BỘ y tế SỔ tay hưỚng dẫn thực hiệN


CHƯƠNG 5: CHẾ ĐỘ BÁO CÁO, KIỂM TRA, KIỂM TOÁN, QUYẾT TOÁN DỰ ÁN



tải về 2.97 Mb.
trang8/29
Chuyển đổi dữ liệu19.08.2016
Kích2.97 Mb.
#22882
1   ...   4   5   6   7   8   9   10   11   ...   29

CHƯƠNG 5: CHẾ ĐỘ BÁO CÁO, KIỂM TRA, KIỂM TOÁN, QUYẾT TOÁN DỰ ÁN

5.1 CHẾ ĐỘ BÁO CÁO


Hàng tháng, CPMU báo cáo Bộ Y tế (Vụ KHTC), Bộ Tài chính (Cục quản lý nợ và TCĐN, Vụ HCSN, Vụ Đầu tư), Bộ Kế hoạch và Đầu tư, WB tình hình thực hiện dự án, tình hình sử dụng vốn vay và vốn đối ứng của Chính phủ.

Định kỳ hàng quý, vào ngày 10 của tháng đầu quý, CPMU có trách nhiệm lập báo cáo sao kê các khoản đã được WB giải ngân trong quý trước chi tiết theo từng đơn rút vốn và chi tiết theo tính chất sử dụng vốn (XDCB, HCSN), chi tiết theo đối tượng sử dụng vốn và cơ quan kiểm soát chi, gửi Bộ Tài chính (Cục quản lý nợ và Tài chính Đối ngoại) để phục vụ mục đích hạch toán ngân sách.

Báo cáo tài chính dự án sử dụng mẫu biểu quy định trong Chế độ kế toán hành chính sự nghiệp ban hành kèm theo Quyết định số 19/2006/QĐ-BTC ngày 30/03/2006 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, các Thông tư hướng dẫn sửa đổi, bổ sung và mẫu báo cáo AMT theo Quyết định số 803/2007/QĐ -BKHĐT của Bộ Kế hoạch Đầu tư.


  • Các báo cáo tài chính theo quy định của WB

  • Báo cáo tài chính giữa kỳ chưa kiểm toán theo quý: Chủ đầu tư nộp cho CPMU chậm nhất là 25 ngày kể từ ngày kết thúc quý, CPMU nộp cho WB chậm nhất là 45 ngày kể từ ngày kết thúc quý.

  • Báo cáo tài chính hợp nhất năm đã được kiểm toán: CPMU chịu trách nhiệm lập báo cáo tài chính hợp nhất năm phục vụ công tác kiểm toán. Báo cáo tài chính hợp nhất năm bao gồm hoạt động dự án tại tất cả các tỉnh tham gia dự án và tại CPMU. CPMU chịu trách nhiệm nộp báo cáo tài chính hợp nhất năm đó được kiểm toán cho WB chậm nhất là 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính.

  • Các báo cáo tài chính theo quy định của Việt Nam

  • Báo cáo quý: Chủ đầu tư/Sở Y tế nộp cho CPMU, các cơ quan tài chính và kho bạc tài chính đồng cấp chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày kết thúc quư.

  • Báo cáo năm: Chủ đầu tư/Sở Y tế nộp cho CPMU chậm nhất là 60 ngày kể từ ngày kết thúc năm (có kèm theo báo cáo kiểm toán của cơ quan kiểm toán độc lập) để tổng hợp. Chậm nhất 90 ngày, CPMU gửi báo cáo tài chính về Bộ Y tế để tổng hợp gửi Bộ Tài chính.


5.2 KIỂM TRA, KIỂM SOÁT NỘI BỘ


- Kiểm tra: Các cơ quan chức năng của Bộ Y tế phối hợp với CPMU kiểm tra đột xuất tại các tỉnh tham gia dự án về các nội dung và nhiệm vụ dự án, tiến độ thực hiện dự án, những khó khăn trong việc điều hành dự án, tìm nguyên nhân và kiến nghị với các cấp biện pháp tháo gỡ.

- Hệ thống kiểm soát nội bộ: Hoạt động kiểm soát nội bộ mang tính khách quan và được tiến hành với mục đích cải thiện hiệu quả hoạt động và đảm bảo việc sử dụng vốn đúng mục đích và quy trình của các tỉnh.

Định kỳ 6 tháng, cán bộ của CPMU sẽ cử đoàn kiểm tra làm việc tại các Sở Y tế và Chủ Đầu tư. Các Sở y tế/Chủ đầu tư có trách nhiệm lưu giữ các tài liệu chứng từ gốc và sẵn sàng cung cấp, giải trình theo yêu cầu của đoàn kiểm tra.

Nhiệm vụ của quá trình kiểm soát nội bộ bao gồm:


  • Kiểm tra tính phù hợp, hiệu lực và hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ.

  • Kiểm tra xác nhận chất lượng, độ tin cậy của thông tin kinh tế, tài chính trình bày trên báo cáo tài chính.

  • Kiểm tra tính tuân thủ các quy định của WB, chế độ quản lý Nhà nước, đặc biệt các quy định tại cuốn Hướng dẫn quản lý thực hiện dự án.

  • Phát hiện những sơ hở yếu kém trong quản lý.

Khi kết thúc quá trình kiểm soát, nhóm kiểm soát sẽ tiến hành viết báo cáo và trình Giám đốc CPMU. Báo cáo kiểm soát sẽ đề cập tới kết quả kiểm soát, các vấn đề tồn tại và các khuyến nghị phương pháp giải quyết.

Công tác kiểm soát nội bộ của Dự án tuân theo các quy định của Chính phủ và hệ thống kiểm soát nội bộ thống nhất của WB. Các yêu cầu tối thiểu của kiểm soát nội bộ bao gồm: (i) xác định rõ các trách nhiệm quản lý tài chính và cấu trúc báo cáo (trong Sổ tay hướng dẫn về quản lý tài chính); (ii) phân tích nhiệm vụ; (iii) các đối chiếu được thực hiện đều đặn, kịp thời (đối chiếu tài khoản ngân hàng hàng tháng); (iv) đảm bảo an toàn cho tiền mặt và tài sản (tiền mặt và tài sản được kiểm kê định kỳ); (v) theo dõi và kiểm tra độc lập (kiểm soát nội bộ của dự án); (vi) theo dõi và có các biện pháp khắc phục, sửa chữa kịp thời; và (vii) chứng từ hợp lệ và lưu giữ chứng từ, sổ sách tài chính dự án.

Để tăng cường kiểm soát, dự án cần đảm bảo:

Tài khoản, ngân hàng và giải ngân


  • Mức tiền mặt trong quỹ được để ở mức hợp lý và kiểm kê tiền mặt một cách khách quan và đều đặn;

  • Đối chiếu ngân hàng hàng tháng được thực hiện, thể hiện bằng văn bản và kiểm tra lại một cách khách quan cho cả tài khoản chuyên dùng và các tài khoản dự án;

  • Thanh toán cho chuyên gia/nhà cung cấp/nhà thầu nên được thực hiện bằng chuyển khoản hoặc séc, thanh toán bằng tiền mặt chỉ sử dụng cho các mua sắm nhỏ có giá trị tương đương dưới 1000 USD;

  • Thanh toán bằng tiền mặt được làm chứng bởi người trả tiền, người nhận tiền và nhân chứng độc lập;

  • Các tạm ứng cần được thanh quyết toán trong vòng 5 ngày kể từ khi hoàn thành hoạt động được tạm ứng.

Các yêu cầu về chứng từ và kiểm soát thanh toán cho đào tạo, hội thảo, hội nghị

Để tăng cường kiểm soát đối với các thanh toán cho đào tạo, hội nghị, hội thảo, các hoạt động kiểm soát cần được thực hiện bao gồm:



  • Các yêu cầu về chứng từ thanh toán:

    • Báo cáo hoạt động;

    • Các bằng chứng chứng minh hoạt động được thực hiện: Hoá đơn, hợp đồng, phiếu thu, chi… (ví dụ: ảnh, bài báo, chứng nhận khách quan);

    • Danh sách chữ ký của người tham dự ghi rõ tên, chức vụ, cơ quan, số điện thoại liên hệ.

  • Chọn ngẫu nhiên hoạt động để kiểm tra và xác minh qua người tham dự.

Các yêu cầu về chứng từ và kiểm soát thanh toán cho chi phí đi lại

Để tăng cường kiểm soát đối với các thanh toán cho chi phí đi lại, các hoạt động kiểm soát cần được thực hiện bao gồm:



  • Kế hoạch hoạt động được phê duyệt liên quan đến chi phí đi lại;

  • Phê duyệt dự toán, kế hoạch cho chuyến công tác trước khi đi công tác;

  • Các chứng từ thanh toán:

    • Hóa đơn/biên nhận thanh toán khách sạn;

    • Đi lại bằng tàu thủy, xe ô tô công cộng: vé đã sử dụng, hóa đơn/biên nhận thanh toán vé;

    • Đi lại bằng máy bay: vé đã sử dụng, thẻ lên máy bay, biên nhận/hóa đơn thuế;

    • Đi lại bằng taxi: Hóa đơn/biên nhận cước taxi.

    • Công lệnh (giấy đi đường).

  • Báo cáo/bằng chứng hoạt động, ví dụ: xác nhận khách quan về chuyến công tác;

  • Thanh toán được xét duyệt bởi người khác (không phải là người đi công tác);

  • Thanh toán theo định mức quy định.

Tài sản cố định:

  • Tài sản cố định được ghi chép trong sổ tài sản cố định chi tiết về mã hiệu tài sản, mô tả, ngày mua sắm, năm sản xuất, năm đưa vào sử dụng, trị giá, tài liệu tham khảo, nơi để, tình trạng, người có trách nhiệm giữ tài sản. Các tài sản được xác định thông qua đánh số và có thẻ riêng;

  • Quy trình quản lý tài sản bao gồm cả việc theo dõi việc sử dụng tài sản, tình trạng và các tài sản bị loại ra do mất hay chuyển nhượng;

  • Giấy phép/bản quyền máy tính cũng được coi là tài sản cố định;

  • Sổ sách ghi chép về bảo dưỡng đối với các tài sản cần được lưu giữ;

  • Kiểm tra hiện trạng tài sản cần được tiến hành và thống nhất của cả nhóm kiểm tra bao gồm cán bộ đấu thầu mua sắm/tài chính và các cán bộ có trách nhiệm khác.

Hệ thống quản lý và kế toán tài chính vi tính hóa

  • Hệ thống cần được định dạng đảm bảo các ghi chép tài chính không thể thay đổi hoặc xóa bỏ (các thay đổi đối với ghi chép kế toán phải được thực hiện bởi bút toán ghi sổ);

  • Cần phải có mật khẩu bảo vệ;

  • Quy trình sao lưu thích hợp và đầy đủ.

Lưu trữ tài liệu, hồ sơ, sổ sách

  • Hệ thống lưu trữ dự án cần được thiết lập đảm bảo toàn bộ các hồ sơ tài chính được nhận biết và lưu giữ đúng cách;

  • Hệ thống lưu trữ phải đảm bảo các tài liệu, hồ sơ có thể tìm được và lấy ra một cách dễ dàng.


5.3 KIỂM TOÁN


Hàng năm toàn bộ hoạt động tài chính của dự án phải được cơ quan kiểm toán độc lập thực hiện kiểm toán theo các quy định của pháp luật, của Hiệp định vay. CPMU thực hiện thuê tuyển công ty kiểm toán theo quy định hiện hành của nhà nước và của nhà tài trợ .

Khi thực hiện kiểm toán, CPMU phải thực hiện đầy đủ các quy định tại Nghị định số 105/2004/NĐ-CP ngày 30/3/2004 của Chính phủ về Kiểm toán độc lập và Thông tư số 64/2004/TT-BTC ngày 29/6/2004 của Bộ Tài chính Hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 105/2004/NĐ-CP nêu trên.

Mục đích của kiểm toán báo cáo tài chính là đơn vị kiểm toán đưa ra các ý kiến, nhận xét về tình hình tài chính của Dự án tại thời điểm kết thúc năm tài chính và về kinh phí nhận được, kinh phí đó sử dụng tích lũy đến cuối kỳ kế toán dựa trên các báo cáo tài chính, cũng như nhận xét về báo cáo tài khoản chuyên dùng và các sao kê chi tiêu.

Kiểm toán độc lập được tài trợ từ nguồn IDA của dự án, được CPMU tuyển chọn theo đúng quy trình tuyển chọn tư vấn của Ngân hàng Thế giới. Công ty kiểm toán và điều khoản tham chiếu cho công việc kiểm toán độc lập cần được Ngân hàng Thế giới phê duyệt.


5.4 QUYẾT TOÁN


Kết thúc năm tài chính, CPMU và các Chủ đầu tư phải lập báo cáo quyết toán năm các hoạt động của dự án trong năm theo quy định hiện hành về phân công thực hiện và thẩm quyền thẩm định, phê duyệt báo cáo quyết toán. Quy trình lập báo cáo, xét duyệt và tổng hợp quyết toán được thực hiện theo từng nguồn vốn như sau:

a) Nguồn vốn vay WB

- Các Sở Y tế, Chủ đầu tư căn cứ vào các nội dung chi, kiểm tra chứng từ, tổng hợp quyết toán theo mục lục ngân sách nhà nước gửi cơ quan tài chính địa phương thẩm định. Sau khi được thẩm định, PPMU gửi báo cáo quyết toán đến CPMU để tổng hợp.

- CPMU tổng hợp các chứng từ của các hoạt động tại CPMU, tổng hợp quyết toán toàn dự án (CPMU và các Chủ đầu tư) gửi Bộ Y tế để phê duyệt và tổng hợp gửi Bộ Tài chính thẩm định.

c) Nguồn vốn đối ứng

- Các Chủ đầu tư căn cứ vào số thực chi từ nguồn vốn đối ứng do địa phương phân bổ cho các hoạt động của dự án, tổng hợp quyết toán theo mục lục ngân sách nhà nước gửi Sở Y tế tổng hợp, Sở Tài chính phê duyệt trình UBND tỉnh thẩm định và báo cáo Bộ Tài chính.

- CPMU căn cứ vào số thực chi từ nguồn vốn đối ứng do Bộ Y tế phân bổ cho các hoạt động của dự án, tổng hợp quyết toán theo mục lục ngân sách nhà nước gửi Bộ Y tế phê duyệt và tổng hợp gửi Bộ Tài chính thẩm định.

Thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quyết toán vốn đầu tư thực hiện theo các quy định tại Thông tư số 19/2011/TT-BTC quy định về quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn Nhà nước; thông tư 210/2010/TT-BTC ngày 20/12/2010 của Bộ Tài chính về hướng dẫn quyết toán vốn đầu tư XDCB thuộc nguồn vốn NSNN theo niên độ hàng năm; Thông tư số 108/2008/TT-BTC ngày 18/11/2008 của Bộ Tài chính về hướng dẫn xử lý ngân sách cuối năm và lập, báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm.

Thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quyết toán vốn HCSN thực hiện theo Thông tư 01/2007/TT-BTC ngày 02/01/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn xét duyệt, thẩm định và thông báo quyết toán năm đối với các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và ngân sách các cấp và các văn bản bổ sung, sửa đổi hoặc thay thế Thông tư nêu trên.



tải về 2.97 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   4   5   6   7   8   9   10   11   ...   29




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương