Ban biên tập chương I chức năNG, nhiệm vụ, quyền hạn ngành lao đỘng- thưƠng binh và XÃ HỘI



tải về 5.01 Mb.
trang5/48
Chuyển đổi dữ liệu14.08.2016
Kích5.01 Mb.
#19765
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   48

II. Các kỹ năng cơ bản về tổ chức, quản lý các hoạt động dạy nghề trên địa bàn; việc vận dụng vào công tác tổ chức, quản lý ở xã trong các hoạt động dạy nghề

1. Giới thiệu vắn tắt các hoạt động của Đề án 1956

Thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-TƯ về nông nghiệp, nông dân và nông thôn (gọi tắt là Nghị quyết Tam nông), ngày 28 tháng 10 năm 2008 Chính phủ đã ra Nghị quyết số 24/2008/NQ- CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ.

Để cụ thể hoá Chương trình hành động, ngày 27 tháng 11 năm 2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1956/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” (gọi tắt là Đề án 1956). Trong Quyết định này đã thể hiện rõ quan điểm của Đảng và Nhà nước ta là: “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, của các cấp, các ngành và xã hội nhằm nâng cao chất lượng lao động nông thôn, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Nhà nước tăng cường đầu tư để phát triển đào tạo nghề cho lao động nông thôn, có chính sách bảo đảm thực hiện công bằng xã hội về cơ hội học nghề đối với mọi lao động nông thôn, khuyến khích, huy động và tạo điều kiện để toàn xã hội tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn”. Đề án 1956 đã đề ra mục tiêu tổng quát: “Bình quân hàng năm đào tạo nghề cho khoảng 1 triệu lao động nông thôn, trong đó đào tạo, bồi dưỡng 100.000 lượt cán bộ, công chức xã. Nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập của lao động nông thôn; góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn…”. Đối tượng của Đề án này là lao động nông thôn trong độ tuổi lao động, có trình độ học vấn và sức khỏe phù hợp với nghề cần học. Trong đó ưu tiên đào tạo nghề cho các đối tượng là người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người tàn tật, người bị thu hồi đất canh tác…

Đề án đã đề ra đồng bộ các chính sách đối với người học nghề, chính sách đối với người dạy nghề (bao gồm giáo viên, giảng viên trong các cơ sở dạy nghề; cán bộ kỹ thuật, kỹ sư, người lao động có tay nghề cao tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh và các trung tâm khuyến nông, lâm, ngư, nông dân sản xuất giỏi tham gia dạy nghề) và chính sách đối với các cơ sở dạy nghề cho lao động nông thôn. Các cơ sở dạy nghề theo Đề án 1956 bao gồm các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề; trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp của các Bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, địa phương, doanh nghiệp và cơ sở tư thục; trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp; các viện nghiên cứu, trung tâm học tập cộng đồng, trung tâm khuyến nông, lâm, ngư, trang trại, nông trường, lâm trường, doanh nghiệp, hợp tác xã và các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ... có đủ điều kiện dạy nghề được tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn…

Để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu đã nêu, Đề án đã đề ra đồng bộ 5 nhóm giải pháp, gồm (i) Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, xã hội, của cán bộ, công chức xã và lao động nông thôn về vai trò của đào tạo nghề đối với tạo việc làm, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn; (ii) Phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo nghề; (iii) Phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý; (iv) Phát triển chương trình, giáo trình, học liệu và (v) Tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát đánh gía việc thực hiện Đề án. Đề án cũng đã đề ra 8 nhóm hoạt động dạy nghề cho lao động nông thôn, bao gồm (1) Tuyên truyển, tư vấn học nghề và việc làm đối với lao động nông thôn; (2) Điều tra, khảo sát và dự báo nhu cầu dạy nghề cho lao động nông thôn; (3) Thí điểm các mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn; (4) Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề đối với các cơ sở dạy nghề công lập; (5) Phát triển chương trình, giáo trình, học liệu và xây dựng danh mục thiết bị dạy nghề; (6) Phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý dạy nghề; (7) Hỗ trợ lao động nông thôn học nghề; (8) giám sát, đánh giá tình hình thực hiện đề án.

2. Vai trò của chính quyền địa phương trong các hoạt động đào tạo nghề

Chính quyền các cấp có vai trò quyết đình để thực hiện thành công Đề án 1956. Tuy nhiên, trong tài liệu này, chỉ đề cập đến vai trò của chính cấp xã, cụ thể là vai trò của UBND xã, phường (gọi chung là xã). UBND xã có trách nhiệm:

- Phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện thực hiện kế hoạch dạy nghề của huyện phù hợp với chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

- Tạo điều kiện cho các đơn vị tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn tổ chức các lớp dạy nghề trên địa bàn.

- Điều tra, khảo sát nắm được nhu cầu học nghề của từng lao động trong các hộ gia đình trên địa bàn xã. Tuyên truyền, tư vấn cho người lao động lựa chọn nghề phù hợp.

- Phối hợp với cơ quan, đơn vị có liên quan quản lý, kiểm tra hoạt động dạy, học nghề theo hình thức kèm cặp nghề trong các hộ gia đình, làng nghề tại địa phương.

- Thống kê các đối tượng được hưởng chính sách người có công, quân nhân xuất ngũ, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, người tàn tật, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, người trực tiếp lao động trong các hộ sản xuất nông nghiệp bị thu hồi đất canh tác và các đối tượng chính sách xã hội khác trên địa bàn quản lý đang trong độ tuổi lao động trên địa bàn chưa qua đào tạo nghề, có nhu cầu học nghề để xét tuyển vào các khoá học nghề theo quy định.

- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện chính sách dạy nghề cho các đối tượng được hưởng chính sách ở địa phương, bảo đảm chính sách được thực hiện đúng mục đích, đúng đối tượng.



3. Kỹ năng tổ chức điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề

3.1. Xây dựng phương án điều tra

Để tổ chức điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn có hiệu quả, trước hết, cần phải xây dựng được phương án điều tra, khảo sát (gọi tắt là điều tra). Phương án điều tra của cấp xã có thể được xây dựng dựa trên cơ sở phương án điều tra của các cấp trên (tỉnh, huyện). Cấu trúc của phương án điều tra, gồm:

1- Mục đích điều tra.

2- Đối tượng và phạm vi điều tra.

3- Địa bàn và mẫu điều tra.

4- Nội dung điều tra.

5- Phương pháp điều tra.

6- Thời gian điều tra

7- Kinh phí điều tra;

8- Tổ chức thực hiện và tiến độ.

Phương án điều tra, khảo sát này này phải được lãnh đạo UBND xã phê duyệt.

Trong phương án này, có một số điểm cần lưu ý:

- Phải lập được danh sách các nhân khẩu trong độ tuổi lao động của các Hộ. Điều này có thể thực hiện được trên cơ sở danh sách đã được lập cho tổng điều tra 1 tháng 4 năm 2009 và được cập nhật hàng năm.

- Đối tượng điều tra:

Tuỳ theo địa bàn của từng tỉnh/huyện để xác định các nhóm đối tượng cụ thể. Tuy nhiên, tổng thể có các nhóm đối tượng sau:

(1)- Lao động nông thôn trong độ tuổi lao động (nam từ đủ 15 đến dưới 60 tuổi, nữ từ đủ 15 đến dưới 55 tuổi) có khả năng lao động thực tế thường trú tại hộ phân theo 4 nhóm:

(i) Nhóm lao động làm nông nghiệp (cả vùng chuyên canh - nếu có);

(ii) nhóm lao động trong các làng nghề;

(iii) nhóm nông dân chuyển nghề sang công nghiệp, dịch vụ;

(iv) nhóm lao động đánh bắt xa bờ, nuôi trồng thuỷ sản ở các tỉnh duyên hải miền Trung ở trong huyện (nếu có).

(2)- CSXSKD hiện đang hoạt động theo Luật doanh nghiệp hoặc có đăng ký kinh doanh tại xã, không phân biệt cấp quản lý và hình thức sở hữu.

(3)- Cơ sở dạy nghề (các trung tâm dạy nghề, trung tâm hướng nghiệp giới thiệu việc làm có dạy nghề, trường trung cấp nghề, cao đẳng nghề) hiện đang hoạt động đóng trên địa bàn xã, không phân biệt cấp quản lý và hình thức sở hữu.



3.2. Về nội dung điều tra

Các thông tin điều tra được thiết kế trong phiếu điều tra cho các loại phiếu là:



    1. Phiếu lao động trong hộ gia đình;

    2. Phiếu điều tra cơ sở dạy nghề;

    3. Phiều điều tra các cơ sở sản xuất kinh doanh

Các phiếu điều tra này được thiết kế thống nhất trong toàn quốc. Có thể tham khảo nội dung các phiếu này trong trang WEB của Tổng cục dạy nghề (www.tcdn.gov.vn).

3.3.Phương pháp điều tra

Theo phương pháp phỏng vấn trực tiếp và thống kê tại địa bàn.

Để thu thập được các dữ liệu cần thiết, đối với các hộ gia đình, phương pháp phỏng vấn trực tiếp dựa trên các phiếu điều tra sẽ được áp dụng.

Đối với các doanh nghiệp và cơ sở dạy nghề, các phiếu điều tra sẽ được gửi đến để các doanh nghiệp và cơ sở dạy nghề điền và gửi lại cho điều tra viên.

Cần lưu ý: Để nắm rõ và thực tế nhu cầu học nghề của lao động nông thôn, các xã cần quán triệt đến từng tổ dân và họp dân đề thông báo mục đích, ý nghĩa của việc điều tra, ý nghĩa của việc học nghề, định hướng phát triển kinh tế- xã hội của xã, định hướng và nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa ban…qua đó người nông dân tự xác định nhu cầu học nghề cho phù hợp.

3.4. Xử lý số liệu

Sau khi điều tra xong, xã phải tổ chức xử lý số liệu điều tra theo hướng dẫn chung và báo cáo sơ bộ thống kê về danh sách người lao động có nhu cầu học nghề; trong đó có phân ra các nhóm đối tượng như người nghèo, người dân tộc và các nhóm đối tượng chính sách khác ( theo mẫu biểu thống nhất).



4. Kỹ năng giám sát, đánh giá người học

4.1. Giám sát học viên

a) Khái niệm

Giám sát học viên là hoạt động theo dõi quá trình thực hiện các hoạt động học tập của học viên thông qua việc thường xuyên xem xét, rà soát sự tiến bộ, việc sử dụng các nguồn lực (tài liệu, phương tiện, trang thiết bị học tập), so sánh kết quả đầu vào với kết quả đầu ra của người học dựa trên các tiêu chí đánh giá, và đưa ra các ý kiến phản hồi cho các cấp quản lý và các bên liên quan ở đây là giáo viên và người học – người được giám sát.

Giám sát học viên không phải là việc tự thân đánh giá, mà là một quy trình mà nhờ đó mức độ tham gia khóa học (đầy đủ, tích cực) của người học được quan sát và phân tích thường xuyên và liên tục nhằm đảm bảo cho người học đạt được mục tiêu đào tạo. Giám sát được thực hiện bằng cách thường xuyên tập hợp và phân tích thông tin để kiểm tra kết quả thực hiện của người học, chuyển thành các chỉ số phản ánh kết quả hoạt động học tập, sau đó so sánh với các chỉ tiêu đã đề ra. Cuối cùng là báo cáo tiến độ cho các nhà quản lí cấp trên và cảnh báo về các vấn đề phát sinh.

b) Mục đích giám sát

Đối với người học, mục đích giám sát là để:

Trong triển khai công tác đào tạo nghề cho LĐNT, có một thực tế là bà con nông dân rất muốn học nghề nhưng không có thời gian để đi học và không thể học ở xa nhà vì hiện là lao động chính trong gia đình hoặc là hàng ngày vẫn phải làm việc để phụ giúp gia đình. Chính yếu tố này cộng với nhận thức có phần hạn chế của bà con nên chưa đảm bảo tham gia lớp đầy đủ, tích cực. Không có sự giám sát định kỳ và thường xuyên trong suốt khóa đào tạo chắc chắn là nhiều học viên "không học" thực sự. Vậy, giám sát sẽ đánh giá được sự tham gia khóa học đầy đủ và tích cực của người học. Kết quả giám sát được ghi nhận và phản hồi đến người học sẽ là động lực để thúc đẩy người học.

Như vậy, giám sát người học tập trung chủ yếu vào giám sát hoạt động học tập, rèn luyện của học viên.

Giám sát cần thiết cho việc xác định hiệu quả thực hiện các hoạt động dạy học nhằm đạt được các mục tiêu đào tạo. Giám sát hỗ trợ cho đánh giá.

Đối với cơ sở đào tạo, mục đích của giám sát người học là để:

- Hỗ trợ công tác quản lý; thực hiện trách nhiệm giải trình, báo cáo với cơ quan quản lý cấp trên về việc thực hiện đào tạo;

- Chỉ cho cán bộ quản lý đào tạo thấy việc thực hiện đào tạo diễn ra như thế nào, tiến độ thực hiện có đúng kế hoạch không để điều chỉnh/cải tiến việc thực hiện;

- Giúp cán bộ quản lý đào tạo xác định các dấu hiệu của sự chậm trễ và nguyên nhân của nó;

- Cảnh báo về các điều chỉnh cần thiết phải tiến hành và đưa ra các quyết định điều chỉnh nhằm đảm bảo thực hiện mục tiêu đào tạo;

Việc giám sát học viên thường được tiến hành trong nội bộ cơ sở đào tạo, do những người có trách nhiệm quản lý đào tạo tiến hành, họ cần biết một số giấy tờ trong hồ sơ đào tạo như: Danh sách giáo viên dạy nghề, danh sách học viên; Kế hoạch đào tạo; Sổ theo dõi học viên tham gia học nghề (của giáo viên)

Việc giám sát học viên không chỉ dừng lại ở trong quá trình đào tạo mà còn được tiến hành sau đào tạo để xác định được tỷ lệ học viên có việc làm sau đào tạo. Theo mục tiêu của Đề án, tỷ lệ có việc làm sau khi học nghề theo các mô hình dạy nghề thí điểm cho LĐNT tối thiểu đạt 80%. Giám sát học viên sau đào tạo sẽ giúp CSDN đánh giá được hiệu quả đào tạo căn cứ theo mục tiêu đào tạo mà Đề án đã đặt ra.

c) Giám sát hoạt động học tập, rèn luyện của học viên

Nói đến hoạt động học tập, rèn luyện không thể không nhắc đến hoạt động tự học tập, rèn luyện của người học. Tâm lý học và Giáo dục học đã chứng minh rằng mỗi con người tự tạo ra bản chất của mình bằng con đường lĩnh hội vốn kinh nghiệm chung của loài người và sáng tạo. Sự tự giáo dục, rèn luyện là một thành phần cơ bản của mọi quá trình sư phạm, quá trình đào tạo cũng như các quá trình khác của sự phát triển nhân cách chọn người.

Với đặc điểm đối tượng học viên các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn rất đa dạng về trình độ (thậm chí có cả người chưa biết chữ), lứa tuổi (có thể có người rất trẻ: 16 tuổi, nhưng cũng có thể có người rất nhiều tuổi: 55 – 60 tuổi), tâm sinh lý… chính điều đã tạo nên sự khác biệt trong việc thực hiện các nhiệm vụ tự học tập, rèn luyện của mỗi học viên.

Nội dung giám sát hoạt động học tập, rèn luyện của học viên: Là giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ học tập, rèn luyện của học viên trong quá trình đào tạo. Đây là công việc của người quản lý theo sự phân cấp quản lý của CSDN (Giáo viên, bộ môn, khoa, cán bộ quản lý khác…). Để thực hiện được nhiệm vụ này thì người quản lý phải hiểu rõ hoạt động học tập, rèn luyện của người học gồm những hoạt động đơn vị sau:

- Hoạt động học tập, rèn luyện trong giờ học lý thuyết trên lớp;

- Hoạt động học tập, rèn luyện trong giờ học thực hành ở phòng thí nghiệm, ở xưởng trường;

- Hoạt động học tập, rèn luyện trong giờ học thực hành, thực tập ở doanh nghiệp;

- Hoạt động học tập, rèn luyện trong các buổi tham quan, thực địa…

- Hoạt động học tập, rèn luyện trong các buổi ngoại khóa, sinh hoạt câu lạc bộ;

- Hoạt động học tập, rèn luyện khác như các hoạt động xã hội, đoàn thể; lao động công ích…

Trong quá trình giám sát các hoạt động đơn vị trên, cán bộ quản lý cần phải tiến hành những công việc chủ yếu sau:

- Theo dõi, đôn đốc thực hiện, đánh giá được kết quả thực hiện các hoạt động đơn vị trong học tập, rèn luyện của người học;

- Theo dõi, chỉ đạo thực hiện và đánh giá được kết quả áp dụng các phương pháp học tập, rèn luyện tích cực, hiệu quả của người học;

- Theo dõi, tìm hiểu để nắm được những biểu hiện tích cực và tiêu cực trong việc thực hiện các hoạt động học tập, rèn luyện cũng như những thay đổi trong nhân cách của người học;

- Hướng dẫn người học tiến hành những điều chỉnh, cải thiện việc thực hiện các hoạt động trên;

- Theo dõi, thúc đẩy, khuyến khích người học phát huy các yếu tố tích cực, khắc phục các yếu tố tiêu cực, phấn đấu vươn lên để đạt kết quả học tập, rèn luyện cao.

Một số cách thức để giám sát hoạt động học tập, rèn luyện của người học:

- Tổ chức điều tra cơ bản người học khi mới vào cơ sở đào tạo để nắm được trình độ, năng lực và các đặc điểm tâm lý của từng cá nhân người học, trên cơ sở đó sắp xếp, phân loại người học theo nhóm đối tượng và có các quyết định quản lý phù hợp;

- Hướng dẫn và tổ chức cho người học lập kế hoạch phấn đấu học tập, rèn luyện trên cơ sở mục tiêu đào tạo. Làm căn cứ để theo dõi tiến trình học tập, rèn luyện người học;

- Thông qua việc dự giờ, điểm danh đột xuất và thường xuyên để biết được độ chuyên cần và mức độ tích cực, sáng tạo của người học trong quá trình đào tạo;

- Phối hợp với cán bộ quản lý tại doanh nghiệp để giám sát học viên trong quá trình tham quan thực tập, thực tập tại doanh nghiệp;

- Tổ chức các hoạt động ngoại khóa phong phú, hấp dẫn, qua đó đánh giá được tính tích cực, tự giác của người học;

- Đặc biệt là phối hợp tốt với các chủ thể giáo dục trong cơ sở đào tạo (các tổ chức chính trị, đoàn thể…), giáo viên chủ nhiệm lớp trong công tác giám sát học viên.

Kết quả giám sát đánh giá người học chủ yếu ở thái độ tham gia học tập nhưng để đánh giá được người học có được năng lực thực hiện không hay là có đạt được mục tiêu đào tạo hay không thì phải thông qua kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học viên.



4.2. Đánh giá học viên

a) Khái niệm

Đánh giá học viên là quá trình có hệ thống bao gồm việc thu thập chứng cứ, phân tích, giải thích thông tin và đưa ra những lượng giá về bản chất và phạm vi của kết quả học tập hay thành tích đạt được của người học so với các tiêu chí và tiêu chuẩn thực hiện đã đề ra, tức là xác định mức độ người học đạt được các mục tiêu dạy học. Tại một thời điểm thích hợp cần phải lượng giá xem người học đã đạt được kiến thức, kỹ năng và thái độ như đã nêu trong chuẩn đầu ra (mục tiêu đào tạo) chưa, ở mức độ nào. Sự lượng giá tập trung vào cái mà người học có thể và cần phải làm được (đầu ra), nó lượng giá sự thực hiện của chính người học đó so sánh với những tiêu chí và tiêu chuẩn cụ thể chứ không đưa ra sự so sánh với những người học khác. Do đó, trong phạm vi chuyên đề chỉ đề cập tới đánh giá kết quả học tập của người học.

Đánh giá là sự phán xét trên cơ sở kiểm tra, bao giờ cũng đi liền với kiểm tra. Kiểm tra và đánh giá là hai công việc có thứ tự hoặc đan xen nhau nhằm mô tả kết quả, thành tích học tập, rèn luyện của người học. Để có được những thông tin khách quan cho đánh giá, người ta phải sử dụng biện pháp kỹ thuật định lượng, gọi là phép đo lường, đó là cách thu được sự mo tả bằng số về mức độ một cá nhân đạt được một đại lượng, yếu tố thuộc tính hay hành vi nhất định nào đó. Bên cạnh sự đo lường một cách khách quan, định lượng như vậy dựa trên kiểm tra hay trắc nghiệm còn có ý kiến bình luận, nhận xét, phê phán mang tính chủ quan để tiến tới sự phán xét.

Người ta còn định nghĩa đánh giá là quá trình làm rõ mức độ đáp ứng của đối tượng được đánh giá so với mục tiêu đề ra. Đánh giá có ý nghĩa của sự phán định giá trị. Sự phán định này luôn dẫn đến một quyết định, quyết định để thay đổi, để cải thiện. Đúng vậy, quá trình dạy học theo quan điểm điều khiển học được xem là một hệ điều khiển, điều chỉnh. Hệ này được vận hành dựa vào nguyên tắc cơ bản của điều khiển học là phải có liên hệ ngược (feedback) liên tục, thường xuyên ở những thời điểm cần thiết, thông qua veiecj kiểm tra – đánh giá trạng thái của hệ và so với mục tiêu đã đề ra tại thời ddiem rđó tỏn gquas tình, xác định nguyên nhân của những sai lệch và đi đến quyết định điều chỉnh kịp thời. Như vậy, kiểm tra – đánh giá là khâu không thể thiếu được, nó tồn tại khách quan cùng với các khâu khác trong bất kỳ quá trình dạy học nào trong và ngoài nhà trường.

Vậy có thể hiểu: Kiểm tra – đánh giá trong đào tạo theo năng lực là so sánh (đối chiếu) các năng lực thực tế đạt được ở người học với các kết quả mong đợi đã xác định trong chuẩn đầu ra hay mục tiêu đào tạo theo tiêu chuẩn năng lực.



  1. Mục đích của kiểm tra – đánh giá

- Xác định năng lực (Kiến thức, kỹ năng, thái độ) hiện có ở mỗi người học trước khi vào học để công nhận kết quả học tập trước đây của người học.

Việc công nhận kết quả học tập trước đây còn được gọi là đánh giá “đầu vào”. Quá trình Công nhận kết quả học tập trước đây/Công nhận năng lực hiện tại được thực hiện nhằm ghi nhận năng lực của người học xét trên những kỹ năng đã tích lũy được của họ thể hiện: (i) Kinh nghiệm làm việc trước đây; (ii) Quá trình đào tạo chính quy hoặc phi chính quy; (iii) Kinh nghiệm, kỹ năng sống, những kỹ năng đạt được nhờ có sở thích riêng như âm nhạc, cơ khí, ngôn ngữ, thể thao; (iv) Kết hợp của tất cả những điều nêu trên.

Đây là một công việc vô cùng quan trọng, đặc biệt là đối với đối tượng đào tạo là người trưởng thành, ở đây là lao động nông thôn là những người ít nhiều đã có kinh nghiệm trong nghề được hình thành từ thực tiễn sản xuất và theo kiểu "cha truyền con nối".

Thông qua việc kiểm tra – đánh giá "đầu vào", cơ sở dạy nghề biết được trình độ (chủ yế là kỹ năng đã đạt được) của người học; phát hiện những "lỗ trống" trong năng lực, nắm bắt được nhu cầu của người học từ đó xác định được mục tiêu đào tạo, lựa chọn nội dung đào tạo sát hợp hơn; loại trừ khả năng đào tạo trùng lặp giúp tiết kiệm thời gian và tiền bạc cho bản thân người học, cho xã hội.

- Thúc đẩy người học học tập, thông báo kịp thời cho người học biết tiến bộ của họ

+ Trước hết là có tác dụng thúc đẩy người học: Trong triển khai công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, có một thực tế là bà con nông dân rất muốn học nghề nhưng đôi khi rất khó bố trí thời gian để tham gia khóa học đầy đủ. Nguyên nhân là do phần lớn bà con nông dân đang là lao động chính trong gia đình. Chính yếu tố này cộng với nhận thức có phần hạn chế của bà con nên chưa đảm bảo tham gia lớp đầy đủ, tích cực. Không có sự kiểm tra- đánh giá chắc chắn là nhiều học viên "không học" thực sự.

+ Động viên, khích lệ người học nhiều hơn, tốt hơn: Kết quả của kiểm tra- đánh giá phản ánh phần lớn sự cố gắng, nỗ lực của học viên, chính điều đó là động lực thúc đẩy người học cố gắng hơn nữa.

+ Chỉ cho người học thấy họ học tốt những nội dung nào, họ đã có được những kỹ năng nào của nghề và họ cần phải cải thiện những gì, cần phải học những gì ?

- Cải tiến hoạt động giảng dạy và hoạt động học tập

Trong dạy học theo năng lực thực hiện, quá trình dạy học có sự điều chỉnh liên tục với vai trò định hướng của người giáo viên. Việc kiểm tra- đánh giá sẽ giúp bản thân người giáo viên xác định được về mặt nội dung dạy đã đủ chưa, cần phải bổ sung cho người học những nội dung nào về mặt kiến thức, kỹ năng, thái độ ra sao; về mặt phương pháp cần điều chỉnh như thế nào để tăng cường tính tích cực, chủ động cho người học... việc xem xét lại đó giúp cho người giáo viên có được những quyết định phù hợp trong dạy học.

- Công nhận năng lực của người học

Mục đích cuối cùng và vô cùng quan trọng của kiểm tra- đánh giá là nhằm đo lường, xác định và đánh giá kết quả học tập của người học mà ở đây chính là năng lực hành nghề để đi đến quyết định công nhận là người học đạt hoặc chưa đạt năng lực nghề. Công việc này có tính chất quyết định đối với "đầu ra" của đào tạo.

Điều quan trọng là phải xây dựng được một hệ thống kiểm tra đánh giá phù hợp, bao gồm từ quy chế, tiêu chí kiểm tra- đánh giá, hình thức kiểm tra- đánh giá, loại công cụ, các xác định điểm đạt, mức đạt được...

Trong đào tạo theo năng lực thực hiện, cơ sở để xây dựng các bộ công cụ đánh giá để công nhận năng lực của người học thường là một sản phẩm hoặc một dịch vụ hoàn chỉnh mà người học phải làm được sau khi kết thúc khóa học. Căn cứ vào mức độ hoàn thành để đánh giá người học. Bộ công cụ đó có thể là các bảng kiểm (Checklist), các câu hỏi kiểm tra, trắc nghiệm (Test Items) cùng với các thang điểm (Rating Scales) và cả hồ sơ học viên.

c) Các loại kiểm tra- đánh giá kết quả học tập

- Kiểm tra- đánh giá hình thành (Formative Assessment) mang tính "xây dựng" thường được tiến hành thường xuyên trong quá trình dạy học hoặc là định kỳ kết thúc mỗi mô đun: để ghi nhận sự tiến bộ của người học- các năng lực mà người học đạt được, đồng thời đưa thông tin phản hồi để có sự điều kịp thời từ cơ sở đào tạo, từ người dạy về những gì cần cải thiện và đặc biệt là từ người học- Thúc đẩy người học nỗ lực học tập thường xuyên trong cả khóa học để đạt được mục tiêu đào tạo

- Kiểm tra- đánh giá tổng kết (Summative Assessment) mang tính "tổng hợp", thường được thực hiện vào cuối khóa học và cơ sở đánh giá dựa vào mục tiêu đào tạo của khóa học: đưa ra những phán quyết về người học đã có/chưa có năng lực, là căn cứ để quyết định việc đạt hay không đạt sự thực hiện, từ đó quyết định về việc cấp văn bằng, chứng chỉ nghề cho người học.

Nếu thực hiện việc kiểm tra- đánh giá một cách thường xuyên trong suốt cả khóa học thì kiểm tra- đánh giá tổng kết trở nên nhẹ nhàng hơn và việc công nhận trình độ và cấp văn bằng chứng chỉ tốt nghiệp cho người học trở nên chính xác và có ý nghĩa hơn.

d) Nhiệm vụ, nội dung của quản lý việc kiểm tra- đánh giá kết quả học tập

- Tổ chức và quản lý việc xây dựng mục tiêu đào tạo nói chung cũng như mục tiêu đào tạo cụ thể ở từng mô đun nói riêng

Đây là công việc đầu tiên và trên hết của cán bộ quản lý cơ sở dạy nghề và đội ngũ giáo viên, được thực hiện dựa trên việc nghiên cứu công phu những yêu cầu, đặc điểm của thực tiễn xã hội, cơ sở đào tạo và người học. Trong việc xác định mục tiêu đào tạo, các nhà quản lý thường sử dụng triệt để những kết quả từ việc phân tích nghề áp dụng kỹ thuật DACUM.

- Tổ chức và quản lý việc thực hiện kiểm tra- đánh giá

Gắn liền với việc xây dựng mục tiêu đào tạo, cơ sở dạy nghề đặc biệt là các giáo viên và cán bộ quản ý cần tổ chức và quản lý theo các chức năng quản lý cơ bản việc thực hiện kiểm tra- đánh giá, đảm bảo quy trình thống nhất đã được xây dựng.

Quy trình kiểm tra- đánh giá với các bước cơ bản dưới đây có thể được sử dụng trong các cơ sở đào tạo với các hình thức tổ chức đào tạo khác nhau:

- Phân tích mục tiêu, nội dung kiểm tra;

- Lựa chọn hình thức kiểm tra;

- Xây dựng bộ công cụ kiểm tra;

- Xác định phương thức chấm điểm và thang điểm;

- Tiến hành kiểm tra đánh giá;

- Phân tích, thống kê kết quả kiểm tra;

- Chuẩn hóa kết quả;

- Công bố kết quả;

- Ra các quyết định đào tạo tiếp theo.

Lưu ý trong khi tiến hành kiểm tra - đánh giá: Căn cứ vào các tiêu chí thực hiện đã xác định cùng với các hướng dẫn về chứng cứ, giáo viên hoặc người đánh giá phải thu thập các bằng chứng qua quan sát sự thực hiện của người học ở chỗ làm việc (tại chỗ) hoặc ở hoàn cảnh tương tự; đo đạc các sản phẩm hoặc theo dõi các dịch vụ, các quá trình được thực hiện trong thực tế; quan sát và lượng hóa được các thái độ được thể hiện; thu thập các chứng cứ phụ trợ khác như hồ sơ người học, sổ sách giáo vụ, các báo cáo khác...

- Tổ chức và quản lý việc ghi chép, lập hồ sơ, sổ sách về kết quả học tập của người học

Do đặc thù của công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn thường diễn ra liên tục trong năm với các khóa đào tạo ngắn hạn (dưới 1 năm) cho nên số lượng hồ sơ học viên là rất lớn khiến cho việc quản lý học viên nói chung cũng như là việc ghi chép, lập hồ sơ, sổ sách về kết quả học tập của học viên rất phức tạp, gặp nhiều khó khăn.

Quyết định số 62/2008/QĐ-BLĐTBXH ngày 04/11/2008 của Bộ trưởng Bộ LĐTBXH về việc ban hành Hệ thống biểu mẫu, sổ sách quản lý dạy và học trong đào tạo nghề đã giúp cho cơ sở đào tạo, cán bộ quản lý đào tạo và giáo viên giảm bớt được những khó khăn trong công tác này.

e) Biện pháp quản lý việc kiểm tra – đánh giá kết quả học tập

- Cụ thể hóa các văn bản pháp quy của nhà nước, xây dựng những quy định riêng của CSDN về công tác này, phổ biến, hướng dẫn cho cán bộ, giáo viên và người học quán triệt các văn bản, quy định đó.

Hiện nay, việc tổ chức thi và cấp văn bằng, chứng chỉ học nghề cho học viên hoàn thành khóa học được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 14/2007/QĐ-BLĐTBXH ngày 24/5/2007 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành quy chế thi, kiểm tra và công nhận tốt nghiệp trong dạy nghề hệ chính quy và Quyết định số 75/2008/QĐ-BLĐTBXH ngày 31/12/2008 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành mẫu bằng, chứng chỉ nghề.

- Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên về các phương pháp kiểm tra – đánh giá mới, có hiệu quả.

- Kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác này một cách chặt chẽ, xây dựng thành nền nếp ổn định thường xuyên

- Tổ chức tổng kết rút kinh nghiệm trong công tác này cũng như lấy thông tin phản hồi từ người tốt nghiệp và người sử dụng lao động một cách định kỳ và thường xuyên.



tải về 5.01 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   48




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương