Anti-tax losses for business households case of the cam lam tax departerment



tải về 85.55 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích85.55 Kb.
#31242
CHỐNG THẤT THU THUẾ ĐỐI VỚI HỘ KINH DOANH – TRƯỜNG HỢP CỦA CHI CỤC THUẾ CAM LÂM

ANTI-TAX LOSSES FOR BUSINESS HOUSEHOLDS – CASE OF THE CAM LAM TAX DEPARTERMENT

Võ Văn Cần

Khoa Kế toán – Tài chính

Tóm tắt: Thuế thu từ hộ kinh doanh ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với các chi cục thuế nói chung và chi cục thuế Cam Lâm nói riêng. Trong năm qua, với nổ lực của cán bộ thuế tại Chi cục, tổng số thuế thu từ đối tượng nộp thuế này đều tăng qua các năm. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn nhiều hộ kinh doanh vẫn chưa có ý thức với nghĩa vụ nộp thuế. Bài viết đã chỉ ra 3 hành vi gian lận và trốn thuế là không đăng ký kê khai thuế, kéo dài thời hạn nộp thuế, và trốn thuế. Trên cơ sở phân tích này, bài viết đã đưa ra 4 giải pháp để khắc phục các hành vi gian lận trên.

Abstract: Business households taxes play an increasingly important role for tax departments in general and the Cam Lam tax department in particular. In recent years, with the effective staffs at the tax department, total tax from the business households has increased regularly over the years. However, many business households still do not have the sense to pay tax obligations. The article points out that there are three fraud and tax evasions: no registration tax declaration, tax payment deadline extended, and tax evasion. Basis on this analysis, the article gave four solutions to remedy the frauds.

Từ khóa: hộ kinh doanh, gian lận thuế, trốn thuế.

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Thuế là nguồn thu chủ yếu của NSNN, và ngày càng trở thành công cụ quan trọng trong điều tiết và kích thích sự phát triển nền kinh tế của một quốc gia. Tuy nhiên, khi nào Nhà nước còn đánh thuế thì sẽ còn tồn tại hành vi gian lận thuế do động cơ mong muốn giảm nghĩa vụ thuế của người nộp thuế (Lê Xuân Trường và Nguyễn Đình Chiến, 2013). Trong những năm qua các hành vi trốn thuế, lách thuế của các đối tượng nộp thuế vẫn tiếp tục diễn ra, một mặt phản ánh ý thức chấp hành của các đối tượng thuế chưa cao, mặt khác cho thấy chính sách thuế vẫn còn có những bất cập so với yêu cầu thực tiễn. Do đó, nếu công tác quản lý thu thuế tốt thì sẽ làm giảm bớt những gian lận về thuế, và vì thế, tăng khả năng tránh được nợ đọng thuế và chống thất thu thuế.

Cùng với ngành thuế Khánh Hòa, Chi cục thuế huyện Cam Lâm được thành lập và được giao nhiệm vụ thu ngân sách chủ yếu cho địa phương. Hiện nay, Chi cục đang quản lý gần 140 doanh nghiệp và khoảng 1.900 hộ có đăng ký kinh doanh. Mặc dầu Chi cục thuế được thành lập trong thời gian gần đây, lại quản lý thu thuế trên một địa bàn rộng (bao gồm 13 xã và 1 thị trấn), các doanh nghiệp và hộ kinh doanh không tập trung, nhưng bằng nổ lực phấn đấu và khắc phục khó khăn, kết quả thu thuế năm sau đều cao hơn năm trước. Tuy nhiên, công tác quản lý thuế nói chung và quản lý thu thuế đối với hộ kinh doanh nói riêng vẫn còn nhiều vấn đề còn tiếp tục giải quyết, trong đó nợ thuế dây dưa, chây ỳ vẫn là vấn đề nóng, tình trạng hộ kinh doanh đăng ký kê khai thuế, sau đó giải thể để trốn thuế, không chấp hành luật thuế, hoặc thành lập “thể nhân, pháp nhân” mới để né tránh nợ thuế … đã tác động và làm ảnh hưởng không tốt đến tâm lý các hộ kinh doanh chấp hành tốt nghĩa vụ thuế, mặt khác đã làm thất thoát nguồn thu không nhỏ cho địa phương, và do đó ảnh hưởng trực tiếp đến công tác quản lý thuế.

Nhằm mục tiêu đảm bảo thu đúng, thu đủ cho NSNN, đáp ứng được công bằng trong nghĩa vụ nộp thuế giữa các đối tượng nộp thuế, bài viết này tập trung đánh giá tình hình đăng ký kê khai nộp thuế, thanh tra thuế, hạn chế nợ đọng thuế nhằm ngăn chặn các hành vi gian lận thuế, chống thất thu thuế đối với hộ sản xuất kinh doanh, nâng cao tính tuân thủ pháp luật của đối tượng nộp thuế tại chi cục thuế Cam Lâm.



II. HÀNH VI GIAN LẬN VÀ NGUYÊN NHÂN NỢ ĐỌNG THUẾ

2.1. Các hành vi gian lận thuế: Các đối tượng nộp thuế thường thực hiện các hành vi gian lận thuế dưới đây:

a. Bỏ ngoài sổ sách kế toán: Theo đó, người nộp thuế thường sử dụng đồng thời hai hệ thống sổ sách kế toán, một hệ thống sổ kế toán nội bộ phản ánh đầy đủ các giao dịch kinh tế, hệ thống kế toán còn lại chỉ phản ánh một phần các giao dịch kinh tế để khai thuế với mục đích kê khai nộp thuế thấp để trốn thuế. Đặc biệt, hành vi này thường phổ biến tại hệ thống doanh nghiệp mà nhân thân trong gia đình làm giám đốc, kế toán trưởng, thủ kho… Đây chính là một kiểu hoạt động kinh tế ngầm mà môi trường thuận lợi của nó là nền kinh tế tiền mặt. Rất khó có thể xác định được số thuế thất thu do hành vi trốn thuế này gây ra. 

b. Tạo giao dịch bán hàng giả mạo: Mục tiêu của thủ đoạn này là chiếm đoạt tiền ngân sách nhà nước (NSNN) thông qua hoàn thuế hoặc tiếp tay cho hành vi tham nhũng NSNN của một bộ phận công chức được giao nhiệm vụ mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ cho cơ quan nhà nước. Thủ đoạn này cũng liên quan đến hành vi giao dịch mua hàng giả mạo nhằm giúp cho bên mua tăng thuế giá trị gia tăng (GTGT) đầu vào được khấu trừ và giảm chi phí tính thuế thu nhập DN.

c. Tạo giao dịch mua hàng giả mạo: Đây là hành vi mà DN không có khoản chi trong thực tế nhưng đã tự tạo ra chứng từ để hợp pháp hóa khoản chi không có thực, vì thế có thể gọi đây là chi khống. Chi khống thể hiện qua những bảng kê thanh toán giả mạo với chữ ký giả, hợp đồng lao động giả mạo và thể hiện ở những hóa đơn đi mua của cơ sở kinh doanh khác. Bằng hành vi này, DN không chỉ trốn thuế thu nhập DN mà còn trốn cả thuế GTGT thông qua việc khấu trừ khống thuế GTGT đầu vào. Bên cạnh đó, một số DN nhập lậu các mặt hàng nhập khẩu thuế nhập khẩu cao, sau đó mua hóa đơn của DN “ma” để hợp thức hóa đầu vào và hợp thức hóa thủ tục thanh toán qua ngân hàng, gây thất thu thuế GTGT khâu nhập khẩu , thuế nhẩu khẩu và các khoản nộp NSNN.

d. Ghi giá bán thấp hơn giá thực tế: Đây là hành vi ghi giá bán trên hóa đơn và kê khai doanh thu tính thuế thấp hơn giá khách hàng thực tế thanh toán. Hành vi gian lận này làm giảm thuế GTGT và thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp, gây ảnh hưởng không nhỏ đến số thu ngân sách. 

e. Hạch toán kế toán và kê khai thuế sai quy định: Mục tiêu chủ yếu của hành vi hạch toán kế toán sai quy định pháp luật là che giấu doanh thu tính thuế, hạch toán tăng chi phí tính thuế thu nhập DN và tăng thuế GTGT đầu vào được khấu trừ. Các kiểu hạch toán sai chế độ kế toán rất đa dạng. Khi bị kiểm tra phát hiện, cán bộ kế toán có thể lấy cớ là hạch toán nhầm để tránh bị phạt vì hành vi trốn thuế. Kế toán có thể hạch toán giảm trừ doanh thu thông qua các hình thức giảm giá, chiết khấu không đúng quy định. Kế toán có thể hạch toán sai tài khoản kế toán để che giấu doanh thu.

f. Hành vi trốn thuế khi DN không đăng ký lập bộ hoặc kinh doanh thua lỗ: Không ít DN (đặc biệt là các hộ kinh doanh) không đăng ký lập bộ để trốn thuế phải nộp hoặc khi kinh doanh thua lỗ, hay gặp rủi ro, còn nợ thuế, nhưng không làm thủ tục phá sản, giải thể theo luật định, mà tự ý dừng hoạt động, hoặc chuyển nhượng DN cho người khác, hoặc thành lập công ty mới, do người nhà đứng tên để trốn thuế, không chấp hành luật thuế.

2.2. Nguyên nhân nợ đọng thuế

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, cơ chế chính sách về thu NSNN ngày càng được hoàn thiện, đặc biệt là từ khi có Luật Quản lý thuế, công tác quản lý thu, chống thất thu và xử lý nợ đọng thuế được tăng cường. Mặc dù vậy, vẫn còn có nhiều trường hợp nợ thuế, trốn thuế được phát hiện, xử lý.

Theo Bộ Tài chính, nguyên nhân của tình trạng nợ thuế là do hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục khó khăn, một bộ phận DN, cá nhân kinh doanh thua lỗ, phá sản, vay nợ ngân hàng lớn, dẫn đến không chấp hành nghiêm nghĩa vụ nộp NSNN. Bên cạnh đó, cũng còn có nhiều trường hợp cố tình chiếm dụng tiền thuế của Nhà nước.

Mặt khác, việc thực hiện các biện pháp cưỡng chế thuế hiệu quả chưa cao là do thiếu cán bộ, sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng tại một số địa phương còn chưa kịp thời; một số ngân hàng chưa tích cực phối hợp hỗ trợ trích tiền từ tài khoản của DN để xử lý nợ thuế.

Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác như: Các cá nhân, hộ kinh doanh còn nợ thuế nhưng đã ngưng hoạt động, mất tích và hiện cơ quan thuế chưa xác định được doanh nghiệp đó có còn tài sản để nộp tiền thuế hay không; một số DN đã phá sản nhưng không làm đầy đủ các thủ tục theo quy định nên chưa có đủ cơ sở xem xét xoá nợ thuế.



III. THỰC TRẠNG QUẢN LÝ THU THUẾ ĐỐI VỚI HỘ KINH DOANH TẠI CHI CỤC THUẾ CAM LÂM

3.1. Xét về đăng ký kê khai và nộp thuế

Quản lý số hộ kinh doanh là việc đầu tiên để tiến hành triển khai công tác thu thuế. Có quản lý tốt hộ kinh doanh thì các công việc tiếp theo để triển khai công tác thu thuế mới tiến hành được tốt. Thông qua công tác quản lý hộ kinh doanh sẽ giúp cho cơ quan thuế nắm bắt được số lượng hộ kinh doanh đăng ký, kê khai nộp thuế, tình hình kinh doanh của các hộ kinh doanh, tư đó có thể đưa ra các giải pháp quản lý thu thuế phù hợp.



Bảng 1. Tổng hợp kết quả điều tra hộ kinh doanh đã lập bộ quản lý

Chỉ tiêu

Năm 2011

Năm 2012

Năm 2013

Số hộ thực tế kinh doanh (hộ)

1.949

1.933

1.851

Số hộ lập bộ đăng ký lập bộ (hộ)

1.922

1.927

1.837

Chênh lệch số thực tế với số đăng ký lập bộ (bộ)

27

6

14

Số tiền thuế hộ lập bộ phải nộp (Trđ)

5.167

5.328

5.705

Số tiền đã nộp vào NSNN (Trđ)

4.910

5.064

5.540

Số tiền thuế nợ (Trđ)

257

264

165

Tổng số nợ/tổng số thu (%)

4,97

4,95

2,89

Số tiền thuế nợ bình quân mỗi hộ KD (trđ)

0,13

0,14

0,09

(Nguồn: Chi cục thuế Cam Lâm và tính toán của tác giả)

Qua Bảng 1 cho thấy số hộ kinh doanh thực tế và số hộ có đăng ký lập bộ qua các năm không có biến động lớn, dao động xung quanh 1.900 hộ. Tuy nhiên, số hộ không đăng ký lập hộ trong thực tế vẫn lớn hơn số hộ đã đăng ký lập bộ trên địa bàn, và số chênh lệch này có giảm xuống còn 6 hộ kinh doanh ở năm 2012, nhưng lại tăng lên 14 hộ kinh doanh ở năm 2013. Như vậy, một mặt ý thức đăng ký, kê khai thuế và nộp thuế của nhiều hộ kinh doanh qua các năm vẫn chưa tốt, vẫn nhiều hộ kinh doanh cố tình không đăng ký lập bộ để trốn thuế phải nộp cho Ngân sách; mặc khác công tác phối kết hợp giữa cơ quan thuế với cơ quan cấp đăng ký kinh doanh có lúc còn chưa chặt chẽ, chưa nắm bắt kịp thời số hộ đăng ký kinh doanh mới, cho nên dẫn đến hiện tượng một số hộ đã hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng chưa thực hiện kê khai, đăng ký thuế nên chưa đưa vào quản lý thu thuế kịp thời.

Xét về số tiền thuế các hộ kinh doanh phải nộp và số thuế đã nộp vào ngân sách có chiều hướng tăng qua các năm, bình quân số tiền thuế các hộ lập bộ phải nộp trong 3 năm khoản 5.400 triệu đồng, và số tiền thuế đã nộp dao động xung quanh 5.170 triệu đồng. Mặc dù số thuế phải nộp và số thuế đã nộp đều tăng qua các năm, nhưng số tiền thuế nợ đọng vẫn tồn tại qua các năm, trong đó số thuế còn nợ của các hộ kinh doanh năm 2013 là 165 triệu đồng. Xét về tỉ lệ số thuế còn nợ so với tổng số thuế thực tế thu được và số thuế còn nợ tính bình quân mỗi hộ kinh doanh có đăng ký lập bộ giảm mạnh (Tỉ lệ nợ thuế từ 4,97% năm 2011 giảm xuống còn 2,89%, và số thuế nợ tính bình quân mỗi hộ giảm từ 130 ngàn đồng ở năm 2012 xuống còn 90 ngàn đồng). Qua số liệu này cho thấy nổ lực trong công tác thu thuế của cán bộ thu thuế của Chi cục trong những năm qua. Mặc dầu, khoản thuế nợ của các hộ kinh doanh đã giảm, nhưng mức nợ thuế vẫn còn cao, nhiều hộ kinh doanh vẫn cố tình kéo dài thời gian nộp thuế để chiếm dụng thuế. Vì thế, Chi cục cần có các biện pháp hữu hiệu hơn để đẩy mạnh công tác thu hồi nợ.

3.2. Xét về công tác quản lý nợ thuế

Quản lý thu - nộp - nợ thuế là một khâu quan trọng trong công tác quản lý thu thuế vì mục đích cuối cùng của công tác thu thuế là làm sao số thuế phải nộp vào kho bạc nhà nước theo đúng qui định của các Luật thuế hiện hành.



Bảng 2. Bảng phân loại nợ thuế

Chỉ tiêu

Năm 2011

Năm 2012

Năm 2013

Số tiền thuế nợ (trđ)

257

264

165

Tổng số nợ thuế lũy kế (trđ)

645

616

832

Nợ có khả năng thu (trđ)

469

416

517

Nợ có khả năng thu/tổng nợ

0,73

0,67

0,62

Nợ không có khả năng thu/tổng nợ

0,27

0,33

0,38

(Nguồn: Chi cục thuế Cam Lâm và tính toán của tác giả)

Qua Bảng 2 cho thấy, mặc dầu số nợ thuế có giảm xuống ở năm 2013, nhưng số nợ thuế lũy kế qua các năm vẫn còn cao, trong đó số thuế nợ lũy kế đến năm 2013 là 832 triệu đồng. Phần chênh lệch số thuế lũy kế cao hơn số thuế nợ mỗi năm là số tiền thuế còn nợ của các năm trước năm 2011 chưa thu được (không bao gồm các khoản nợ không có khả năng thu hồi trước năm 2007 do các hộ kinh doanh không có khả năng chi trả hoặc bỏ trốn). Trong tổng số nợ thuế phải thu thì số nợ thuế không có khả năng thu so với tổng số nợ lũy kế lại tăng lên qua các năm, từ 0,27 ở năm 2011 lên 0,38 ở năm 2013 phần lớn rơi vào các hộ kinh doanh thua lỗ, chay ì không chịu nộp thuế.

Nguyên nhân dẫn đến nợ đọng thuế cao qua các năm một mặt là do trách nhiệm và nghĩa vụ nộp thuế của một số hộ kinh doanh chưa cao, chưa tự giác; mặc khác một sô hộ kinh doanh còn suy tính do tỷ lệ phạt nộp chậm thuế còn thấp hơn lãi suất vay vốn ngân hàng. Theo qui định của Luật quản lý thuế hiện nay, nếu hộ kinh doanh chậm nộp tiền thuế thì chỉ bị phạt nộp chậm, không xử phạt vi phạm hành chính và mức phạt nộp chậm rất thấp, chỉ có 0,05%/ngày nộp chậm nếu hộ kinh doanh nợ thuế dưới 90 ngày, và 0,07%/ngày nếu hộ kinh doanh nợ thuế trên 90 ngày. Thêm nữa, cơ quan thuế chỉ được phép làm các thủ tục theo qui định của pháp luật để cưởng chế đối với các khoản nợ thuế trên 90 ngày. Tuy nhiên, việc cưởng chế một hộ kinh doanh rất phức tạp và tốn nhiều thời gian và chi phí. Bởi vì cơ quan thuế chỉ được cưởng chế 1 hộ kinh doanh có khoảng nợ trên 90 ngày, nên khi đến thời gian cưỡng chế, hộ kinh doanh đã kịp tẩu tán tài sản; mặt khác, số tiền nợ thuế thường ít nên việc thành lập một hội đồng cưởng chế bao gồm nhiều cơ quan phối hợp để cưởng chế là không khả thi.

Về phía chủ quan của cơ quan thuế chưa thực hiện hết chức năng và thẩm quyền được giao trong công tác quản lý và cưởng chế nợ thuế. Chưa thật sự tìm mọi biện pháp để thu hồi những khoản nợ thuế có khả năng thu, chưa chủ động thực hiện quyết liệt việc triển khai các biện pháp để đôn đốc các hộ kinh doanh thực hiện nộp số thuế nợ đọng vào ngân sách. Do đó, các hộ kinh doanh cố tình chây ỳ không nộp thuế nợ đọng nhằm chiếm dụng số tiền thuế phải nộp. Vì vậy, Chi cục thuế cũng cần có những biện pháp quyết liệt hơn trong công tác truy thu thuế, đảm bảo thu đúng và thu đủ cho ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, trong giai đoạn này, kinh tế trong nước vẫn tiếp tục gặp khó khăn, Nhà nước áp dụng các chính sách kiềm chế lạm phát, thắt chặt tín dụng và quản lý chi tiêu công nên các hộ kinh doanh đã gặp khó khăn trong công việc huy động vốn và kinh doanh, nhiều hộ kinh doanh thua lỗ và đi đến phá sản, dẫn đến nợ đọng thuế tăng.

3.3. Công tác kiểm tra thuế

Công tác kiểm tra thuế là nghiệp vụ hết sức quan trọng, nó vừa liên quan đến mục tiêu thu đúng, thu đủ, thu kịp thời vừa có tác dụng đảm bảo công bằng giữa các đối tượng nộp thuế và sự nghiêm minh của pháp luật. Thông qua công tác kiểm tra thuế sẽ góp phần phòng ngừa những mặt tiêu cực trong tác kê khai và nộp thuế.



Bảng 3. Tình hình kiểm tra thuế

Chỉ tiêu

Năm 2011

Năm 2012

Năm 2013

Số hộ KD được kiểm tra (lượt hộ)

1.571

1.055

701

Số hộ KD bị phạt (hộ)

17

5

1

Tỉ lệ hộ KD bị phạt/số hộ KD được kiểm tra

1,1%

0,5%

0,1%

Số tiền phạt và truy thu bình quân (trđ)

9,6

3,17

1,5

(Nguồn: Chi cục thuế Cam Lâm)

Qua Bảng 3 ta thấy số hộ kinh doanh được kiểm ta và số hộ kinh doanh bị phạt đều giảm mạnh qua các năm. Do đó, tỉ lệ hộ kinh doanh bị phạt so với số hộ kinh doanh được kiểm tra cũng giảm mạnh. Đây là kết quả đáng kích lệ của của Chi cục trong những năm qua cần được ghi nhận và phát huy tiếp ở những năm sau. Số tiền phạt và truy thu bình quân năm 2011 cao nhất, đạt 9,6 triệu đồng/hộ, nhưng sang năm 2013, con số này đã giảm mạnh, chỉ còn 1,5 triệu đồng/hộ. Số tiền bị phạt chủ yếu là do lỗi phạt vi phạm đối với hộ kinh doanh có đơn xin nghỉ kinh doanh nhưng thực tế vẫn kinh doanh. Một số hộ xin nghỉ kinh doanh một thời gian, sau đó lại tiếp tục kinh doanh nhưng không đăng ký lại với cơ quan thuế



IV. MỘT SỐ GỢI Ý KIẾN NGHỊ NHẰM GIẢM NỢ ĐỌNG THUẾ, GIẢM THẤT THU THUẾ

4.1. Về công tác quản lý đăng ký thuế, kê khai thuế

Chi cục thuế phối hợp phòng/ban Thống kê của thị trấn, xã tiến hành thông kê và lập sơ đồ tên hộ kinh doanh chi tiết ngõ xóm, đường phố, hẻm… Định kỳ hàng tháng, cán bộ thuế quản lý địa bàn báo cáo lãnh đạo đội thuế tình hình tăng giảm, biến động ngành nghề của hộ kinh doanh để có phương án dự kiến mức thuế lập bộ, thông qua tập thể đội, lãnh đạo phụ trách lập bộ chính thức để quản lý trong tháng.

Tổ chức đối chiếu và tìm hiểu nguyên nhân chênh lệch giữa số lượng hộ kinh doanh đã được cấp mã số thuế với số lượng đối tượng được phản ánh trên sổ bộ thuế môn bài, sổ bộ thuế GTGT, TNCN, TTĐB để có biện pháp bổ sung ngay những đối tượng đã được cấp mã số thuế nhưng chưa được phản ánh trên sổ bộ thuế, chấm dứt tình trạng hộ quản lý trên bộ thuế thấp hơn số hộ đã được cấp mã số thuế.

4.2. Đối với công tác thu nợ đọng thuế

Công tác thu thuế tuy đã có tiến bộ hơn, nhưng số thuế nợ vẫn còn ở mức cao. Do đó, Chi cục thuế cần làm tốt hơn công tác này bằng cách: Phân loại nợ chính xác cho từng đối tượng nộp thuế, cho từng loại tính chất nộp thuế. Đối chiếu, điều chỉnh số nợ sai sót do nhầm mục, tiểu mục để tránh nợ sai; đối với khoản nợ không còn đối tượng thu (bỏ trốn, mất tích) thì lập hồ sơ đẻ báo cáo lãnh đạo Đội, Chi cục để có các biện pháp cụ thể trình cấp thẩm quyền khoanh hoặc xóa nợ. Xây dựng kế hoạch cưởng chế nợ thuế với hộ kinh doanh có mức nợ thuế nhiều, cố tình không chấp hành; Giao chỉ tiêu thu nợ ít nhất là 80% trên tổng số nợ có khả năng thu đến từng đội, từng cán bộ thuế quản lý địa bàn và gắn kết quả thu nợ thuế làm căn cứ bình xét thi đua cuối năm. Mặt khác, cơ quan thu các cấp sẽ chủ động đề xuất với UBND các cấp phối hợp với cơ quan chức năng trên địa bàn thực hiện quản lý thu nợ và cưỡng chế nợ thuế theo đúng quy định; cơ quan thu nghiêm túc thực hiện quy chế công bố thông tin đối với những hộ kinh doanh nợ thuế trên địa bàn để những đối tượng này ý thức hơn trong việc chấp hành nghĩa vụ với NSNN.



4.3. Đối với công tác kiểm tra, xử lý vi phạm

Khác với công tác kiểm tra DN, công tác kiểm tra hộ kinh doanh chủ yếu là kiểm tra hộ xin nghỉ kinh doanh, đặc biệt là số hộ xin nghỉ tạm thời có đơn xin miễn giảm. Do đó, công tác kiểm tra phải xác định rõ nguyên nhân và thường xuyên nắm bắt tình hình. Hiện tượng xin nghỉ nhưng thực tế vẫn kinh doanh là một cách trốn thuế hết sưc phổ biến. Điều này không chỉ xuất phát từ ý đồ của người nộp thuế mà không loại trừ có sự liên quan đến cán bộ thuế. Vì vậy, đối với hộ kinh doanh này phải làm đơn xin miễn giảm theo mẫu qui định tại Thông tư 28/2011/TT-BTC ngày 28/2/2011 của Bộ Tài chính, phần nội dung lý do nghỉ nghỉ, thời gian nghỉ phải ghi cụ thể, rõ ràng. Sau khi nhận được danh sách tổng hợp hộ kinh doanh có đơn xin tạm nghỉ kinh doanh, Đội kiểm tra nội bộ cần được giao nhiệm vụ phải lên kế hoạch kiểm tra ngay vì hiện tại thời gian cho phép kiểm tra rất ngắn, số lượng cán bộ ít, số lượng hộ kinh doanh xin tạm nghỉ nhiều, khi đó đảm bảo được tiến độ kiểm tra của tất cả các hộ kinh doanh xin nghỉ. Công việc kiểm tra cần phải tiền hành theo phương thức hiệu quả nhất, tùy vào từng đối tượng cụ thế mà phương pháp kiểm tra được áp dụng cũng khác nhau: như kiểm tra theo kế hoạch, kiểm tra theo điểm kinh doanh, kiểm tra từng vụ việc, kiểm tra thường xuyên hay kiểm tra đột xuất. Ngoài ra, cũng cần có biện pháp kiểm tra, đánh giá tinh thần, thái độ của cán bộ thuế khi thực hiện chức năng quản lý hộ kinh doanh theo địa bàn quản lý.



4.4. Công tác tuyên truyền và giáo dục việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế

Tình trạng trốn thuế còn khá phổ biến vừa làm thất thu cho NSNN, vừa không đảm bảo công bằng xã hội và đưa công tác quản lý thu thuế vào nề nếp. Việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền và giáo dục sẽ góp phần nâng cao trình độ hiểu biết của hộ kinh doanh về thực hiện nghĩa vụ nộp thuế thông qua các giải pháp cụ thể sau:



  • Tranh thủ phối hợp với các cơ quan tuyên truyền đại chúng để định hướng dư luận một cách kịp thời, triệt để. Phấn đấu mỗi cán bộ thuế đều là người tuyên truyền, giáo dục tích cực nhất đối với các đối tượng nộp thuế và mọi người dân;

  • Giúp các đối tượng nộp thuế nắm vững chính sách, qui trình, thủ tục thu và nộp thuế, trên cơ sở đó thực hiện việc nộp thuế đúng, đủ, kịp thời vào NSNN;

  • Tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng nộp thuế thực hiện tự khai, tự tính, tự nộp thuế, giảm dần những sai phạm mà đối tượng nộp thuế thường mức phải;

  • Thiết lập mối quan hệ thân thiện giữa cơ quan thuế với hộ kinh doanh, giúp họ thuận lợi khi thực hiện nghĩa vụ thuế của mình.

  • Ngoài ra, dịch vụ hổ trợ đối tượng nộp thuế tại Chi cục thuế cũng được đẩy mạnh. Giải đáp thắc mắc cho các đối tượng nộp thuế không nhất thiết tại trụ sở cơ quan thuế mà phải gắn trách nhiệm cán bộ thuế quản lý địa bàn là 01 tuyên truyền viên có nhiệm vụ hướng dẫn, giải thích khi hộ kinh doanh có yêu cầu trả lời. Đồng thời, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thuế vừa tinh thông nghiệp vụ, vừa có kỹ năng sư phạm để nâng cao chất lượng công tác tập huấn cho các hộ kinh doanh.

V. KẾT LUẬN

Hoàn thiện công tác quản lý thuế và chống thất thu thuế luôn là một vấn đề thời sự của ngành thuế nói chung, và của Chi cục thuế Cam Lâm nói riêng trong điều kiện cải cách, hiện đại hóa ngành thuế hiện nay. Đặc biệt sự ra đời của Luật Quản lý thuế đòi hỏi cơ quan thuế các cấp chuyển đổi mô hình quản lý theo dõi đối tượng sang mô hình quản lý theo chức năng. Đây là một thay đổi có tính sâu rộng cả về nghiệp vụ hành thu cũng như về cơ cấu và bố trí cán bộ. Do đó yêu cầu công tác quản lý thuế phải đảm bảo phù hợp với sự thay đổi đó là một điều tất yếu. Mặt khác, quản lý thuế, chống thất thu thuế đối với các hộ kinh doanh luôn bao hàm sự biến động vì đây là lĩnh vực kinh tế năng động, thường xuyên thay đổi để phù hợp với sự biến động của nền kinh tế - xã hội, do đó việc quản lý thuế đòi hỏi cũng phải linh hoạt để bắt kịp các biến động này.



TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Tài chính (2013). Ngành Thuế triển khai quyết liệt các giải pháp hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN, ngày 6/9/2013 . http://www.mof.gov.vn/

2. Bộ Tài chính (2011). Thông tư hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế, hướng dẫn thi hành Nghị định số 85/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 và Nghị định số 106/2010/NĐ-CP ngày 28/10/2010 của Chính phủ, số 28/2011/TT-BTC, ngày 28/2/2011 của Bộ Tài chính.

3. Hải quan online. Bộ Tài chính chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn đến nợ thuế, 29/06/2013. http://www.baohaiquan.vn/pages/bo-tai-chinh-chi-ra-nhieu-nguyen-nhan-dan-den-no-thue.aspx.

4. Quốc Hội (2006). Luật Quản lý thuế của Quốc hội XI, kỳ họp thứ 10, số 78/2006/QH11 ngày 29/11/2006 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2007, Hà Nội.

5. Quốc Hội (2012). Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế, số 21/2012/QH13 ngày 20/11/2012 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2013, Hà Nội.



6. Hà Minh Lục (2013). Chống gian lận, thất thu thuế: Thực trạng và giải pháp. Tạp chí Tài chính, số 9.

7. Tin tức pháp luật. Nhiều biện pháp giảm nợ đọng thuế trong năm 2014, ngày 03/03/2014. http://thuvienphapluat.vn/tintuc/vn/thoi-su-phap-luat/thoi-su/6526/nhieu-bien-phap-giam-no-dong-thue-trong-nam-2014?attempt=1.


8. Lê Xuân Trường và Nguyễn Đình Chiến (2013). Nhận diện các hành vi gian lận thuế. Tạp chí Tài chính, số 9.


Каталог: Portals
Portals -> Phan Chau Trinh High School one period test no 2 Name: English : 11- time : 45 minutes Class: 11/ Code: 211 Chọn từ hoặc cụm từ thích hợp A, B, C, d để điền vào chỗ trống trong đoạn văn sau
Portals -> PHẦn I: thông tin cơ BẢn về ĐẠi hàn dân quốc và quan hệ việt nam-hàn quốc I- các vấN ĐỀ chung
Portals -> Năng suất lao động trong nông nghiệp: Vấn đề và giải pháp Giới thiệu
Portals -> LẤy ngưỜi học làm trung tâM
Portals -> BÀi tậP Ôn lưu huỳnh hợp chất lưu huỳnh khí sunfurơ so
Portals -> TỜ trình về việc ban hành mức thu phí tham gia đấu giá quyền sử dụng đất
Portals -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Portals -> GIẤY Ủy quyền tham dự Đại hội đồng Cổ đông thường niên năm 2016

tải về 85.55 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương