Ban chấp hành đẢng bộ huyện krông pa tỉnh gia lai lịch sử ĐẢng bỘ


Chương III XÂY DỰNG, PHÁT TRIỂN THỰC LỰC CÁCH MẠNG, GÓP PHẦN ĐÁNH BẠI “CHIẾN TRANH ĐẶC BIỆT” CỦA ĐẾ QUỐC MỸ (1954 - 1965)



tải về 1.87 Mb.
trang4/14
Chuyển đổi dữ liệu13.06.2018
Kích1.87 Mb.
#39932
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   14
Chương III

XÂY DỰNG, PHÁT TRIỂN THỰC LỰC
CÁCH MẠNG, GÓP PHẦN ĐÁNH BẠI “CHIẾN TRANH ĐẶC BIỆT” CỦA
ĐẾ QUỐC MỸ (1954 - 1965)

I- LÃNH ĐẠO NHÂN DÂN ĐẤU TRANH CHÍNH TRỊ ĐÒI THI HÀNH HIỆP ĐỊNH, CHỐNG TỐ CỘNG, DIỆT CỘNG, GIỮ GÌN VÀ PHÁT TRIỂN LỰC LƯỢNG CÁCH MẠNG (1954 - 1958)

Thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta trong chiến dịch Đông Xuân 1953-1954, với đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã buộc thực dân Pháp phải ký kết Hiệp định Giơnevơ (20-7-1954), chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình tại Việt Nam. Cách mạng Việt Nam bước vào giai đoạn mới với hai nhiệm vụ chiến lược: miền Bắc hoàn toàn giải phóng, bước vào thời kỳ quá độ đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội; miền Nam tạm thời dưới quyền quản lý của đối phương, tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Ngay khi Hiệp định Giơnevơ chưa ký kết, đế quốc Mỹ đã âm mưu hất cẳng thực dân Pháp, độc chiếm miền Nam, đưa Ngô Đình Diệm về nước làm Thủ tướng chính phủ bù nhìn Nam Việt Nam (6-1954); tiến hành các biện pháp chiến lược để củng cố địa vị thống trị, hòng tiêu diệt phong trào cách mạng miền Nam, chia cắt lâu dài đất nước ta.

Ở Tây Nguyên, Đăk Lăk và Cheo Reo, Mỹ - Diệm tăng cường bắt lính, đôn quân, lập đồn bót, củng cố bộ máy chính quyền từ tỉnh xuống cơ sở; phát triển tôn giáo, các tổ chức chính trị giả hiệu... dùng chiêu bài lừa bịp mị dân; thi hành chính sách “tố cộng, diệt cộng” để khủng bố tinh thần cách mạng của cán bộ, đảng viên và quần chúng; lấn chiếm đất lập dinh điền theo chính sách “Kinh - Thượng đề huề” của Ngô Đình Diệm (12-6-1955)...

Nhận rõ bản chất của kẻ thù xâm lược, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ sáu mở rộng (khóa II), ngày 15-7-1954, đã nhận định: “đế quốc Mỹ là kẻ thù chính của nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới và hiện đang trở thành kẻ thù chính trực tiếp của nhân dân Đông Dương”

Từ thực tiễn của tình hình cách mạng, Đảng ta xác định, nhân dân miền Nam tiếp tục bước vào thời kỳ chiến tranh cách mạng lâu dài, gian khổ với nhiều khó khăn, phức tạp, trong điều kiện từ đấu tranh vũ trang chuyển sang đấu tranh chính trị không có quân đội hỗ trợ, hoạt động bí mật là chủ yếu, từ thế tấn công chuyển sang thế giữ gìn lực lượng, quân đội ta chuyển quân tập kết ra miền Bắc...

Ngày 22-7-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi động viên nhân dân miền Nam sẵn sàng tiến hành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ: “Tôi chắc rằng đồng bào sẽ đặt lợi ích cả nước trên lợi ích địa phương, lợi ích lâu dài lên trên lợi ích trước mắt, mà ra sức cùng đồng bào toàn quốc phấn đấu để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập, dân chủ trong toàn quốc...”

Ngày 6-9-1954, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ra Chỉ thị về tình hình mới và nhiệm vụ công tác mới của miền Nam, nêu rõ: Kẻ thù trước mắt của nhân dân ta hiện nay là đế quốc Mỹ, hiếu chiến Pháp và tay sai của chúng. Nhiệm vụ trước mắt của cách mạng miền Nam là: “Chuyển hướng công tác cho thích hợp với điều kiện hòa bình... sắp xếp cán bộ, bố trí lực lượng, đảm bảo vừa che giấu được lực lượng, vừa lợi dụng được những khả năng thuận lợi mới mà hoạt động để thực hiện chủ trương, chính sách và khẩu hiệu mới của Đảng”2.

Ngày 27-7-1954, Liên khu ủy V họp Hội nghị mở rộng, có bí thư các tỉnh dự, đề ra nhiệm vụ cấp bách trong toàn khu.

Để chuẩn bị cho việc rút xuống đồng bằng, chuyển quân tập kết, bàn giao địa bàn cho quân đội Liên hiệp Pháp tạm thời quản lý, tháng 8-1954, Thường vụ Ban cán sự tỉnh Đăk Lăk họp triển khai nhiệm vụ theo tinh thần chỉ đạo của Khu ủy V: mở đợt tuyên truyền, giáo dục về nội dung Hiệp định Giơnevơ và tình hình nhiệm vụ mới, về phương châm, phương pháp đấu tranh. Khẩn trương tổ chức sắp xếp lại bộ máy lãnh đạo các tổ chức Đảng và đoàn thể cho phù hợp với tình hình mới. Biên chế lại lực lượng để chuyển quân tập kết...

Giữa tháng 8-1954, các lực lượng và cơ quan chỉ đạo của tỉnh Đăk Lăk rút xuống Tân Vinh (khu căn cứ cũ thuộc miền tây tỉnh Phú Yên được chuyển về cho Đăk Lăk trong thời kỳ chống Pháp) làm lễ mừng chiến thắng. Trong buổi lễ có hàng ngàn đồng bào dân tộc các huyện và cán bộ quân dân chính của tỉnh về dự. Buổi chia tay giữa bộ đội và nhân dân đã gây niềm xúc động trong lòng mọi người. Trước thắng lợi to lớn của dân tộc, nhân dân các huyện trong tỉnh vui mừng phấn khởi, tuy nhiên, một số quần chúng có tâm trạng lo lắng khi quân đội tập kết ra miền Bắc, trong lúc đất nước vẫn còn đang chia cắt. Nhưng với truyền thống yêu nước và đấu tranh cách mạng, nhân dân các dân tộc tỉnh Đăk Lăk luôn tin tưởng tuyệt đối vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ.

Sau buổi lễ, lực lượng vũ trang tỉnh Đăk Lăk rút về Bình Định, nơi tập kết 300 ngày theo điều khoản Hiệp định, chuẩn bị chuyển quân tập kết, đồng thời phối hợp với các tỉnh Tây Nguyên thành lập đơn vị chiến đấu. Cơ quan Tỉnh ủy chuẩn bị công tác tư tưởng, tổ chức chỉ đạo, sắp xếp cán bộ ở lại bám địa bàn chiến trường hoạt động.

Quán triệt phương châm chung của Đảng “...bảo tồn cơ sở, tích luỹ lực lượng, trường kỳ tồn tại, nắm vững ngọn cờ hòa bình, thống nhất, vững bước đưa phong trào tiến lên”, Ban cán sự tỉnh Đăk Lăk triển khai phương châm cụ thể về tổ chức, hoạt động và phương pháp đấu tranh. Chú trọng tinh giản, trọng chất lượng về tổ chức; kết hợp đấu tranh hợp pháp, nửa hợp pháp với bất hợp pháp, lấy hợp pháp và nửa hợp pháp làm chính, đấu tranh có lý, có lợi, đúng mức; thực hiện khéo che giấu lực lượng. Đồng thời, lựa chọn sắp xếp cán bộ ở lại bám địa bàn, lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống địch, chuẩn bị công tác giao thông liên lạc, phương tiện hoạt động...

Tỉnh lựa chọn 120 cán bộ đã từng hoạt động ở chiến trường Đăk Lăk để bố trí ở lại. Số cán bộ, đảng viên được lựa chọn ở lại dựa trên tinh thần tự nguyện, là những đảng viên có sức khỏe, trung kiên, có kinh nghiệm công tác vùng dân tộc thiểu số, vùng địch hậu.

Cán bộ ở lại của tỉnh gồm hai bộ phận: hợp pháp và bất hợp pháp. Bộ phận hợp pháp được bố trí hoạt động trong vùng địch, vùng đô thị và vùng nông thôn ven các đô thị, như thị trấn Cheo Reo, Buôn Ma Thuột, Đak Mil, Buôn Đôn,... gồm 20 đồng chí. Bộ phận bất hợp pháp được phân công hoạt động trên địa bàn 7 huyện vùng nông thôn, cơ quan của tỉnh và lực lượng hành lang giao liên gồm khoảng 100 đồng chí. Một số cán bộ, đảng viên người dân tộc địa phương được bố trí về tại các buôn làng mình để hoạt động. Nhờ làm tốt công tác tư tưởng và chọn lựa chặt chẽ, nên hầu hết cán bộ ở lại đã giữ vững được khí tiết của người đảng viên cộng sản, nêu cao ý chí chiến đấu trong những thời kỳ phong trào cách mạng địa phương gặp khó khăn trước sự đánh phá khốc liệt của kẻ địch.

Từ cuối thời kỳ kháng chiến chống Pháp, theo Nghị định 477 MN/TOC, ngày 30-5-1953 của Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Trung Bộ, huyện Cheo Reo được chia thành hai huyện: Đông Cheo Reo và Tây Cheo Reo thuộc sự lãnh đạo trực tiếp của tỉnh Đăk Lăk.

Huyện Đông Cheo Reo có ranh giới từ đèo Tô Na xuống giáp M’Đrak và Phú Yên, bao gồm cả vùng Plei Pa, buôn Broăi, Ia Tul, bao gồm cả vùng đồng bằng nằm giữa sông Ba và sông Ayun, xã Plơi Rngol; phía bắc giáp khu 7, buôn Plơi Chă.

Huyện Tây Cheo Reo gồm các xã dọc trục đường giao thông số 7 A từ đèo Tô Na đến Mỹ Thạch hướng tây bắc-đông nam và vùng tiếp giáp Buôn Hồ, Đăk Lăk xuống dọc trục đường số 7B hướng nam bắc (Nam Cheo Reo).

Huyện Đông Cheo Reo có địa bàn rộng, dọc sông Ba từ đèo Tô Na đến Kà Lúi, Chư Mrố, sát đến huyện M’Đrak (H1) và thị trấn Cheo Reo. Từ cuối năm 1953 đến 1954, toàn huyện có 12 xã, từ xã 1 đến xã 12. Xã 1 đến xã 6 là xã căn cứ của huyện và tỉnh Đăk Lăk trong những năm chống Mỹ. Năm 1961, Mỹ - ngụy bắt đầu thực hiện dồn dân ở một số xã, lập các khu dồn, ấp chiến lược. Tuy nhiên, cho đến năm 1963, ta vẫn giữ được 6 xã căn cứ, địch không dồn được dân lập ấp.

Theo chỉ đạo của tỉnh, sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết tháng 7-1954, huyện Đông Cheo Reo được đổi tên là huyện H2, được bố trí 16 cán bộ bất hợp pháp. Tại thị trấn Cheo Reo có 2 cán bộ hoạt động hợp pháp. Ban cán sự huyện H2 gồm có đồng chí Nguyễn Khuê (Ama H’lơ) làm Bí thư, đồng chí Trương Phước Tự (Ama Ku), Phó bí thư, các đồng chí Nay Pum (Ama H’lam), Nguyễn Tiển (Ama Đam), Nguyễn Văn Minh (Ama H’Nim) là ủy viên.

Cán bộ ở lại hoạt động bất hợp pháp của huyện được phân công phụ trách 5 xã đồng bào dân tộc và xóm người Kinh Phú Cần (gồm cả trung tâm Mlah), bám dân để hoạt động, lãnh đạo đấu tranh.

Đồng chí Nguyễn Khuê (Ama H’lơ), Bí thư Ban cán sự phụ trách chung và cơ sở hợp pháp tại thị trấn Cheo Reo. Đồng chí Trương Phước Tự (Ama Ku), Phó bí thư Ban cán sự phụ trách vùng Buôn Nai và bộ phận hợp pháp tại xã Phú Cần. Đồng chí Nguyễn Tiển (Ama Đam) phụ trách địa bàn xã Ơi Nu. Đồng chí Ngô Văn Đôn (Ama An) phụ trách xã Chư Drăng. Đồng chí Tô Tấn Tài (Ama H’ Oanh) phụ trách xã Đất Bằng. Đồng chí Ngô Đức Đề (Ama Đing), phụ trách vùng Đất Bằng thay đồng chí Tô Tấn Tài (khoảng 3 tháng đầu năm 1955 khi đồng chí Tài xuống Bình Định học tập tiếp thu Nghị quyết mới). Đồng chí Phạm Văn Có (Ama Lý) được phân công phụ trách vùng Plei Pa. Đồng chí Nguyễn Văn Minh (Ama H’Nim) phụ trách vùng buôn Bông. Chị H’Blim (Amí Hli, vợ đồng chí Y Ngor), sống bán hợp pháp tại tổng Ơi Nu, hoạt động trong các buôn làng, khi có địch thì lánh ra rừng. Đồng chí Y Ben (Ama Hoa), được bố trí hoạt động hợp pháp tại vùng Cheo Reo, sau địch tố cộng mạnh, bị lộ, ta rút ra bố trí phụ trách công tác hành lang nội địa của huyện, tỉnh. Đồng chí Nay Pum (Ama Hlam) hoạt động vùng Plei Pa. Và các đồng chí Rahlan Dui (Ama Tlang), Rơ Ô Chan, Rơchơm Yơng (Ama Suar), Nay H’Mêk (Amí Hlôk) cũng được phân công ở lại hoạt động trên địa bàn huyện H2. Ngoài ra, còn có chị H’Nhao (Amí Hoa), dân tộc Ê Đê vùng Krông Pách, vợ đồng chí Y Ben (Ama Hoa) được bố trí hoạt động bán hợp pháp tại Đất Bằng.

Số cán bộ bố trí hoạt động hợp pháp tại Cheo Reo có Nguyễn Thành Long (Ama Lô) và vợ là Nguyễn Thị Chưa (Tám Chưa) sống công khai ở thị trấn Cheo Reo có nhiệm vụ nắm tình hình, xây dựng cơ sở, hình thành đường dây liên lạc giữa Cheo Reo với thị xã Buôn Ma Thuột. Sau này do địch dùng thủ đoạn ly gián, khống chế, số này đã bị địch vô hiệu hóa, không hoạt động.

Để phục vụ hoạt động lâu dài, tỉnh Đăk Lăk đã kịp thời chuyển lên chiến trường một số phương tiện làm việc như điện đài, văn phòng phẩm, thuốc chữa bệnh, nông cụ, muối ăn...Củng cố hành lang giao liên để giữ vững sự chỉ đạo giữa Khu ủy V với tỉnh, huyện và giữa tỉnh với các tỉnh Gia Lai, Phú Yên, Khánh Hòa.

Sau khi tập trung học tập tại Bình Định, đầu năm 1955, số cán bộ ở lại lần lượt trở lên chiến trường. Trước khi lên đường, mỗi người được cấp một số bạc Đông Dương, sinh hoạt phí trong hai năm.

Đầu tháng 5-1955, cơ quan và lực lượng của tỉnh Đăk Lăk chuyển lên vùng buôn Ma Nhao, Ma Thìn, rồi lên vùng buôn Uar, buôn Mung (H2), vùng buôn Siêk, Kra, buôn Bung (H3), sau chuyển về căn cứ Chư Djú - Dleiya, trung tâm căn cứ phía bắc của tỉnh để làm bàn đạp đứng chân lãnh đạo phong trào.

Việc sắp xếp, bố trí cán bộ ở lại hoạt động bảo đảm an toàn, bí mật, thể hiện sự triển khai chỉ đạo kịp thời của Ban cán sự tỉnh Đăk Lăk. Cán bộ được phân công hoạt động hợp pháp và bất hợp pháp đã nhanh chóng bám địa bàn, bám dân nắm tình hình, gây dựng cơ sở, tạo thế hoạt động, từng bước phát triển phong trào.

Do yêu cầu của cuộc kháng chiến, thời gian đầu phương thức hoạt động bất hợp pháp là bí mật bám cơ sở, tuyên truyền vận động quần chúng. Trong hoạt động hợp pháp, tuy sống công khai, nhưng bí mật vẫn là chủ yếu. Nhiệm vụ của cán bộ ở lại là bám địa bàn, bám dân, xây dựng, củng cố cơ sở, lãnh đạo quần chúng đấu tranh giữ vững phong trào, xây dựng căn cứ, hành lang...

Nắm vững phương châm “khéo che giấu lực lượng”, hoạt động của cán bộ bất hợp pháp được quy định rất chặt chẽ. Đi lại không để dấu vết, tránh sơ hở, tránh địch phát hiện, truy lùng. Anh em cải trang đóng khố, mang gùi, rựa như người địa phương, nằm ở ngoài rừng, liên lạc thông qua cơ sở hợp pháp người địa phương. Ban đêm vào nhà cơ sở, tiếp xúc từng người, từng gia đình để nắm tình hình, sau lại ra ngoài rừng sinh hoạt, ăn ngủ. Những khi mưa gió, anh em tìm đến các chòi rẫy nghỉ tạm. Để đảm bảo bí mật, với cơ sở cốt cán, quần chúng nòng cốt đều được triệu tập ra ngoài rừng khi truyền đạt chỉ thị, nghị quyết và hướng dẫn phương thức công tác.

Điều kiện sinh hoạt của cán bộ hoạt động bất hợp pháp gặp rất nhiều khó khăn, khi số tiền phụ cấp của Đảng cấp không còn, anh em phải tự túc về mọi mặt và dựa vào dân. Đồng bào các buôn đã bí mật đem cơm ra rừng, hoặc góp lương thực để anh em tự nấu. Đồng chí Nguyễn Tiển (Ama Đam) còn chuyên làm đó, làm ống điếu; đồng chí Ngô Đức Đề (Ama Đing) đi kiếm mảnh xác máy bay L19 rơi từ thời chống Pháp để làm đồ trang sức như cong, nhẫn, hoa tai, lược… để đưa cơ sở mang đổi lấy gạo ăn. Sau này khi tình hình thuận lợi hơn, anh em vào buôn tiếp xúc với cơ sở, quần chúng, ba cùng với dân, dựa vào dân để tuyên truyền, vận động, lãnh đạo đấu tranh. Ta chú trọng lực lượng thanh niên, rút ra rừng để tuyên truyền vận động, dạy chữ, học hát. Do yêu cầu công tác, hầu hết cán bộ đều giao tiếp được với dân bằng tiếng địa phương, nắm vững phong tục tập quán từng vùng để vận dụng trong hoạt động. Quần chúng được tuyên truyền vận động rất tin tưởng cách mạng, sẵn sàng nuôi giấu, che chở và bảo vệ cán bộ, đó là điều kiện thuận lợi cho ta trong xây dựng, củng cố cơ sở.

Những năm đầu của cuộc kháng chiến, đội ngũ cán bộ ở lại chính là lực lượng nòng cốt của phong trào cách mạng địa phương, đảm nhiệm trọng trách bám dân, bám địa bàn, móc nối gây dựng cơ sở, phát triển lực lượng, chuẩn bị mọi mặt cho cuộc đấu tranh mới.

Bước vào thời kỳ đấu tranh chống Mỹ - Diệm, huyện H2 có thuận lợi là vùng du kích trong thời kỳ chống Pháp, bốn xã Ơi Nu, Đất Bằng, Chư Drăng và Sông Ba là các xã có phong trào đấu tranh du kích và cơ sở mạnh, nhân dân có truyền thống cách mạng, được tiếp thu ảnh hưởng của Đảng từ rất sớm qua những cán bộ địa phương trong vùng Cheo Reo, Ơi Nu như Rơchơm Thép (Ama Quang), Ksor Ní (Ama H’Nhan)... Nên năm 1955 khi cán bộ ta lên bám địa bàn đã nhanh chóng liên lạc, tiếp xúc với quần chúng nòng cốt, nắm lại cơ sở cũ, phát triển cơ sở mới, phát động quần chúng đấu tranh. Đất Bằng và một số xã vùng đông Cheo Reo ngay từ cuối năm 1954, đầu năm 1955 ta đã chủ động cử các đảng viên, cốt cán ra làm chủ làng, chánh tổng để giữ thế hoạt động công khai hợp pháp; tranh thủ và khống chế tề tổng, xây dựng lực lượng, xây dựng buôn làng căn cứ.

Nằm trong âm mưu chung đối với Tây Nguyên, sau khi tiếp quản Đăk Lăk, Mỹ- Diệm đã triển khai hàng loạt các hoạt động về chính trị, kinh tế, quân sự... trên địa bàn tỉnh. Củng cố và xây dựng căn cứ quân sự, đóng thêm nhiều đồn bót dọc trục đường giao thông quan trọng số 7, 14; tăng cường hệ thống cứ điểm ở Cheo Reo, Ơi Nu, đặt trạm kiểm soát và tăng cường lực lượng cho các vùng giáp ranh, phát triển bảo an, dân vệ, mở thêm đường sá, kho tàng...; lấy đường số 7 làm tuyến phòng thủ chống lại sự tấn công của ta; đẩy mạnh hoạt động gián điệp bằng nhiều hình thức kết hợp với biệt kích. Tổ chức điệp báo, giả làm thương lái, người buôn bán, các đội thầy thuốc, cải trang cán bộ, bộ đội... đi sâu vào vùng nông thôn, vùng căn cứ để do thám tình hình, phát giác và phá hoại cơ sở ta, theo dõi những gia đình có người đi tập kết, hoặc tổ chức những đoàn săn bắn, tìm những con đường tắt trong rừng để phục kích lực lượng ta. Hướng hoạt động chú ý vùng giáp ranh, vùng có đồng bào Kinh và dân tộc thiểu số sinh sống. Từ năm 1955 đến giữa năm 1957, bọn địch ở Phú Yên tăng cường hoạt động khủng bố, trả thù người kháng chiến cũ, đánh phá, bắt bớ tàn bạo không những ở tây Phú Yên mà còn hung hăng lùng sục, bắt bớ lên các xã Đông Cheo Reo, nhất là vùng Đất Bằng.

Trong những năm 1955-1956, công tác tuyên truyền vận động quần chúng, xây dựng, phát triển cơ sở được coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của huyện. Ban cán sự huyện H2 đẩy mạnh tuyên truyền vận động, xây dựng cơ sở, tập trung ở vùng đồng bào dân tộc, tiến tới xây dựng cơ sở mới sâu trong vùng địch và những làng “trắng” cơ sở từ trong thời kỳ chống Pháp. Ta đã có cơ sở trong lính ngụy ở đồn Ơi Nu, trong công chức ngụy quyền Cheo Cheo.

Mỗi xã, mỗi vùng, Ban cán sự huyện phân công cán bộ bám dân, hướng dẫn, lãnh đạo quần chúng đấu tranh, tăng cường công tác tuyên truyền vận động, xây dựng cơ sở. Các đội công tác móc nối quần chúng cốt cán, cơ sở cũ để nắm tình hình. Anh em phải phục trong rừng, chờ khi cơ sở ra rẫy, giả tiếng chim, hoặc gõ ống tre như đã thống nhất, nhận được ám hiệu, lúc đó ra gặp để trao đổi tình hình trong buôn làng.

Ban cán sự huyện đẩy mạnh công tác xây dựng cơ sở. Vùng Plei Chă, bên kia sông Ba với xã Plei Ngol là vùng đồng bằng nằm giữa sông Ayun và sông Ba, phía bắc giáp khu 7. Đồng chí Nay Pum (Ama Hlam), ủy viên Ban cán sự huyện hoạt động bám dân, xây dựng cơ sở tại vùng Plei Chă. Đây là vùng cơ sở mạnh trong những năm 1960-1961 qua phong trào đấu tranh, rút được nhiều thanh niên thoát ly tham gia bộ đội, du kích thôn xã như anh Ama Gớ, sau là đội trưởng đội công tác xã Plei Pa, huyện ủy viên, hy sinh năm 1965.

Đối tượng xây dựng cơ sở là những quần chúng tốt, được tuyên truyền giáo dục như vùng Mlah, có bà Dành là người buôn bán ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tuy không phải là đảng viên, nhưng là cơ sở từ trong kháng chiến chống Pháp, được xây dựng làm đầu mối liên lạc trong những năm đầu chống Mỹ, hoạt động hợp pháp, thường xuyên buôn bán ở các buôn làng để tiếp tế lương thực và nắm tình hình địch.

Ở vùng Đất Bằng, do đồng chí Tô Tấn Tài (Ama H’Oanh) phụ trách, đã xây dựng được cơ sở hầu hết là các chủ làng (khoa bôn, buôn), là những đảng viên cũ thời kỳ chống Pháp, nhiều người rất có uy tín đối với dân làng. Các chủ làng là cơ sở được đưa lên làm chánh tổng, “tề hai mặt” như Ama Tiêu buôn Ma Phu; Buôn Ma Nhê (Ma Đên) có Y Nha, đảng viên làm nòng cốt trong buôn; Buôn Ma Leo có Ama Lieo; Buôn Ơi Kham có Ama Đoi, đảng viên, là chủ làng; Buôn Ơi Đak có Ama Noi; Buôn Prong có Ơi Lưng (Ama Djet); đảng viên; Buôn Ơi Djik (Hdjit) có Ama H’Yai là chủ buôn; hai buôn Du là Du Ơi Jit, Du Ơi Hop có Ama Soa…

Qua công tác tuyên truyền vận động, ta đã nắm được quần chúng cơ bản và lực lượng nòng cốt, kể cả tầng lớp trên và một số tề nguỵ, từ đó hình thành một mặt trận rộng rãi các tầng lớp trong cuộc đấu tranh chung chống Mỹ- Diệm.

Cùng với công tác vận động quần chúng, xây dựng cơ sở, Ban cán sự huyện H2 rất chú trọng công tác xây dựng Đảng. Sau năm 1954, huyện chủ trương tiến hành sắp xếp, chọn lọc đảng viên, lập chi bộ nhỏ. Cán bộ ở lại chủ yếu sinh hoạt trực tuyến. Người phụ trách chi ủy trực tiếp gặp từng đảng viên. Ban cán sự huyện cứ 3 tháng gặp nhau một lần để trao đổi và phân công công việc. Chi bộ hành lang định kỳ 6 tháng sinh hoạt một lần. Mỗi lần đến kỳ sinh hoạt, anh em cán bộ, đảng viên ở lại rất háo hức, vì đó là dịp để gặp nhau, thăm hỏi tình hình.

Đầu năm 1955, để tiện cho việc chỉ đạo chiến trường, Liên khu ủy V thành lập 4 liên tỉnh. Liên tỉnh IV gồm các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lăk. Mỗi Liên tỉnh có một Liên tỉnh ủy. Tỉnh Đăk Lăk và Gia Lai, Kon Tum thuộc sự chỉ đạo của Liên tỉnh ủy IV. Đồng chí Trương Quang Tuân, Khu ủy viên Liên khu ủy V làm Bí thư Ban cán sự Liên tỉnh ủy IV và trực tiếp làm Bí thư Ban cán sự tỉnh Đăk Lăk.

Tháng 10-1955, Liên tỉnh ủy IV họp tại làng Đê Bam (xã Đesơró, Khu 7, Gia Lai) đề ra nhiệm vụ trước mắt:

- Phát động quần chúng đấu tranh đòi thi hành Hiệp định, đòi bỏ xâu thuế, đòi cải thiện dân sinh, dân chủ, chống khủng bố, chống bắt người kháng chiến cũ.

- Củng cố và phát triển cơ sở cách mạng, quán triệt thêm cho cán bộ, đảng viên và quần chúng trong việc vận dụng phương châm đấu tranh hợp pháp, nửa hợp pháp và không hợp pháp đối với từng vùng. Triệt để lợi dụng thế hợp pháp để đấu tranh, đồng thời vận dụng phong tục, tập quán để đấu tranh không hợp pháp.

- Củng cố nội bộ Đảng, giữ vững và nâng cao khí tiết cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Cán bộ, đảng viên phải bám cơ sở, bám phong trào, lãnh đạo đấu tranh chống địch khủng bố để bảo vệ cơ sở, bảo vệ phong trào.

Huyện H2 triển khai chủ trương của tỉnh, chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tổ chức học tập nghị quyết, chủ trương của Đảng, tài liệu của Liên tỉnh ủy IV và Tỉnh ủy Đăk Lăk nhằm xây dựng khí tiết của người cộng sản cho cán bộ, đảng viên và cơ sở chính trị. Tuyên truyền giáo dục thanh niên học tập Điều lệ Đoàn thanh niên lao động (do Liên Tỉnh ủy IV biên soạn), phát triển tổ chức Đoàn trong các xã, buôn, lấy đó làm nguồn bổ sung cho lực lượng vũ trang, tự vệ và phát triển đảng viên mới. Trong năm 1955-1956, hưởng ứng phong trào chung trong toàn tỉnh, Ban cán sự H2 đẩy mạnh phát động các phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng.

Đấu tranh chống bắt lính, bắt xâu, thu thuế, lập tề, đòi dân sinh dân chủ. Huyện H2 trước ngày đình chiến là vùng giải phóng làm chủ, sau Hiệp định Giơnevơ ký kết, địch tiếp quản, tổ chức lập tề cơ sở. Ta đã hướng dẫn quần chúng đấu tranh bằng nhiều hình thức trì hoãn, không để địch lập tề, đồng thời chuẩn bị đưa người của ta ra làm chánh tổng, chủ làng ở các xã, làm tề “hai mặt”. Một số rất ít ta sử dụng tề cũ nhưng đã nắm được. Do vậy, ở các xã, buôn, tuy địch lập được bộ máy tề cơ sở, nhưng đại bộ phận ta đã nắm được. Nhiều người tích cực hoạt động nắm tình hình, có chánh tổng sau đã trở thành cơ sở mặt trận của ta. Việc sử dụng tề “hai mặt” đã có tác dụng làm suy yếu bộ máy nguỵ quyền ở cơ sở, có nơi đã bị vô hiệu hóa, chỉ còn là hình thức. Ở một số vùng, địch chỉ lập được bộ máy tề nguỵ ở một số làng quanh đồn bót và gần trục đường giao thông.

Tuy nhiên, khi địch phá hoại Hiệp định, ra sức khủng bố, tuyên truyền chống phá phong trào, một số tề ngụy dao động, tránh không dám liên lạc với ta, có hành động theo địch, nhưng ta kịp thời giáo dục thông qua thư từ, hoặc gia đình vợ con, nên không có tên nào trắng trợn ra mặt chống phá, trừ cha con Chánh Cử. Số nào thật sự chống lại đều bị ta phân loại cô lập và xử lý.

Để xây dựng căn cứ, đồn bót, mở rộng đường sá phục vụ chiến tranh, Mỹ - Diệm đặt ra nhiều thứ xâu, thuế như xâu làm đường, xây dựng đồn bót, canh gác các cơ quan hành chính. Ngoài ra, còn các loại thuế khác như giá thú, sinh tử, nhà thương, trường học... để kìm kẹp, bóc lột nhân dân.

Trước tình hình trên, Ban cán sự huyện lãnh đạo quần chúng đấu tranh chống bắt xâu, nộp thuế, chống cướp bóc, đòi dân sinh dân chủ. Phong trào lan khắp vùng. Nhận rõ âm mưu và thủ đoạn của kẻ địch, nhiều buôn làng đã tổ chức hội nghị nhân dân cam kết chống Mỹ- Diệm, gây dư luận rộng rãi từ nông thôn ven đô thị đến các khu vực quận lỵ. Nhiều nơi đồng bào không chịu đi xâu, nộp thuế, không đi lính làm bia đỡ đạn, đưa ra lời tuyên bố của Diệm trước đây để chất vấn địch: Các ông nói độc lập rồi, chính phủ quốc gia không bắt xâu, nạp thuế, tại sao nay lại bắt đồng bào đi xâu, đóng thuế. Khi bị bắt đi xâu làm đường thì đồng bào đưa ra yêu sách: đi xâu phải trả tiền, không trả tiền thì không đi xâu, hoặc: chính quyền bắt đi xâu nhưng phải đảm bảo sản xuất cho dân. Địch bắt đi xâu canh gác các cơ quan của chúng, nhân dân đấu tranh đưa trẻ con đi. Thanh niên trốn ra rừng tránh các cuộc bắt lính của địch. Trước phong trào đấu tranh mạnh mẽ của quần chúng, địch chỉ thực hiện âm mưu bắt xâu, nộp thuế ở một số nơi cơ sở yếu, sát đồn bốt địch.

Thực hiện lệnh ngừng bắn theo điều khoản của Hiệp định, ở các buôn quanh đồn Mlah, ta tổ chức phát động hàng trăm quần chúng, hầu hết là phụ nữ và người già, trong đó có các gia đình người nhà binh lính Jrai kéo lên đồn, lên quận đấu tranh đòi chồng con bỏ ngũ trở về buôn làng với khẩu hiệu “hòa bình rồi, không đánh nhau nữa, hãy trả chồng con chúng tôi về nhà làm ăn”. Các cuộc đấu tranh kéo dài nhiều ngày ở các đồn bốt địch.

Tháng 7-1955, hưởng ứng phong trào đấu tranh “Đòi dân sinh, dân chủ, đòi trả chồng,con về nhà làm ăn, không đi lính” do Đảng phát động, hàng trăm quần chúng trong huyện đã tập hợp lại thành từng đoàn, mỗi đoàn từ 30 đến 40 người kéo lên đồn Mlah, MĐrak, Ơi Nu đấu tranh. Tiêu biểu là phong trào do Amí H’Tring lãnh đạo đã tập hợp được hơn 300 người, hầu hết là phụ nữ và một số ít người già kéo lên đồn Mlah, có cơ sở hợp pháp đi cùng lãnh đạo đấu tranh đòi hiệp thương.

Trong dịp Ngô Đình Diệm tổ chức trưng cầu dân ý nhằm phế truất Bảo Đại (23-10-1955) và tổ chức bầu cử Quốc hội bù nhìn (4-3-1956), ta đã hướng dẫn nhân dân vạch trần thủ đoạn mị dân của địch. Đồng bào các làng trong vùng tỏ thái độ tẩy chay, phản đối trò bầu cử giả hiệu của địch dưới các hình thức như không đi bỏ phiếu, hoặc những vùng ven, vùng địch kiểm soát, khi bị ép buộc, đồng bào đã tìm cách bôi bẩn, hoặc làm rách lá phiếu, xé bỏ phiếu, bỏ cả hai phiếu vào một thùng... phản đối trò lừa bịp của địch.

Đấu tranh chống chính sách “tố cộng, diệt cộng”. Ngay từ những năm 1955-1956, địch ráo riết khủng bố phong trào cách mạng toàn miền Nam. Năm 1955, Ngô Đình Diệm mở chiến dịch “tố cộng” ở các tỉnh đồng bằng miền Trung giai đoạn I, giữa năm 1956 tiến hành tố cộng giai đoạn II, đánh phá trọng điểm vùng đồng bằng Liên khu V. Cuối năm 1956 mở rộng tố cộng lên vùng Tây Nguyên đánh phá cơ sở và đàn áp phong trào của quần chúng.

Năm 1957, địch tiến hành chiến dịch Thượng du vận, tố cộng ở khắp địa bàn tỉnh Đăk Lăk, nhất là vùng du kích, vùng căn cứ cũ ở Cheo Reo, Đak Mil, Buôn Hồ, dồn dân vùng Jrai vào các khu tập trung giáp ranh giới tỉnh Phú Yên. Huyện H2 cũng nằm trong điểm tố cộng của địch. Âm mưu “tố cộng” của Mỹ - Diệm nhằm thủ tiêu ảnh hưởng của Đảng trong quần chúng, tiêu diệt phong trào cách mạng địa phương. Thủ đoạn chính là khủng bố, đàn áp, đi đôi với mua chuộc, gây chia rẽ nội bộ ta, trong đó khủng bố, đàn áp là chủ yếu hòng uy hiếp tinh thần cán bộ, đảng viên và quần chúng.

Tuy mức độ tố cộng của địch không ác liệt như những địa bàn khác nhưng cũng đã gây những tổn thất, khó khăn cho phong trào cách mạng ở địa phương. Đối tượng tố cộng là cán bộ, đảng viên, nhân viên kháng chiến cũ, những gia đình có người thân đi tập kết. Chúng bắt dân làm thẻ kiểm tra, kê khai dân số, cấm không cho đồng bào ngủ ở rẫy ban đêm, không cho lập kho để lúa gạo ngoài rẫy. Tăng cường mật vụ, chỉ điểm để dò la cơ sở, tiến hành càn quét đánh phá vùng căn cứ, vùng du kích của ta, truy bắt cán bộ, tra khảo quần chúng.

Ở huyện H2, H3, phong trào đấu tranh chống tố cộng của quần chúng diễn ra sớm hơn so với các địa phương trong vùng. Tháng 2-1956, khi lính đồn Ơi Nu khủng bố, bắt 10 người tham gia kháng chiến trước đây, cơ sở đã lãnh đạo quần chúng tập trung thành đoàn kéo lên đồn đấu tranh chống khủng bố tố cộng, chống bắt người, buộc địch phải thả những người bị bắt.

Địch đẩy mạnh càn quét, tố cộng đã làm một số cơ sở bị vỡ, cán bộ bị địch bắt giam cầm. Một số tề nguỵ thừa cơ chống phá ta như tên Chánh Cử (xã Phú Cần) đã bày mưu cho con gái (cơ sở của ta) phản bội, chỉ điểm cho lính phục kích bắn chết đồng chí Trương Phước Tự (Ama Ku), Phó bí thư Ban cán sự huyện H2 tại buôn Nai. Đồng chí Ama Nai ở Buôn Nai, xã Sông Ba, cơ sở của ta bị bắt trong lúc địch bao vây phục kích đồng chí Trương Phước Tự, mặc dù địch khủng bố, tra tấn dã man nhưng đồng chí quyết không khai báo, do vậy vẫn bảo toàn được cơ sở.

Ở vùng giáp ranh Phú Yên do địch tố cộng ác liệt, một số cán bộ từ Phú Yên phải lánh lên vùng Đông Cheo Reo để tránh địch truy lùng.

Nhiều quần chúng, cơ sở bị địch tố cộng, bắt đưa về Cheo Reo, về đồn bốt đánh đập tra khảo, nhưng vẫn kiên trung, một lòng hướng về Đảng, hướng về cách mạng, bảo vệ cơ sở, phong trào như Amí Dung ở buôn Bưng bị địch tố cộng, tra tấn dã man nhưng không hề khai báo, quyết bảo vệ cán bộ, cơ sở. Ama Lý ở Ơi Đak quyết tâm diệt ác giữa ban ngày để giải thoát cho cán bộ. Amí Nhung, con của Ơi Lưng (Ama Djet), ở buôn Prong xã Đất Bằng, trong một lần đi vận động chị em về, chị cùng 3 chị phụ nữ khác bị địch chặn bắt, giam cầm, đã cương quyết đấu tranh chống lại các hành động tàn bạo của địch. Ksor H’Klo (Amí Đoan), ở buôn Uar, là cơ sở cách mạng rất tích cực tuyên truyền vận động chị em tham gia đấu tranh chống tố cộng, bảo vệ cán bộ. Gia đình ông Trần Kiệt (Ama Lưu), xã Đất Bằng là cơ sở cách mạng, đã từng nuôi giấu, bảo vệ cán bộ lãnh đạo của tỉnh Phú Yên lên tránh sự truy lùng của địch. Và còn rất nhiều gương tiêu biểu của quần chúng huyện H2 trong đấu tranh chống địch bảo vệ phong trào, bảo vệ cơ sở cách mạng.

Địch tăng cường tố cộng gây khó khăn cho phong trào, nhưng nhờ sự bảo vệ của nhân dân và sự bình tĩnh của cán bộ ta nên vẫn bảo toàn được cán bộ, cơ sở. Năm 1957, đồng chí Tô Tấn Tài (Ama H’Oanh) cải trang như người địa phương, cùng vợ chồng một gia đình đồng bào chuyển máy chữ và tài liệu của cơ quan tỉnh Phú Yên gửi cất giấu từ địa điểm hang đá tại buôn Ơi Kham sang Ơi Đak, Ơi HDjik giữa ban ngày. Trên đường gặp đoàn công vụ, nhưng nhờ sự bình tĩnh đối đáp, nên địch không nghi ngờ, vì vậy chuyến đi được an toàn.

Thực hiện sự chỉ đạo của Liên tỉnh ủy IV, từ trước khi địch tố cộng, Tỉnh ủy Đăk Lăk đã mở đợt học tập, giáo dục chính trị tư tưởng trong toàn tỉnh. Quán triệt chủ trương của Tỉnh ủy, Ban cán sự huyện H2 đã tổ chức cho cán bộ, đảng viên, cơ sở nòng cốt và nhân dân học tập các tài liệu do Liên tỉnh ủy IV biên soạn: “Thương dân yêu nước đứng lên làm cách mạng”, “Ba yêu, ba ghét”1 . “Chủ nghĩa cộng sản và người cộng sản”, “Nâng cao khí tiết đảng viên”... Đây là những nội dung tuyên truyền, giáo dục rất cơ bản phù hợp với trình độ đảng viên và đồng bào các dân tộc trong vùng. Đợt học tập đã nâng cao nhận thức và khí tiết cách mạng cho cán bộ, đảng viên và quần chúng, giữ vững bản lĩnh chính trị của người cộng sản trước kẻ thù. Tờ báo “Thống Nhất” của tỉnh Đăk Lăk cũng được đưa xuống làm tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền giáo dục chính trị, tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và cơ sở.

Ngoài ra, Ban cán sự H2 còn vận dụng các hình thức thơ ca, hò vè để tuyên truyền, động viên tinh thần, tư tưởng của cán bộ và nhân dân trước kẻ thù. Trong vùng đồng bào đã lan truyền nhiều bài vè tố cáo chế độ độc ác, tàn bạo của chính quyền Ngô Đình Diệm, hoặc vạch trần âm mưu, thủ đoạn dùng vật chất mua chuộc lừa phỉnh của địch nhằm nâng cao ý thức giác ngộ cho thanh niên. Ở Đất Bằng, ta còn khéo lợi dụng hình thức tập họp thanh niên như tổ chức đội sinh hoạt cồng chiêng, ca hát, tập hợp đi làm thời vụ tại các đồn điền.

Sau đợt học tập xây dựng Đảng, phong trào đấu tranh của quần chúng liên tiếp diễn ra. Nhân dân xã Đất Bằng lợi dụng phong tục địa phương, treo cành cây kiêng cữ trước cửa nhà không cho địch càn vào buôn cướp bóc tài sản; tổ chức gài mang cung, cắm chông khắp quanh buôn, ven rẫy, ngăn chặn các cuộc hành quân càn quét, lùng sục của địch. Chị em phụ nữ các buôn tích cực tham gia trong các phong trào đấu tranh chống địch. Khi địch bắt tố cộng, đồng bào cương quyết không ký giấy ly khai người thân đi tập kết với lý do không biết chữ, kiên quyết tố cáo tội ác của địch...

Đầu năm 1958, địch nhiều lần dụ dỗ, âm mưu dồn dân vùng Kà Lúi (xã Đất Bằng) về Ơi Nu, Mlah, buôn Thu, Tuy Bình… thành lập khu trù mật. Nhân dân vùng Kà Lúi kiên quyết không chịu dời buôn làng. Thấy không dụ dỗ mua chuộc được, kẻ địch đã dùng lực lượng bảo an lên đến hàng tiểu đoàn càn quét, đánh phá vùng Kà Lúi, treo giải thưởng 3000 đồng (tiền nguỵ quyền Sài Gòn) cho ai bắt được “Việt cộng”. Nhân dân trong vùng đấu tranh liên tục, giằng co với địch suốt gần hai tuần liền, kiên quyết bất hợp tác với địch. Nhiều lần tên quận trưởng Cheo Reo cho quân lính đến dụ dỗ và huy động lực lượng dồn dân vào khu tập trung, nhưng nhân dân một mặt tích cực chuẩn bị căn cứ, các địa điểm tản cư để ra sống bất hợp pháp, một mặt đấu tranh hợp pháp với địch. Chúng cho quân lùng sục, bắn giết, bắt một số người đưa về khu dồn, nhưng đồng bào đã bỏ trốn về làng cũ.

Suốt năm 1958 và sang 1959, địch nhiều lần từ Cheo Reo xuống, từ Tuy Bình, Củng Sơn lên bao vây buôn làng, uy hiếp, khủng bố dân làng vùng Kà Lúi, nhưng chúng chỉ gặp người già, trẻ em và phụ nữ sống hợp pháp trong làng để giữ thế đấu tranh, giữ làng không cho địch đốt phá. Số thanh niên nam nữ, đàn ông đều ra sống bất hợp pháp ngoài rừng.

Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến nhờ làm tốt công tác tuyên truyền vận động, nên đã củng cố lòng tin của quần chúng đối với Đảng, Đảng với dân gắn bó một lòng. Ta đã tạo được cơ sở, “trận địa” vững chắc trong lòng dân, nên phong trào cách mạng ở địa phương được giữ vững và từng bước phát triển.

Với truyền thống yêu nước, đoàn kết đấu tranh, cán bộ và nhân dân huyện H2 luôn giữ vững khí tiết của những người yêu nước, nêu cao tinh thần bất khuất, kiên trung trước kẻ thù. Nhân dân vẫn một lòng trung thành với Đảng, cán bộ. Kẻ địch không khủng bố, lung lạc được tinh thần của cán bộ và quần chúng nhân dân. Tổ chức cơ sở đảng vẫn được giữ vững, cán bộ hợp pháp vẫn bám buôn, bám dân cùng đấu tranh chống lại các thủ đoạn tố cộng của địch.

Công tác xây dựng, củng cố cơ sở ở các huyện trong tỉnh phát triển. Ngay từ cuối năm 1954, Tỉnh ủy Đăk Lăk đã chú trọng chỉ đạo xây dựng cơ sở, trừ một số dinh điền và những nơi địch kiểm soát chặt. Trong năm 1955-1956, toàn tỉnh Đăk Lăk đã có 521 làng có cơ sở. Sau năm 1959, toàn tỉnh đã nắm được 654 làng, gồm có 62 xã.

Ở huyện H2, Ban cán sự huyện tăng cường củng cố cơ sở cũ, xây dựng cơ sở mới. Năm 1955, đã xây dựng được cơ sở ở các buôn làng, 4/6 xã có chi bộ, đảng viên. Đến 1959- 1960, ta đã nắm được 117 làng, 19 xã, có 3 làng đồng bào người Kinh, trong đó có 77 làng có cơ sở vững, 24 làng cơ sở vừa và 16 làng chưa có cơ sở. Hầu hết các xã, buôn ta đã xây dựng được cơ sở. Số cơ sở trong chống Pháp được ta củng cố và phát triển trong thời kỳ chống Mỹ. Nhiều cơ sở là phụ nữ rất tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia các phong trào ở địa phương như các chị Amí Nhung, Amí Tha, Đinh Thị Lộn (Amí Lưu - vợ đồng chí Trần Kiệt) ở Đất Bằng, Nay H’But (Amí Nô), Amí H’Tring ở Ơi Nu, Uar; Amí Hly, Hkrú, Amí Blá ở Ia Rsai; Amí H’ Ni, Amí Jú ở Plơi Pa.. tích cực vận động chị em trong xã, buôn tham gia vót chông rào làng chống địch, bảo vệ buôn làng, căn cứ... Tiêu biểu là Ksor H’Klo (Amí Đoan), dân tộc Jrai ở buôn Uar, xã Chư Drăng, là cơ sở cách mạng từ thời kỳ chống Pháp, trong chống Mỹ là cán bộ phụ nữ xã, rất tích cực trong công tác vận động chị em tham gia phong trào đấu tranh, sản xuất, xây dựng và bảo vệ căn cứ, cơ sở. Năm 1961, chị được bầu làm Hội trưởng Phụ nữ tỉnh Đăk Lăk, là Ủy viên Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Ủy viên Ban chấp hành Phụ nữ Giải phóng miền Nam Việt Nam. Tháng 3-1969, được vinh dự là người phụ nữ Jrai duy nhất tham gia đoàn đại biểu cán bộ dân tộc của tỉnh ra thăm miền Bắc và được gặp Bác Hồ trong điều kiện chiến tranh lúc bấy giờ. Sau khi trở về, Amí Đoan tích cực đi các buôn làng tuyên truyền về miền Bắc, về công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội cho đồng bào, từ đó củng cố thêm niềm tin thắng lợi vào sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc của Đảng.

Bước vào thời kỳ chống Mỹ, tỉnh Đăk Lăk chú trọng công tác xây dựng căn cứ, địa bàn H2 được chọn xây dựng căn cứ phía bắc của tỉnh. Xã Đất Bằng, Ơi Nu, Chư Đrăng và một phần Sông Ba là vùng du kích thời kỳ chống Pháp, sau 1954 được tỉnh tập trung củng cố, xây dựng căn cứ chống địch. Mỗi xã đều có 4 - 5 buôn xây dựng thành căn cứ cách mạng như 4 buôn vùng Uar. Xã Ơi Nu có buôn Ma Choi, Ma Thìn, Ma Nhao, Tờ Khế; xã Đất Bằng có buôn Ơi Djik, Ơi Đak, Ơi Kham, Ma Nhe, Ma Tih...; xã Sông Ba có buôn Nai; Chư Đrăng có buôn Chai. Hầu hết các xã này đã thành lập chi bộ, đến cuối năm 1956-1957, các xã thành lập tổ tự vệ mật và chi đoàn thanh niên lao động. Huyện H2 trở thành vùng căn cứ đứng chân của cơ quan tỉnh và huyện để lãnh đạo phong trào địa phương.

Những năm 1955-1958 thời kỳ ta gặp khó khăn, địch tăng cường đánh phá về mọi mặt nhưng ta đã duy trì được cơ sở ngay từ lúc đầu và ngày càng phát triển rộng. Cán bộ bám dân, bám địa bàn để tuyên truyền vận động, do vậy trình độ giác ngộ của quần chúng được nâng lên. Phong trào đấu tranh đòi hiệp thương tổng tuyển cử, chống xâu thuế, bắt lính, lập tề, tố cộng...phát triển mạnh ở khắp nơi. Công tác lãnh đạo xây dựng cơ sở, căn cứ, phát triển sản xuất, vận động thanh niên tham gia phong trào học văn hóa, văn nghệ, dùng thuốc nam được duy trì. Mặc dù giai đoạn này ta rút vào hoạt động bí mật, đấu tranh chính trị là chủ yếu, tuy địch đánh phá mạnh nhưng hệ thống tổ chức cơ sở của Đảng được duy trì và phát triển. Phong trào quần chúng được giữ vững và tiếp tục phát triển rộng khắp. Quần chúng được củng cố thêm lòng tin vào Đảng, phát huy truyền thống đấu tranh cách mạng. Qua từng phong trào, cán bộ, đảng viên nắm chắc phương châm, phương pháp đấu tranh, bám sát cơ sở để lãnh đạo phong trào quần chúng, nâng dần nhận thức, khả năng đánh giá tình hình và ngày càng trưởng thành trong thực tiễn cách mạng. Đồng thời, ta hình thành được mặt trận rộng lớn tập hợp các tầng lớp nhân dân trong huyện vào cuộc đấu tranh chống Mỹ- Diệm. Thắng lợi trong giai đoạn này là tiền đề để nhân dân các dân tộc huyện H2 bước vào thời kỳ đồng khởi giành quyền làm chủ nông thôn.

II- CHUYỂN PHONG TRÀO LÊN THẾ TIẾN CÔNG ĐỊCH, KẾT HỢP ĐẤU TRANH CHÍNH TRỊ VỚI ĐẤU TRANH VŨ TRANG, TIẾN TỚI ĐỒNG KHỞI (1959-1960)

Sang năm 1959, phong trào cách mạng toàn miền đứng trước những thử thách mới. Mỹ - Diệm ban hành luật
10/59, thẳng tay đàn áp, giết hại cán bộ, đảng viên và nhân dân toàn miền Nam. Tội ác kẻ thù chồng chất, làm tăng thêm lòng căm thù sâu sắc của nhân dân miền Nam.

Giữa năm 1958, Ban cán sự tỉnh Đăk Lăk được phổ biến tinh thần bản “Đề cương cách mạng miền Nam” do đồng chí Lê Duẩn soạn thảo (8-1956). Đề cương khẳng định xu thế tất yếu của cách mạng miền Nam là:… Nhân dân miền Nam chỉ có một con đường là vùng lên chống lại Mỹ-Diệm để cứu nước và tự cứu mình. Đó là con đường cách mạng. Ngoài con đường đó, không có con đường nào khác…

Để đưa phong trào tiến lên, giữa năm 1958, Liên khu ủy V ra Nghị quyết về nhiệm vụ chuyển phong trào lên theo hướng mới với ba nội dung cơ bản: Xây dựng Tây Nguyên và miền núi các tỉnh thành căn cứ địa cách mạng; xây dựng lực lượng vũ trang, nửa vũ trang ở miền núi làm nhiệm vụ tự vệ, bảo vệ căn cứ, bảo vệ cán bộ; khôi phục phong trào ở đồng bằng.

Ban cán sự huyện H2 tiếp thu tinh thần nội dung Đề cương cách mạng miền Nam, Nghị quyết của Khu ủy V và Tỉnh ủy Đăk Lăk, phổ biến xuống cán bộ, đảng viên và nhân dân, đồng thời tập trung triển khai nhiệm vụ theo chủ trương chỉ đạo của tỉnh: Nhanh chóng tổ chức, phát triển lực lượng du kích ở các buôn làng, củng cố thanh niên lao động, đẩy mạnh các hoạt động bảo mật trừ gian, bảo vệ cán bộ, cơ sở, hành lang, cơ quan; động viên thanh niên nam nữ thóat ly tham gia bộ đội, công tác giao liên, đội công tác vũ trang; vận động nhân dân tích cực đóng góp, ủng hộ cho kháng chiến. Chủ trương diệt những tên ác ôn đầu sỏ, có nhiều nợ máu với nhân dân.

Từ thực tiễn phong trào cách mạng miền Nam những năm đầu chống Mỹ cho thấy, không thể chỉ đấu tranh bằng chính trị, mà phải đứng lên vũ trang chống địch. Nhận thức được vấn đề trên, từ năm 1958-1959, ở nhiều xã, buôn trong huyện đã tự động tổ chức tự vệ mật, du kích mật trang bị vũ khí thô sơ, làm nhiệm vụ cảnh cáo, trừng trị những tên tề điệp gian ác.

Đồng bào xã Đất Bằng và Chư Drăng đã bí mật diệt những tên do thám giả thương lái buôn bán trong vùng đồng bào dân tộc, những tên chỉ điểm đánh phá cơ sở, phong trào.

Ở buôn Ma Hing, xã Đất Bằng, toán dân vệ gồm 10 tên do 2 tên mật vụ Cảnh, Của chỉ huy từ Phú Yên lên lùng sục bắt cơ sở, truy bức đồng bào, truy tìm tài sản của ta trước khi tập kết ra miền Bắc gửi lại trong dân như kho tàng, bò, ngựa... đã bị đồng bào nổi dậy đánh đuổi, buộc địch phải trả những tài sản mà chúng đã cướp, giải thoát cho số cơ sở của ta, sau đó dời buôn lên vùng xa ranh giới Phú Yên để làm ăn sinh sống.

Trong những năm này, phong trào cách mạng các tỉnh đồng bằng miền Trung và bắc Tây Nguyên phát triển mạnh mẽ. Tháng 2-1959, nhân dân ở Tà Lốc, Tà Léc, Ha Ri (Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định) nổi dậy bất hợp tác với địch. Tháng 8-1959 nhân dân Trà Bồng, miền tây Quảng Ngãi nổi dậy khởi nghĩa giải phóng nông thôn.

Tháng 1-1959, trước khí thế của phong trào cách mạng toàn miền Nam, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ 15 ra Nghị quyết khẳng định:…Con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt nam ở miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân…Nghị quyết 15 có ý nghĩa to lớn đối với cách mạng miền Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển của phong trào cách mạng và nguyện vọng của nhân dân toàn miền Nam nói chung, nhân dân huyện H2 nói riêng, tạo niềm phấn khởi, tin tưởng của quần chúng đối với sự nghiệp đấu tranh cách mạng của Đảng, mở ra một hướng mới cho cách mạng miền Nam, tạo tiền đề để nhân dân toàn miền tiến hành phong trào đồng khởi và là yếu tố quan trọng dẫn đến thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc.

Cuối năm 1959, đồng chí Nguyễn Liên (Bốn Đạo), Ủy viên Liên tỉnh ủy IV được tăng cường về làm Bí thư Tỉnh ủy Đăk Lăk, đã tổ chức truyền đạt Nghị quyết 15 cho cán bộ, đảng viên của tỉnh tại căn cứ Chư Djú (H2), bàn kế hoạch triển khai nhiệm vụ xây dựng lực lượng vũ trang, dự trữ lương thực, muối, vải, nông cụ, chuẩn bị cho việc chuyển phong trào theo hướng mới, tăng cường lực lượng, tăng trạm, tăng chuyến vận chuyển trên các hành lang, hướng dẫn đồng bào đốt muối thành cục, chôn xuống đất để dự trữ lâu dài.

Ở H2, cuối năm 1959, đồng chí Nguyễn Khuê (Ama Hlơ) được điều về tỉnh, đồng chí Nguyễn Môn (Ama Cao) về làm Bí thư huyện H2, chỉ đạo việc học tập Nghị quyết 15 và chuyển phong trào lên đồng khởi tấn công địch. Nội dung Nghị quyết 15 được phổ biến trong cán bộ, đảng viên và quần chúng của huyện.

Ban cán sự huyện H2 triển khai nhiệm vụ: tập trung giáo dục chính trị tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và quần chúng; xây dựng lực lượng vũ trang, mở rộng công tác mặt trận và binh tề vận tạo sức mạnh tổng hợp trong quần chúng. Cô lập cao độ kẻ thù, đẩy mạnh diệt ác ôn, làm tan rã hệ thống tề ngụy, tạo thế cho phong trào quần chúng nổi dậy. Tập trung lãnh đạo phong trào toàn huyện theo tinh thần nghị quyết và chỉ đạo của Tỉnh ủy Đăk Lăk.

Sau khi được phổ biến Nghị quyết, khắp các buôn làng trong huyện, đâu đâu cũng hừng hực khí thế cách mạng. Quần chúng vô cùng phấn khởi, quyết tâm đứng lên đánh đuổi Mỹ - Diệm, bảo vệ buôn làng. Ngọn lửa cách mạng được thổi bùng lên trong mỗi người dân tạo thành sức mạnh to lớn thúc đẩy phong trào đấu tranh dâng cao trong toàn huyện.

Lực lượng dân quân du kích được xây dựng trong các xã, buôn của huyện làm nhiệm vụ bảo vệ buôn làng, căn cứ. Khắp vùng Kà Lúi, xã Đất Bằng lan xuống vùng Chư Drăng của huyện H2... đều xây dựng vùng làm chủ và lực lượng du kích. Vùng buôn Nung, Uar là nơi có căn cứ vững chắc, mỗi xã đều xây dựng được một tiểu đội du kích, thường xuyên tổ chức bố phòng tạo sự liên hòan giữa các buôn làng để chống địch. Ở một số nơi như buôn Nai, buôn Nung, Phú Cần, Quang Hiển, tuy chính quyền nguỵ có đặt hệ thống cai trị nhưng tề tổng bị ta khống chế, vô hiệu hóa.

Năm 1959, Ban cán sự huyện H2 được tăng cường đồng chí Nay Ang (Ama Hiu) và đồng chí Ama Ví phụ trách an ninh để nắm tình hình địch, củng cố và bảo toàn lực lượng, chuẩn bị thời cơ đánh địch. Công tác trừ gian, bảo mật trong huyện được tiến hành tích cực, tổ chức diệt những tên mật báo, gián điệp giả thương lái vào các buôn làng dò la tin tức.

Cuối năm 1959, phong trào diệt ác phá kìm trong toàn huyện phát triển. Tiêu biểu là sự kiện diệt ác ở buôn Ơi Đak, xã Đất Bằng. Hai tên mật vụ ở Củng Sơn (Phú Yên) lên điều tra nắm tình hình, chúng bắt được hai giao liên của ta tại sông Mlah đưa vào buôn Ơi Đak nhốt lại và buộc tội buôn làng nuôi giấu “Việt cộng”. Ama Lý (Ma Noi), chủ buôn, đảng viên và là cán bộ hợp pháp trong buôn đã cùng với dân làng lập kế hoạch cho chị em phụ nữ phục rượu và tổ chức thanh niên thu súng, rồi dùng chày giã gạo, dùng dao đánh trả, chém chết hai tên này, giải thoát cho hai giao liên. Sau đó lãnh đạo dân làng rút vào rừng lập làng chiến đấu. Địch đã nhiều lần đưa quân đến càn quét đốt phá nhưng không bắt được một người dân nào của buôn Ơi Đak. Đây là làng bất hợp tác đầu tiên của huyện H2 và tỉnh Đăk Lăk chống Mỹ - Diệm.

Tháng 9-1959, đoàn cán bộ quân sự gồm 28 đồng chí nguyên là cán bộ Trung đoàn 84 tập kết ra miền Bắc được Trung ương bổ sung cho tỉnh Đăk Lăk. Trên cơ sở đoàn cán bộ nòng cốt, tháng 2-1960, tại suối Ia Hiang (Chư Djú), tỉnh Đăk Lăk thành lập trung đội bộ binh người dân tộc địa phương gồm 30 chiến sĩ, chủ yếu là thanh niên huyện H2, được trang bị 3 trung liên, 5 súng trường, 15 AK do đồng chí Ama Ning và Cao Văn Khá chỉ huy. Trong thời gian này, thực hiện chủ trương của cấp trên, tỉnh Gia Lai và Khánh Hòa, mỗi tỉnh bổ sung cho Đăk Lăk một trung đội tân binh người dân tộc thiểu số.

Để đẩy mạnh phong trào đấu tranh vũ trang, huyện H2 tăng cường xây dựng và phát triển lực lượng du kích tập trung ở các buôn, xã căn cứ, tổ chức tập luyện, trang bị vũ khí, đẩy mạnh sản xuất lương thực, đảm bảo công tác hậu cần phục vụ các hoạt động đấu tranh chống địch. Ban cán sự huyện tổ chức đại hội nhân dân, cắm trại thanh niên ở các buôn làng để động viên thanh niên nhập ngũ, vận động nhân dân đóng góp lương thực, thực phẩm, mua muối, vải, lương thực dự trữ cho cách mạng. Phụ nữ các buôn làng đã hăng hái vận động gia đình và dân làng tham gia đóng góp ủng hộ nuôi quân. Qua cuộc vận động, nhân dân trong huyện đã đóng góp hàng trăm tấn lương thực và tài sản quý của gia đình cho kháng chiến, như gia đình Ama Toan buôn Ma Nung ủng hộ 100 gùi lúa, và còn rất nhiều gia đình khác đã tích cực trong việc đóng góp nhân tài vật lực cho cách mạng. Có gia đình ủng hộ trên 300 gùi lúa, nhiều gia đình góp cả ngựa, nồi đồng, chiêng ché cho cách mạng, góp phần giải quyết được một phần khó khăn về nhu cầu cung cấp ban đầu cho các lực lượng quân đội.

Đầu năm 1960, thực hiện chủ trương của Liên khu
ủy V về tổ chức lại chiến trường, tỉnh Đăk Lăk được chia thành 4 đơn vị: B3, B4, B5, B6 trực thuộc sự chỉ đạo của Liên tỉnh ủy IV và Liên khu ủy V, nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc lãnh đạo chỉ đạo phong trào cách mạng Đăk Lăk. Huyện Đông Cheo Reo (H2), Tây Cheo Reo (H3) và huyện MĐrak, Buôn Hồ thuộc B3 - bắc tỉnh Đăk Lăk.

Sau khi ổn định việc chia tách, thực hiện sự chỉ đạo của Liên Khu ủy V, tháng 8-1960, tại suối Ia Hiang vùng căn cứ núi Chư Djú, Hội nghị đại biểu Đảng bộ lần thứ nhất tỉnh Đăk Lăk (B3) được tổ chức, 50 đại biểu các huyện thay mặt cho đảng viên các tổ chức Đảng trong toàn tỉnh về dự. Đồng chí Nguyễn Mô (Tư Khiêm) đại diện Liên tỉnh IV và Liên khu V về dự và chỉ đạo Đại hội. Đại hội bầu đồng chí Nguyễn Hồng Ưng làm Bí thư Tỉnh ủy.

Đại hội Đảng bộ lần thứ nhất tỉnh Đăk Lăk đã đánh dấu bước trưởng thành của Đảng bộ trong lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng ở địa phương trong thời kỳ đầu của cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược, thúc đẩy phong trào cách mạng toàn tỉnh chuyển lên giai đoạn mới, tiến tới đồng khởi, giành quyền làm chủ nông thôn trong toàn tỉnh. Từ sự lớn mạnh của phong trào trong huyện, đội ngũ cán bộ của huyện được trưởng thành từ cơ sở, nhiều đồng chí trở thành cán bộ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh.

Sau Đại hội, năm 1960, tỉnh Đăk Lăk (B3) chủ trương hợp nhất huyện Đông Cheo Reo (H2) và huyện MĐrak (H1) thành huyện A10, đồng thời bổ sung hai tỉnh ủy viên là đồng chí Nguyễn Môn (Ama Cao) và Phan Nhu (Ama Lê) về phụ trách huyện A10.

Ban cán sự huyện A10 gồm các đồng chí: Nguyễn Môn (Ama Cao) làm Bí thư, Phan Nhu (Ama Lê) làm Phó bí thư; Nguyễn Tiển (Ama Đam), Thường vụ Huyện ủy, các đồng chí Nay Pum (Ama H’lam), Ama Tlang, Ksor Ben (Ama Hoa), Ksor Y Ngor (Ama H’Ly), Ksor Y Tai (Ama La), Nay Ang (Ama Hiu), Ama Kui… là ủy viên. Việc hợp nhất hai huyện tạo nên sức mạnh của quần chúng trong phong trào đấu tranh chung toàn huyện.

Trước tình hình phát triển của cách mạng toàn khu, từ tháng 1-1960, Liên khu ủy V quyết định phát động quần chúng ở căn cứ miền núi vũ trang chống địch, đẩy mạnh xây dựng căn cứ. Tháng 9-1960, Thường vụ Liên khu ủy ra chỉ thị mở đợt hoạt động diệt ác, phá kìm, mở rộng căn cứ trong toàn khu.

Tháng 10-1960, tại căn cứ Uar (huyện A10), một đại đội bộ binh của tỉnh được thành lập, trong đó có một tiểu đội trinh sát, một trung đội trợ chiến được trang bị cối 81, đại liên (gọi là đại đội 37, sau đổi là V67). Thanh niên các xã, buôn tích cực tham gia lực lượng vũ trang, dân quân du kích và các phong trào của huyện. Các đội công tác được củng cố, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền vận động quần chúng đấu tranh chống địch, bảo vệ buôn làng, tích cực sản xuất phát triển kinh tế.

Để chuẩn bị thành lập lực lượng vũ trang địa phương, thanh niên các buôn làng được tổ chức huấn luyện tại buôn Ma Hing. Tháng 10-1960, tại xã Chư Drăng, trung đội vũ trang của huyện được thành lập gồm 30 chiến sĩ, do đồng chí Cao Văn Khá làm chỉ huy trưởng, đồng chí Hùng, chỉ huy phó, đồng chí Vân làm chính trị viên. Thanh niên các buôn làng hăng hái tham gia lực lượng vũ trang của huyện.

Năm 1960, Tỉnh ủy Đăk Lăk phát động đợt đồng khởi trong toàn tỉnh. Huyện A10 được tỉnh chủ trương mở đợt đột phá, tập trung diệt ác, phá kìm, từ đó phát động phong trào trong toàn tỉnh tiến công tiêu diệt địch, giành quyền làm chủ từng bộ phận. Triển khai chủ trương của tỉnh, Ban cán sự huyện A10 lãnh đạo phong trào theo hướng mới, tổ chức học tập cách đồng khởi ở Bến Tre, khởi nghĩa vũ trang ở Trà Bồng (Quảng Ngãi), nêu lên các yếu tố thời cơ cho đồng khởi, phát động đợt đồng khởi trong toàn huyện.

Trong các buôn làng, phong trào quần chúng nổi dậy diệt ác, cải tạo tề ngụt phát triển. Đồng bào các buôn làng tập hợp kéo lên quận, đồn bốt đấu tranh chính trị, binh vận kêu gọi binh lính địch bỏ ngũ trở về quê hương. Phong trào thanh niên tình nguyện thoát ly tham gia bộ đội, xây dựng lực lượng vũ trang huyện phát triển. Lực lượng vũ trang địa phương triển khai các hoạt động hỗ trợ quần chúng nổi dậy diệt ác phá kìm.

Ở vùng buôn Ma Rok, đồng bào đã tổ chức mít tinh hạ uy thế tên Ma Krít, nguyên là quận trưởng Mlah, cảnh cáo, hạ uy thế tề ngụy trong vùng.

Trong tháng 8-1960, cơ quan tình báo Mỹ - ngụy tại Phú Túc lợi dụng việc đi lại mua bán giữa những người buôn ngựa ở Phú Yên đến địa bàn H2 đã cài cắm một số tên tình báo vào vùng căn cứ ta để nắm tình hình. Lực lượng an ninh huyện đã phát hiện, tổ chức bắt được 5 tên, làm thất bại âm mưu của địch, bảo vệ an toàn căn cứ cách mạng của tỉnh, huyện.

Tháng 9-1960, Huyện ủy chủ trương mở đợt diệt ác ở Phú Cần. Đêm ngày 3-9-1960, lực lượng ta khoảng 1 trung đội do đồng chí Phan Nhu (Ama Lê), Nguyễn Tiển (Ama Đam) chỉ huy, có lực lượng của tỉnh cùng tham gia, cải trang lính nguỵ đột nhập vào tận nhà, diệt tên Lê Phụng Cử (Chánh Cử), một tên ác ôn có nhiều nợ máu với nhân dân trong vùng và hai tên khác là Phan Sáu, thôn trưởng và Mai Đức Tính, công an viên của xã. Cùng trong thời điểm đó, một tổ lính từ Cheo Reo xuống đang nằm tại Phú Cần kéo đến, lực lượng ta bắt gọn, thu vũ khí, giáo dục rồi thả tại chỗ.

Việc diệt Chánh Cử đã làm rung động cả Mlah, gây hoang mang dao động trong binh lính đồn Mlah và bọn tề nguỵ. Lợi dụng thời cơ, quần chúng phao tin “Việt cộng” về rất đông, làm cho binh lính, tề nguỵ ở đồn Mlah hoảng sợ, bỏ đồn rút chạy về Cheo Reo. Phát huy thắng lợi, ta giải phóng quận lỵ Mlah. Sự kiện giải phóng quận lỵ Mlah là kết quả trực tiếp của phong trào đồng khởi trong toàn huyện, mở đầu là phong trào diệt ác, gây cơ sở vào vùng phụ cận đồn Mlah. Đó là kết quả của phong trào quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, đánh giá đúng thời cơ, chọn đúng thời điểm diệt ác nên thu được kết quả.

Tiếp đó, huyện chỉ đạo tổ chức diệt tên mật vụ ác ôn Ama Khuôn ở buôn Bông. Sau đó tổ chức mít tinh, biểu tình dưới nhiều hình thức, có cuộc biểu tình kéo về Ơi Nu, có cuộc biểu tình kéo xuống đồn Buôn Thu (H1).

Huyện ủy A10 đã tổ chức một cuộc tuần hành với hơn 3.000 quần chúng, kéo đi trong hai ngày đêm, bao vây đồn Ơi Nu, nêu khẩu hiệu “quyết tâm giải phóng nông thôn” bằng tiếng địa phương. Khẩu hiệu được viết trên thân cây, dọc các con đường trong huyện. Địch hoảng sợ, dùng súng cối bắn quanh đồn, không cho nhân dân tràn vào. Ở địa bàn H2, lúc này địch chỉ còn ở đồn Ơi Nu.

Trong đợt Đồng khởi, ta lãnh đạo quần chúng vận dụng nhiều hình thức đấu tranh chính trị kết hợp với vũ trang để hạ uy thế địch. Đồng bào dùng hình thức đánh mõ đồng loạt khắp các buôn làng, rồi tập hợp nhau lại, kéo lên đồn báo tin “Việt cộng, quân đội miền Bắc kéo về rất đông”, gây hoang mang trong binh lính. Tề nguỵ trong đồn xoa dịu, không đàn áp quần chúng, còn dặn có tình hình gì thì báo để biết. Bọn chỉ huy trong đồn kiếm cớ có công việc về quận lỵ Cheo Reo, không ở lại đồn... Cuộc đấu tranh thu được kết quả, nhân dân rất phấn khởi, từ đó, phong trào đấu tranh chính trị ngày càng quy mô hơn. Ta đẩy mạnh phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng, phát động thanh niên thoát ly, xây dựng lực lượng vũ trang, cải tạo giáo dục tề ngụy, thành lập chính quyền cách mạng.

Đợt Đồng khởi trong huyện từ cuối 1960 đầu 1961 thực sự là cuộc nổi dậy của nhân dân, mở đầu là trận đánh tiêu diệt đồn Ơi Nu.

Tháng 10-1960, đội công tác vũ trang tỉnh do đồng chí Lương (Vân) chỉ huy và đồng chí Nguyễn Môn (Ama Cao), Bí thư Ban cán sự huyện A10 chỉ đạo phối hợp và đồng chí Ngô Đức Đề (Ama Đing) tham gia. Được anh Thêm, cơ sở mặt trận và dân quân du kích các buôn của xã Ơi Nu cung cấp tình hình và dẫn đường, kết hợp với cơ sở nội tuyến của ta ở trong đồn, lực lượng ta đã bí mật tập kích, tấn công tiêu diệt đồn Ơi Nu. Bị bất ngờ, địch không kịp chống cự, binh lính bỏ vũ khí trốn chạy ra bờ sông, ta truy bắt 7 tên, thu 7 súng, giáo dục rồi thả tại chỗ, một cơ sở nội tuyến người địa phương tại đồn được đưa ra vùng giải phóng. Trận đánh diễn ra vào ban đêm, lực lượng ta đốt phá đồn, doanh trại của địch, đến 7, 8 giờ sáng hôm sau mà địch vẫn không dám tiếp viện.

Phát huy thắng lợi, lực lượng ta mở đợt vũ trang tuyên truyền, phát động quần chúng các làng dọc đường số 7 nổi dậy xóa bỏ chính quyền địch, giành quyền làm chủ. Khắp các buôn làng của huyện A10, nhân dân nổi dậy tuyên bố xoá bỏ tề nguỵ và chính quyền địch, xé cờ, ảnh Diệm, lập chính quyền tự quản của nhân dân. Ta đã phá vỡ từng mảng chính quyền địch ở các xã buôn, giải phóng một vùng nông thôn rộng lớn của huyện H2 (trừ vùng phụ cận Cheo Reo). Nhiều nơi bọn ác ôn hoang mang, sợ hãi. Khí thế nổi dậy diệt ác, phá kèm của quân và dân trong huyện phát triển mạnh mẽ. Lực lượng vũ trang tỉnh, huyện tích cực hỗ trợ quần chúng đấu tranh diệt ác phá kìm, bức rút đồn bốt.

Ngày 26-10-1960, ngày quốc khánh của chính quyền Ngô Đình Diệm, tên quận trưởng Phú Đức (MĐrak) dẫn một trung đội đi tuyên truyền trong dân. Lực lượng ta gồm một trung đội do đồng chí Phan Nhu (Ama Lê), Phó Bí thư huyện A10 trực tiếp chỉ huy đã bí mật phục kích tại dốc buôn Hoang (MĐrak) tiêu diệt toàn bộ trung đội địch, thu 24 súng1. Tháng 11-1960, ta tiến đánh một đơn vị lính đang bảo vệ cày ủi ở Plei Plôk (khu dinh điền Kế Thiện) phá 4 xe ủi, diệt 10 tên địch. Tiếp đến tiến đánh quận lỵ Buôn Hồ.

Để phát động tinh thần quần chúng, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh Đăk Lăk ra Lời kêu gọi nhân dân nổi dậy giải phóng nông thôn, giành quyền làm chủ. Đồng chí Nguyễn Liên (Bốn Đạo), Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp thảo nội dung lời kêu gọi, đồng chí Ksor Y Tai (Ama La), Thường vụ Huyện ủy dịch ra tiếng Ê Đê. Lời kêu gọi được dịch ra bằng hai thứ tiếng Kinh và tiếng địa phương, có nội dung “Hỡi đồng bào, hãy tuốt gươm đao xông ra phía trước, hừng hực như lửa cháy rừng. Đã đến lúc ai do dự chần chừ là có tội với Tổ quốc, với nhân dân” đã có tác dụng động viên, cổ vũ tinh thần của cán bộ, đảng viên và quần chúng trong tỉnh. Nhân dân vô cùng phấn khởi, hưởng ứng với tinh thần quyết tâm cao.

Với khí thế thắng lợi sau trận diệt đồn Ơi Nu, quần chúng nổi dậy xoá bỏ chính quyền địch, ta giải phóng toàn bộ vùng nông thôn của huyện. Sau Đồng khởi, vùng giải phóng của huyện H2 được mở rộng từ Ơi Nu dọc đường số 7 đến giáp MĐrak.

Cuối năm 1960 đến 1961, đại bộ phận vùng nông thôn ở MĐrak, huyện H2, huyện H3 và một số xã của huyện Buôn Hồ và Đak Mil, gồm 30 xã, 200 thôn buôn, với 3000 dân được giải phóng và mở rộng.

Phong trào Đồng khởi của huyện A10 trong năm 1960-1961 được Khu ủy đánh giá là phong trào mạnh nhất của tỉnh Đăk Lăk. Nhân dân các vùng nông thôn dưới sự kiểm soát của địch đã nhất tề nổi dậy kết hợp với lực lượng vũ trang tấn công các đồn bót, phá lỏng hệ thống kìm kẹp của địch ở các buôn làng, xoá bỏ bộ máy tề nguỵ cơ sở, lập chính quyền tự quản. Thắng lợi của phong trào Đồng khởi của nhân dân huyện A10 đã góp phần cùng nhân dân trong tỉnh tấn công tiêu diệt địch, giành quyền làm chủ một vùng nông thôn rộng lớn.

Có kết quả trên, công tác binh tề vận cũng đóng góp vai trò quan trọng. Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, công tác binh tề vận được tỉnh Đăk Lăk và huyện H2 rất chú trọng và chỉ đạo kịp thời.

Trong những năm đầu xây dựng cơ sở, bên cạnh việc tuyên truyền vận động quần chúng tạo chỗ dựa vững chắc để cán bộ hoạt động bất hợp pháp gây dựng phong trào, Ban cán sự H2 đẩy mạnh công tác binh tề vận, tranh thủ các tầng lớp trên, tề ngụy, dân vệ, binh lính người địa phương để tuyên truyền giáo dục nhận rõ âm mưu thủ đoạn của đế quốc Mỹ và tay sai, từ đó khơi gợi lòng yêu nước, gây cảm tình với cách mạng, lôi kéo họ ủng hộ đồng tình các cuộc đấu tranh chính trị của quần chúng. Do vậy, hầu hết tề ngụy cơ sở ở các xã buôn như Đất Bằng, Sông Ba... ta đều nắm được làm tề “hai mặt” (vừa làm tề, và hoạt động theo chỉ đạo của ta). Đồng thời, thông qua đối tượng này để lôi kéo, hạn chế hoạt động chống phá cách mạng của những phần tử xấu. Đối với binh lính, ta đã tranh thủ thông qua gia đình, vợ con, tầng lớp trên để vận động cảm hóa, tổ chức các cuộc đấu tranh chính trị trực diện của quần chúng, trong đó có các gia đình binh sĩ, tề xã, buôn và tầng lớp trên tham gia kéo lên đồn bốt, quận lỵ đòi chồng con bỏ ngũ trở về.

Công tác binh tề vận của ta đã đạt được kết quả nhất định, qua tuyên truyền vận động, các đơn vị bảo an ở các buôn chốt đồn Ơi Nu, Mlah, Blech khi đi càn đã tìm cách né tránh, không lùng sục sâu vào vùng căn cứ. Nhiều người làm cơ sở nội tuyến cho ta, như cơ sở nội tuyến ở đồn Ơi Nu đã nắm chắc tình hình, tạo thời cơ để lực lượng ta đột nhập đánh diệt địch, thu toàn bộ vũ khí.

Sau Đồng khởi, công việc cấp bách trước mắt của cấp ủy lúc này là tập trung củng cố, xây dựng Đảng và tổ chức đoàn thể, phát triển sản xuất, bước đầu hướng dẫn tổ chức vần đổi công ở một số buôn. Trong vùng căn cứ, quần chúng đẩy mạnh phong trào tăng gia sản xuất, trồng mì, khoai lang nhằm đảm bảo lương thực, ổn định đời sống. Đồng chí Nguyễn Khuê (Ama Hlơ), phụ trách kinh tế tỉnh xuống vùng nông thôn Ia Rsai nắm tình hình sản xuất của từng gia đình để có cơ sở cấp phát nông cụ, hướng dẫn đồng bào kỹ thuật trồng rau màu, đánh luống trồng khoai... để cho năng suất cao.

Thực hiện thí điểm vòng đổi công ở vùng giải phóng phía bắc Đăk Lăk, ở xã Chư Drăng, ta vận động, hướng dẫn nhân dân tham gia phong trào tổ vòng đổi công tương trợ, giúp đỡ nhau trong sản xuất. Hình thức này đã có tác dụng trong việc phát huy tinh thần đoàn kết trong nội bộ cộng đồng làng, hỗ trợ tích cực cho từng hộ trong sản xuất mùa vụ.

Các tổ đổi công được hình thành theo từng lớp tuổi (đồng bào gọi là Nham) đã tập hợp được thanh niên và từng giới làm rẫy đổi công cho nhau. Tổ đổi công đã phát huy tinh thần đoàn kết thực sự, thông qua một số cán bộ cơ sở người địa phương ở lại để lồng ghép tuyên truyền, giáo dục tinh thần yêu nước cách mạng trong quần chúng, hướng dẫn cách dự trữ muối để chống thiếu muối trong lúc khó khăn. Các buôn ở xã Krông Năng, buôn Chai, Uar, Nung đến Tờ Khế, Ơi Nu, đồng bào lợi dụng nguồn nước gần sông, suối để làm ruộng lúa nước.

Phong trào học văn hóa, văn nghệ, xây dựng buôn làng cũng được đẩy mạnh. Việc học chữ được hình thành theo từng nhóm, thanh niên rất tích cực học chữ để làm cách mạng. Phong trào văn nghệ được phát động rộng rãi trong nhân dân. Các làng thành lập các đội văn nghệ, thường xuyên tổ chức ca múa hát vào những dịp lễ hội, sau mùa vụ. Thanh niên buôn làng rủ nhau đi làm công trong các đồn điền để lấy tiền mua các bộ chiêng, sắm dụng cụ để phục vụ cho sinh hoạt văn nghệ. Nhiều bài hát mới được đồng bào tự sáng tác trong Đồng khởi có tác dụng khơi dậy lòng yêu nước, yêu quê hương, kêu gọi nhân dân đứng lên đấu tranh chống Mỹ- nguỵ.

Về y tế, năm 1960, trạm xá tỉnh Đăk Lăk được thành lập, đóng tại căn cứ Chư Jú Dleiya, do đồng chí Siu Pui (Ama Thương) từ miền Bắc về phụ trách, có mở lớp cứu thương cấp tốc để phục vụ các đơn vị lực lượng vũ trang, đảm bảo cứu thương cho cán bộ, bộ đội khi chiến đấu. Ở huyện H2, các đội y tế lưu động tích cực xuống các xã, các buôn làng để vận động, hướng dẫn đồng bào vệ sinh phòng bệnh, thực hiện ba sạch trong việc ăn uống, sinh hoạt, dùng thuốc nam khi đau ốm, bước đầu xóa bỏ tập tục mê tín dị đoan và tham gia xây dựng đời sống mới.

Xây dựng, phục vụ và bảo vệ hành lang để đáp ứng yêu cầu của chiến trường được tỉnh Đăk Lăk và các huyện chú trọng xây dựng. Từ sau năm 1954, lực lượng giao liên tỉnh Đăk Lăk được hình thành gồm 11 đồng chí làm nhiệm vụ chuyển công văn giấy tờ và đưa đón, bảo vệ cán bộ qua lại trên các tuyến đường dây tỉnh, huyện.

Sau năm 1959, Trung ương và Khu ủy V tăng cường nhiều đoàn cán bộ và vũ khí cho các tỉnh Tây Nguyên. Các trạm hành lang và giao liên được tăng cường để đảm bảo sự chỉ đạo từ Trung ương, Khu ủy V về tỉnh, huyện và vận chuyển hàng hóa thông suốt. Lực lượng giao liên tăng lên gấp bốn, năm lần, quy mô các trạm hành lang được mở rộng. Vào những lúc cao điểm, tỉnh phải huy động đồng bào các huyện, xã có đường hành lang, các trạm giao liên đứng chân để tham gia vận chuyển hàng hóa, vũ khí, đạn dược.

Thời gian này, cơ quan Tỉnh ủy Đăk Lăk và huyện H2 đóng tại buôn Ma Nhao, sau chuyển ra buôn Chư Djú HĐăng.

Hành lang trên địa bàn huyện H2 có vị trí chiến lược quan trọng, là hành lang Trung ương và của Liên Tỉnh ủy. Trên địa bàn huyện H2 được tổ chức bốn trạm hành lang giao liên Bắc - Nam và Đông – Tây. Trạm 41, 42 ở phía bắc sông Ba, trạm 43, 44 ở phía nam sông Ba. Trạm 41 (T 41- nay thuộc huyện Ia Pa, Gia Lai) đóng ở buôn Ma Klít, phía bắc xã Ia Rsai, chỉ có 2 gia đình đồng bào. Trạm 42 đóng tại Buôn Ia Rsai, xã 3. Trạm 43 đóng tại buôn Ơi Yit, xã Đất Bằng. Trạm T44 tại vùng Uar, xã 6.

Các trạm hành lang phía bắc liên lạc với Gia Lai tại làng Thung Ngung qua buôn Bâu, từ Uar tỏa đi các nơi khác. Từ trạm 41 là trạm đầu giáp Khu 7 (Gia Lai) do Ama Toa phụ trách, đường hành lang vận chuyển về phía nam, qua xã Ia Rsai, về Tân Túc, tới trạm 42. Các tuyến hành lang này đảm bảo vận chuyển hàng hóa, đưa đón cán bộ từ miền Bắc vào chiến trường phía nam và mặt trận Tây Nguyên. Trong điều kiện chiến tranh ác liệt, nhiều anh chị em làm công tác giao liên đã phải chịu nhiều khó khăn, gian khổ, hy sinh để giữ vững sự thông suốt, an toàn trên các tuyến hành lang.

Hành lang A là đường hành lang Trung ương chạy dọc theo các trạm từ T41 đến T44 trên địa bàn huyện H2, qua trạm T45 thuộc tỉnh Khánh Hòa, vào trạm T47 đến Trung ương Cục. Huyện H2 còn là trung tâm đầu mối giao thông, liên lạc, nối tỉnh Đăk Lăk với Gia Lai, Phú Yên. Nhân dân trong vùng đã tích cực đóng góp công sức phục vụ bảo vệ hành lang, đưa đón cán bộ, bộ đội, đáp ứng yêu cầu về lương thực, thực phẩm cho chiến trường.

Trong kháng chiến chống Pháp, các trạm hành lang từ Bắc vào, mỗi trạm có ít nhất 6 người, từ 2 đến 4 ngựa. Trong chống Mỹ, khi yêu cầu của mặt trận tăng cao, các trạm hành lang T42- T44 huy động cả ngựa để phục vụ việc chuyên chở hàng hóa. Các trạm 43, 44, Phú Cần, Mlah, Đất Bằng đã trở thành nơi cung cấp lương thực, hàng hóa cho cách mạng thông qua các luồng buôn bán từ Phú Yên lên Cheo Reo và ngược lại.

Trong điều kiện chiến tranh, địa hình hiểm trở, công tác hành lang, giao liên gặp muôn vàn khó khăn, nhưng với tinh thần “Vì chiến trường miền Nam, quyết tâm giải phóng đất nước”, anh em cán bộ đường dây đã không quản mọi hiểm nguy để đưa đón, bảo vệ cán bộ an toàn, đảm bảo vận chuyển công văn giấy tờ, vũ khí, đạn dược tới nơi an toàn không để thất thoát. Những câu thơ “Trên lưng mang ánh sao vàng. Mang kim chỉ lối soi đường đấu tranh” là lời động viên tinh thần của cán bộ, chiến sĩ đường dây quyết tâm vượt mọi gian khó, đưa hàng nhanh tới đích, an toàn. Nhiều cán bộ hành lang như Ama Toa, Ama Kim... luôn hoàn thành nhiệm vụ phục vụ và bảo vệ trên các tuyến hành lang. Nhiều cán bộ, chiến sĩ đường dây đã hy sinh trên đường làm nhiệm vụ để giữ vững sự chỉ đạo thông suốt của Trung ương, của tỉnh với huyện. Ngoài ra, vừa lo công tác phục vụ, bảo vệ hành lang, cán bộ, chiến sĩ vừa phải sản xuất để tự túc lương thực cho mình và phục vụ cho cán bộ, bộ đội qua trạm.

Các tuyến hành lang của H2 luôn bảo đảm liên tục vận chuyển hàng hóa, đưa đón cán bộ vào Nam, ra Bắc và đi các tỉnh. Tuyến hành lang A cũng đã từng đưa đón các đoàn cán bộ lãnh đạo của Trung ương Cục, Khu ủy một cách an toàn, như các đồng chí Võ Chí Công, Trần Lương, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ… vào chỉ đạo chiến trường miền Nam.

Từ năm 1960-1962 trở đi, phong trào dân công phục vụ trên các tuyến hành lang phát triển mạnh mẽ. Nhân dân các buôn làng đã đóng góp nhiều công sức cho công tác phục vụ hành lang. Có những thời điểm để kịp thời đáp ứng yêu cầu của chiến trường, nhân dân trong huyện được huy động tham gia đi dân công, vận chuyển hàng hóa, đưa đón cán bộ, bộ đội. Đồng bào các buôn làng không kể thanh niên nam nữ, trẻ già rất tích cực tham gia gùi cõng hàng hóa, đạn dược, đưa đường cho cán bộ, bộ đội. Các buôn làng dọc đường hành lang đã ủng hộ, đóng góp lương thực, cung cấp thực phẩm, trâu bò, heo gà… phục vụ cho các đoàn công tác qua các trạm đường dây với tinh thần tự nguyện rất cao.

Đồng bào ở các buôn trên các bến đò sông Ba, buôn Chai, buôn Thúa, hàng ngày thay phiên nhau đưa đón cán bộ, bộ đội và vận chuyển hàng hóa qua sông đảm bảo bí mật, an toàn. Tiêu biểu như Amí H’Tring ở Buôn Chai, nhiều năm làm Bí thư chi bộ xã đã tích cực lãnh đạo nhân dân tham gia đưa đón hàng ngàn cán bộ, bộ đội qua sông an toàn. Đồng bào các buôn Ma Leo, Ma Phu… tích cực tham gia đưa công văn hỏa tốc, chuyển hàng, tải đạn.

Trong các phong trào đấu tranh chính trị, cũng như phục vụ hành lang, chị em phụ nữ đóng vai trò rất to lớn. Phụ nữ các buôn làng tích cực vận động nhân dân đóng góp lương thực, thực phẩm, không quản ngày đêm thay nhau giã gạo, sàng xảy để ủng hộ cho cách mạng, đảm bảo phục vụ cho cán bộ qua hành lang. Nhiều chị trực tiếp tham gia vận chuyển hàng hóa, vũ khí đạn dược trên các trạm hành lang. Rahlan H’Noan, buôn Ma Hing, thoát ly theo cách mạng từ năm 12 tuổi làm chiến sỹ hành lang. Chị lập được nhiều thành tích trong công tác giao liên, đưa đón cán bộ. Có lần chị cùng 5 chị giao liên nhận nhiệm vụ đưa một đồng chí cán bộ lãnh đạo của tỉnh Đăk Lăk đi về căn cứ. Trên đường bị địch phát hiện đánh úp, các chị đã tìm cách bảo vệ an toàn cho cán bộ. Ngoài ra ở buôn Chư Djú có Amí Mi, Amí H’lam... rất tích cực tham gia dân công gùi cõng đạn trên hành lang Bắc-Nam. Nhiều chị mang 50-60 kg đạn dược, hàng hóa bảo đảm an toàn.

Công tác hành lang, giao liên trong những năm sau càng mở rộng do yêu cầu của mặt trận. Ngoài tuyến hành lang Trung ương, hành lang của tỉnh, từ năm 1960, ở các buôn làng đều tổ chức đường dây liên lạc bí mật do thanh niên đảm nhận. Việc chuyển công văn, còn gọi là “Gak Hră”, “Đuái Hră” từ làng này sang làng khác đều rất kịp thời và bí mật.

Sự đóng góp và tinh thần phục vụ của lực lượng giao liên và nhân dân trong huyện trên các tuyến hành lang đã góp phần không nhỏ làm nên thắng lợi các chiến dịch trên địa bàn huyện và tỉnh Đăk Lăk.

Đến cuối năm 1960, trước sự phát triển mạnh mẽ của cao trào Đồng khởi trong nhân dân toàn miền Nam đã căn bản làm tan rã hệ thống chính quyền cơ sở địch ở vùng nông thôn. Thắng lợi của phong trào Đồng khởi trong toàn miền đã đưa cách mạng miền Nam chuyển sang giai đoạn mới. Ngày 20-12-1960, tại xã Tân Lập, huyện Châu Thành (nay là huyện Tân Biên) tỉnh Tây Ninh, vùng giải phóng miền Đông Nam Bộ, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời, đề ra Chương trình hành động 10 điểm, kêu gọi toàn dân tộc, toàn lực lượng, giai cấp, tầng lớp, tôn giáo đoàn kết trong mặt trận chung chống kẻ thù.

Tháng 11-1960, tại xã Đak Gleh (huyện 1, tỉnh Gia Lai), Liên khu ủy V tổ chức Đại hội đoàn kết các dân tộc thiểu số miền Trung và Tây nguyên, đoàn đại biểu tỉnh Đăk Lăk do cụ Y bih Alêô dẫn đầu. Đại hội đã thành lập Phong trào dân tộc tự trị Tây Nguyên và bầu y ban Phong trào dân tộc tự trị Tây Nguyên do cụ Y Bih ALêô, nhân sĩ trí thức người Ê Đê làm Chủ tịch. Đồng chí Ksor H’Klo (Amí Đoan), người buôn Uar xã Chư Drăng huyện H2 được bầu làm Ủy viên Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Đại hội có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc, kêu gọi đồng bào các dân tộc miền núi đoàn kết cùng đồng bào cả nước tích cực tham gia trong cuộc đấu tranh chống Mỹ-Diệm và chống âm mưu chia rẽ của địch.

Sau khi Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời, đầu năm 1961, Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh Đăk Lăk được thành lập. Ở các huyện trong tỉnh, Mặt trận Dân tộc giải phóng cũng lần lượt được hình thành.

Tại huyện A10, đã tổ chức Đại hội nhân dân thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng huyện, do đồng chí Nay Ang (Ama Hiu) làm Chủ tịch. Ở các xã lần lượt hình thành tổ chức mặt trận cơ sở. Sau khi ra đời, Mặt trận huyện, xã làm mọi việc quản lý xã hội trong khi chưa có chính quyền, phát huy vai trò nòng cốt trong việc tập hợp các lực lượng, giai tầng đấu tranh chống Mỹ - Diệm, giải phóng quê hương, đất nước.

Trong công tác xây dựng Đảng đã đạt được nhiều kết quả. Năm 1954, toàn tỉnh còn hơn 100 đảng viên, đến cuối 1960 tăng lên 300 đảng viên và 20 chi bộ. Các huyện, xã trong tỉnh hầu hết đều xây dựng được tổ chức cơ sở Đảng và phát triển đảng viên mới.

Ở huyện A10, đến năm 1960, số lượng chi bộ của huyện phát triển: Đông Cheo Reo (H2) có 4/6 xã có chi bộ, huyện MĐrak (H1) có 6/6 xã có chi bộ. Đảng bộ huyện tăng cường công tác bồi dưỡng giáo dục chính trị, tư tưởng trong cán bộ, đảng viên, đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên mới và xây dựng tổ chức Đảng ở các xã và đến buôn làng. Đồng thời, đẩy mạnh củng cố các tổ chức mặt trận, đoàn thể, các Ban tự quản trong vùng căn cứ, vùng mới giải phóng; tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, Chính phủ, tích cực tham gia các phong trào đấu tranh bảo vệ và phát triển vùng căn cứ, vùng giải phóng.

Từ cuối 1954- 1960, là giai đoạn đấu tranh mới hết sức gay go và phức tạp, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện H2, về sau là A10, quân và dân trong huyện phát huy truyền thống đấu tranh cách mạng, từng bước vượt qua mọi thử thách gian nguy, đoàn kết một lòng, kiên quyết đấu tranh chống kẻ thù xâm lược, bảo vệ buôn làng.

Thực tiễn tình hình địa phương đã thể hiện rõ chủ trương của Đảng bộ huyện: Nhờ nắm bắt nhanh nhạy tình hình của cuộc kháng chiến, Đảng bộ huyện đã triển khai kịp thời chủ trương của tỉnh, nhanh chóng củng cố và phát triển cơ sở nòng cốt, đẩy mạnh đấu tranh chính trị, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tạo điều kiện cho việc kết hợp với đấu tranh vũ trang, tiến tới phát động phong trào đồng khởi trong toàn vùng, phát động quần chúng giành quyền làm chủ và giải phóng phần lớn vùng nông thôn. Đồng thời, hình thành khu căn cứ cách mạng rộng lớn, làm nơi đứng chân cho cơ quan tỉnh, huyện. Tập trung xây dựng chính trị, tổ chức Đảng vững mạnh, tăng gia sản xuất, bảo đảm đời sống cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, bảo toàn lực lượng, từng bước chuẩn bị cho đấu tranh vũ trang sau này.

Qua thực tiễn của những năm đầu đấu tranh chính trị, kết hợp đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang, Đảng bộ và nhân dân trong huyện ngày càng trưởng thành. Kết quả thắng lợi của phong trào Đồng khởi đã tạo ra thế và lực mới để Đảng bộ và nhân dân huyện H2 vững vàng bước vào thời kỳ đấu tranh cách mạng mới, chống chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ- nguỵ.

III- ĐẤU TRANH CHỐNG GOM DÂN LẬP ẤP CHIẾN LƯỢC, GÓP PHẦN ĐÁNH BẠI CHIẾN LƯỢC “CHIẾN TRANH ĐẶC BIỆT” CỦA ĐẾ QUỐC MỸ (1961-1965)



Каталог: Files
Files -> Sạt-đe rằng: Nầy là lời phán của Đấng có bảy vì thần Đức Chúa Trời và bảy ngôi sao
Files -> HƯỚng dẫn càI ĐẶt và SỬ DỤng phần mềm tạo bài giảng e-learning
Files -> VIỆn chăn nuôi trịnh hồng sơn khả NĂng sản xuất và giá trị giống của dòng lợN ĐỰc vcn03 luậN Án tiến sĩ NÔng nghiệp hà NỘI 2014
Files -> ĐẠi học quốc gia hà NỘi trưỜng đẠi học khoa học tự nhiên nguyễn Thị Hương XÂy dựng quy trình quản lý CÁc công trìNH
Files -> PHỤ LỤC 2 TỔng hợp danh mục tài liệu tham khảO
Files -> BÁo cáo quy hoạch vùng sản xuất vải an toàn tỉnh bắc giang đẾn năM 2020 (Thuộc dự án nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học ) Cơ quan chủ trì
Files -> BỘ TÀi nguyên và MÔi trưỜng
Files -> 1. Mục tiêu đào tạo: Mục tiêu chung

tải về 1.87 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   14




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương