BỘ CÔng thưƠng số: 23/2011/tt-bct cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam


Điều 47. Quy định đối với máy phân cấp ruột xoắn



tải về 0.88 Mb.
trang3/7
Chuyển đổi dữ liệu01.11.2017
Kích0.88 Mb.
#33958
1   2   3   4   5   6   7

Điều 47. Quy định đối với máy phân cấp ruột xoắn

1. Máy phân cấp ruột xoắn phải có sàn thao tác được chống trơn, bề mặt sàn thấp hơn mép thùng máy tối thiểu 600 mm. Xung quanh bộ phận truyền động của máy phải có lan can bảo vệ và chiều cao không thấp hơn 0,8 m.

2. Trên máy phân cấp phải có lối lên nhỏ và tay vịn lên sàn thao tác. Để đảm bảo an toàn cho cơ cấu trục và cánh xoắn, các chi tiết bảo hiểm đảm bảo yêu cầu của Quy chuẩn này.

Điều 48. Vận hành máy phân cấp ruột xoắn

1. Khi máy phân cấp ruột xoắn chạy ổn định thì mới được cấp tải. Phải kiểm tra lượng cặn chuyển tải để điều chỉnh trục xoắn phù hợp, không gây quá tải.

2. Khi máy phân cấp ruột xoắn đang làm việc cấm đứng trên mép thùng máy hoặc thò tay và đưa vật cứng vào vùng làm việc của các cánh xoắn.

Điều 49. Bảo dưỡng, sửa chữa máy phân cấp ruột xoắn

1. Khi bảo dưỡng, sửa chữa máy phân cấp phải dùng thiết bị nâng để nâng trục và cánh xoắn.

2. Phải thực hiện các biện pháp kỹ thuật an toàn và phải tuân theo quy định tại Điều 8 của Quy chuẩn này.

Điều 50. Vận hành hòm và phễu phân cấp thuỷ lực

1. Đối với hòm và phễu phân cấp thuỷ lực, phải theo dõi tốc độ dòng nước ngược để đảm bảo hiệu quả phân cấp và tránh sự cố cho thiết bị.

2. Đối với hòm phân cấp thuỷ lực có cánh khuấy, phải theo dõi để đảm bảo cấp liệu đều đặn, duy trì tốc độ dòng nước ngược để chống kẹt cho cánh khuấy đảm bảo cho máy phân cấp hoạt động ổn định.
Chương IV. CÔNG ĐOẠN TUYỂN

Mục 1. MÁY LẮNG

Điều 51. Vận hành máy lắng

1. Sàn thao thác của máy lắng phải được chống trơn, trượt và đảm bảo thoát nước tốt. Phần bao ngoài gầu nâng phải cao hơn mặt sàn đi lại 0,8 m để bảo đảm an toàn.

2. Khi máy lắng làm việc phải thực hiện nghiêm túc nội quy an toàn và quy trình vận hành máy lắng.

3. Đối với máy lắng khí nén, theo định kỳ phải kiểm tra tình trạng kỹ thuật, các van khí nén, van an toàn, gầu nâng và máy thổi khí của máy lắng. Không được để nước xâm nhập vào đường ống khí nén. Cấm thử áp suất khí nén bằng tay khi máy đang làm việc.

4. Van an toàn phải tự động xả khí khi áp suất khí nén vượt quá trị số quy định.

Điều 52. Bảo dưỡng, sửa chữa máy lắng

1. Khi kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa buồng máy lắng phải cấp đủ ánh sáng làm việc; các vật liệu trên lưới phải được làm sạch; phải có người giám sát, bảo đảm an toàn, không để vật liệu rơi xuống buồng máy.

2. Trước khi tiến hành bảo dưỡng, sửa chữa trong thân máy phải ngừng máy, cắt điện của gầu nâng và phải tuân theo quy định tại Điều 8 của Quy chuẩn này.

Điều 53. Gầu nâng khử nước

1. Thường xuyên phải kiểm tra tấm hướng dòng phần đầu gầu nâng róc nước, điều chỉnh độ căng từng nhánh xích và đảm bảo sự cân đối giữa hai nhánh xích của dây gầu.

2. Xích gầu nâng phải quay đúng chiều, các mắt xích có đủ chốt hãm, cơ cấu chống quay ngược phải ở trạng thái sẵn sàng làm việc.

3. Không được phép cưỡng bức gầu nâng làm việc khi gầu bị kẹt. Người giải quyết xử lý gầu kẹt hoặc sửa chữa không được đứng trên gầu hoặc đối diện với mặt chính và cửa mở dưới của thân gầu. Khi sửa chữa bảo dưỡng gầu nâng, phải tuân thủ theo Điều 8 của Quy chuẩn này.



Mục 2. CÁC THIẾT BỊ TUYỂN TRÊN MẶT PHẲNG NGHIÊNG

Điều 54. Vận hành máng rửa

1. Máy cấp liệu phải cấp điều hoà nguyên liệu khoáng sản vào máng rửa. Thành máng rửa phải đảm bảo độ cao để khi cấp tải không làm bắn nước và vật liệu ra ngoài.

2. Trên sàn thao tác và quanh bộ phận truyền động của máng rửa phải có lan can bảo vệ.

Điều 55. Bảo dưỡng, sửa chữa máng rửa

1. Trước khi bảo dưỡng, sửa chữa máng rửa phải tháo hết nước và vật liệu trong máng.

2. Khi bảo dưỡng, sửa chữa máng rửa phải tuân theo quy định tại Điều 8 của Quy chuẩn này.

Điều 56. Vận hành máng xoắn

1. Khi lắp đặt máng xoắn phải đảm bảo thẳng đứng với trục máng xoắn, sàn thao tác phải có lan can bảo vệ.

2. Không được cấp liệu quá mức quy định để tránh vật liệu văng ra ngoài máng xoắn.

Điều 57. Bảo dưỡng, sửa chữa máng xoắn

1. Bảo dưỡng, sửa chữa máng xoắn phải được thực hiện đúng các biện pháp kỹ thuật an toàn, cấm đứng lên, trèo và bám trên các vòng xoắn của máng. Phải ngừng bơm cấp liệu và tuân thủ theo Điều 8 của Quy chuẩn này.

2. Khi hàn khu vực xung quanh hoặc trên máy phải che chắn bảo vệ, không để dụng cụ rơi vào máng.

Điều 58. Bàn đãi nước

1. Nền nhà xưởng đặt bàn đãi nước phải đảm bảo chống trơn. Động cơ truyền động phải được nối tiếp đất. Các ổ trượt lắp đặt phải đồng tâm và nằm trên cùng mặt phẳng.

2. Trước khi vận hành máy phải kiểm tra dầu trong bộ phận tạo chấn động và độ đồng tâm của ổ trượt.

3. Trong khi vận hành bàn đãi, nghiêm cấm mở nắp bộ phận tạo chấn động để kiểm tra và đổ thêm dầu.

4. Khi vận hành bàn đãi phải tuân thủ quy trình kỹ thuật đã được quy định.

Điều 59. Bàn đãi trong môi trường khí

1. Bàn đãi môi trường khí phải có bộ phận thu hồi khí và thiết bị khử bụi khép kín. Các mối ghép nắp mặt bàn và các đoạn ống nối phải kín.

2. Khi vận hành bàn đãi khí phải tuân thủ quy trình kỹ thuật đã được quy định, phải thường xuyên kiểm tra độ kín của bộ phận thu hồi bụi, đường ống dẫn khí ép và đường ống hút của quạt gió.

3. Cấm mở nắp bàn đãi khí và điều chỉnh các thông số kỹ thuật khi máy đang làm việc .



Mục 3. MÁY TUYỂN HUYỀN PHÙ

Điều 60. Vận hành máy tuyển huyền phù bể

1. Máy tuyển huyền phù manhêtit dạng bể hoặc huyền phù tang quay phải được vận hành trong dây chuyền công nghệ khép kín, bao gồm: Bể chứa, máy bơm huyền phù manhêtit chuẩn, hỗn hợp nguyên liệu khoáng và huyền phù manhêtit.

2. Bể chứa huyền phù manhêtit phải có thiết bị chống tắc, chống lắng đọng và luôn ở trong trạng thái sẵn sàng làm việc. Trên bề mặt bể chứa phải có lưới và lan can bảo vệ. Khi cần thiết phải có bể chứa để tháo huyền phù ra khỏi máy tuyển.

3. Trước khi khởi động máy tuyển huyền phù phải kiểm tra cơ cấu truyền động, cơ cấu gạt và nâng sản phẩm. Các điều kiện kỹ thuật của bơm như: Van, dây đai, các mối nối, bu lông, đai ốc, dầu mỡ v.v… Sau khi ngừng máy phải làm sạch lưới của bánh xe nâng.

4. Không được phép cưỡng bức bộ phận (gầu) tháo sản phẩm nặng kiểu bánh xe chuyển động khi bộ phận này bị kẹt, phải tìm nguyên nhân và biện pháp xử lý thích hợp.

5. Khi máy làm việc phải duy trì ổn định tải trọng cấp vào máy và tỷ trọng huyền phù, theo dõi chất lượng sản phẩm và tình trạng làm việc của bộ phận tự động điều chỉnh tỷ trọng huyền phù. Khi cánh gạt than dừng đột ngột, phải ngừng cấp liệu nhưng không ngừng bánh xe nâng tháo sản phẩm chìm.

6. Khi máy làm việc, không được sửa chữa, kiểm tra dầu mỡ, siết chặt bu lông, đai ốc hoặc khoá hộp điều khiển.

Điều 61. Bảo dưỡng, sửa chữa máy tuyển huyền phù bể

1. Trước khi tiến hành bảo dưỡng, sửa chữa máy tuyển huyền phù, phải tháo hết vật liệu và huyền phù manhêtít ra khỏi máy, phải tuân theo quy định tại Điều 8 của Quy chuẩn này cho máy bơm huyền phù và máy tuyển huyền phù bể.

2. Khi bảo dưỡng, sửa chữa trong thùng máy tuyển phải thực hiện các biện pháp an toàn, thông gió theo quy định và cử người giám sát quá trình sửa chữa cho đến khi kết thúc công việc.

Điều 62. Vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa bơm huyền phù

1. Khi vận hành bơm huyền phù (huyền phù chuẩn, huyền phù loãng, huyền phù đặc) phải tuân thủ quy trình vận hành đồng bộ với các thiết bị công nghệ trong dây chuyền huyền phù theo quy định.

2. Khi bảo dưỡng, sửa chữa máy bơm huyền phù phải tuân theo quy định tại Điều 8 của Quy chuẩn này, đóng van hút, tháo hết huyền phù trong đường ống đẩy của bơm và phải có nước trong cao áp để thông, rửa ống cấp huyền phù. Phải có thùng chứa khi xả huyền phù.

Điều 63. Vận hành xoáy lốc huyền phù

1. Sàn thao tác của máy tuyển huyền phù phải được chống trơn, trượt, xung quanh có lan can và độ cao lan can không thấp hơn 0,8 m.

2. Các mối nối thân máy, ống dẫn vật liệu và huyền phù của máy tuyển xoáy lốc phải đảm bảo kín khít. Ống tràn, ống xả đáy phải được che chắn để vật liệu và huyền phù không bị bắn ra ngoài.

3. Khi cấp tải vào xoáy lốc huyền phù, hỗn hợp nguyên liệu khoáng và huyền phù phải được khử không khí và loại bỏ cục quá cỡ. Phải ổn định áp suất đầu vào, tỷ lệ rắn/lỏng và tỷ trọng huyền phù theo đúng yêu cầu quy định.



Điều 64. Bảo dưỡng, sửa chữa xoáy lốc huyền phù

1. Phải định kì kiểm tra độ mài mòn lớp lót trong của máy tuyển, các chi tiết máy dễ bị hư hỏng, bị mòn. Nếu xuất hiện kết cấu hư hỏng hoặc mòn quá mức qui định, thì phải ngừng máy để sửa chữa hoặc thay thế nhằm đảm bảo kỹ thuật an toàn cho thiết bị tuyển.

2. Khi bảo dưỡng, sửa chữa xoáy lốc huyền phù phải tuân theo quy định tại Điều 8 của Quy chuẩn này cho bơm huyền phù và các máy có liên quan.

3. Trình tự tháo lắp xoáy lốc huyền phù phải thực hiện theo đúng quy định kỹ thuật an toàn. Thực hiện các biện pháp an toàn, bố trí người giám sát trong suốt quá trình bảo dưỡng, sửa chữa cho đến khi kết thúc công việc.



Mục 4. MÁY TUYỂN NỔI

Điều 65. Khu vực máy tuyển nổi hoạt động

1. Sàn thao tác của máy phải được chống trơn, trượt, xung quanh có lan can và độ cao lan can không thấp hơn 0,8 m. Nền nhà khu vực lắp đặt máy phải thiết kế thuận tiện cho công tác vệ sinh và thu gom nước rửa.

2. Nơi đặt máy tuyển nổi dạng buồng hoặc dạng cột phải đảm bảo trong quá trình hoạt động, bảo dưỡng và sửa chữa không có vật liệu lạ rơi vào thùng chứa.

3. Phải thiết kế hệ thống thông gió tích cực để hạn chế sự tích tụ của hơi độc phát ra từ thuốc tuyển trong các máy tuyển nổi.



Điều 66. Vận hành máy tuyển nổi

1. Trước khi vận hành máy tuyển nổi phải kiểm tra toàn bộ hệ thống điện cấp cho máy, dầu mỡ bôi trơn, hệ thống nước làm nguội của máy tuyển khí nén cỡ lớn, các mối nối thân máy, ống dẫn vật liệu, hệ thống cấp thuốc tuyển, máng tràn, bộ phận gạt sản phẩm bọt, bộ phận tín hiệu.

2. Khi vận hành máy tuyển nổi phải thực hiện đúng quy định về an toàn, quy trình vận hành. Loại bỏ cục quá cỡ và kiểm tra tỉ lệ cỡ hạt khi cấp tải vào máy, ổn định năng suất, tỷ lệ rắn/lỏng tại đầu vào theo yêu cầu quy định. Không để vật liệu và hỗn hợp thuốc tuyển bắn ra ngoài. Không được phép vận hành máy khi không có bùn.

3. Định kỳ phải kiểm tra độ mài mòn của thùng chứa và các chi tiết máy. Nếu xuất hiện kết cấu bị mòn quá mức qui định, chi tiết máy hư hỏng, thì phải ngừng máy để sửa chữa hoặc thay thế.

4. Khi máy tuyển nổi bị ngừng đột ngột do sự cố, kẹt hoặc do mất điện phải có biện pháp chống lắng đọng pha rắn trong thùng máy, chuyển về vị trí 0 tất cả các cơ cấu khởi động của hệ thống điều khiển thiết bị điện, ngừng việc dẫn bùn vào hệ thống và báo cho người phụ trách cử người đến khắc phục giải quyết.

5. Để bảo đảm máy tuyển nổi làm việc an toàn nghiêm cấm:

a) Đóng điện cưỡng bức để xử lý kẹt trục khuấy;

b) Kiểm tra bùn khoáng ở trong khoang máy bằng tay;

c) Điều chỉnh các cơ cấu truyền động, sửa chữa thay thế các chi tiết khi máy tuyển nổi đang hoạt động.

Điều 67. Bảo dưỡng, sửa chữa máy tuyển nổi

1. Trước khi tiến hành bảo dưỡng, sửa chữa máy tuyển nổi, phải tháo hết vật liệu, hỗn hợp thuốc tuyển ra khỏi máy.

2. Khi bảo dưỡng, sửa chữa phải thực hiện đúng các biện pháp kỹ thuật an toàn và phải tuân theo quy định tại Điều 8 của Quy chuẩn này.

3. Không được để dụng cụ, vật liệu rơi xuống buồng hoặc cột máy tuyển.



Mục 5. THUỐC TUYỂN NỔI

Điều 68. Khu vực pha chế thuốc tuyển

1. Khu vực pha chế loại thuốc tuyển dễ cháy như dầu hoả, dầu thông, hyđrôcacbon, hắc ín v.v... phải được xây dựng bằng vật liệu chống cháy. Trong phòng pha chế phải chiếu sáng bằng đèn điện chống cháy nổ và có đèn dự phòng bằng ắc quy.

2. Nhiệt độ trong khu vực không quá 35­­­0C. Các cửa sổ bằng kính phải có cánh cửa mở được về hai phía và phải có lỗ thông hơi. Trong khu vực pha chế phải lắp hệ thống thông gió toàn bộ hoặc cục bộ với các nhánh ống hút bên trên và bên dưới. Ở khu vực có loại thuốc tuyển dễ bay hơi và độc hại, phải có thiết bị thông gió dự phòng khi có sự cố.
Điều 69. Người làm việc trong khu vực pha chế

1. Người làm việc trong khu vực pha chế thuốc tuyển phải hiểu biết đặc tính của các loại thuốc sử dụng, tính độc hại và biết sơ cứu người bị nạn vì thuốc tuyển.

2. Trong các khu vực, nơi người làm việc tiếp xúc với thuốc tuyển nổi phải bố trí các chậu rửa (cả nước lạnh và nước nóng) để người làm việc rửa nhanh khi thuốc tuyển bắn vào da khi tiếp xúc.

3. Người quản lý kỹ thuật trong khu vực pha chế thuốc tuyển có nghĩa vụ kiểm tra tính sẵn sàng và an toàn của các trang thiết bị bảo hộ cá nhân của người lao động theo quy định.



Điều 70. Thùng chứa thuốc tuyển

1. Vật liệu làm thùng chứa, máy cấp thuốc tuyển, ống dẫn thuốc tuyển không được phản ứng với thuốc tuyển dạng axit và dạng muối. Các thùng chứa và ống dẫn dung dịch xyanua phải sơn màu đặc biệt theo quy định.

2. Thùng phân phối xyanua phải được bố trí trên diện tích cấp thuốc tuyển trong gian phòng riêng biệt, có trang bị hệ thống thông gió cục bộ và cửa phải có khoá. Ở khu vực có loại thuốc tuyển dễ bay hơi và độc hại phải dự phòng thiết bị thông gió khi có sự cố.

3. Các thùng chứa thuốc tuyển dễ bắt lửa như xantat v.v... cần đậy kín bằng nắp làm bằng vật liệu mềm để tránh phát sinh tia lửa.

4. Khi vận chuyển thuốc tuyển về xưởng tuyển nổi, cần phải chứa thuốc tuyển trong thùng kín.

Điều 71. Pha chế thuốc tuyển

1. Không được pha trộn các dung dịch sunfat đồng, sunfat kẽm sunfat sắt, clorua kẽm và clorua canxi với dung dịch sunfua natri, xyanua và hydrosunfua, vì như vậy có thể phân tán các loại khí độc tính cao - hydrosunfua và axit xyanhydric, cũng như chất cặn không hoà tan, làm tắc đường ống.

2. Khi pha loãng axit sunfuric cấm đổ nước vào axit vì dễ gây nổ. Trong phòng pha chế thuốc tuyển cần pha sẵn xôđa loãng nồng độ 2% để rửa khi bị axit bắn vào da.

3. Không được pha trộn các axit với các dung dịch xyanua, xantat, aeroflot, sunfua và hydrosunfua natri.



Điều 72. Vận hành thùng khuấy

1. Trước khi vận hành thùng khuấy phải kiểm tra các điều kiện kỹ

thuật an toàn như: Mỡ bôi trơn trục khuấy, động cơ, tiếp địa.

2. Thùng khuấy phải có lưới bảo vệ trên mặt để tránh các vật to,

cứng rơi vào thùng khuấy gây kẹt cánh khuấy.

Điều 73: Máy cấp thuốc tuyển

1. Thùng cấp thuốc nằm trên sàn cấp thuốc vào thùng khuấy. đường ống dẫn thuốc phải theo hệ thống dẫn kín. Có van tự động khoá khi thùng đã đầy thuốc tuyển.

2. Việc cấp thuốc tuyển vào các thùng khuấy và máy cấp thuốc tuyển phải thông qua bơm và các đường ống kín. Cấm cấp xyanua và sunfua natri ở dạng khô và axit sunfuric đặc trực tiếp vào các điểm cấp thuốc.

3. Máy cấp thuốc độc hại làm việc tự động và đặt trong thùng có khoá. Các đường ống dẫn thuốc phải tuyệt đối kín và sơn màu rực rỡ.



Điều 74. Bể chứa thuốc tuyển khi có sự cố

1. Phải có bể chứa thuốc tuyển khi có sự cố nối liên hoàn với thùng khuấy, thùng cung cấp thuốc tuyển, thùng khuấy trung gian.

2. Bể phải có dung tích đủ để chứa hoàn toàn lượng bùn có thuốc tuyển khi gặp sự cố.

Điều 75. Nước thải xưởng tuyển nổi

Nước thải từ sàn cấp thuốc tuyển phải được gom lại và dẫn bằng đường ống đặc biệt, không nhập vào hệ thống thoát nước của khu vực máy tuyển nổi. Tuỳ theo công nghệ tuyển và đặc tính nước thải thì nước thải phải được xử lý bằng các biện pháp thích hợp, được tuần hoàn tái sử dụng; nếu xả vào nguồn nước cộng đồng phải tuân thủ các quy định về môi trường hiện hành.



Mục 6. MÁY TUYỂN TỪ

Điều 76. Khu vực lắp đặt máy tuyển từ

1. Sàn thao tác của máy tuyển từ ướt phải được chống trơn, trượt và đảm bảo thoát nước tốt.

2. Máng cấp liệu và tháo liệu của máy tuyển từ khô phải có vỏ kín kết nối với ống hút bụi.

3. Máy tuyển từ, tủ bảng điện phải được tiếp đất. Bảng điều khiển và dây dẫn điện phải được cách điện theo quy định.



Điều 77. Vận hành máy tuyển từ

1. Trước khi vận hành máy tuyển từ, phải kiểm tra hệ thống điện, hệ thống đo lường, cơ cấu cấp liệu, vị trí dao cắt và máng hứng sản phẩm.

2. Khi máy tuyển từ làm việc phải thực hiện đúng quy định về an toàn, quy trình vận hành. Cấm mang các vật liệu và dụng cụ nhiễm từ đến gần tang, trục từ.

3. Cửa quan sát và thùng máng phải được đóng kín khi máy làm việc. Cấm lôi cậy bằng tay các đồ vật từ máng cấp liệu. Cấm điều chỉnh khoảng cách và căn chỉnh băng tải của máy tuyển từ bằng cách dùng vật lạ.

4. Khi ngừng máy tuyển từ phải ngắt điện các cuộn dây điện của hệ thống cấp điện cho cuộn dây.

Điều 78. Bảo dưỡng, sửa chữa máy tuyển từ

1. Định kỳ phải tiến hành kiểm tra kỹ thuật, điều kiện an toàn của máy tuyển từ. Trước khi sửa chữa máy phải tháo hết vật liệu ra khỏi máy và thực hiện các biện pháp kỹ thuật an toàn theo Điều 8 của Quy chuẩn này.

2. Máy tuyển từ đã sửa chữa chỉ được đưa vào sử dụng lại sau khi máy được kiểm tra đảm bảo đủ điều kiện kỹ thuật và an toàn theo quy định.

Mục 7. MÁY TUYỂN ĐIỆN

Điều 79. Khu vực lắp đặt máy tuyển điện

1. Máy tuyển điện làm việc trong điều kiện điện áp cao nên phải được bố trí trong khu vực riêng, khô ráo và ngăn cách với các khu vực làm việc khác.

2. Khu vực đặt máy tuyển tĩnh điện phải có hệ thống thông gió tích cực để giảm lượng ôxit nitơ sinh ra do điện áp cao.

3. Trạm chỉnh lưu và các thiết bị có điện áp cao phải có rào chắn và biển cảnh báo điện áp cao nguy hiểm.

4. Tất cả các bộ phận kim loại của máy phải được tiếp đất và phải được kiểm tra thường xuyên. Dây tiếp đất phải có tiết diện tối thiểu là 100mm2.
Điều 80. Vận hành máy tuyển điện

1. Trước khi khởi động máy phải kiểm tra tình trạng kỹ thuật an toàn của máy, đóng chặt cửa quan sát, vị trí các điện cực, chổi gạt, quạt gió,vv...

2. Cửa của máy tuyển điện phải đảm bảo lắp được khoá liên động điện bên trong, tránh khả năng mở máy khi máy đang làm việc.

3. Để bảo đảm an toàn cho máy tuyển điện, nghiêm cấm:  

a) Điều chỉnh vị trí các điện cực của máy tuyển điện trong khi máy đang làm việc;

b) Người lạ đi vào khu vực làm việc của các máy tuyển điện;

c) Dùng tay sờ vào máy tuyển điện khi máy làm việc hoặc ngay sau khi tắt máy và tắt nguồn điện cao áp;

d) Để nước bắn vào các bộ phận của máy và dây dẫn điện.



Điều 81. Bảo dưỡng, sửa chữa máy tuyển điện

1. Phải thường xuyên theo dõi tình trạng kỹ thuật an toàn của máy trong quá trình làm việc. Kiểm tra lượng điện tích dư ở các điện cực vầng sáng khi tắt máy.

2. Không được phép mở cửa máy tuyển điện và tiến hành bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị mà không có sự hiện diện của người thứ hai.

3. Khi bảo dưỡng, sửa chữa máy tuyển điện, phải tuân theo quy định tại Điều 8 của Quy chuẩn này.



Mục 8. QUẠT GIÓ, KHÍ NÉN

Điều 82. Vận hành quạt gió

1. Trước khi vận hành máy phải kiểm tra điều kiện kỹ thuật an toàn, hệ thống cấp điện cho máy, hệ thống dầu mỡ bôi trơn, hệ thống dẫn khí ép, các đồng hồ đo áp lực, lưu lượng, nhiệt độ, các van điều chỉnh, độ chắc chắn của các chi tiết lắp ghép, các bảo hiểm che chắn, thiết bị đo.

2. Trước khi khởi động quạt gió, phải phát tín hiệu bằng ánh sáng hoặc chuông còi.

3. Khi vận hành thiết bị phải tuân thủ đúng quy trình công nghệ, quy trình vận hành thiết bị cung cấp khí nén. Trường hợp có hai máy cấp khí nén trở lên, phải vận hành từng máy một; khi một máy chạy ổn định mới vận hành máy tiếp theo.

4. Khi vận hành máy phải quan sát đồng hồ đo áp lực, lưu lượng, áp suất dầu bôi trơn, lưu lượng dầu tuần hoàn, điện áp và dòng điện. Thường xuyên theo dõi tình trạng làm việc của máy, nếu có hiện tượng bất thường phải dừng máy để kiểm tra, sửa chữa.

5. Nghiêm cấm vận hành máy khi các yêu cầu kỹ thuật không đảm bảo.

6. Các thiết bị nén khí phải được kiểm định về kỹ thuật an toàn theo quy định hiện hành.
Chương V. CẤP NƯỚC VÀ CÔNG ĐOẠN KHỬ NƯỚC SẢN PHẨM

Mục 1. CẤP NƯỚC

Điều 83. Máy bơm nước, bơm nước tuần hoàn, bơm bùn khoáng

Máy bơm nước, bơm nước tuần hoàn, bơm bùn khoáng đưa vào vận hành phải đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật an toàn:

1. Trục bánh công tác của bơm phải quay được dễ dàng, đúng chiều;

2. Thao tác các van thuận tiện, dễ dàng;

3. Các mối nối ống và đường ống phải kín khít, không rò rỉ;

4. Các vòng tết quanh trục bơm, trục van không rò rỉ nước và bó chặt trục. Nếu chèn kín bơm bằng nước thì nước phải trong, đủ áp suất và lưu lượng;

5. Sau khi sửa chữa phải kiểm tra cách điện, tiếp địa của động cơ đối với các máy bơm đưa vào sử dụng lại;

6. Các khớp truyền động của bơm phải có rào chắn bảo vệ an toàn;

7. Phải có giỏ hút chống tắc;

8. Đối với bơm bùn phải có hệ thống cấp nước trong để thông tắc, rửa ống và rửa bơm. Phải có các bể chứa bùn và đường ống, van xả để tháo hết cặn lắng đọng trong đường ống, trong bơm và trong các thiết bị công nghệ khi các máy bơm bùn ngừng hoạt động.



Điều 84. Bể chứa nước, nước tuần hoàn và nước thu gom

1. Bể chứa nước, nước tuần hoàn tại đầu vào phải có mực nước không thấp hơn quy định, có ống xả nước tràn.

2. Bể được che chắn bảo vệ đảm bảo không có vật liệu lạ (quá cỡ) rơi vào bể chứa.

3. Phải có bể chứa bùn khi bơm và đường ống cần xả ra do ngừng bơm. Phải có các phương tiện chống tắc, chống lắng đọng bùn tại đáy bể chứa bùn.



Điều 85. Vận hành máy bơm nước

1. Người vận hành máy bơm phải trang bị và sử dụng đầy đủ bảo hộ lao động đúng theo quy định.

2. Không được tiến hành hiệu chỉnh hoặc sửa chữa các chi tiết của hệ thống bơm, trạm bơm dẫn tới làm sai lệch các thông số kỹ thuật, trừ việc điều chỉnh lưu lượng.

3. Khi ghép các bơm làm việc đồng thời, phải xem xét đường đặc tính làm việc của bơm và đặc tính của đường ống để chọn chế độ bơm phù hợp.

a) Ghép song song: Các bơm phải có cùng cột áp;

b) Ghép nối tiếp: Các bơm phải có cùng lưu lượng và khoảng cách giữa hai bơm phải đảm bảo để áp suất trong đường ống không gây nguy hiểm cho bơm sau.



Mục 2. XỬ LÝ BÙN NƯỚC

Điều 86. Máy ly tâm

1. Máy ly tâm khử nước phải có lan can bảo vệ, rào chắn an toàn xung quanh, trên rô to phải có nắp đậy kín.

2. Khi cấp tải cho thiết bị khử nước, máy ly tâm khử nước phải đảm bảo cấp tải đều, không để vật liệu đóng tróc trên bề mặt tang lọc của máy. Cấm mở tấm che thùng máy khi máy đang hoạt động.

3. Các thiết bị khử nước, xoáy lốc thủy lực cô đặc, máy ly tâm khử nước, trước khi tiến hành sửa chữa phải dừng thiết bị cấp tải và các thiết bị liên động liên quan phải theo đúng quy định tại Điều 8 của Quy chuẩn này.

4. Khi kiểm tra hoặc bảo dưỡng, sửa chữa trong thùng máy của thiết bị khử nước, người vào làm việc trong thùng máy phải đeo dây an toàn, sử dụng đèn chiếu sáng điện áp nhỏ hơn 36 V, bên ngoài phải bố trí người giám sát trong suốt quá trình bảo dưỡng, sửa chữa cho đến khi kết thúc công việc.

Điều 87. Thiết kế, xây dựng bể cô đặc, bể lắng tháp

1. Khi thiết kế, xây dựng các bể cô đặc, bể lắng, chiều dày thành bể phải tính toán để chịu được áp lực cột nước lớn nhất chứa trong bể.

2. Phía trên bể lắng hình tháp phải có lối đi lại, xung quanh có lan can bảo vệ. Mặt lối đi phải có biện pháp chống trơn, trượt và thoát nước tốt.

3. Tại vị trí cấp vật liệu vào bể lắng hình tháp phải có lưới chắn tạp chất, vật liệu quá cỡ.

4. Tại vị trí van xả của bể lắng hình tháp phải có tấm chắn, vòi xối nước hỗ trợ khi cặn bùn xả quá đặc.

5. Khu vực không gian phía trên bể lắng hình tháp phải đủ ánh sáng để dễ quan sát và kiểm tra.

6. Cánh cào của bể cô đặc cào tròn phải quay đúng chiều, bộ phận nâng hạ cánh cào phải luôn ở trạng thái sẵn sàng làm việc.

7. Cầu vượt bể cô đặc phải chắc chắn và có lan can bảo vệ. Sàn công tác và đi lại bảo đảm không bị trơn trượt. Dây dẫn điện đặt trên cầu vượt phải được bảo vệ chắc chắn, không để hỏng vỏ cách điện.



Каталог: vbpq
vbpq -> UỶ ban nhân dân tỉnh quảng nam số: 118 /bc-ubnd cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
vbpq -> TỈnh bến tre độc lập Tự do Hạnh phúc
vbpq -> Ban hành kèm theo Thông tư số: 29/2004/tt-btnmt
vbpq -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
vbpq -> BỘ y tế CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
vbpq -> BỘ TƯ pháp cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
vbpq -> BỘ CÔng an cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
vbpq -> CHÍnh phủ CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
vbpq -> QUỐc hội nghị quyết số: 109/2015/QH13 CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
vbpq -> PHỤ LỤC: MẪu văn bảN Áp dụng thống nhất trong công tác bổ nhiệM (Ban hành kèm theo Thông tư số 09/2012/tt-btp ngày 01 tháng 9 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp) Mẫu số: 01/bncb

tải về 0.88 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương