Ba Mươi Triết Gia Tây Phương Nguyễn Ước



tải về 439.67 Kb.
trang9/16
Chuyển đổi dữ liệu23.04.2018
Kích439.67 Kb.
#37062
1   ...   5   6   7   8   9   10   11   12   ...   16

09. Spinoza (1632 - 1677) 


Triết gia người Hà Lan. Tên đầy đủ: Baruch hoặc Benedict Spinoza. 

Spinoza thuộc một cộng đồng Do Thái từ Tây Ban Nha và Bồ Ðào Nha di cư sang, để lánh nạn Tòa án Dị giáo. Ðược giáo dục theo phong cách Do Thái giáo chính thống, ông cũng học tiếng La-tin và đọc các tác phẩm của Descartes cùng các nhà văn thuộc thời kỳ khác. Sự độc lập tư tưởng của Spinoza dẫn tới việc ông bị khai trừ khỏi cộng đoàn Do Thái năm 1656. 

Cho tới khoảng năm 1660, Spinoza sống gần hay ngay trong thủ đô Armsterdam, nơi sinh quán, và sau đó tại Rijinsburg, Voorburg, và La Hague. Bằng khả năng mài tròng kính tuyệt giỏi, ông sống khiêm tốn, dành thời giờ để triển khai triết học của mình. Dù sống ẩn dật, ông học hành liên tục, trao đổi thư tín rộng rãi, và được nhiều triết gia ghé thăm. Năm 1673, Spinoza được mời làm giáo sư Ðại học Heidelberg nhưng ông từ chối để tiếp tục được sống an tĩnh. Ông qua đời năm 42 tuổi vì bệnh lao, mà rõ ràng ngày càng trầm trọng thêm vì bụi kính khi ông mài. 

Các tác phẩm chính của Spinoza đều đã được dịch ra tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Nhật, v.v. kể cả một bản ông viết lại một phần những thuật ngữ được dùng trong công trình của Descartes (1663), cuốn Treatise on Religious and Political Philosophy (Luận về triết học tôn giáo và chính trị, 1670), và tác phẩm quan trọng của ôngEthics (Ðạo đức học), có lẽ viết xong năm 1665 nhưng chỉ được xuất bản sau khi ông qua đời (1677). Tác phẩm Opera Posthuma của ông gồm cả Political Treatise (Luận văn chính trị), Treatise on the Improvement of Understanding (Luận về cải thiện tri thức), Letters (Thư từ) và Hebrew Grammar (Văn phạm tiếng Do Thái Hi-bru). 

Spinoza bắt đầu bằng việc dịch Kinh thánh tiếng Hi-bru, và đó là bản đầu tiên nêu lên những câu hỏi cao cấp về Kinh thánh. Ðược triển khai trong cuốn Ðạo đức học, hệ thống triết học của ông đặt cơ sở trên thuyết duy nhất thể trong đó toàn bộ hiện hữu được gồm trọn trong một bản thể duy nhất, đó là Thượng đế. Ðấng thiêng liêng này, đôi khi được gọi là Thiên nhiên hoặc Tự nhiên, có vô lượng thuộc tính, nhưng chúng ta chỉ biết được có hai: tư tưởng và sự dàn trải. 

Do đó, toàn bộ hiện hữu như chúng ta biết, được lĩnh hội trong hai khía cạnh ấy của cuộc sống thiêng liêng. Thuyết phiếm thần của Spinoza không dành chỗ cho tự do, cơ hội hoặc các ý tưởng truyền thống về sự bất tử. Cái đánh động tâm trí con người như cái ác, trong thực tại, là một thành phần của sự hoàn hảo của Thượng đế. Con người được tự do theo ý nghĩa rằng nó có thể hiểu và chấp nhận sự dự phần của nó vào trật tự thiêng liêng, nhưng nó không được tự do khi nó, phát xuất từ mù lòa cá nhân vị kỷ, kháng cự sự thiết yếu đó. Qua ‘tình yêu Thượng đế, có tính trí huệ’, người khôn ngoan đi tới nỗi hân hoan, nhưng Spinoza tin rằng các tôn giáo đại chúng và Kinh thánh có thể thành tựu hạnh phúc phù hợp với con người thông thường. 

Spinoza là người sáng lập chế độ dân chủ và thúc giục giáo hội phải lệ thuộc vào quốc gia. Ông bảo vệ quyền tự do bày tỏ ý kiến và trên tất cả, tìm cách giải phóng con người khỏi sự sợ hãi. Trong thời của ông, thuyết phiếm thần dường như là một sự báng bổ, và khi ông còn sống, một số tác phẩm của ông bị cấm xuất bản. Qua các triết gia Gotthold Lessing (1729–1781), Johan G.Herder (1744–1803) và Johann Goethe (1749–1832), Spinoza ảnh hưởng lên chủ nghĩa duy tâm của Ðức. 

---o0o---

10. Hume (1711 - 1776) 


Triết gia và sử gia người Tô Cách Lan, Anh. Tên đầy đủ: David Hume. 

Là nhân vật dẫn đầu trong thời Khai sáng tại Tô Cách Lan, Hume theo học luật tại Ðại học Edinburgh. Tới năm 1734, ông sang ở La Flèche tại Anjou, Pháp. 

Tại Pháp, Hume viết đại tác phẩm A Treatise of Human Nature (Luận văn về bản tính con người, 1739–1740), trong đó ông đúc kết và triển khai di sản thực nghiệm của Locke và Berkeley. Tuy thế, quan điểm của ông chỉ được biết tới rộng rãi khi ông viết hai cuốn Essays on Moral and Political (Tiểu luận về đạo đức và chính trị, 1741–1742), và bản tóm lược cuốn luận văn có nhan đề Enquiry concerning Human Understanding (Thẩm tra liên quan tới hiểu biết của con người) trong đó ông khiêu khích Kant và những người duy tâm chủ nghĩa đang phản bác chủ nghĩa duy nghiệm và chủ nghĩa hoài nghi của ông. 

Trong thập niên 1750, Hume viết tác phẩm, được xuất bản sau khi ông qua đời, Dialogues Concerning Natural Religion (Những đối thoại liên quan tới tôn giáo tự nhiên). Chủ nghĩa vô thần của Hume gây trở ngại cho những lần ông thỉnh cầu học hàm giáo sư tại các Ðại học Edinburgh và Glasgow. Ông trở thành gia sư, thư ký, thủ thư tại Thư viện Advocate ở Edinburgh, nơi ông viết cuốn sách có tính đại chúng Political Discourses (Các nghị luận chính trị, 1752) và bộ sách 6 quyển History of England (Lịch sử xứ England, 1754-1762). 

Từ năm 1763 tới 1765, Hume làm thư ký cho đại sứ Anh tại Paris, và là khuôn mặt nổi bật trong xã hội Pháp. Sau đó ông về lại Luân Ðôn năm 1766 rồi ở Edinburgh từ năm 1768 cho tới ngày qua đời. 

---o0o---


tải về 439.67 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   5   6   7   8   9   10   11   12   ...   16




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương