Ban chấp hành đẢng bộ huyện krông pa tỉnh gia lai lịch sử ĐẢng bỘ


Chương I NHÂN DÂN KRÔNG PA TỪ PHONG TRÀO YÊU NƯỚC CHỐNG PHÁP ĐẾN KHỞI NGHĨA GIÀNH CHÍNH QUYỀN TRONG CÁCH MẠNG THÁNG TÁM (1930-1945)



tải về 1.87 Mb.
trang2/14
Chuyển đổi dữ liệu13.06.2018
Kích1.87 Mb.
#39932
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   14

Chương I

NHÂN DÂN KRÔNG PA TỪ PHONG TRÀO YÊU NƯỚC CHỐNG PHÁP ĐẾN KHỞI NGHĨA GIÀNH CHÍNH QUYỀN TRONG CÁCH MẠNG THÁNG TÁM
(1930-1945)

I- BỐI CẢNH LỊCH SỬ CỦA PHONG TRÀO CHỐNG PHÁP Ở KRÔNG PA

Trong âm mưu xâm lược nước ta, thực dân Pháp sớm có mưu đồ và quyết tâm xâm chiếm vùng Tây Nguyên, nơi có vị trí chiến lược đặc biệt và giàu tài nguyên. Năm 1838, Giám mục Taberd đã xâm nhập vào Tây Nguyên vẽ bản đồ địa hình phân vùng đất đai và dân cư. Từ giữa thế kỷ XIX, các giáo sĩ hội thừa sai Pari tiến hành truyền giáo vùng bắc Tây Nguyên và đến năm 1852 đã đặt cơ sở Thiên Chúa giáo đầu tiên tại Kon Tum. Sau khi buộc triều đình nhà Nguyễn ký hiệp ước đầu hàng vào năm 1884, thực dân Pháp theo chân các giáo sĩ, các phái bộ thám hiểm đã mở nhiều cuộc hành quân đánh chiếm các vùng ở bắc Tây Nguyên. Đối với địa bàn Cheo Reo, hướng tấn công chính của thực dân Pháp là từ Tuy Hòa, Củng Sơn (Phú Yên) lên vùng đông và tây Cheo Reo. Đánh chiếm đến đâu, quân Pháp lập đồn binh, tuyển mộ binh lính người địa phương chốt giữ những nơi trọng yếu tới đó, một mặt trấn áp những cuộc nổi dậy của nhân dân, mặt khác làm công cụ, chỗ dựa để thiết lập bộ máy cai trị. Năm 1898, Toàn quyền Đông Dương Doumer ra quyết định lập các đồn binh và một số đơn vị quân đội người dân tộc thiểu số. Tại địa bàn Cheo Reo, thực dân Pháp thiết lập đồn binh vào năm 1901. Sau khi xâm chiếm được một số vùng trọng yếu ở Tây Nguyên, tháng 10-1898, Pháp đưa ra yêu sách đòi triều đình nhà Nguyễn để Pháp phụ trách các vấn đề chính trị, quốc phòng, an ninh và kinh tế toàn vùng, từng bước gạt bỏ ảnh hưởng của triều đình Huế ra khỏi đời sống chính trị, thiết lập chế độ trực trị của Pháp lên toàn vùng, trong đó có vùng Cheo Reo. Năm 1913, thực dân Pháp thiết lập bộ máy cai trị ở Kon Tum - Gia Lai từ cấp tỉnh đến đại lý, huyện, tổng, làng. Đại lý Cheo Reo tách ra từ tỉnh Phú Yên là một trong các đại lý của tỉnh Kon Tum.

Sau khi cơ bản đánh chiếm và thiết lập bộ máy cai trị, thực dân Pháp đẩy mạnh khai thác thuộc địa. Trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bộ máy cai trị được tổ chức theo các đơn vị làng, tổng, huyện, chủ làng, chánh, phó tổng, huyện thường do người dân tộc địa phương đảm nhận theo chính sách mua chuộc của chúng. Song thực tế họ chỉ là những người giúp việc, tay sai cho tên chủ hạt người Pháp, kiêm chủ đồn binh trong vùng. Tại vùng đông Cheo Reo, khu vực Krông Pa ngày nay có hạt Mlah bao gồm các tổng: Ơi Nu, Đất Bằng, Ma Rôk, Phú Cần… Ở các tổng có một chánh tổng đứng đầu. Một tổng được hình thành từ nhiều buôn có khoa buôn (đồng bào thường gọi là “Pô pin ia” tức chủ làng) đứng đầu. Chánh tổng, chủ làng phần lớn thuộc tầng lớp trên, là con cháu các tù trưởng hoặc các đội khố xanh, khố đỏ mãn hạn lính về nắm giữ. Hàng năm, Pháp tập hợp chánh tổng, chủ làng về các hạt, các đồn tổ chức giết trâu bò làm lễ “ăn thề”, nhằm củng cố lòng trung thành của tay sai đối với đại diện toàn quyền, khâm sứ, công sứ và công chức cai trị người Pháp. Bộ máy quan lại từ làng, tổng, hạt đến tỉnh tạo thành một hệ thống cai trị chặt chẽ, kết hợp với binh lính các đồn ngày càng tăng cường kìm kẹp, vây ráp người dân địa phương trong vòng kiềm tỏa, làm cho nhân dân mất quyền tự do, dân chủ.

Đi đôi với việc thiết lập các đồn binh, bộ máy cai trị, thực dân Pháp xúc tiến thực hiện chính sách khai thác thuộc địa, chiếm đoạt tài nguyên, chiếm đất đai lập đồn điền, chiêu tập công nhân để bóc lột sức lao động thu lợi nhuận, thu gom sản vật, áp đặt và thu các loại thuế.

Để có điều kiện khai thác tài nguyên và nhân lực, Pháp mở nhiều đoạn đường từ Cheo Reo đi các nơi như đường số 7A (quốc lộ 25) từ Mỹ Thạch (Chư Sê) đi Tuy Hòa, đường 7B (đường 662) từ An Khê đi Cheo Reo và đường từ Cheo Reo đi Ia Hleo.

Thực dân Pháp triệt để thực hiện chính sách chia rẽ các dân tộc. Chúng ngăn cấm giao lưu, tiếp xúc giữa người Kinh và đồng bào dân tộc thiểu số. Ngày 1-1-1926, trong Hội nghị các trưởng làng Tây Nguyên, Pháp thông qua một quy chế xem người Kinh là người “ngoại quốc” đối với vùng Tây Nguyên, người Kinh không được phép cư trú trên vùng đất Tây Nguyên. Quy định này nêu rõ: “Chỉ có người Pháp mới được quyền có mặt ở Tây Nguyên để khai hóa, che chở, bảo vệ người Thượng”. Tại vùng Cheo Reo, Pháp thực hiện nghiêm ngặt chính sách “đóng cửa”, cấm giao lưu giữa các vùng trong tỉnh, ngoài tỉnh, nhất là cấm người Kinh và đồng bào dân tộc thiểu số tiếp xúc, giao lưu thông qua đường 7, nối Cheo Reo đi Tuy Hòa (Phú Yên). Trừ một số phu phen làm việc trong các đồn điền của Pháp, mọi người qua lại trên đường 7 nối vùng đồng bằng Phú Yên với Cheo Reo, Pleiku phải có giấy phép do chính quyền thực dân cấp. Số người Kinh vùng đồng bằng lên vùng đồng bào dân tộc thiểu số buôn bán, trao đổi hàng hóa cũng bị cấm ngặt. Thay vào đó chúng tổ chức bọn tay sai đội lốt nhà buôn lùng sục vào các làng đồng bào dân tộc thiểu số để mua bán, đổi chác, qua đó nắm tình hình tại các làng để báo cáo lại với bọn thực dân. Chính sách “đóng cửa” của Pháp đã kìm hãm sự phát triển của vùng Cheo Reo, làm cho đại bộ phận nhân dân trong vùng rơi vào bần cùng, lạc hậu.

Để cướp đất, ruộng rẫy làm đồn điền, thực dân Pháp tiến hành dồn dân vào một vùng nhất định để dễ quản lý. Theo Joseph Chailly Bert, tổng thư ký hội Liên hiệp Pháp thì “Dân cư ấy - tức dân Tây Nguyên - phải ghép chúng vào kỷ luật (…), dồn chúng vào một vùng nào đó, còn các vùng đất khác phải để hoang nhằm xây dựng các đồn điền (…). Sự phì nhiêu của đất đai vùng này quả là một nguồn lợi lớn đối với người thực dân”. Thực dân Pháp đã đề ra một kế hoạch khai thác đất đai Tây Nguyên nhằm sản xuất các loại cây công nghiệp thu nhiều lãi mà chi phí ít. Chúng cướp đất nương rẫy, ruộng lúa để lập đồn điền, đưa một số đồng bào dân tộc tại chỗ cùng với những phu được tuyển mộ từ các nơi khác trong cả nước để làm công nhân. Đồng bào dân tộc được giao ruộng, giống, nông cụ để canh tác và nộp tô thuế. Triển khai phương thức canh tác, thu tô như vậy thực dân Pháp một mặt vẫn duy trì phương thức sản xuất cổ truyền của đồng bào dân tộc địa phương, đồng thời chồng lên đó là phương thức bóc lột kiểu phong kiến và tư bản chủ nghĩa là phát canh thu tô, thuê mướn nhân công, cưỡng bức lao động. Hậu quả của chế độ thống trị này là đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung và vùng Krông Pa - Cheo Reo nói riêng tiếp tục sống trong vòng nghèo nàn, lạc hậu.

Trong khoảng hơn 10 năm, từ đầu thế kỷ XX đến năm 1912, thực dân Pháp đã chiếm được ở Tây Nguyên diện tích đất bằng 7% tổng số ruộng đất mà chúng cướp được của cả nước (469.724 ha). Các đồn điền trồng chè, cà phê, cao su ở Tây Nguyên lần lượt ra đời. Từ năm 1898 đến năm 1945, với chính sách độc quyền khai thác vùng đất trù phú này, thực dân Pháp đã lập ra ở Tây Nguyên trên 300 đồn điền lớn nhỏ, chiếm tới hàng vạn hécta đất đỏ bazan màu mỡ. Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, đặc biệt là sau cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 1929 - 1933, thực dân Pháp càng đẩy mạnh chiếm đất đai để lập đồn điền. Trên địa bàn Gia Lai, lần lượt các đồn điền lớn nhỏ ra đời. Đồn điền chè Biển Hồ được thành lập năm 1921. Đồn điền chè Đak Đoa thuộc chi nhánh Công ty thương mại nông nghiệp và tài chính Đông Dương (SICAF), thành lập năm 1924. Đồn điền Ia Puch, còn gọi là Bàu Cạn thuộc công ty CATECKA thành lập năm 1925. Trong những năm 1930 - 1940, sau khi toàn quyền Đông Dương ra Nghị định ngày 17-1-1933, chính thức quy định đất đai thuộc bất động sản, dưới hình thức “nhượng hẳn”, “nhượng tạm thời”, các chủ người Pháp ở Gia Lai đã cướp 25 đến
540 ha đất để lập ra những đồn điền lớn trồng cây công nghiệp. Ngoài ra, bọn tư bản thực dân còn cướp đất để mở các khu chăn nuôi bò, lai giống ngựa, lập các vườn ươm, các trại thực nghiệm.

Ở vùng tây Cheo Reo, tên Mille, một chủ tư bản Pháp, cướp một vùng đất dọc sông Ia Rbol, cách thị trấn Cheo Reo 3 km. Đây là ruộng rẫy của đồng bào dân tộc thiểu số canh tác lâu đời. Hắn lập nên đồn điền Thong Pơ Cheo Reo, chuyên trồng và sản xuất thuốc lá. Tên đồn trưởng người Pháp ở Cheo Reo cũng cướp hàng trăm hécta ruộng đất dọc theo sông Ia Rbol và sông Ba để trồng lúa, hoa màu, bắt đồng bào trong vùng phục dịch rất cơ cực.

Ngoài bóc lột sức lao động, khai thác tài nguyên thông qua việc phát triển các đồn điền, thực dân Pháp thi hành chính sách đi xâu, sưu cao thuế nặng đối với đồng bào dân tộc hết sức khắc nghiệt, tàn nhẫn. Đồn binh, đồn điền của thực dân Pháp mở rộng đến đâu, đồng bào dân tộc thiểu số bị bắt đi làm xâu công nhân đến đó. Xâu được áp dụng cho cả người, voi và trâu là hai động vật quý của đồng bào. Theo Sắc lệnh “cưỡng bức lao động” do chính phủ Pháp ban hành năm 1930, áp dụng đối với các nước thuộc địa, các công sứ, chủ tỉnh được huy động dưới 2.000 công nhân, sau khi được phép của Toàn quyền Đông Dương. Sắc lệnh này cũng quy định mỗi người dân hàng năm có thể bị bắt đi phu 60 ngày và điều động trong phạm vi
50 km cách nơi cư trú. Đến năm 1935, do sự đấu tranh quyết liệt của nhân dân, nên số ngày đi phu được giảm xuống còn 30 ngày trong một năm. Trong những năm 1941-1945, chính quyền thực dân phát xít định giá ngày xâu của người là 0,35 đồng và của voi là 0,75 đồng. Đại diện “nhà nước” trong vùng thực dân có quyền nhượng lại số ngày xâu này cho bọn chủ đồn điền để lấy tiền. Công việc đồn điền khá nhiều. Nhưng ngày xâu có hạn, nên bọn chủ đồn điền bắt tay với bọn tay sai chính quyền thực dân tăng cường bắt đồng bào dân tộc thiểu số đi xâu, rồi bán lại cho chúng làm công nhân. Hàng năm dân các làng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là các làng gần với các đồn điền, dân bị bắt đi xâu từ 50-100 ngày công trong năm cho chủ đồn điền, nên không còn thời gian lao động sản xuất cho gia đình, dẫn đến nạn đói diễn ra triền miên.

Thuế là nguồn thu lớn của chính quyền thực dân, nhưng là gánh nặng của nhân dân. Để bù đắp cho những mất mát do cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 1929-1933 gây ra, thực dân Pháp ra sức khai thác, bóc lột thuộc địa, trong đó có vùng đồng bào dân tộc thiểu số Cheo Reo, biện pháp chủ yếu là tăng thuế. Cư dân vùng Kinh và vùng dân tộc thiểu số, thực dân Pháp quy định đều phải đóng thuế thân. Năm 1898, mỗi suất thuế thân là 0,1 đồng. Đến ngày 8-11-1928, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định sửa đổi thuế ở Trung Kỳ, theo đó từ ngày 1-1-1929, tất cả dân Trung Kỳ, từ 18 đến 60 tuổi đều chịu mức thu thuế thân là 2,5 đồng. Ngoài ra dân phải đóng thêm một khoảng phụ thu theo tỷ lệ từng vùng. Ở Cheo Reo nói riêng và tỉnh Pleiku (Gia Lai), Kon Tum nói chung, số phụ thu là 20%, tức thêm 0,5 đồng, thành 3 đồng/người/năm. Đến năm 1940, thuế thân được bổ trên đầu người tăng lên 3,2 đồng.

Ngoài thuế thân, thực dân Pháp ban hành rất nhiều loại thuế đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên như thuế ruộng đất, thuế thuốc lá, thuế “đầu thú”… Chính chế độ sưu thuế nặng nề này là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến những cuộc nổi dậy của đồng bào dân tộc ở Cheo Reo nói riêng và Tây Nguyên nói chung. Theo lý giải của Louis Lilurade thì “ta cứ nói người Mọi là hiếu chiến mà không thấy rằng chính chế độ xâu thuế nặng nề đã đẩy họ đứng lên cầm vũ khí chống lại chúng ta”.

Thực dân Pháp thực hiện triệt để chính sách “ngu dân” để dễ bề cai trị. Ngoài một số ít con em tầng lớp trên giàu có được học các trường do Pháp mở, còn đa số con em đồng bào dân tộc thiểu số ở Cheo Reo đều không được học hành. Năm 1938, toàn tỉnh Gia Lai chỉ có một trường nội trú cho con em dân tộc Jrai. Trường này chủ yếu lựa chọn những học sinh giỏi để đào tạo làm tay sai cho Pháp, theo nguyên tắc được đề ra trong Thông tư ngày 30-7-1923 của Khâm sứ Trung Kỳ, “những người thông minh được dạy bằng tiếng Pháp. Tất cả học sinh này được đào tạo để phục vụ công việc quản lý của chúng ta - tức chính quyền thực dân. Sau khi về làng chúng sẽ đảm trách công việc hành chính của chính quyền”. Năm 1943, thực dân Pháp mới mở một trường tiểu học ở Cheo Reo, nhưng chỉ đào tạo đến lớp Nhì. Học sinh muốn thi hết tiểu học phải học lớp Nhất ở thị xã Kon Tum. Trường học ít, chi phí ăn học tốn kém, nên hầu hết con em đồng bào dân tộc thiểu số đều không được đến trường. Hầu hết người dân ở Cheo Reo sống dưới chế độ thực dân đều không biết chữ.

Về văn hóa, núp dưới chiêu bài “bảo vệ và phát triển các chủng tộc Thượng”, “không đụng chạm đến tập tục văn hóa bản địa”, chính quyền thực dân Pháp đã duy trì, khuyến khích và tái hiện những tập tục cổ xưa lạc hậu, mê tín dị đoan để mê hoặc đồng bào. Về y tế, đa số nhân dân ở Cheo Reo đều không được chăm sóc sức khoẻ. Đội ngũ y tá, hộ lý ít ỏi tại đây chỉ phục vụ khám chữa bệnh cho người Pháp, nhân viên, binh lính của chính quyền thực dân. Sinh mạng của người dân giao hẳn cho thầy cúng khi bị đau ốm. Các dịch bệnh nguy hiểm như sốt rét, đậu mùa, lỵ, thương hàn… thường xuyên hoành hành, có năm cướp hàng trăm sinh mạng người dân.

Việc thành lập các đồn điền và du nhập chủ nghĩa tư bản vào vùng Tây Nguyên nói chung và khu vực Cheo Reo nói riêng đã tác động lớn đến cơ cấu kinh tế, cơ cấu xã hội cổ truyền của đồng bào dân tộc bản địa. Phân hóa giàu nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số diễn ra ngày càng nhanh. Ở Cheo Reo, bước đầu có sự phân hóa về cơ cấu xã hội. Một số giai cấp, tầng lớp mới được hình thành.

Trong quá trình khai thác đất đai, tài nguyên lập đồn điền và các công trình làm đường, xây nhà cửa, đồn bốt cho bọn thực dân, tư bản Pháp, đội ngũ công nhân ở Cheo Reo được hình thành. Họ hầu hết xuất thân từ nông dân. Tuy lực lượng không đông, nhưng đây là lực lượng mới, có giao du rộng và có khả năng quy tụ lực lượng, giác ngộ quyền lợi giai cấp lao động, giác ngộ cách mạng để chống chính quyền thực dân áp bức, bóc lột.

Nông dân là lực lượng đông đảo nhất ở vùng, chiếm trên 95% dân số. Ngoài một bộ phận người Kinh, đa số là nông dân vùng Phú Yên lên khai phá lập làng, tập trung ở Phú Cần, Quang Hiển (Đất Bằng), Hảo Đức, thị trấn Cheo Reo. Người Jrai theo chế độ mẫu hệ, quen với lối sống du canh, du cư. Nông dân trong vùng cả người Kinh và đồng bào dân tộc thiểu số luôn bị chính quyền thực dân và bọn chủ làng kìm kẹp, áp bức xâu thuế nên đời sống hết sức khó khăn. Đồng bào dân tộc tại chỗ và đồng bào Kinh mới đến dần hình thành nên những cộng đồng sống đan xen nhau. Trong lao động sản xuất, họ vốn có tinh thần đoàn kết, mong muốn có được cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc. Họ sẵn sàng chung lưng, đấu cật tham gia các phong trào đấu tranh chống áp bức, giải phóng dân tộc.

Tầng lớp tiểu tư sản bao gồm những công chức nhỏ phục dịch trong các công sở Pháp, giáo viên, học sinh, tiểu thương, tiểu chủ cả người Kinh và đồng bào tại chỗ, tuy số lượng không nhiều, song có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội ở địa phương. Đây là tầng lớp có nhận thức cao trong cộng đồng và rất nhạy cảm với thời cuộc. Họ nắm bắt thông tin và đi đầu trong việc tuyên truyền những điều mới lạ đến với dân chúng. Khi được giác ngộ cách mạng, họ trở thành lực lượng tiến bộ, có tinh thần dân tộc, hăng hái hoạt động thúc đẩy phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân. Lực lượng này đã có những đóng góp quan trọng trong quá trình vận động cách mạng, giải phóng dân tộc ở Cheo Reo. Tiêu biểu như cụ Nay Der, trong thời gian dạy học ở Kon Tum đã tiếp xúc với những người tù chính trị và từng bước được giác ngộ cách mạng, đã tích cực tuyên truyền tư tưởng tiến bộ trong đồng bào. Hay như thầy giáo Rơchơm Briu cũng chịu ảnh hưởng tư tưởng tiến bộ và đã tích cực truyền bá tư tưởng cách mạng cho đồng bào Jrai ở Cheo Reo.

Giai cấp trực tiếp bóc lột ở Cheo Reo chính là bọn thực dân nắm quyền cai trị và bọn tư sản thực dân Pháp làm chủ các đồn điền, chủ sở các ngành kinh tế. Trong làng, xã, một số tầng lớp trên thường gắn với các “chức việc” chánh phó tổng, hương lý, chủ làng có quyền điều hành và ức hiếp lương dân. Số này mới ngoi lên trong thời kỳ Pháp đẩy mạnh khai thác thuộc địa, song vẫn bị bọn thực dân Pháp chèn ép. Trong số đó, một số người thông cảm với hoàn cảnh của nhân dân lao động và cảm tình với cách mạng. Một số con em họ đã tham gia phong trào cách mạng và kháng chiến sau này.

Tuy bước đầu có sự hình thành các giai cấp, giai tầng mới khác với tổ chức xã hội truyền thống của người dân tộc địa phương, nhưng thực tế, việc phân hóa giai cấp ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại Cheo Reo chưa rõ rệt. Tại khu vực này, lúc bấy giờ có hai tầng lớp chính: thứ nhất, tầng lớp lao động nghèo khổ quanh năm vất vả, thiếu ăn, đây được coi là tầng lớp “dưới”, lực lượng đông đảo trong xã hội; thứ hai, tầng lớp “trên” giàu có hơn thường là chủ làng, già làng, phú nông, chánh phó tổng, hương lý.

Chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp ở Tây Nguyên đã tạo cho vùng đất này những chuyển biến lớn trong xã hội. Ngoài những chuyển biến chung của cả nước, ở Tây Nguyên có một nét riêng rất đáng chú ý. Đó là việc di dân người Kinh từ đồng bằng lên làm công nhân tại các đồn điền, công nhân tại các công trình xây dựng nhà cửa, đồn bót, đường giao thông ngày càng lớn. Đội ngũ công nhân người Kinh bị đối xử như hạng “cu ly”, được trả công thấp, đời sống hết sức cơ cực. Họ và những công nhân, phu phen người dân tộc thiểu số làm việc trong các đồn điền, công trình xây dựng có cảnh ngộ và thân phận giống nhau và có kẻ thù chung là bọn thực dân bóc lột nên rất đoàn kết, gắn bó với nhau. Lực lượng công nhân này là những người có tinh thần yêu nước và căm thù giặc sâu sắc, đây là lực lượng nòng cốt cùng với đội ngũ trí thức người đồng bào dân tộc thiểu số bản địa từng bước gieo mầm cách mạng trong đông đảo đồng bào dân tộc Tây Nguyên.

II- PHONG TRÀO ĐẤU TRANH CHỐNG PHÁP Ở VÙNG KRÔNG PA TRƯỚC CÁCH MẠNG THÁNG TÁM 1945

Sau khi cơ bản chiếm được vùng đồng bằng thuộc các tỉnh duyên hải miền Trung, thực dân Pháp tiến hành âm mưu thôn tính Tây Nguyên. Vào những năm 80 của thế kỷ XIX, quân đội thực dân Pháp, kết hợp với đạo quân của các giáo sĩ tiến hành đánh chiếm một số vùng ở bắc Tây Nguyên như An Khê, Pleiku. Từ năm 1890, Pháp chuyển sang thời kỳ mới trong việc xâm lược Tây Nguyên. Chúng tổ chức nhiều đợt thám sát quân sự, nhằm mục đích khám phá đất đai, do thám dân tình, thu thập tài liệu… nhằm phục vụ cho mục tiêu chính yếu là đặt nền đô hộ của Pháp tại Tây Nguyên. Thực dân Pháp giao cho Auguste Pavie tổ chức thực hiện kế hoạch thám sát, để tổ chức các đội quân đánh chiếm Tây Nguyên. Từ năm 1890 đến 1893, Pavie đã tổ chức nhiều nhóm quân có vũ trang để do thám Tây Nguyên. Ở khu vực bắc Tây Nguyên, Pavie giao cho nhóm của đại uý Cupet, đại uý Cogniard, trung uý Dugast và thanh tra Garuier phụ trách. Bọn chúng tổ chức các đoàn thám sát xuất phát từ nhiều địa phương khác nhau, xâm nhập sâu vào các vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống và điểm hẹn cuối cùng là Kon Tum. Ngay từ khi mới đặt chân lên khu vực bắc Tây Nguyên, trong đó có vùng Mlah - Cheo Reo, các đoàn thám sát quân sự của địch đã nhận được thái độ bất hợp tác và chống đối quyết liệt của đồng bào địa phương. Theo Henri Maitre: “ngay từ lúc các đội quân của Pavie mới xuất phát, các bộ tộc Mọi đã gây cho các sĩ quan của ta rất nhiều khó khăn, hoặc là họ thực hiện chính sách “nhà không vườn trống” để đối phó ta hoặc họ tiếp đón bằng tên nỏ và giáo mác”.

Ngày 15-1-1891, đoàn thám sát quân sự của trung uý Dugasr, cùng với đạo quân của Bricourt mở đường xâm nhập từ Củng Sơn (Phú Yên) lên vùng Mlah - Cheo Reo, nhưng những quan lại người Kinh không bố trí người dẫn đường, buộc chúng phải quay lại Quy Nhơn. Ngày 5-2-1891, Dugast theo ngả An Khê mở đợt thám sát đến khu vực Cheo Reo, tìm gặp phái đoàn của Coupet, nhưng những người phục vụ, dẫn đường của đoàn đều bỏ trốn. Khi Dugast đến được tả ngạn sông Ayun, cách làng của “Hoả xá” khoảng 5 dặm, nhân dân địa phương không hợp tác, không hướng dẫn, chỉ đường, nên Dugast phải quay trở lại An Khê theo đường cũ và về Kon Tum.

Trong những năm cuối thế kỷ XIX, khi thực dân Pháp thường xuyên gia tăng các đợt do thám quân sự lên khu vực bắc Tây Nguyên, trong đó có vùng Cheo Reo, đồng bào dân tộc địa phương phát huy truyền thống tự cường, yêu quê hương, buôn làng, từ thái độ bất hợp tác, đã bước đầu chuyển sang chặn đánh các đoàn thám sát, các cuộc hành quân của Pháp. Năm 1894, đồng bào dân tộc ở khu vực thung lũng sông Hnăng (Krông Năng), khu vực sông Ba, một phần của huyện Krông Pa ngày nay, đã chặn đánh toán quân Pháp từ Sông Cầu, Phú Yên, theo đường Củng Sơn lên xâm chiếm Tây Nguyên, buộc chúng phải rút về lại Phú Yên. Những năm 1897-1899, đồng bào dân tộc Jrai, Êđê đã nhiều lần đánh bại các cuộc hành quân của thực dân Pháp ở Cheo Reo, Đăk Lăk. Thực dân Pháp phải huy động những tên chỉ huy sừng sỏ, các quan chức chính quyền như Castanierr, Frébault, giám binh Aruoux và các đồn trưởng Henri, Robert, Nollin và một lực lượng quân sự hùng hậu để chống lại các đợt chặn đánh của đồng bào. Các cuộc phản kháng quyết liệt của đồng bào Jrai ở vùng Mlah - Cheo Reo đã làm cho các cuộc hành quân xâm chiếm và thiết lập các đồn bót quân sự của Pháp trong vùng bị chậm lại.

Phát huy truyền thống đoàn kết Kinh - Thượng, nhân dân các dân tộc ở Cheo Reo đã tích cực tham gia cuộc khởi nghĩa của Võ Trứ, Trần Cao Vân trong phong trào Cần Vương. Cùng với đồng bào Kinh và đồng bào Bahnar ở vùng Đông Gia Lai, tây Bình Định, Phú Yên, đồng bào dân tộc ở vùng Mlah - Cheo Reo đã tham gia nhiều trận đánh do Võ Trứ chỉ huy, tiêu biểu là trận tiến quân kéo về đồng bằng đánh vào dinh công sứ Pháp ở Sông Cầu (Phú Yên) vào năm 1898. Lực lượng tham gia nghĩa quân của Võ Trứ từ năm 1895-1900, có khá đông đồng bào dân tộc thiểu số ở Cheo Reo và nhiều địa phương khác. Ngoài giáo, mác, cung tên, lực lượng nghĩa quân sử dụng vũ khí chủ yếu là rựa. Tham gia chỉ huy nghĩa quân, ngoài Võ Trứ, còn có một số nhà sư, nguyên là những người từng tham gia phong trào Bá Sự, sau khi bị đàn áp, họ ẩn náu vào chùa, chờ cơ hội cứu nước, vì vậy, thực dân Pháp gọi nghĩa quân của Võ Trứ là “giặc rựa’, hoặc “giặc thầy chùa”.

Cuộc khởi nghĩa của Võ Trứ kéo dài khoảng 5 năm, gây nhiều thiệt hại cho thực dân Pháp. Ngày 14-5-1900, nghĩa quân đã mở cuộc tấn công quân Pháp và lính khố xanh ở Lương Phúc (Sông Cầu, Phú Yên). Sau một trận chiến đấu ác liệt gây cho địch nhiều tổn thất, nghĩa quân đã rút về phía thượng nguồn sông Kỳ Lộ (địa bàn tây Phú Yên và Krông Pa ngày nay) tiếp tục hoạt động dưới sự che chở của đồng bào dân tộc địa phương. Mấy ngày sau cuộc tấn công của nghĩa quân, thực dân Pháp tập trung quân đi đốt nhà, bắn giết một cách dã man đồng bào ở các làng gần khu căn cứ của nghĩa quân. Để cứu nhân dân khỏi cơn trả thù đẫm máu của giặc, Võ Trứ quyết định tự nạp mình cho Pháp và bị bọn thực dân xử chém tại Sông Cầu. Sau khi Võ Trứ hy sinh, năm 1901, Trần Cao Vân cũng bị giặc Pháp bắt và xử tử. Cuộc khởi nghĩa do Võ Trứ và Trần Cao Vân lãnh đạo đã thất bại, nhưng tinh thần đoàn kết Kinh - Thượng trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm tiếp tục được phát huy trong các giai đoạn lịch sử sau này.

Bên cạnh những trận đánh chống thực dân Pháp hành quân chiếm đóng, tham gia khởi nghĩa vũ trang, nhân dân các dân tộc ở đông bắc Tây Nguyên, trong đó có đồng bào ở vùng Krông Pa còn thường xuyên đấu tranh chống bọn thực dân và tay sai đi bắt phu, thu thuế. Đồng bào thường xuyên tổ chức phục kích, chặn đường tiếp tế, tiêu diệt các đồn bót, chống địch càn quét. Khi phong trào đấu tranh của nhân dân ở vùng đồng bằng tạm lắng, các dân tộc ở Tây Nguyên vẫn tiếp tục nổi dậy chống Pháp với những phương thức và vũ khí truyền thống, tạo thành một phong trào rộng lớn và lâu dài. Phần lớn các cuộc đấu tranh này còn mang tính tự phát, cục bộ, chưa có sự phối hợp và liên kết chặt chẽ, nhưng đã gây cho Pháp nhiều thiệt hại, ảnh hưởng lớn đến kế hoạch thôn tính Tây Nguyên của thực dân Pháp.

Bước sang đầu thế kỷ XX, những cuộc khởi nghĩa do các thủ lĩnh người dân tộc địa phương ở Cheo Reo và vùng phụ cận liên tiếp nổ ra trên diện rộng. Năm 1901, trong vùng bắt đầu diễn ra cuộc nổi dậy khởi nghĩa của đồng bào Jrai Mthur do Oi H’Mai và Oi H’Phai lãnh đạo. Oi H’Mai tên thật là Y Tòng, người buôn Ia Hli, huyện MĐrak (Đăk Lăk), giáp ranh với Krông Pa. Ông là một tù trưởng có uy tín trong vùng. Bọn thực dân Pháp muốn lợi dụng uy tín Oi H’Mai để nắm dân, chúng cử ông làm chánh tổng. Oi H’Mai từ chối, thực dân bắt vợ, con ông làm con tin để gây sức ép. Không khuất phục, Oi H’Mai liên minh với các già làng trong vùng, tập hợp nhân dân chống Pháp. Căn cứ của nghĩa quân đóng ở vùng suối Ia Hly. Địa bàn hoạt động của nghĩa quân từ thung lũng sông Ba, sông Hnăng (Krông Năng) lên đến suối Ia Hly, dọc theo đường quốc lộ 25 ngày nay, từ Phú Yên đi Cheo Reo. Các đồn bót của Pháp từ Củng Sơn (Phú Yên), Mlah, Cheo Reo đều bị nghĩa quân Oi H’Mai tấn công. Năm 1901, nghĩa quân dưới sự chỉ huy của Oi H’Mai tổ chức đánh úp, tiêu diệt đồn khố xanh ở Chư Mrố (xã Krông Năng- huyện Krông Pa ngày nay), giết chết tên đại uý Péroux và một số lính giữ đồn. Năm 1905, Oi H’Mai bị lâm bệnh nặng rồi chết, người bạn chiến đấu của ông là Oi H’Phai tiếp tục lãnh đạo nghĩa quân chống Pháp. Oi H’Phai tổ chức mở rộng liên minh hơn 10 làng trong vùng và tổ chức nhiều trận đánh, gây cho địch nhiều tổn thất. Trong một lần đánh lớn vào ngày 19-3-1909, Oi H’Phai đã hy sinh anh dũng. Một lãnh tụ khác của nghĩa quân là Ama Dlă, tiếp tục sự nghiệp của Oi H’Mai và Oi H’Phai lãnh đạo nhân dân trong vùng chống Pháp đến năm 1922.

Sau cuộc khởi nghĩa của Oi H’Mai và Oi H’Phai nổ ra ba năm, năm 1904 ở vùng Cheo Reo đã nổ ra cuộc khởi nghĩa do Pơtao APui (Hoả xá) lãnh đạo đã gây tiếng vang lớn trong vùng và tạo thành một phong trào kháng chiến chống Pháp rộng lớn ở Tây Nguyên. Cuộc khởi nghĩa bắt đầu từ việc giết Prosper Odendhal, một tên quan cai trị thực dân cao cấp của Pháp, đồng thời là một nhà thám hiểm, từng tham gia phái bộ của Pavie và là nhân vật quan trọng tham gia xây dựng kế hoạch xâm chiếm Tây Nguyên của thực dân Pháp. Sự kiện Odendhal bị người Jrai dưới sự chỉ huy của Pơtao APui giết đã gây chấn động trong giới thực dân ở Đông Dương. Sau khi Odendhal bị giết, ngày 7-4-1904, thực dân Pháp huy động khoảng 200 lính khố xanh, đặt dưới quyền chỉ huy của giám binh Vincilioni và các sĩ quan dưới quyền như Triquet, Daudvieux, Renard, Stenger tổ chức tấn công đánh chiếm làng của Pơtao APui, nhưng gặp phải sự kháng cự của nhân dân trong vùng. Quân Pháp tuy đánh chiếm được làng, nhưng không tiêu diệt được nghĩa quân đông đảo của Pơtao APui. Thực dân Pháp tiếp tục điều quân ở Đăk Lăk và Hạ Lào sang tăng viện. Để bảo toàn lực lượng nghĩa quân và chuẩn bị cuộc chiến đấu lâu dài, Pơtao Apui đã chỉ đạo đồng bào thực hiện chính sách “vườn không nhà trống” và rút quân vào thung lũng sông Ayun xây dựng căn cứ kháng chiến. Cuộc khởi nghĩa của Pơtao APui đã lôi cuốn đông đảo nhân dân các dân tộc ở Gia Lai, Kon Tum và một phần đông bắc tỉnh Đăk Lăk tham gia. Hưởng ứng cuộc nổi dậy của Pơtao APui, trong năm 1905, phong trào đấu tranh chống Pháp diễn ra sôi nổi ở khắp bắc Tây Nguyên, gây khó khăn lớn cho kế hoạch thôn tính Tây Nguyên của thực dân Pháp.

Tính chất, quy mô cuộc nổi dậy của đồng bào Jrai ở Cheo Reo do Pơtao APui lãnh đạo có sức lan toả lớn hơn rất nhiều so với những cuộc nổi dậy trước đó của đồng bào dân tộc trong vùng. Nếu cuộc nổi dậy truớc đó của Oi H’Mai và Oi H’Phai chỉ liên kết được đồng bào ở hơn 10 buôn lân cận đấu tranh chống Pháp, thì cuộc khởi nghĩa do Pơtao APui lãnh đạo đã thu hút hầu hết nhân dân các dân tộc đông bắc Tây Nguyên tham gia hưởng ứng và gây náo loạn dân chúng trong vùng. Henri Maitre, một tên sĩ quan thực dân nhiều năm tham gia chỉ huy quân đội Pháp ở Tây Nguyên nhận định: “Những biến cố đáng tiếc đó đánh dấu sự một kỷ nguyên rối loạn trong cả một vùng phía đông này của người Jrai”.

Hưởng ứng cuộc khởi nghĩa của Pơtao APui, từ năm 1905-1907, đồng bào dân tộc Jrai phía nam vùng Cheo Reo đã nổi dậy đấu tranh chống Pháp, người cầm đầu cuộc nổi dậy là Ama Lai, chủ làng Bla. Căn cứ của nghĩa quân đóng ở vùng Plei Bông, Hwing. Địa bàn hoạt động của nghĩa quân mở rộng ra cả vùng quanh Cheo Reo, Củng Sơn, MĐrak, phía nam đến tận Buôn Hồ, phía tây đến Buôn Ia Tiêu. Nhiều lần nghĩa quân tấn công đồn Buôn Hwing gây cho Pháp nhiều thiệt hại. Để ngăn chặn các hoạt động ngày càng mạnh mẽ và mở rộng của nghĩa quân, từ ngày 7 đến ngày 16-8-1907, thực dân Pháp tổ chức một cuộc hành quân lớn do Bernier đồn trưởng Plei Tur và Morel, đồn trưởng Hwing chỉ huy tấn công đàn áp cuộc nổi dậy của nghĩa quân. Ngày 13-8, Pháp tổ chức đánh vào khu căn cứ của nghĩa quân tại làng Hwing. Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt, nhưng do lực lượng chênh lệch, trang bị vũ khí của nghĩa quân thô sơ, còn thực dân Pháp sử dụng súng, vũ khí hiện đại để tấn công, tàn sát, để bảo toàn lực lượng, nghĩa quân phải rút vào rừng để tiếp tục tổ chức chiến đấu. Ngày 14-8, thực dân Pháp tiếp tục mở các cuộc tấn công, có trận chiến ác liệt giữa quân Pháp với nghĩa quân do Ama Lai chỉ huy. Ama Lai bị thương nặng, bị Pháp bắt. Sau khi đàn áp cuộc khởi nghĩa của Ama Lai, thực dân Pháp mở rộng phạm vi chiếm đóng, nghĩa quân buộc phải di chuyển địa bàn để tiếp tục chiến đấu. Ngày 2-9-1907, một số quân của Ama Lai quy hàng đã chỉ đường cho quân Pháp tấn công làng Plei Bông, căn cứ trước đây của Ama Lai. Nhân dân Plei Bông phòng thủ chặt chẽ, chủ động đánh trả, giết chết một lính Pháp và nhiều tên khác bị thương. Ngày 5-10-1907, Pháp tấn công làng Plei Bông Tuch Ngo, Bernier bị thương và nhiều lính khố xanh đã rơi vào hố chông phòng thủ của làng. Từ ngày 17 đến 30-10-1907, quân Pháp tiếp tục tấn công làng Plei Kueng Tê và Plei Gung, nhân dân phục kích trên đường vào làng đánh Pháp, sau đó tổ chức rút vào rừng. Cuối năm 1907, Pháp mở cuộc hành quân quy mô lớn đánh vào thung lũng sông Ayun và bắt được tướng lĩnh của Pơtao Apui là Siu Krik. Từ đó phong trào đấu tranh của nhân dân suy yếu, nhưng vẫn tiếp diễn và chưa bao giờ thực dân Pháp làm chủ hoàn toàn vùng đất này. Còn Pơtao Apui (Siu Át) già, bệnh chết trong vùng căn cứ Chư Ia Ayun.

Ở đông bắc Tây Nguyên, những năm trước 1945, ngoài các cuộc khởi nghĩa vũ trang, cuộc đấu tranh chống Pháp của nhân dân các dân tộc trong vùng còn mang hình thức thần bí. Tiêu biểu là phong trào “Nước xu đỏ” hay còn gọi là “Nước thần”. Các tù trưởng, già làng yêu nước lợi dụng sự sùng bái Yang của đồng bào dân tộc thiểu số đã phát động, lôi cuốn hầu hết các dân tộc đông bắc Tây Nguyên tham gia vào cuộc đánh đuổi thực dân, ngăn chặn không cho chúng chiếm buôn, làng. Phong trào “Nước xu đỏ” xuất hiện đầu tiên ở vùng Mang Chàm (Kà Lúi), xã Bầu Bèn, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên, giáp ranh với xã Đất Bằng, huyện Krông Pa. Người khởi xướng phong trào là ông Săm Brăm, vợ là người Chăm Hroi. Săm Brăm tên thật là Mang Lo, người làng hay gọi theo tên con là Ama Chàm. Ông là người có uy tín với nhân dân trong vùng. Vào những năm 1935-1936, nhân dân địa phương loan truyền, ông có nước phép trị được bệnh và chống được súng đạn. Vì vậy, nhân dân khắp nơi kéo đến nhà ông xin nước phép ngày càng đông. Ông lấy nước sông Kà Lúi rửa râu và tóc mình rồi phân phát cho mọi người. Sau khi lấy nước mỗi người trả ông một đồng xu đỏ, nên phong trào này được gọi là phong trào “Nước xu đỏ”.

Tại khu vực đông bắc Tây Nguyên, phong trào “Nước xu đỏ” có ảnh hưởng sâu rộng trong cộng đồng các dân tộc. Những già làng có uy tín, những lãnh đạo phong trào yêu nước đã lợi dụng câu chuyện về “Nước xu đỏ” để tập hợp nhân dân, phát động quần chúng đứng lên chống Pháp. Lúc đầu phong trào chỉ giới hạn trong một số vùng, sau lan rộng sang người Xơ Đăng, người Bahnar, người Jrai và một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. Do ảnh hưởng của phong trào “Nước xu đỏ”, nhiều làng bất hợp tác với Pháp, không chịu đi xâu, đi lính cho chúng, gây trở ngại việc làm đường xá, xây dựng các công trình quân sự. Phong trào “Nước xu đỏ” của nhân dân các dân tộc đông bắc Tây Nguyên, trong đó có đồng bào các dân tộc vùng Krông Pa, đã làm cho Pháp khiếp sợ. Nhưng do thiếu sự lãnh đạo thống nhất, nên cuộc đấu tranh trở nên rời rạc, hiệu quả không cao. Tuy vậy, phong trào đã góp phần ngăn chặn thực dân Pháp mở rộng vùng chiếm đóng.

Cùng với phát động các phong trào nổi dậy chống Pháp, đồng bào các dân tộc đông bắc Tây Nguyên, trong đó có đồng bào Jrai ở Krông Pa - Cheo Reo, chịu ảnh hưởng sâu rộng của phong trào chống sưu thuế, bắt phu phen diễn ra khá rầm rộ ở các tỉnh duyên hải miền Trung. Những năm 1922-1929, nhân dân các làng ở Krông Pa - Cheo Reo thường xuyên tham gia nổi dậy chống Pháp bắt phu, bắt dời làng để làm đường từ An Khê đi Cheo Reo. Họ cắm chông, đặt chướng ngại vật, tấn công các cuộc hành quân của Pháp, gây cho chúng nhiều thiệt hại về người và của. Không thể đàn áp phong trào đấu tranh của đồng bào, thực dân Pháp tìm cách chia rẽ các dân tộc. Chúng bắt dân các làng đã quy thuận dẫn đường để đánh các làng chống đối. Đồng bào không mắc mưu địch, đã liên kết lại với nhau chống Pháp. Do sự phản kháng mạnh mẽ của nhân dân, con đường từ An Khê đến Cheo Reo không hoàn thành. Ngày 11-4-1924, Toàn quyền Đông Dương phải điều động máy bay đánh phá làng Đêkrui và một số làng dọc đường An Khê đi Cheo Reo, nhưng vẫn không khuất phục được tinh thần đấu tranh anh dũng, kiên cường của nhân dân các dân tộc trong vùng.

Cuộc đấu tranh của nhân dân các dân tộc vùng Cheo Reo từ lúc thực dân Pháp mới xâm chiếm đến năm 1930, dưới sự lãnh đạo của các tù trưởng, già làng người địa phương diễn ra mạnh mẽ, mang tính chất cục bộ, nhưng có cùng mục tiêu là bảo vệ độc lập, tự do cho buôn làng và truyền thống văn hóa của đồng bào. Là một bộ phận của phong trào đấu tranh chống Pháp tại Việt Nam, những cuộc đấu tranh của đồng bào Tây Nguyên, trong đó có nhân dân Cheo Reo có một nét riêng là phong trào diễn ra mạnh mẽ, rộng khắp và liên tục. Đồng bào các dân tộc địa phương với truyền thống bất khuất, kiên cường, không cam phận làm nô lệ, ngay từ đầu đã nổi dậy chống Pháp quyết liệt, làm chậm bước xâm lược của thực dân Pháp. Nhận định về cuộc xâm lược của thực dân Pháp tại Tây Nguyên thời kỳ này, Monfleur viết: “Đây là thời kỳ bắt đầu kỷ nguyên bình định của xứ sở mà chúng ta (chỉ thực dân Pháp) quan tâm. Cuộc bình định khá lâu dài. Trong quá trình đó chúng ta gặp rất nhiều khó khăn, tổn thất. Đây là kết quả lôgic của tính chất các dân tộc Thượng quen sống trong khung cảnh độc lập - một sự độc lập tuyệt đối và bẩm sinh ghê sợ, thù ghét với xiềng xích trói buộc dưới bất cứ hình thức nào”. Bước sang những năm 30 và đầu thập kỷ 40 của thế kỷ XX, phong trào đấu tranh của nhân dân các dân tộc vùng Cheo Reo tiếp tục phát triển. Ngoài đấu tranh chống xâu thuế, bắt phu, bắt lính, đồng bào đã liên tục nổi dậy đánh đuổi thực dân Pháp ra khỏi đất nước với quy mô rộng lớn hơn. Bước đầu đã có sự liên kết nhiều làng, nhiều dân tộc, tuy nhiên, phong trào còn mang tính tự phát, còn giới hạn ở từng dân tộc, địa phương, nên đều bị thực Pháp đàn áp.

III- TIẾP THU ẢNH HƯỞNG CỦA ĐẢNG, NHÂN DÂN KRÔNG PA THAM GIA KHỞI NGHĨA GIÀNH CHÍNH QUYỀN TRONG CÁCH MẠNG THÁNG TÁM 1945

Ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, chấm dứt một thời gian dài bế tắc, khủng hoảng đường lối cứu nước của dân tộc ta, đồng thời đáp ứng đòi hỏi chủ yếu của yêu cầu lịch sử Việt Nam trong thời đại mới.

Ngay từ khi mới ra đời và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn quan tâm đúng mức đến công tác lãnh đạo, tổ chức vận động phát triển lực lượng cách mạng trong đồng bào dân tộc thiểu số. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ I đã khẳng định: “Lực lượng đấu tranh của các dân tộc thiểu số là một lực lượng rất lớn. Cuộc dân tộc giải phóng của họ là một bộ phận quan trọng trong cuộc cách mạng phản đế và điền địa ở Đông Dương, bộ phận của cuộc thế giới cách mạng”. Phân tích tình hình chính trị và xã hội dưới ách áp bức của thực dân Pháp, Đảng ta vạch rõ “Ở thôn quê, nông dân thiếu niên lao động chừng sáu, bảy tuổi đã bắt đầu phải làm công ở nhà, đi ở làm mướn, bị cầm bán cho địa chủ, phú nông, khiến cho cả đời chịu làm người nô lệ, ngu dốt; thanh niên mới 13, 14 tuổi (như ở Kon Tum, Buôn Ma Thuột) đã phải làm công ích, nộp sưu”. Từ đó Đảng đề ra nhiệm vụ “Các cơ quan chỉ đạo của Đảng, của các đoàn thể cách mạng ở Ai Lao, Cao Miên, các tỉnh (như Buôn Ma Thuột, Kon Tum, Cao Bằng, Lạng Sơn, v.v..), các phủ, huyện, châu, quận (như Bái Thượng ở Thanh Hóa, Quỳ Châu - Nghệ An), các tổng, xã của các dân tộc thiểu số, thì phải thiết pháp đem các phần tử hăng hái hơn hết trong đám người dân tộc thiểu số vào choán đại đa số”.

Thực hiện chủ trương “vô sản hóa” của Đảng, những năm đầu thập niên 30 của thế kỷ XX, một số đảng viên, trí thức ở đồng bằng lên Gia Lai, Kon Tum, xâm nhập vào các đồn điền, vận động phát triển cơ sở cách mạng trong công nhân và nhân dân các dân tộc ở vùng phụ cận. Thêm vào đó, sau phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, thực dân Pháp đã khủng bố, đàn áp, bắt và đày hàng chục chiến sĩ cách mạng ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Huế, Quảng Ngãi… lên nhà lao Kon Tum, đưa đi lao động khổ sai trên các công trình làm đường giao thông ở bắc Tây Nguyên. Các cuộc đấu tranh chống đàn áp, khổ sai được các chiến sĩ cách mạng tổ chức liên tục, đã tác động lớn đến đồng bào dân tộc ở địa phương. Ảnh hưởng của phong trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng ở Gia Lai ngày càng phát triển, do sự lớn mạnh của phong trào cách mạng chung của cả nước, đặc biệt là từ năm 1936. Phong trào yêu nước, chống Pháp ở Gia Lai, Kon Tum nói chung, vùng Cheo Reo nói riêng, từ đây rất phong phú. Ngoài cuộc đấu tranh của các dân tộc thiểu số, của công nhân các đồn điền, của tù chính trị, còn có các hoạt động yêu nước của những công chức người Kinh và người dân tộc thiểu số bản địa trong bộ máy chính quyền thực dân.

Chiến tranh thế giới lần thứ hai nổ ra, ở Việt Nam, thực dân Pháp phải đương đầu với phát xít Nhật, nhưng nỗi lo sợ lớn nhất của chúng vẫn là người cộng sản. Chúng tổ chức bắt giam tất cả những người cộng sản đã hoạt động công khai trong cuộc vận động dân chủ thời kỳ 1936-1939, mà chúng cho là nguy hiểm đưa đi “an trí”. Pháp xây dựng những trại giam còn gọi là “Căng an trí” ở Đak Glei, Đak Tô (Kon Tum) để giam giữ người tù chính trị. Vượt qua ý đồ của thực dân Pháp, những người cộng sản đã biến nhà tù thành trường đấu tranh cách mạng. Nhiều cuộc đấu tranh nổ ra, thực dân Pháp phải nhượng bộ.

Cùng với các hoạt động tuyên truyền cách mạng của những người cộng sản, những trí thức yêu nước trong các đồn điền, các cuộc đấu tranh của những người tù chính trị ở ngục Kon Tum, ở “Căng an trí” Đak Glei, Đak Tô đã có tác động như một gạch nối giữa Đảng Cộng sản đông Dương với nhân dân các dân tộc Gia Lai- Kon Tum, trong đó có nhân dân vùng Cheo Reo. Những người như ông KSor Mơk, người vùng Cheo Reo trong thời gian bị giam giữ ở Kon Tum đã chịu ảnh hưởng của những người cộng sản ở ngục Kon Tum. Sau khi được ra tù, ông trở về tuyên truyền cách mạng, về Đảng cho nhân dân các dân tộc vùng An Khê. Cách mạng Tháng Tám thành công, ông trở thành cán bộ của Đảng. Cụ Nay Der trong thời gian dạy học ở Kon Tum đã nhiều lần tiếp xúc với những người tù chính trị. Cụ từng bước nhận thức được về Đảng, về cách mạng, sau đó đã tích cực tuyên truyền về đấu tranh giành độc lập, tự do, bình đẳng dân tộc trong nhân dân ở Cheo Reo và trở thành cán bộ lãnh đạo của chính quyền địa phương.

Phong trào đấu tranh của công nhân trong các đồn điền không chỉ ảnh hưởng đối với nhân dân vùng Cheo Reo, mà còn có mối liên hệ với phong trào đấu tranh của đồng bào các dân tộc thiểu số ở địa phương. Công nhân đã tuyên truyền hướng dẫn đồng bào vùng phụ cận các đồn điền đấu tranh chống bắt xâu, thuế và bắt lính. Vận động gia đình binh lính người dân tộc thiểu số đòi trả chồng, con, em về với buôn làng. Đồng thời, đồng bào dân tộc thiểu số đã giúp đỡ, che giấu, nuôi dưỡng công nhân ở các đồn điền bỏ trốn. Hiện tượng này đánh dấu một bước phát triển của phong trào công nhân, phong trào cách mạng của địa phương, tạo cơ sở ban đầu để xây dựng khối liên minh công nông và thắt chặt hơn tình đoàn kết Kinh - Thượng vùng Cheo Reo trong thời gian vận động chuẩn bị cùng cả nước khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân.

Năm 1939, Chiến tranh thế giới lần thứ hai nổ ra. Ngoài việc khủng bố trắng các phong trào cách mạng ở Đông Dương, bắt các chiến sĩ cách mạng đi đày, thực dân Pháp tăng cường khai thác thuộc địa để phục vụ chiến tranh. Tại các buôn làng, chúng tăng thuế khóa, cướp bóc trắng trợn thóc gạo, trâu bò. Chúng lập ra tổ chức “Liên nông thương đoàn” để độc quyền vơ vét nông sản của nhân dân, quy định các điền chủ kê khai diện tích sản xuất và sản lượng lương thực trưng thu, trưng mua. Nhân dân vùng dân tộc thiểu số mỗi hộ nộp 50 kg thóc, gọi là thuế diện tích canh tác. Không những thế, tại các buôn làng vùng Krông Pa - Cheo Reo, thực dân Pháp và tay sai còn bắt hàng trăm thanh niên đi lính làm bia đỡ đạn cho chúng. Sự gia tăng áp bức bóc lột của Pháp và bọn tay sai đã làm cho đồng bào các dân tộc thiểu số địa phương căm thù tột độ, sẵn sàng đứng lên đánh đổ chính quyền thực dân.

Ngày 23-9-1940, Pháp ký hiệp định chấp nhận yêu cầu của Nhật chiếm đóng Đông Dương. Từ đó, nhân dân ta chịu cảnh “một cổ hai tròng”. Tuy nhiên, phong trào đấu tranh của nhân dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai và ở vùng Cheo Reo, nhất là đội ngũ công nhân tại các đồn điền và các trí thức yêu nước trong đồng bào dân tộc thiểu số vẫn tiếp tục được duy trì. Tại Cheo Reo, các thầy giáo Nay Der, Rahlan Buat, Kpă Y Răng làm đơn kiện thói hống hách, phân biệt đối xử của những giáo viên người Pháp. Kpă Y Răng còn giúp đồng bào dân tộc thiểu số đòi giảm sưu thuế, bị thực dân Pháp bắt giam và đuổi về làng.

Sau khi Pháp ký hiệp ước đầu hàng Nhật, tháng 11-1940, Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị lần thứ bảy và nhận định: Một cao trào cách mạng nhất định sẽ nổi dậy. Đảng phải chuẩn bị để gánh lấy cái sứ mệnh thiêng liêng, lãnh đạo các dân tộc bị áp bức Đông Dương võ trang bạo động giành lấy quyền tự do, độc lập. Dưới ánh sáng đường lối, chủ trương của Đảng, phong trào đấu tranh chống Pháp - Nhật trong các tầng lớp nhân dân phát triển sôi nổi trong cả nước. Các đoàn thể quần chúng trong Mặt trận Việt Minh được thành lập, các căn cứ địa ở Cao Bằng, Bắc Sơn, Võ Nhai được xây dựng, lực lượng vũ trang được tổ chức, chiến tranh du kích cục bộ phát triển ở nhiều vùng rừng núi Việt Bắc, Trung Bộ. Sự phát triển của phong trào cách mạng trong nước đã tác động đến phong trào yêu nước, cách mạng ở Cheo Reo. Mặc dù lúc này chưa có cơ sở Đảng và Mặt trận Việt Minh lãnh đạo trực tiếp, nhưng nhân dân các dân tộc ở Mlah - Cheo Reo với tinh thần yêu nước, dưới ảnh hưởng của phong trào cách mạng toàn quốc đã sẵn sàng đứng lên đấu tranh chống thực dân, phát xít.

Sau khi Nhật xâm chiếm Đông Dương, mâu thuẫn giữa Nhật – Pháp diễn ra ngày càng gay gắt. Đúng như dự đoán của Đảng ta, ngày 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp để độc chiếm Đông Dương. Ngay trong đêm đầu tiên Nhật nổ súng lật Pháp, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp và ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Chỉ thị xác định: “Đế quốc phát xít Nhật là kẻ thù chính - kẻ thù cụ thể trước mắt - duy nhất của nhân dân Đông Dương”. Nhiệm vụ của cách mạng lúc này là phát động phong trào kháng chiến chống Nhật, tạo tiền đề chờ thời cơ nổi dậy tổng khởi nghĩa toàn quốc, giành chính quyền về tay nhân dân.

Ở Cheo Reo, bọn Pháp rơi vào thế hỗn loạn, chúng tìm mọi cách trốn chạy vào rừng và tìm đường thóat thân. Đến ngày 10-3, quân Nhật làm chủ toàn bộ Pleiku và các thị trấn tập trung đông dân trên toàn tỉnh. Sau đảo chính, công sứ Pháp bị bắt, quản đạo Nguyễn Hữu Nhơn trở thành tỉnh trưởng Pleiku, quản lý cả vùng người Kinh và vùng dân tộc thiểu số. Nhật sử dụng lại bộ máy cai trị của Pháp, công chức người Việt trong các công sở cũ, thay thế vị trí chủ chốt của công chức người Pháp với lớp sơn “độc lập” giả hiệu. Bọn Nhật và tay sai ở Cheo Reo đẩy mạnh tuyên truyền cho thuyết “Đồng văn, đồng chủng”, “Đại Đông Á”; kêu gọi “Kinh - Thượng đoàn kết”, “Nhật - Việt đoàn kết”. Ca ngợi nền độc lập giả hiệu để lừa mị những người nhẹ dạ cả tin.

Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, quân Nhật và chính quyền bù nhìn tay sai ở Cheo Reo tăng cường bắt lính, bổ sung cho lực lượng bảo an, thúc giục kêu xâu, kêu thuế, cướp bóc, vơ vét tài sản của nhân dân và các đồn điền để cung cấp cho chiến tranh. Lính Nhật và bọn tay sai thường xuyên hà hiếp, nhũng nhiễu nhân dân. Trên địa bàn Mlah - Cheo Reo có hàng trăm đồng bào thanh niên dân tộc thiểu số bị bắt đi làm phu. Trật tự an ninh bị đảo lộn, nạn trộm cắp, cướp bóc hoành hành, đời sống nhân dân lại xáo trộn và rơi vào cảnh khó khăn cùng quẫn hơn trước. Sự thật rõ ràng diễn ra hằng ngày đã bóc trần bộ mặt xâm lược và sự tàn ác của phát xít Nhật. Luận điệu tuyên truyền về nền “độc lập” giả hiệu bị thực tế phủ nhận.

Nhận rõ âm mưu của bọn phát xít, phong trào đấu tranh kháng Nhật của nhân dân ta diễn ra mạnh mẽ. Các cuộc đấu tranh chính trị, kết hợp với đấu tranh vũ trang, khởi nghĩa từng phần, giành chính quyền ở từng địa phương đã diễn ra sôi nổi ở Việt Bắc, vùng Trung du Bắc Bộ, vùng Bắc Trung Bộ. Đặc biệt sau khi Nhật đảo chính Pháp hai ngày, ngày 11-3-1945, cuộc khởi nghĩa Ba Tơ (Quảng Ngãi) nổ ra, chính quyền cách mạng được thành lập, đội du kích Ba Tơ ra đời. Tiếng vang của cuộc khởi nghĩa cùng với cao trào cách mạng nổ ra ở các tỉnh duyên hải miền Trung đã tác động sâu sắc đến phong trào cách mạng địa phương. Tình hình khí thế cách mạng ở vùng Cheo Reo có những chuyển biến mới. Bộ máy chính quyền tay sai của Nhật ở các buôn chưa ổn định, nay càng dao động, mất hiệu lực. Đồng bào các dân tộc ở Cheo Reo đã liên tục đấu tranh bằng nhiều hình thức chống sự cai trị của Nhật.

Tháng 4-1945, một số tù chính trị như Nguyễn Côn, Lê Văn Hiến, Huỳnh Ngọc Huệ… trên đường từ “Căng an trí” Đak Tô về Quy Nhơn đã tiếp xúc với thanh niên Gia Lai tại Pleiku, đã phân tích những âm mưu của phát xít Nhật và đường lối của Đảng Cộng sản Đông Dương, gợi ý về hướng hoạt động của phong trào cách mạng địa phương. Cuộc tiếp xúc đã thu hút đông đảo quần chúng có cảm tình với cách mạng, hướng đến Đảng Cộng sản Đông Dương. Trong lúc tổ chức Đảng ở Gia Lai chưa hình thành, Mặt Trận Việt Minh ở địa phương chưa được thành lập, nhưng những người có tâm huyết với đất nước, dân tộc, những thanh niên, viên chức tiến bộ yêu nước trong tỉnh đã đứng lên hành động theo tiếng gọi của Đảng. Cuộc vận động cứu nước có tổ chức trong tỉnh phát triển, biểu hiện đầu tiên là sự ra đời các tổ chức thanh niên ở thị xã, thị trấn, thu hút đông đảo thanh niên, viên chức tiến bộ tham gia. Tuy nhiên, các tổ chức này còn mang tính tự phát, không thuộc hệ thống tổ chức của Mặt trận Việt Minh.

Tháng 4-1945, Đoàn thanh niên Gia Lai được thành lập do đồng chí Trần Ngọc Vỹ làm Đoàn trưởng, đồng chí Nguyễn Đường là Phó đoàn trưởng. Trong ban lãnh đạo còn có các đồng chí Dương Thành Đạt, Phan Bá, Trương Khôi. Đến tháng 5-1945, Đoàn thanh niên Chấn hưng An Khê cũng được thành lập. Tại địa bàn Cheo Reo, tháng 6-1945, Đoàn thanh niên Cheo Reo ra đời trên cơ sở tập hợp những học sinh người dân tộc Jrai ở quanh thị trấn và trường nội trú, những viên chức tiến bộ, trong đó có những thầy giáo quê ở Cheo Reo như Nay Phin, Rơchơm Briu, Siu Deo, Rơchơm Rôk, Siu Sinh… tham gia. Đoàn thanh niên Cheo Reo do thầy giáo Nay Phin làm đoàn trưởng. Trong ban lãnh đạo có Siu Deo, Ksor Then và một số thanh niên người Kinh như Thuận, Ký… Đoàn thanh niên Cheo Reo được chia thành 5 nhóm để hoạt động:

Nhóm thứ nhất, hoạt động ở Buôn Rưng (có 6 làng) do Rơchơm Tang phụ trách.

Nhóm thứ hai, hoạt động ở vùng Buôn Der, buôn Thao (có 8 làng) do Siu Then, Kpă Blơng phụ trách.

Nhóm thứ ba, hoạt động vùng buôn Chơma, Buôn Thăm (có 5 làng) do Ksor Triêu, Kpă Púi (Ama Đik) phụ trách.

Nhóm thứ tư, hoạt động vùng Plei Pa do Siu Klim và Kpă Djưr phụ trách.

Nhóm thứ năm, hoạt động vùng Buôn Phu do Ksor Lăk phụ trách.

Sau khi Đoàn thanh niên Cheo Reo được thành lập khoảng một tháng, một số học sinh người Jrai ở các trường Quy Nhơn, Buôn Ma thuột về Cheo Reo như Rmah Bar, Rmah Nan, Siu Ken, Siu Năng được bổ sung vào lãnh đạo các nhóm.

Các hoạt động của Đoàn thanh niên Cheo Reo tập trung vào việc tập hợp thanh niên học chữ quốc ngữ, tập những bài hát tự sáng tác ca ngợi lòng yêu quê hương, đất nước, ca ngợi sức mạnh thanh niên, tuyên truyền đoàn kết Kinh - Thượng. Đoàn kêu gọi thanh niên, vận động nhân dân tham gia xoá bỏ các hủ tục lạc hậu, chống các tệ nạn xã hội, trộm cắp; tham gia lùng bắt bọn tàn quân Pháp lẩn trốn ngoài rừng; chống bọn phát xít Nhật, bọn chánh tổng, chủ làng hà hiếp, bắt dân đi xâu, nộp thuế, kiên quyết không đi lính và xây dựng một cuộc sống tự do, bình đẳng. Đoàn thanh niên Cheo Reo đã đi đầu trong các hoạt động vì tiến bộ xã hội và yêu nước trong vùng đồng bào dân tộc Jrai. Hoạt động và uy tín của Đoàn thanh niên Cheo Reo không chỉ phát huy ở vùng thị trấn và vùng ven, mà còn phát triển sâu rộng ở vùng nông thôn và lan ra các địa phương lân cận như Pleikli, Chư Ti làm cho chính quyền tay sai và bọn lính bảo an khiếp sợ.

Trong lúc hoạt động của Đoàn thanh niên Gia Lai, Đoàn thanh niên Cheo Reo diễn ra sôi nổi và đạt được nhiều thành quả quan trọng, đồng chí Rơchơm Thép về từ trường canh nông Tuyên Quang, đã tổ chức nói chuyện, truyền không khí sôi sục của cao trào cách mạng ở Việt Bắc đến với thanh niên Gia Lai, thanh niên Cheo Reo. Trong quá trình học ở Tuyên Quang, được giao lưu với những người bạn học là con em các dân tộc Việt Bắc, được dự các cuộc gặp gỡ, nói chuyện của cán bộ Việt Minh, thấu hiểu cảnh tủi nhục của đồng bào các dân tộc dưới chế độ thực dân phong kiến, người thanh niên trí thức Jrai đã giác ngộ cách mạng, nắm được đường lối đoàn kết Kinh - Thượng để cứu nước của Đảng và Mặt trận Việt Minh. Về Gia Lai, đồng chí Rơchơm Thép tích cực tuyên truyền cao trào kháng Nhật của Việt Minh ở Việt Bắc, về đồng bào các dân tộc ở Việt Bắc nổi dậy chống Nhật, giành chính quyền về tay nhân dân, được sống tự do, bình đẳng... đến với nhân dân, thanh niên và cả công chức, lính bảo an trong bộ máy chính quyền địch. Đồng chí Ksor Ní từ trường Quốc học Quy Nhơn về lại Cheo Reo đã tuyên truyền phong trào Việt Minh đang hoạt động sôi nổi ở Bình Định. Những thông tin về cao trào chống Nhật ở các nơi đã tác động mạnh mẽ đến những người yêu nước, những người trực tiếp lãnh đạo phong trào thanh niên ở Cheo Reo. Việc tiếp thu chương trình hành động của Việt Minh là một sự kiện quan trọng mở ra một bước ngoặt mới thay đổi về chất đối với phong trào yêu nước của nhân dân các dân tộc vùng Cheo Reo.

Đầu tháng 8-1945, cao trào chống Nhật diễn ra rầm rộ trong cả nước. Trên thế giới, tình hình chuyển biến nhanh theo hướng có lợi cho cách mạng. Hồng quân Liên Xô đã đánh tan đạo quân Quan Đông thiện chiến của Nhật tại Mãn Châu (Trung Quốc), buộc Nhật phải tuyên bố đầu hàng Đồng minh không điều kiện vào ngày 15-8-1945. Quân Nhật ở Đông Dương hoang mang tột độ; chính quyền bù nhìn do Nhật dựng lên rệu rã, tê liệt. Tại các địa phương, Mặt trận Việt Minh tăng cường hoạt động, thu hút hàng triệu quần chúng tham gia. Thời cơ “ngàn năm có một” để giải phóng dân tộc khỏi ách áp bức thực dân, phong kiến đã đến.

Nắm chắc thời cơ cách mạng, dự báo chuẩn xác tình hình, ngày 13-8-1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào nhận định điều kiện khởi nghĩa đã chín muồi và quyết định lãnh đạo tổ chức khởi nghĩa trong toàn quốc. Ngay trong đêm 13-8, “Quân lệnh số 1” (Lệnh tổng khởi nghĩa) phát đi lời kêu gọi quân dân cả nước đứng dậy đấu tranh giành độc lập dân tộc. Ngày 16-8-1945, Đại hội quốc dân họp tại Tân Trào (Tuyên Quang), Đại hội tán thành chủ trương khởi nghĩa của Đảng, thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh, quyết định chọn Quốc ca, Quốc kỳ và cử ra Ủy ban Giải phóng dân tộc (Chính phủ lâm thời), do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ ra lời hiệu triệu tổng khởi nghĩa: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà giải phóng cho ta”. Lệnh tổng khởi nghĩa của Tổng bộ Việt Minh và lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh như tiếng kèn xung trận, nhân dân cả nước, triệu người như một đã nhất tề đứng lên giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và bè lũ tay sai. Chỉ trong vòng 12 ngày, từ 14 đến 25-8-1945, nhân dân ta đã giành chính quyền trong cả nước.

Ở Cheo Reo, vào thời điểm này, bộ máy cai trị của địch rệu rã và hoang mang tột độ. Những tên hiến binh Nhật đã rút khỏi địa phương vào giữa tháng 7-1945. Một bộ phận lớn lực lượng bảo an đã ngả về phía cách mạng, ủng hộ các hoạt động của tổ chức thanh niên yêu nước và quần chúng nhân dân. Tại các vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số địa phương, nhân dân đã tự động bỏ xâu, bỏ thuế, mặc nhiên không thừa nhận chính quyền tay sai của Nhật. Tại các vùng sâu, vùng xa, nhân dân đã thực hiện quyền làm chủ của mình. Sự quản lý của Nhật và chính quyền tay sai chỉ còn tồn tại trên danh nghĩa.

Ngày 20-8-1945, dưới sức ép của nhân dân, bộ máy tay sai của Nhật tại An Khê đầu hàng, giao chính quyền về tay nhân dân. Ngày 23-8-1945, khởi nghĩa ở Pleiku thắng lợi. Ủy ban cách mạng lâm thời tỉnh Gia Lai được thành lập, gồm 5 thành viên, do ông Trần Ngọc Vỹ làm Chủ tịch.

Sau khởi nghĩa giành chính quyền ở An Khê và Pleiku, vào lúc 10 giờ ngày 25-8-1945, Đoàn thanh niên Cheo Reo đã vận động đồn phó Kpă Nhá (người dân tộc tại chỗ đi lính cho Pháp) mở cửa đồn. Lực lượng thanh niên được sự trợ giúp của một số bảo an, đã vận động quần chúng nổi dậy chiếm đồn bảo an Cheo Reo. Lực lượng khởi nghĩa đã bắt tên Mô (trưởng đồn) và thu được 17 khẩu súng các loại. Đông đảo quần chúng nhân dân ở Cheo Reo tham gia mít tinh, biểu tình ở thị trấn, sau đó tỏa về các vùng ven biểu dương lực lượng, uy hiếp bọn chánh tổng, chủ làng làm tay sai cho Nhật. Lực lượng thanh niên đến các làng, buôn vận động tập trung thu giữ vũ khí của những gia đình có người làm việc cho Pháp, cho Nhật; tuyên truyền giải thích chính sách đoàn kết dân tộc của Việt Minh; tuyên bố với đồng bào: đất nước Việt Nam đã được độc lập, hướng dẫn và trực tiếp cùng nhân dân giải quyết các vấn đề nảy sinh, giữ vững an ninh trật tự ở các buôn làng.

Ban lãnh đạo thanh niên cùng các nhân sĩ, trí thức yêu nước của địa phương họp thống nhất đề cử những người tham gia lãnh đạo Ủy ban cách mạng lâm thời Cheo Reo. Ngày 2-9-1945, hòa với niềm vui chung của cả dân tộc, phái đoàn đại diện Ủy ban cách mạng lâm thời tỉnh Gia Lai, do Chủ tịch Trần Ngọc Vỹ dẫn đầu đến dự lễ mít tinh của thanh niên và nhân dân Cheo Reo, chào mừng thắng lợi của cuộc khởi nghĩa và thay mặt chính quyền cách mạng tỉnh công nhận chính thức chính quyền cách mạng huyện Cheo Reo. Ủy ban cách mạng lâm thời huyện Cheo Reo do cụ Nay Der làm cố vấn, ông Nay Phin giữ chức Chủ tịch, ông Rơchơm Rok giữ chức Phó chủ tịch, có 5 ủy viên gồm các ông Rơchơm Briu, Siu Deo, Rơchơm Thép, Ksor Ní, Siu Sinh.

Sau khi Ủy ban cách mạng lâm thời huyện được thành lập, lực lượng thanh niên tỏa về các vùng nông thôn tổ chức xây dựng bộ máy chính quyền để lãnh đạo phong trào cách mạng. Ủy ban cách mạng lâm thời huyện Cheo Reo cử ông Rơchơm Briu giữ chức Chủ tịch, ông Rơlah Beo làm thư ký vùng Mlah (Krông Pa). Đến giữa tháng 9-1945, toàn bộ hệ thống chính quyền cách mạng ở các buôn vùng Cheo Reo được thành lập, đảm nhiệm việc điều hành quản lý nhà nước ở cơ sở. Các đội tự vệ buôn được thành lập để giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ thành quả cách mạng.

Tiếp thu chính sách của Mặt trận Việt Minh, chính quyền các cấp ở Cheo Reo đẩy mạnh tuyên truyền và tuyên bố thực hiện quyền tự do dân chủ cho nhân dân, thực hiện quyền bình đẳng nam nữ, bãi bỏ các thứ thuế do Pháp, Nhật đặt ra, tịch thu muối, lương thực của Pháp - Nhật và bọn tay sai phân phát cho nhân dân. Chính quyền các cấp hỗ trợ đồng bào nông cụ để sản xuất, giữ vững an ninh; vận động đồng bào học chữ quốc ngữ, đoàn kết, phát huy tinh thần yêu quê hương, đất nước để xây dựng cuộc sống mới, tích cực tham gia vào các công việc chung của buôn làng.

Trong Cách mạng Tháng Tám, nhân dân các dân tộc Mlah - Cheo Reo đã tích cực chủ động vùng lên đấu tranh đánh đổ chính quyền thực dân, phát xít, giành quyền làm chủ về tay nhân dân. Thắng lợi này đánh dấu một bước ngoặt trọng đại trong tiến trình cách mạng của địa phương và góp phần quan trọng vào sự nghiệp cách mạng chung toàn tỉnh và cả nước. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã đưa nhân dân các dân tộc Mlah - Cheo Reo nói riêng và đồng bào cả nước nói chung từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ vận mệnh của bản thân, làm chủ quê hương, đất nước. Khát vọng ngàn đời của dân tộc về quyền tự do, dân chủ, độc lập dân tộc thành hiện thực. Thắng lợi này đã tạo tiền đề quan trọng trong việc khơi dậy tiềm lực cách mạng, tinh thần yêu quê hương, đất nước của nhân dân các dân tộc Mlah - Cheo Reo, làm cơ sở để đi vào thời kỳ mới, tiếp tục củng cố xây dựng chính quyền cách mạng, sẵn sàng bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ, góp phần cùng nhân dân các dân tộc Tây Nguyên và cả nước đập tan âm mưu xâm lược của chủ nghĩa thực dân, đế quốc.



Каталог: Files
Files -> Sạt-đe rằng: Nầy là lời phán của Đấng có bảy vì thần Đức Chúa Trời và bảy ngôi sao
Files -> HƯỚng dẫn càI ĐẶt và SỬ DỤng phần mềm tạo bài giảng e-learning
Files -> VIỆn chăn nuôi trịnh hồng sơn khả NĂng sản xuất và giá trị giống của dòng lợN ĐỰc vcn03 luậN Án tiến sĩ NÔng nghiệp hà NỘI 2014
Files -> ĐẠi học quốc gia hà NỘi trưỜng đẠi học khoa học tự nhiên nguyễn Thị Hương XÂy dựng quy trình quản lý CÁc công trìNH
Files -> PHỤ LỤC 2 TỔng hợp danh mục tài liệu tham khảO
Files -> BÁo cáo quy hoạch vùng sản xuất vải an toàn tỉnh bắc giang đẾn năM 2020 (Thuộc dự án nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học ) Cơ quan chủ trì
Files -> BỘ TÀi nguyên và MÔi trưỜng
Files -> 1. Mục tiêu đào tạo: Mục tiêu chung

tải về 1.87 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   14




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương