Ba Mươi Triết Gia Tây Phương Nguyễn Ước



tải về 439.67 Kb.
trang8/16
Chuyển đổi dữ liệu23.04.2018
Kích439.67 Kb.
#37062
1   ...   4   5   6   7   8   9   10   11   ...   16

07. Bacon (1561 - 1626) 


Triết gia, nhà nghị luận và chính khách người Anh. Tên đầy đủ: Francis Bacon. 

Bacon chào đời tại Luân Ðôn, theo học Ðại học Cambridge và trường luật Gray’s Inn.Phụ thân ông là nhà quí tộc Nicholas Bacon, chưởng quản của nữ hoàng Elizabeth I. Trong khi làm nghị sĩ quốc hội, Nicholas chống chính sách thuế của nữ hoàng nên sự nghiệp chính trị bị trục trặc. Mãi về sau, Nicholas mới được tái bổ dụng, nhưng chỉ cho làm thành viên không chính thức của Hội đồng Luật gia. 

Sự nghiệp chính trị của Francis Bacon bắt đầu năm 1601, khi ông đặt nhiệm vụ quốc gia lên trên tình bằng hữu, chống lại một ân nhân và là bạn thiết. Liền đó ông được bổ nhiệm một vai trò tích cực trong công tố viện, và quá trình ấy khiến ông bị nhiều người chê trách. Khi James I lên kế vị, vận mệnh của Bacon tăng tiến. Ông được phong hiệp sĩ năm 1603, chưởng quản năm 1617 và chánh thẩm tòa án tối cao năm 1618. Cùng năm đó, ông được phong Nam tước Verulam và ba năm sau, 1621, Tử tước St. Albans. 

Nhưng vừa nhận tước Tử tước, Bacon liền bị cáo giác nhận hối lộ khi làm chánh thẩm — một tệ nạn thông dụng thời ấy. Ông nhận tội, bị phạt 40.000 bảng, loại khỏi pháp đình, cấm tham chính và tống ngục Tower. Sau đó, hình phat bằng tiền và tù được tái xét. Tuy thế, sự nghiệp chính trị của Bacon chấm dứt. Ông về hưu, dành trọn phần đời còn lại để viết. 

Bacon viết cả triết học lẫn văn chương. Ông dự trù một công trình lớn lao. Ðó là bộ sách Instauratio Magna, nhưng chỉ hoàn tất hai phần, cuốn The Advancement of Learning (Tăng tiến kiến thức, 1605) về sau được ông triển khai ra tiếng La-tin thành cuốn De Augments Scientiarum (1623), và cuốn Novum Organum. Người ta còn đồn rằng có một số vở kịch mang tên Shakespeare là do ông viết vì trong đó, có nhiều chi tiết liên quan tới sinh hoạt cung đình trong khi Shakespeare chỉ là dân giả. 

Ðóng góp của Bacon vào triết học chính là việc ông áp dụng phương pháp qui nạp của khoa học hiện đại vào triết học, đối lập với phương pháp tiên nghiệm của kinh viện học trung cổ. Ông thúc giục sự thẩm tra triệt để vào mọi trường hợp và tránh việc đặt lý thuyết trên các dữ liệu không thỏa đáng. Nhiều người phê bình Bacon là quá máy móc, không thành công trong việc tiến hành những thẩm tra của chính ông cho tới tận cùng luận lý của chúng, và không bắt kịp kiến thức đương thời. 

Tới thế kỷ 19, Thomas Macaulay (1800-1859), sử gia và nhà nghị luận người Anh, phát động phong trào phục hồi uy tín cho Bacon như một nhà khoa học. Ngày nay, những đóng góp của ông được đánh giá với lòng tôn kính đáng kể. Cuốn The New Atlantis (Lục địa Atlantis mới, 1627) là một loại tưởng quốc Utopia khoa học. Các chi tiết của nó được phần nào thực hiện bởi tổ chức Hiệp hội Hoàng gia năm 1660, ba mươi tư năm sau khi tác giả qua đời. Các luận văn Essays (1567–1625), phần lớn có tính cách giảng huấn cách tiếp nhân xử thế, là những bài viết được đại chúng ưa thích nhất. Chúng nổi tiếng nhờ bút pháp sinh động, những quan sát tinh tế và phát biểu đánh động lòng người. Cho đến nay, chúng vẫn được nhiều người dùng làm sách ‘học làm người’. 

---o0o---

08. Descartes (1596 - 1650) 


Triết gia và nhà khoa học người Pháp. Tên đầy đủ: René Descates. 

Thuở nhỏ, ông theo học trường của Dòng Tên (Jesuits). Sau khi tốt nghiệp Ðại học Poitiers, ông gia nhập quân đội của Hoàng thân Maurice of Nassau. Tới năm 32 tuổi, ông giải ngũ, sống ở Hà Lan. Tại đó, ông dành trọn thời gian để nghiên cứu khoa học, suy tưởng triết học và viết về những thành quả của mình. 

Năm 1649, Descartes sang Stockholm để làm gia sư cho nữ hoàng Thụy Ðiển Christina, nhưng không chịu đựng nổi bầu khí nghiêm ngặt của cung đình và khí hậu khắc nghiệt phương bắc. Qua năm sau, ông từ trần vì bệnh sưng phổi, thọ 54 tuổi. 

Trước ngày đi Hà Lan, Decartes đã bắt đầu công trình vĩ đại của đời mình. Các tiểu luận về Ðại số và Compendium musicae (Bản tóm lược về âm nhạc) có lẽ nên ghi lùi thời điểm, trước năm 1628. Thế nhưng cả hai xuất hiện năm 1637 với một nhóm các tiểu luận lần đầu tiên được Descates ký bằng tên của ông. Các tiểu luận ấy gồm văn bản danh tiếng Discours de la méthode (Luận về phương pháp), các luận văn về khúc xạ, về sao băng, về hình học phân tích. 

Toán học là sở thích lớn nhất của Descartes. Ðược xây dựng trên công trình của những người khác, ông tạo ra các tọa độ Descartes, các vòng cung Descartes, và ông thường được cho là người sáng lập hình học phân tích. Ðối với đại số, Descates đóng góp vào việc giải căn số âm và qui ước ký hiệu mũ. Chính do bởi dự tính mở rộng phương pháp toán học tới mọi lĩnh vực của tri thức mà Descartes triển khai phương pháp luận của ông, và đó là khía cạnh chủ yếu của triết học Descartes. 

Vứt bỏ hệ thống thế giá và thẩm quyền của triết học kinh viện, Descartes bắt đầu với sự hoài nghi mọi cái, kể cả những gì ông trải nghiệm vì ông cho rằng các giác quan thường đánh lừa ông. Nhưng có một cái ông không thể hoài nghi, đó là chính sự hoài nghi. Ðây là cốt lõi được ông trình bày trong câu nói danh tiếng của mình: Cogito, ergo sum  Je pense dons je suis: Tôi suy nghĩ, vậy tôi hiện hữu. 

Từ tính chất chắc chắn do sự hiện hữu của hữu thể tư duy, Descartes lần bước tới sự hiện hữu của Thượng đế. Ông biện hộ cho sự hiện hữu ấy bằng cách đưa ra bằng chứng dựa trên luận cứ mang tính bản thể luận của Anselm và bằng chứng dựa trên nguyên nhân đệ nhất, cái chắc chắn tạo ra trong người tư duy ý tưởng về Thượng đế. Như thế, trong khi đạt tới sự hiện hữu của Thượng đế, Descartes cũng với tới thực tại của thế giới vật lý thông qua Thượng đế, đấng không lừa dối tâm trí đang tư duy bằng các tri giác vốn là ảo giác. 

Do đó, thế giới ngoại tại mà chúng ta đang tri giác phải hiện hữu. Như thế, Descartes rơi trở lại sự chấp nhận là thật những cái được chúng ta tri giác một cách rõ rệt và riêng biệt. Và ông nghiên cứu thế giới vật chất bằng cách tri giác các nối kết của nó. Ông nhìn thế giới vật chất như có tính máy móc chủ nghĩa, hoàn toàn cách ly với tâm trí, cái độc nhất nối kết giữa hai hữu thể bằng sự can thiệp của Thượng đế. Tới ngang đây, quan điểm của Descartes gần như hoàn toàn mang tính nhị nguyên luận. 

Trong khoa học, Descartes vứt bỏ truyền thống. Bằng cuộc cách mạng ấy, ông ủng hộ phương pháp giống y như của Francis Bacon, nhưng ông nhấn mạnh sự hợp lý hóa và luận lý học chứ không nhấn mạnh kinh nghiệm. Trong lý thuyết vật lý, các học thuyết của Descartes được đề ra như một thỏa hiệp giữa đức tin Công giáo — ông suốt đời mộ đạo — và các phương pháp khoa học vốn bị người giáo hội thời đó chống đối. Ông viết Traité de l’homme et de la formation du foetus (Luận về con người và sự hình thành bào thai, 1664), một văn bản về sinh lý học. 

Thao tác trong tâm lý học, ông khẳng định rằng cuối cùng, cảm xúc đặt nền tảng trên sinh lý học, và ông cho rằng sự phô diễn vật lý của các cảm xúc tự chúng kiểm soát chúng. Tác phẩm chính của Descartes về tâm lý học thì có Traité de passions de l’âme (Luận về những đam mê của linh hồn, 1650); triển khai triết học thì cóMeditations de prima philosophia (Trầm tư triết học, 1641); cuốn Principia philosophiae (Nguyên lý triết học, 1664) cũng rất quan trọng. 

Ảnh hưởng của Descartes trên triết học thật mênh mông. Người ta thường gọi ông là cha đẻ của triết học hiện đại. Thế nhưng, trong những năm giữa thế kỷ 20, địa vị quan trọng của ông bị thách đố vì có vài học giả chứng minh rằng ông mắc các nhà kinh viện học một món nợ lớn. Bước sang thế kỷ 21, khi tinh thần nhất nguyên của triết học Ðông phương thâm nhập văn hóa Tây phương, Descartes lại bị thách đố sâu sắc hơn. 

Descartes ảnh hưởng lên người duy lý chủ nghĩa. Spinoza cũng phản ánh học thuyết Descartes tới một mức độ nào đó. Các môn đồ trực tiếp hơn của Descartes, các triết gia mang bản sắc Descartes tận tụy với vấn đề quan hệ của thể xác và linh hồn, của vật chất và tâm trí. Từ đó, đưa tới học thuyết về cơ hội chủ nghĩa (occationalism), được triển khai bởi triết gia Pháp Nicolas Malebranche (1638–1715) và triết gia Bỉ, Arnold Geulincx (1624–1669). Descartes cũng ảnh hưởng rất rộng trong lãnh vực luật pháp và thần học. 

---o0o---


tải về 439.67 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   4   5   6   7   8   9   10   11   ...   16




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương