Apostolicam actuositatem


CÁC LÃNH VỰC HOẠT ĐỘNG TÔNG ĐỒ



tải về 226.16 Kb.
trang2/4
Chuyển đổi dữ liệu14.08.2016
Kích226.16 Kb.
#19781
1   2   3   4

CÁC LÃNH VỰC HOẠT ĐỘNG TÔNG ĐỒ

9. Người giáo dân thực thi hoạt động tông đồ đa dạng của mình trong Giáo Hội cũng như giữa đời. Nhiều lãnh vực hoạt động tông đồ mở ra trong cả hai môi trường, trong số đó, chúng tôi muốn nhắc tới những lãnh vực chính yếu hơn cả, là các cộng đoàn Giáo Hội, gia đình, giới trẻ, môi trường xã hội, các tổ chức quốc gia và quốc tế. Vì phụ nữ ngày nay càng lúc càng dự phần tích cực hơn vào toàn bộ cuộc sống của xã hội, nên việc họ tham gia nhiều hơn vào các lãnh vực hoạt động tông đồ khác nhau của Giáo Hội cũng là điều hết sức quan trọng.

10. Giáo dân có phần tích cực của họ trong đời sống và hoạt động của Giáo Hội do tham dự vào chức năng của Chúa Kitô là Tư tế, Ngôn sứ và Vương đế. Trong các cộng đoàn Giáo Hội, hoạt động của họ thật cần thiết đến nỗi nếu không có hoạt động đó, chính hoạt động tông đồ của các vị chủ chăn thường không thể đạt được đầy đủ kết quả. Theo gương của những anh chị em tín hữu đã giúp thánh Phaolô trong việc rao giảng Tin Mừng (x. Cv 18,18-26; Rm 16,3), những giáo dân có tinh thần tông đồ đích thực cũng đang trợ giúp các anh em gặp cảnh túng thiếu và nâng đỡ tinh thần các chủ chăn cũng như các tín hữu khác (x. 1 Cr 16,17-18). Được nuôi dưỡng nhờ tham dự tích cực vào đời sống phụng vụ của cộng đoàn, họ nhiệt thành góp phần vào các công cuộc tông đồ của cộng đoàn: dẫn đưa những người đang xa lạc trở về với Giáo Hội; cộng tác đắc lực vào việc rao truyền lời Chúa, đặc biệt qua việc dạy giáo lý; đem hết khả năng giúp cho việc coi sóc các linh hồn và cả việc quản trị tài sản của Giáo Hội được hữu hiệu hơn.

Giáo xứ là một mô hình tông đồ cộng đồng đáng lưu ý, vì ở đó tất cả những gì là khác biệt về phương diện con người đều được liên kết nên một và được tiếp nhận trong tính cách đại đồng của Giáo Hội17. Giáo dân nên thường xuyên liên kết chặt chẽ với các linh mục của mình để hoạt động trong giáo xứ18; trình bày với cộng đoàn Giáo Hội những vấn đề riêng của mình hay của thế giới hoặc những vấn đề liên quan tới phần rỗi mọi người để cùng nhau góp ý, nghiên cứu và giải quyết; đồng thời cũng phải hỗ trợ tùy khả năng cho mọi công cuộc tông đồ và truyền giáo của gia đình Giáo Hội địa phương.

Giáo dân phải luôn nuôi dưỡng cảm thức về giáo phận, trong đó giáo xứ như là một tế bào. Họ phải luôn mau mắn đáp lại tiếng gọi của vị Chủ Chăn và tùy sức tham gia những kế hoạch chung của giáo phận. Hơn nữa, để đáp ứng những nhu cầu nơi thành thị cũng như ở thôn quê19, họ không được đóng khung sự cộng tác của mình trong giới hạn giáo xứ hay giáo phận nhưng phải cố gắng mở rộng tới phạm vi liên xứ, liên giáo phận, quốc gia hay quốc tế. Hơn nữa, việc di dân mỗi ngày một nhiều, những mối tương giao gia tăng, và việc giao thông dễ dàng đã không để một thành phần xã hội nào sống đóng kín cho riêng mình. Vì thế người giáo dân phải quan tâm đến những nhu cầu của dân Thiên Chúa ở khắp nơi trên địa cầu. Đặc biệt họ phải coi những công cuộc truyền giáo là việc của chính mình để đóng góp vào đó cả về vật chất lẫn nhân sự. Vì nhiệm vụ và vinh dự của người Kitô hữu là dâng lại cho Thiên Chúa một phần của cải mà họ đã nhận được từ nơi Ngài.

11. Vì Đấng Tạo Hóa đã đặt cộng đồng hôn nhân làm nguồn gốc và nền tảng cho xã hội loài người và dùng ơn thánh nâng hôn nhân lên hàng bí tích cao cả trong Chúa Kitô và trong Giáo Hội (x. Ep 5,32), nên việc tông đồ của các đôi vợ chồng và các gia đình có tầm quan trọng đặc biệt đối với Giáo Hội cũng như đối với xã hội dân sự.

Vợ chồng Kitô hữu là những người cộng tác với ơn thánh và chứng nhân của đức tin đối với nhau, cũng như đối với con cái và các thành viên khác trong gia đình. Chính họ là những người đầu tiên phải thông truyền và giáo dục đức tin cho con cái; phải dùng lời nói và gương sáng huấn luyện con cái sống đời Kitô hữu và làm việc tông đồ, khôn ngoan giúp đỡ con cái trong việc lựa chọn ơn kêu gọi, và dành mọi chăm sóc để nuôi dưỡng ơn thiên triệu được phát hiện nơi con cái.

Một bổn phận vẫn luôn phải thực thi, nhưng ngày nay lại trở thành điều quan trọng nhất trong việc tông đồ của vợ chồng, đó là phải biểu lộ và chứng minh bằng đời sống tính cách bất khả phân ly và thánh thiện của dây hôn phối; phải mạnh mẽ khẳng định quyền lợi và nhiệm vụ dành cho bậc cha mẹ và những người bảo trợ trong việc giáo dục con cái theo Kitô giáo; phải bảo vệ phẩm giá và quyền tự trị hợp pháp của gia đình. Vì thế, chính họ cũng như các tín hữu khác, phải cộng tác với những người thiện chí để những quyền trên đây luôn được pháp luật bảo vệ; để những nhu cầu của gia đình liên quan tới vấn đề cư trú, giáo dục trẻ em, điều kiện làm việc, an ninh xã hội và thuế khóa phải được chính phủ quan tâm khi điều hành cộng đồng xã hội; và để đời sống chung của các gia đình di dân phải được hoàn toàn bảo đảm20.

Chính gia đình đã lãnh nhận từ Thiên Chúa sứ mệnh trở nên tế bào đầu tiên và sống động của xã hội. Gia đình sẽ chu toàn được sứ mệnh đó nếu biết sống đạo đức và cùng nhau dâng lời cầu nguyện lên Thiên Chúa để nên như một đền thờ của Giáo Hội tại gia; nếu toàn thể gia đình cùng tham dự các nghi lễ phụng vụ của Giáo Hội; và sau cùng, nếu gia đình tỏ ra hiếu khách và phát huy đức công bình cũng như những việc thiện khác để giúp những người anh em đang túng thiếu. Trong hoạt động tông đồ đa dạng của gia đình, cần phải kể đến những việc như nhận trẻ bị bỏ rơi làm con, ân cần tiếp đón khách lạ, cộng tác với học đường, khuyên bảo và nâng đỡ thanh thiếu niên, giúp những người đã đính hôn chuẩn bị cho việc hôn nhân của họ được tốt đẹp, giúp dạy giáo lý, hỗ trợ các cặp vợ chồng và các gia đình gặp khó khăn về vật chất hay tinh thần, cung cấp cho người già không chỉ những gì cần thiết, mà còn những tiện nghi chính đáng của tiến bộ kinh tế.

Ở mọi nơi và mọi lúc, nhất là trong những miền mà hạt giống Tin Mừng vừa được gieo vãi, hoặc trong những nơi Giáo Hội mới được thành lập hay đang gặp những trở ngại lớn lao, các gia đình Kitô hữu luôn là những chứng từ quí giá nhất cho Chúa Kitô đối với thế gian qua toàn bộ nếp sống gắn liền với Tin Mừng và nêu cao gương mẫu của hôn nhân Kitô giáo21.

Để dễ dàng đạt tới những mục đích tông đồ này, các gia đình nên qui tụ thành các hội đoàn22.



12. Trong xã hội ngày nay, giới trẻ thể hiện một sức mạnh rất quan trọng23. Các điều kiện sinh sống, những tập quán tinh thần và cả những tương quan của họ với gia đình đã thay đổi rất nhiều. Thường họ hội nhập rất nhanh vào hoàn cảnh mới về xã hội và kinh tế. Hơn nữa, vai trò xã hội cũng như chính trị của họ mỗi ngày một thêm quan trọng, nhưng họ lại không được chuẩn bị đầy đủ để đảm nhận những trọng trách mới này cách xứng hợp.

Việc đảm nhận thêm nhiều trách vụ trong xã hội đòi hỏi họ phải gia tăng hoạt động tông đồ, và chính bản tính tự nhiên của họ cũng sẵn sàng cho công việc đó. Nhờ trưởng thành trong ý thức về nhân vị và được thúc đẩy do sức sống hăng say và tính ham mê hoạt động, họ nhận lãnh trách nhiệm của mình và ước muốn góp phần vào đời sống xã hội và văn hóa. Nếu lòng nhiệt thành này được thấm nhuần tinh thần Chúa Kitô và được thúc đẩy bởi sự tuân phục và yêu mến các vị chủ chăn của Giáo Hội, thì có thể hy vọng họ gặt hái được những thành quả phong phú dồi dào. Người trẻ phải trở nên những tông đồ đầu tiên và trực tiếp của giới trẻ, chính những người trẻ hoạt động tông đồ giữa giới trẻ, tùy theo môi trường xã hội họ đang sống24.

Giới trưởng thành cần quan tâm tạo các cuộc đối thoại thân hữu với giới trẻ, vì đối thoại sẽ giúp người lớn và người trẻ vượt qua sự ngăn cách về tuổi tác, để hiểu biết lẫn nhau và chuyển thông cho nhau sự phong phú đặc thù của mỗi giới. Người lớn hãy thúc đẩy người trẻ làm tông đồ trước hết bằng gương sáng cũng như bằng ý kiến khôn ngoan và giúp đỡ thiết thực khi có cơ hội. Người trẻ cũng phải nuôi dưỡng lòng yêu kính và tín nhiệm đối với người lớn, và tuy dù theo tính tự nhiên họ ham thích những điều mới lạ, họ cần phải biết tôn trọng những truyền thống đáng quí chuộng.

Trẻ em cũng có hoạt động tông đồ riêng của chúng. Tùy khả năng, chúng có thể thực sự là những chứng nhân sống động của Chúa Kitô giữa các bạn bè.



13. Làm tông đồ trong môi trường xã hội là nỗ lực đem tinh thần Kitô giáo thấm nhuần tâm thức, phong tục, luật lệ và cơ cấu của cộng đồng nơi đang sống: đó là bổn phận và trách nhiệm của người giáo dân mà những người khác không bao giờ có thể chu toàn thay cho họ được. Trong lãnh vực này, người giáo dân có thể làm tông đồ cho người có hoàn cảnh giống như mình. Ở đó, họ dùng chứng từ của lời nói bổ túc cho chứng tá của đời sống25. Cũng ở đó, họ dễ dàng giúp đỡ anh em trong môi trường lao động hay nghề nghiệp, trong môi trường học hành, cư trú, giải trí cũng như trong sinh hoạt cộng đồng tại địa phương.

Người giáo dân thực thi sứ mệnh này của Giáo Hội nơi trần gian trước tiên bằng đời sống phù hợp với đức tin để trở thành ánh sáng thế gian; bằng nếp sống lương thiện trong tất cả mọi công việc để làm cho mọi người yêu mến sự thật, sự thiện và cuối cùng đưa họ đến với Chúa Kitô và Giáo Hội; bằng tình bác ái huynh đệ sẵn sàng chia sẻ với anh em trong hoàn cảnh sống, trong đau khổ cũng như trong mọi ước vọng, để âm thầm chuẩn bị cho ơn cứu rỗi hoạt động trong tâm hồn mọi người; bằng một ý thức đầy đủ về vai trò của mình trong việc xây dựng xã hội, để cố gắng chu toàn bổn phận nơi gia đình, ngoài xã hội, trong nghề nghiệp với lòng quảng đại của người Kitô hữu. Như thế, phong cách hành động của họ dần dần thấm nhập vào môi trường nơi họ sinh sống và làm việc.

Việc tông đồ phải nhắm tới toàn thể mọi người bất kể số lượng và không từ chối bất cứ việc gì có thể mang lại lợi ích thiêng liêng hay vật chất cho mọi người. Nhưng người tông đồ đích thực không chỉ dùng việc làm mà còn chú tâm dùng cả lời nói để rao giảng Chúa Kitô cho anh em. Thật vậy, nhiều người chỉ có thể nghe Tin Mừng và nhận biết Chúa Kitô qua những người giáo dân sống gần bên họ.

14. Môi trường hoạt động tông đồ mở rộng bao la trên bình diện quốc gia và quốc tế, trong đó, hơn ai hết, giáo dân là những người nắm giữ và chia sẻ sự khôn ngoan Kitô giáo. Tận tâm đối với quốc gia và trung thành chu toàn các nhiệm vụ công dân, người công giáo cảm thấy có bổn phận cổ vũ cho công ích thực sự, và phải làm sao cho chính quyền quan tâm đến ý kiến của họ để quyền bính được thực thi trong công lý và luật pháp, đáp ứng được những đòi hỏi của luân lý và công ích. Những người công giáo có khả năng làm chính trị và đã được huấn luyện đầy đủ về đức tin và giáo lý, đừng từ chối tham gia việc nước, vì nhờ thi hành nhiệm vụ cách tốt đẹp, họ có thể đóng góp vào công ích và đồng thời mở đường cho Tin Mừng.

Người công giáo phải tìm cách cộng tác với tất cả mọi người thiện chí để phát huy bất cứ những gì là chân thật, công bằng, thánh thiện và đáng quí chuộng (x. Pl 4,8). Hãy gặp gỡ họ với thái độ khôn ngoan và tế nhị để đi đến đối thoại, hãy tìm cách kiện toàn những định chế xã hội và quốc gia theo tinh thần Tin Mừng.

Trong các dấu chỉ của thời đại chúng ta, phải đặc biệt chú ý tới sự cảm nhận ngày càng gia tăng và không thể tránh né về tính liên đới giữa các dân tộc, và nhiệm vụ của hoạt động tông đồ giáo dân là phải nỗ lực phát huy và làm cho sự liên đới đó trở thành một khát vọng chân thành và thiết thực về tình huynh đệ. Hơn nữa, giáo dân phải ý thức về những vấn đề cũng như giải pháp về mặt lý thuyết hay trong thực hành đang được đề ra trong lãnh vực quốc tế, nhất là về những vấn đề liên quan tới các dân tộc đang nỗ lực phát triển26.

Tất cả những ai đang làm việc ở ngoại quốc hay đang trợ giúp cho các quốc gia, phải nhớ rằng mối bang giao giữa các dân tộc phải là cuộc trao đổi huynh đệ đích thực, trong đó, cả hai bên cùng cho và cùng nhận. Còn những người xuất ngoại để kinh doanh hay để giải trí phải nhớ rằng dù họ ở đâu họ cũng vẫn là sứ giả lưu động của Chúa Kitô và phải sống đúng với danh hiệu đó.

CHƯƠNG IV
CÁC PHƯƠNG THỨC HOẠT ĐỘNG TÔNG ĐỒ

15. Giáo dân có thể thực thi việc tông đồ hoặc với tư cách cá nhân, hoặc tham gia trong các cộng đồng hay hội đoàn khác nhau.

16. Việc tông đồ, một hoạt động tuôn tràn dồi dào từ mạch sống đích thực Kitô giáo (x. Ga 4,14), mà bản thân mỗi người phải thực hiện, chính là cơ sở và là điều kiện của mọi hoạt động tông đồ giáo dân, kể cả trong dạng thức tập thể, và không gì có thể thay thế được.

Tất cả các giáo dân, dù thuộc bất cứ thành phần nào, kể cả khi không có cơ hội hay khả năng cộng tác trong các hội đoàn, đều được mời gọi và hơn nữa có bổn phận làm việc tông đồ cá nhân, một hoạt động dù ở đâu và lúc nào cũng thật phong phú, hơn nữa, trong một số hoàn cảnh, chỉ có hoạt động tông đồ này mới thích hợp và có thể thực hiện được.

Có nhiều hình thức tông đồ qua đó người giáo dân tham gia xây dựng Giáo Hội, đồng thời thánh hóa và làm cho thế gian sống động trong Chúa Kitô.

Hình thức đặc biệt của hoạt động tông đồ cá nhân, và cũng là dấu chỉ rất thích hợp trong thời đại chúng ta để biểu lộ Chúa Kitô sống động trong các tín hữu của Người, đó là làm chứng bằng cả cuộc sống tràn đầy lòng tin, cậy, mến nơi những người giáo dân. Qua cách làm việc tông đồ bằng lời nói mà trong một số trường hợp lại rất cần thiết, người giáo dân rao giảng Chúa Kitô, giải thích, phổ biến và trung thành tuyên xưng giáo lý của Người tùy theo hoàn cảnh và hiểu biết của mỗi người.

Hơn nữa, khi cộng tác vào những hoạt động liên quan tới việc xây dựng và quản trị trật tự trần thế với tư cách là công dân trong thế giới, người công giáo phải tìm kiếm dưới ánh sáng đức tin những định hướng cao đẹp hơn trong đời sống gia đình, nghề nghiệp, văn hóa và xã hội, đồng thời khi có dịp sẽ trình bày những ý hướng đó cho nhiều người khác, với ý thức mình đang cộng tác với Thiên Chúa là Đấng tạo dựng, cứu chuộc và thánh hóa, đồng thời cũng đang chúc tụng tôn vinh Ngài.

Sau cùng, người giáo dân hãy luôn sống theo đức ái và dùng hết khả năng để thể hiện tình yêu thương bằng những việc làm cụ thể.

Mọi người phải nhớ rằng, chính nhờ những hành vi phụng tự và lời cầu nguyện, nhờ thái độ sẵn lòng chấp nhận hy sinh cũng như lao nhọc và khổ cực trong cuộc sống, là những điều làm họ nên giống Chúa Kitô trong cuộc khổ nạn (x. 2 Cr 4,10; Cl 1,24), họ mới có thể ảnh hưởng tới mọi người và đem ơn cứu độ cho toàn thế giới.

17. Việc tông đồ cá nhân này rất cần thiết và cấp bách trong những miền mà tự do của Giáo Hội gặp phải nhiều cản trở. Trong những hoàn cảnh khó khăn đó, giáo dân tùy khả năng thay thế các linh mục, liều mất tự do và đôi khi cả mạng sống mình, để dạy giáo lý công giáo cho những người chung quanh, hướng dẫn họ sống đạo và khuyến khích họ năng lãnh nhận các bí tích và đặc biệt tôn sùng Thánh Thể27. Trong khi hết lòng tạ ơn Thiên Chúa đã không ngừng cho xuất hiện ngay cả trong thời đại chúng ta những người giáo dân can đảm phi thường giữa các cơn bách hại, Thánh Công Đồng cũng dành cho họ tấm lòng hiền phụ đầy yêu thương cùng với tâm tình tri ân.

Việc tông đồ cá nhân có môi trường hoạt động đặc biệt trong những miền có số người công giáo quá ít và sống tản mác. Ở những nơi đó, người giáo dân đang hoạt động tông đồ riêng lẻ hoặc vì những lý do nói trên hoặc vì những lý do đặc biệt do sinh hoạt nghề nghiệp, rất nên tập họp thành những nhóm nhỏ không cần đến hình thức tổ chức hay hệ thống chặt chẽ, miễn sao người khác thấy được dấu hiệu của cộng đoàn Giáo Hội như bằng chứng đích thực của tình yêu thương. Như thế, trong khi nâng đỡ nhau trên bình diện thiêng liêng nhờ tình bằng hữu và kinh nghiệm, họ được mạnh sức để vượt thắng những khó khăn của cuộc sống và của những hoạt động lẻ loi, đồng thời cũng để việc tông đồ đạt được kết quả phong phú hơn.



18. Các Kitô hữu được mời gọi hoạt động tông đồ với tư cách cá nhân trong những hoàn cảnh khác nhau của cuộc sống; tuy nhiên họ nên nhớ rằng con người tự bản chất đã có xã hội tính, và Thiên Chúa đã muốn tập họp những người tin vào Chúa Kitô thành dân Thiên Chúa (x. 1 Pr 2,5-10) và liên kết họ thành một thân thể (x. 1 Cr 12,12). Vì thế, hoạt động tông đồ tập thể đáp ứng được những đòi hỏi của các tín hữu xét dưới khía cạnh con người cũng như dưới khía cạnh Kitô hữu, đồng thời cũng biểu lộ được dấu chỉ hiệp thông và hợp nhất của Giáo Hội trong Chúa Kitô, Đấng đã nói: “Ở đâu có hai, ba người nhân danh Thầy hội họp lại, Thầy sẽ ở giữa họ” (Mt 18,20).

Vì thế, các Kitô hữu phải hợp nhất với nhau để cùng làm việc tông đồ28. Họ phải là tông đồ trong cộng đoàn gia đình cũng như trong giáo xứ và giáo phận vốn tự chúng đã nói lên tính cách cộng đồng của hoạt động tông đồ, đồng thời họ cũng là tông đồ trong những đoàn thể tự do mà họ đã tự ý gia nhập.

Hoạt động tông đồ tập thể rất quan trọng vì trong các cộng đồng Giáo Hội, cũng như trong các môi trường khác nhau, việc tông đồ thường đòi hỏi phải được chu toàn nhờ một hoạt động chung. Những Hội Đoàn được thành lập để hỗ trợ hoạt động tông đồ tập thể, sẽ nâng đỡ và huấn luyện các hội viên trong việc tông đồ, phối hợp và điều hành các hoạt động tông đồ, nhờ đó hy vọng có được những kết quả phong phú hơn là nếu từng người hoạt động riêng rẽ.

Quả thực, với những điều kiện hiện nay, trong môi trường sinh hoạt giáo dân, hoạt động tông đồ rất cần được củng cố dưới hình thức tập thể và có tổ chức; vì chỉ bằng cách liên kết chặt chẽ các nỗ lực mới mong đạt được đầy đủ tất cả những mục tiêu của hoạt động tông đồ ngày nay và bảo vệ cách hữu hiệu những thiện ích của việc tông đồ29. Do đó, điều quan trọng đặc biệt là làm sao cho hoạt động tông đồ tác động vào tâm thức tập thể và hoàn cảnh xã hội của những người mà hoạt động tông đồ nhằm tới, nếu không, họ thường sẽ không đủ sức chống lại áp lực của dư luận quần chúng hay của các định chế.



19. Có nhiều hội đoàn tông đồ khác nhau30; có những hội đoàn nhằm mục đích tông đồ nói chung của Giáo Hội; có những hội đoàn lại đặc biệt hướng đến việc loan báo Tin Mừng và mang lại ơn thánh hóa; có những hội đoàn theo đuổi việc đem tinh thần Kitô giáo vào trật tự trần thế; có những hội đoàn đặc biệt muốn dùng các việc từ thiện và bác ái để làm chứng cho Chúa Kitô.

Trong số các hội đoàn đó, cần phải quan tâm cách riêng đến các hội đoàn cổ võ và đề cao sự kết hợp chặt chẽ hơn giữa đời sống thực tế và đức tin của các hội viên. Hội đoàn tự nó không phải là cứu cánh, nhưng phải giúp Giáo Hội chu toàn sứ mệnh đối với trần gian. Giá trị tông đồ của các hội đoàn tùy thuộc vào mức độ phù hợp với các mục tiêu của Giáo Hội, vào chứng từ mang tính Kitô hữu cũng như vào tinh thần Tin Mừng của từng thành viên và của cả hội đoàn.

Trước sự tiến triển của các tổ chức cũng như trước đà tiến hóa của xã hội hiện đại, sứ mệnh phổ quát của Giáo Hội đòi hỏi các công cuộc tông đồ của người công giáo phải được tổ chức càng ngày càng quy củ hơn trên lãnh vực quốc tế. Các Tổ Chức Công Giáo Quốc Tế sẽ hoạt động hiệu quả hơn nếu liên kết chặt chẽ hơn nữa với các đoàn thể thành viên và hội viên của các đoàn thể đó.

Với điều kiện phải giữ mối liên lạc cần thiết với giáo quyền31, người giáo dân có quyền lập hội đoàn32, điều khiển hội đoàn và ghi tên vào các hội đoàn đã có sẵn. Tuy nhiên, cần phải tránh tình trạng phân tán lực lượng do việc lập thêm những hội đoàn và tổ chức mới khi không đủ lý do, hoặc cố giữ lại những hội đoàn không còn ích lợi, hoặc quá bảo thủ với những phương pháp đã lỗi thời; cũng phải cân nhắc khi du nhập những hình thức hội đoàn được thành lập tại các nước khác33.



20. Từ vài thập niên gần đây, trong nhiều quốc gia, giáo dân càng ngày càng dấn thân vào công tác tông đồ, và qui tụ lại dưới nhiều hình thức hoạt động cũng như trong các hội đoàn đã và đang theo đuổi những mục đích thuần túy tông đồ trong khi vẫn liên kết chặt chẽ với hàng Giáo phẩm. Trong số các hội đoàn ấy cũng như các tổ chức tương tự đã có từ trước, đặc biệt phải nhắc đến những tổ chức, với những đường hướng hoạt động khác nhau, đã đem lại nhiều kết quả phong phú cho nước Chúa Kitô, và xứng đáng để được các Đức Giáo Hoàng và một số đông các Giám Mục tín nhiệm, cổ võ và đặt cho danh hiệu Công Giáo Tiến Hành, thường được mô tả như một hình thức cộng tác của giáo dân vào việc tông đồ của hàng Giáo phẩm34.

Với danh hiệu Công Giáo Tiến Hành hay một danh hiệu nào khác, các hình thức hoạt động hiện đang thực thi trọng trách tông đồ, phải hội đủ những yếu tố cơ bản sau đây:

a) Mục đích trực tiếp của các tổ chức này phải là mục đích tông đồ của Giáo Hội, nghĩa là loan báo Tin Mừng, thánh hóa con người và đào tạo lương tâm Kitô hữu đích thực để có thể đem tinh thần Tin Mừng thấm nhập vào các cộng đồng và các môi trường khác nhau.

b) Trong khi cộng tác với hàng Giáo phẩm theo cách thức riêng của mình, người giáo dân đóng góp kinh nghiệm và đảm nhận trách nhiệm của họ trong việc điều hành, tìm ra những điều kiện khả thi cho các hoạt động mục vụ của Giáo Hội, soạn thảo và thực hiện chương trình hành động của các tổ chức này.

c) Người giáo dân hoạt động liên kết với nhau như các cơ năng trong cùng một thân thể, sao cho tính cách cộng đoàn của Giáo Hội được thể hiện rõ rệt hơn và việc tông đồ được hữu hiệu hơn.

d) Người giáo dân, hoặc do tự nguyện dấn thân, hoặc được mời hoạt động và cộng tác trực tiếp vào việc tông đồ trong Giáo Hội, phải luôn làm việc dưới sự điều hành của hàng Giáo phẩm, những người có thể công nhận sự cộng tác này bằng một uỷ nhiệm thư chính thức.

Những đoàn thể nào mà giáo quyền xét thấy hội đủ những yếu tố vừa kể đều được coi là Công Giáo Tiến Hành, mặc dù những tổ chức đó mang những hình thức và danh hiệu khác tùy theo đòi hỏi của từng địa phương và của mỗi dân tộc.

Thánh Công Đồng ân cần giới thiệu những định chế này vì chắc chắn chúng đáp ứng đúng những đòi hỏi của việc tông đồ của Giáo Hội trong nhiều quốc gia. Thánh Công Đồng cũng kêu mời các linh mục hoặc giáo dân đang tham gia các hoạt động trên hãy thể hiện càng ngày càng tốt đẹp những tiêu chuẩn vừa nêu, và luôn cộng tác trong tình huynh đệ với các hình thức tông đồ khác trong Giáo Hội.




tải về 226.16 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương