Ba Mươi Triết Gia Tây Phương Nguyễn Ước



tải về 439.67 Kb.
trang11/16
Chuyển đổi dữ liệu23.04.2018
Kích439.67 Kb.
#37062
1   ...   8   9   10   11   12   13   14   15   16

12. Hegel (1770 - 1831) 


Triết gia Ðức. Tên đầy đủ Georg Wilhelm Friedrich Hegel. 

Hegel chào đời tại Stuttgard và là con của một công chức thư ký. Ông theo học thần học ở Tubingen rồi làm phụ giảng tại các Ðại học Bern và Frankfurt; tới năm 1805, làm giáo sư Ðại học Jena. Cùng Schelling, ông là biên tập tờ Kritische Journal der Philosophie (Tạp chí Phê bình Triết học, 1802–1803). Dù được xem là môn đồ của Schelling, ông vẫn công kích chủ trương của thầy mình, triển khai hệ thống do ông phác thảo, nhấn mạnh lên lý trí chứ không trên trực giác lãng mạn như Schelling, và lần đầu tiên trình bày nó trong Phenomenology of Mind (Hiện tượng học tâm trí, 1807). 

Trong thời gian Napoléeon chiếm đóng, Hegel biên tập một tờ báo (1807–1808), sau đó, ông thôi làm để giữ chức hiệu trưởng một trường giáo dục và rèn luyện thể lực, theo mô hình Gymnasium Hi Lạp, tại Nuremberg. Kế đó, ông quay về làm giáo sư tại các Ðại học Heidelberg (1816–1818) và Berlin (1818–1831), nơi ông càng ngày càng nổi tiếng. 

Trong các bài giảng tại Berlin, Hegel đề ra một hệ thống được ông trau chuốt tỉ mỉ trong những tác phẩm sau đó của mình. Chủ yếu là các cuốn Science of Logic (Khoa học lô-gích, 1812–1816), Encyclopedia of the Philosophical Science (Bách khoa khoa học triết lý, 1817), một phác thảo toàn bộ triết học của ông, và Philosophy of Right(Triết học về cái đúng, 1821). Ngoài ra, còn có các cuốn về đạo đức học, mỹ học, lịch sử và tôn giáo. 

Các quan tâm của Hegel rất rộng, và chúng quyện vào nhau làm thành triết học đồng nhất của ông. Chủ nghĩa duy tâm tuyệt đối của Hegel đương đầu với ‘Linh hồn thế giới’, triển khai từ đó và qua đó ông trình bày cái được gọi là ‘Biện chứng pháp Hegel’. Theo biện chứng pháp ấy, một khái niệm (chính đề) đương nhiên phát sinh cái đối lập của nó (phản đề), và cả hai đề ấy tương tác dẫn tới một khái niệm mới (hợp đề). Tới lượt cái thứ ba này trở thành chính đề của một bộ ba mới. 

Hegel đánh giá nghiên cứu của Kant về các phạm trù là chưa đầy đủ. Ý tưởng về hữu thể thì có tính nền tảng nhưng nó gợi ra phản đề phi hữu thể của nó. Tuy thế, hai cái đó không hỗ tương loại trừ nhau vì nhất thiết chúng tương tác ra hợp đề, là cái chúng phải trở thành. Vì thế, hoạt động là cơ bản, tiến bộ là phải lẽ và luận lý là căn bản của tiến trình thế giới. Nghiên cứu thiên nhiên và tâm trí đều vén lộ cho thấy lý trí nhận biết chính nó trong vũ trụ luận và lịch sử. Tiến trình thế giới thì có tính tuyệt đối, và nguyên lý tích cực ấy không vượt lên trên thực tại nhưng hiện hữu qua thực tại và trong thực tại. Vũ trụ triển khai bằng một kế hoạch tự tạo, tiến lên từ các thiên thể tới thế giới này, từ lĩnh vực khoáng vật tới thực vật, từ lĩnh vực thực vật tới sinh vật. 

Có thể phát hiện trong xã hội một quá trình diễn tiến y như thế. Hoạt động của con người dẫn tới của cải và của cải dẫn tới luật pháp. Từ mối quan hệ giữa cá nhân và luật pháp phát triển tổng hợp đề của đạo đức, ở đó, sự tương thuộc và tự do của cá nhân tương tác tạo thành quốc gia. Do đó, quốc gia là một tổng số ở bên trên mọi cá nhân, và vì thế, nó là một đơn vị. Sự phát triển cao nhất của đơn vị ấy là nền cai trị bằng chế độ quân chủ. Một quốc gia như thế là hiện thân của ý tưởng tuyệt đối. Trong nghiên cứu của mình về lịch sử, Hegel duyệt lại lịch sử của các quốc gia, tuần tự từ các nước ít có ảnh hưởng lên nhân dân cho tới các nước đại diện cao hơn cho cái tuyệt đối. Dù phần lớn triển khai ấy của ông đáng ngờ, nhưng khái niệm của ông về sự xung đột giữa các nền văn hóa kích thích người ta phải phân tích lịch sử. 

Hegel xem nghệ thuật như một lối tiếp cận gần cái tuyệt đối hơn là chính quyền. Hegel chia lịch sử nghệ thuật thành ba thời kỳ: thời Ðông phương, thời Hi Lạp và thời Lãng mạn. Ông tin rằng hình thức lãng mạn nghệ thuật hiện đại không dung chứa nổi tính chất trọng đại của lý tưởng Kitô giáo. 

Hegel giảng dạy rằng tôn giáo chuyển dịch qua một chuỗi cấp bậc, từ sự bái lạy thiên nhiên tới Kitô giáo, nơi Ðức Kitô biểu hiện sự hiệp nhất của Thiên Chúa và con người, của linh hồn và vật chất. Triết học đi quá bên kia tôn giáo khi nó làm cho con người có khả năng lĩnh hội sự phơi mở của cái tuyệt đối trong toàn bộ lịch sử. 

Hegel ảnh hưởng lên nhiều triết gia đi sau ông. Chủ nghĩa duy tâm hậu Hegel, chủ nghĩa hiện sinh của Kierkegaard và Sartre, chủ nghĩa xã hội của Marx và Ferdinand Lasalle (1825–1864) và chủ nghĩa công cụ của John Dewey. Lý thuyết của ông về quốc gia là sức mạnh dẫn đạo cho Phong trào Thanh niên Hegel tìm cách thống nhất nước Ðức. 

Sau khi Hegel qua đời, các bài giảng của ông về triết học, tôn giáo, mỹ học và lịch sử được kết tập thành một bộ sách tám cuốn. 

---o0o---

13. Marx (1818 - 1883) 


Triết gia xã hội và là người thành lập chủ nghĩa cộng sản quốc tế. Tên đầy đủ Karl Marx. 

Marx sinh tại Ðức, con của một luật sư Do Thái cải từ đạo Do Thái sang Kitô giáo hệ Thệ phản Luther. Trong lịch sử triết học thế giới, Marx là một triết gia với động cơ không chỉ là nhu cầu tri thức hàn lâm mà còn giấc mơ cứu thế, suy tưởng và trực tiếp ứng dụng hệ thống triết học của mình nhằm, theo quan điểm của Marx, đẩy nhanh hơn diễn biến tiến hóa của thế giới. Các sử gia viết về thế kỷ 20 không thể không nhấn mạnh vai trò của Marx trong cả chính trị lẫn triết lý. 

Marx học luật tại Bonn và Berlin, nhưng chuyển sang học triết, cách riêng học thuyết Hegel và chủ nghĩa duy vật của Luwig Feurbach (1804-1872). Năm 1841, ông nhận văn bằng tiến sĩ của Ðại học Jena. Năm 1842-1843, ông làm biên tập viên – chủ bút, cho tạp chí cấp tiến Rheinnische Zeitung (Báo miền sông Rhein). 

Sau khi tờ báo bị đàn áp và phải đóng cửa, Marx sang ở Paris (1843) và Brussell (1845). Ở đó, cùng với Friedrich Engels (1820-1895) như một cộng sự viên thân thiết, đệ tử và là người bảo trợ, ông tái tổ chức Liên minh của người công chính theo chủ nghĩa xã hội, về sau dược đặt lại tên là Liên hiệp những người Cộng sản, hội họp nhau ở Luân Ðôn năm 1847. 

Năm 1848, kết hợp với Engels, Marx kết thúc bản Tuyên ngôn của Ðảng Cộng sản, trong đó thông giải lịch sử là của đấu tranh giai cấp và công kích nhà nước là công cụ áp bức. Nó cũng tiên đoán cuộc cách mạng xã hội được lãnh đạo bởi giới vô sản, và đồng thời tấn công chủ nghĩa tư bản, quyền tư hữu, gia đình, tôn giáo và đạo đức là những hệ tư tưởng của giới trưởng giả. 

Bị trục xuất khỏi hầu hết các nước ở lục địa châu Âu, Marx sang Anh, định cư tại Luân Ðôn năm 1849. Ở đó, ông nghiên cứu kinh tế và viết quyển thứ nhất của tác phẩm chính là Tư bản luận (1867), hai quyển sau do Engels kết tập từ bản thảo của Marx, được xuất bản sau khi Marx qua đời, vào các năm 1884 và 1894. 

Trong ba quyển ấy, Marx triển khai lý thuyết về cuộc cách mạng chính trị và toàn cầu, là kết quả tất yếu của cuộc xung đột giữa giai cấp lao động và giai cấp trưởng giả. Mục đích của Marx là đoàn kết mọi người lao động trên thế giới nhằm mục đích nắm quyền lực chính trị và vượt lên trên biên giới giữa các quốc gia. 

Marx là nhân vật hàng đầu trong Quốc tế Ðệ nhất từ năm 1864 cho tới khi nó thoái chuyển năm 1872. Người ta có thể tìm thấy trong các văn bản của Marx những luận giải về đủ loại vấn đề văn hóa, lịch sử, tôn giáo, xã hội, v.v. Thập niên sau cùng của đời ông bị đánh dấu bởi đau ốm bệnh tật ngày càng tăng. Ông được chôn cất tại nghĩa trang Highgate ở Luân Ðôn. 

Chủ nghĩa Marx là một bộ phận của tư tưởng chính trị và xã hội được thấm nhuần từ các văn bản của Karl Marx. Theo Marx, toàn bộ lịch sử loài người bị thúc đẩy bởi lịch sử đấu tranh giai cấp. Với Marx, sức mạnh lèo lái cuộc đổi thay xã hội là tính chất mâu thuẫn giữa cấu trúc của ‘các lực lượng sản xuất’ và thứ bậc xã hội. Những mâu thuẫn ấy tăng dần, nhiên hậu chỉ có thể bị thủ tiêu bởi cuộc cách mạng xã hội lật đổ giai cấp thống trị và thay vào đó bằng một giai cấp khác. Tối hậu, chỉ có giai cấp lao động đánh bại giai cấp tư bản để cuối cùng thiết lập xã hội cộng sản vô giai cấp. 

Theo thông giải của chủ nghĩa cộng sản, duy vật biện chứng pháp nằm ở cấp bậc cao hơn chủ nghĩa duy vật, đặt cơ sở trên chủ nghĩa xã hội không tưởng mang bản sắc Anh, thí dụ Thomas More (1478-1535), chính khách và học giả Anh, tác giả cuốn Utopia, cũng như trên triết học duy vật, chủ yếu được định nghĩa bởi Feurbach, và trên biện chứng pháp, tuy duy tâm, của Hegel. 

Chủ nghĩa Marx do đó, chủ yếu là sự phân tích mang tính phê phán xã hội tư bản, cuộc cách mạng vô sản và sự chuyển thể sang chế độ xã hội chủ nghĩa. 

Phần lớn tác phẩm của Marx, đặc biệt bộ Tư bản luận, đều liên quan tới động lực kinh tế của xã hội tư bản, nhìn nhà nước như công cụ của giai cấp thống trị nhằm hỗ trợ tư bản cá thể và áp bức tập thể quần chúng. Vì nhu cầu tư bản cá thể là thu lợi nhuận hoặc bòn rút giá trị thặng dư, nên nó phải giữ lương bổng ở mức tối thiểu để tồn tại. Tình trạng ấy làm phát sinh các mâu thuẫn kinh tế vì nó cản trở sức mua của người lao động trong việc tiêu thụ các hàng hóa sản xuất. Chủ nghĩa tư bản do đó bất ổn một cách cố hữu, và là chủ thể gây nên những cuộc khủng hoảng khiến ngày càng tăng thêm sự đình trệ. 

Marx cho rằng những khủng hoảng ấy càng lúc càng tồi tệ, cuối cùng dẫn tới cuộc cách mạng qua đó giai cấp lao động nắm lấy nhà nước, thiết lập nền độc tài của người vô sản, sức mạnh sản xuất nằm trong tay của nhân dân và trong xã hội xã hội chủ nghĩa, không còn tình trạng khác biệt giai cấp. Xã hội vô giai cấp ấy cuối cùng sẽ dẫn tới sự tàn lụi của nhà nước, sản sinh xã hội cộng sản. 

Chủ nghĩa Marx tìm cách mở rộng phương pháp phân tích ấy tới các tình huống đương đại. Ðặc biệt, chủ nghĩa Marx phương Tây xem xét khả năng can thiệp của nhà nước nhằm làm dịu hẳn các cuộc khủng hoảng của tư bản chủ nghĩa và thiết lập tính chính thống hợp pháp cho trật tự tư bản hiện hành thông qua sự kiểm soát của nó trên giáo dục và truyền thông. Trong các xã hội chưa phát triển mạnh kỹ nghệ, chủ nghĩa Marx được thích nghi nhằm giải thích các cuộc cách mạng tại những xứ sở mà chủ nghĩa tư bản chưa phát triển rộng rãi, tương phản với quan điểm lịch sử của Marx. 

Nói chung, có sự thừa nhận rằng các văn bản của Marx có liên quan tới sự chuyển thể sang một xã hội mang tính xã hội chủ nghĩa, nhưng chúng thiếu các chi tiết về bản tính của xã hội chủ nghĩa. Vì thế, nó đưa tới hậu quả là chủ nghĩa Marx lôi cuốn một qui mô lớn rộng những thông giải của các nhà lý thuyết chính trị trong tình trạng thiếu sự đồng thuận phổ quát. 

---o0o---


tải về 439.67 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   8   9   10   11   12   13   14   15   16




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương