BỘ NỘi vụ –––– Số: /bc-bnv cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam



tải về 64.82 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu14.08.2016
Kích64.82 Kb.
#19490


BỘ NỘI VỤ

––––
Số: /BC-BNV




CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

–––––––––––––––––––––––––



Hà Nội, ngày tháng năm 2013


BÁO CÁO TÓM TẮT

Tổng kết công tác quản lý địa giới hành chính các cấp theo hồ sơ,

bản đồ địa giới hành chính được lập theo Chỉ thị số 364-CT ngày 06 tháng 11 năm 1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về giải quyết những tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính tỉnh, huyện, xã

–––––


I. KHÁI QUÁT CHUNG

Lãnh thổ Việt Nam bao gồm vùng trời, vùng biển và vùng đất liền. Vùng biển có diện tích khoảng 1 triệu km2, với trên 5.000 đảo, đá, bãi cạn, bãi ngầm và một số đối tượng địa lý khác; vùng đất liền có diện tích khoảng 330.957 km2. Đến nay, cả nước có 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 703 huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và 11.147 xã, phường, thị trấn.

Vùng đất liền Việt Nam bắt đầu từ điểm cực Bắc đến điểm cực Nam dài khoảng 1.650 km, từ điểm cực Đông sang điểm cực Tây nơi rộng nhất khoảng 600 km, nơi hẹp nhất khoảng 50 km; gồm có vùng núi cao, vùng trung du và vùng đồng bằng. Trong đó vùng núi cao và trung du chiếm 3/4 diện tích lãnh thổ. Đồi núi tạo một cánh cung lớn hướng ra biển Đông chạy dài 1.400 km từ Tây Bắc đến Đông Nam bộ. Việt Nam có đường biên giới đất liền dài khoảng 4.510 km tiếp giáp với ba nước Trung Quốc, Lào và Campuchia.

Vùng biển Việt Nam bao gồm nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam, được xác định theo pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế về biên giới lãnh thổ mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982. có bờ biển chạy dài 3.260 km từ tỉnh Quảng Ninh đến Hà Tiên tỉnh Kiên Giang.

II. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ ĐỊA GIỚI HÀNH CHÍNH THỜI GIAN QUA

Sau ngày lập nước (ngày 02 tháng 9 năm 1945), Nhà nước ta tiếp tục thực hiện quản lý nhà nước về địa giới hành chính theo hiện trạng quản lý địa giới hành chính các cấp do chế độ cũ để lại trong một thời gian dài. Đến những năm cuối thập kỷ 80, do nhiều nguyên nhân, ở một số địa phương đã xảy ra những tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính tỉnh, huyện, xã và những khu vực bỏ trống không địa phương nào quản lý. Do có nhiều vụ tranh chấp diễn ra phức tạp, kéo dài, gay gắt gây hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) đã ban hành Chỉ thị số 364-CT ngày 06 tháng 11 năm 1991 về việc giải quyết những tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính tỉnh, huyện, xã. Tại Chỉ thị này, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã chỉ đạo xây dựng và hoàn thiện bộ bản đồ hiện trạng về địa giới hành chính các cấp để có căn cứ chuẩn xác và cơ sở pháp lý làm tài liệu cho công tác quản lý Nhà nước về địa giới hành chính.

Theo báo cáo tổng kết thực hiện Chỉ thị số 364-CT nêu trên, tại thời điểm kết thúc ngày 31/5/1995 cả nước đã lập được bộ hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính của 53 đơn vị hành chính cấp tỉnh, 568 đơn vị hành chính cấp huyện và 10.182 đơn vị hành chính cấp xã.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử nước ta có một bộ hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính được xây dựng theo một quy trình kỹ thuật thống nhất trong toàn quốc có giá trị pháp lý phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.



1. Về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật

Thời gian qua, các Bộ, ngành có liên quan đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về địa giới hành chính và hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính các cấp, gồm:

a) Nghị định số 119/CP ngày 16 tháng 9 năm 1994 của Chính phủ về việc ban hành quy định quản lý, sử dụng hồ sơ, bản đồ địa giới và mốc địa giới hành chính các cấp;

b) Nghị định số 12/2002/NĐ-CP ngày 22 tháng 01 năm 2002 của Chính phủ về hoạt động đo đạc và bản đồ;

c) Quyết định số 83/2000/QĐ-TTg ngày 12 tháng 7 năm 2000 của Thủ tướng Chính phủ về sử dụng Hệ quy chiếu và Hệ tọa độ Quốc gia Việt Nam;

d) Thông tư số 28/TCCP-ĐP ngày 17 tháng 3 năm 1995 của Ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) về hướng dẫn thực hiện Nghị định số 119/CP ngày 16 tháng 9 năm 1994 của Chính phủ về việc ban hành quy định quản lý, sử dụng hồ sơ, bản đồ địa giới và mốc địa giới hành chính các cấp;

đ) Thông tư liên tịch số 06/2006/TTLT-BTNMT-BNV-BNG-BQP ngày 13 tháng 6 năm 2006 của liên Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng về việc hướng dẫn, quản lý công tác đo đạc bản đồ địa giới hành chính và biên giới Quốc gia.

e) Quyết định số 12/2008/QĐ-BTNMT ngày 18 tháng 12 năm 2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân định địa giới hành chính và lập hồ sơ địa giới hành chính các cấp.



2. Về điều chỉnh địa giới hành chính, chia tách, sáp nhập, giải thể, thành lập đơn vị hành chính.

a) Đơn vị hành chính cấp tỉnh:

Năm 1991 cả nước có 44 đơn vị hành chính cấp tỉnh, gồm 40 tỉnh, 03 thành phố và 01 đặc khu trực thuộc Trung ương. Như vậy, giai đoạn từ năm 1991 đến nay, do điều chỉnh địa giới, chia tách sáp nhập, thành lập mới cả nước tăng thêm 19 đơn vị hành chính cấp tỉnh, trong đó có 17 tỉnh và 02 thành phố trực thuộc Trung ương.

b) Đơn vị hành chính cấp huyện:

Đến nay, cả nước tăng thêm 135 đơn vị hành chính cấp huyện (tăng từ 568 đơn vị lên 703 đơn vị).

c) Đơn vị hành chính cấp xã:

Đến nay, cả nước tăng thêm 965 đơn vị hành chính cấp xã (tăng từ 10.182 đơn vị lên 11.147 đơn vị).

d) Đánh giá tác động, ảnh hưởng của việc điều chỉnh địa giới hành chính các cấp

- Ưu điểm: Sau khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền về điều chỉnh địa giới hành chính, các đơn vị hành chính được thành lập mới và còn lại sau khi điều chỉnh sẽ có quy mô diện tích tự nhiên và dân số phù hợp nên chính quyền địa phương đã thực hiện tốt chức năng quản lý hành chính, lãnh thổ, phù hợp với trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ, công chức. Những đơn vị hành chính mới được thành lập được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, từ đó đời sống nhân dân được cải thiện tốt hơn; đối với những đơn vị hành chính là đô thị được thành lập phù hợp với tính chất quản lý đô thị và nông thôn, có điều kiện tăng cường công tác quốc phòng, an ninh; những đơn vị hành chính vùng biên giới làm tốt hơn công tác quản lý đường biên giới, chống buôn lậu, vượt biên trái phép và các tệ nạn xã hội khác.

- Hạn chế: Bên cạnh những mặt được, việc điều chỉnh địa giới hành chính thể hiện một số hạn chế, bất cập như tăng biên chế hành chính, tăng ngân sách đầu tư xây dựng trụ sở, mua sắm trang thiết bị làm việc; do thay đổi về đơn vị hành chính đã ảnh hưởng đến việc lập kế hoạch, quy hoạch, xây dựng dự án phát triển kinh tế - xã hội tầm vĩ mô; việc lập mới, chỉnh lý, bổ sung hồ sơ, bản đồ đối với những đơn vị hành chính liên quan dẫn đến tăng chi phí nguồn ngân sách nhà nước.



3. Giải quyết những tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính các cấp

a) Tình hình tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính các cấp tồn tại sau khi kết thúc thực hiện Chỉ thị số 364-CT.

Tổng kết 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 364-CT (1991-1995) đã ghi nhận 53/53 đơn vị hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 568/568 đơn vị hành chính huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và 10.182/10.182 đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn trong cả nước đã giải quyết được 5.479 khu vực tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính các cấp, trong đó có 406 khu vực tranh chấp cấp tỉnh; 5.073 khu vực tranh chấp cấp huyện, cấp xã. Đồng thời, đã xây dựng được bộ hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính các cấp làm cơ sở pháp lý trong công tác quản lý Nhà nước về địa giới hành chính. Tuy nhiên, kết thúc thực hiện Chỉ thị 364-CT, cả nước còn tồn tại 26 khu vực tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Bộ Nội vụ đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương liên quan tiến hành giải quyết tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính của các tỉnh. Kết quả đến thời điểm hiện nay đã giải quyết dứt điểm được 11 khu vực, gồm: Giữa tỉnh Bình Thuận với tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu: 01 khu vực; giữa tỉnh Quảng Bình với tỉnh Hà Tĩnh: 02 Khu vực; giữa tỉnh Hòa Bình với thành phố Hà Nội: 08 khu vực. Đã trình Chính phủ phương án giải quyết giữa tỉnh Quảng Trị với tỉnh Thừa Thiên Huế tại 02 khu vực; tham mưu để Chính phủ trình Quốc hội giữa tỉnh Gia Lai với tỉnh Kon Tum trên toàn tuyến.

- Hiện tại có 13 khu vực phải tập trung giải quyết trong thời gian tới là: Giữa tỉnh Kiên Giang với tỉnh Bạc Liêu tại khu vực cạnh Đền; giữa tỉnh Quảng Ninh với thành phố Hải Phòng tại 02 khu vực là bãi nhà Mạc và khu vực Bắc, Đông đảo Cát Bà; giữa tỉnh Hải Dương với thành phố Hải Phòng tại khu vực Nông trường Quý Cao; giữa tỉnh Hòa Bình với tỉnh Ninh Bình tại 04 khu vực là khu vực Máng Ếch, khu vực chính quả đồi Lim, khu vực đá Hàn và khu vực đền Cát Đùn; giữa tỉnh Hòa Bình với tỉnh Thanh Hóa tại khu vực Vạn Mai; giữa tỉnh Vĩnh Phúc với thành phố Hà Nội tại khu vực dãy núi chân Chim; giữa tỉnh Khánh Hòa với tỉnh Đắc Lắc tại khu vực Hoà Ninh – Ea Trang; giữa tỉnh Đồng Nai với thành phố Hồ Chí Minh tại khu vực Gò Gia; giữa tỉnh Thừa Thiên Huế với thành phố Đà Nẵng tại khu vực đèo Hải Vân.

Ngoài ra, trong những năm gần đây Bộ Nội vụ đã chủ trì,phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương liên quan giải quyết được một số tuyến tranh chấp địa giới hành chính cấp tỉnh phát sinh do có sự không thống nhất giữa hồ sơ, bản đồ với thực trạng quản lý giữa các địa phường như tỉnh Hòa Bình với tỉnh Phú Thọ, tỉnh Bắc Kạn với tỉnh Thái Nguyên, tỉnh Vĩnh Phúc với tỉnh Thái Nguyên, tỉnh Nghệ An với tỉnh Hà Tĩnh.



4. Công tác lập hồ sơ, bản đồ, mốc địa giới hành chính các cấp theo Chỉ thị số 364-CT

a) Kết quả thực hiện Chỉ thị số 364-CT (theo báo cáo tổng kết công tác quản lý địa giới hành chính của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương)

- Hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính cấp tỉnh có 53 bộ.

- Hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính cấp huyện có 568 bộ.

- Hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính cấp xã có 10.182 bộ.

b) Công tác lập mới, chỉnh lý, bổ sung hồ sơ, bản đồ và mốc địa giới hành chính các cấp đã được nghiệm thu và đưa vào quản lý, sử dụng

Kết quả lập mới, chỉnh lý, bổ sung hồ sơ, bản đồ và mốc địa giới hành chính các cấp:

- Hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính cấp tỉnh có 12 bộ;

- Hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính cấp huyện có 139 bộ.

- Hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính cấp xã có 873 bộ.


c) Hệ thống mốc địa giới hành chính các cấp


Theo thống kê đã có 1.793 mốc địa giới hành chính các cấp được được bổ sung, trong đó mốc cấp tỉnh là 159, mốc cấp huyện là 191 và mốc cấp xã là 1.143 mốc.

Tuy nhiên, hệ thống mốc địa giới hành chính các cấp chỉ có giá trị đơn thuần là điểm giới hạn về địa giới giữa các đơn vị hành chính trên thực địa. Tọa độ các mốc được xác định bằng phương pháp đồ giải trên bản đồ giấy trong hệ HN-72 chưa đảm bảo độ chính xác nên trong thực tế công tác khôi phục lại các mốc địa giới bị mất gặp rất nhiều khó khăn; nhiều trường hợp không thể xác định được vị trí mốc cũ trên thực địa.



5. Nhận xét chung về hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính các cấp

a) Thuận lợi:

Từ kết quả nêu trên có thể thấy sau khi có quyết định của cấp có thẩm quyền về điều chỉnh địa giới hành chính, các địa phương đã kịp thời tổ chức lập mới, chỉnh lý, bổ sung bộ hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính cho các đơn vị hành chính liên quan làm cơ sở cho việc quản lý địa giới hành chính các cấp, góp phần ổn định đời sống nhân dân trên địa bàn. Nhìn chung bộ hồ sơ, bản đồ được lập mới, chỉnh lý, bổ sung bằng kỹ thuật, công nghệ hiện đại, sử dụng hệ tọa độ và độ cao Quốc gia VN-2000 làm nền, bảo đảm đúng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân định địa giới hành chính và lập hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính các cấp.

Trong những năm qua, công tác quản lý địa giới hành chính các cấp trong cả nước theo đúng quy định, bộ hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính, mốc giới hành chính được lập theo Chỉ thị số 364-CT là công cụ quản lý nhà nước của các cấp chính quyền địa phương.

b) Khó khăn:

- Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý địa giới hành chính còn nhiều bất cập, tiếp tục có sự hướng dẫn cụ thể theo một quy trình chặt chẽ.

- Đội ngũ cán bộ, công chức nhất là đối với Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp một số nơi khi thay đổi vị trí công tác thường chưa thực hiện tốt công tác bàn giao dẫn tới việc làm mất, thất lạc hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính.

- Quá trình phát triển kinh tế - xã hội như làm đường giao thông, xây dựng các khu công nghiệp, khu dân cư đã dẫn đến mất, thất lạc và hư hỏng nhiều mốc địa giới hành chính nhưng chưa được xử lý, khắc phục kịp thời.

- Nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sau khi có văn bản của cơ quan có thẩm quyền về điều chỉnh địa giới hành chính nhưng chưa kịp thời tổ chức lập mới, chỉnh lý, bổ sung bộ hồ sơ, bản đồ và mốc địa giới hành chính có liên quan, Tuy nhiên, trong điều kiện khả năng cân đối ngân sách của nhiều địa phương chưa bảo đảm, nhiều đơn vị hành chính chưa được chỉnh lý, bổ sung, lập mới bộ hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính và xác định cụ thể mốc địa giới hành chính trên thực địa; một số khác chưa kịp thời phát hiện và giải quyết dứt điểm tồn tại sự không thống nhất (khi thực hiện Chỉ thị số 364-CT) giữa hồ sơ, bản đồ với thực trạng quản lý của địa phương gây nhiều khó khăn trong hoạt động quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh của các cấp chính quyền địa phương.

- Các loại bản đồ trên chủ yếu là bản đồ lưới chiếu Gauss, hệ tọa độ HN-72 ở các tỷ lệ từ 1/2.000 đến 1/50.000; bản đồ được xuất bản từ những năm 1990 trở về trước, một số vùng núi cao đặc biệt là phía Bắc địa hình thể hiện dạng vẽ nháp, tiếp biên không khớp, nội dung bản đồ không phù hợp với hiện trạng quản lý.

- Dữ liệu số hóa bản đồ địa giới hành chính các cấp được lập theo Chỉ thị 364-CT đã được Ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) số hóa và đưa vào quản lý trên hệ thống máy tính ở hệ tọa độ HN-72 chưa được chuyển sang hệ tọa độ VN-2000, riêng phần xây dựng cơ sơ dữ liệu địa giới hành chính tại thời điểm đó chưa được thực hiện theo quy định quy chuẩn thông tin địa lý cơ sở quốc gia do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành.

- Về nguyên nhân tồn tại các điểm tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính cấp tỉnh kéo dài đến nay chưa giải quyết dứt điểm được là hai địa phương có liên quan chưa thống nhất được đường địa giới hành chính chung. Trong quá trình hiệp thương các bên liên quan thường sử dụng các yếu tố có lợi cho mình về lịch sử, địa hình, bản đồ, xâm canh xâm cư, hành vi hành chính, các văn bản của cơ quan nhà nước đan xen nhau nên gặp nhiều khó khăn trong giải quyết.



III. ĐÁNH GIÁ CHUNG VỀ CÔNG TÁC QUẢN LÝ ĐỊA GIỚI HÀNH CHÍNH CÁC CẤP

1. Ưu điểm

a) Việc tổ chức thực hiện Chỉ thị 364-CT ngày 06 tháng 11 năm 1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) về việc giải quyết tranh chấp đất đai có liên quan đến địa giới hành chính tỉnh, huyện, xã và thành lập bộ hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính các cấp về cơ bản đã giải quyết dứt điểm tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính và là căn cứ pháp lý cho công tác tổ chức quản lý hành chính lãnh thổ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với các đơn vị hành chính.

b) Nhiều địa phương đã thành lập ban chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ giữa đơn vị quản lý và đơn vị thi công trong việc lập mới, chỉnh lý, bổ sung hồ sơ bản đồ địa giới kịp thời và sử dụng công nghẹ mới hiện đại để xây dựng.

c) Trong việc giải quyết tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính, các địa phương đã chủ động tổ chức nghiên cứu khảo sát, đề xuất phương án, hiệp thương theo các nguyên tắc cơ bản, có sự chia sẻ thuận lợi, khó khăn của đôi bên để có phương án phù hợp và đặt lợi ích của quốc gia lên trên.

2. Hạn chế và nguyên nhân

a) Địa giới của 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển mới xác định được đến đường mép nước vẽ trên bản đồ; chưa xác định được địa giới hành chính từ mép nước đến đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của lục địa Việt Nam theo tuyên bố của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày 12 tháng 11 năm 1982 và phạm vi quản lý các đảo, đá, bãi cạn, bãi ngầm trên vùng biển Việt Nam. Thực tế đó đã, đang làm nảy sinh những bất cập mang tính tự phát, gây nên nhiều tranh chấp về đất đai, về vùng nuôi trồng thủy sản, về tài nguyên khoáng sản làm thất thoát nguồn lợi lớn của quốc gia.

b) Chưa xác định được địa giới hành chính giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tại 16 khu vực tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính cấp tỉnh (còn lại). Trong điều kiện ngày nay, nền kinh tế đã phát triển, đất đai trở nên có giá, những tranh chấp về đất đai liên quan đến địa giới hành chính có diễn biến ngày càng gay gắt, gây mất an ninh, trật tự và an toàn xã hội ở một số địa phương, đòi hỏi phải được tập trung giải quyết kịp thời.

c) Những thay đổi về chính sách phát triển kinh tế, xã hội, đô thị và tác động của thiên nhiên đã tác động, ảnh hưởng đến hệ thống mốc địa giới hành chính các cấp.

d) Quá trình đầu tư phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa các vùng nông thôn. Sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống đô thị, các khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu công nghiệp thời gian qua và sự thay đổi địa hình tự nhiên do lũ lụt, sạt lở đất, thay đổi dòng chảy đã làm biến dạng, thay đổi đáng kể địa giới và mốc địa giới hành chính các cấp, cần thiết phải được cập nhật kịp thời nhằm bảo đảm các tính chất: đầy đủ, chính xác, thống nhất và pháp lý của bộ hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính.

đ) Công tác phân giới, cắm mốc: Hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính được lập theo Chỉ thị 364-CT trong điều kiện nước ta chưa triển khai các hoạt động đàm phán, phân giới, cắm mốc biên giới với các nước láng giềng. Nay theo kết quả phân giới, cắm mốc giữa Việt Nam với các nước: Lào, Campuchia và Trung Quốc thì đường địa giới hành chính của 26 tỉnh có liên quan đến ba tuyến biên giới trên đất liền này cần phải được cập nhật, chỉnh lý, bổ sung bảo đảm khép kín, thống nhất giữa địa giới hành chính và biên giới quốc gia.

IV. PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ ĐỊA GIỚI HÀNH CHÍNH NĂM 2013 – 2014 VÀ NHỮNG NĂM TIẾP THEO

Xuất phát từ tình hình, kết quả thực hiện công tác quản lý nhà nước về địa giới hành chính thời gian qua, Bộ Nội vụ đã chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, xây dựng Dự án “Hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính và xây dựng cơ sở dữ liệu về địa giới hành chính” trình Thủ tướng Chính phủ và đã được phê duyệt tại Quyết định số 513/QĐ-TTg ngày 02 tháng 5 năm 2013. Tại Quyết định này, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu sau:

1. Giải quyết dứt điểm những tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính do lịch sử để lại và những tranh chấp mới phát sinh do có những sai sót của hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính được lập khi thực hiện Chỉ thị 364-CT.

2. Xác định rõ phạm vi quản lý các bãi bồi ven sông giữa các địa phương liên quan.

3. Xác định rõ phạm vi quản lý các đảo, đá, bãi cạn, bãi ngầm và một số đối tượng địa lý khác trên vùng biển Việt Nam giữa các tỉnh, thành phố có biển.

4. Xác định cụ thể địa giới hành chính ở thực địa các đơn vị hành chính được điều chỉnh địa giới, chia tách, sáp nhập, thành lập mới theo Nghị quyết của Quốc hội, Nghị định, Nghị quyết của Chính phủ.

5. Cập nhật bổ sung khép kín đường địa giới hành chính của 26 tỉnh có biên giới trên đất liền với các nước: Trung Quốc, Lào, Campuchia và chuyển vẽ đường biên giới, mốc biên giới quốc gia vào bản đồ địa giới hành chính.

6. Hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính các cấp.

7. Xây dựng cơ sở dữ liệu về địa giới hành chính các cấp.

V. KIẾN NGHỊ VÀ ĐỀ XUẤT

Tổng hợp báo cáo của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho thấy đa số các kiến nghị, đề xuất tập trung vào một số vấn đề sau:

1. Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về công tác quản lý địa giới hành chính các cấp, sửa đổi Nghị định số 119/CP ngày 16 tháng 9 năm 1994 của Chính phủ về quản lý, sử dụng hồ sơ, bản đồ địa giới và mốc địa giới hành chính các cấp (kiến nghị của tỉnh Thanh Hóa, tỉnh Quảng Nam).

2. Xây dựng văn bản hướng dẫn về trình tự, thủ tục và giải quyết dứt điểm tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính các cấp (kiến nghị của tỉnh Sơn La, tỉnh Bắc Kạn, tỉnh Bạc Liêu, tỉnh Phú Thọ).

3. Có nguồn kinh phí dành riêng cho công tác quản lý hồ sơ, bản đồ, mốc địa giới hành chính các cấp (kiến nghị của tỉnh Bạc Liêu).

4. Thực hiện việc lập mới, chỉnh lý, bổ sung hồ sơ, bản đồ, mốc địa giới hành chính các cấp được lập theo Chỉ thị số 364-CT theo công nghệ mới, có hướng dẫn cụ thể về điều kiện, tiêu chuẩn và mức hỗ trợ ngân sách Trung ương cho các tỉnh khó khăn về kinh phí thực hiện. Hằng năm tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ về công tác quản lý địa giới hành chính cho công chức các cấp, đặc biệt là cấp xã (kiến nghị của tỉnh Hưng Yên, tỉnh Phú Thọ, tỉnh Bắc Giang, tỉnh Lạng Sơn…).

5. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về địa giới hành chính, có ý nghĩa hết sức quan trọng, phục vụ đắc lực cho công tác quy hoạch, ké hoạch phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội, giao lưu văn hóa, phát triển du lịch, có giá trị như một tài sản quý. Vì vậy, cần học tập kinh nghiệm các nước tiên tiến, nâng cao nhận thức về công tác quản lý địa giới hành chính, chuyển động tích cực hơn trong những năm sắp tới.

Trên đây là báo cáo tóm tắt tổng kết công tác quản lý địa giới hành chính các cấp toàn quốc từ khi kết thúc thực hiện Chỉ thị số 364-CT ngày 06 tháng 11 năm 1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trường về giải quyết những tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính tỉnh, huyện, xã đến nay./.




Каталог: DATA -> 513 -> DOCUMENT -> 2015
DATA -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
DATA -> Qcvn 81: 2014/bgtvt
DATA -> Trung taâm tin hoïC Ñhsp ñEÀ thi hoïc phaàn access
DATA -> PHỤ LỤC 2 TỔng hợp danh mục tài liệu tham khảO
DATA -> Công ty cổ phần Xây dựng Điện vneco3
DATA -> Nghiên cứu một số đặc điểm
DATA -> NHỮng đÓng góp mới của luậN Án tiến sĩ CẤP ĐẠi học huế Họ và tên ncs : Nguyễn Văn Tuấn
DATA -> Mẫu 01/hc-sn-dn (Ban hành kèm theo Thông tư số 83/2007/tt-btc ngày 16/7/2007 của Bộ Tài chính) TỜ khai hiện trạng sử DỤng nhà, ĐẤt thuộc sở HỮu nhà NƯỚc và ĐỀ xuất phưƠng án xử LÝ
2015 -> BỘ NỘi vụ ban quản lý DỰ ÁN 513 –––– CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam

tải về 64.82 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương