BỒ TÁt và TÁnh không trong kinh tạng pali



tải về 4.14 Mb.
trang4/20
Chuyển đổi dữ liệu09.05.2018
Kích4.14 Mb.
#37847
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   20

KHÁI NIỆM BỒ TÁT


Khi nào, tại sao và thế nào khái niệm Bồ-tát (菩 薩) bắt nguồn tại Ấn Độ và tồn tại trong chuỗi lịch sử lâu dài của Phật giáo. Đây là những vấn đề đang được quan tâm trong giới Phật giáo trên khắp thế giới. Khái niệm Bồ-tát đều có xuất hiện trong kinh tạng Nguyên-thủy38 (杷 厘 經 藏) lẫn Đại-thừa (大 乘 經 典) nên dễ dàng đưa đến sự khẳng định rằng lý tưởng Bồ-tát sau này gắn liền với lý tưởng Bồ-tát trong Phật giáo Nguyên-thủy (源 始 佛 教). Khái niệm Bồ-tát dường như không có xa lạ với truyền thống Nguyên-thủy, mặc dù từ thế kỷ thứ V tây lịch ngược lại thời điểm của Nikaya, phạm vi phát triển dần dần thu hẹp lại.

Câu trả lời chính xác cho vấn đề liệu kinh điển thời kỳ đầu (Tiểu-thừa)39 có vay mượn ý tưởng đó từ Đại-thừa hay không là tùy thuộc vào việc nghiên cứu các nguồn tài liệu Phật giáo cổ điển. Mặc dù có nhiều trường phái khác nhau nhưng đều căn cứ vào lời dạy căn bản của Đức Phật và không vượt ra khỏi truyền thống chung.40

Sự phát triển lý tưởng Bồ-tát (菩 薩 理 想) thật sự là biểu trưng đặc thù của trường phái Đại-thừa (truyền thống Phật giáo Phát triển). Dường như các nhà Nguyên-thủy thừa kế lý tưởng bồ tát này từ truyền thống trùng tụng cổ xưa nhất hơn là vay mượn nó từ trường phái khác. Cũng như vậy, ông E.J. Thomas41 có ý kiến rằng không có trường phái Phật giáo nào cho là có người đầu tiên khởi xướng lý tưởng Bồ-tát, cũng không có bất kỳ nguồn thông tin chính xác nào có thể xác nhận các trường phái khác vay mượn khái niệm Bồ-tát.

Khái niệm Bồ-tát trong Đại-thừa là một hệ luận sâu sắc trong giới nghiên cứu Phật giáo. Phật tử thuộc Phật giáo Nguyên-thủy tin rằng duy nhất có Đức Phật Cồ-Đàm mà những kiếp trước của ngài là một Bồ-tát. Như kinh Bổn sanh dạy Bồ-tát được tính từ kiếp khởi đầu khi ngài là một bà-la-môn Tịnh Huệ (Sumedha) cho đến kiếp cuối cùng của ngài trên cung trời Đâu suất (trước khi ngài giáng xuống trần). Là một vị Bồ-tát, ngài đã sống một đời như một người bình thường luôn làm điều tốt và tránh điều xấu. Trong nhiều kiếp, ngài đã hy sinh kể cả thân mạng để thực hành trọn vẹn sáu hạnh ba-la-mật (theo Đại-thừa) hoặc mười ba-la-mật (波 羅 密)(theo Nguyên-thuỷ / Tiểu-thừa).

Theo kinh Thuyết Xuất-thế-bộ của Đại-chúng bộ (Mahāsānghika Lokottaravādis) dạy rằng trong kiếp cuối cùng Bồ-tát là Thái tử Sĩ-đạt-đa, ngài đã không có thụ thai trong bụng mẹ và thật sự không sanh ra như những chúng sanh bình thường. Tuy ngài thị hiện như một con người bình thường, vẫn sống đời sống có gia đình nhưng lại nỗ lực truy tìm con đường thoát khổ.42

Phật giáo Đại-thừa tin rằng họ đã phát triển phong phú khái niệm Bồ-tát của Phật giáo Nguyên-thủy. Họ đã chứng minh rằng trong thế giới con người có những Bồ-tát phát bồ đề tâm, tu tập các hạnh nguyện ba-la-mật như vậy và sẽ trở thành Phật. Sự phát bồ đề tâm đòi hỏi bồ tát phải hy sinh bản thân trong nhiều đời và khi nào chúng sanh giải thoát hết thì mới đến ngài giải thoát. Bởi vì nếu chỉ giải thoát cho riêng mình trước người khác thì ý nghĩa của bồ đề tâm sẽ không được phát triển đầy đủ.

Theo các nhà Đại-thừa, Bồ-tát nhiều vô số như số cát sông Hằng không thể đếm hết được. Thật ra, về bản thể mỗi chúng sanh là một vị Bồ-tát, bởi mỗi con người đều có tiềm năng, chủng tử, bản chất để trở thành Bồ-tát trong đời sống này và nhiều đời kế tiếp. Có nhiều tướng mạo cụ thể và đức hạnh riêng biệt được gán cho một số các Bồ-tát. Trong kinh điển Đại-thừa ban sơ nhấn mạnh về phẩm hạnh của Bồ-tát hơn là hình tướng. Trong khi các kinh điển Đại-thừa về sau thì ngược lại. Trong kinh Pháp hoa, kinh Đại-thừa Trang nghiêm Bảo vương (Kāraṇḍavyūha) và nhiều kinh khác… đã mô tả nhiều về đức hạnh và năng lực của các vị Bồ-tát lập nguyện tiếp độ chúng sanh; còn một chúng sanh nào chưa giải thoát thì các ngài chưa thành Phật. Hoặc nói một cách khác, về mặt siêu hình, tâm của các ngài đã vượt khỏi vòng đối đãi hai bên giữa công đức và không công đức; nên sự thực hiện tu tập từ bi chỉ là phương tiện để cứu khổ chúng sanh.

Theo dòng thời gian, các vị Bồ-tát được gán cho nhiều hình tướng và nhiều biểu tượng đáp ứng mục đích tín ngưỡng thờ phượng với những nghi thức tôn giáo chi tiết và nhiều khái niệm huyền thoại để thêu dệt các hình tượng Bồ-tát nhiều thân giống như các thần và nữ thần của bà-la-môn giáo. Vì vậy, dường như rằng học thuyết Bồ-tát đã được du nhập và làm mạnh yếu tố của Bhakti (tín tâm, 信 心) trong Phật giáo.43

Với khái niệm Bồ-tát này, các nhà Đại-thừa đã thêm chi tiết hạnh nghiệp của Bồ-tát, trong đó nhấn mạnh không chỉ thực hiện đầy đủ các ba-la-mật mà còn tu tập nhiều phương pháp thiền định hướng đến giác ngộ pháp-không (法空) hoặc chân như (真 如). Và điều này rõ rằng đã trở thành phương pháp tu tập của các Bồ-tát.

Khó mà xác định giai đoạn nào khái niệm Bồ-tát được xuất hiện. Muốn rõ điều này chúng ta phải xác định thời gian hình thành kinh Bổn sanh (trong Pali và Sanskrit) và Kinh Thí dụ (Avadāna, tiếng Phạn pha trộn) trong đó tường thuật những kiếp trước của Đức Phật như là vị Bồ-tát. Ở đây có thể nói thêm rằng khái niệm Bồ-tát có thể xuất hiện vào khoảng thời gian sau khi kinh Bổn sanh ra đời. Rồi theo dòng thời gian tiến triển, các nhà Đại-thừa đã chuyển khái niệm Bồ-tát này thành một thừa riêng biệt được biết là Bồ-tát thừa (菩 薩 乘). Thật ra, Bồ-tát là một thuật từ đã được giải thích, diễn dịch và định nghĩa rộng rãi. Từ đó, từ nguyên của từ Bồ-tát đã gây ra nhiều tranh luận và sự ứng dụng của khái niệm này cũng trở nên rất đa dạng. Điều này có thể được xem như một hiện tượng nổi bật của bước ngoặt lịch sử trong đó ý nghĩa và giá trị của từ Bồ-tát đã trải qua nhiều thay đổi đáng kể trong tiến trình phát triển giáo lý và tiến hóa lịch sử.

Thế nên trước hết, chúng ta cần tìm hiểu ý nghĩa chuyên môn thuật từ của Bồ-tát.

---O0O---


Định nghĩa từ Bồ-Tát


Như chúng ta biết khái niệm Bồ-tát là một trong những khái niệm quan trọng nhất trong cả hai truyền thống Phật giáo Nguyên-thuỷ và Đại-thừa. Theo từ nguyên học, từ ‘Bồ-tát’ (Boddhisatta) xuất phát từ từ gốc ‘budh’ nghĩa là tỉnh thức. Danh từ ‘bodhi’ (giác) có ba nghĩa: (i) tri (ii) giác và (iii) trí tuệ của Đức Phật.44

Trong Tăng chi bộ kinh từ bodhi có nghĩa là tri, giác, bất ưng hành pháp (Aparihānīyā Dhammā và niết bàn (Nibbāna).45

Thượng-tọa-bộ cho rằng khi ‘bodhi’ (giác) kết hợp với ‘satta’, thì bodhinghĩa là trí tuệ của bậc thanh tịnh đã vượt qua tất cả phiền não.46

Theo từ nguyên học, ‘Buddhi’ là kết hợp với từ ‘Bodhi’ như thường thấy trong những hệ thống triết lý Bà-la-môn giáo. Trong triết lý Số Luận Du già phái (Sāṅkhya-yoga), ‘buddhi’ mang ý nghĩa tâm lý học, là kết quả đầu tiên của sự tiến triển tự tánh (Prakṛti).47

Vì vậy, từ ‘bodhi’ là đưa đến niết bàn và niết bàn là sự an lạc tối hậu.

Theo Bách-khoa Toàn-thư Phật-học,48 từ nguyên học của từ này được chia làm hai phần bodhi và sattvabodhi là từ gốc của budhnghĩa là thức tỉnh hoặc giác và sattva rút từ ‘sant’ là phân từ hiện tại của gốc ‘as’ có nghĩa là một hữu tình hoặc nghĩa đen là ‘một chúng sanh’. Như vậy, bodhisattva nghĩa là hữu tình giác, một người đi tìm cầu giác ngộ hay một vị Phật sẽ thành. Và từ Pāli bodhisatta được rút từ bodhi và satta (Sanskrit: Sakta xuất phát từ sañj) là một hữu tình tìm cầu giác ngộ.

Theo Bách-khoa Toàn-thư của Tôn-giáo và Đạo-đức học,49Bodhisattva thường được dịch là ‘chúng sanh có trí tuệ hoàn hảo’ (sattva: bản chất, nhất thể, như svabhāva là thực thể). Có thể rằng đây là nghĩa chính của từ này, tuy nhiên, về mặt lịch sử, thật ra Bồ-tát là ‘một chúng sanh đang trên đường đạt giác ngộ’nghĩa là một vị Phật tương lai như Monier Williams đã nói trong tự điển Sanksrit-English.

Từ satta (Sanskrit là sattva: tình), rút từ sat+tva thường có ba nghĩa (i) hữu tình, chúng sanh và người có lý trí (ii) linh hồn và (iii) bản chất.50

Har Dayal trong tác phẩm nổi tiếng ‘The Bodhisattva Doctrine in Buddhist Sanksrit Literature’ (Học thuyết Bồ-tát trong Văn học Phật giáo tiếng Phạn)51 đã đồng ý rằng bodhi nghĩa là ‘giác’ và đã bàn rộng nghĩa sattva theo từ nguyên học52 đã đưa ra nhiều cách khác nhau của nhiều từ điển và học giả để chọn ra ý nghĩa gần nhất của từsattva trong hợp từ bodhivattva.

Sau khi khảo sát những quan điểm có căn cứ chính xác của nhiều nhà học giả, Har Dayal cho rằng: "Cách tốt nhất là luôn luôn tham khảo từ Pāli không coi trọng nhiều sự dịch thuật của những nhà triết học hoặc những nhà tự điển học sau này". Và ông đi đến kết luận rằng "sattva" nghĩa là ‘bất cứ chúng sanh hoặc hữu tình nào’ (như tự điển Sanskrit của M.W) "ein lebendes Wesen" (Skt. Dicy. Pbg). Từ Pāli satta có lẽ là ‘một chúng sanh, con người, sinh vật có tình thức (Pāli. Dicy. S.v). Hầu hết các học giả hiện đại chấp nhận sự dịch này."53 Har Dayal đã chú giải đúng từ ‘satta’ trong ngữ cảnh này mà không biểu thị chỉ là một con người bình thường. Har Dayal cũng chứng tỏ thêm rằng rõ ràng liên quan đến từ Vedic, satvan’ nghĩa là ‘kelegar’ ‘một thành viên, anh hùng, người can đãm và mạnh mẽ’.54

Trong Thanh-tịnh đạo-luận (Visuddhimagga) (IX 53) cho rằng Satta: "Chúng sanh (Satta): những người nắm giữ (Satta), chấp thủ (Visatta) do khát ái kết tụ với thể chất tạo ra, do đó họ là chúng hữu tình (Satta).

Đức Phật đã dạy điều này như sau:



"Này Rādha, bất cứ tham ái nào đối với sắc, bất cứ tham dục nào đối với sắc, bất cứ hỉ lạc nào đối với sắc, bất cứ khát ái nào đối với sắc, nắm giữ (Satta), chấp chặt (Visatta) nó, đó là một chúng sanh (Satta)."55

Từ ‘Sat’ xuất hiện trong triết lý Veda có nghĩa là: (i) thế giới xuất hiện hoặc (ii) bản chất thật hiện hữu của Ngã (Ātman).56 Trong Triết Số-luận Du già (Sāṅkhya –Yoga), từ ‘Sattva’ biểu thị yếu tố tự tánh (Prakṛti) có bản chất của sự an lạc, khinh an và sáng suốt.57

Từ ‘Bodhisattva’ (Bodhi+sattva) nói chung là một chúng sanh giác ngộ, chúng sanh hướng đến đạt sự giác ngộ hoàn toàn hoặc Phật quả.58 Trong lời chú thích của Trường-bộ-kinh59 đã định nghĩa từ này như sau: "Bodhisatto ti paṇḍitasatto bujjhanasatto; bodhi-saṁkhātesu vā catūsu maggesu āsatto laggamānaso ti bodhisatto." Nghĩa đen của từ Bồ-tát là (i) người có trí, hoặc (ii) người quyết định hoặc nắm giữ bốn con đường đưa đến giác ngộ.60

Theo Thượng-toạ-bộ định nghĩa Bodhisattva là một người chắc chắn sẽ trở thành Phật. Vị ấy là bậc sáng suốt được người có trí bảo vệ và ủng hộ.61 Trong luận Bát-nhã Ba-la-mật (Prajñā-pāramitā Śāstra) của ngài Long thọ (Nāgārjuna) cũng giải thích giống vậy.62

Trong Bồ-đề Hạnh kinh luận (Bodhicaryāvatāra Pañjikā và Ācārya Prajñākaramati63dạy rằng: Tatra (bodhau) Sattvaṁ abhiprāyo’syeti bodhisattvaḥ.64 Tương tự trong Nhất-bách-thiên-tụng Bát-nhã Ba-la-mật (Śatasāhasrikā Prajñāpāramitā)65 cũng nói rằng: "bodhau sattvam abhiprāyo yeṣāṁ te bodhisattvāḥ"66 tức Bồ-tát là một vị mà tâm, ý nguyện, tư tưởng hoặc ước mơ hướng đến giác ngộ.

Trong Bát-thiên-tụng Bát-nhã Ba-la-mật (Aṣṭasāhasrikā Prajñāpāramitā viết rằng: ‘Không có nghĩa nào thật cho từ Bồ-tát, bởi vì Bồ-tát tu tập không chấp thủ đối với tất cả các pháp. Vì Bồ-tát là bậc đã thức tỉnh không tham đắm, đã hiểu tất cả các pháp và giác ngộ là mục đích của Bồ-tát’.67

T.R.V. Murti quán sát Bodhisattva cho rằng không ngoài nghĩa người lương thiện, đạo đức và là cội nguồn tất cả điều lành cho thế gian.68Charls Elliot nói rằng Bồ-tát là bậc trí tuệ.69 H. Kern đồng ýBodhisattva là một chúng sanh giác ngộ.70

Tóm lại, từ nguyên học Bồ-tát (菩 薩) nghĩa là một chúng sanh giác ngộ (覺 有 情) một vị Phật sẽ thành hoặc một người khát ngưỡng đạt giác ngộ".

Và từ này biểu thị bất cứ ai tìm cầu giác ngộ (菩 偍) bao gồm chư Phật (諸 佛)Bích-chi Phật (緣 覺)và những đệ tử của Đức Phật hay nói chung là thường dùng để chỉ những người khát ngưỡng trở thành Đức Phật. Trong tập sách này, chúng ta có thể hiểu từ Bồ-tát như một người bình thường, vị anh hùng với chính nghiệp lực của mình trong đời sống này như tất cả người khác, nhưng với lòng quyết tâm và nỗ lực tu tập phương pháp thực tiễn do Đức Phật Cồ-đàm khám phá và hướng dẫn, đã vượt qua những nghiệp xấu và đau khổ để đạt giải thoát an lạc. Ngay cả sau này khái niệm Bồ-tát được phát triển trong kinh điển Đại-thừa, Bồ-tát trở thành một người tìm cầu ‘chánh đẳng chánh giác’(Samsak-sambodhi, 正 等 覺) Anuttara-Samsak-sambodh(阿 耨 多 羅 三 藐 三 菩 提, 無 上 正 等 覺),71 vì lợi ích của tất cả chúng sanh mà ngài tu tập các Ba-la-mật (pāramitās, 波 羅 密) thời gian và sự đau khổ đối với Bồ-tát không quan trọng, mục đích chính của ngài là đem hết tâm lực, ý chí kiên cường tu tập vì lợi ích cho chúng sanh mà tìm cầu giác ngộ và thực hiện các ba-la-mật giúp tất cả chúng sanh đạt giác ngộ viên mãn. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên nhớ một sự thật rằng Bồ-tát trong kinh điển Đại-thừa là những biểu tượng của những đức hạnh kết tinh từ Đức Phật lịch sử, hoặc là sự mô tả thật về các thánh nhân ở các hành tinh khác. Bồ tát là biểu tượng của những đức hạnh kết tinh từ Đức Phật lịch sử được thánh hoá như những bậc thánh nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của quần chúng và bối cảnh đa thần của xã hội Ấn độ lúc bấy giờ.

---o0o---


Ý nghĩa của thuật từ các bậc Thánh khác


Để hiểu Bồ-tát rõ hơn, chúng ta cũng cần phải phân biệt những thuật từ khác trong Phật giáo cũng biểu thị ý nghĩa các bậc thánh như chư thiên (諸 天), A-la-hán (阿 羅 漢), Thanh-văn (聲 聞), bậc Bích-chi Phật (辟 支 佛) và Đức Phật (佛 陀).

---O0O---



01. Chư thiên

Khái niệm chư thiên (諸 天) mặc dù có trình bày trong kinh Phật nhưng đây không phải là pháp thoại trung tâm, căn bản của tu tập. Phật giáo là hệ thống triết lý vô thần. Điều này có nghĩa là không chấp nhận Chúa trời hoặc Đấng sáng tạo ra con người và thế giới.

Trong kinh Aggañña của Trường bộ (Dīgha Nikāya)72 đã trình bày khá rõ ràng thế giới tự nhiên và con người là không phải sản phẩm của bất kỳ mệnh lệnh sáng tạo của một vị Chúa trời nào, mà chúng đơn thuần là những kết quả của tiến trình tiến hoá.

Trong tự điển Pāli-Anh của Hội Pāli Text đã định nghĩa chư thiên theo truyền thống Phật giáo như sau:



"Theo từ nguyên học ‘devā’ xuất phát từ ý nghĩa chơi, vui; một vị trời, vị thiên thần thường số nhiều của devā là Gods (chư thiên). Khi tước vị này được gán cho bất cứ chúng sanh siêu việt nào thì được xem như là thuộc lãnh vực trên loài người… Chư thiên thường đơn giản biểu thị cho sự sáng chói, linh động, nét đẹp, điều thiện và ánh sáng và những thuộc tính này như đối ngược lại với những năng lực bóng tối của điều xấu và hủy diệt."73

Theo Phật giáo, khái niệm thế giới có nghĩa là thế giới của chư thiên và con người. Vì vậy, trong những kinh điển của hai hệ Nguyên-thuỷ (Pāli) và Đại-thừa (tiếng Phạn và Hoa) có nhiều thần và nữ thần được mô tả. Trong Đại Kinh Sư tử hống (Mahā Sihanādā thuộc Trung Bộ74 đã mô tả những cảnh giới khác nhau của sự hiện hữu nhiều loại chư thiên. Thọ mạng của chư thiên cũng tăng từ năm trăm năm trên cõi trời Tứ-đại-thiên vương (Cātummahārājika) hoặc mười sáu ngàn năm trên cõi Tha-hoá-tự-tại thiên (Paranimmitavasavatti) hoặc... lâu mau tùy theo phước đức gieo trồng của chư thiên. Phật-bản-hạnh Tập kinh dị bản (Mahāvastu)75 và Thần-thông Du-hí kinh (Lalitavistara, trang 232) đã mô tả khá rõ ràng những tầng bậc khác nhau của chư thiên và thiên nữ. Chẳng hạn những nữ thần như Gauri, Laxmi, Durgā, Kāli, Sarasvati rất được tôn thờ trong thuyết đa thần của đạo Hindu. Điều này cũng ảnh hưởng đến các nhà Đại-thừa đã tạo ra những thiên nữ bằng cách thánh hoá các đối tượng của hiện tượng thiên nhiên, những ý tưởng trừu tượng và những đối thể khác. Tuy nhiên trong Phật giáo vị trí của chư thiên và thiên nữ không được coi trọng như các tôn giáo khác, bởi vì chư thiên như vậy được Đức Phật xem như là một trong những loại chúng sanh chưa giải thoát khỏi luật vô thường và vẫn còn bị chi phối bởi luật sống và chết, ngay cả mặc dù họ siêu nhiên hơn người trong lãnh vực năng lực, điều kiện sống và sự hưởng thụ an lạc ở cõi trời như Kinh Tăng chi dạy rằng:



"Này các tỳ-kheo, vào một thời, Sakka, vị chúa tể của chư thiên đang thuyết pháp ở tầng trời thứ ba mươi ba và nhân cơ hội đó đã thốt lên bài kệ rằng:

Vị ấy có thể giống như tôi nên giữ 

Ngày mười bốn, mười lăm và cũng ngày tám 

Theo làm lễ bố tát.

Nhưng, các tỳ-kheo, bài kệ này được xướng lên sai, không đúng. Vì cớ sao?

Này các tỳ-kheo, Sakka, vị chúa tể của chư thiên chưa từ bỏ được tham vọng, chưa từ bỏ được sân hận, chưa từ bỏ được si mê: trong khi vị tỳ-kheo là một bậc A-la-hán lậu hoặc đã cởi bỏ, những việc nên làm đã làm, gánh nặng đã đặt xuống, mục đích đã thành đạt, các kiết sử đã đoạn tận, giải thoát hoàn toàn. Này các tỳ-kheo, với vị tỳ-kheo ấy lời nói này mới là thích đáng.

"Này các tỳ-kheo, vào một thời, Sakka, vị chúa tể của chư thiên… và nhân cơ hội đó đã thốt lên bài kệ rằng…

Nhưng, các tỳ-kheo, bài kệ này được xướng lên sai, không đúng. Vì cớ sao?

Này các tỳ-kheo, Sakka, vị chúa tể của chư thiên chưa giải thoát khỏi sanh, già, bịnh, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Vị ấy chưa cởi bỏ được những thất vọng và nỗi đau khổ. Vị ấy chưa giải thoát khỏi tật bịnh. Ta tuyên bố như vậy. Trong khi tỳ-kheo là một vị A-la-hán… Vị tỳ-kheo là vị giải thoát khỏi sanh, già, bịnh, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Vị ấy giải thoát khỏi khổ đau. Ta tuyên bố như vậy.76

(Bhūtapubbaṁ bhikkhave Sakko devānaṁ indo deve Tāvatiṁse anunayamāno tāyaṁ velāyaṁ imaṁ gātham abhāsi:

Cātuddasī pañcadasī yāva pakkhassa aṭṭhamī 

Pāṭihāriyapakkhañ ca aṭṭhaṇgasusamāgataṁ 

Uposathaṁ upavaseyya yo p’assa madiso naro ti.

Sā kho pan’ esā bhikkhave Sakkena devānaṁ indena gāthā duggītā na sugītā dubbhāsitā na subhāsitā. Taṁ kissa hetu? Sakko bhikkhave devānaṁ indo avītarāgo avītadoso avītamoho. Yo ca kho so bhikkhave bhikkhu arahaṁ khīṇāsavo vusitavā katakaraṇīyo ohitabhāro anuppatta-sadattho parikkhīṇabhava-samyojano sammadaññāvimutto, tassa kho etaṁ bhikkhave bhikkhuno kallaṁ vacanāya.

Cātudilasī pañcadasī yāva pakkhassa aṭṭhaṁi 

Pāṭihāriyapakkhañ ca aṭṭhaṇgasusamāgataṁ 

Uposathaṁ upavaseyya yo p’assa māsido naro ti. 

Taṁ kissa hetu? So hi bhikkhave bhikkhu vītarāgo vītadoso vītamoho ti.

Bhūtapubbaṁ bhikkhave Sakko devānaṁ indo deve Tāvatiṁse anunayamāno tāyaṁ velāyaṁ imaṁ gāthaṁ abhāsi:—

Cātuddasī pañcadasī yāva pakkhassa aṭṭhamī 

Pāṭihāriyapakkhañ ca atthaṇgasusamāgataṁ 

Uposathaṁ upavaseyya yo p’assa mādiso naro ti.

Sā kho pan’ esā bhikkhave Sakkena devānaṁ indena gāthā duggītā na sugītā dubbhāsitā na subhāsitā. Taṁ kissa hetu? Sakko hi bhikkhave indo devānaṁ aparimutto jātiyā jarāya maranena sokehi paridevehi dukkhehi domanassehi upāyāsehi aparimutto dukkhasma ti vadāmi. Yo ca kho so bhikkhave bhikkhu arahaṁ khīnāsavo vusitavā katakaraṇīyo ohitabhāro anuppattasadattho parikkhīṇabhavasaṁyojano sammadaññāvimutto, tassa kho etaṁ bhikkhave bhikkhuno, kallaṁ vacanāya.

Cātuddasī pañcadasī yāva pakkhassa aṭṭhamī 

Pāṭihāriyapakkhañ ca aṭṭhaṇgasusamāgataṁ 

Uposathaṁ upavaseyya yo p’assa mādiso naro ti.

Taṁ kissa hetu? So bhikkhave bhikkhu parimutto jātiyā jarāyā maraneṇa sokehi paridevehi dukkhehi domanassehi upāyāsehi parimutto dukkhasmā ti vadāmi).77

Chư thiên là những chúng sanh chỉ hưởng thụ bằng cách dấn mình vào nhiều loại đam mê để thõa mãn giác quan do phước đức tu tập và gieo trồng ở kiếp trước của họ và niềm vui của chư thiên được xem là vui hơn ở cõi người và những cảnh giới đau khổ khác như Đại kinh Sư-tử hống (Mahāsīhanāda Sutta) của Trung Bộ78 nói rằng cõi trời trải qua những cảm giác cực kỳ vui sướng (ekantasukhā vedanā) khi so sánh với những đau khổ hành hình triền miên (ekantadukkhā tibbā kaṭukā) của những chúng sanh ở cõi địa ngục, cực khổ đang đày đọa ăn nuốt lẫn nhau (dukkā tibbā kaṭukā) của cảnh giới súc sanh (tiracchāna yoni), cảm giác đau khổ (dukkhabahulā vedanā) và vui thú (sukhabahulā vedanā) nói chung của cảnh giới con người. Tuy nhiên, chư thiên không biết luật vô thường hoặc sự chấm dứt không thể tránh được của những niềm vui tạm thời đó và sau đó, họ sẽ tái sanh rơi vào cảnh giới ngạ quỷ, địa ngục hoặc súc sanh và do đó vai trò của chư thiên trong Phật giáo được xem như thấp hoặc kém cõi hơn cảnh giới của những vị có tu tập, có chứng đắc ở cõi người.

Cảnh giới trời không phải là những khối, gian trong kiến trúc có tầng trên hoặc ở dưới thế giới loài người mà là những phạm trù hoặc những biểu trưng cho sự phước đức được cấu thành sự hiện hữu tương tự trong môi trường song song và cùng thời gian với cõi người và những cảnh giới khác.

Theo lời dạy trong kinh điển Pāli, chư thiên trong đạo Phật không phải là đối tượng để cầu nguyện hoặc thực hành các nghi lễ tôn giáo nhưng bởi vì trên con đường phát triển tinh thần của con người và y báo cõi trời là kết quả kết hợp với sự tu tập của họ, những điều này được xem tuỳ thuộc hoàn toàn vào con người, chớ không phải yếu tố bên ngoài, chư thiên hoặc ai khác can thiệp và gia hộ cho. Bởi thế, chư thiên là không thích hợp cho sự đạt đến niết bàn. Chư thiên không có chức năng quan trọng và trung tâm trong Phật giáo.

Trong khi Bồ-tát được thánh hoá như là bậc thánh thiêng liêng đáp ứng với nhu cầu ảnh hưởng của tín ngưỡng đa thần của Hindu giáo, nhưng Bồ-tát nỗ lực đi theo con đường của Đức Phật cho mục đích giải thoát bản thân cũng như dùng vô số phương tiện thiện xảo để giúp con người tự giải thoát đau khổ. Thế nên, bản chất, tính cách và trí tuệ của Bồ-tát được đánh giá cao trong Phật giáo.

---O0O---



02. A-la-hán

Bách khoa Toàn thư Phật học79 đã đề cập đến từ ‘Arahanta’ (阿 羅 漢) xuất phát từ gốc ‘arh’, nghĩa là đáng, xứng đáng, thích hợp và được dùng để biểu thị cho một người đã đạt được mục đích của đời sống phạm hạnh (theo Phật giáo Nguyên-thuỷ).



Arahanta được hình thành từ hai phần: Ari và hanta. Ari nghĩa là kẻ thù hoặc phiền não. Hanta là giết hoặc tiêu hủy. Thế nên, A-la-hán là một vị đã giải thoát tất cả các phiền não như khao khát (rāga), sân hận (dosa) và vô minh (moha). I.B. Horner80 đã đưa ra bốn mẫu của danh từ A-la-hán như sau:

arahāarahatarahanta và arahan.

Trong Phật giáo Nguyên-thuỷ, từ này chỉ người đã đạt được bản chất thật của các pháp (yathābhūtañāṇa) và Đức Phật được coi là vị A-la-hán đầu tiên. Sau khi thuyết bài pháp đầu tiên ‘Kinh chuyển Pháp luân’ (Dhammacakkappavattana Sutta), năm anh em của Kiều-trần-nhưKondañña (pañcavaggiya) cũng trở thành những bậc A-la-hán.Những vị A-la-hán này được mô tả như là buddhānubuddh: những người đã đạt được giải thoát sau Bậc giác-ngộ hoàn toàn (Đức Phật).81 Rồi, khi thời gian trôi qua, khái niệm A-la-hán từ từ được Đức Phật và những đệ tử ngài kế tiếp mở rộng và chi tiết hoá. Do đó, A-la-hán cũng có nghĩa là người hiểu lý Duyên sanh (nidanas), đã diệt ba lậu hoặc (asravas),82 tu tập thất giác chi (Pali: sambojjhanga) 83cởi bỏ được năm triền cái (nīvaraṇas)thoát khỏi căn bản phiền não, mười tà kiến (samyojana). Vị ấy đã tu tập giới, định và đạt được nhiều năng lực siêu nhiên và thức tỉnh được bản chất đau khổ của thế giới ta bà. Vị ấy đã tu tập bốn thiền, đạt được bốn định, sáu thắng trí (abhiññā),84 ba minh (tisso vijjā)… đưa đến giải thoát an lạc tối hậu. Sự giải thoát này đưa vị ấy thành bậc A-la-hán, thoát khỏi vòng trói buộc của sanh tử luân hồi (sanh, già, bịnh, chết) và an hưởng niết bàn (Pali: Nibbāna, Sanskrit: nirvāṇa), trở thành bậc xứng đáng được cúng dường ở thế gian… mà chúng ta sẽ thấy đề cập rất nhiều ở các kinh Pāli như Tương ưng bộ kinh,85 Tăng Chi bộ kinh,86 Trung bộ kinh87

Cũng cùng ý kiến trên, trong kinh Thanh-tịnh (Pasādika Sutta) của Trường bộ kinh, Đức Phật đã đưa ra công thức về A-la-hán như sau:

Vị ấy là bậc A-la-hán, lậu hoặc đã diệt trừ, những việc nên làm đã làm, gánh nặng đã đặt xuống, đã giải thoát hoàn toàn những trói buộc của tái sanh, vị ấy giải thoát bởi sự thức tỉnh các pháp (sammadaññā)…’88



(Yo so āvuso bhikkhu arahaṁ khīṇāsavo vusitavā katakararaṇiyo ahita-bhāro anuppata sedattho pāraikkhīṇa-bhava-saṁyojano sammas-aññā vimutto).89

Mục đích tu tập của đệ tử Phật là đạt đến A-la-hán. Nói cách khác, A-la-hán là bậc giác ngộ hay bậc mô phạm đức hạnh đã đạt được đỉnh cao nhất trong tiến trình phát triển tâm linh.

Khi chúng ta so sánh A-la-hán với chư thiên, Phật giáo đã đưa ra căn bản rất rõ ràng A-la-hán là bậc vượt ra ngoài phạm vi của chư thiên, ma vương và ngay cả Phạm thiên (Brahmā) – vị trị vì một cảnh giới khác của thế giới tà bà (saṁsāra), mặc dù cảnh giới này có thể là lâu dài và an vui hơn. Vài Phật tử thành tâm cầu nguyện chư thiên nhưng họ hoàn toàn ý thức rằng chỉ cầu khẩn cho những nhu cầu trần gian như sự giàu có, tình yêu, buôn bán… Theo họ, chư thiên có thể thật sự ban những lợi ích vật chất, nhưng những kết quả tinh thần thì hoàn toàn là vấn đề của sự nỗ lực và tu tập của từng cá nhân.

---O0O---



03. Thanh-văn

Śrāvaka (聲 聞) nghĩa là ‘đệ tử’ (disciple)90 hoặc ‘người nghe’, người khát ngưỡng trở thành bậc A-la-hán (阿 羅 漢) thường nhờ bậc đạo sư hướng dẫn, sau khi nghe xong, vị ấy thức tỉnh được bản chất của pháp và giác ngộ. Chỉ cần một sự hướng dẫn, gợi ý nhỏ của bậc đạo sư sáng suốt và kinh nghiệm cũng đủ cho vị ấy tinh tấn tu tập tiến trên con đường giác ngộ. Chẳng hạn, tôn giả Xá-lợi-phất (Śāriputta, 舍 利 弗) đã đạt quả Tư-đà-hoàn sau khi chỉ nghe nửa bài kệ do A-la-hán Ác-bệ (Assaji) đọc. Tỳ-kheo Cula Panthaka trong bốn tháng đã không thể nhớ nổi một bài kệ, nhưng chỉ quán về tánh chất vô thường của một chiếc khăn tay sạch… đã đạt A-la-hán.

A-la-hán là bậc giải thoát khỏi vòng sanh tử và đạt được trạng thái niết-bàn (Nibbāna, 涅 槃). Thanh-văn cũng giác ngộ khi nghe pháp và có thể đạt được một trong bốn bậc giải thoát như sau:

1. Tư-đà-hoàn (Sotāpanna, 入 流, 七 來), 

2. Tu-đà-hoàn (Sakadāgāmi, 一 來) 

3. A-na-hàm (Anāgāmi, 不 來) và 

4. A-la-hán (Arahanta, 阿 羅 漢).

A-la-hán hoặc Thanh-văn là bậc đã giải thoát khỏi các phiền não, ô nhiễm, tu tập thiền định, một lòng hướng đến giải thoát. A-la-hán tượng trưng cho mẫu bậc mô phạm đức hạnh thanh tịnh. Thế nên, A-la-hán là một đối tượng đáng kính và ruộng phước cúng dường mà chúng ta có thể tu tập theo và bày tỏ sự kính lễ.

Có những học giả đã xem lý tưởng A-la-hán là thấp, nhỏ hơn Bồ-tát nhưng thật ra cả hai bậc đó đều được đánh giá cao và mỗi lý tưởng có ý nghĩa đặc biệt mà sẽ được bàn bạc trong Chương ba sau.

---o0o---



04. Bích-chi Phật

Bích-chi Phật (Pāli: Pacceka-buddha, Sanskrit: Pratyeka-buddha, 緣 覺辟 支 佛) còn gọi là Độc giác Phật.

Trong Tự-điển Phật-học Hán-Việt,91 Bích-chi Phật là vị sanh ra trong đời không có Đức Phật, nên không có chân lý nào được giảng. Bích-chi Phật được coi là bậc cao hơn Thanh-văn (Śrāvaka) vì Bích-chi Phật đã tự giác ngộ, đã đạt được mục đích giải thoát bằng chính sự nỗ lực giác ngộ được lý Duyên khởi, chớ không tìm cầu các trợ lực bên ngoài. Do đó, ngài được mệnh danh là một vị Phật riêng một mình hoặc vị Phật im lặng. Là Phật, vì ngài thức tỉnh được bản chất thật của các pháp, nhưng ‘một mình’ vì tự ngài nỗ lực chớ không ai hướng dẫn, hoặc ‘im lặng’ vì ngài thiếu năng lực thuyết pháp để giác tỉnh và phục vụ những chúng sanh khác.

Có hai bậc Bích-chi Phật: (1) tu tập một mình và (ii) cùng với bạn đồng tu và cùng giác ngộ.

Vị Phật như vậy – "chỉ tự mình giác ngộ nghĩa là đã đạt được trí tuệ hoàn hảo và tối cao nhưng nhập diệt mà không tuyên bố thông điệp giải thoát cho đời"92 rõ ràng là khác với lý tưởng Bồ-tát. Tuy nhiên, chúng ta cũng thừa nhận rằng biết bao nỗ lực mà vị Bích-chi Phật đã dốc tâm cương quyết để tự giải thoát. Chẳng hạn, trong khi Thanh-văn nghe pháp hướng dẫn mà giác ngộ, còn Bích-chi Phật đạt mục tiêu của mình bằng sự tự tu tập và tinh tấn. Vì vậy, ngài cũng thật xứng đáng cho chúng ta kính lễ và chiêm ngưỡng. Mặc dù, Đức Phật Cồ-đàm (瞿 曇 佛) của thời đại này đã nhập diệt, nhưng chúng ta vẫn sống trong thời tượng pháp vì lời dạy của ngài vẫn còn tồn tại. Và như thế không có Đức Phật Bích-chi nào ra đời trong thời này.

---o0o---



05. Đức Phật

Trong Bách khoa Toàn thư Phật học93 định nghĩa Đức Phật như là một từ chung, chỉ cho các bậc giác ngộ. Quá khứ phân từ của ‘Buddha’ xuất phát từ chữ ‘budh’ nghĩa là tỉnh thức, nhận biết và hiểu biết.

Từ Phật (Buddha, 佛 陀) trong ý nghĩa Phật giáo được ứng dụng bắt đầu với ý nghĩa biểu thị cho đức Phật Cồ đàm (Gotama, Sanskrit:Gautama, 瞿 曇), tức Đức Thích-ca mâu-ni (Śākyamuni) - nhà sáng lập ra Phật giáo. Đức Phật Cồ đàm được sanh ra nơi mà ngày nay gọi là Nepal, cách đây 2600 năm đã đạt giác ngộ và truyền bá thông điệp (Pāli: Dhamma, Skt: Dharma, 法) mà ngài đã giác ngộ đến cho loài người và vào lúc tám mươi tuổi nhập niết bàn. Đức Phật Cồ-đàm cũng thường được gọi là Như lai (Tathāgata, 如 來)Thế-Tôn (BhagavatBhagavā 世 尊). Về sau, Đức Phật thường nói ngài chỉ như bậc đạo sư tối thượng:

"Ta là bậc xứng đáng được tôn kính trên thế gian này. Ta là bậc Đạo sư tối thượng, nhưng Ta chỉ là một người đạt được sự Chánh đẳng Chánh giác thôi."

(Ahaṁ hi arahā loke, ahaṁ satthā anuttaro, eko’mhi sammāsambuddho).94

"Ta thật sự không phải là chư thiên, cũng không phải là Càn-thát-bà, không phải là Dạ-xoa, không phải là con người, nên biết Ta là một vị Phật."

(Na kho ahaṁ devo bhavissāmi, na kho ahaṁ gandhabbo bhavissāmi… yakkho… manusso… buddho ti maṁ dhārehi).95

Khái niệm Phật trong Phật giáo Nguyên-thuỷ (源 始 佛 教) là người đã hoàn thiện mình bằng cách giác ngộ ‘ngã’ ở mức độ cao nhất mà con người có khả năng đạt đến. Ngài chỉ là một người khám phá lại chân lý đã bị bỏ quên. Sự vĩ đại của Đức Phật là khám phá lại điều mà các đạo sư đương thời ngài chưa khám phá hoặc khám phá ra chưa được hoàn toàn. Hiện tượng đản sanh đã cho biết Đức Phật là một thiên tài siêu xuất, bậc đạt được tiến trình tâm linh cao nhất của con người. Đức Phật là bậc có mười lực (Balāni, 十 力),96 bốn tín (Vaijāradyāni, 四 信),97 mười tám pháp bất cộng (Āveṇika-dharmas,十 八 法 不 共)98 để phân biệt Đức Phật khác với Bồ-tát. Bởi những phẩm hạnh này, nên ngài là một bậc vĩ nhân (mahāpurisa, 大 人) tối thượng trong đạo đức và trí tuệ.

Theo nghĩa đen, Đức Phật nghĩa là ‘bậc giác ngộ’ (覺 者). Qua định nghĩa và giải thích các bậc A-la-hán (阿 羅 漢), Thanh-văn (聲 聞),Bích-chi Phật (辟 支 佛)và Đức Phật (佛 陀) đã cho thấy tất cả đều là những bậc giác ngộ, nhưng Đức Phật được biểu thị như là bậc tối thượng, hoàn hảo, đạt Chánh đẳng Chánh giác (Anuttara-Samsak-sambodhi (阿 耨 多 羅 三 藐 三 菩 提, 無 上 正 等 覺). Một vị Phật như vậy, mỗi người chúng ta đều có thể và sẽ trở thành nếu chúng ta muốn. Đây là mục đích và lý tưởng của Bồ-tát. Các vị Bồ-tát nên biết và hiểu những phẩm chất và tính cách của Đức Phật trước khi vị ấy có thể bắt đầu sự nghiệp Bồ-tát của mình.

---o0o---




tải về 4.14 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   20




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương