Ba Mươi Triết Gia Tây Phương Nguyễn Ước


Thomas Aquinas (1225 - 1274)



tải về 439.67 Kb.
trang7/16
Chuyển đổi dữ liệu23.04.2018
Kích439.67 Kb.
#37062
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   ...   16

06. Thomas Aquinas (1225 - 1274) 


Khuôn mặt vĩ đại nhất của triết học kinh viện và nhà thần học người Ý. Cũng được gọi là Tiến sĩ Thiên thần (Doctor Angelicus). 

Sinh tại Rocca Secca, gần Naples, trong một gia đình quan quyền, Aquinas theo học các thầy dòng Bênêdictô (Biển Ðức) tại Monte Cassino rồi Ðại học Naples. Sau đó, cưỡng lại quyết định của gia đình, ông vào dòng Ðôminicô (Ða Minh), làm tu sĩ khất thực (1244). Ông bị các anh em bắt cóc và giam trong một lâu đài của cha mẹ hơn một năm. Cuối cùng, thoát ra được, ông đi Cologne và trở thành môn sinh của Albertus Magnus. Năm 1248, ông cùng thầy đi Cologne, rồi từ đó đi Paris lần nữa và nổi tiếng, trở thành giáo sư thần học rất thành công tại Anagni, Orieto, Rome và Vitenbo. 

Aquinas xuất hiện khi giới thế tục tìm cách giới hạn đặc quyền của giới tu sĩ tại các đại học. Sau năm 1259, ông trải qua vài năm ở Ý, làm giáo sư và cố vấn cho Tòa thánh Vatican. Việc ông quay lại Paris có lẽ do gấp rút vì nổi giận với Siger De Brabant và bài đọc của học giả ấy trình bày quan điểm của triết gia Hồi giáo Tây Ban Nha Averroës về Aristotle. Cuộc chiến đấu học thuyết với Siger là biến cố đáng nhớ nhất trong đời Aquinas; chiến thắng ấy có nghĩa rằng lập trường của ông đã khải hoàn. 

Năm 1272, Thomas Aquinas rời Paris đi Naples để tổ chức một viện nghiên cứu. Hai năm sau, đang cùng với người bạn lâu năm, Sư huynh Reginald ở Fossanuova, trên đường đi dự Công đồng Lyons với tư cánh cố vấn cho giáo hoàng, Aquinas qua đời, hưởng dương 49 tuổi. 

Ngang đây, tưởng nên nói đôi chút về vị triết gia Hồi giáo Averroës. Tên A Rập của ông là Ibn Rushd (1126–1198), người nổi tiếng nhất trong các triết gia Hồi giáo thời trung cổ, còn Averroës là tên gọi theo hình thức Latin. Là quan tòa và bác sĩ ở Córdoba, Seville, nơi ông chào đời, ông sang sống một thời gian tại Marocco, Bắc Phi. Ở đó, ông làm bác sĩ ngự y cho vua Hồi Abu Yusuf nhưng rồi bị trục xuất về Tây Ban Nha vì tình nghi dị giáo. Sau đó, ông được phục hồi và quay lại sống ở Marrakesh cho tới ngày qua đời. 

Tác phẩm vĩ đại nhất của Averroës là Commentaries on Aristotle (Bình luận về Aristotle). Những thông giải của ông về Aristotle vẫn ảnh hưởng lâu dài sau khi ông qua đời và trở thành vấn đề suy tưởng lý tính, góp phần dọn đường cho thời Phục hưng. Ông nỗ lực đặt ranh giới tương ứng cho từng lãnh vực đức tin và lí trí, chỉ ra rằng cả hai không cần phải hòa giải vì chúng chẳng xung khắc nhau. Averroës tuyên bố triết học là hình thức thẩm tra cao nhất. Siêu hình học của ông mang sắc thái tân Plato chủ nghĩa, giống y như Avempace, người ông mang nợ trong các ý tưởng về trí thức. 

Các học thuyết của Averroës về sự bất tử của cá nhân và sự hằng cửu của vật chất bị Giáo hội Công giáo lên án. Thomas Aquinas tôn trọng Averroës nhưng tấn công cuộc phấn đấu của Averroës khi vị triết gia Hồi giáo người Tây Ban Nha ấy cho rằng chân lý triết học bắt nguồn từ lý trí chứ không từ đức tin. Hầu hết tác phẩm của Averroës được châu Âu biết tới qua bản dịch bằng tiếng La-tin và Do Thái Hi-bru, về sau có ảnh hưởng lên các nhà văn Do Thái giáo, Kitô giáo và cung cấp một tổng hợp từng phần cho hai truyền thống triết học A Rập và Hi Lạp. 

Khác với bản tính lầm lì và phong thái chậm chạp, Thomas Aquinas là người diễn giảng xuất sắc, rõ ràng với những tư tưởng bén nhạy, như các tác phẩm của ông cho thấy, với lối lý luận khúc chiết và sử dụng tiếng La-tin giản dị, chính xác đáng phục. Càng khiêm tốn và đức hạnh, ông càng chứng tỏ một cuộc sống tâm linh phong phú và lòng mộ đạo sâu xa. Không một tác phẩm nào vén lộ đầy đủ triết học Aquinas. Có thể xếp loại công trình trước tác suốt 20 năm của ông theo hình thức và chủ đích của từng tác phẩm. 

Những cuốn chính là Commentary in the Sentences (Bình luận trong những châm ngôn, 1254–1256), tác phẩm vĩ đại và sớm sủa nhất gồm một tập hợp các bài giảng cho công chúng; bảy quaestiones disputatae (các vấn đề tranh luận công khai, 1256–1271); những bình luận triết học về các tác phẩm của Aristotle như Mỹ học, Siêu hình học, Linh hồn, Vật lý học; một phần của De Interpretatione (Về thông giải), và Posterior Analytics (Phân tích về sau); các luận văn về nhiều chủ đề trong đó cóSumma theologica contra Gentiles (Tổng luận thần học chống người ngoài Công giáo, 1258–1260), cũng là Summa philosophica (Tổng luận triết học); và cuốn quan trọng hơn hết là Summa theologica (Tổng luận thần học, 1267–1273), tác phẩm trình bày thần học có tính hệ thống nhưng chưa hoàn tất. Hơn 600 năm sau, năm 1879, Giáo hoàng Leo XIII, trong Thông điệp Aetterni Patris, chính thức tuyên bố triết học của Aquinas là triết học Kitô giáo. 

Triết học Aquinas được công khai thừa nhận là mang bản sắc Aristotle với những phương pháp và những phân biệt của người Hi Lạp được thích nghi theo với mạc khải. Thế kỷ 13 là thời kỳ chủ chốt trong tư tưởng Kitô giáo, bị xâu xé giữa những tuyên bố của người theo phái Averroës và những người cực đoan theo Augustine. Aquinas chống đối cả hai trường phái ấy. Người theo Averroës do Siger de Brabant lãnh đạo, tách riêng đức tin và chân lý một cách tuyệt đối, còn người theo Augustine muốn biến chân lý thành vấn đề đức tin. 

Aquinas cho rằng lý trí và đức tin lập thành hai cảnh giới hòa điệu trong đó các chân lý của đức tin bổ sung cho chân lý của lí trí; cả hai đều là tặng phẩm của Thượng đế, nhưng lí trí có sự tự quản của chính nó. Như thế, ông biện hộ cho quyền của lí trí chống lại nỗi sợ hãi của những kẻ muốn trấn áp Aristotle, xem ông là tổ phụ của Averroës và dị giáo. Theo Aquinas, nguyên lý đệ nhất của triết học là sự khẳng định hữu thể. Từ quan điểm ấy, ông tiến hành cuộc xem xét thái độ trong đó trí tuệ hiểu biết hữu thể là gì. 

Ðối với con người, toàn bộ tri thức bắt đầu bằng con đường giác quan; qua trung gian đó, hắn nắm bắt cái phổ quát, tức là thế giới chỉ có thể nhận thức được bằng trí tuệ. Theo lập trường được cho là chủ nghĩa duy thực vừa phải (moderate realism) của Aquinas, một dạng thức hoặc cái phổ quát có thể hiện hữu theo ba cách: trong Thượng đế, trong vạn vật và trong tâm trí. Chính qua tri thức về vạn vật mà chúng ta đi tới hiểu biết sự hiện hữu của Thượng đế. Trong trật tự thiên nhiên thì chỉ có thể biết Thượng đế bằng loại suy và phủ định. 

Niềm xác tín của Aquinas vào việc lí trí có thể phát hiện sự hiện hữu của Thượng đế được chứng minh bằng các chứng cớ của ông về sự hiện hữu của Thượng đế. Phân tích của Aquinas về vấn đề này được tiến hành bằng các khái niệm của Aristotle về tính hiệu ứng và hành động, vật chất và dạng thức, hữu thể và yếu tính. Một vật đòi hỏi phải có vật khác mới trọn vẹn thì được cho là hiện hữu trong hiệu ứng của cái khác; sự nhận ra hiệu ứng ấy được gọi là thực tại. 

Vũ trụ được nhận thức như một chuỗi sự vật được sắp xếp theo trật tự hướng thượng hoặc hiệu ứng và hành động, trong cùng một lúc được ban thưởng và được tạo nên bởi Thượng đế, kẻ một mình ngài là hành động đơn thuần. Thượng đế thì bất biến vì biến đổi có nghĩa là đi từ hiệu ứng tới hành động. Và như thế, Thượng đế hiện hữu mà không có bắt đầu cũng chẳng có kết thúc, vì cả hai cái đó đòi hỏi sự biến đổi. Vật chất và dạng thức đều thiết yếu để am hiểu sự biến đổi, vì biến đổi đòi hỏi đồng nhất tính của cái trở thành và cái mà nó trở thành. Vật chất là cái đầu và dạng thức là cái sau. Mọi vật có tính vật lý đều được làm thành bởi vật chất và dạng thức. 

Sự khác biệt giữa cái là dạng thức hoặc đặc tính với sự hiện hữu thật sự của nó được biểu hiệu bằng các thuật ngữ yếu tính  hữu thể. Chỉ ở trong Thượng đế mới có sự phân biệt giữa vật chất và dạng thức. Từng cặp một: vật chất và dạng thức, yếu tính và hữu thể, đều là những trùng hợp đặc biệt của hiệu ứng và hành động. 

Hệ thống của Aquinas dựa trên ba phân biệt đó. Hữu thể cũng có thể được đặc điểm hóa bằng ‘kiểu thức’ (mode). Kiểu thức không thêm được gì vào ý tưởng về hữu thể nhưng nó là phương cách để làm rõ ràng và dứt khoát cái tiềm ẩn bên trong hữu thể. Theo ý nghĩa nào đó, kiểu thức có nghĩa là sự phân chia hữu thể thành các phạm trù. Theo ý nghĩa khác, nó phô diễn những phân biệt nhất định của hữu thể trong sự chung chia với mọi loại. Theo ý nghĩa này, các kiểu thức được biết như là những cái tiên nghiệm; cùng với hữu thể, một cách chủ yếu, những cái đó là sự hiệp nhất, chân lý và cái thiện. Những từ ngữ ấy có thể hoán đổi cho nhau. Vì cái đối lập của hữu thể không hiện hữu và cái thiện thì đồng hóa với hữu thể, nên đối với Aquinas, thật rõràng rằng cái ác chỉ là sự vắng mặt cái thiện. 

Suốt một thời gian dài, Aquinas bị bỏ sang một bên hoặc bị hiểu sai bởi ngay cả những triết gia vĩ đại nhất, nhưng tối hậu, những lời giảng của ông đã khải hoàn. Sự kiện chúng được công nhận chính thức trong Giáo hội Công giáo La Mã không có nghĩa người Công Giáo có thể không bám sát các triết học khác, đặc biệt các lời giảng mang bản sắc Scotus, được triển khai từ học thuyết của Duns Scotus (~1270–1308), người sáng lập trường phái dòng thánh Phanxicô và mở cuộc tranh luận sôi nổi với Thomas Aquinas. Tổng hợp tuyệt vời của Aquinas ngày nay được khái quát công nhận là một trong những công trình vĩ đại nhất của tư tưởng loài người. 

Triết học bao quát của ông được áp dụng vào mọi cảnh giới của cuộc sống con người. Thuyết Thomas — Thomist, được gọi cách ấy vì lòng kính trọng thánh vị Aquinô của ông do Giáo hội Công giáo phong — là một cấu trúc toàn vẹn trong chính nó, và không đơn giản là một bộ sưu tập các lý thuyết triết học. Các thuật ngữ tân Thomas tân kinh viện được dùng để gọi một trường phái triết học trong thế kỷ 20. Các thủ lãnh Công giáo Pháp của trường phái này là Etienne Gilson (1884–1978), sử gia triết học và nhà thần học, và Jacques Maritain (1882–1973), nhà thần học, những kẻ tìm cách áp dụng các nguyên tắc của thuyết Thomas vào các điều kiện xã hội, kinh tế và chính trị hiện đại. Người ngoài Công giáo cũng tìm cách thích nghi các nguyên tắc của thuyết Thomas vào dời sống hiện đại; họ cũng được gọi là những người tân Thomas chủ nghĩa. 

(Còn 2 kì) 

© 2008 talawas 

---o0o---


tải về 439.67 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   ...   16




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương