BỘ giao thông vận tải báo cáo chuyêN ĐỀ


TỔNG KẾT NĂM KỶ CƯƠNG - CHẤT LƯỢNG - TIẾN ĐỘ CÔNG TRÌNH GIAO THÔNG 2014 VỚI CHỦ ĐỀ "SIẾT CHẶT CÁC BAN QLDA, TƯ VẤN THIẾT KẾ, TƯ VẤN GIÁM SÁT", TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ NĂM 2015



tải về 1.31 Mb.
trang3/11
Chuyển đổi dữ liệu17.07.2016
Kích1.31 Mb.
#1777
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11
TỔNG KẾT NĂM KỶ CƯƠNG - CHẤT LƯỢNG - TIẾN ĐỘ CÔNG TRÌNH GIAO THÔNG 2014 VỚI CHỦ ĐỀ "SIẾT CHẶT CÁC BAN QLDA, TƯ VẤN THIẾT KẾ, TƯ VẤN GIÁM SÁT", TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ NĂM 2015

(Cơ quan chủ trì soạn thảo: Cục QLXD&CLCTGT)
Năm 2014, ngành GTVT đã tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo đặc biệt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, địa phương trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực đầu tư xây dựng KCHTGT. Với sự quan tâm đó, nhiều dự án xây dựng KCHTGT vẫn được triển khai trong trong bối cảnh Chính phủ tập trung tái cơ cấu đầu tư công và thực hiện các giải pháp để giảm nợ công.

Nhận thức được tầm quan trọng của nhiệm vụ được giao, Bộ GTVT đã thường xuyên đặt mục tiêu bảo đảm chất lượng và tiến độ xây dựng công trình giao thông lên hàng đầu trong công tác quản lý xây dựng. Từ năm 2011 đến nay, Bộ GTVT đã liên tục triển khai Năm chất lượng công trình và thực hiện Năm Kỷ cương - Chất lượng - Tiến độ 2014 với chủ đề “Siết chặt quản lý các Ban QLDA, Tư vấn thiết kế, Tư vấn giám sát”.



I. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH VÀ KẾT QUẢ THỰC HIỆN NĂM 2014

1. Công tác chỉ đạo điều hành:

Để đạt được mục tiêu của năm 2014, Bộ GTVT đã chỉ đạo thực hiện hàng loạt các giải pháp, trong đó có các giải pháp cơ bản sau đây:



Một là: Tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống VBQPPL, văn bản chỉ đạo, điều hành liên quan đến chất lượng, tiến độ công trình giao thông. Năm 2014, đã tham gia góp ý luật và các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu, Luật Đất đai, Luật Xây dựng; đồng thời đã ban hành nhiều văn bản để tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong quản lý đầu tư xây dựng, siết chặt quản lý các chủ thể như: quy định những điều Ban QLDA không được làm; quy định về nâng cao trách nhiệm của chủ đầu tư, Ban QLDA trong quản lý chất lượng các dự án xây dựng CTGT; quy định về nâng cao thời hạn bảo hành; thành lập Hội đồng nghiệm thu công trình cấp Bộ; ban hành Thông tư về quản lý chất lượng nhựa đường, hướng dẫn tăng cường quản lý chất lượng thiết kế và thi công mặt đường BTN... Có thể nói, về thể chế trong công tác quản lý chất lượng, tiến độ đã được củng cố, hoàn thiện khá đầy đủ, phát huy hiệu quả tích cực trong việc khắc phục tình trạng chậm tiến độ, kém chất lượng tại các công trình giao thông.

Hai là: Tăng cường theo dõi, đánh giá các chủ thể tham gia vào quá trình thực hiện dự án. Xác định đây là yếu tố then chốt trong quá trình quản lý thực hiện dự án, Bộ đã chỉ đạo nghiêm túc thực hiện đánh giá xếp hạng các chủ thể tham gia dự án nhằm siết chặt quản lý các chủ thể, đồng thời Bộ trưởng đã làm việc trực tiếp với từng Ban QLDA để kiện toàn tổ chức và củng cố bộ máy hoạt động; quán triệt và tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cán bộ tham gia QLDA, đặc biệt là trách nhiệm người đứng đầu.

Năm 2014, đã đánh giá và công bố kết quả xếp hạng đối với: 81 Chủ đầu tư, Ban QLDA; 475 Nhà thầu xây lắp (trong đó 57 Nhà thầu không đạt yêu cầu); 220 tổ chức Tư vấn. Kết quả đánh giá xếp hạng đã đánh giá đúng thực trạng của đơn vị, được công khai trên phương tiện thông tin đại chúng và sử dụng trong công tác lựa chọn các chủ thể tham gia dự án; đã có tác động tích cực đến ý thức, trách nhiệm của các chủ thể. Hiện nay, đang tiếp tục xây dựng cơ sở dữ liệu để siết chặt hoạt động Tư vấn giám sát.

Ba là: Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm định chất lượng công trình. Bộ đã giao Viện KHCN, Trường ĐH GTVT thực hiện công tác kiểm định chất lượng thi công các dự án nâng cấp, mở rộng QL1 và đường HCM qua Tây Nguyên (QL14); đã triển khai đồng loạt các tổ rà soát: Tổ rà soát kiểm tra công tác thi công ngoài hiện trường, Tổ nghiên cứu các giải pháp khắc phục hiện tượng HLVBX; Tổ kiểm tra, giám sát chất lượng công tác khắc phục tại các dự án bị HLVBX; thực hiện kiểm tra việc sản xuất vật liệu, phối trộn cấp phối, sản xuất BTN,… với mục đích kịp thời chỉ đạo khắc phục những bất cập phát sinh trong quá trình triển khai dự án.

Lãnh đạo Bộ thường xuyên kiểm tra hiện trường, họp giao ban định kỳ, đột xuất để chỉ đạo quyết liệt, xử lý dứt điểm ngay những vấn đề có liên quan đến tiến độ và chất lượng, đặc biệt là các dự án QL1, QL14 và các công trình trọng điểm khác của Ngành. Thông qua công tác kiểm tra, kiểm định đã phát hiện những sai phạm và có những biện pháp xử lý thích đáng, công khai trước dư luận, do đó đã có những tác động tích cực đến xã hội; các tổ chức và cá nhân tham gia dự án đã chủ động tự kiểm điểm, nâng cao vai trò trách nhiệm, dám nhìn thẳng vào sự thật, không tránh né để sửa chữa, khắc phục.



Bốn là: Phát huy sự tham gia của Tư vấn độc lập, sự phản biện của xã hội. Bộ đã chỉ đạo các Ban QLDA mời các đơn vị Tư vấn độc lập ngoài Bộ GTVT thực hiện thẩm tra thiết kế, dự toán, kiểm định các công trình giao thông; phối hợp với các Hội, Trường đại học để tư vấn, phản biện xã hội nhằm hỗ trợ trong việc xác định các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật, giám định chất lượng công trình như: Hội KHKT cầu đường VN, Viện Kinh tế Bộ Xây dựng, Trường ĐH GTVT… Phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Cảnh sát giao thông và các cơ quan báo chí, truyền hình trong công tác tuyên truyền, thực hiện đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường trong quá trình thi công.

Năm là: Phát huy sự kiểm tra, giám sát của xã hội. Tiếp tục duy trì và phát huy sự kiểm tra, giám sát của nhân dân để xử lý kịp thời các vi phạm về tiến độ, chất lượng; thực hiện có hiệu quả quy chế phối hợp giữa Bộ GTVT với UBND các Tỉnh, Thành phố, Bộ Công an, TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, các cơ quan báo chí, truyền hình trong việc kiểm tra, tuyên truyền, giám sát tiến độ, chất lượng các công trình giao thông.

2. Kết quả thực hiện:

2.1. Công tác quản lý tiến độ, chất lượng công trình:

- Công tác quản lý tiến độ: Đã có chuyển biến cả về nhận thức và hành động của các chủ thể tham gia dự án, đến nay cơ bản không còn tình trạng công trình chậm tiến độ. Năm 2014, đã khởi công 61 công trình và hoàn thành 76 công trình; trong đó nhiều công trình đã hoàn thành đạt và vượt tiến độ, đảm bảo chất lượng như: dự án cầu Vĩnh Thịnh, đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, dự án mở rộng QL1A, cầu Nhật Tân, đường nối Nhật Tân - Nội Bài, Nhà ga T2 - Nội Bài...



- Công tác quản lý chất lượng: Đã được chỉ đạo quyết liệt, các chủ thể tham gia đã thực hiện nghiêm túc các quy định về áp dụng hệ thống các TCKT nhằm tăng cường chất lượng thiết kế và thi công; đã ban hành quy định kiểm soát chất lượng vật liệu đầu vào (nhựa đường, vật liệu sản xuất ngay từ mỏ), kiểm soát quy trình thi công; quy định nâng cao thời hạn bảo hành công trình. Bộ đã kịp thời chỉ đạo khắc phục tình trạng cao độ mặt đường, mặt cầu, cao độ rãnh cao hơn nhà dân; khắc phục tình trạng tăng cường CPĐD trên mặt đường cũ còn tốt; triển khai rà soát các cầu để có giải pháp gia cường kéo dài thời gian sử dụng; thành lập các tổ công tác để khắc phục hiện tượng HLVBX..., từng bước đã có những kết quả hữu ích phục vụ cho công tác quản lý chất lượng. Thực hiện mục tiêu siết chặt quản lý các chủ thể, Bộ đã kiên quyết xử lý 42 nhà thầu, 12 TVTK, 16 TVGS và 05 Ban QLDA; đã chỉ đạo sửa chữa 08 công trình bị HLVBX.

- Công tác đảm bảo ATGT, ATLĐ và VSMT: Bộ đã thường xuyên quan tâm và chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các quy định về đảm bảo ATGT, ATLĐ và VSMT. Ngoài các quy định chung đối với công trình xây dựng, Bộ đã chỉ đạo xây dựng các quy định cụ thể cho các dự án như: xây dựng quy chế triển khai thực hiện các dự án QL1 và QL14, trong đó quy định chặt chẽ về công tác đảm bảo ATGT, ATLĐ và VSMT; tách công tác tuyên truyền, đảm bảo ATGT thành gói thầu riêng với sự tham gia của TW Đoàn TNCS Hồ CHÍ MINH, Cảnh sát giao thông và các cơ quan báo chí, truyền hình; phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam xây dựng các đoạn “video” mẫu để tuyên truyền, hướng dẫn về đảm bảo ATGT, ATLĐ và VSMT. Lãnh đạo Bộ và các cơ quan tham mưu đã thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh về công tác đảm bảo ATGT, ATLĐ và VSMT, bước đầu đã có những chuyển biến về ý thức và nâng cao trách nhiệm của các chủ thể tham gia dự án.



2.2. Công tác quản lý giá thành xây dựng, quản lý đấu thầu:

- Bộ GTVT đã chỉ đạo kiên quyết thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm quản lý chặt chẽ giá thành, tiết giảm và sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí đầu tư như: rà soát quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật của các dự án; rà soát lựa chọn các giải pháp thiết kế hợp lý, tiết kiệm; rà soát, gia cường để kéo dài thời gian sử dụng của các cầu. Đến nay đã rà soát 44 dự án, kinh phí tiết giảm khoảng 39.365 tỷ đồng (trong đó năm 2014, đã rà soát 25 dự án, kinh phí tiết giảm khoảng 5.241 tỷ đồng). Bộ đã chỉ đạo tiếp tục rà soát đối với một số dự án khác và chỉ đạo không điều chỉnh dự án làm vượt TMĐT đã được duyệt.

- Về dự toán: Đã giao cho Viện KTXD thẩm tra dự toán toàn bộ các gói thầu xây lắp thuộc dự án QL1 và QL14, đảm bảo quản lý thống nhất về chi phí đầu tư xây dựng, đồng thời thành lập Hội đồng kiểm tra rà soát dự toán xây lắp, gồm cả các dự án BOT;

- Về định mức, đơn giá: đã chú trọng trong công tác xây dựng, điều chỉnh định mức, phối hợp với Viện KTXD rà soát để công bố 44 định mức; đang tiếp tục xây dựng 29 định mức tại các dự án QL1 và 34 định mức tại các dự án khác.

- Về đấu thầu: Các chủ đầu tư, Ban QLDA đã nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Bộ về tăng cường quản lý, chấn chỉnh công tác đấu thầu, đã từng bước ngăn chặn tình trạng đấu thầu thiếu cạnh tranh hoặc cạnh tranh không lành mạnh. Trong năm 2014, Bộ đã phê duyệt kết quả 121 gói thầu, giá trị tiết kiệm sau đấu thầu: 445,3 tỷ đồng (khoảng 1,58%).



2.3. Kết quả xử lý hiện tượng “hằn lún vệt bánh xe”

Hiện tượng HLVBX là vấn đề lo ngại được đặc biệt quan tâm, Bộ đã tổ chức các hội thảo để đánh giá nguyên nhân, đề xuất giải pháp khắc phục, đồng thời triển khai đồng loạt các tổ kiểm tra, rà soát tại các dự án. Bộ cũng đã chỉ đạo các chủ thể tham gia dự án nâng cao chất lượng thiết kế, thi công, giám sát, đồng thời yêu cầu các cơ quan tham mưu rà soát tăng cường, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy phục vụ quản lý, khắc phục hiện tượng HLVBX. Kết quả bước đầu, sau khi triển khai các nhiệm vụ các tổ kiểm tra, rà soát đã có báo cáo kết quả thực hiện. Bộ đã chỉ đạo thực hiện ngay các giải pháp trước mắt và lâu dài để khắc phục và chấn chỉnh công tác thiết kế, thi công BTN; đã chỉ đạo xử lý các đơn vị vi phạm về chất lượng. Trong thời gian tới, tiếp tục rà soát năng lực nhà thầu thi công BTN đảm bảo đồng bộ, hiệu quả; rà soát điều chỉnh định mức cho phù hợp nhằm mục đích ngày càng nâng cao chất lượng thi công mặt đường BTN.



3. Một số vấn đề còn tồn tại, hạn chế:

-Về quản lý chất lượng: Bên cạnh đa số công trình của ngành GTVT có chất lượng tốt, cục bộ ở một số dự án có những khiếm khuyết về chất lượng: lún đoạn đường đầu cầu, hư hỏng lớp BTN, đặc biệt là hiện tượng HLVBX xảy ra ở một số dự án như QL18 đoạn Tp. Uông Bí - Tp. Hạ Long, QL1 đoạn Nam tuyến tránh Hà Tĩnh, Dự án QL3 mới Hà Nội - Thái Nguyên; hiện tượng lún, nứt tại Km83 cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Bộ đã kịp thời chỉ đạo các cơ quan liên quan có giải pháp khắc phục, xử lý.

- Về quản lý tiến độ: Vẫn còn một số dự án tiến độ thi công chậm như Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, dự án WB6... do vướng mắc về GPMB; năng lực nhà thầu yếu kém; Chủ đầu tư chưa chuyên nghiệp trong quản lý dự án; công tác chuẩn bị dự án, tổ chức đấu thầu bị kéo dài...

- Về an toàn lao động, vệ sinh môi trường: Do ý thức chưa cao của một số nhà thầu, thiếu sự kiểm tra, kiểm soát của TVGS, Ban QLDA nên đã để xảy ra những tai nạn lao động đáng tiếc tại một số dự án: rơi cốt thép, sập giàn giáo tại đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông; sập cần cẩu tại cầu Lạch Tray - dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; lật cần cẩu tại Cầu Ghép (QL1); sập giàn giáo cầu vượt Tân Vạn - dự án cầu Đồng Nai...

- Về vai trò, trách nhiệm của các chủ thể tham gia dự án: Với việc ban hành ngày càng đầy đủ chế tài đối với các chủ thể tham gia thực hiện dự án đã tạo động lực để các chủ thể hướng tới, tự hoàn thiện, nâng cao trách nhiệm. Tuy nhiên vẫn còn một số chủ đầu tư, Ban QLDA chưa thực sự chủ động trong công tác QLDA, nắm bắt hiện trường, chưa cương quyết xử lý các vi phạm chất lượng, tiến độ. Còn tồn tại về chất lượng khảo sát, thiết kế, phải khắc phục trong quá trình triển khai thi công. Tư vấn giám sát chưa thực sự thực hiện hết chức trách, nhiệm vụ của mình, chưa thực hiện tốt việc kiểm soát hệ thống quản lý chất lượng; chưa kiên quyết xử lý các vi phạm về chất lượng. Một số Nhà thầu xây lắp chưa quan tâm đúng mức đến hệ thống quản lý chất lượng, ý thức chưa cao trong tổ chức thi công, đảm bảo ATLĐ và VSMT.

II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM VÀ CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN NĂM 2015

1. Nhiệm vụ trọng tâm:

Tiếp tục thực hiện năm Kỷ cương - Chất lượng - Tiến độ trong lĩnh vực XDCB; tập trung siết chặt trách nhiệm các chủ thể tham gia dự án; đưa các chủ thể này đi vào hoạt động nề nếp, kỷ cương và trách nhiệm hơn nữa.

1.1. Về thể chế và công tác chỉ đạo, điều hành: Thực hiện tốt chương trình, kế hoạch xây dựng VBQPPL, đề án, xây dựng kịp thời các văn bản chỉ đạo điều hành. Tập trung nâng cao trách nhiệm, hiệu quả hoạt động của các chủ thể tham gia dự án, đặc biệt là đối với Ban QLDA và TVGS; xây dựng trách nhiệm cụ thể đối với từng chức danh của Ban QLDA; xây dựng chế tài để sử dụng kết quả đánh giá, xếp hạng các chủ thể trong công tác lựa chọn các đơn vị tham gia dự án.

1.2. Công tác quản lý chất lượng, tiến độ: Đẩy nhanh tiến độ các dự án trên QL1, QL14 đảm bảo hoàn thành trong năm 2015 và các công trình trọng điểm khác của ngành hoàn thành đảm bảo chất lượng, tiến độ. Tập trung chỉ đạo bám sát tiến độ thực hiện các công trình, dự án khởi công - hoàn thành trong năm 2015 (phấn đấu khởi công 54 công trình, dự án; hoàn thành 115 công trình, dự án); khởi công các dự án lớn như: cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, tuyến đường sắt số 1 Hà Nội, nhà ga hành khách sân bay Cát Bi...; hoàn thành các dự án lớn như: các dự án QL1, đường Hồ Chí Minh qua khu vực Tây Nguyên, đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đường sắt Cát Linh - Hà Đông, kênh Chợ Gạo giai đoạn 1, cầu Việt Trì, cầu Mỹ Lợi, cầu Cổ Chiên... Tăng cường công tác giám định, kiểm định; kiểm soát tốt hệ thống quản lý chất lượng tại từng dự án; kiên quyết xử lý các tổ chức cá nhân có vi phạm về chất lượng công trình; tập trung thực hiện các giải pháp trước mắt và lâu dài để khắc phục triệt để tình trạng hằn lún vệt bánh xe; xử lý lún tại vị trí tiếp giáp giữa đường và hai đầu cầu.

1.3. Công tác quản lý giá thành xây dựng: Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương tiết kiệm chi phí đầu tư, tập trung cao cho công tác kiểm soát giá thành xây dựng, rà soát lựa chọn giải pháp kỹ thuật-công nghệ hợp lý, kiểm tra cầu cũ để lựa chọn phương án tối ưu; xây dựng, điều chỉnh định mức, đơn giá; tăng cường quản lý đấu thầu.

1.4. Công tác khoa học, công nghệ: Tiếp tục thực hiện kế hoạch xây dựng, chuyển đổi tiêu chuẩn, quy chuẩn của ngành GTVT, trong đó tập trung rà soát điều chỉnh các nội dung chưa phù hợp nhằm giảm giá thành xây dựng.



2. Một số giải pháp và tổ chức thực hiện:

2.1. Nêu cao vai trò của Tổ chức Đảng trong các cơ quan đơn vị tham gia các công trình, dự án kết cấu hạ tầng giao thông; phát huy, phối hợp tốt với các Bộ, Ngành, địa phương trong giải quyết cơ chế chính sách, giám sát quản lý chất lượng, GPMB.

2.2. Tiếp tục rà soát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, đơn vị có liên quan đến công tác quản lý đầu tư xây dựng; đảm bảo nguyên tắc phân cấp, ủy quyền trong quản lý đầu tư xây dựng hiện nay theo hướng quy định trách nhiệm cụ thể; điều chỉnh lại những lĩnh vực phân công, ủy quyền kém hiệu quả.

2.3. Tập trung nâng cao kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả hoạt động đối với các chủ thể tham gia dự án, đặc biệt là đối với Ban QLDA và TVGS. Các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng phải triệt để tuân thủ các quy định về quản lý đầu tư xây dựng; không ngừng nâng cao năng lực, trách nhiệm trong mọi lĩnh vực công tác từ quản lý, chỉ đạo đến thực hiện nhiệm vụ; tăng cường kiểm tra hiện trường để kiểm soát tiến độ, chất lượng, ATLĐ và VSMT; nghiêm túc xử lý trách nhiệm các đơn vị, cá nhân vi phạm.

2.4. Tăng cường áp dụng các giải pháp hiệu quả về kỹ thuật - công nghệ, vật liệu xây dựng để giảm giá thành xây dựng và khắc phục những tồn tại về chất lượng đối với mặt đường BTN, HLVBX, lún tại các vị trí chuyển tiếp giữa đường và cầu, cống.

2.5. Các cơ quan tham mưu của Bộ, các Chủ đầu tư, Ban QLDA tích cực giải quyết các tồn tại, vướng mắc và kiến nghị của các doanh nghiệp trong hoạt động xây dựng nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện tốt các cam kết về tiến độ, chất lượng công trình.



BÁO CÁO CHUYÊN ĐỀ
KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG NĂM 2014 VÀ KẾ HOẠCH NĂM 2015
CỦA QUỸ BẢO TRÌ ĐƯỜNG BỘ TRUNG ƯƠNG

(Cơ quan chủ trì soạn thảo: Văn phòng Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương)
PHẦN I

TỔNG KẾT CÔNG TÁC NĂM 2014

Được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, sự phối hợp của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các địa phương và các cơ quan có liên quan, sau 02 năm đi vào hoạt động và thực hiện nhiệm vụ năm 2014, Quỹ BTĐB Trung ương (Quỹ TW) đã từng bước khắc phục khó khăn, quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đóng góp của nhân dân, công tác bảo trì đường bộ có nhiều chuyển biến tích cực, kết quả cụ thể như sau:



1. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế quản lý Quỹ BTĐB

Công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý Quỹ TW luôn được Hội đồng Quỹ BTĐB Trung ương (Hội đồng Quỹ) xác định là nhiệm vụ trọng tâm và là công cụ quan trọng để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được Chính phủ giao về quản lý nguồn vốn từ Quỹ TW. Trên cơ sở các quy định này, Hội đồng Quỹ đã phối hợp với Bộ GTVT, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan để ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện và triển khai Quỹ bảo trì đường bộ. Đồng thời Hội đồng Quỹ đã ban hành các văn bản hướng dẫn các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện việc tổ chức thu, nộp phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện vào tài khoản Quỹ TW tại Kho bạc Nhà nước Trung ương và các kho bạc Nhà nước ở địa phương; hướng dẫn các cơ quan, đơn vị liên quan lập và trình cấp thẩm quyền phê duyệt phương án, kế hoạch sử dụng kinh phí từ Quỹ TW; đôn đốc, hướng dẫn các địa phương hoàn thành việc thành lập Hội đồng quản lý Quỹ địa phương (Quỹ ĐP) để tiếp nhận nguồn kinh phí phân bổ, giải ngân từ Quỹ TW.

Tuy nhiên, do hoạt động thu phí sử dụng đường bộ liên quan đến nhiều quy định hiện hành cũng như tác động đến nhiều tổ chức, cá nhân nên bước đầu triển khai còn tồn tại một số bất cập, vướng mắc trong công tác tổ chức điều hành và thu chi Quỹ TW. Để phù hợp với thực tiễn, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, trong năm 2014, Bộ GTVT và Hội đồng Quỹ đã tiếp thu ý kiến đóng góp của các tổ chức, cá nhân từ đó có đề xuất với Bộ Tài chính xem xét sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Thông tư số 197/2012/TT-BTC cho phù hợp như: miễn thu đối với xe phục vụ tang lễ, xe sát hạch lái xe, chỉ thu rơ moóc đi kèm với đầu kéo, thu theo tháng và một số nội dung liên quan khác trong công tác thu phí để giải quyết thủ tục nhanh gọn, tạo thuận lợi cho các đối tượng nộp phí. Căn cứ đề xuất của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 133/2014/TT-BTC ngày 11/9/2014 hướng dẫn về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện. Thông tư mới đã bổ sung một số quy định về đối tượng và mức thu theo hướng tạo điều kiện thuận lợi, tạo sự đồng thuận của đông đảo cho các tổ chức, cá nhân nộp phí sử dụng đường bộ.

Trong thời gian tới Hội đồng Quỹ tập trung nghiên cứu, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục sửa đổi, bổ sung Nghị định số 18/2012/NĐ-CP ngày 13/3/2012, Quyết định số 1486/QĐ-TTg ngày 05/10/2012, Thông tư Liên tịch số 230/2012/TTLT-BTC-BGTVT ngày 27/12/2012…để bảo đảm cho Quỹ BTĐB hoạt động có hiệu quả, công khai, minh bạch theo đúng các quy định.



2. Công tác chỉ đạo, điều hành của Hội đồng Quỹ

Định kỳ hàng quý, Hội đồng Quỹ tổ chức họp đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ trong quý và phương hướng, nhiệm vụ triển khai công tác quý tiếp theo. Nội dung và kết luận cuộc họp được thể hiện bằng Nghị quyết để các thành viên Hội đồng Quỹ và cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện. Căn cứ yêu cầu thực tế, Hội đồng Quỹ đã tổ chức một số phiên họp đột xuất hoặc Bộ trưởng – Chủ tịch Quỹ trực tiếp chỉ đạo các cơ quan tham mưu của Bộ GTVT và Văn phòng Quỹ TW phối hợp thực hiện công việc có liên quan, đảm bảo cho Quỹ TW hoạt động hiệu quả, đúng mục đích.



Trong năm 2014, Quỹ TW đã tiếp nhận và xử lý 3.259 văn bản đến. Đồng thời Hội đồng quản lý Quỹ đã ban hành 04 Nghị quyết các phiên họp thường kỳ, 68 quyết định, 150 văn bản điều hành và 136 văn bản khác để thực hiện các nhiệm vụ của Quỹ TW.

Đối với công tác thu: Hội đồng Quỹ đã chỉ đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam tổ chức thu phí đúng đối tượng, bảo đảm nguồn thu nộp về Quỹ TW. Để kịp thời giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thu phí, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã ban hành văn bản hướng dẫn quy trình thu phí để tổ chức thu đúng đối tượng và mức phí theo quy định, các đơn vị đăng kiểm trên toàn quốc triển khai công tác thu phí theo đúng quy định tại Thông tư số 133/2014/TT-BTC. Nguồn thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện được kiểm soát chặt chẽ hàng ngày qua nhiều khâu, tạo thuận lợi cho các chủ phương tiện nộp phí sử dụng đường bộ.

Đối với công tác chi: Để triển khai công tác bảo trì quốc lộ, Hội đồng Quỹ đã ban hành các quyết định giao kế hoạch chi năm 2014 từ Quỹ TW. Chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam triển khai thực hiện công tác đấu thầu, đặt hàng để quản lý, bảo dưỡng thường xuyên, sửa chữa định kỳ đường bộ và thực hiện một số nhiệm vụ cần thiết khác như: Trả nợ các dự án “Vay vốn đầu tư – thu phí hoàn vốn”, trả nợ lãi vay cho Dự án sửa chữa, khôi phục mặt đường QL.5, chi cho việc giải quyết chế độ cho người lao động tại các trạm thu phí đã dừng thu, chi mua 67 trạm cân xe lưu động, chi trả tiền vé cho các phương tiện qua các Trạm thu phí Hoàng Mai, Bãi Cháy và mua lại quyền thu phí tại Trạm thu phí Phù Đổng và chi một số nội dung khác.

3. Kết quả thu, chi Quỹ TW năm 2014

STT

Nội dung

Kinh phí (tỷ đồng)

I

Tổng thu tài khoản tại KBNN năm 2014:

8.059,897

 

Trong đó:

 

1

- Kinh phí năm 2013 chuyển sang sau quyết toán

660,865

2

- Thực thu từ Cục ĐKVN đến 31/12/2014

4.928,396

3

- Các đơn vị nộp lại Quỹ

22,759

4

- Ngân sách nhà nước cấp bổ sung

2.447,876

 

Phân chia nguồn:

 

5

+ Nguồn Quỹ TW

6.019,587

6

+ Nguồn Quỹ địa phương

2.040,309

II

Đã chi đến 31/12/2014:

6.419,176

1

Chi nguồn 65%:

4.846,676

 

- Chi Bảo trì đường bộ năm 2014

4.350,002

 

- Mua lại quyền thu phí trạm Phù Đổng (đợt cuối)

40,344

 

- Mua lại quyền thu phí trạm Bãi Cháy, Hoàng Mai

190,615

 

- Trả nợ dự án 3170

80,245

 

- Trả nợ dự án SC, khôi phục Quốc lộ 5

182,970

 

- Chi hoạt đồng của Hội đồng và Văn phòng Quỹ

2,50

2

Chi nguồn 35%:

1.572,500

III

Đã cấp trong thời gian chỉnh lý quyết toán (đến 31/01/2015)

940,981

IV

Nguồn kết dư (chuyển sang năm 2015):

699,738

1

+ Nguồn 65%

231,929

2

+ Nguồn 35%

467,809

4. Về hoạt động kiểm tra, kiểm toán và quyết toán nguồn vốn Quỹ TW

- Trong năm 2014, Quỹ TW đã thành lập các Đoàn công tác để làm việc với các Quỹ BTĐB địa phương (Quỹ ĐP) và các Sở GTVT để kiểm tra tình hình sử dụng nguồn vốn từ Quỹ TW năm 2013 và 2014 dành cho công tác bảo trì các quốc lộ ủy thác và hệ thống đường bộ địa phương. Qua thực tế kiểm tra và báo cáo của các cơ quan, đơn vị cho thấy đã thực hiện việc quản lý sử dụng kinh phí từ Quỹ TW đúng mục đích, các dự án sửa chữa, bảo trì đường bộ cơ bản được đẩy nhanh tiến độ thực hiện, công tác bảo trì và giải ngân đã có nhiều chuyển biến tích cực, phát huy hiệu quả nguồn vốn bảo trì đường bộ.

- Ngày 15/10/2014, Kiểm toán Nhà nước đã có văn bản số 260/KTNN-TH về thông báo kết quả kiểm toán hoạt động của Quỹ TW năm 2013 gửi Chủ tịch Quỹ TW và các cơ quan liên quan. Tại văn bản này, Kiểm toán Nhà nước đã khẳng định hiệu quả thiết thực trong công tác bảo trì đường bộ mà Quỹ TW mang lại sau một năm hoạt động, đáp ứng mục tiêu Chính phủ đề ra. Các cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý và sử dụng nguồn vốn từ Quỹ TW đã phối hợp có hiệu quả để phát huy nguồn vốn được giao. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Kiểm toán Nhà nước cũng đề cập đến tình hình quản lý, sử dụng nguồn vốn Quỹ TW tại một số cơ quan, đơn vị còn tồn tại những bất cập, cần khắc phục để thực hiện tốt hơn trong thời gian tới, đồng thời Kiểm toán Nhà nước cũng đề nghị các cơ quan liên quan kiến nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh, sửa đổi Nghị định số 18/2012/NĐ-CP về Quỹ Bảo trì đường bộ, trong đó chú ý xem xét các quy định về tiêu chí xây dựng phương án phân chia tỷ lệ 35% từ nguồn thu ô tô cho các địa phương, xác định tiêu thức phân chia bảo đảm công bằng, công khai minh bạch và kịp thời phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

5. Về hoạt động của các Quỹ ĐP

Hiện tại, 63 Quỹ BTĐB tại các tỉnh, thành phố trong cả nước đã đi vào hoạt động tương đối ổn định. Tuy nhiên, cơ cấu tổ chức, bộ máy, kinh phí hoạt động cũng như biên chế của các Quỹ BTĐB địa phương tại các tỉnh, thành phố hiện nay chưa thống nhất trong triển khai hoạt động. Căn cứ vào mục tiêu đã giao trong nhiệm vụ trong hợp phần Hỗ trợ thể chế cho Quỹ BTĐB thuộc Dự án Quản lý tài sản đường bộ Việt Nam (VRAMP), Quỹ BTĐB Trung ương sẽ xây dựng được một mô hình Quỹ ĐP có thể áp dụng chung trong cả nước, tạo sự phối hợp hiệu quả trong quá trình hoạt động.

Việc triển khai thu phí xe máy tại các địa phương: Theo báo cáo của các Quỹ ĐP, đến hết ngày 31/12/2014, đã có 61/63 địa phương ban hành mức thu phí xe máy (trong đó, 56/60 địa phương đang triển khai thực hiện thu để hòa vào nguồn Quỹ ĐP theo quy định). Các địa phương còn lại đang xây dựng phương án thu và mức thu trình Hội đồng nhân dân xem xét, triển khai. Một số địa phương hoãn thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện mô tô – xe máy năm 2014 (bắt đầu thu từ năm 2015).

6. Công tác thông tin, tuyên truyền về Quỹ bảo trì đường bộ

Trong năm 2014, Hội đồng Quỹ đã tiếp tục phối hợp với Báo Giao thông, Trung tâm Công nghệ thông tin (Bộ GTVT), Báo Tài chính (Bộ Tài chính) và Báo Đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV)…thông tin, tuyên truyền về các hoạt động thu - chi của Quỹ TW, đã thông tin kịp thời đến các đối tượng nộp phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện các quy định mới. Nhìn chung, công tác thông tin, tuyên truyền của Quỹ đã kịp thời hướng dẫn và truyền tải thông tin về Quỹ bảo trì đường bộ đến các cơ quan, doanh nghiệp và chủ phương tiện nộp phí sử dụng đường bộ, giúp cho người dân, các cơ quan, đơn vị hiểu đúng và đầy đủ về hoạt động của Quỹ bảo trì đường bộ, cơ bản tạo được sự đồng thuận của dư luận xã hội.



7. Đánh giá về hoạt động của Quỹ TW năm 2014

7.1. Đánh giá chung:

- Hội đồng Quỹ đã tổ chức tốt các hoạt động điều hành và xử lý công việc của Quỹ TW, từng bước đưa hoạt động của Quỹ TW đi vào ổn định, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn dành cho công tác bảo trì đường bộ. Các thành viên Hội đồng Quỹ đã phát huy vai trò đại diện cho các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khi tham gia các hoạt động điều hành, quản lý Quỹ TW. Đội ngũ Lãnh đạo và công chức của Văn phòng Quỹ TW đáp ứng được yêu cầu công việc và nỗ lực hết sức trong thời gian vừa qua.

- Công tác phối hợp xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thu phí đã được triển khai thực hiện kịp thời, đồng bộ.

- Công tác tuyên truyền về Quỹ bảo trì đường bộ đến các đơn vị, chủ phương tiện (đối tượng nộp phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện) và nhân dân được thực hiện đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, hầu hết các đối tượng nộp phí đều đồng thuận, nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, chính sách của Nhà nước.

- Công tác phối hợp giữa các cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý, sử dụng nguồn kinh phí từ Quỹ TW đã phát huy hiệu quả rõ rệt, phục vụ tốt cho Đề án đổi mới toàn diện công tác quản lý, bảo trì hệ thống quốc lộ (đã được Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phê duyệt tại Quyết định số 538/QĐ-BGTVT ngày 06/3/2013)

- Hoạt động thu, nộp, quản lý và sử dụng Quỹ TW đã đi vào nề nếp và bảo đảm đúng quy định. Việc sử dụng kinh phí từ Quỹ TW đúng mục đích, minh bạch và phát huy được hiệu quả đồng vốn của nhân dân đóng góp.

- Phương án phân bổ từ Quỹ TW về Quỹ ĐP đã tuân thủ theo Nghị định số 18/2012/NĐ-CP ngày 13/3/2012 và phù hợp với thực tế. Trong thời gian tới để đảm bảo công tác điều hành được linh hoạt và bám sát thực tế nhu cầu bảo trì các công trình đường bộ, Hội đồng Quỹ sẽ xác lập tỷ lệ % nguồn vốn hỗ trợ trong quá trình thực hiện giao chi hàng năm làm cơ sở xem xét hỗ trợ cho các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, mưa lũ, đảm bảo an toàn giao thông và các công việc cấp bách khác trong công tác sửa chữa, bảo trì công trình đường bộ.

- Công tác kiểm tra hoạt động thu, chi Quỹ TW được chú trọng và thực hiện định kỳ, đột xuất. Các cơ quan được giao quản lý và sử dụng nguồn Quỹ TW đã thường xuyên kiểm tra giám sát các đơn vị thực hiện để đảm bảo nguồn vốn từ Quỹ TW được triển khai sử dụng đúng mục đích và đúng các quy định hiện hành.

- Về cách thức thu phí hiện nay, một số doanh nghiệp và Hiệp hội vận tải địa phương có kiến nghị xem xét về thời gian thu, mức thu để tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong giai đoạn kinh tế khó khăn hiện nay. Quỹ TW đang tổng hợp và sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan để hướng dẫn, nghiên cứu tìm biện pháp tháo gỡ cho các đơn vị, doanh nghiệp và sẽ đánh giá trong Hội nghị Tổng kết 2 năm hoạt động của Quỹ bảo trì đường bộ.

- Thực tế sau 02 năm triển khai thực hiện Quỹ BTĐB đã nhận thấy một số quy định về quản lý Quỹ bảo trì đường bộ (Nghị định số 18/2012/NĐ-CP, Quyết định số 1486/QĐ-TTg, Thông tư số 133/2014/TT-BTC, Thông tư liên tịch số 230/2012/TTLT-BTC-BGTVT, Thông tư số 04/2013/TT-BTC, Quyết định số 14/QĐ-QBTĐBTW, Quyết định số 06/QĐ-QBTĐBTW…) còn một số bất cập nên cần tiếp tục rà soát, xem xét điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn hoạt động của Quỹ bảo trì đường bộ.

Nhìn chung, sau một năm hoạt động, đến nay việc tổ chức thu, nộp, quản lý và sử dụng Quỹ TW đã từng bước đi vào ổn định, bảo đảm nguồn thu, phát huy vai trò của Quỹ TW trong công tác bảo trì đường bộ, duy trì tuổi thọ và bảo đảm sự bền vững, an toàn cho công trình đường bộ.

7.2. Kết quả thực hiện các hoạt động chi cho công tác bảo trì đường bộ

- Đối với hoạt động chi bảo trì hệ thống quốc lộ:

+ Chi bảo dưỡng thường xuyên: Kế hoạch giao cho 04 Cục Quản lý đường bộ (thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam) và 49 Sở GTVT thực hiện nhiệm vụ bảo trì hệ thống quốc lộ là 720,652 tỷ đồng để bảo trì 125 tuyến quốc lộ chính và 18 tuyến phụ (quốc lộ kéo dài, đường ATK hoặc tuyến tránh) với tổng chiều dài 17.641km.

+ Sửa chữa định kỳ: Đã hoàn thành 279 công trình chuyển tiếp từ năm 2013 sang năm 2014, giải ngân đạt 85% so với khối lượng đã thực hiện. Đối với các công trình làm mới, căn cứ kế hoạch chi của Hội đồng Quỹ Trung ương, Tổng cục ĐBVN đã hoàn thành công tác phê duyệt toàn bộ các dự án (485 dự án). Tính đến 31/12/2014, công tác thi công ngoài hiện trường đã cơ bản hoàn thành, hầu hết đáp ứng được yêu cầu. Đến hết ngày 31/12/2014, có 386 cầu và 2.883 km đường đã được sửa chữa, 24 điểm đen và 101 điểm sụt trượt mất an toàn giao thông đã được khắc phục…

+ Tổng giá trị được giải ngân từ Quỹ TW cho công tác bảo trì hệ thống quốc lộ và các nhiệm vụ liên quan đến bảo trì đường bộ trong năm 2014 đến hết ngày 31/12/2014 là 5.787,657 tỷ đồng.

- Đối với hoạt động chi nguồn vốn (35%) từ Quỹ TW chuyển về Quỹ ĐP:

+ Đến hết ngày 31/12/2014, Quỹ TW đã chuyển về các Quỹ ĐP là 1572,5 tỷ đồng. Đạt 100% so với kế hoạch.

+ Các Quỹ ĐP đã lập kế hoạch sử dụng nguồn kinh phí 35% từ nguồn Quỹ TW chuyển về để thực hiện các dự án sửa chữa 212 tuyến đường địa phương (gồm 188 tuyến đường tỉnh, 06 tuyến đường đô thị và 18 tuyến đường huyện). Hiện nay, các địa phương đang tích cực đẩy nhanh triển khai thủ tục đầu tư xây dựng công trình. Việc sửa chữa chậm nhất là cuối tháng 01 năm 2015 sẽ cơ bản hoàn thành để phục vụ kịp thời nhu cầu đi lại của nhân dân trong dịp tết Ất Mùi.



PHẦN II

PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ CÔNG TÁC NĂM 2015

1. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế quản lý Quỹ bảo trì đường bộ

- Tiếp tục phối hợp với Bộ GTVT, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan để tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1486/QĐ-TTg, đồng thời, tiếp tục sửa đổi, bổ sung và các văn bản liên quan để dần hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp quy về Quỹ BTĐB, bảo đảm hoạt động của Quỹ được công khai, minh bạch, hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu của xã hội và người dân.

- Hội đồng Quỹ xem xét sửa đổi một số điều quy định tại Quyết định số 14/QĐ-QBTTW ngày 17/4/2013 về việc ban hành Quy chế hoạt động cụ thể của Hội đồng Quỹ, làm rõ các nội dung về nguyên tắc phân bổ nguồn vốn từ Quỹ TW cho công tác bảo trì quốc lộ và phân bổ về Quỹ ĐP, cụ thể hóa trách nhiệm của Chủ tịch Quỹ trong công tác điều hành hoạt động của Quỹ TW. Thực hiện sâu, rộng cơ chế phân cấp, ủy quyền và kiểm tra giám sát phù hợp để mọi hoạt động điều hành Quỹ TW đảm bảo tiến độ và đúng các quy định của Nhà nước.

- Nghiên cứu xây dựng cơ chế phân bổ kinh phí cho Quỹ ĐP một cách linh hoạt tùy theo yêu cầu thực tế hàng năm để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn từ Quỹ TW (theo ý kiến của Kiểm toán Nhà nước). Đồng thời, xây dựng cơ chế quản lý, giám sát chặt chẽ nguồn Quỹ TW hỗ trợ về cho các Quỹ ĐP, tạo điều kiện cho các Quỹ ĐP tổ chức tốt công tác thu - chi theo quy định.

- Xây dựng nguyên tắc và phương án chi Quỹ TW cho công tác bảo trì đường bộ bảo đảm công khai, minh bạch, có kế hoạch cụ thể, đúng đối tượng và hạn chế phát sinh ngoài kế hoạch hàng năm.

- Kiến nghị các cơ quan chức năng thuộc Bộ GTVT, Tổng cục ĐBVN tiến hành rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, đảm bảo công tác quản lý, vận hành khai thác và bảo trì đường bộ thực sự có hiệu quả, tốt hơn, đúng quy định đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị tổ chức thực hiện.



2. Hoạt động thu, chi của Quỹ TW năm 2015

- Xác lập và hoàn thiện hệ thống quản lý thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện từ Trung ương đến địa phương, trong đó xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, vị trí của các cơ quan quản lý, đơn vị tổ chức thu, ngân hàng; không để xảy ra tình trạng thất thu hoặc thu không đúng đối tượng nộp phí sử dụng đường bộ.

- Kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc tổ chức thực hiện của các đơn vị thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện nhằm bảo đảm nguồn thu cho NSNN.

- Trên cơ sở kế hoạch bảo trì đường bộ của Bộ Giao thông vận tải và đề xuất kế hoạch chi của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Hội đồng Quỹ dự kiến kế hoạch chi Quỹ TW năm 2015 như sau:



STT

Nội dung

Kinh phí

(tỷ đồng)

Ghi chú

I

Nguồn Quỹ TW năm 2015

8.444,738

 

1

- Nguồn năm 2014 chưa chi chuyển sang năm 2015

699,738




2

- Thu phí sử dụng đường bộ từ xe ô tô

4.645

Số thu từ trạm đăng kiểm theo kế hoạch thu năm 2015

3

- Ngân sách Nhà nước cấp bổ sung

3.100




II

Chi Quỹ TW năm 2015

8.444,738

 

II.1

Chi Quỹ TW (65%)

6.119,271

 

1

Chưa phân bổ dành chi cho các nhiệm vụ đột xuất sửa chữa quốc lộ (15%)

917,888




2

Chi hoạt động VPQ TW

2.688

Tạm tính

3

Chi bảo trì, sửa chữa quốc lộ và các nhiệm vụ có liên quan (do TCĐBVN thực hiện)

5.198.695




II.2

Chi về các Quỹ ĐP (35% nguồn thu phí sử dụng đường bộ xe từ ô tô)

1.625,750




II.3

Nguồn chưa phân bổ

699,717

 

3. Công tác thông tin, tuyên truyền

Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về các hoạt động của Quỹ bảo trì đường bộ, về các cơ chế, chính sách mới được bổ sung, sửa đổi; tổ chức tập huấn, hỗ trợ về chuyên môn nghiệp vụ cho các địa phương, các Sở Giao thông vận tải để các Quỹ ĐP hoạt động hiệu quả hơn về công tác thu phí, quản lý và sử dụng nguồn vốn của Quỹ bảo trì đường bộ.



4. Một số công tác khác

- Tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan trong công tác tuyên truyền, thông tin các hoạt động liên quan đến Quỹ bảo trì đường bộ.

- Thẩm định và giao kế hoạch thu - chi Quỹ TW năm 2015, chuyển kinh phí cho các đơn vị thực hiện ngay từ đầu năm 2015 để đảm bảo hiệu quả và tiến độ thực hiện các công việc được giao.

- Hướng dẫn công tác quyết toán năm 2014, chuyển số dư Quỹ TW từ năm 2014 sang năm 2015, lập và phê duyệt kế hoạch thu, chi năm 2015 của Quỹ TW.

- Xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thu - chi của Quỹ TW nhằm đảm bảo các hoạt động thu chi thực hiện đúng các quy định hiện hành.

- Chủ động phối hợp với các cơ quan thanh tra, kiểm toán chuyên ngành để Hội đồng Quỹ điều hành các hoạt động của Quỹ TW đúng quy định và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong hoạt động bảo trì đường bộ.

- Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ (cào bóc tái chế, vật liệu mới), áp dụng cơ giới hóa trong công tác bảo trì đường bộ, đồng thời đề nghị các cơ quan quản lý đường bộ tăng cường công tác quản lý và kiểm soát tải trọng xe, quản lý hành lang an toàn và kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ để việc sử dụng nguồn vốn Quỹ BTĐB đạt hiệu quả.

- Phối hợp với các cơ quan của Bộ GTVT tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo trì thông qua đấu thầu, đặt hàng cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích, sử dụng đúng mục đích nguồn vốn Quỹ bảo trì đường bộ để nâng cao chất lượng và duy trì tuổi thọ công trình đường bộ. Đổi mới bộ máy tổ chức quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ để nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát các đơn vị thực hiện bảo trì.

- Tiếp tục phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và các cơ quan liên quan xử lý một số vị trí điểm đen và các công trình tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông.

- Tích cực kêu gọi nguồn vốn ODA và các nguồn vốn hợp pháp khác cho lĩnh vực bảo trì đường bộ.

- Chuẩn bị tổ chức Hội nghị Tổng kết 2 năm hoạt động của Quỹ bảo trì đường bộ. Trên cơ sở đề xuất của các Quỹ ĐP và các cơ quan, đơn vị có liên quan, Hội đồng Quỹ sẽ tiếp tục nghiên cứu để đề nghị Bộ GTVT trình Chính phủ xem xét sửa đổi toàn diện Nghị định số 18/2012/NĐ-CP cho phù hợp với hoạt động của Quỹ TW và Quỹ ĐP. Đồng thời, Hội đồng Quỹ sẽ xem xét khen thưởng cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc triển khai và tổ chức thực hiện Quỹ bảo trì đường bộ.

PHẦN III

ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ

Sau hai năm triển khai thực hiện Quỹ bảo trì đường bộ theo Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và Nghị định số 18/2012/NĐ-CP, do đã xây dựng được hành lang pháp lý tương đối đầy đủ và sự quyết tâm của Lãnh đạo Hội đồng Quỹ và các cơ quan có liên quan, Quỹ TW đã đi vào hoạt động hiệu quả, dần ổn định và tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ giao cho Hội đồng Quỹ về quản lý, điều hành hoạt động Quỹ TW, một số những vấn đề vướng mắc phát sinh cần được tháo gỡ, trong đó trước hết cần bổ sung, chỉnh sửa và hoàn thiện hệ thống văn bản về Quỹ bảo trì đường bộ, đồng thời tiếp tục có các cơ chế hữu hiệu để tăng nguồn thu cho Quỹ TW nhằm phục vụ tốt hơn những nhu cầu và đòi hỏi bức xúc của xã hội về công tác bảo trì đường bộ.

Để tạo điều kiện cho công tác bảo trì đường bộ trên địa bàn cả nước ngày một tốt hơn, từng bước nâng cao chất lượng và duy trì tuổi thọ công trình giao thông đường bộ, Quỹ TW đề nghị Chính phủ, Bộ GTVT, Bộ Tài chính xem xét và quyết định một số nội dung kiến nghị như sau:

1. Đối với Nghị định số 18/2012/NĐ-CP

- Để chủ động trong công tác hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra tình hình thực hiện Nghị định số 18/2012/NĐ-CP, Hội đồng Quỹ đề nghị bổ sung một điều quy định về trách nhiệm của Hội đồng Quỹ đối với các Quỹ ĐP.

- Đề nghị việc phân chia tỷ lệ nguồn vốn từ Quỹ TW dành cho công tác bảo trì hệ thống quốc lộ và hỗ trợ Quỹ ĐP (hiện nay đang quy định tỷ lệ chi 65% cho quốc lộ và 35% phân chia về các Quỹ ĐP) như sau: Giao trách nhiệm cho Hội đồng Quỹ quyết định tỷ lệ phân chia hàng năm trên cơ sở mức thu, nhu cầu chi cho công tác bảo trì quốc lộ và nhu cầu sửa chữa đường địa phương (quy định này nhằm bảo đảm sự cân đối, phù hợp nhu cầu sửa chữa hệ thống quốc lộ và đường địa phương trong từng thời kỳ cụ thể).

2. Đối với Quyết định số 1486/QĐ-TTg

- Đề nghị có quy định cụ thể chế độ hưởng phụ cấp kiêm nhiệm đối với các thành viên Hội đồng Quỹ tại Quyết định số 1486/QĐ-TTg. Hiện nay, việc chi phụ cấp kiêm nhiệm cho các thành viên Hội đồng Quỹ cũng chưa có hướng dẫn cụ thể nào; do vậy, Quỹ TW chưa chi trả phụ cấp kiêm nhiệm cho các thành viên Hội đồng Quỹ (các Quỹ ĐP cũng phản ảnh đang gặp khó khăn trong vấn đề này).

- Để đáp ứng được yêu cầu công việc, tham mưu cho Hội đồng quản lý Quỹ bảo trì đường bộ ngày càng tốt hơn và tổ chức hoạt động của Văn phòng các Quỹ bảo trì đường bộ có hiệu quả cao, đề nghị quy định cụ thể trong Quyết định số 1486/QĐ-TTg: “Văn phòng Quỹ bảo trì đường bộ là đơn vị hành chính” như ý kiến tham gia của Bộ Tài chính và các địa phương.

3. Đối với Thông tư số 133/2014/TT-BTC

Đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu bổ sung Thông tư số 133/2014/TT-BTC ngày 11/9/2014 nội dung: Ban hành tem nộp phí sử dụng đường bộ cho xe máy thống nhất một mẫu chung trên toàn quốc, trong đó bao gồm cả loại tem áp dụng cho các đối tượng được miễn giảm theo quy định.



4. Đối với Thông tư liên tịch số 230/2012/TTLT-BTC-BGTVT

- Tại khoản 9 Điều 2 của Thông tư: Phần nội dung chi cho nhiệm vụ khác, đề nghị sửa lại là “các nội dung chi khác do Hội đồng quản lý Quỹ quyết định (hiện nay đang quy định “các nội dung chi khác liên quan đến công tác bảo trì, quản lý đường bộ do Hội đồng quản lý Quỹ quyết định) do trong thời gian vừa qua, rất nhiều nhiệm vụ chi đột xuất khác không thuộc nhiệm vụ chi cho bảo trì đường bộ như: việc sắp xếp các trạm thu phí, trả nợ bán trạm thu phí, hỗ trợ lao động, khắc phục bảo lũ, an toàn giao thông… cần phải được thực hiện và phục vụ chung cho công tác quản lý và điều hành của ngành Giao thông vận tải.

- Tại khoản 5 Điều 4 và điểm c khoản 3 Điều 6 của Thông tư: Do đặc thù của ngành đường bộ, các dự án sửa chữa đường bộ (thuộc nguồn vốn sự nghiệp) sau khi được giao kế hoạch vốn mới triển khai phê duyệt dự án. Vì vậy, để không vướng mắc trong quá trình giải ngân thanh toán, đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định: “Riêng các nhiệm vụ có tính chất đầu tư đối với công tác bảo trì đường bộ, việc phê duyệt dự án không phải thực hiện trước ngày 31 tháng 10 của năm trước năm kế hoạch”.

Năm 2014, Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương đã nhận được sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của Chính phủ, sự phối hợp, hỗ trợ của Bộ GTVT, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND các các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương, các Quỹ bảo trì đường bộ địa phương và các cơ quan có liên quan để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương mong tiếp tục nhận được sự quan tâm của Chính phủ, sự phối hợp hiệu quả hơn nữa của các Bộ, ngành, cơ quan Nhà nước và các địa phương để Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ trong năm 2015 và các năm tiếp theo, đáp ứng yêu cầu của xã hội và người dân./.



BÁO CÁO CHUYÊN ĐỀ
KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÔNG TÁC SẮP XẾP, ĐỔI MỚI VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG DOANH NGHIỆP NĂM 2014,
KẾ HOẠCH NĂM 2015 CỦA BỘ GTVT

(Cơ quan chủ trì soạn thảo: Vụ Quản lý doanh nghiệp)
Phát huy những thành tích đã đạt được trong năm 2013, thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, năm 2014, Bộ Giao thông vận tải đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, đẩy mạnh công tác sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp thuộc Bộ Giao thông vận tải, kết quả đạt được như sau:

I. Kết quả sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp nhà nước năm 2014

1. Công tác cổ phần hóa

1.1. Đối với những doanh nghiệp đã triển khai trong năm 2013: Năm 2013, Bộ đã triển khai cổ phần hóa 11 công ty mẹ - tổng công ty, trong đó:

- Mười Công ty mẹ - Tổng công ty (Xây dựng công trình giao thông 1, 4, 5, 6, 8, Xây dựng Thăng Long, Xây dựng đường thủy, Công nghiệp ô tô Việt Nam, Vận tải thủy, Tư vấn thiết kế giao thông vận tải): Thực hiện phương án cổ phần hóa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sau khi hoàn thành bán đấu giá phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng, đến ngày 30/6/2014, 10/10 Tổng công ty đã tổ chức xong Đại hội đồng cổ đông lần đầu và hoàn thành đăng ký doanh nghiệp chuyển sang hoạt động theo hình thức công ty cổ phần.

- Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng không Việt Nam: Ngày 14/11/2014, Tổng công ty đã hoàn thành IPO theo đúng phương án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, toàn bộ 49.009.008 CP đã được bán thành công với giá bình quân 22.307đồng/cổ phần. Ngay sau đó, Tổng công ty thực hiện bán cổ phần cho người lao động, tổ chức công đoàn theo quy định, đồng thời, tiếp tục thực hiện quy trình lựa chọn và bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược, dự kiến quý I/2015 sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông lần đầu, quý II/2015 sẽ chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần.

1.2. Đối với các doanh nghiệp triển khai trong năm 2014: Trong năm 2014, Bộ tiếp tục triển khai cổ phần hóa 53 doanh nghiệp (năm 2014 cả nước cổ phần hóa 143 doanh nghiệp), bao gồm:

- Các doanh nghiệp do Bộ trực tiếp thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hóa: Bộ đã trực tiếp tổ chức thực hiện cổ phần hóa 41 doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp đạt 152% kế hoạch năm (kế hoạch 27 doanh nghiệp), trong đó có 03 Công ty mẹ - Tổng công ty: Hàng hải Việt Nam, Cảng hàng không Việt Nam, Công nghiệp tàu thủy và 38 công ty thuộc Bộ và các Tổng công ty

- Các doanh nghiệp do các Tổng công ty: Hàng hải Việt Nam, Đường sắt Việt Nam thực hiện: Bộ đã chỉ đạo 02 Tổng công ty thực hiện cổ phần hóa 12 doanh nghiệp thành viên.

Đến nay, đã thẩm định, phê duyệt giá trị doanh nghiệp cho 50 doanh nghiệp, phê duyệt phương án cổ phần hóa 39 doanh nghiệp thành công ty cổ phần, trong đó 37 doanh nghiệp đã hoàn thành IPO. Các doanh nghiệp còn lại sẽ tiếp tục thực hiện các quy trình thủ tục để hoàn thành IPO vào đầu năm 2015. Như vậy, năm 2014 Bộ đã hoàn thành IPO 48 doanh nghiệp trên tổng số 76 doanh nghiệp của cả nước, Bộ Giao thông vận tải tiếp tục là đơn vị dẫn đầu cả nước về công tác cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước.



Đánh giá kết quả đạt được sau cổ phần hóa:

Đối với 10 Công ty mẹ - Tổng công ty, sau cổ phần hóa, các doanh nghiệp chuyển từ sở hữu nhà nước sang đa sở hữu, thống qua cổ phần hóa các doanh nghiệp đã huy động được nhiều nguồn lực của xã hội, vốn chủ sở hữu tăng 17,21%, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu giảm 18,3%. Các doanh nghiệp được chủ động quyết định toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, công tác tổ chức quản lý doanh nghiệp được công khai, minh bạch, chặt chẽ, năng suất lao động tăng nhanh, doanh thu tăng 10,27%, lợi nhuận trước thuế tăng 43,29%, thu nhập bình quân người lao động tăng 13,21%. Những kết quả đạt được như trên là minh chứng khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng, Quốc hội và Chính phủ về cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, thực hiện đúng mục tiêu của cổ phần hóa đó là: Huy động vốn của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài để nâng cao năng lực tài chính, đổi mới công nghệ, đổi mới phương thức quản lý nhằm nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; Bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp, nhà đầu tư và người lao động trong doanh nghiệp.

2. Công tác nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp

- Đối với 10 Tổng công ty – CTCP: Bộ đã sớm ban hành Quy chế hoạt động của Người đại diện theo ủy quyền của Bộ Giao thông vận tải đối với phần vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, trên cơ sở đó, giám sát và chỉ đạo Người đại diện thực hiện quyền, trách nhiệm của cổ đông tại các công ty cổ phần. Trong đó, tập trung vào việc xây dựng, thực hiện chiến lược, kế hoạch kinh doanh hàng năm, kế hoạch phát triển trung và dài hạn của công ty; giải pháp sắp xếp và hoàn thiện cơ cấu tổ chức, nâng cao năng lực quản trị, phát triển thị trường, ứng dụng khoa học công nghệ, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

- Đối với các Tổng công ty, Công ty 100% vốn nhà nước: Bộ đã chỉ đạo Hội đồng thành viên, Chủ tịch Công ty xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh 5 năm trình Bộ phê duyệt; giám sát việc xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh, kế hoạch đầu tư hàng năm của doanh nghiệp, kịp thời có những chỉ đạo, điều chỉnh trong quá trình thực hiện. Nhằm tăng cường công tác giám sát của chủ sở hữu, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước, Bộ đã bổ nhiệm Kiểm soát viên tại các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc bộ, thực hiện giám sát tài chính, đầu tư tại các doanh nghiệp. Qua đó, kịp thời phát hiện, yêu cầu khắc phục các tồn tại, có biện pháp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tình hình tài chính của doanh nghiệp.

- Để đáp ứng nhu cầu phát triển, nâng cao năng lực của doanh nghiệp, Bộ đã điều chỉnh tăng vốn điều lệ 05 Công ty mẹ - Tổng công ty: Cảng hàng không Việt Nam, Hàng không Việt Nam, Quản lý bay Việt Nam, Hàng hải Việt Nam, Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam, Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc và Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản GTVT theo đúng quy định hiện hành, với tổng số vốn tăng thêm đạt 10.630,963 tỷ đồng.

- Chỉ đạo các doanh nghiệp đẩy nhanh việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành, không hiệu quả để tập trung nguồn lực vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính. Đến nay, đã thoái vốn tại 02 Tổng công ty và công ty con thuộc các Tổng công ty thu về số tiền trên 1.098 tỷ đồng/6.576 tỷ đồng của cả nước.

3. Những bài học kinh nghiệm


Trên cơ sở những kết quả đã đạt đ­ược, những hạn chế trong tái cơ cấu, sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa doanh nghiệp của Bộ thời gian qua, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm, giải pháp để thúc đẩy công tác tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước như­ sau:

- Sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Cán sự đảng Bộ, lãnh đạo Bộ thể hiện quyết tâm chính trị cao, quyết liệt, tập trung, thống nhất, có trọng tâm, trọng điểm và các bước đi thích hợp trong quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp. Đây là căn cứ quan trọng để các đơn vị tổ chức thực hiện.

- Việc sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà n­ước phải được thực hiện đồng bộ từ khâu tuyên truyền, quán triệt chủ trư­ơng của Đảng, quy định, chỉ đạo, định hướng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đến khâu tổ chức thực hiện, nhằm giúp cán bộ, đảng viên, ng­ười lao động hiểu rõ chủ tr­ương, đường lối của Đảng và Nhà nước về công tác đổi mới, cổ phần hóa doanh nghiệp.

- Không ngừng nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện đồng bộ hệ thống cơ chế chính sách, đảm bảo tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, quản lý của chủ sở hữu nhà nước. Phải bám sát thực tiễn, nắm bắt, chủ động đề xuất các cơ chế chính sách để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp.

- Phải có sự phối hợp giữa các Bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương có liên quan. Trong thời gian qua, Bộ trưởng, các đồng chí Thứ trưởng thường xuyên, trực tiếp làm việc với các Bộ, ngành, địa phương để giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp.

- Trong điều kiện thị trường vốn khó khăn, thị trường chứng khoán chưa khởi sắc, để cổ phần hóa thành công thì doanh nghiệp phải tìm được nhà đầu tư chiến lược, thỏa thuận bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược trước khi IPO nhằm tạo thêm niềm tin, sức hút đối với các nhà đầu tư khác.

- Cán bộ là yếu tố quyết định sự thành công của quá trình đổi mới và phát triển doanh nghiệp nhà nước. Do vậy, phải tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý doanh nghiệp nhà nước có trình độ chuyên môn cao và phẩm chất đạo đức tốt. Đồng thời, xác định rõ vai trò, trách nhiệm cá nhân, xét mức độ hoàn thành các nhiệm vụ trong công tác tái cơ cấu, sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp là một căn cứ để đánh giá, khen thưởng, kỷ luật đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan, theo đó lãnh đạo các doanh nghiệp không hoàn thành nhiệm vụ cổ phần hóa theo kế hoạch sẽ xem xét vai trò, trách nhiệm cá nhân và có biện pháp xử lý thích hợp, bao gồm cả việc điều chuyển công tác.

II. Phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện năm 2015



tải về 1.31 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương