Ba Mươi Triết Gia Tây Phương Nguyễn Ước



tải về 439.67 Kb.
trang13/16
Chuyển đổi dữ liệu23.04.2018
Kích439.67 Kb.
#37062
1   ...   8   9   10   11   12   13   14   15   16

17. Heidegger (1889 - 1976) 


Triết gia Ðức. Tên đầy đủ Martin Heidegger. 

Khi còn là sinh viên của Ðại học Freiburg. Heidegger chịu ảnh hưởng của hiện tượng học của Edmund Husserl và của Heinrich Rickert, người theo thuyết tân Kant. Năm 1923, ông trở thành giáo sư tại Marburg. Ở đó, ông viết và xuất bản phần duy nhất của tác phẩm chính của mình là Sein und Zeit (Hữu thể và thời gian, 1927) để kế tục chiếc ghế giáo sư triết học của Husserl tại Freiburg. Tới năm 1933, ông trở thành viện trưởng đại học ấy. Sau năm 1945, ông về hưu vì những quan hệ của mình với chế độ Ðức Quốc xã. 

Dù được đánh giá rộng rãi là người hiện sinh chủ nghĩa, Heidegger quyết liệt bác bỏ danh vị đó, cũng như ông sắp bác bỏ hiện tượng học của Husserl. Quan tâm căn bản của Heidegger, như đã được công bố trong cuốn Hữu thể và thời gian, và được triển khai trong các tác phẩm sau đó, là vấn đề hữu thể. Trong Hữu thể và thời gian, hữu thể được chứng minh là nối kết mật thiết với sự tạm thời; mối quan hệ này được thẩm tra bằng cách phân tích sự hiện hữu của con người. 

Chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của Kiekergaard, ông phác họa các khía cạnh đa dạng của kinh nghiệm con người thí dụ ‘lo toan’, ‘âu sầu’ và mối quan hệ của con người với cái chết. Chính những nghiên cứu này cùng những ảnh hưởng của chúng lên Jean Paul Sartre đã khiến nhiều nhà phê bình đánh giá Heidegger là người hiện sinh chủ nghĩa. Heidegger không chỉ quan tâm tới sự hiện hữu của cá nhân cùng những chọn lựa luân lý của nó mà còn xem những vấn đề có tính bản thể luận là ưu tiên. Khía cạnh bản thể luận của tư tưởng Heidegger nổi bật sắc nét trong các văn bản về sau của ông. 

Ông tự xem mình là nhà tư tưởng đầu tiên trong lịch sử triết học phương Tây đã nêu những câu hỏi minh bạch và dứt khoát liên quan tới ‘ý nghĩa của hữu thể’, và ông định vị cuộc khủng hoảng của văn minh Tây phương hiện nay là ở chỗ tình trạng tập thể ‘lãng quên hữu thể’. Ngoài ảnh hưởng lên Sartre, tư tưởng của Heidegger còn ảnh hưởng lên thần học Tin Lành qua Paul Tillich và Rudolf Bultman (1884-1976). Trong số các tác phẩm của Heidegger có Kant and the Problem of Metaphysics (Kant và vấn đề của siêu hình học, 1929); What is Metaphysics (Siêu hình học là gì, 1929); Introduction to Metaphysics (Nhập môn siêu hình học, 1959); What is Philosophy (Triết học là gì, 1958). 

---o0o---

18. Sartre (1905 - 1980) 


Triết gia hiện sinh chủ nghĩa, nhà văn và nhà viết kịch người Pháp. Tên đầy đủ: Jean Paul Sarte. 

Ông tốt nghiệp trường École Normale Superieure (Đại học Sư phạm); và bắt đầu để ý tới triết học vào năm ngoài 20 tuổi, khi đọc cuốn Essai sur les données immédiates de la conscience (Luận về những dữ kiện lập tức của ý thức, 1889) của triết gia Pháp Henry Bergson (1859–1941). Chịu ảnh hưởng của triết học Ðức, đặc biệt Heidegger, Sartre trở thành triết gia tiên phong và hàng đầu của phong trào triết học hiện sinh thế kỷ 20. Trong thời gian đó, ông dạy triết tại Le Havre, Paris và Berlin. 

Sartre đi lính và bị bắt làm tù binh năm 1941 tại Ðức. Sau khi được phóng thích, ông tham gia phong trào kháng chiến ở Paris. Năm 1945, ông nổi bật như ngọn hải đăng dẫn đường cho cuộc sống trí thức cánh tả ở Paris. Tên ông đồng nghĩa với chủ nghĩa hiện sinh, một phong trào triết học tìm kiếm sự tự do cho cá nhân con người và được ông chia sẻ với người bạn đồng hành là Simone de Beauvoir, cùng chủ trương tạp chí Les temps modernes (Thời hiện đại). Qua các tác phẩm của mình, ông khảo sát tình huống con người chịu trách nhiệm cuộc đời mình nhưng cô đơn bồng bềnh phiêu dạt trong một vũ trụ vô nghĩa và phi lý. 

Trong khi Heidegger bác bỏ nhãn hiệu ‘người hiện sinh chủ nghĩa’ của mình, thì trong số các nhà tư tưởng có liên qua tới phong trào ấy, chỉ có Sartre đích thân tuyên bố mình là ‘người hiện sinh chủ nghĩa’. 

Ðối với Sartre, không có Thượng đế, và do đó không có bản tính cố định của con người, quyết định cái ta phải hành động. Trong tình thế bị can dự và phải nhập cuộc vào thế giới, con người sống thể hiện mình một cách đích thực. Con người hoàn toàn tự do và hoàn toàn chịu trách nhiệm về những gì mình đã làm cho mình, nghĩa là đã làm thành mình. Nhưng cũng như quan điểm của Kierkegaard, chính sự tự do và trách nhiệm ấy là nguồn suối âu lo sợ hãi của con người. Tư tưởng của Sartre ảnh hưởng mạnh mẽ lên văn chương Pháp sau Thế chiến Hai, tiêu biểu rõ rệt trong các tác phẩm của Albert Camus và Simone de Beauvoir. 

Cuốn tiểu thuyết đầu tay của ông là La Nausée (Buồn nôn, 1938). Các tiểu thuyết của ông bao gồm bộ ba Les Chemins de la liberté (Những con đường tự do, 1945-1949); và ông cũng viết, đặc biệt sau Thế chiến Hai, nhiều vở kịch, thí dụ Huis clos (Kín cửa, 1944) và Le Diable et le bon Dieu (Con quỉ và Thượng đế tốt lành, 1951). Triết học của ông được thể hiện trong L’Être et le néant (Hữu thể và hư không, 1943). Ngoài ra, ông còn hàng chục tác phẩm văn học và bút ký triết học khác. Năm 1964, ông xuất bản cuốn tự thuật Les Mots (Những chữ), và được tặng thưởng, nhưng không nhận, giải Nobel văn chương. Vào cuối thập niên 1960, ông ngày càng dính líu xâu sa vào việc chống đối chính sách của Hoa Kỳ tại Việt Nam, và ủng hộ cuộc nổi loạn của sinh viên tại Pháp năm 1968. Ông qua đời trong sự tưởng tiếc sâu xa của người dân Pháp. 

---o0o---


tải về 439.67 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   8   9   10   11   12   13   14   15   16




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương