Ba Mươi Triết Gia Tây Phương Nguyễn Ước



tải về 439.67 Kb.
trang12/16
Chuyển đổi dữ liệu23.04.2018
Kích439.67 Kb.
#37062
1   ...   8   9   10   11   12   13   14   15   16

14. Nietzsche (1844 - 1900) 


Triết gia người Ðức. Tên đầy đủ Friedrich Wilelon Nietzsche. 

Ông chào đời tại Saxony, là con của một mục sư và thuở bé rất ngoan đạo. Nietzsche học tiếng Hi Lạp và La-tin tại Bonn và Leipziz. Là sinh viên cực kỳ sáng chói, ông được bổ nhiệm vào ghế giáo sư môn triết học cổ điển tại Ðại học Basel năm 25 tuổi (1869) dù lúc ấy chưa hoàn tất học trình tiến sĩ. 

Trong những năm đầu đời, Nietzsche kết tình bằng hữu thắm thiết với Richard Wagner, mà ông đánh giá rằng với các bản hợp xướng, Wagner là kẻ kế thừa chân chính bi kịch Hi Lạp. Nhưng về sau ông quay sang đối nghịch đầy cay đắng với nhà đại nhạc sĩ ấy; cả hai tuyệt giao năm 1876. 

Những rối loạn thần kinh và khủng hoảng thị lực buộc Nietzsche phải rời Ðại học Basel năm 1879, rồi viết và sống trôi nổi khắp các nhà trọ ở châu Âu, trong nỗ lực vô vọng cải thiện sức khỏe. Cho tới năm 1889, tâm thần ông không bao giờ còn có khả năng hồi phục, và ông qua đời năm 56 tuổi. 

Nói chung, Nietzsche không phải là triết gia có hệ thống, nhưng đúng hơn, ông là một nhà đạo đức học nhiệt liệt bác bỏ nền văn minh trưởng giả Tây phương. Câu nói thời danh của ông là ‘Thượng đế đã chết’. Ðánh giá văn minh Kitô giáo là suy đồi và thay vào ‘đạo đức nô lệ’ của nó, Nietzsche giới thiệu và đưa mắt hướng tới ‘siêu nhân’, kẻ sẽ phát động một nền đạo đức anh hùng mới, trong đó cuộc sống và giá trị cuộc đời sẽ được khẳng định với đầy đủ ý thức. Siêu nhân của Nietzsche sẽ biểu hiện niềm đam mê và cơn sáng tạo cao nhất, và sẽ sống ở cấp bậc kinh nghiệm, vượt quá bên kia những định chuẩn qui ước của thiện và ác. ‘Ý chí quyền lực’ có tính sáng tạo của siêu nhân sẽ khiến cho y tách biệt với ‘bầy đoàn’ của loài người thấp hèn. 

Tư tưởng của Nietzche tạo được ảnh hưởng lan rộng và có tầm quan trọng cách riêng tại Ðức. Những người cổ vũ cho chủ nghĩa Quốc xã Ðức nắm lấy phần lớn văn bản của ông như lời biện hộ triết học cho lý thuyết của họ về quyền tối thượng của quốc gia và chủng tộc cùng sự khinh rẻ thể chế dân chủ và bình đẳng chính trị. Một số học giả đánh giá hành động ấy là xuyên tạc tư tưởng của Nietzsche; họ vạch ra chủ nghĩa cá nhân mạnh mẽ của Nietzsche và thái độ của ông coi thường định chế quốc gia, đặc biệt tại nước Ðức. 

Trong số các tác phẩm nổi tiếng của Nietzsche có On the Genealogy of Morals (Bàn về phả hệ của đạo đức, 1887), The Birth of Tragedy (Ngày sinh của bi kịch, 1872),Thus Spoke Zarathustra (Zarathustra đã nói như thế, 1883–1891), Beyond Good and Evil (Bên kia thiện và ác, 1886), cuốn tiểu sử tự thuật Ecce Homo (1908), v.v. Tác phẩm của Nietzsche đang càng ngày càng được nhiều người tìm đọc và đào sâu. Ông là một trong những nguồn ảnh hưởng chính lên chủ nghĩa hiện sinh. 

---o0o---

15. Husserl (1859 - 1938) 


Triết gia Ðức, người đặt nền tảng cho trường phái hiện tượng luận. Tên đầy đủ Edmund Husserl. 

Ông sinh tại Cộng hòa Czech, học toán ở Berlin và tâm lý học ở Vienna. Sau đó, ông dạy ở các Ðại học Halle (1887), Gotingen (1901) và Freiburg (1016) và chịu ảnh hưởng của Franz Bentado (1838-1917), triết gia và nhà tâm lý học Ðức. Bộ sách hai cuốn của ông Logische Untersuchungen (Các thẩm tra luận lý, 1900–1901) biện hộ cho quan điểm cho rằng triết học là bộ môn tiên nghiệm, khác với tâm lý học. Trong cuốn Ideen zu either rein Phanomenologischen Philosophie (Nhập môn tổng quát hiện tượng luận thuần lý, 1913), ông trình bày một chương trình thẩm tra có hệ thống ý thức và các đối tượng của nó. 

Triết học của Husserl là công trình nghiên cứu có tính mô tả ý thức, nhằm mục đích phát hiện cấu trúc của kinh nghiệm, nghĩa là các định luật qua đó ta có kinh nghiệm. Phương pháp của ông là ‘cho vào ngoặc đơn’ các dữ liệu của ý thức bằng cách để lơ lửng mọi tri giác, đặc biệt những tri giác rút tỉa từ ‘điểm quan sát mang tính tự nhiên chủ nghĩa’. Như thế, các đối tượng của sự tưởng tượng thuần túy, thí dụ đầu thú hay đầu người trong kiểu kiến trúc gô-tic, được khảo sát nghiêm chỉnh không kém các dữ liệu lấy từ thế giới khách quan. 

Husserl kết luận rằng ý thức không có đời sống tách biệt với các đối tượng được nó xem xét. Ông gọi đặc tính này là ‘có chủ tâm’ (sự định hướng khách thể – object-directeness), một thuật ngữ được ông dùng theo Bentano. Trong các tác phẩm về sau, ông chuyển hướng qua chủ nghĩa duy tâm và không chấp nhận quan điểm cho rằng các đối tượng hiện hữu bên ngoài ý thức. 

Tiếp cận của Husserl gây ảnh hưởng lớn lao lên các triết gia Ðức và Hoa Kỳ, cách riêng Heidegger và nâng cao tâm lý học Gestalt (thế giới quan), một trường phái tư tưởng tâm lý học độc đáo với châm ngôn, ‘toàn thể lớn hơn tổng số các phần của nó’. 

---o0o---

16. Kierkegaard (1813 - 1855) 


Triết gia, nhà văn và là nhà thần học người Ðan Mạch. Tên đầy đủ: Søren Kierkegaard. 

Ông chào đời tại Copenhague, học triết học cùng văn chương tại đó và hầu như suốt đời không ra khỏi xứ mình. Cuộc sống bề ngoài yên ổn của Kierkegaard trong thầm kín lại là một quá trình khảo sát mãnh liệt bản ngã và xã hội, đưa tới kết quả nhiều văn bản đa dạng và sâu sắc với chủ đề xuyên suốt: ‘Chân lý thì chủ quan’. 

Tuy sống vào nửa đầu thế kỷ 19, nhưng quả thật Kiekegaard đã đặt những khởi đầu cho chủ nghĩa hiện sinh. Những suy nghiệm về mối quan hệ giữa Thượng đế và mỗi cá nhân con người đã đưa Kierkegaard tới việc phê phán các hệ thống suy lý thuần túy. Ông phê bình siêu hình học của Hegel là trừu tượng và cằn cổi, không thích đáng cho việc lập các chọn lựa. Ông cay đắng công kích thái độ tự mãn phàm tục của giáo hội Kitô Ðan Mạch. 

Bằng cái nhìn thấu suốt tận nền tảng, Kierkegaard nhận ra những yêu cầu cụ thể về tôn giáo và đạo đức mà mỗi cá nhân đang đối mặt, và theo ông, cá nhân không thể đáp ứng thỏa mãn chúng bằng quyết định thuần túy trí tuệ. Chúng đòi hỏi phải có sự dấn thân có tính chủ quan của mỗi cá nhân. Với Kierkegaard, trong tôn giáo, điều quan trọng không phải vấn đề chân lý có là một thực tế khách quan hay không, mà là mối quan hệ của cá nhân đối với chân lý. Như thế, chỉ tin vào học thuyết tôn giáo thôi thì không đủ, người ta phải sống nó. 

Có thể xếp các tác phẩm của ông vào hai phạm trù: mỹ học và tôn giáo. Các tác phẩm về mỹ học gồm có: Either/On (1843), chủ yếu chống Hegel, Philosophical Fragments (Các tản văn triết lý, 1844), Stage on Life’s Way ( Cấp bậc trong lối sống, 1845), The Concluding Unscientific Postcript (Tái bút đúc kết phi khoa học, 1846) đều được xuất bản với bút hiệu, và đều thông giải sự hiện hữu của con người qua con mắt của những nhân vật được ông mô tả muôn hình muôn vẻ bằng thơ. 

Trong các tác phẩm đó, Kierkegaard triển khai một ‘biện chứng pháp’ hiện sinh, đối lập với biện chứng pháp duy tâm của Hegel. Biện chứng pháp Kierkegaard miêu tả các cấp độ đa dạng của cuộc hiện sinh mà ông mô tả như có tính mỹ học, đạo đức học và tôn giáo. Khi cá nhân thăng tiến qua các cấp độ đó, y càng ngày càng nhận biết rõ rệt hơn mối quan hệ của y với Thượng đế. Y đồng thời càng ngày càng đối mặt với những quyết định đạo đức thiết yếu và nghiêm chỉnh. Trong khi đó, y cũng nhận ra phản đề giữa cuộc hiện sinh nhất thời và chân lý vĩnh hằng. Chính sự nhận biết đó là nguồn suối của sợ hãi cùng thất vọng. Như thế, phân tích ấy của Kierkegaard về tình cảnh của con người đã cung cấp chủ đề trung tâm cho chủ nghĩa hiện sinh trong thế kỷ 20. 

Các tác phẩm chuyên đề tôn giáo của ông gồm có Works of Love (Công trình của tình yêu, 1847) và Training in Christiany (Tôi luyện trong Kitô giáo, 1850). Kierkegaard cũng giữ một cuốn nhật ký bao quát, chứa nhiều cái nhìn sắc bén và thấu suốt. Dù trên thực tế thời ấy, ngoài biên giới Ðan Mạch, Kierkegaard ít được biết tới trong suốt thế kỷ 19, nhưng về sau, ông có ảnh hưởng lớn lao lên thần học Tin Lành đương đại; và đối với phong trào triết học có tên là hiện sinh chủ nghĩa, ông được xem là là triết gia khai sáng. 

---o0o---


tải về 439.67 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   8   9   10   11   12   13   14   15   16




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương