BỘ giáo dục và ĐÀo tạo trưỜng đẠi học luật tp. HỒ chí minh kỷ YẾu hội thảo khoa học thờI ĐIỂm giao kếT


Chuyên đề 6: THỜI ĐIỂM GIAO KẾT HỢP ĐỒNG VÀ VẤN ĐỀ XUNG ĐỘT PHÁP LUẬT TRONG THỜI GIAN



tải về 0.64 Mb.
trang5/10
Chuyển đổi dữ liệu25.07.2016
Kích0.64 Mb.
#5768
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10

Chuyên đề 6: THỜI ĐIỂM GIAO KẾT HỢP ĐỒNG VÀ VẤN ĐỀ XUNG ĐỘT PHÁP LUẬT TRONG THỜI GIAN


TS. Đỗ Văn Đại

Trưởng Bộ môn Luật Dân sự,

Phó trưởng Khoa Luật Dân sự - ĐH Luật TP. HCM


  1. Đặt vấn đề. Sự thay đổi của xã hội buộc các nhà làm luật phải thay đổi Luật để phù hợp với hoàn cảnh mới. Chẳng hạn, do có sự thay đổi trong xã hội nên chúng ta đã ban hành BLDS sửa đổi năm 2005, thay thế BLDS năm 1995 và BLDS năm 1995 đã thay thế Pháp lệnh hợp đồng dân sự năm 1991. Tương tự như vậy đối với lĩnh vực thương mại. Luật thương mại sửa đổi năm 2005 thay thế Luật thương mại năm 1997.

Pháp luật Việt Nam thường xuyên thay đổi nên làm phát sinh hiện tượng xung đột pháp luật trong thời gian và vấn đề xác định văn bản nào áp dụng điều chỉnh hợp đồng là cần thiết: đối với một vấn đề pháp lý cụ thể, cần phải áp dụng văn bản pháp luật cũ hay văn bản pháp luật mới ? Thời điểm giao kết hợp đồng có ảnh hướng tới việc xác định văn bản được áp dụng cho hợp đồng không?

Trả lời câu hỏi trên chính là nội dung chính của bài viết. Tuy nhiên, trước khi đi vào trả lời câu hỏi này, chúng ta cần làm rõ khái niệm “xung đột pháp luật trong thời gian”.



  1. Xung đột pháp luật trong thời gian. Để có xung xung đột pháp luật trong thời gian, chúng ta cần có sự hiện diện của pháp luật cũ (hết hiệu lực) và pháp luật mới (có hiệu lực). Tuy nhiên, sự hiện diện của pháp luật cũ và pháp luật mới không luôn luôn làm phát sinh xung đột pháp luật trong thời gian. Chúng ta chỉ nên coi là có xung đột pháp luật trong thời gian khi cùng một vấn đề pháp lý pháp luật cũ quy định khác pháp luật mới. Do đó, nếu có hai văn bản nhưng vấn đề pháp lý được điều chỉnh trong hai văn bản này là giống nhau thì không tồn tại xung đột pháp luật trong thời gian. Ví dụ, theo khoản 2 BLDS năm 2005, “khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền” và theo khoản 2 Điều 146 BLDS năm 1995, “khi giao dịch dân sự vô hiệu, thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật, thì phải hoàn trả bằng tiền”. Chúng ta có hai văn bản (cũ và mới) liên quan đến “hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu”. Hai quy định nêu trên giống hệt nhau, do đó không tồn tại xung đột pháp luật trong thời gian và việc áp dụng pháp luật cũ hay pháp luật mới không quan trọng. Nói một cách khác, ở đây tồn tại hai văn bản (cũ và mới) nhưng thực chất pháp luật vẫn chỉ là một: trước đây và hiện nay như nhau nên không làm phát sinh xung đột pháp luật.

Trong thực tế, trong nhiều trường hợp Tòa án viện dẫn cả pháp luật cũ và pháp luật mới để giải quyết một vấn đề khi pháp luật cũ và pháp luật mới không có sự khác biệt. Việc vận dụng này không có gì bất ổn vì thực chất không có xung đột pháp luật và việc vận dụng như vậy còn có ưu điểm cho thấy pháp luật của chúng ta đã ổn định về vấn đề pháp lý liên quan. Chẳng hạn, theo Điều 502 BLDS năm 1995 “trong trường hợp pháp luật không có quy định khác, thì quy định tại các điều từ Điều 489 đến Điều 501 của Bộ luật này cũng được áp dụng đối với việc thuê nhà sử dụng vào mục đích khác không phải là thuê nhà để ở” và Điều 489 quy định “hợp đồng thuê nhà ở phải được lập thành văn bản, nếu thời hạn thuê từ sáu tháng trở lên, thì phải có chứng nhận của Công chứng nhà nước hoặc chứng thực của Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền và phải đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền”. Quy định trên cho thấy, theo BLDS năm 1995, thuê nhà không có mục đích để ở thông thường phải công chứng, chứng thực nếu thời hạn thuê là từ sáu tháng trở lên. Quy định tương tự như vậy được nhắc lại trong BLDS năm 2005 tại Điều 500 và Điều 492. Điều đó có nghĩa là có hai văn bản (cũ và hiện nay) đề cập đến vấn đề công chứng, chứng thực hợp đồng thuê nhà không có mục đích để ở nhưng hai văn bản này không khác nhau nên không thực sự có xung đột pháp luật trong thời gian. Do vậy, áp dụng văn bản nào cũng không quan trọng. Trong một vụ việc liên quan đến hợp đồng thuê nhà xưởng, Hội đồng thẩm phán đã sử dụng cả BLDS năm 1995 và BLDS năm 2005 đối với hợp đồng được giao kết năm 2001 (khi BLDS năm 1995 có hiệu lực). Cụ thể, theo Hội đồng thẩm phán, “hợp đồng ngày 01/8/2001 là hợp đồng cho thuê tài sản (nhà, xưởng và công trình kiến trúc khác) gắn liền với quyền sử dụng đất (với thời hạn 05 năm) tuy được lập thành văn bản và được ký kết bởi người có thẩm quyền là Giám đốc của hai Công ty nhưng không có chứng nhận của Công chứng hoặc chứng thực của Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền. Vì vậy, tại thời điểm ký kết hợp đồng đã có sự vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 400, Điều 489 và Điều 502 Bộ luật dân sự năm 1995 (nay là khoản 2 Điều 401, Điều 492 và Điều 500 Bộ luật dân sự năm 2005) về hình thức hợp đồng dân sự (hîp ®ång thuê tài sản - nhà ở - nhà để sử dụng vào mục đích khác)”9.

  1. Phạm vi nghiên cứu. Xung đột pháp luật trong thời gian phần nào được giải quyết khi văn bản mới ban hành nêu rõ ngày có hiệu lực. Khi biết rõ ngày văn bản mới có hiệu lực chúng ta biết được những yếu tố sau: hoàn cảnh pháp lý đã được thiết lập và phát huy hết hiệu quả trước ngày văn bản mới có hiệu lực không bị chi phối bởi văn bản mới; và hoàn cảnh pháp lý phát sinh sau ngày văn bản mới có hiệu lực sẽ được điều chỉnh bởi văn bản pháp luật mới này. Việc quy định ngày có hiệu lực của văn bản mới không cho phép giải quyết hết những tranh chấp phát sinh từ xung đột pháp luật trong thời gian. Bởi lẽ có hoàn cảnh pháp lý được phát sinh trước khi văn bản mới có hiệu lực nhưng tiếp tục tiếp diễn sau ngày này. Cụ thể là có nhiều hợp đồng được hình thành trước khi văn bản mới có hiệu lực nhưng tiếp tục có hiệu lực giữa các bên sau thời điểm này. Nghị quyết áp dụng BLDS đã có quy định đối với những giao dịch như vậy. Cụ thể, theo Điều 2 Nghị quyết áp dụng BLDS năm 2005 (trước đây chúng ta cũng có Nghị quyết áp dụng BLDS năm 1995), “giao dịch dân sự đang được thực hiện mà có nội dung và hình thức phù hợp với quy định của Bộ luật dân sự thì áp dụng các quy định của Bộ luật dân sự” và “giao dịch dân sự đang được thực hiện mà có nội dung và hình thức khác với quy định của Bộ luật dân sự hoặc giao dịch dân sự được thực hiện xong trước ngày Bộ luật dân sự có hiệu lực mà có tranh chấp xảy ra thì áp dụng quy định của Bộ luật dân sự năm 1995 và các văn bản pháp luật hướng dẫn áp dụng Bộ luật dân sự năm 1995 để giải quyết”.

Tuy nhiên, BLDS chỉ là một bộ phận của pháp luật về hợp đồng nói chung, không phải là pháp luật hợp đồng. Do đó, các quy định của Nghị quyết áp dụng BLDS không đầy đủ để giải quyết vấn đề xung đột pháp luật trong thời gian đối với lĩnh vực hợp đồng nói chung. Phần lớn Luật của nước ta hiện nay không đi vào quy định cụ thể những trường hợp như nêu trên. Vì vậy, chúng ta nên tìm ra nguyên tắc chung áp dụng cho tất cả hợp đồng cho xung đột pháp luật về hợp đồng nói chung (không chỉ xung đột giữa BLDS năm 2005 với văn bản khác). Ví dụ10, ngày 29/08/1996, Hợp tác xã Hồng Quang và Công ty Tân Hồng ký hợp đồng mà theo Tòa án thì đây là hợp đồng cho thuê tài sản. Hợp đồng này được giao kết năm 1996 và vẫn tiếp tục tồn tại sau năm 1998. Năm 1998, Quốc hội có sửa đổi Luật đất đai năm 1993 và có bổ sung Điều 78c và Điều 78đ như sau : « Tổ chức kinh tế được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất có quyền cho thuê quyền sử dụng đất gắn liền với công trình kiến trúc, với kết cấu hạ tầng đã được xây dựng trên đất đó » ; và « việc thực hiện các quyền của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được quy định tại các điều 78a, 78b, 78c và 78d của Luật này phải được làm thủ tục tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật ». Căn cứ Luật Đất đai sửa đổi, bổ sung năm 1998, Chính phủ đã ra Nghị định số 17/1999/NĐ quy định điều kiện cho thuê đất, cho thuê lại đất của tổ chức kinh tế ; Hồ sơ thuê đất, thuê lại đất ; Trình tự thực hiện việc cho thuê đất, cho thuê lại đất. Vấn đề đặt ra là hợp đồng thuê nhà xưởng gắn liền với quyền sử dụng đất giữa Hợp tác xã Hồng Quang và Công ty Tân Hồng có phải tuân theo những quy định mới này không ? Chúng ta không thể viện dẫn các quy định trong Nghị quyết áp dụng BLDS để điều chỉnh vấn đề trên.

Tương tự như vậy, hiện nay chúng ta khó có thể sử dụng Nghị quyết áp dụng BLDS để giải quyết xung đột pháp luật giữa BLDS năm 2005 và văn bản khác BLDS năm 1995. Bởi Nghị quyết trên chỉ quan tâm tới xung đột pháp luật trong thời gian giữa BLDS năm 2005 với BLDS năm 1995. Ví dụ, nếu có tranh chấp về hợp đồng giao kết trước khi BLDS năm 1995 có hiệu lực (như năm 1993 và vấn đề thời hiệu không được đặt ra) thì áp dụng BLDS năm 2005 hay Pháp lệnh hợp đồng dân sự năm 1991? Nghị quyết áp dụng BLDS năm 2005 không cho câu trả lời. Do đó, trong bài viết này chúng tôi cố gắng giải quyết xung đột pháp luật trong thời gian nói chung, chứ không giới hạn ở xung đột pháp luật giữa hai BLDS liên quan đến hợp đồng.



4. Phạm vi nghiên cứu (tiếp). Trong thực tế còn tồn tại xung đột pháp luật giữa các văn bản cùng có hiệu lực.

Ví dụ, hiện nay chúng ta có BLDS và Luật nhà ở đều cùng có hiệu lực. Hai văn bản này có thể xung đột nhau về một số vấn đề pháp lý. Những xung đột pháp luật như vừa nêu được giải quyết theo một số nguyên tắc sau tùy từng hoàn cảnh: “pháp luật chuyên ngành được ưu tiên áp dụng trước pháp luật chung” hay “trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành mà có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản được ban hành sau” (khoản 3 Điều 83 Luật ban hành văn bản).

Xung đột như nêu ở trên không phải là xung đột pháp luật trong thời gian nên không thuộc phạm vi nghiên cứu của bài viết này. Liên quan đến xung đột pháp luật trong thời gian, chúng ta nhận thấy về nguyên tắc pháp luật điều chỉnh hợp đồng (khi có xung đột) là pháp luật có hiệu lực tại thời điểm giao kết hợp đồng (I). Tuy nhiên, cũng có trường hợp chúng ta áp dụng pháp luật có hiệu lực sau ngày này (II).

I- Nguyên tắc: áp dụng pháp luật có hiệu lực tại thời điểm giao kết hợp đồng

5. Thiếu quy định cụ thể. Hiện nay chúng ta dường như chưa có quy định chung cho vấn đề xung đột pháp luật trong thời gian đối với quan hệ hợp đồng.

Luật ban hành văn bản có quy định liên quan đến áp dụng văn bản mới và văn bản cũ. Theo khoản 1 Điều 83 Luật ban hành văn bản năm 2008, “văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó đang có hiệu lực”. Quy định này đã tồn tại trong Luật ban hành văn bản trước đây (khoản 1 Điều 80).

Tuy nhiên, Luật này lại không cho biết “hành vi xảy ra” được hiểu như thế nào đối với hợp đồng. Nếu hai bên giao kết hợp đồng mua bán và đã giao tiền, trao vật vào năm 1996 thì hợp đồng này có thể được coi là đã “xảy ra” vào năm 1996 nên chịu sự chi phối của pháp luật có hiệu lực tại thời điểm này. Ngược lại, hợp đồng thuê được giao kết năm 1996 như vụ việc nêu trên nhưng tiếp tục được thực hiện sau năm 1996 thì có được coi là hợp đồng này “xảy ra” vào năm 1996 không? Luật ban hành văn bản chưa có câu trả lời cụ thể.

6. So sánh pháp luật. Xung đột pháp luật trong thời gian tồn tại ở bất kỳ hệ thống pháp luật nào. Ở Pháp, từ năm 1804, Điều 2 BLDS đã quy định “Luật không có hiệu lực hồi tố, Luật chỉ có hiệu lực trong tương lai”. Quy định này áp dụng cho tất cả các quan hệ nên cũng được áp dụng cho hợp đồng. Tuy nhiên, quy định vừa nêu chỉ quan tâm tới “Luật mới” được ban hành, chưa cho biết vai trò của Luật cũ. Chính vì vậy mà “Án lệ” Pháp đã phải can thiệp và Tòa án tối cao Pháp đã đưa ra nguyên tắc áp dụng pháp luật cho hợp đồng trong một bản án công bố năm 1962 (Bản án được xếp vào danh sách những bản án quan trọng trong hệ thống pháp luật dân sự Pháp: Được công bố và bình luận trong cuốn Những bản án quan trọng trong lĩnh vực dân sự, Tập I).

Tình tiết vụ việc như sau: Thông qua hợp đồng được ký ngày 26/01/1956, một công ty giao cho ông A khai thác thương mại một sản phẩm của mình. Sau đó, vì lý do thay đổi cơ cấu nên công ty này đã chấm dứt hợp đồng vào năm 1959 và vấn đề “bồi thường” cho ông A được đặt ra. Ông A yêu cầu áp dụng các quy định về “bồi thường” được ban hành năm 1958, quy định này có lợi hơn các quy định tồn tại vào năm 1956. Điều này có nghĩa là đã tồn tại xung đột pháp luật theo thời gian. Tòa sơ thẩm theo hướng không áp dụng văn bản ban hành năm 1958 còn Tòa phúc thẩm theo hướng áp dụng quy định của năm 1958. Cuối cùng, Tòa giám đốc thẩm đã hủy án phúc thẩm và trước khi hủy án đã đưa ra quy định: “về nguyên tắc, hệ quả của một hợp đồng chịu sự điều chỉnh của pháp luật có hiệu lực ở thời điểm hợp đồng diễn ra”. Do đó, việc Tòa phúc thẩm áp dụng pháp luật mới trong khi đó không có văn bản nào cho phép là vi phạm nguyên tắc vừa nêu.

Như vậy, về nguyên tắc chúng ta thấy Pháp áp dụng pháp luật có hiệu tại thời điểm hợp đồng được giao kết.

7. Thực tiễn xét xử Việt Nam. Thực tiễn xét xử Việt Nam cũng theo hướng áp dụng pháp luật có hiệu lực ở thời điểm hợp đồng được giao kết.

Trong vụ việc nêu ở phần 03 trên, theo Viện kiểm sát thì cần phải áp dụng những quy định của Luật năm 1998 và Nghị định áp dụng nên việc Hợp tác xã Hồng Quang « không làm đầy đủ đủ thủ tục để trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền là vi phạm Luật đất đai 1998 và Nghị định số 17/1999/NĐ-CP của Chính phủ ». Tuy nhiên, theo Tòa án tối cao, « từ thời điểm ký hợp đồng kinh tế số 01 ngày 29-08-1996 đến thời điểm ký phụ lục hợp đồng số 02 ngày 10-01-1999 Luật Đất đai 1993 đang có hiệu lực. Luật này không có quy định về thủ tục thuê đất, thuê tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất đối với các tổ chức, cá nhân Việt Nam. Ngày 02-12-1998, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai năm 1993, trong đó, có bổ sung Điều 78c, Điều 78đ. Tại khoản 2 Điều 78c quy định: “Tổ chức kinh tế được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất có quyền: ... Cho thuê quyền sử dụng đất gắn liền với công trình kiến trúc, với kết cấu hạ tầng đã được xây dựng trên đất đó”. Tại Điều 78đ quy định: “Việc thực hiện các quyền của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được quy định tại các Điều 78a, 78b, 78c và 78d của luật này phải được làm thủ tục tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật”. Ngày 29-03-1999, Chính phủ căn cứ Luật Đất đai sửa đổi, bổ sung năm 1998, đã ban hành Nghị định số 17/1999/NĐ- CP quy định về thủ tục cho thuê; cho thuê lại đất đối với tổ chức (Điều 19, 20, 21) là phải có hợp đồng thuê đất... Những quy định này ban hành và có hiệu lực sau khi hợp đồng và các phụ lục hợp đồng đã được ký kết. Luật Đất đai sửa đổi, bổ sung năm 1998 và Nghị định số 17/1999/NĐ ngày 29-03-1999 của Chính phủ không quy định đối với những hợp đồng cho thuê từ trước khi Luật và nghị định nêu trên có hiệu lực mà vẫn còn thời hạn thực hiện khi Luật và nghị định nêu trên có hiệu lực thì phải làm thủ tục lại theo quy định hiện hành. Do vậy, việc bên A ký hợp đồng cho bên B thuê “1350m2 nhà xưởng hiện có trên tổng diện tích đất được sử dụng là 3100m2” là phù hợp với quy định tại Điều 476, 477 Bộ luật Dân sự, không vi phạm Luật Đất đai năm 1998 và Nghị định số 17/1999/NĐ- CP của Chính phủ »11. Theo Tòa án tối cao, Luật năm 1998 và Nghị định áp dụng được « ban hành và có hiệu lực sau khi hợp đồng và các phụ lục hợp đồng đã được ký kết » và các văn bản mới này không bắt buộc những hợp đồng được giao kết trước đây phải thực hiện theo các quy định mới nên hợp đồng không có vi phạm các quy định mới. Điều đó có nghĩa là theo Hội đồng thẩm phán, chúng ta không áp dụng các quy định mới. Bên cạnh việc không áp dụng quy định mới, Tòa án còn xác định hợp đồng “phù hợp với quy định tại Điều 476, 477 Bộ luật Dân sự”, quy định đã tồn tại và có hiệu lực tại thời điểm hợp đồng được giao kết.

Từ vụ việc trên, chúng ta có thể hiểu nếu văn bản mới không quy định áp dụng cho hợp đồng đã có “từ trước” thì không áp dụng pháp luật mới và áp dụng pháp luật cũ (pháp luật có hiệu lực tại thời điểm hợp đồng được ký kết).

8. Thực tiễn xét xử Việt Nam (tiếp). Trong các vụ việc sau đây, Tòa án cũng không áp dụng pháp luật có hiệu lực tại thời điểm xảy ra tranh chấp và đã áp dụng pháp luật có hiệu lực tại thời điểm hợp đồng được giao kết.

Ngày 06/01/1993, Công ty Gia Định (nay là Công ty Sài Gòn) ký hợp đồng liên doanh với ông Cứ. Sau đó, đôi bên phát sinh tranh chấp và Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao phải giải quyết vào năm 2008. Khi hợp đồng giao kết có nhầm lẫn thì chúng ta áp dụng quy định nào? Theo khoản 3, Điều 15, Pháp lệnh hợp đồng dân sự, hợp đồng vô hiệu “khi một bên hợp đồng bị nhầm lẫn về nội dung chủ yếu của hợp đồng” còn Điều 131 BLDS năm 2005 về “giao dịch dân sự vô hiệu do bị nhầm lẫn” quy định “khi một bên có lỗi vô ý làm cho bên kia nhầm lẫn về nội dung của giao dịch dân sự mà xác lập giao dịch thì bên bị nhầm lẫn có quyền yêu cầu bên kia thay đổi nội dung của giao dịch đó, nếu bên kia không chấp nhận thì bên bị nhầm lẫn có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu. Trong trường hợp một bên do lỗi cố ý làm cho bên kia nhầm lẫn về nội dung của giao dịch thì được giải quyết theo quy định tại Điều 132 của Bộ luật này”. Áp dụng Pháp lệnh hợp đồng dân sự năm 1991 (có hiệu lực tại thời điểm giao kết) hay áp dụng BLDS có hiệu lực tại thời điểm xảy ra tranh chấp? Cuối cùng Tòa án đã áp dụng pháp luật có hiệu lực tại thời điểm hợp đồng được giao kết, tức Pháp lệnh hợp đồng dân sự năm 1991. Theo Tòa án, “mặc dù tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay ông Trần Ngọc Cứ không thừa nhận là mình có sửa số từ 342m2 đất được cấp để ký hợp đồng liên doanh xây dựng nhà với Công ty xây dựng kinh doanh nhà (nay là Công ty cổ phần địa ốc Sài Gòn) nhưng theo hồ sơ thể hiện về phía lữ đoàn 596 xác định lữ đoàn chỉ có cấp 342m2 đất cho ông Cứ theo quyết định số 02 ngày 10/11/1986 chứ không đến 942m2 đất như ông Cứ khai (lữ đoàn không còn bản chính của quyết định số 02 nhưng về sổ sách theo dõi thì lữ đoàn vẫn còn ghi sổ lưu, việc này đã được Bộ tư lệnh thông tin giải quyết, Bộ tư lệnh thông tin có ra quyết định số 206g3/QĐ ngày 18/6/1997 thu hồi lại diện tích 666m2 đất (BL 104 VÀ 74), ông Cứ không có khiếu nại lại quyết định trên, quyết định trên đã có hiệu lực pháp luật, cấp sơ thẩm cho rằng chưa có căn cứ để xác định ông Cứ có hành vi lừa dối khi ký kết hợp đồng bằng việc sửa chữa lại nội dung của quyết định số 02 nhưng với phân tích như trên thì có căn cứ để xác định ông Cứ có lỗi trong việc làm cho Công ty xây dựng và kinh doanh nhà nhầm lẫn về quyền sử dụng đất đối với khu đất mà ông Cứ đã thỏa thuận hợp tác – xây dựng dẫn đến hợp đồng bị vô hiệu, không thực hiện được là do lỗi của ông Cứ, nên ông Cứ phải chịu trách nhiệm bồi hoàn khoản thiệt hại gián tiếp (vốn bị ứ động) cho Công ty xây dựng và kinh doanh nhà (nay là Công ty cổ phần địa ốc Sài Gòn) theo quy định tại khoản 4 điều 16 Pháp lệnh hợp đồng dân sự”. Từ đó, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao quyết định « áp dụng Điều 15 và Điều 16 Pháp lệnh hợp đồng dân sự, xử buộc ông Cứ có trách nhiệm bồi thường cho Công ty Sài gòn (do có lỗi gây thiệt hại trong việc giao kết hợp đồng ngày 06/01/1993 bị vô hiệu) là 757.658.124 đ »12.

Tương tự trong một bản án khác năm 2008, theo Tòa án, « ngày 22/03/1996 ông Phước giao đất cho ông Lâm, đôi bên xác định ông Phước cho ông Lâm đất không lấy tiền, ông Phước không tranh chấp cho đến ngày 22/05/1998 xã giải quyết ông Lâm đồng ý trả nhưng ông Phước cũng không nhận. Như vậy, giao dịch giữa ông Phước và ông Lâm xác lập vào ngày 22/03/1996 thì áp dụng pháp lệnh hợp đồng dân sự năm 1991 để tính thời hiệu »13.

8. Nhận xét. Theo chúng tôi, hướng giải quyết như trên là rất hợp lý, thuyết phục. Do đó hướng giải quyết này cần được chấp nhận và phát triển.

Bởi lẽ hợp đồng là thỏa thuận của các bên nhằm đạt được lợi ích hợp pháp mong đợi. Nếu áp dụng những quy định được thiết lập sau ngày các bên ký kết hợp đồng, chúng ta sẽ làm đảo lộn những dự tính của các bên và, do đó, làm ảnh hưởng đến lợi ích hợp pháp mà họ mong đợi khi giao kết hợp đồng. Nói một cách khác, để đảm bảo lợi ích hợp pháp mà các bên mong đợi từ hợp đồng, nếu không có quy định cụ thể buộc áp dụng pháp luật mới, chúng ta không nên áp dụng những quy định được thiết lập sau khi hợp đồng được giao kết và cần phải áp dụng những quy định có hiệu lực tại thời điểm này.

Để tránh những tranh chấp hay tranh cãi không cần thiết, khi xây dựng Luật hay Nghị định áp dụng, các nhà làm luật không nên chỉ dừng lại ở việc nêu thời điểm văn bản có hiệu lực mà nên có quy định cụ thể về những hoàn cảnh đã được thiết lập trước ngày văn bản có hiệu lực nhưng vẫn tiếp tục diễn ra sau ngày này.

II- Ngoại lệ: áp dụng pháp luật có hiệu lực sau thời điểm giao kết hợp đồng

9. Khi có quy định. Liên quan đến vụ việc nêu trên, Hội đồng thẩm phán cho rằng, “Luật Đất đai sửa đổi, bổ sung năm 1998 và Nghị định số 17/1999/NĐ ngày 29-03-1999 của Chính phủ không quy định đối với những hợp đồng cho thuê từ trước khi Luật và nghị định nêu trên có hiệu lực mà vẫn còn thời hạn thực hiện khi Luật và nghị định nêu trên có hiệu lực thì phải làm thủ tục lại theo quy định hiện hành. Do vậy, việc bên A ký hợp đồng cho bên B thuê “1350m2 nhà xưởng hiện có trên tổng diện tích đất được sử dụng là 3100m2” là phù hợp với quy định tại Điều 476, 477 Bộ luật Dân sự, không vi phạm Luật Đất đai năm 1998 và Nghị định số 17/1999/NĐ- CP của Chính phủ”.

Như vậy, theo Hội đồng thẩm phán, không áp dụng (nên không có vi phạm) Luật Đất đai năm 1998 và Nghị định số 17/1999/NĐ- CP của Chính phủ (pháp luật mới so với thời điểm hợp đồng được ký kết) vì “Luật Đất đai sửa đổi, bổ sung năm 1998 và Nghị định số 17/1999/NĐ ngày 29-03-1999 của Chính phủ không quy định đối với những hợp đồng cho thuê từ trước khi Luật và nghị định nêu trên có hiệu lực mà vẫn còn thời hạn thực hiện khi Luật và nghị định nêu trên có hiệu lực thì phải làm thủ tục lại theo quy định hiện hành”. Điều đó cũng có nghĩa rằng nếu pháp luật mới quy định áp dụng pháp luật mới cho các hợp đồng “từ trước” thì phải áp dụng. Hướng giải quyết này phù hợp với các quy định chung về ban hành văn bản: “Trong trường hợp văn bản có hiệu lực trở về trước thì áp dụng theo quy định đó”. Trong thực tế có văn bản mới quy định áp dụng cho các giao dịch đã được xác lập trước đó và Tòa án đã theo hướng này.

Ví dụ, theo Điều 123 Luật doanh nghiệp năm 1999, “đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần có Điều lệ không phù hợp với quy định của Luật này, thì công ty đó phải sửa đổi, bổ sung Điều lệ trong thời hạn hai năm, kể từ ngày Luật này có hiệu lực. Trường hợp quá thời hạn này mà Điều lệ công ty không được sửa đổi, bổ sung, thì Điều lệ đó bị coi là không hợp lệ”. Điều lệ thực ra là một thỏa thuận giữa các thành viên thành lập. Nếu theo nguyên tắc trên thì áp dụng những quy định tại thời điểm điều lệ được thiết lập. Nhưng nguyên tắc này không được áp dụng vì Luật doanh nghiệp năm 1999 buộc những điều lệ trước đó tuân thủ những quy định của Luật mới này. Trong thực tế, ngoại lệ này đã được áp dụng trong thực tiễn pháp lý, tức là Tòa án đã dựa vào đó để làm vô hiệu hóa một điều lệ được lập trước khi Luật doanh nghiệp năm 1999 có hiệu lực14.

10. Khi có quy định (tiếp). Nghị Quyết áp dụng BLDS năm 2005 cũng có quy định áp dụng hồi tố BLDS năm 2005. Cụ thể, theo Nghị quyết, “Đối với giao dịch dân sự được xác lập trước ngày Bộ luật dân sự có hiệu lực thì việc áp dụng pháp luật được quy định như sau: Giao dịch dân sự đang được thực hiện mà có nội dung và hình thức phù hợp với quy định của Bộ luật dân sự thì áp dụng các quy định của Bộ luật dân sự”. Như vậy, chúng ta có thể áp dụng BLDS năm 2005 cho những hợp đồng có trước khi BLDS năm 2005 có hiệu lực. Tuy nhiên, việc áp dụng này không đương nhiên mà có điều kiện. Với quy định trên, chúng ta áp dụng BLDS mới cho những hợp đồng trước đây khi “Giao dịch dân sự đang được thực hiện mà có nội dung và hình thức phù hợp với quy định của Bộ luật dân sự”. Ở đây, để áp dụng quy định mới chúng ta phải hội đủ ba điều kiện: thứ nhất, hợp đồng “đang được thực hiện”, “có nội dung phù hợp với quy định của BLDS” và “có hình thức phù hợp với quy định của BLDS”.

Việc xác định các điều kiện trên không hoàn toàn đơn giản. Khi nào hợp đồng đang được thực hiện? Khi nào hợp đồng có “nội dung và hình thức phù hợp với quy định của Bộ luật dân sự”. Không có quy định nào cho câu trả lời rõ ràng. Có lẽ chính vì vậy mà thực tiễn xét xử có vẻ ngại phân tích kỹ các điều kiện này khi áp dụng BLDS mới cho những hợp đồng trước đây. Chẳng hạn, theo một bản án năm 2008, “xét các bên giao dịch trước khi có Bộ luật dân sự năm 2005 nhưng văn bản cuối cùng ông Hải viết về các bước thực hiện thanh toán hợp đồng gửi bị đơn là ngày 12/01/2006 nên theo căn cứ điểm a phần 2 Nghị quyết số 45/2005/QH11 ngày 14/6/2005 Tòa án áp dụng Bộ luật dân sự năm 2005 để giải quyết vụ án”15.

Trong vụ việc vừa nêu, Tòa án khẳng định là hợp đồng được xác lập trước khi có BLDS năm 2005 và quyết định áp dụng BLDS 2005 nhưng không cho biết cụ thể là ba điều kiện trên đã thỏa mãn chưa.

11. Không có quy định. Phần trình bày trên cho thấy không nên áp dụng pháp luật có hiệu lực sau thời điểm giao kết hợp đồng và áp dụng những quy định có hiệu lực vào thời điểm hợp đồng được ký kết. Trong vụ việc liên quan đến Luật đất đai nêu trên, pháp luật mới cứng nhắc, hà khắc hơn pháp luật trước : Luật năm 1998 và văn bản hướng dẫn áp dụng buộc các bên phải theo một thủ tục nhất định khi cho thuê nhà xưởng gắn liền với quyền sử dụng đất trong khi đó những quy định này không tồn tại ở điểm giao kết hợp đồng.

Một câu hỏi đặt ra là, khi không có quy định buộc áp dụng quy định mới cho hợp đồng từ trước, có nên áp dụng pháp luật có hiệu lực tại thời điểm giao kết hợp đồng như trên không nếu pháp luật mới mềm dẻo hơn pháp luật trước? Đây là vấn đề mà chúng tôi đã từng đề cập đến từ năm 200616 và theo hướng “trong chừng mực nào đó, thiết nghĩ, đối với loại xung đột pháp luật này, chúng ta không nên áp dụng pháp luật có hiệu lực tại thời điểm giao kết”17. Bởi ở đây, việc tuân thủ những điều kiện trước kia và việc triệt tiêu hợp đồng do vi phạm quy định trước đây là “không cần thiết”. Hơn nữa, “việc áp dụng như vậy không làm xáo trộn những dự định của các bên”. Nếu áp dụng giải pháp này thì những hợp đồng đã được giao kết trước đây và vẫn còn tiếp tục sẽ không bị điều chỉnh bởi những quy định ngặt nghèo, cứng nhắc của pháp luật tại thời điểm giao kết. Trong thực tế, Hội đồng thẩm phán đã từng theo hướng này trong một quyết định năm 2008.

Cụ thể như sau: Công ty Xây dựng và phát triển nhà quận 4 (nay là Công ty Dịch vụ Công ích quận 4) ký hợp đồng chuyển nhượng cho ông Thuận nhà đất vào năm 1994. Vào thời điểm này (năm 1994), thông thường những hợp đồng chuyển nhượng này phải công chứng, chứng thực18 nhưng hợp đồng này đã không được các bên công chứng, chứng thực. Tuy nhiên, đối với những hợp đồng tương tự mà áp dụng Luật kinh doanh bất động sản thì chúng ta không phải công chứng, chứng thực. Nay các bên có tranh chấp thì cần áp dụng pháp luật nào? Ở đây có xung đột pháp luật trong thời gian và Nghị quyết áp dụng BLDS năm 2005 không cho biết hướng giải quyết: Đây là xung đột giữa Luật kinh doanh bất động sản với văn bản trước đây trong khi đó Nghị quyết chỉ đề cập đến xung đột giữa BLDS năm 2005 với văn bản khác. Theo nguyên tắc nêu trên thì chúng ta không áp dụng Luật kinh doanh bất động sản năm 2007 mà áp dụng pháp luật có hiệu lực tại thời điểm hợp đồng được giao kết. Tuy nhiên, theo Hội đồng thẩm phán, “mặc dù tại thời điểm giao kết, hợp đồng chuyển nhượng nhà đất nêu trên không được công chứng hoặc chứng thực của cơ quan có thẩm quyền, nhưng theo quy định tại Điều 67 Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ ngày 01-01-2007 thì hợp đồng nêu trên không bắt buộc phải công chứng, chứng thực (do Công ty có chức năng kinh doanh bất động sản), nên hiện nay hợp đồng sang nhượng nhà đất giữa Công ty với ông Thuận không vi phạm về hình thức” và từ đó Hội đồng thẩm phán kết luận: hợp đồng giữa Công ty với ông Thuận “không trái pháp luật”; “hợp đồng chuyển nhượng nhà đất giữa Công ty với ông Thuận đang có hiệu lực, nên vợ chồng ông Thuận, bà Hoa phải được tiếp tục thực hiện hợp đồng với Công ty (đúng như quy định tại Điều 3 của hợp đồng chuyển nhượng nhà đất)”19.

12. Không có quy định (tiếp). Phần trên cho thấy nếu chúng ta áp dụng pháp luật có hiệu lực tại thời điểm hợp đồng được ký kết giữa các bên thì chúng ta có nguy cơ phải xác định hợp đồng này “trái pháp luật”. Tuy nhiên, Hội đồng thẩm phán đã không áp dụng pháp luật tại thời điểm hợp đồng được giao kết mà áp dụng pháp luật sau thời điểm này, cụ thể là áp dụng Luật kinh doanh bất động sản “có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2007”. Trong Luật kinh doanh bất động sản, chúng ta không thấy quy định nào cho rằng được áp dụng Luật này đối với các hợp đồng về bất động sản được ký kết trước đây. Điều đó cũng có nghĩa là Hội đồng thẩm phán đã áp dụng pháp luật có hiệu lực sau khi hợp đồng được giao kết mà không có bất kỳ quy định nào cho phép áp dụng hồi tố Luật mới.

Theo chúng tôi, hướng giải quyết của Hội đồng thẩm phán là rất thuyết phục. Pháp luật mới mềm dẻo hơn, tạo điều kiện cho hợp đồng phát huy hiệu lực để đem lại lợi ích cho các bên như mong muốn thì nên áp dụng pháp luật mới: Hợp đồng sinh ra không để bị tuyên bố vô hiệu hay hủy bỏ mà để đem lại cho các bên những gì mong đợi. Do đó, nếu áp dụng pháp luật cũ làm triệt tiêu hợp đồng còn áp dụng pháp luật mới làm cho hợp đồng phát huy hết hiệu quả thì nên áp dụng pháp luật mới. Tinh thần trên nên được mở rộng cho việc áp dụng pháp luật điều chỉnh hợp đồng nói chung mỗi khi có xung đột pháp luật trong thời gian. Dường như đây cũng là hướng giải quyết của Tòa án TP. Hồ Chí Minh liên quan đến việc người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhờ người khác đứng tên dùm mua bất động sản.

Trước đây, pháp luật của chúng ta không cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài sở hữu nhà ở Việt Nam. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành (trong đó có Luật nhà ở) đã có sự thay đổi tạo điều kiện cho những người này có thể đứng tên chủ sở hữu bất động sản trong một số trường hợp. Nếu những giao dịch được xác lập sau ngày pháp luật mới có hiệu lực thì chúng ta áp dụng những quy định mới để điều chỉnh. Đối với những giao dịch trước đây thì có được áp dụng pháp luật mới không? Trong thực tiễn, đã có tòa án theo hướng áp dụng pháp luật mới. Chẳng hạn, liên quan đến một tranh chấp theo đó ông Lộc trình bày, năm 1993, ông Lộc có mua của bà Trương Thị Hòa hai căn nhà số 141 và 143/218 Nguyễn Trãi, phường 2, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh và một lô đất thổ cư diện tích 232m2. Do thời điểm này ông Lộc mang quốc tịch Đài Loan, không đứng tên sở hữu tài sản được theo quy định của pháp luật Việt Nam đối với người nước ngoài, nên có nhờ ông Trần Chánh Hòa đứng tên giùm tầng trệt và lầu 1 (đã giải quyết tại bản án số 1356/2006/DSST ngày 21/12/2006 của Tòa án nhân dân Thành Phố Hồ Chí Minh), còn bà Lâm Thiện Nhi đứng tên giùm lầu 2 và lầu 3 căn nhà 141 Nguyễn Trãi, phường 2, quận 5, năm 1997 ông Lộc đã xây dựng lại toàn bộ căn nhà này. Hiện tại, ông Lộc đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh tại Việt Nam và có quốc tịch Việt Nam, nên đề nghị bà Lâm Thiện Nhi trả lại quyền sở hữu giấy tờ căn nhà. Nếu áp dụng quy định tại năm 1993 thì ông Lộc không thể đứng tên sở hữu nhà. Tuy nhiên, Tòa án đã áp dụng Luật nhà ở để điều chỉnh: theo Tòa án, “hiện nay ông Lộc đã hồi hương, có quốc tịch Việt Nam và thường trú tại 61 Bửu Đình, phường 5, quận 6. Do đó, theo điểm a khoản 2 Điều 9 Luật nhà ở năm 2005 thì ông Lộc được sở hữu nhà theo quy định. Việc trước đây ông Lộc nhờ bà Lâm Thiện Nhi đứng tên giùm căn nhà 141 (số mới 133) lầu 2 và lầu 3, Nguyễn Trãi, phường 2, quận 5, nay ông yêu cầu bà Nhi trả lại quyền sở hữu đối với căn nhà 141 (số mới 133) lầu 2 và lầu 3, Nguyễn Trãi, phường 2, quận 5 là có cơ sở, nên chấp nhận. Do đó, ông Lộc được quyền liên hệ với cơ quan chức năng để tiến hành làm các thủ tục sang tên căn nhà 141 (số mới 133) lầu 2 và lầu 3, Nguyễn Trãi, phường 2, quận 5 cho ông theo quy định của pháp luật”20.

13. Kết luận. Hiện nay giải pháp cho xung đột pháp luật trong thời gian đối với quan hệ hợp đồng chưa được minh thị rõ trong các văn bản.

Thực tiễn đã theo hướng là, về nguyên tắc, áp dụng pháp luật có hiệu lực tại thời điểm hợp đồng được giao kết và hướng giải quyết này là thuyết phục nhằm đảm bảo an toàn pháp lý cho các bên tham gia hợp đồng (không làm xáo trộn những dự tính của các bên). Với nguyên tắc này thì thời điểm giao kết hợp đồng quyết định pháp luật điều chỉnh hợp đồng.

Tuy nhiên, nếu có quy định buộc áp dụng hồi tố pháp luật mới thì pháp luật mới được áp dụng để điều chỉnh hợp đồng tồn tại trước đó. Ở đây, thời điểm giao kết hợp đồng, không quyết định pháp luật điều chỉnh hợp đồng. Bên cạnh đó, nếu không có quy định như vừa nêu thì chúng ta cũng nên áp dụng pháp luật mới nếu pháp luật mới mềm dẻo hơn pháp luật cũ, tạo điều kiện hơn cho hợp đồng21.


Каталог: hcmulaw -> images -> stories -> dhluat -> tintuc sukien
tintuc sukien -> MỞ ĐẦu tính cấp thiết của đề tài
tintuc sukien -> Học vị tiến sĩ và học hàm ở các đại học Úc và Mỹ Phần 1
dhluat -> TRƯỜng đh luật tp. Hcm cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam khoa luật hành chính độc lập Tự do Hạnh phúc
dhluat -> M mẫu 2 Ẫu bản kê khai tài sảN, thu nhập bổ sung
tintuc sukien -> LỜi mở ĐẦu tính cấp thiết củA ĐỀ TÀI
dhluat -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam trưỜng đẠi học luật tp. Hcm độc lập – Tự do – Hạnh phúc
tintuc sukien -> Bảo vệ luận văn cuối khóa cho các sinh viên lớp Cử nhân Luật tăng cường tiếng Pháp
tintuc sukien -> QuyếT ĐỊnh về việc ban hành Kế hoạch xây dựng và công bố chuẩn đầu ra
tintuc sukien -> I. ĐỐi tưỢng dự thi

tải về 0.64 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương