổi chiến lược toàn cầu phản cách mạng, đế quốc Mỹ đã leo thang chiến tranh, tiến hành chiến lược “chiến tranh cục bộ”, đưa quân Mỹ và quân các nước phụ thuộc Mỹ vào miền Nam Việt Nam trực tiếp tiến hành chiến tranh.

Mục tiêu chủ yếu của chiến lược “chiến tranh cục bộ” là đánh bại cách mạng miền Nam trong vòng 25 - 30 tháng (từ giữa năm 1965 đến 1967) với kế hoạch 3 giai đoạn: giai đoạn 1: phá kế hoạch mùa mưa của ta, “chặn chiều hướng thua”, bảo đảm triển khai nhanh lực lượng quân viễn chinh Mỹ; giai đoạn 2: mở các cuộc phản công chiến lược tiêu diệt chủ lực ta và kiểm soát vùng nông thôn; giai đoạn 3: hoàn thành việc tiêu diệt khối chủ lực của ta, tiếp tục bình định miền Nam, rút quân Mỹ về nước năm 1967.

Về lực lượng chiến tranh, quân viễn chinh Mỹ tuy là con chủ bài, là nòng cốt nhưng quân đội ngụy vẫn được sử dụng như một lực lượng chiến lược quan trọng. Quân Mỹ là lực lượng cơ động chủ yếu để “tìm diệt” bộ đội chủ lực ta, quân ngụy là lực lượng chiếm đóng để bình định, kìm kẹp nhân dân. Biện pháp chủ yếu là “tìm và diệt”, sau đó là “tìm diệt và bình định” được coi là chiến lược hai gọng kìm.

Quyết giành thắng lợi bằng quân sự, đế quốc Mỹ đã đẩy nhanh việc đưa ồ ạt quân Mỹ, quân các nước phụ thuộc Mỹ cùng hàng vạn tấn phương tiện chiến tranh hiện đại ùn ùn đổ vào miền Nam Việt Nam. Vào cuối 1965, tổng số quân chiến đấu Mỹ có mặt ở Việt Nam lên đến trên 184.000 tên, quân các nước phụ thuộc Mỹ có 20.500 tên, quân chủ lực Sài Gòn có 520.000 tên.

Trên địa bàn Tây Nguyên, từ tháng 8-1965, Mỹ đã lần lượt đưa các lực lượng tinh nhuệ cùng với các trang thiết bị hiện đại lên xây dựng các căn cứ quân sự và chốt giữ tại các khu vực trọng yếu trên hai con đường chiến lược 14 và 19. Thời điểm cuối tháng 6-1966, lực lượng quân Mỹ ở Tây Nguyên đã lên đến 25.000 tên.

Tham vọng của Mỹ ở Tây Nguyên là tìm cách tiêu diệt chủ lực ta, dập tắt phong trào cách mạng, làm chủ vùng đất chiến lược này, vừa thực hiện được ý đồ khống chế cách mạng miền Nam và Đông Dương, khống chế miền duyên hải phía đông, vừa đối phó với cuộc tiến công của ta có thể sẽ mở ra ở bắc Tây Nguyên. Đồng thời đây cũng là một hướng trong cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ nhất của địch trên toàn miền Nam.


Каталог: Files
Files -> Sạt-đe rằng: Nầy là lời phán của Đấng có bảy vì thần Đức Chúa Trời và bảy ngôi sao
Files -> HƯỚng dẫn càI ĐẶt và SỬ DỤng phần mềm tạo bài giảng e-learning
Files -> VIỆn chăn nuôi trịnh hồng sơn khả NĂng sản xuất và giá trị giống của dòng lợN ĐỰc vcn03 luậN Án tiến sĩ NÔng nghiệp hà NỘI 2014
Files -> ĐẠi học quốc gia hà NỘi trưỜng đẠi học khoa học tự nhiên nguyễn Thị Hương XÂy dựng quy trình quản lý CÁc công trìNH
Files -> PHỤ LỤC 2 TỔng hợp danh mục tài liệu tham khảO
Files -> BÁo cáo quy hoạch vùng sản xuất vải an toàn tỉnh bắc giang đẾn năM 2020 (Thuộc dự án nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học ) Cơ quan chủ trì
Files -> BỘ TÀi nguyên và MÔi trưỜng
Files -> 1. Mục tiêu đào tạo: Mục tiêu chung

tải về 1.87 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   14




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương