BỘ TÀi chính


Phần III THỦ TỤC HẢI QUAN ĐỐI VỚI HÀNG HOÁ XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU KHÔNG NHẰM MỤC ĐÍCH THƯƠNG MẠI



tải về 1.61 Mb.
trang12/20
Chuyển đổi dữ liệu07.07.2016
Kích1.61 Mb.
#482
1   ...   8   9   10   11   12   13   14   15   ...   20
Phần III

THỦ TỤC HẢI QUAN ĐỐI VỚI HÀNG HOÁ XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU KHÔNG NHẰM MỤC ĐÍCH THƯƠNG MẠI

Điều 69. Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu không nhằm mục đích thương mại

Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu không nhằm mục đích thương mại (dưới đây gọi tắt là hàng phi mậu dịch) gồm:

1. Quà biếu, tặng của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài gửi cho tổ chức, cá nhân Việt Nam; của tổ chức, cá nhân ở Việt Nam gửi cho tổ chức, cá nhân ở nước ngoài;

2. Hàng hoá của cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế tại Việt Nam và những người làm việc tại các cơ quan, tổ chức này;

3. Hàng hoá viện trợ nhân đạo;

4. Hàng hoá tạm nhập khẩu, tạm xuất khẩu của những cá nhân được Nhà nước Việt Nam cho miễn thuế;

5. Hàng mẫu không thanh toán;

6. Dụng cụ nghề nghiệp, phương tiện làm việc tạm xuất, tạm nhập có thời hạn của cơ quan, tổ chức, của người xuất cảnh, nhập cảnh;

7. Tài sản di chuyển của tổ chức, cá nhân;

8. Hành lý cá nhân của người nhập cảnh gửi theo vận đơn, hàng hoá mang theo người của người nhập cảnh vượt tiêu chuẩn miễn thuế;

9. Hàng hoá phi mậu dịch khác.

Điều 70. Người khai hải quan

Người khai hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu phi mậu dịch là một trong các đối tượng sau đây:

1. Chủ hàng;

2. Đại lý làm thủ tục hải quan nếu chủ hàng ký hợp đồng với đại lý;

3. Người được chủ hàng uỷ quyền bằng văn bản.

Trong trường hợp ủy quyền, người nhận uỷ quyền được nhân danh mình khai, ký tên, đóng dấu vào tờ khai hải quan.

Điều 71. Hồ sơ hải quan đối với hàng nhập khẩu

1. Giấy tờ phải nộp gồm:

a) Tờ khai hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu phi mậu dịch: 02 bản chính;

b) Vận đơn (trừ trường hợp hàng hoá mang theo người vượt tiêu chuẩn miễn thuế theo quy định tại điểm 8 Điều 69 Thông tư này): 01 bản chụp;

c) Văn bản uỷ quyền quy định tại khoản 3 Điều 70 Thông tư này: 01 bản chính;

d) Tờ khai xác nhận viện trợ nhân đạo của cơ quan có thẩm quyền đối với trường hợp nhập khẩu hàng viện trợ nhân đạo: 01 bản chính;

đ) Quyết định hoặc giấy báo tin của cơ quan công an cho phép cá nhân là người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép trở về định cư ở Việt Nam; hoặc hộ chiếu Việt Nam hoặc giấy tờ thay hộ chiếu Việt Nam còn có giá trị về nước thường trú, có đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh tại cửa khẩu: 01 bản chụp có chứng thực kèm bản chính để đối chiếu;

e) Văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển tài sản của tổ chức từ nước ngoài vào Việt Nam: 01 bản chụp;

g) Giấy phép nhập khẩu hàng hoá (đối với trường hợp nhập khẩu hàng cấm, hàng nhập khẩu có điều kiện): 01 bản chính;

h) Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá đối với các trường hợp quy định tại điểm e.5 khoản 2 Điều 12 Thông tư này: 01 bản chính;

i) Thông báo hoặc quyết định hoặc thoả thuận biếu, tặng hàng hoá: 01 bản chụp;

k) Giấy tờ khác, tuỳ theo từng trường hợp cụ thể theo quy định của pháp luật phải có.

2. Giấy tờ phải xuất trình gồm:

a) Giấy báo nhận hàng của tổ chức vận tải (trừ trường hợp hàng hoá mang theo người vượt tiêu chuẩn miễn thuế theo quy định tại khoản 8 Điều 69 Thông tư này);

b) Sổ tiêu chuẩn hàng miễn thuế của cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, những người nước ngoài làm việc tại các cơ quan, tổ chức trên.

3. Hồ sơ để xác định hàng hóa nhập khẩu không nhằm mục đích thương mại thuộc đối tượng không chịu thuế là hồ sơ hải quan quy định tại Điều này.

Điều 72. Hồ sơ hải quan đối với hàng xuất khẩu

1 Giấy tờ phải nộp gồm:

a) Tờ khai hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu phi mậu dịch: 02 bản chính;

b) Văn bản uỷ quyền quy định tại khoản 3 Điều 70 Thông tư này: 01 bản chính;

c) Văn bản cho phép xuất khẩu viện trợ nhân đạo và tờ khai xác nhận viện trợ nhân đạo của cơ quan có thẩm quyền đối với trường hợp xuất khẩu hàng viện trợ nhân đạo: 01 bản chính;

d) Văn bản cho phép định cư ở nước ngoài của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (đối với trường hợp xuất khẩu tài sản di chuyển của cá nhân, gia đình): 01 bản chụp có chứng thực;

đ) Văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển tài sản của tổ chức ra nước ngoài: 01 bản chụp có chứng thực;

e) Giấy phép xuất khẩu hàng hoá (đối với trường hợp xuất khẩu hàng cấm, hàng xuất khẩu có điều kiện): 01 bản chính;

g) Giấy tờ khác, tuỳ theo từng trường hợp cụ thể theo quy định của pháp luật phải có.

2. Hồ sơ để xác định hàng hoá xuất khẩu không nhằm mục đích thương mại thuộc đối tượng không chịu thuế là hồ sơ hải quan quy định tại Điều này.

Điều 73. Thủ tục hải quan

1. Người khai hải quan khai và nộp hồ sơ hải quan. Cơ quan hải quan tiếp nhận, đăng ký và kiểm tra chi tiết hồ sơ.

2. Hình thức, mức độ kiểm tra thực tế hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu phi mậu dịch do Lãnh đạo Chi cục hải quan quyết định theo nguyên tắc kiểm tra quy định tại Luật Hải quan và Nghị định 154/2005/NĐ-CP.

Riêng hàng hoá hưởng theo chế độ ưu đãi miễn trừ thực hiện theo quy định tại Điều 38 Nghị định 154/2005/NĐ-CP.

3. Thuế, lệ phí và các khoản phải nộp khác thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.

4. Thông quan hàng hoá phi mậu dịch

Việc ký, đóng dấu “đã làm thủ tục hải quan” trên tờ khai hải quan do công chức hải quan tại khâu cuối cùng thực hiện.

5. Theo dõi và thanh khoản đối với dụng cụ nghề nghiệp, phương tiện làm việc tạm nhập, tạm xuất có thời hạn của cơ quan, tổ chức, người nhập cảnh, xuất cảnh không nhằm mục đích thương mại

a) Đến thời hạn tái xuất người khai hải quan phải thực hiện thủ tục tái xuất dụng cụ nghề nghiệp, phương tiện làm việc và thực hiện thanh khoản hồ sơ tại Chi cục hải quan nơi tạm nhập. Trường hợp tái xuất tại Chi cục hải quan khác Chi cục hải quan nơi tạm nhập thì sau khi đã làm thủ tục tái xuất Chi cục hải quan nơi làm thủ tục tái xuất có văn bản thông báo cho Chi cục hải quan nơi tạm nhập, gửi kèm bản chụp tờ khai hải quan (bản lưu hải quan) để thanh khoản hồ sơ theo quy định.

b) Đến thời hạn tái nhập người khai hải quan phải thực hiện thủ tục tái nhập dụng cụ nghề nghiệp, phương tiện làm việc và thực hiện thanh khoản hồ sơ tại Chi cục hải quan nơi tạm xuất. Trường hợp tái nhập tại Chi cục hải quan khác Chi cục hải quan nơi tạm xuất thì trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hoàn thành thủ tục tái nhập, người khai hải quan có trách nhiệm liên hệ trực tiếp với Chi cục hải quan nơi tạm xuất để thanh khoản hồ sơ theo quy định.

c) Quá thời hạn chưa tái xuất, chưa tái nhập thì người khai hải quan bị xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.

Phần IV

THỦ TỤC HẢI QUAN ĐỐI VỚI PHƯƠNG TIỆN VẬN TẢI XUẤT CẢNH, NHẬP CẢNH, QUÁ CẢNH, CHUYỂN CẢNG

Mục 1. ĐỐI VỚI Ô TÔ XUẤT CẢNH, NHẬP CẢNH, QUÁ CẢNH QUA CỬA KHẨU BIÊN GIỚI VỚI MỤC ĐÍCH THƯƠNG MẠI

Điều 74. Thủ tục hải quan đối với ô tô nước ngoài khi nhập cảnh (tạm nhập)

1. Người khai hải quan nộp và/hoặc xuất trình các giấy tờ sau:

a) Đối với ô tô nước ngoài nhập cảnh theo Hiệp định song phương giữa Việt Nam với các nước có chung biên giới:

a.1) Giấy phép của cơ quan có thẩm quyền cấp: xuất trình bản chính;

a.2) Giấy đăng ký phương tiện: xuất trình bản chính;

a.3) Tờ khai hàng hoá nhập khẩu, quá cảnh: xuất trình bản chính;

a.4) Danh sách hành khách (đối với ô tô vận chuyển hành khách): nộp 01 bản chính;

a.5) Tờ khai nhập cảnh-xuất cảnh (nếu có) của người điều khiển phương tiện và người cùng làm việc trên phương tiện vận tải: xuất trình bản chính;

a.6) Giấy tờ khác theo qui định tại Điều ước quốc tế về vận tải đường bộ giữa Việt Nam và nước có chung đường biên giới: xuất trình bản chính;

a.7) Tờ khai phương tiện vận tải đường bộ tạm nhập - tái xuất (mẫu số 51/PTVTĐB/TN-TX/2013 phụ lục III ban hành kèm Thông tư này): do cơ quan hải quan in từ hệ thống.

b) Đối với phương tiện tạm nhập theo Hiệp định tạo thuận lợi vận tải người và hàng hóa qua lại biên giới giữa các nước tiểu vùng Mê Kông mở rộng (Hiệp định GMS) thì thực hiện theo qui định tại Thông tư số 29/2009/TT-BGTVT ngày 17/11/2009 của Bộ Giao thông vận tải. Hồ sơ cụ thể như sau:

b.1) Giấy phép vận tải đường bộ quốc tế (GMS Road Transport Permit): xuất trình bản chính;

b.2) Tờ khai tạm nhập phương tiện vận tải (Motor Vehicle Temporary Admission Document): xuất trình bản chính;

b.3) Tờ khai tạm nhập container (Container Temporary Admision Document): xuất trình bản chính;

b.4) Tờ khai hàng hoá quá cảnh và thông quan nội địa (Transit and Inland Customs Clearance Document): xuất trình bản chính.

c) Đối với ô tô nước ngoài có tay lái ở bên phải phải xuất trình giấy tờ theo qui định tại Nghị định số 80/2009/NĐ-CP ngày 01/10/2009 của Chính phủ. Cụ thể như sau:

c.1) Văn bản chấp thuận của Bộ Giao thông vận tải: xuất trình bản chính;

c.2) Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới của quốc gia đăng ký xe cấp và còn hiệu lực: xuất trình bản chính;

c.3) Giấy đăng ký phương tiện: xuất trình bản chính;

c.4) Tờ khai nhập cảnh-xuất cảnh (nếu có) của người điều khiển phương tiện: xuất trình bản chính;

c.5) Tờ khai phương tiện vận tải đường bộ tạm nhập - tái xuất: do cơ quan hải quan in từ hệ thống.

2. Cơ quan hải quan tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ và làm thủ tục hải quan theo quy trình do Tổng cục Hải quan ban hành.

Điều 75. Thủ tục hải quan đối vối ôtô nước ngoài khi xuất cảnh (tái xuất)

1. Người khai hải quan nộp và/hoặc xuất trình các giấy tờ sau:

a) Đối với ô tô nước ngoài nhập cảnh theo hiệp định song phương giữa Việt Nam với các nước có chung biên giới:

a.1) Văn bản gia hạn thời gian lưu hành phương tiện vận tải (nếu có): nộp bản chính;

a.2) Giấy phép của cơ quan có thẩm quyền cấp: xuất trình bản chính;

a.3) Giấy tờ khác theo quy định tại điều ước quốc tế về vận tải đường bộ giữa Việt Nam và nước có chung đường biên giới: xuất trình bản chính;

a.4) Danh sách hành khách (nếu là xe khách tuyến): nộp bản chính;

a.5) Tờ khai hàng hoá xuất khẩu, quá cảnh (trường hợp làm thủ tục đồng thời cho cả phương tiện vận tải và hàng hoá xuất khẩu, quá cảnh): xuất trình bản chính;

a.6) Tờ khai nhập cảnh-xuất cảnh (nếu có) của người điều khiển phương tiện và người cùng làm việc trên phương tiện vận tải: xuất trình bản chính.

b) Đối với phương tiện tái xuất theo Hiệp định tạo thuận lợi vận tải người và hàng hóa qua lại biên giới giữa các nước tiểu vùng Mê Kông mở rộng (Hiệp định GMS) thì thực hiện theo qui định tại Thông tư số 29/2009/TT-BGTVT ngày 17/11/2009 của Bộ Giao thông vận tải. Hồ sơ cụ thể như sau:

b.1) Giấy phép vận tải đường bộ quốc tế (GMS Road Transport Permit): xuất trình bản chính;

b.2) Tờ khai tạm nhập phương tiện vận tải (Motor Vehicle Temporary Admission Document): xuất trình bản chính;

b.3) Tờ khai tạm nhập container (Container Temporary Admision Document): xuất trình bản chính;

b.4) Tờ khai hàng hoá quá cảnh và thông quan nội địa (Transit and Inland Customs Clearance Document): xuất trình bản chính.

c) Đối với ô tô nước ngoài có tay lái ở bên phải xuất trình bản chính các giấy tờ theo qui định tại Nghị định số 80/2009/NĐ-CP ngày 01/10/2009 của Chính phủ. Cụ thể:

c.1) Giấy đăng ký phương tiện;

c.2) Tờ khai nhập cảnh-xuất cảnh (nếu có) của người điều khiển phương tiện;

c.3) Tờ khai phương tiện vận tải đường bộ tạm nhập - tái xuất.

2. Cơ quan hải quan tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ và làm thủ tục hải quan theo quy trình do Tổng cục Hải quan ban hành.

Điều 76. Thủ tục hải quan đối với ô tô Việt Nam khi xuất cảnh (tạm xuất), nhập cảnh (tái nhập)

Thủ tục hải quan đối với ô tô Việt Nam khi xuất cảnh (tạm xuất), nhập cảnh (tái nhập) thực hiện theo qui định tại Điều 74, Điều 75 Thông tư này. Riêng tờ khai phương tiện sử dụng mẫu số 52/PTVTĐB/TX-TN/2013 phụ lục III kèm theo Thông tư này. Trường hợp ô tô được cấp Giấy phép liên vận thì quản lý bằng hệ thống máy tính, không phải in tờ khai phương tiện vận tải.

Mục 2. ĐỐI VỚI PHƯƠNG TIỆN VẬN TẢI QUY ĐỊNH TẠI ĐIỀU 46 NGHỊ ĐỊNH 154/2005/NĐ-CP

Điều 77. Cơ chế quản lý phương tiện vận tải thô sơ

1. Phương tiện vận tải thô sơ là phương tiện di chuyển bằng sức người hoặc động vật kéo (ví dụ: xe kéo, xe lôi, xe ngựa, xe bò kéo,...).

2. Khi xuất cảnh, nhập cảnh phương tiện vận tải thô sơ, chủ phương tiện hoặc người điều khiển phương tiện không phải xin giấy phép, không phải khai tờ khai phương tiện tận tải.

Điều 78. Thủ tục hải quan

Đối với các phương tiện vận tải thô sơ khi xuất cảnh, nhập cảnh, chủ phương tiện hoặc người điều khiển phương tiện phải khai báo và nộp cho cơ quan hải quan những giấy tờ sau:

1. Tờ khai hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu (nếu có hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu);

2. Tờ khai hành lý của người điều khiển phương tiện vận tải và của hành khách (nếu có).

Mục 3. ĐỐI VỚI PHƯƠNG TIỆN VẬN TẢI CỦA CÁ NHÂN, CƠ QUAN, TỔ CHỨC TẠM NHẬP TÁI XUẤT, TẠM XUẤT TÁI NHẬP KHÔNG NHẰM MỤC ĐÍCH THƯƠNG MẠI QUY ĐỊNH TẠI ĐIỀU 47 NGHỊ ĐỊNH 154/2005/NĐ-CP

Điều 79. Thủ tục hải quan đối với ô tô không nhằm mục đích thương mại khi xuất cảnh, nhập cảnh

1. Đối với ô tô nước ngoài khi nhập cảnh (tạm nhập), người khai hải quan nộp và xuất trình các giấy tờ sau:

a) Đối với ô tô nước ngoài nhập cảnh theo hiệp định song phương giữa Việt Nam với các nước có chung biên giới:

a.1) Văn bản cho phép của cơ quan có thẩm quyền (trừ trường hợp tạm nhập lưu hành tại khu vực cửa khẩu): xuất trình bản chính;

a.2) Giấy đăng ký phương tiện: xuất trình bản chính;

a.3) Giấy tờ khác theo quy định tại Điều ước quốc tế về vận tải đường bộ giữa Việt Nam và nước có chung đường biên giới: xuất trình bản chính;

a.4) Tờ khai phương tiện vận tải đường bộ tạm nhập - tái xuất (mẫu số 51/PTVTĐB/TN-TX phụ lục III ban hành kèm Thông tư này): do cơ quan hải quan in từ hệ thống;

a.5) Tờ khai nhập cảnh-xuất cảnh (nếu có) của người điều khiển phương tiện và người cùng làm việc trên phương tiện vận tải: xuất trình bản chính.

b) Đối với ô tô nước ngoài có tay lái ở bên phải phải xuất trình bản chính các giấy tờ theo qui định tái Nghị định số 80/2009/NĐ-CP ngày 01/10/2009 của Chính phủ. Cụ thể:

b.1) Văn bản chấp thuận của Bộ Giao thông vận tải;

b.2) Giấy kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới;

b.3) Giấy đăng ký phương tiện;

b.4) Tờ khai nhập cảnh-xuất cảnh (nếu có) của người điều khiển phương tiện;

b.5) Tờ khai phương tiện vận tải đường bộ tạm nhập - tái xuất (mẫu số 51/PTVTĐB/TN-TX/2013 phụ lục III ban hành kèm Thông tư này).

2. Đối với ô tô nước ngoài khi xuất cảnh (tái xuất), người khai hải quan nộp hoặc xuất trình các giấy tờ sau:

a) Tờ khai phương tiện vận tải đường bộ tạm nhập - tái xuất có xác nhận tạm nhập của Chi cục hải quan cửa khẩu làm thủ tục tạm nhập: nộp bản chính;

b) Văn bản cho phép của cơ quan có thẩm quyền: xuất trình bản chính;

c) Văn bản gia hạn tạm nhập (nếu có): nộp bản chính.

3. Đối với ô tô Việt Nam khi xuất cảnh (tạm xuất), nhập cảnh (tái nhập), hồ sơ hải quan tương tự như quy định tại khoản 1 và khoản 2 nêu trên, riêng tờ khai phương tiện in theo mẫu số 52/PTVTĐB/TX-TN/2013 phụ lục III ban hành kèm Thông tư này, trường hợp ô tô được cấp Giấy phép liên vận thì quản lý bằng hệ thống máy tính, không phải in tờ khai phương tiện vận tải.

4. Cơ quan hải quan tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ và làm thủ tục hải quan theo quy trình do Tổng cục Hải quan ban hành.

Điều 80. Thủ tục hải quan đối với thuyền xuồng, ca nô,… xuất cảnh, nhập cảnh

1. Thủ tục hải quan đối với (tàu, thuyền, xà lan, xuồng, ca nô,...thuộc loại phải đăng ký lưu hành theo qui định đối với phương tiện vận tải thuỷ,… xuất cảnh, nhập cảnh.

a) Chủ phương tiện hoặc người điều khiển phương tiện phải nộp hoặc xuất trình cho cơ quan hải quan những giấy tờ sau:

a.1) Văn bản cho phép của cơ quan có thẩm quyền (trừ trường hợp tạm nhập lưu hành tại khu vực cửa khẩu): xuất trình bản chính;

a.2) Giấy đăng ký phương tiện (nếu có): xuất trình bản chính;

a.3) Tờ khai hàng hoá xuất khẩu hoặc nhập khẩu (nếu có hàng hoá xuất khẩu hoặc nhập khẩu): xuất trình bản chính;

a.4) Tờ khai xuất cảnh hoặc nhập cảnh (nếu có) của người điều khiển phương tiện vận tải và của những người làm việc trên phương tiện vận tải: xuất trình bản chính;

a.5) Tờ khai phương tiện vận tải đường sông tạm nhập - tái xuất (mẫu số 53/PTVTĐS/TN-TX/2013 phụ lục III ban hành kèm Thông tư này) hoặc Tờ khai phương tiện vận tải đường sông tạm xuất – tái nhập (mẫu số 54/PTVTĐS/TX-TN/2013 phụ lục III ban hành kèm Thông tư này): nộp bản chính.

b) Cơ quan hải quan tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ và làm thủ tục hải quan theo quy trình do Tổng cục Hải quan ban hành.

2. Thủ tục hải quan đối với mô tô, xe gắn máy không nhằm mục đích thương mại khi xuất cảnh, nhập cảnh.

a) Đối với mô tô, xe gắn máy nước ngoài khi nhập cảnh (tạm nhập), người khai hải quan nộp hoặc xuất trình các giấy tờ sau:

a.1) Văn bản cho phép của cơ quan có thẩm quyền (trừ trường hợp tạm nhập lưu hành tại khu vực cửa khẩu): nộp bản chụp;

a.2) Giấy đăng ký phương tiện: xuất trình bản chính;

a.3) Tờ khai phương tiện vận tải đường bộ tạm nhập - tái xuất (mẫu số 51/PTVTĐB/TN-TX/2013 phụ lục III ban hành kèm Thông tư này): do cơ quan hải quan in từ hệ thống.

b) Đối với mô tô, xe gắn máy nước ngoài khi xuất cảnh (tái xuất), người khai hải quan nộp và xuất trình các giấy tờ sau:

b.1) Tờ khai phương tiện vận tải đường bộ tạm nhập-tái xuất có xác nhận tạm nhập của Chi cục hải quan cửa khẩu làm thủ tục tạm nhập: nộp bản chính;

b.2) Văn bản gia hạn tạm nhập (nếu có): nộp 01 bản chụp, xuất trình bản chính.

c) Đối với mô tô, xe gắn máy hai bánh Việt Nam khi xuất cảnh (tạm xuất), nhập cảnh (tái nhập), hồ sơ hải quan tương tự như quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 này, riêng tờ khai phương tiện in theo mẫu số 52/PTVTĐB/TX-TN/2013 phụ lục III ban hành kèm Thông tư này.

d) Cơ quan hải quan tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ, và làm thủ tục hải quan theo quy trình do Tổng cục Hải quan ban hành.

Điều 81. Quy định riêng cho các phương tiện vận tải của cá nhân, tổ chức ở khu vực biên giới thường xuyên qua lại khu vực biên giới

1. Các phương tiện này bao gồm:

a) Xe ô tô tải của nước ngoài vào khu vực cửa khẩu Việt Nam trong ngày (01 ngày) để giao hàng nhập khẩu hoặc nhận hàng xuất khẩu;

b) Xe ô tô tải của Việt Nam đi qua biên giới trong ngày (01 ngày) để giao hàng xuất khẩu hoặc nhận hàng nhập khẩu sau đó quay trở lại Việt Nam;

c) Phương tiện vận tải của cá nhân, cơ quan, tổ chức ở khu vực biên giới thường xuyên qua lại khu vực biên giới do nhu cầu sinh hoạt hàng ngày.

2. Đối với trường hợp nêu tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này, nếu có lý do chính đáng cần kéo dài thời gian lưu lại tại khu vực cửa khẩu thì người điều khiển phương tiện hoặc chủ hàng hoá có văn bản đề nghị, lãnh đạo Chi cục hải quan xem xét gia hạn, thời gian gia hạn thêm không quá 02 ngày.

3. Các loại phương tiện này chỉ được tạm nhập - tái xuất, tạm xuất-tái nhập qua cùng một cửa khẩu.

4. Các loại phương tiện này không phải có giấy phép, không phải khai bằng tờ khai phương tiện vận tải, cơ quan hải quan cửa khẩu quản lý, theo dõi bằng sổ hoặc bằng hệ thống máy tính.

Mục 4. ĐỐI VỚI TÀU BIỂN VIỆT NAM VÀ TÀU BIỂN NƯỚC NGOÀI XUẤT CẢNH, NHẬP CẢNH, QUÁ CẢNH, CHUYỂN CẢNG

Điều 82. Người khai hải quan

Thuyền trưởng hoặc người đại diện hợp pháp của người vận tải (dưới đây gọi chung là thuyền trưởng) chịu trách nhiệm khai và làm thủ tục hải quan cho tàu biển xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, chuyển cảng.

Điều 83. Địa điểm làm thủ tục hải quan

Thủ tục hải quan đối với tàu biển Việt Nam và tàu biển nước ngoài xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh thực hiện tại trụ sở chính hoặc văn phòng đại diện của Cảng vụ hàng hải, trừ các trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 54 Nghị định số 21/2012/NĐ-CP ngày 21 tháng 03 năm 2012 của Chính phủ về quản lý cảng biển và luồng hàng hải.

Điều 84. Thời hạn làm thủ tục hải quan

Người khai hải quan phải khai và nộp hồ sơ hải quan trong thời hạn sau:

1. Chậm nhất hai giờ đối với tàu biển nhập cảnh, kể từ khi tàu đã vào neo đậu an toàn tại vị trí theo chỉ định của Giám đốc Cảng vụ hàng hải;

2. Chậm nhất hai giờ trước khi tàu rời cảng đối với tàu biển xuất cảnh. Riêng tàu khách và tàu chuyên tuyến, thời gian chậm nhất là ngay trước thời điểm tàu chuẩn bị rời cảng;

3. Trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn trên có thể thay đổi, nhưng thuyền trưởng phải thông báo bằng văn bản cho Chi cục hải quan cảng biết trước ít nhất ba mươi phút.

Điều 85. Khai hải quan

Người khai hải quan thực hiện nội dung khai hải quan theo qui định tại Điều 86 Thông tư này và lưu ý các nội dung sau:

1. Bản khai hàng hoá nhập khẩu (cargo declaration) phải được khai đầy đủ, cụ thể, rõ ràng về mô tả hàng hóa (description of goods); không được ghi chung chung như: hàng bách hóa, hàng thiết bị văn phòng, hàng điện tử, điện gia dụng, đồ chơi trẻ em... Mặt hàng nào ghi chung chung thì phải khai và nộp bổ sung bản kê chi tiết (attached list) của mặt hàng đó.

2. Đối với hành lý của thuyền viên:

a) Khai hành lý của cả đoàn vào bản khai hành lý thuyền viên;

b) Đối với hàng hoá của thuyền viên thì mỗi thuyền viên khai vào tờ khai hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu phi mậu dịch.

3. Đối với hành lý vượt định mức, hàng hóa của hành khách xuất cảnh, nhập cảnh thực hiện theo quy định tại Nghị định số 66/2002/NĐ-CP ngày 01 tháng 07 năm 2002 của Chính phủ quy định về định mức hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh và quà biếu, tặng nhập khẩu được miễn thuế.

Điều 86. Hồ sơ hải quan

1. Đối với tàu biển nhập cảnh, thuyền trưởng nộp hồ sơ cho Chi cục hải quan cảng, gồm:

a) Bản khai chung: 01 bản chính;

b) Bản khai hàng hoá: 01 bản chính;

c) Bản khai hàng hóa nguy hiểm (nếu có): 01 bản chính;

d) Bản khai dự trữ của tàu: 01 bản chính;

đ) Danh sách thuyền viên: 01 bản chính;

e) Danh sách hành khách (nếu có): 01 bản chụp;

g) Bản khai hàng hóa, hành lý của thuyền viên: 01 bản chính;

h) Bản khai hàng hóa chuyển cảng, quá cảnh, trung chuyển (nếu có): 01 bản chính.

2. Đối với tàu biển nước ngoài xuất cảnh, nếu không có nội dung thay đổi so với nội dung đã khai báo khi tàu nhập cảnh thì thuyền trưởng không phải nộp các giấy tờ nêu tại khoản 1 Điều này, trừ bản khai chung, bản khai hàng hóa, danh sách hành khách (nếu có vận chuyển hành khách); nếu có nội dung thay đổi so với nội dung đã khai báo khi tàu nhập cảnh thì nộp các giấy tờ nêu tại khoản 1 Điều này, trừ bản khai hàng hóa chuyển cảng, quá cảnh, trung chuyển; ngoài ra xuất trình các giấy tờ sau:

a) Hoá đơn mua hàng cung ứng tàu biển;

b) Hoá đơn mua hàng miễn thuế (theo đơn đặt hàng).

3. Đối với tàu biển Việt Nam xuất cảnh, thuyền trưởng nộp hồ sơ cho Chi cục hải quan cảng, gồm:

a) Bản khai chung: 01 bản chính;

b) Bản lược khai hàng hoá: 01 bản chính;

c) Bản khai dự trữ của tàu: 01 bản chính;

d) Danh sách thuyền viên: 01 bản chính;

đ) Bản khai hàng hóa, hành lý của thuyền viên: 01 bản chính;

e) Danh sách hành khách (nếu có): 01 bản chụp.

4. Đối với tàu biển quá cảnh:

a) Khi làm thủ tục nhập cảnh, thuyền trưởng nộp hồ sơ cho Chi cục hải quan cảng nơi tàu nhập cảnh như quy định nêu tại khoản 1 Điều này.

Chi cục hải quan cảng nơi tàu nhập cảnh niêm phong hồ sơ (gồm 01 bản khai hàng hoá và 01 phiếu chuyển hồ sơ tàu), giao thuyền trưởng để chuyển cho Chi cục hải quan cảng nơi tàu xuất cảnh.

b) Khi làm thủ tục xuất cảnh, thuyền trưởng nộp cho Chi cục hải quan cảng nơi tàu xuất cảnh: Bản khai chung (01 bản chính) và hồ sơ do Chi cục hải quan cảng nơi tàu nhập cảnh chuyển đến.

5. Đối với tàu biển chuyển cảng

a) Tại cảng nơi tàu đi:

a.1) Thuyền trưởng nộp cho Chi cục hải quan cảng bản khai chung, bản khai hàng hoá nhập khẩu chuyển cảng, bản khai hàng hoá xuất khẩu đã được xếp lên tàu, bản khai hàng hoá quá cảnh, chuyển tải (nếu có): mỗi loại 01 bản.

a.2) Chi cục hải quan cảng niêm phong hồ sơ chuyển cảng, giao cho thuyền trưởng để nộp cho Chi cục hải quan cảng nơi tàu đến.

b) Tại cảng nơi tàu đến, thuyền trưởng nộp bản khai chung (01 bản chính) và hồ sơ chuyển cảng đã niêm phong hải quan do Chi cục hải quan cảng đi chuyển đến.



tải về 1.61 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   8   9   10   11   12   13   14   15   ...   20




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương