BỘ CÔng nghiệP


TRỮ LƯỢNG, CÔNG SUẤT THIẾT KẾ VÀ TUỔI THỌ MỎ



tải về 1.15 Mb.
trang2/8
Chuyển đổi dữ liệu07.07.2016
Kích1.15 Mb.
#1335
1   2   3   4   5   6   7   8

TRỮ LƯỢNG, CÔNG SUẤT THIẾT KẾ VÀ TUỔI THỌ MỎ


Điều 11.

1. Báo cáo đầu tư, báo cáo đầu tư xây dựng công trình và thiết kế sơ bộ phải căn cứ vào trữ lượng trong Báo cáo thăm dò và điều tra tỉ mỉ địa chất mỏ để tính toán: Trữ lượng địa chất, trữ lượng địa chất huy động vào thiết kế và trữ lượng công nghiệp.

2. Khi tính toán trữ lượng địa chất huy động phải lấy trữ lượng địa chất mỏ trừ đi: Trữ lượng ở các trụ than bảo vệ chống bục nước, trụ để lại ở biên giới mỏ, trụ để lại dưới các công trình xây dựng trên bề mặt, trụ bảo vệ không được phép khai thác do các yếu tố xã hội và bảo vệ môi trường và các trụ bảo vệ khác.

3. Khi tính toán trữ lượng công nghiệp, phải lấy trữ lượng địa chất huy động trừ đi các tổn thất do: Để lại ở các trụ bảo vệ sân công nghiệp, trụ bảo vệ các giếng, các đường lò chủ yếu của mỏ và các tổn thất khác.



Điều 12. Công suất thiết kế mỏ phải được xác định trên cơ sở:

  1. Trữ lượng tài nguyên;

  2. Điều kiện địa chất mỏ tài nguyên;

  3. Điều kiện xây dựng trên mặt mỏ;

  4. Hiệu quả kinh tế.

Điều 13.

1. Công suất thiết kế của mỏ được đảm bảo bằng khối lượng khai thác ở một tầng.

2. Khi cần thiết, cho phép xác định công suất mỏ bằng khối lượng khai thác đồng thời ở 2 tầng.

Điều 14.

Công suất thiết kế mỏ được phân ra 3 loại:

1. Loại lớn: Từ 1.000.000T/năm trở lên;

2. Loại trung bình: Từ 500.000-1.000.000T/năm;

3. Loại nhỏ: Dưới 500.000T/năm.

Điều 15.

Tuổi thọ thiết kế mỏ được xác định tối thiểu như sau:



  1. Loại lớn: 20 năm;

  2. Loại trung bình: 15 năm;

3. Loại nhỏ: 7 năm.

Chương III



MỞ VỈA, CHUẨN BỊ VÀ TRÌNH TỰ KHAI THÁC MỎ

Điều 16.

Việc mở vỉa và chuẩn bị khai trường những mỏ mới, mỏ cải tạo mở rộng cũng như tầng mới của mỏ đang hoạt động phải theo thiết kế do đơn vị có chức năng thiết kế lập và được cơ quan quản lý có thẩm quyền phê duyệt.



Điều 17.

Phụ thuộc vào điều kiện địa chất mỏ, địa hình, kỹ thuật khai thác và công suất thiết kế, cơ quan thiết kế phải chọn ra phương án khả thi về kỹ thuật và kinh tế đối với từng mỏ cụ thể.



Điều 18.

Số lượng và chức năng các giếng phải phù hợp với các quy định sau:

1. Đối với phương pháp mở vỉa bằng giếng nghiêng hoặc giếng đứng, phải mở ít nhất 2 giếng (một giếng chính và một giếng phụ);

2. Khi bố trí giếng nghiêng đặt băng tải hoặc trục tải kiêm chức năng thông gió, phải thực hiện theo các quy định tại "Quy phạm an toàn trong các hầm lò than và diệp thạch ".



Điều 19.

Phụ thuộc vào điều kiện địa hình, vị trí miệng giếng chính được xác định theo các nguyên tắc sau:

1. Thuận lợi cho tầng khai thác thứ nhất và các tầng tiếp theo;

2. Thuận lợi cho việc bố trí sân ga giếng và các đường lò vận tải chính;

3. Thuận lợi cho việc bố trí khu khai thác đầu tiên;

4. Không hoặc ít phải di dời dân cư;

5. Tài nguyên trữ lượng ở các khu khai thác của mỏ phải tương đối cân bằng nhau;

6. Tránh bố trí giếng mỏ vào khu vực tầng chứa nước, đới phay phá hoặc đất đá mềm yếu;

7. Không đào qua các khu vực đã kết thúc khai thác;

8. Sân công nghiệp phải có điều kiện địa chất công trình ổn định, ít phải sử dụng đất canh tác, ít phải để lại trụ bảo vệ, tránh các khu có nguy cơ ngập úng, trượt lở đất đá;

9. Tương đối gần nguồn nước, nguồn điện, hướng vận chuyển than thông suốt, gần tuyến đường sắt chuyên dụng, bố trí đường ra vào mặt bằng công nghiệp hợp lý;

10. Đảm bảo môi trường sinh thái.



Điều 20.

Vị trí miệng giếng phụ phải được lựa chọn sao cho đáp ứng yêu cầu thông gió an toàn và rút ngắn được thời gian xây dựng.



Điều 21.

Giếng chính và giếng phụ được bố trí trong cùng một mặt bằng sân công nghiệp, trường hợp đặc biệt có thể phải bố trí giếng chính và giếng phụ ở những sân công nghiệp riêng biệt.



Điều 22.

Khi khai thác các vỉa than xếp loại III theo khí Mêtan, phải chuẩn bị khai trường thành các khối và mỗi khối có sơ đồ thông gió phân nhánh riêng biệt.



Điều 23.

1. Khi khai thác các vỉa thoải, phải chuẩn bị khai trường theo phương pháp chia ra các tầng.

2. Phương pháp chia khoảnh chỉ được thực hiện khi không thể áp dụng phương pháp chia ra tầng.

Điều 24.

Trình tự khai thác các tầng phải tiến hành theo hướng từ trên xuống; trường hợp khai thác theo hướng từ dưới lên, phải có thiết kế riêng được cơ quan quản lý có thẩm quyền phê duyệt.



Điều 25.

Khi khai thác cụm vỉa, cho phép đào đường lò chuẩn bị cho từng nhóm vỉa trong đá hoặc trong than với điều kiện than không có tính tự cháy và vỉa than không nguy hiểm về phụt than và khí bất ngờ.



Điều 26.

Sản lượng, chiều dài và tiến độ lò chợ phải phù hợp với thiết kế kỹ thuật được cơ quan quản lý có thẩm quyền phê duyệt.



Điều 27.

1. Trên cơ sở định mức tỷ lệ tổn thất khai thác quy định cho từng mỏ, hàng năm mỏ phải xác định tỷ lệ tổn thất than cho phép trong năm kế hoạch được cơ quan quản lý có thẩm quyền phê duyệt.

2. Giám đốc mỏ chịu trách nhiệm về tỷ lệ tổn thất than vượt quá quy định trong kỳ kế hoạch.

Điều 28.

Căn cứ công nghệ vận tải, sân ga giếng được thiết kế như sau:

1. Phụ thuộc vào công dụng của giếng, chiều dài đoạn lò chứa goòng không tải và goòng có tải ở sân ga giếng lấy bằng 1,5 lần chiều dài đoàn tầu.

2. Khi xác định khả năng thông qua của sân ga giếng, phải tính đến hệ số không điều hoà trong vận tải là 1,5.

3. Biểu đồ chạy tầu được lập như sau:

a) Vận tốc đầu tàu kéo đoàn goòng không tải: 1,5 m/s;

b) Vận tốc đầu tàu kéo đoàn goòng có tải: 1,25 m/s;

c) Vận tốc đầu tầu đẩy đoàn goòng: 1 m/s;

d) Vận tốc đầu tầu không kéo goòng: 2 m/s;

đ) Thời gian nối đầu tàu với đoàn goòng hay thời gian đổi hướng chạy: 10s;

e) Thời gian chuyển ghi chính và chuẩn bị hành trình cho đầu tàu: 10s.

Điều 29.

Trước khi đưa mức khai thác mới vào sản xuất, nhất thiết phải đào xong tất cả các đường lò và những hầm trạm chính trong phạm vi sân ga giếng.



Điều 30.

Kích thước lò nối sân ga với giếng phụ (cả hai phía có tải cũng như không tải) được chọn như sau:

1. Chiều cao không nhỏ hơn 4,5m tính từ đỉnh ray và giảm dần đến chiều cao thiết kế của đường lò;

2. Chiều dài đoạn lò thay đổi chiều cao không nhỏ hơn 5m;

3. Chiều rộng đoạn lò thay đổi chiều cao được xác định trên cơ sở chiều rộng thùng cũi và chiều rộng lối người đi 1m (ở chiều cao đứng không nhỏ hơn 1,8m) tính từ mép ngoài của thùng trục đến những phần nhô ra của vì chống hoặc đường ống, thiết bị đặt trong đường lò.

Điều 31.

Góc dốc đoạn lò nghiêng nối hầm bơm chính với giếng đứng (ở độ cao 7m tính từ nền trạm bơm) không được lớn hơn 30o. Trong đoạn đường lò này phải đặt đường ray và ống dẫn nước.



Điều 32.

1. Tại đoạn lò nối sân ga với giếng, cốt nền trạm biến thế trung tâm và hầm bơm chính phải cao hơn đỉnh ray sân ga ít nhất là 0,5m. Vị trí lắp đặt thiết bị điện phải có cốt nền cao hơn đỉnh ray sân ga ít nhất là 1m để tránh nước tràn vào các bộ phận dẫn điện.

2. Vị trí đặt bơm nước, các thiết bị điện và thiết bị khởi động phải đảm bảo khi có sự cố nước hoặc bùn từ trong ống xả tràn ra không làm chúng bị ngập.

3. Những yêu cầu trên không áp dụng đối với những mỏ thoát nước tự nhiên.



Điều 33.

1. Vị trí mỏ có lưu lượng nước lớn, đất đá bền vững và không nứt nẻ, cho phép thi công cốt nền hầm bơm chính thấp hơn mức đỉnh ray của sân ga khi có những biện pháp đảm bảo thoát nước liên tục và an toàn.

2. Lò nối hầm chứa nước với sân ga giếng phải bố trí ở độ cao tuyệt đối thấp nhất so với nền các đường lò sân ga giếng.

3. Phụ thuộc vào tính chất hoá lý của nước mỏ, hầm chứa nước có thể chống giữ bằng bêtông, bêtông cốt thép đúc sẵn hoặc vì neo.



Điều 34.

1. Khi lắp đặt bơm kiểu nằm ngang để thoát nước ở rốn giếng có độ sâu đến 7m, phải làm khám đặt bơm tại vị trí nối sân ga với giếng hoặc tại mức dưới bậc thứ nhất của thang trong giếng.

2. Trong thiết kế mỏ mới hoặc mức khai thác mới, phải dự tính trước việc làm sạch bùn nước rốn giếng bằng thiết bị nâng chuyên dùng.

Điều 35.

1. Các hầm đặt thiết bị điện phải có cửa bằng kim loại mở ra phía ngoài và không cản trở việc giao thông đi lại trong đường lò.

2. Đối với hầm đặt tời mà ở lối ra có cáp, không nhất thiết phải làm cửa.

3. Trường hợp cửa chống cháy bằng kim loại, trên cánh cửa phải bố trí ô cửa gió đóng bằng tay hoặc tự động để thông gió vào hầm.

4. Trường hợp cửa chống cháy phụ đóng tự động hoặc bằng tay khi có cháy trong hầm, cho phép làm cửa chắn song bằng kim loại.

5. Cửa sổ thông gió của các hầm trạm phải có cấu tạo sao cho có thể đóng tự động hoặc đóng bằng tay.



Điều 36.

1. Dung tích bunke chứa được xác định theo thiết kế, nhưng phải đảm bảo góc nghiêng phễu chứa không được nhỏ hơn 60o.

2. Hầm đặt thiết bị chất tải phải cách biệt với giếng bằng tường bê tông cốt thép có chiều dày không nhỏ hơn 30cm.

Điều 37.

1. Hầm đề pô tầu điện phải có ba khu vực liên hoàn:

a) Khu vực nạp điện;

b) Khu vực đổi dòng (chỉnh lưu);

c) Khu vực sửa chữa.

2. Riêng đối với đầu tầu cần vẹt chỉ cần khu vực sửa chữa.



Điều 38.

Phụ thuộc vào số lượng đầu tầu sử dụng, hầm trạm đề-pô tầu phải có:

1. Một đường xe rẽ vào và 1 lối người đi khi tổng số đầu tàu nhỏ hơn hoặc bằng 3;

2. Hai đường rẽ vào khi tổng số lượng đầu tầu từ 3 đến 10;

3. Ba đường rẽ vào (2 vào bộ phận nạp và 1 vào bộ phận sửa chữa) khi tổng số đầu tầu lớn hơn 10.

Điều 39.

1. Khoảng cách giữa thiết bị và tường trong khu vực nạp điện (theo chiều rộng) không nhỏ hơn:

a) Từ vì chống của hầm đến bộ ắc-qui trên bàn nạp điện: 600mm;

b) Từ bộ ắc-qui trên bàn nạp đến đầu tầu: 260mm;

c) Từ đầu tầu đến vì chống về phía lối người đi: 700mm;

2. Chiều cao khu vực nạp điện phải đảm bảo thuận lợi cho việc cơ giới hoá quá trình nâng hạ bộ ắc-qui trên bàn nạp điện cũng như trên đầu tầu lên độ cao không nhỏ hơn 150mm.



Điều 40.

Trong khu vực sửa chữa đầu tầu phải bố trí:

1. Thiết bị nâng ở độ cao không nhỏ hơn 3m;

2. Hố kiểm tra có chiều rộng không lớn hơn 1m, chiều sâu 1,65m và chiều dài bằng chiều dài một đầu tầu khi tổng số đầu tầu ít hơn 10; Khi tổng số đầu tầu nhiều hơn 10, chiều dài hố kiểm tra không nhỏ hơn chiều dài 2 đầu tầu.



Điều 41.

Đối với mỏ sử dụng thùng cũi trục tải để vận chuyển than và đất đá, phải bố trí hầm trạm trong lò phục vụ việc sửa chữa thường xuyên, bảo dưỡng goòng.



Điều 42.

Thiết kế các kho ngầm, kho chứa và phân phát vật liệu nổ công nghiệp phải thực hiện theo "Quy định an toàn trong sử dụng, vận chuyển và bảo quản vật liệu nổ công nghiệp".



Điều 43.

Phải bố trí hầm chứa thiết bị, dụng cụ và vật liệu chống cháy ở luồng lò gió sạch. Xếp đặt thiết bị trong hầm phải phù hợp với quy định tại “Quy phạm an toàn trong các hầm lò than và diệp thạch ”.

Chương IV

ĐÀO VÀ CHỐNG GIỮ ĐƯỜNG LÒ


Mục 1. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 44.

1. Đào mới hoặc sửa chữa lớn các giếng đứng, giếng nghiêng, lò thượng, lò ngầm phải theo thiết kế được cơ quan quản lý có thẩm quyền phê duyệt.

2. Đào và sửa chữa lớn các đường lò khác phải theo hộ chiếu được Giám đốc mỏ phê duyệt.

Mục 2. ĐÀO, CHỐNG GIỮ CÁC ĐƯỜNG LÒ BẰNG VÀ NGHIÊNG

Điều 45.

Các đường lò chuẩn bị được đào bằng phương pháp gương hẹp. Phương pháp gương rộng áp dụng để đào các đường lò ở vỉa thoải, đất đá bao quanh có tính chất bùng nền mạnh, khi đó phải bảo vệ đường lò bằng các dải đá chèn.



Điều 46.

Tuỳ theo công dụng, thời gian sử dụng và điều kiện địa chất mỏ, đường lò có thể được chống giữ bằng những loại vì chống sau đây: vì thép, bê tông cốt thép lắp ghép, vì neo, bê tông liền khối và bê tông cốt thép đổ tại chỗ, gạch bê tông, gạch nung, đá tạo hình, gỗ.



Điều 47.

Tiết diện các đường lò phải thực hiện theo quy định tại "Quy phạm an toàn trong các hầm lò than và diệp thạch ".



Điều 48.

Khi chống lò bằng bê tông đổ tại chỗ, những khoảng rỗng sau vì chống phải được chèn chặt bằng các vật liệu không cháy để loại trừ hiện tượng áp lực mỏ tập trung lên khung chống.



Điều 49.

Phụ thuộc vào tính chất cơ lý của đất đá bao quanh, đường lò đào trong đá có thể không cần chống, nhưng phải theo thiết kế được cơ quan quản lý có thẩm quyền phê duyệt.



Điều 50.

1. Lối người đi lại trong các đường lò nghiêng phải thực hiện theo các quy định tại "Quy phạm an toàn trong các mỏ hầm lò than và diệp thạch ".

2. Tuỳ theo độ dốc nghiêng của đường lò, lối người đi lại phải có:


  1. Tay vịn liên kết vào vì chống, khi độ dốc từ 70 đến 100;

  2. Sàn đi và tay vịn, khi độ dốc từ 110 đến 250;

  3. Bậc đi và tay vịn, khi độ dốc từ 260 đến 300;

  4. Thang bậc ngang và tay vịn, khi độ dốc từ 310 đến 450;

đ) Ngăn trang bị thang như trong giếng đứng khi độ dốc từ 460 trở lên.

Điều 51.

Khi lựa chọn phương pháp bảo vệ các đường lò chuẩn bị, phải đề cập đến các vấn đề sau:

1. Bố trí hợp lý các đường lò chuẩn bị so với không gian đã khai thác và của các vỉa lân cận;

2. Để lại các trụ than có kích thước đáp ứng yêu cầu bảo vệ đường lò khi không áp dụng được các phương pháp bảo vệ khác;

3. Chèn các dải đá chịu lực, xác định chiều rộng và công nghệ chèn các dải đá đó;

4. Đào các đường lò tiếp giáp không gian đã khai thác trong vùng áp lực mỏ đã ổn định;

5. Lựa chọn hình dáng đường lò sao cho đất đá bao quanh đường lò ổn định nhất;

6. Sử dụng các loại vì chống phù hợp với phương pháp bảo vệ đường lò chuẩn bị.



Mục 3. ĐÀO GIẾNG ĐỨNG

Điều 52.

1. Chỉ cho phép đào mới hay đào sâu thêm giếng đứng đang hoạt động khi đã hoàn thành những công việc giai đoạn chuẩn bị.

2. Lựa chọn công nghệ đào giếng đứng phải xuất phát từ những điều kiện địa chất, kỹ thuật mỏ cụ thể.

3. Lựa chọn phương pháp đào sâu thêm giếng đứng phải dựa vào khả năng bố trí thiết bị nâng, phương tiện vận tải và dỡ tải tại các mức khai thác và trên mặt đất.



Điều 53.

Cho phép tiến hành đào sâu thêm giếng đứng đang hoạt động đồng thời với công tác khai thác. Để đảm bảo an toàn và điều phối công việc giữa sản xuất và đào sâu thêm giếng, thiết kế đào sâu thêm giếng phải được cơ quan quản lý có thẩm quyền phê duyệt.



Điều 54.

Khối lượng đào các đường lò tiếp giáp với giếng trong khoảng cách tối đa 10m từ thành giếng được tính vào khối lượng đào giếng.



Điều 55.

Khi đào mới hoặc đào sâu thêm giếng, công tác bốc xúc đất đá ở gương đào phải thực hiện bằng cơ giới (máy bốc xúc gầu ngoạm hay bằng phương tiện cơ giới khác). Khoảng cách tối đa giữa mép sàn treo thiết bị bốc xúc và vì chống giếng không được vượt quá 400mm.



Điều 56.

1. Chiều sâu đang đào của giếng trước khi lắp ráp tổ hợp bốc xúc không được nhỏ hơn 30m trong trường hợp lắp đặt thanh ngang theo sơ đồ tổ chức thi công nối tiếp, và không nhỏ hơn 50m trong trường hợp lắp đặt thanh ngang theo sơ đồ tổ chức thi công đồng thời.

2. Trước khi tiến hành công tác nổ mìn, sàn treo máy bốc xúc phải kéo lên cao cách gương đào từ 25 đến 30m. Hạ sàn treo thiết bị bốc xúc sau khi nổ mìn phải theo sự chỉ đạo của cán bộ trực ca.

Điều 57.

1. Sàn treo thiết bị bốc xúc phải có bàn trượt hoặc cơ cấu đảm bảo thăng bằng khi treo và loại trừ khả năng mắc kẹt khi nâng hoặc hạ sàn, có lỗ luồn rọi trung tâm phục vụ các công việc đặt thanh ngang.

2. Sàn treo thiết bị bốc xúc phải có cơ cấu giữ cố định sau khi đã cân bằng, hệ thống chiếu sáng, tín hiệu và thang để liên lạc giữa các tầng của sàn treo.

Điều 58.

Thông thường, chống giữ cố định giếng có tiết diện tròn bằng bê tông liền khối đông kết nhanh. Trong trường hợp này, sàn treo thiết bị đào giếng phải có khoang rỗng để thùng tải đất đá đào giếng và đường ống cấp phối liệu bê tông đi qua.



Điều 59.

1. Trường hợp giếng chống bằng vì chiubin, phải kiểm tra việc đặt vòng chiubin đầu tiên bằng đo đạc trắc địa, những vòng tiếp theo kiểm tra bằng dây rọi và sau 5 vòng lắp đặt lại phải kiểm tra bằng đo đạc trắc địa.

2. Khoảng trống giữa thành đào giếng và vì chiubin phải được lèn chặt bằng dung dịch vữa chống thấm theo quy định của hộ chiếu hoặc thiết kế thi công.

Điều 60.

1. Vì chiubin được lắp đặt theo sơ đồ tổ chức thi công đồng thời bằng tời nâng khí nén đặt trên sàn treo hoặc palăng khí nén dịch chuyển trên ray đơn đặt dưới sàn treo.

2. Tời nâng khí nén hoặc palăng khí nén phải có bộ phận điều khiển từ gương đào. Đối với giếng có chiều sâu nhỏ hơn 100m, cho phép sử dụng tời đặt trên mặt đất.

3. Lắp đặt các vì chống chiubin từ sàn treo theo sơ đồ tổ chức thi công đồng thời bằng palăng khí nén hay cẩu khí nén đặt trên dầm cầu trục đơn ở tầng trên của sàn treo.



Điều 61.

1. Việc đặt thanh ngang phải thực hiện theo sơ đồ tổ chức thi công quy định trong thiết kế.

2. Trước khi đặt thanh ngang phải hoàn thành các công việc sau:

a) Đào các đường lò tiếp giáp với giếng phụ và các hầm chất tải tiếp giáp với giếng chính;

b) Tiến hành kiểm tra bề mặt thành giếng và bổ sung những điểm cần thiết vào bản thiết kế thi công;

c) Trang bị lại thiết bị sau khi đào xong giếng;

d) Chuẩn bị tất cả những bộ phận của khung giếng và tập trung chúng ở gần mặt giếng;

3. Lắp đặt khung giếng được bắt đầu từ việc đặt thanh ngang đầu tiên dưới sự kiểm tra của Trắc địa trưởng mỏ và kết quả kiểm tra phải lập thành văn bản.



Điều 62.

1. Tời cáp dẫn hướng, tời treo cốp pha phải có bộ phận điều khiển từ xa và thiết bị kiểm tra độ căng của cáp.

2. Tời cáp dẫn hướng được cố định vào sàn treo.

3. Tời treo máy bốc xúc khí nén và vì chống chiubin phải có bộ phận điều khiển từ xa đặt ở gương đào.

4. Những tấm chắn bảo vệ, cốp pha sau khi đổ bê tông phải treo tối thiểu bằng 3 dây cáp cố định vào tời đặt ở mặt đất hay trên sàn treo.

Điều 63.

1. Sử dụng những thiết bị tự động điều khiển từ xa phải theo quy định hướng dẫn vận hành của nhà máy chế tạo.

2. Các công việc hiệu chỉnh, kiểm tra, sửa chữa cũng như thử nghiệm các thiết bị tự động, điều khiển từ xa, các thiết bị máy móc trong giếng chỉ được phép thực hiện khi không có người ở trong giếng và vào thời gian quy định cho công việc đó.

Điều 64.

Các ống gió phải treo vào vì chống giếng. Các ống dẫn khí nén và ống nước phải cố định vào dây cáp bằng các đai ốc.



Điều 65.

Lắp đặt các đường dây cáp cố định trong giếng chỉ được thực hiện sau khi đã lắp xong các thanh ngang, thanh dẫn và lắp đặt xong các đường ống nước, khí nén cố định.



Mục 4. SỬA CHỮA VÀ HUỶ BỎ CÁC ĐƯỜNG LÒ

Điều 66.

Các đường lò đang sử dụng phải được kiểm tra thường xuyên và định kỳ, kết quả kiểm tra cập nhật vào sổ theo dõi. Những đoạn lò không đảm bảo tiết diện hoặc có các vì chống biến dạng phải được củng cố hoặc chống xén kịp thời.



Điều 67.

1. Việc chống xén các đường lò phải thực hiện theo hộ chiếu được Giám đốc mỏ phê duyệt.

2. Trong hộ chiếu phải đề cập đến các vấn đề sau đây:

a) Chuẩn bị vật liệu tối thiểu cần thiết cho một ca chống xén trước khi bắt đầu công việc và tập kết chúng ở gần vị trí chống xén;

b) Trang bị cho người lao động những dụng cụ cần thiết để kịp thời ngăn chặn sự cố đổ lò có thể xảy ra;

c) Từ vị trí chống xén phải tạo lối thoát an toàn ra ngoài mặt đất hoặc đường lò gần nhất;

d) Trước khi chống xén, phải củng cố đoạn lò trước và sau vị trí chống xén tối thiểu 5m;

đ) Khi sửa chữa hoặc chống xén các đường lò, phải xuất phát từ đoạn lò vững chắc, sau đó phát triển tới nơi xung yếu;

e) Khi chống xén những đoạn lò có nóc tụt đổ lớn, công việc xúc dọn đất đá và dựng lại vì chống phải tiến hành dưới sàn bảo hiểm và có những biện pháp an toàn đề phòng đất đá sập đổ trong quá trình chống xén;

g) Khi khôi phục những đoạn lò đổ kín, phải sử dụng chèn nhói nóc và dựng những vì chống tạm;

h) Bố trí những những người lao động có kinh nghiệm thực hiện công việc chống xén dưới sự giám sát của Phó quản đốc trực ca;

i) Khi khôi phục những đoạn lò đổ hoặc sửa chữa các đường lò cũ, phải đảm bảo thông gió nơi làm việc và thường xuyên kiểm tra thành phần không khí mỏ;

k) Xử lý những đoạn lò đổ bị rỗng nóc cao hơn 1m phải theo hộ chiếu được Giám đốc mỏ duyệt, trong đó đánh dấu vào bản đồ công tác mỏ nơi xảy ra tụt đổ và chỉ dẫn biện pháp xử lý.

Điều 68.

1. Việc chống xén mở rộng tiết diện hoặc thay những vì chống hỏng trong giếng đứng, giếng nghiêng (trên 18o) phải được thực hiện theo từng đoạn riêng. Trước khi tháo vì chống cũ, ở trên và dưới vì chống dự định tháo phải chống tăng cường bằng các vì chống tạm để tránh tụt lở.

2. Biện pháp chống tăng cường và trình tự triển khai công việc phải được quy định trong hộ chiếu do Giám đốc mỏ duyệt.

3. Khi sửa chữa những đường lò đào trong đất đá yếu (cát chảy, đất đá ngậm nước, nước ngầm nhiều), trong hộ chiếu phải quy định biện pháp bổ sung để đảm bảo an toàn.



Điều 69.

Phải kịp thời huỷ bỏ những đường lò không sử dụng. Trước khi huỷ bỏ, phải tháo các thiết bị, đường ray, đường ống, vì chống và các vật liệu khác theo đúng quy trình được Giám đốc mỏ duyệt. Các đường lò sau khi huỷ bỏ phải được xây tường bịt kín đảm bảo yêu cầu kỹ thuật theo quy định tại “Quy phạm an toàn trong các hầm lò than và diệp thạch ”.



Điều 70.

1. Khi huỷ bỏ các đường lò đào trong than hay than lẫn đá, cho phép khấu tận thu các trụ than bảo vệ các đường lò đó.

2. Việc khấu tận thu các trụ than bảo vệ đường lò huỷ bỏ phải được tính toán hợp lý và đảm bảo an toàn quy định trong hộ chiếu huỷ bỏ các đường lò được Giám đốc mỏ phê duyệt.

Chương V



CÁC HỆ THỐNG KHAI THÁC VÀ ĐIỀU KHIỂN ĐÁ VÁCH

Mục 1. QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 71.

1. Khai thác một khai trường hay một khu vực phải thực hiện theo thiết kế phù hợp được cơ quan quản lý có thẩm quyền phê duyệt và những quy định tại "Quy phạm an toàn trong các hầm lò than và diệp thạch ".

2. Nội dung chủ yếu của thiết kế gồm có:

a) Đặc điểm địa chất khu vực khai thác;

b) Phương pháp chuẩn bị khai thác;

c) Hệ thống khai thác và các thông số cơ bản;

d) Sơ đồ thông gió;

đ) Hộ chiếu chống lò và điều khiển đá vách;

e) Bảng liệt kê các trang thiết bị khấu than và đào lò chuẩn bị;

g) Sơ đồ bố trí thiết bị, sơ đồ vận tải, hệ thống cung cấp năng lượng, thông tin liên lạc và sơ đồ cấp thoát nước;

h) Hộ chiếu khoan nổ mìn;

i) Định mức tổn thất than;

k) Các biện pháp bảo đảm an toàn lao động, biện pháp thoát khí các vỉa than, biện pháp phòng chống cháy, nổ khí, chống bụi;

l) Biểu đồ tổ chức công tác khấu than, công tác chuẩn bị và các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật cơ bản;

m) Đánh giá tác động môi trường.

3. Thiết kế phải được duyệt theo trình tự quy định. Các cán bộ quản lý trực tiếp ở phân xưởng khai thác phải nắm được nội dung thiết kế, người lao động phải được giới thiệu hộ chiếu và các biện pháp an toàn.



Điều 72.

Khi thiết kế, phải xuất phát từ điều kiện địa chất mỏ của khoáng sàng (chiều dầy, góc dốc vỉa) để lựa chọn sơ đồ công nghệ khấu than phù hợp, hệ thống khai thác với các thông số chủ yếu, phương pháp điều khiển đá vách, đảm bảo hiệu quả kinh tế và an toàn trong quá trình khai thác với tỷ lệ tổn thất than nhỏ nhất.



Điều 73.

Các vỉa than được chia ra các nhóm sau đây:

1. Theo chiều dày vỉa

a) Vỉa rất mỏng: nhỏ hơn 0,70m;

b) Vỉa mỏng: từ 0,71m - 1,20m;

c) Vỉa trung bình: từ 1,21m - 3,50m;

d) Vỉa dày: lớn hơn 3,50m.

2. Theo góc dốc vỉa

a) Vỉa thoải: nhỏ hơn 150

b) Vỉa nghiêng: từ 150 đến 350

c) Vỉa dốc nghiêng: trên 350 đến 550

d) Vỉa dốc đứng: trên 550 đến 900



Điều 74.

1. Để đảm bảo sản xuất nhịp nhàng và ổn định, mỗi mỏ phải có các gương khấu than dự phòng giao trong kế hoạch khai thác.

2. Tuỳ theo điều kiện địa chất mỏ cụ thể, số lượng gương khấu dự phòng được quy định như sau:

a) Khai thác các vỉa trong điều kiện địa chất thuận lợi: số lượng gương khấu dự phòng phải chiếm từ 10 đến 20% số lượng gương hoạt động;

b) Khai thác các vỉa luôn biến động về điều kiện địa chất hoặc phụt than và khí bất ngờ: số lượng gương khấu dự phòng phải chiếm từ 20 đến 30% số lượng gương hoạt động.

Điều 75.

Chỉ cho phép đưa một khai trường hoặc một khu vực vào khai thác sau khi đã chuẩn bị theo đúng thiết kế (bao gồm khối lượng các đường lò chuẩn bị, các thiết bị khấu than,vận tải và đào lò, hệ thống thông gió và có đủ các trang thiết bị an toàn lao động).



Mục 2. HỆ THỐNG KHAI THÁC CÁC VỈA MỎNG VÀ TRUNG BÌNH

Điều 76.

Để khai thác các vỉa mỏng và trung bình, phần lớn áp dụng hệ thống khai thác chia cột dài. Đối với các vỉa có góc dốc nhỏ hơn 120, thông thường áp dụng hệ thống khai thác chia cột dài theo hướng dốc từ trên xuống hoặc từ dưới lên; đối với các vỉa dốc hơn, chia cột dài theo phương của vỉa.



Điều 77.

Đối với các vỉa dốc đứng, áp dụng hệ thống khai thác cột dài theo phương hoặc theo hướng dốc với công nghệ dàn chống cứng. Trường hợp chuẩn bị khai thác bằng lò dọc vỉa đá, hướng khai thác và vận chuyển than phải tiến về phía lò xuyên vỉa trung tâm.



Điều 78.

1. Khi áp dụng hệ thống khai thác cột dài cho vỉa mỏng không hiệu quả kinh tế, phải áp dụng hệ thống khai thác liền gương. Trường hợp vỉa rất mỏng, phải tính đến công nghệ khai thác không có người trong gương khấu.

2. Khi khai thác các vỉa mỏng và dốc đứng, áp dụng gương khấu hình chân khay, chiều dài theo hướng dốc của một chân khay từ 8-20m. Tuỳ theo góc dốc của vỉa, khoảng cách vượt trước giữa 2 chân khay liền kề từ 1,0 đến 3,6m. Khi tăng chiều dài của chân khay, cũng phải tăng khoảng cách vượt trước giữa 2 chân khay. Trường hợp đá vách và trụ của vỉa yếu, phải giảm khoảng cách vượt trước giữa 2 chân khay.

3. Đối với vỉa có góc dốc lớn hơn 500, đá vách trụ bền vững và thế nằm ổn định, áp dụng hệ thống khai thác cột dài theo phương khấu than theo hướng dốc và lưu than để có hiệu quả hơn.



Điều 79.

Chỉ cho phép áp dụng hệ thống khai thác gương lò ngắn để khai thác các khu vực vỉa than có kích thước hình học phức tạp, các trụ than bảo vệ hoặc các khu vực có kiến tạo phức tạp.



Mục 3. HỆ THỐNG KHAI THÁC CÁC VỈA DÀY

Điều 80.

Để khai thác các vỉa dày thoải và nghiêng, phải áp dụng:

1. Hệ thống khai thác cột dài theo phương hoặc theo độ dốc phù hợp với tính năng của thiết bị khai thác;

2. Hệ thống khai thác chia lớp nghiêng, khấu than từng lớp theo cột dài.



Điều 81.

Chiều cao lò chợ và chiều dầy phân lớp khi khai thác vỉa dày thoải và nghiêng được lựa chọn theo tính năng của cột chống.



Điều 82.

1. Trường hợp áp dụng hệ thống khai thác chia lớp nghiêng trong điều kiện đá vách sập đổ không có tính dính kết, khoảng cách vượt trước giữa các lớp nghiêng kề nhau được quy định như sau:

a) Khi mở lò chuẩn bị chung cho các lớp, khoảng cách vượt trước giữa gương lò chợ của lớp đầu tiên và lớp thứ hai từ 15 đến 35m, giữa lớp thứ hai và lớp thứ ba không nhỏ hơn 40m;

b) Khi mở lò chuẩn bị riêng cho từng lớp, lò chợ lớp trên phải vượt trước lò chợ lớp dưới một khoảng cách không nhỏ hơn 120m;

2. Trường hợp đá vách sập đổ có tính dính kết và nhanh lèn chặt, phải áp dụng trình tự khai thác nối tiếp giữa 2 lớp kề nhau và công tác chuẩn bị (đào lò) mỗi lớp được tiến hành riêng biệt. Thời gian bắt đầu khai thác lớp dưới phải chậm so với lớp trên ít nhất là 6 tháng.

Điều 83.

Khi khai thác các lớp trên, phải phá sập toàn bộ đá vách và không được để lại trụ than, vì chống gương lò chợ, cột chống luồng bảo vệ cũng như vì chống lò chuẩn bị ở trong khoảng rỗng đã khai thác.



Điều 84.

Trong điều kiện địa chất phức tạp, khi khai thác các vỉa dày thoải và nghiêng bằng hệ thống chia lớp nghiêng hạ trần thu hồi than lớp giữa qua lò chợ lớp trụ, phải có các biện pháp phòng ngừa tính tự cháy của than.



Điều 85.

Để khai thác các vỉa dày dốc đứng và điều khiển đá vách bằng phương pháp phá hoả toàn phần, cho phép áp dụng các hệ thống khai thác sau đây:

1. Hệ thống chia cột dài với công nghệ dàn chống;

2. Hệ thống chia lớp nghiêng phá sập phân tầng dưới dàn dẻo;

3. Hệ thống khai thác ngang-nghiêng;

4. Hệ thống khai thác chia lớp bằng.



Điều 86.

Hệ thống khai thác bằng dàn chống cứng, điều khiển đá vách bằng phá hoả toàn phần được áp dụng để khai thác các vỉa có chiều dày nhỏ hơn 8m, góc dốc lớn hơn 550 và thế nằm ổn định. Dàn chống cứng không phân mảng được áp dụng khi chiều dày vỉa từ 2,5 đến 5,0m và dàn chống cứng phân mảng khi chiều dày vỉa từ 4,5 đến 8m.



Điều 87.

1. Kích thước của dàn chống cứng phải nhỏ hơn chiều dày nhỏ nhất của vỉa từ 0,5 đến 1,0m.

2. Chỉ cho phép lắp đặt dàn sau khi đã chuẩn bị xong các thượng hoặc những lỗ khoan đường kính lớn để tháo than (mỗi cột dàn chống phải đào ít nhất 3 thượng tháo than).

3. Không cho phép đưa dàn chống cứng vào hoạt động khi chưa lắp xong mảng đầu tiên của dàn chống cứng tiếp theo (trừ trường hợp khấu than ở cột cuối cùng khu khai thác). Chiều rộng trụ than bảo vệ giữa các cột khai thác theo phương từ 2 đến 3m.



Điều 88.

Hệ thống khai thác chia lớp nghiêng phá sập lò phân tầng dưới dàn dẻo được áp dụng để khai thác vỉa có chiều dày lớn hơn 5m, góc dốc từ 250 đến 650 và thế nằm không ổn định.



Điều 89.

Trong hệ thống khai thác chia lớp nghiêng phá sập lò phân tầng dưới dàn dẻo, lớp trên và lớp ngang nghiêng lắp đặt dàn dẻo được khai thác bằng cột dài theo phương không để lại trụ bảo vệ. Lớp nghiêng dưới dàn dẻo được khai thác bằng phương pháp phá sập lò phân tầng.



Điều 90.

Hệ thống khai thác chia lớp bằng và hệ thống khai thác lò dọc vỉa phân tầng được áp dụng để khai thác các trụ than bảo vệ hoặc các khu vực vỉa có kiến tạo phức tạp, nhưng phải theo thiết kế được cơ quan quản lý có thẩm quyền phê duyệt.



Điều 91.

Để khai thác vỉa dày dốc đứng, điều khiển đá vách bằng phương pháp chèn lò, áp dụng các hệ thống khai thác sau:

1. Chia lớp ngang-nghiêng theo hướng từ dưới lên, lò chợ chống bằng vì đơn chiếc khi chiều dày từ 3,5 đến 6,5m, góc dốc lớn hơn 550;

2. Chia lớp nghiêng khấu bằng cột dài theo phương và theo hướng dốc từ dưới lên, sử dụng dàn tự hành khi chiều dày vỉa lớn hơn 3,5m, góc dốc lớn hơn 350;

3. Chia lớp bằng khấu theo hướng dốc từ dưới lên, sử dụng dàn tự hành khi chiều dày vỉa lớn hơn 12m, góc dốc lớn hơn 500;

4. Chia lớp nghiêng khấu bằng cột dài theo phương hoặc khấu bằng các dải theo phương hướng từ trên xuống khi vỉa bị phay phá, than mềm yếu cũng như nguy hiểm về "cú đấm mỏ" hoặc phụt than và khí bất ngờ.



Mục 4. CHỐNG GIỮ LÒ CHỢ

Điều 92.

Khi khai thác vỉa thoải và nghiêng, thông thường chống giữ lò chợ dài bằng cột chống đơn chiếc hoặc dàn tự hành.



Điều 93.

1. Để chống giữ các lò chợ khi khai thác các vỉa thoải và nghiêng phải chọn các vì chống có lực chịu tải làm việc đảm bảo ít nhất:

a) 20T/m2 khi chiều dày vỉa nhỏ hơn 1m, 30T/m2 khi chiều dày vỉa từ 1 đến 2m và 40T/m2 khi chiều dày vỉa lớn hơn 2m;

b) Trường hợp đá vách khó sập đổ: không nhỏ hơn 60T/m2 khi chiều dày vỉa nhỏ hơn 1m, 100T/m2 khi chiều dày vỉa từ 1 đến 2m và 130T/m2 khi chiều dày vỉa lớn hơn 2m;

2. Việc lựa chọn các loại cột chống ở luồng gương và luồng bảo vệ phải theo các tài liệu hướng dẫn sử dụng các loại cột chống đó phụ thuộc áp lực mỏ của đất đá xung quanh.

Điều 94.

1. Nghiêm cấm sử dụng lẫn cột kim loại và cột gỗ trong cùng một gương lò chợ hoặc đồng thời sử dụng những cột kim loại có đặc tính kỹ thuật khác nhau.

2. Trong lò chợ chống cột kim loại đơn, cho phép dùng xà gỗ để chống ở đầu và chân lò chợ hoặc để xử lý tình huống nhưng phải được đề cập trong thiết kế được cơ quan quản lý có thẩm quyền phê duyệt.

Mục 5. ĐIỀU KHIỂN ĐÁ VÁCH

Điều 95.

Cho phép áp dụng phương pháp điều khiển đá vách bằng phá hoả toàn phần trong mọi điều kiện địa chất mỏ, trừ trường hợp phải chèn lò toàn phần và trường hợp vách vỉa than có xu hướng hạ từ từ.



Điều 96.

Khi khai thác các vỉa than có đá vách khó sập đổ, phải thực hiện các biện pháp bổ sung để loại trừ hiện tượng đá vách cơ bản sập đổ bất ngờ, như:

1. Phương pháp nổ mìn trong lỗ khoan phía trước gương lò chợ;

2. Dùng nước có áp lực cao để làm yếu đá vách;

3. Chèn lò khoảng không đã khai thác.

Điều 97.

Khi điều khiển đá vách bằng phương pháp phá sập toàn bộ đá vách, tuỳ theo tính chất cơ lý của đá vách có thể áp dụng các hình thức chống giữ luồng bảo vệ sau đây: xếp cũi lợn bằng gỗ hay kim loại, chống cụm cột kim loại hoặc cột kim loại chuyên dùng.



Điều 98.

1. Quản đốc hoặc người được Quản đốc uỷ quyền phải chỉ huy trực tiếp công việc phá sập đá vách, bao gồm việc tháo dỡ cột và làm cho vách sập đổ sau khi tháo cột.

2. Trình tự phá sập đá vách, cũng như thực hiện các công việc an toàn khác được xác định cụ thể theo hộ chiếu khai thác lò chợ và không trái với quy định tại "Quy phạm an toàn trong các hầm lò than và diệp thạch ".

Điều 99.

1. Cho phép áp dụng phương pháp điều khiển đá vách chèn lò từng phần để khai thác vỉa mỏng thoải và nghiêng trong điều kiện sau đây:

a) Vách trực tiếp là những lớp đất đá mỏng, dễ sập đổ;

b) Vách cơ bản là những lớp đất đá dày, khó sập đổ;

c) Vỉa có lớp vách giả, trụ vỉa yếu hoặc vỉa có nhiều lớp đá kẹp cần phải để lại trong khoảng không khai thác.

2. Số lượng và chiều rộng các dải đá chèn phải đảm bảo cho vách cơ bản không đổ xuống. Không được dùng vật liệu có tính tự cháy để xếp các dải đá chèn.



Điều 100.

Cho phép áp dụng phương pháp điều khiển đá vách hạ từ từ khi đá vách có xu hướng uốn võng mà không bị gãy trong không gian đã khai thác. Trường hợp này, để chống giữ luồng bảo vệ phải sử dụng cũi lợn sắt. Đối với vỉa dốc đứng, việc di chuyển cũi lợn sắt phải theo hướng từ dưới lên. Trước khi di chuyển cũi lợn sắt, ở phía trên và ở phía dưới chỗ làm việc phải đặt ván chắn bảo vệ.



Điều 101.

Phải áp dụng phương pháp điều khiển đá vách bằng chèn lò toàn phần trong những trường hợp sau:

1. Để bảo vệ các công trình kiến trúc và hồ chứa nước trên mặt địa hình.

2. Khi khai thác vỉa dốc đứng có đá vách, đá trụ yếu, dễ trượt lở hoặc đất đá vách và trụ yếu;

3. Khi khai thác dưới các vùng cháy hoặc có nguy cơ bục bùn sét;

4. Khi khai thác các vỉa dày dốc đứng, than có tính tự cháy.



Điều 102.

Có thể sử dụng các vật liệu sau đây để chèn lò: cát, đá nghiền, đá thải nhà máy tuyển. Vật liệu chèn phải đáp ứng yêu cầu được phê duyệt quy định đối với từng khu mỏ và không có tính tự cháy.



Điều 103.

Mỏ phải có bãi trung chuyển chứa vật liệu chèn với khối lượng không ít hơn yêu cầu trong một ngày-đêm. Phải bố trí bãi chứa vật liệu chèn ở gần giếng hay lỗ khoan chuyển vật liệu chèn vào lò.


Chương VI


CƠ GIỚI HOÁ KHẤU THAN

Điều 104.

Phụ thuộc vào điều kiện địa chất mỏ, các thiết bị cơ giới hoá và tự động hoá được áp dụng phải theo thiết kế được cơ quan quản lý có thẩm quyền phê duyệt.



Điều 105.

Khi sử dụng các thiết bị cơ giới hoá và tự động hoá phải có các tài liệu sau:

1. Hồ sơ thiết bị bao gồm cả các biên bản giao nhận;

2. Quyết định cho phép sử dụng của cơ quan quản lý có thẩm quyền;

3. Bản vẽ chung tổ hợp cơ giới hoá đồng bộ và từng cụm máy kèm theo bản liệt kê toàn bộ các chi tiết;

4. Quy trình vận hành, bảo quản, vận chuyển, lắp ráp và tháo dỡ tổ hợp cơ giới hoá;

5. Tài liệu định mức, trong đó có định mức tiêu hao các phụ tùng thay thế.

Điều 106.

Phụ trách cơ điện mỏ phải kiểm tra nội dung bản liệt kê toàn bộ các chi tiết máy cùng các thiết bị phụ kèm theo và lập biên bản giao nhận trước khi đưa chúng vào làm việc.



Điều 107.

1. Trước khi đưa vào mỏ, toàn bộ các thiết bị cơ giới hoá và tự động hoá cùng các thiết bị phụ kèm theo phải được kiểm tra lắp ráp chạy thử ngoài mặt bằng.

2. Đội vận hành các thiết bị cơ giới hoá đồng bộ phải được đào tạo đạt yêu cầu qua lớp huấn luyện chuyên môn. Ngoài ra, đội này phải được thực tập vận hành ở các mỏ khác có các thiết bị cơ giới hoá và tự động hoá tương tự.

3. Trước khi đưa vào lò, các cụm máy và thiết bị lắp ráp ngoài mặt bằng phải được kiểm định phòng nổ, các thiết bị thuỷ lực và hệ thống dẫn phải đảm bảo độ kín khít không rò rỉ.



Điều 108.

1. Khu khai thác được trang bị các thiết bị cơ giới hoá và tự động hoá phải có dự trữ đủ các phụ tùng, dụng cụ sau:

a) Những phụ tùng thay thế các bộ phận và chi tiết nhanh bào mòn;

b) Những dụng cụ và phương tiện cần thiết khác theo bản liệt kê do Phụ trách cơ điện mỏ lập.

2. Những phụ tùng thay thế phải được bảo quản trong hòm để ở kho khu khai thác. Ngoài ra, các thiết bị điện phải được bảo đảm độ cách điện trong giới hạn định mức cho phép và khi cần thiết có thể sấy khô trước khi sử dụng.

Điều 109.

1. Nội dung thiết kế chuẩn bị và khai thác khai trường áp dụng cơ giới hoá đồng bộ hoặc tổ hợp cơ giới phải thực hiện theo quy định tại Điều 71 của Quy phạm này.

2. Ngoài việc thực hiện theo quy định của khoản 1 Điều này, nội dung thiết kế phải bổ sung các tài liệu sau:

a) Đánh giá sự phù hợp về đặc tính kỹ thuật cũng như khả năng sử dụng hiệu quả các thiết bị cơ giới hoá theo các điều kiện địa chất, kỹ thuật mỏ;

b) Hướng dẫn riêng về tháo, lắp cho điều kiện cụ thể nơi áp dụng;

c) Lịch bảo dưỡng, sửa chữa và thay thế dự phòng định kỳ các thiết bị lò chợ trong thời gian khai thác một cột than.



Điều 110.

Để áp dụng cơ giới đồng bộ có hiệu quả, hình dạng, kích thước tiết diện, vị trí cũng như vì chống các đường lò chuẩn bị được lựa chọn phải đảm bảo giảm khối lượng công việc ở ngã ba giao nhau với lò chợ.



Điều 111.

1. Phải đưa vào sử dụng các thiết bị cơ giới hoá đồng bộ sau khi chúng được chuyển đến mỏ.

2. Trước khi đưa vào lò, tất cả các chi tiết của tổ hợp cơ giới phải được kiểm tra kỹ và hiệu chỉnh toàn bộ.

Điều 112.

Chiều dài cột khấu, chiều dài và sản lượng lò chợ cơ giới hoá phải phù hợp với thiết kế được cơ quan quản lý có thẩm quyền phê duyệt.



Điều 113.

Khi xác định chế độ làm việc trong một ngày-đêm của lò chợ cơ giới, phải bố trí một ca chuẩn bị sửa chữa (không ít hơn 6 giờ) để thực hiện công việc sửa chữa thường xuyên và bảo dưỡng kỹ thuật.



Điều 114.

Các bộ phận của combai, động cơ điện và các bộ phận thuộc hệ thống thuỷ lực của dàn chống tự hành sau khi sửa chữa và thử nghiệm ở nhà máy phải được kiểm định khả năng làm việc của các bộ phận đó.



Điều 115.

Khi lựa chọn kiểu máy khấu, ngoài việc đảm bảo điều kiện áp dụng cần chú ý tới chất lượng của than khai thác.



Điều 116.

Đối với các vỉa dốc nghiêng và dốc đứng, khi khấu than và hạ combai phải thực hiện các yêu cầu sau:

1. Trước khi bắt đầu khấu, đoạn lò chợ sau combai ở đầu và chân lò chợ phải được củng cố toàn bộ.

2. Ở các vỉa nguy hiểm về phụt than và khí bất ngờ, không cho phép người có mặt trong vùng hoạt động của combai và việc điều khiển combai phải được thực hiện từ trạm đặt ở lò thông gió.



Điều 117.

Để sử dụng các máy bào than đạt hiệu quả cao, phải thực hiện các quy định sau đây:

1. Sử dụng các cột chống thuỷ lực đơn và xà kim loại khớp mềm chiều dài từ 1 đến 1,25m (cho phép sử dụng cột chống ma sát có tải trọng không đổi khi khai thác các vỉa có chiều dầy nhỏ hơn 0,8m);

2. Chiều dài gương khấu không được nhỏ hơn 150m;

3. Đảm bảo gương lò chợ thẳng;

4. Phụ thuộc vào điều kiện địa chất mỏ (độ nứt nẻ, độ ngậm nước, độ thoát khí), bố trí tuyến gương lò chợ theo phương hoặc theo độ dốc của vỉa.



Điều 118.

Trong lò chợ khấu bằng máy bào, khi kết thúc ca khấu than (trước ca chuẩn bị sửa chữa) phải dựng xong vì chống đảm bảo chiều rộng tối thiểu khoảng không gian cận gương.



Điều 119.

Máy bào than phải ngừng làm việc trong các trường hợp sau:



  1. Gương lò bị cong hơn 1,5m trên 100m chiều dài lò chợ;

  2. Hỏng khoá ngắt cuối và các phương tiện tự động khác;

  3. Hỏng các bộ phận tín hiệu;

  4. Hỏng các cơ cấu giữ thiết bị;

  5. Hỏng phương tiện chống bụi.

Điều 120.

1. Trạm bơm và thiết bị điện của lò chợ phải được bố trí trên các sàn riêng có thể dịch chuyển theo hướng tiến của gương lò chợ.


2. Cho phép bố trí các thiết bị trên trong các khám riêng hoặc tại vị trí mở rộng của lò vận tải được chống phù hợp với yêu cầu quy định tại "Quy phạm an toàn trong các hầm lò than và diệp thạch ".

Chương VII


KHAI THÁC THAN BẰNG PHƯƠNG PHÁP THUỶ LỰC

Điều 121.

Công tác mở vỉa và chuẩn bị khai thác bằng phương pháp thuỷ lực phải thực hiện theo những nguyên tắc cơ bản được quy định tại chương III của Quy phạm này.



Điều 122.

Khi áp dụng phương pháp khai thác bằng thuỷ lực, việc lựa chọn hệ thống khai thác bằng gương lò chợ dài hoặc ngắn phải dựa trên cơ sở thiết kế được cơ quan quản lý có thẩm quyền phê duyệt.



Điều 123.

1. Trong những mỏ khai thác bằng thuỷ lực, thông thường áp dụng máy khấu cơ thuỷ lực và máy đào lò hoặc combai có bộ phận phun nước và vận tải than bằng thuỷ lực. Đối với vỉa có chiều dày và góc dốc bất kỳ, độ kiên cố (f) của than nhỏ hơn 1,3 (theo thang chia của GS. Prôtôdiakinốp), than ít dính kết và nứt nẻ nhiều thì sử dụng súng bắn nước áp lực nhỏ hơn 120Kg/cm2 để phá than.

2. Những vỉa than cứng, ít nứt nẻ, áp lực luồng nước phun phá than phải lớn hơn 120KG/cm2.

Điều 124.

Súng bắn nước có áp lực lớn hơn 30KG/cm2 phải được trang bị hệ thống tự động điều khiển từ xa và có cơ cấu phòng ngừa súng bị ngập nước.



Điều 125.

Súng bắn nước, máy cơ thuỷ lực, bộ phận van chặn phải có văn bản xác nhận của nhà máy sản xuất. Chỉ được phép đưa các thiết bị trên vào mỏ sau khi tiến hành kiểm tra thử áp lực ở ngoài mặt bằng. Những đường ống cao áp, những chỗ nối và van chặn sau khi kiểm tra lắp ráp phải được thử áp lực.



Điều 126.

Vận tải than bằng thuỷ lực từ gương lò chuẩn bị và gương khấu trong phạm vi của một khai trường phải được thực hiện bằng tự chảy.



Điều 127.

1. Công tác vận tải trong các gương khấu và lò cắt có góc dốc đến 200 được thực hiện bằng tự chảy theo rãnh hoặc máng hở, còn trong những đường lò cơ bản theo máng kín. Khi góc dốc lớn hơn 200 vận chuyển than tự chảy phải theo đường ống.

2. Độ nghiêng của đường lò vận chuyển tự chảy phải được tính toán nhưng không nhỏ hơn 0,05.

Điều 128.

Trạm bơm cao áp khu vực phục vụ vận tải thuỷ lực phải được bố trí trong hầm riêng hoặc trong khám (nếu thời gian phục vụ của trạm dưới một năm). Trạm phải có hầm bơm than, hố tiếp nhận than-nước có dung tích hữu ích không nhỏ hơn năng suất của máy bơm than trong vòng 10 phút, hố chứa than-nước sự cố được trang bị phương tiện làm sạch bằng cơ giới hoặc tự làm sạch. Hoạt động của trạm khu vực phải được tự động hoá.



Điều 129.

Khi cần đập những khối than đá lớn, trạm bơm cao áp vận tải thuỷ lực phải được trang bị máy đập làm việc và dự phòng. Trước lối vào hố tiếp nhận phải đặt lưới chắn để ngăn dòng than-nước khi máy nghiền có sự cố và cho phép lấy ra những cỡ hạt than lớn. Lưới chắn được điều khiển tự động hoặc từ xa.



Điều 130.

1. Trong những đường lò chuẩn bị vận tải thuỷ lực tự chảy, để vận chuyển vật liệu và thiết bị phải áp dụng phương thức vận tải bằng mono-ray.

2. Cho phép áp dụng phương thức vận tải bằng đường ray hay không đường ray theo những đường lò chính (giếng nghiêng, sân ga) để chuyển những thiết bị nặng đến trạm bơm than cũng như đến trạm vận tải khu vực.

Điều 131.

1. Dung tích hố tiếp nhận than-nước của giếng trục tải không được nhỏ hơn 10% tổng công suất của các tổ máy làm việc trong một giờ.

2. Dung tích hố tiếp nhận sự cố phải phù hợp với quy định tại "Quy phạm an toàn trong các hầm lò than và diệp thạch ".

Điều 132.

Vận tải than thuỷ lực trên mặt đất theo hệ thống độc lập. Để xả bùn-nước, phải có bể chứa trang bị bộ phận làm sạch bằng cơ giới, đường ống dẫn phải đảm bảo khả năng tự chảy tháo cạn dọc theo toàn tuyến. Sử dụng nước kỹ thuật hoặc nước theo đường dẫn nước riêng để rửa sạch đường ống dẫn.



Điều 133.

Thông thường, cung cấp nước được thực hiện theo sơ đồ tuần hoàn khép kín. Việc làm sạch nước tuần hoàn phải được thực hiện sao cho hàm lượng những hạt cứng không quá 20g/lít. Nguồn nước ngầm trong mỏ được tính đến để bổ sung cho chu kỳ tuần hoàn.



Điều 134.

1. Trạm bơm nước vào mỏ phải có hệ thống điều khiển tự động từ Bộ phận điều hành chỉ huy sản xuất mỏ hoặc từ người điều phối tổ hợp thiết bị thuỷ lực.

2. Những đường ống dẫn nước ở trạm bơm phải được phân nhánh sao cho đảm bảo khả năng đấu nối mỗi máy bơm với bất kỳ đường ống dẫn nước vào.

Điều 135.

Trên tuyến đẩy của các máy bơm cao áp có công suất động cơ lớn hơn 1500kW phải có hệ thống dự phòng xả nước vào bể chứa để đảm bảo sự tuần hoàn nước cho máy bơm trong trường hợp bể nhận tạm ngừng hoạt động (không quá 10 phút). Trên đường ống đẩy của bơm pittông phải có van xả áp đề phòng khi áp lực làm việc tăng cao.



Điều 136.

Việc xử lý hiện tượng ống bị tắc qua lỗ thăm dò chỉ được tiến hành khi có mặt của kiểm tra viên trực ca.



Điều 137.

Cấm người điều khiển súng bắn nước và những người khác đi vào những gương lò đã khai thác chưa được chống giữ, trừ trường hợp phải vào để dựng vì chống.



Điều 138.

Phải khoá van nước trước khi xử lý sự cố, di chuyển đường ống và súng bắn nước cũng như tiến hành những công việc khác liên quan.


Chương VIII


KHAI THÁC CÁC VỈA THAN TRONG ĐIỀU KIỆN MỎ - ĐỊA CHẤT PHỨC TẠP

Mục 1. KHAI THÁC CÁC VỈA THAN

NGUY HIỂM VỀ PHỤT THAN (ĐÁ) VÀ KHÍ BẤT NGỜ

Điều 139.

Mở vỉa và chuẩn bị khai thác các vỉa than nguy hiểm về phụt than và khí bất ngờ phải theo thiết kế được cơ quan quản lý có thẩm quyền phê duyệt và phù hợp với quy định tại "Quy phạm an toàn trong các hầm lò than và diệp thạch ".



Điều 140.

Mức độ nguy hiểm về phụt than và khí bất ngờ được xác định trên cơ sở dự báo khu vực khi thăm dò địa chất khoáng sàng và dữ liệu được cập nhật trong quá trình khai thác.



Điều 141.

Các biện pháp cơ bản đảm bảo an toàn khi khai thác các vỉa than nguy hiểm về phụt than và khí bất ngờ là:

1. Khai thác trước các vỉa bảo vệ;

2. Áp dụng các biện pháp phòng ngừa như tháo khí hoặc làm ẩm vỉa than bằng cách bơm nước vào vỉa;

3. Áp dụng các hệ thống khai thác chia cột, hệ thống khai thác bằng dàn chống, máy bào, combai luồng hẹp;

4. Điều khiển đá vách bằng phá hoả toàn phần ở các vỉa thoải và chèn lò toàn phần ở các vỉa dốc đứng;

5. Đào lò chuẩn bị bằng combai;

6. Đưa nước áp lực vào vỉa qua các khe nứt tự nhiên hoặc qua các lỗ khoan tiến trước để làm yếu vỉa than;

7. Nổ mìn tạo hốc, tạo rạch để thoát khí;

8. Áp dụng các biện pháp và phương tiện bảo vệ người lao động như: điều khiển từ xa các cửa chắn, các hầm ẩn nấp, bình tự cứu, các đường ống phân nhánh dẫn khí nén, các lối thoát dự phòng, các phương tiện thông tin tín hiệu liên lạc và bổ sung nguồn gió sạch vào luồng thông gió.



Điều 142.

Áp dụng phương pháp khai thác tiến trước một tầng của vỉa bảo vệ để tránh hoàn toàn sự cố phụt than và khí bất ngờ. Khi đó, khai thác vỉa nguy hiểm phụt than và khí bất ngờ sẽ không cần các biện pháp phòng ngừa khác.



Mục 2. KHAI THÁC CÁC VỈA THAN NGUY HIỂM VỀ "CÚ ĐẤM MỎ"

Điều 143.

1. Khi khai thác các vỉa than nguy hiểm về "Cú đấm mỏ", ngoài việc thực hiện các quy định tại "Quy phạm an toàn trong các hầm lò than và diệp thạch", công tác khai thác vỉa nguy hiểm về "Cú đấm mỏ" phải được thực hiện ngoài vùng áp lực tựa của lò chợ vỉa bảo vệ.

2. Khoảng cách tiến trước của gương lò chợ vỉa bảo vệ so với gương lò chợ vỉa nguy hiểm không được nhỏ hơn 0,6 lần khoảng cách giữa 2 vỉa khi khai thác ở phía trên và không được nhỏ hơn khoảng cách giữa 2 vỉa khi khai thác ở phía dưới vỉa nguy hiểm.

Điều 144.

1. Những vỉa nguy hiểm đơn độc có chiều dày mỏng và trung bình, cũng như những lớp đầu của vỉa dầy nguy hiểm phải được khai thác bằng lò chợ dài không để lại trụ bảo vệ.

2. Khi khai thác lớp trên phải tính đến việc bảo vệ các lò dọc vỉa cho những lớp dưới.

3. Không cho phép khai thác các lớp cũng như các cánh của tầng và của khu vực theo kiểu đối hướng hoặc gương đuổi nhau. Chỉ được phép mở hai diện khai thác của một tầng khi các gương lò chợ tiến về hai phía.



Điều 145.

1. Gương lò chợ ở những vỉa nguy hiểm phải thẳng, điều khiển đá vách phải bằng phá hoả toàn phần.

2. Khấu than trong lò chợ bằng combai luồng hẹp hoặc máy bào than.

Mục 3. KHAI THÁC CÁC VỈA THAN DƯỚI CÁC CÔNG TRÌNH CHỨA NƯỚC

Điều 146.

1. Trong thiết kế mỏ mới hoặc cải tạo mỏ đang hoạt động phải bao gồm các biện pháp bảo vệ chống sự xâm nhập của nước mặt, nước ngầm cũng như nước tàng trữ trong các lò cũ. Các biện pháp bảo vệ phải được thực hiện ngay trong thời gian xây dựng và khai thác có tính đến sự phát triển của các mỏ lân cận.

2. Phụ thuộc vào điều kiện địa chất thủy văn của khoáng sàng, công tác phòng ngừa nước xâm nhập phải được tiến hành từ 1 đến 2 năm trước khi xây dựng mỏ. Trước khi đưa mỏ vào sản xuất và bắt đầu khấu than, ở khu vực khai thác, nước trong các lò cũ và tầng chứa nước nằm trên vỉa than phải được tháo khô đến mức độ an toàn, còn mức nước ở tầng chứa dưới trụ vỉa than phải được hạ thấp từ 2 đến 3m so với mức cao khai thác, trừ những khu vực trụ vỉa than có lớp đá cách nước.

Điều 147.

Căn cứ vào thiết kế, mỏ phải lập kế hoạch thoát nước hàng quý, hàng năm trình cơ quan quản lý có thẩm quyền phê duyệt.



Điều 148.

1. Khi lập biện pháp ngăn ngừa nước mặt, đặc biệt phải chú ý tới biện pháp ngăn ngừa nước chảy vào lò qua các vùng sụt lún do ảnh hưởng của khai thác.

2. Biện pháp phải đề cập đến các yêu cầu sau:

a) Lấp kín chỗ sụt lún, đổ bùn sét vào các khe nứt, đặt các máng hoặc ống dẫn nước qua chỗ sụt lún;

b) Ngăn chặn nước mưa, nước lũ chảy vào chỗ sụt lún bằng cách xây các đập chắn, tạo các mương rãnh thoát nước ở trên mặt địa hình;

c) Tiêu nước khỏi chỗ sụt lún ở những khu vực đất đá ngậm nước bằng cách khoan các lỗ khoan từ lò chuẩn bị;

d) Đào các hồ chứa nước lũ trên các đường nước chảy đến chỗ sụt lún và cho tiêu thoát ra thành các dòng chảy đều.

Điều 149.

Phụ thuộc vào cấu tạo địa chất và điều kiện địa chất thuỷ văn của khoáng sàng, để bảo vệ các đường lò và từng khu vực khai thác khỏi ảnh hưởng của nước ngầm phải áp dụng các quy định sau:

1. Các lỗ khoan trang bị bơm sâu để hạ mức nước;

2. Các lỗ khoan thu nước cho các tầng chứa nước;

3. Các giếng và các lỗ khoan hạ mức nước;

4. Các lỗ khoan tiến trước;

5. Các mương rãnh thoát nước.

Điều 150.

1. Cấu trúc các lỗ khoan hạ thấp mức nước và các lỗ khoan dẫn nước được xác định phụ thuộc vào số lượng tầng chứa nước, thành phần thạch học đá mỏ và lưu lượng dòng nước chảy vào lò thoát nước.

2. Để tăng cường lượng nước chảy vào các đường lò thoát nước, phải áp dụng các biện pháp làm sạch lỗ khoan.

Điều 151.

Hàng tháng bộ phận địa chất của mỏ phải tiến hành kiểm tra mức nước ngầm ở các giếng hạ thấp mức nước và các lỗ khoan quan sát. Vị trí và số lượng các lỗ khoan này được xác định theo thiết kế thoát nước của mỏ. Phân bố các lỗ khoan phải đảm bảo sao cho hàng quý có thể lập được bản đồ đồng mức nước cho mỗi tầng chứa nước.



Điều 152.

1. Giám đốc mỏ duyệt thiết kế sơ đồ bố trí các lỗ khoan thoát nước.

2. Khoảng cách giữa các lỗ khoan thoát nước được xác định trên cơ sở chiều dày của tầng chứa nước và chiều dày của lớp cách nước trên nóc lò nhưng không được lớn hơn từ 5 đến 10m khi chiều dày của lớp cách nước ở trên nóc lò nhỏ hơn 10m và không lớn hơn từ 30 đến 50m khi chiều dày của lớp cách nước trên nóc lò lớn hơn 10m. Trong các lỗ khoan vào đất đá không bền vững phải đặt ống chống thành lỗ khoan và trang bị phin lọc.

3. Trường hợp trụ vỉa than có tầng chứa nước áp thì phải khoan các lỗ khoan giảm áp.



Điều 153.

Hàng tháng bộ phận địa chất phải kiểm tra hiệu quả làm việc của các công trình thoát nước bằng cách đo áp lực, lưu lượng và nhiệt độ của nước. Tất cả các trạm thoát nước, hạ thấp mức nước cũng như các vị trí xuất hiện nước ở trong mỏ phải đưa vào bản đồ khai thác. Ít nhất một lần trong một năm, phải lấy mẫu nước ở tất cả các vị trí thoát nước và ở các lỗ khoan hạ thấp mức nước để phân tích về thành phần hoá học và khoáng vật.



Điều 154.

1. Khai thác các vỉa than dưới các vùng chứa nước phải theo thiết kế riêng được cơ quan quản lý có thẩm quyền phê duyệt. Trường hợp nước chảy vào mỏ có lưu lượng lớn, khai thác các vỉa than này phải tính đến điều kiện an toàn và hiệu quả kinh tế.

2. Khi xuất hiện vùng chứa nước mới phía trên các vỉa đã khai thác hoặc trên khai trường mỏ liên quan đến các đường lò đang hoạt động, phải có các biện pháp chống khả năng tích tụ nước trong các lò cũ của mức đã khai thác bằng cách tạo dòng nước tự chảy tới các công trình thoát nước hoặc xây các đập chắn trong các lò nối.

Điều 155.

Tập trung thực hiện công tác khai thác than dưới các vùng chứa nước vào mùa khô (nếu có thể). Trước khi bắt đầu khai thác dưới các vùng chứa nước, phải chuẩn bị xong các công trình thoát nước dự kiến.



Điều 156.

Khi thiết kế khai thác dưới vùng chứa nước, ngoài các nội dung quy định tại Điều 71của quy phạm này, phải có thêm các tài liệu sau:

1. Bản thuyết minh, trong đó nêu rõ:

a) Đặc điểm về kiến tạo, cấu tạo địa chất, địa chất thuỷ văn và những đặc điểm của đất đá trong khu vực các lò ngập nước;

b) Đặc điểm về vị trí, kích thước các lò ngập nước, khối lượng và áp lực nước trong các lò đó, độ tin cậy xác định đường biên các lò ngập nước, các tài liệu về các lò khai thác và lò thăm dò trong khu vực có khả năng bục nước;

c) Các biện pháp khai thác và thăm dò dự định tiến hành trong ranh giới khu vực nước có thể xuất hiện kèm theo những phần tính toán của các biện pháp đó.

2. Bản sao tài liệu bản đồ trắc địa và địa chất đã bổ sung thêm những trụ bảo vệ và những trụ chắn dự kiến, ranh giới khai thác an toàn, các lò khai thác và lò thăm dò dùng để thoát nước, những khu vực dự định khai thác ở gần và trong ranh giới khu vực có khả năng bục nước.

3. Những biên bản điều tra hay bản ghi ý kiến của những người trước đây đã tham gia khai thác trong các lò ngập nước (nếu có những tài liệu đó).



Điều 157.

1. Trước khi lập thiết kế, Trưởng phòng địa chất phải kiểm tra mức độ đầy đủ và độ chính xác thể hiện trên bản đồ các yếu tố sau: đường biên các lò ngập nước, miệng các giếng mỏ chính và phụ, các lỗ khoan, những chỗ bị sụt lở và những bãi thải đất đá trên mặt đất.

2. Địa chất trưởng của mỏ phải kiểm tra mức độ chính xác các vị trí tương quan giữa đường lò đang sử dụng và lò ngập nước, độ chính xác tính toán và thiết kế ranh giới khai thác an toàn, ranh giới các trụ chắn và các trụ bảo vệ.

Điều 158.

1. Chiều rộng trụ chắn ở các vỉa có chiều dầy nhỏ hơn 3,5m, góc dốc dưới 300 được xác định theo công thức:



d = 5m + 0,05 H + 0,002 L

Trong đó:



d - chiều rộng trụ chắn, m

m - chiều dày khấu của vỉa, m

H - khoảng cách thẳng đứng từ mặt đất đến trụ chắn, m

L - Tổng chiều dài các bước kinh vĩ xác định đường biên lò ngập nước và ranh giới trụ chắn (tính từ điểm trắc địa đầu tiên), m

2. Chiều rộng trụ chắn tính toán không được nhỏ hơn 20m. Không phải để lại các trụ chắn khi vỉa có chiều dầy lớn hơn 3,5m và góc dốc lớn hơn 300, còn việc thoát nước thực hiện theo quy định tại "Quy phạm an toàn trong các hầm lò than và diệp thạch".



Điều 159.

Ranh giới khai thác an toàn phải cách đường biên các lò ngập nước một khoảng cách lớn hơn chiều rộng của trụ chắn tính theo điều kiện địa chất mỏ đã cho. Khoảng cách này được xác định trong từng trường hợp cụ thể phụ thuộc vào độ chính xác về đường biên các lò ngập nước trên bản đồ.



Điều 160.

1. Thi công các trụ bảo vệ phía dưới và phía trên những lò ngập nước tương tự như các trụ bảo vệ dưới những công trình chứa nước trên mặt đất theo quy phạm bảo vệ các công trình nhân tạo và thiên nhiên khỏi ảnh hưởng của khai thác hầm lò. Trong trường hợp này, phạm vi cần bảo vệ bao gồm những lò ngập nước và trụ chắn hoặc khu vực vỉa phía trước giới hạn khai thác an toàn.

2. Ở các vỉa nằm trên các lò ngập nước, mức nước trong lò ngập nước là ranh giới trụ bảo vệ theo chiều dốc lên của vỉa.

Điều 161.

Thiết kế các trụ chắn giữa các mỏ như các trụ chắn ở các lò ngập nước. Trường hợp này L là tổng chiều dài lưới trắc địa tính từ giếng mỏ đến trụ chắn.



Điều 162.

1. Đơn vị khoan phải thể hiện trên bản đồ địa hình và trong bảng thống kê toạ độ vị trí miệng và đáy các lỗ khoan, vị trí các lỗ khoan cắt qua vỉa than và gặp các đường lò. Mỏ phải lưu trữ một bộ báo cáo địa chất và có trách nhiệm thông báo cho các mỏ khác những thông tin thăm dò địa chất có liên quan đến các mỏ đó.

2. Không cho phép tiếp nhận các báo cáo địa chất thiếu bảng thống kế toạ độ các đối tượng nói trên, cũng như không có bản sao biên bản lấp lỗ khoan.

Điều 163.

1. Dưới những lỗ khoan không lấp hoặc lấp không tốt phải để lại trụ chắn hình tròn. Các vỉa than có lỗ khoan xuyên qua, tâm trụ chắn hình tròn là vị trí lỗ khoan, những trường hợp khác tâm trụ chắn hình tròn là giao điểm của đường vuông góc tính từ đáy lỗ khoan đến vỉa.

2. Bán kính hình tròn lấy bằng chiều rộng của trụ chắn tính theo công thức xác định tại Điều 158 Quy phạm này.

3. Khi không có những số liệu về độ cong lỗ khoan, tâm của trụ chắn là miệng lỗ khoan, còn bán kính hình tròn ở đất đá thoải và nghiêng lấy tăng lên một trị số (từ 0,08 đến 0,14) H, trong đó H là chiều sâu thẳng đứng từ miệng lỗ khoan đến vỉa.



Điều 164.

Chỉ cho phép tiến hành khai thác trong phạm vi các trụ chắn theo thiết kế lập trên cơ sở các tài liệu địa chất, trắc địa đã được cơ quan quản lý có thẩm quyền phê duyệt. Bản thiết kế phải bao gồm:

1. Thuyết minh, trong đó phải nêu rõ:

a) Đặc điểm về kiến tạo, cấu tạo địa chất, địa chất thuỷ văn và những đặc điểm của đất đá trong khu vực lỗ khoan;

b) Đặc điểm về đường kính và chiều sâu lỗ khoan, đất đá và những lò ngập nước có lỗ khoan xuyên qua;

c) Mô tả vị trí lỗ khoan xuyên qua vỉa than;

d) Tính toán các trụ chắn;

đ) Tính toán dòng nước dự kiến chảy từ lỗ khoan;

e) Đặc điểm về khả năng thoát nước của các mương rãnh theo các đường lò đến những hồ chứa nước và công suất thoát nước mỏ;

g) Những biện pháp đảm bảo an toàn khi mở lỗ khoan.

2. Bản sao các bản đồ trắc địa, địa chất đã cập nhật thêm các trụ chắn và những biện pháp khi mở lỗ khoan, mặt cắt dọc lỗ khoan thể hiện ống chống, nút lỗ khoan.

Điều 165.

Khai thác ở các khu vực nguy hiểm về bục bùn sét phải theo đúng thiết kế phù hợp yêu cầu quy định tại "Quy phạm an toàn trong các hầm lò than và diệp thạch".



Điều 166.

Trên bản đồ thủ tiêu sự cố cũng như trong thiết kế phải dự kiến trước những lối thoát cho người khi bục bùn sét đột ngột. Những lối thoát phải được chiếu sáng, dễ đi lại, trên thành lò ở chiều cao từ 1 đến 1,5m phải treo cáp hoặc tay vịn.



Mục 4. KHAI THÁC CÁC VỈA THAN GẦN NHAU

Điều 167.

1. Các vỉa than được coi là gần nhau khi khai thác vỉa này sẽ gây phức tạp thêm cho vỉa kia.

2. Trình tự khai thác các vỉa gần nhau phải tiến hành theo hướng từ trên xuống.

Điều 168.

Trình tự và phương pháp khai thác các vỉa gần nhau phải đảm bảo những điều kiện sau:

1. Không làm xuất hiện "Cú đấm mỏ", phụt than và khí bất ngờ;

2. Thoát khí sơ bộ bằng cách khai thác vỉa trên hoặc vỉa dưới trước;

3. Bố trí đường lò trong vùng dỡ tải áp lực để tạo điều kiện thuận lợi cho việc chống giữ;

4. Chuẩn bị từng nhóm vỉa để giảm bớt chiều dài đường lò chuẩn bị phải bảo vệ;

5. Cải thiện điều kiện điều khiển áp lực mỏ trong lò chợ.

Điều 169.

1. Trường hợp điều khiển đá vách bằng phương pháp phá hoả toàn phần để khai thác vỉa mỏng và trung bình, cho phép khai thác vỉa dưới trước với điều kiện khoảng cách nhỏ nhất giữa hai vỉa lớn hơn 6 lần chiều dày của vỉa dưới.

2. Trường hợp áp dụng phương pháp chèn lò, vỉa dưới chỉ được khai thác trước với điều kiện khoảng cách nhỏ nhất giữa hai vỉa lớn hơn 3 lần chiều dày của vỉa dưới.

Điều 170.

1. Trường hợp khai thác vỉa dưới trước, các đường lò chuẩn bị thuộc vỉa trên phải cách gương khấu của vỉa dưới một khoảng cách không nhỏ hơn khoảng cách giữa hai vỉa cộng với hai lần trị số bước phá hoả đá vách cơ bản của vỉa dưới.

2. Các đường lò chuẩn bị thuộc vỉa dưới khi khai thác vỉa trên trước hoặc thuộc vỉa trên khi khai thác vỉa dưới trước đều phải bố trí trong vùng áp lực dỡ tải dưới hoặc trên khoảng không đã khai thác.

Điều 171.

1. Để giảm mức độ biến dạng đường lò thuộc vỉa dưới (vỉa trên khai thác trước) hoặc vỉa trên (vỉa dưới khai thác trước), không được để lại trụ than bảo vệ trong khoảng không đã khai thác và cũng không đào lò chuẩn bị ở dưới hoặc trên các trụ than đó.

2. Trường hợp cần thiết, phải bố trí đường lò chuẩn bị ở trên hoặc dưới trụ than thì các đường lò đó phải đào ở ngoài vùng áp lực tựa.

Điều 172.

1. Trong mọi trường hợp, gương khấu than của vỉa dưới (vỉa trên khai thác trước) hoặc vỉa trên (vỉa dưới khai thác trước) phải được bố trí ngoài vùng áp lực tựa do khấu than thuộc vỉa khai thác trước gây ra.

2. Lò chợ của vỉa khai thác sau chỉ được bắt đầu khi đá vách cơ bản của vỉa khai thác trước đã sập đổ.

Chương IX


CÔNG TÁC KHOAN NỔ


Каталог: data -> documents
documents -> Số: /2010/NĐ-cp cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
documents -> BỘ KẾ hoạch và ĐẦu tư Số: 10/2015/tt-bkhđt cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
documents -> Ủy ban nhân dân tỉnh phú YÊn cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
documents -> Ủy ban nhân dân tỉnh phú YÊn cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
documents -> BỘ CÔng thưƠng giao thông vận tải tài chính cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
documents -> BỘ KẾ hoạch và ĐẦu tư
documents -> Căn cứ Luật Thương mại ngày 14 tháng 6 năm 2005
documents -> BỘ CÔng nghiệp số: 47/2006/QĐ-bcn
documents -> BỘ CÔng nghiệp số: 35/2006/QĐ-bcn
documents -> THÔng tư Quy định thực hiện một số nội dung của Quy chế quản lý cụm công nghiệp ban hành kèm theo Quyết định số 105/2009/QĐ-ttg ngày 19 tháng 8 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ

tải về 1.15 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương