A. thông tin chung về MÔ HÌnh tên chủ nhiệm mô hình



tải về 75.33 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu20.05.2018
Kích75.33 Kb.
#38748
SẢN XUẤT GIÁ THỂ, ƯƠM TRỒNG VÀ PHÁT TRIỂN MỘT SỐ LOÀI HOA CÂY CẢNH Ở ĐÔ THỊ THÀNH PHỐ ĐỒNG HỚI
A.THÔNG TIN CHUNG VỀ MÔ HÌNH
1. Tên chủ nhiệm mô hình: Kỹ sư Nguyễn Thị Thu Hà

2. Tên cơ quan chủ trì: Trung tâm công viên- cây xanh Đồng Hới

3. Cấp quản lý: Cấp tỉnh

4. Tính cấp thiết của mô hình

Đáp ứng chỉ tiêu diện tích cây xanh trên đầu người dân của thành phố, tăng giá trị cảnh quan, cải thiện môi trường, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế du lịch vùng, một trong những kinh tế mũi nhọn của thành phố Đồng Hới. Trung tâm công viên - cây xanh Đồng Hới triển khai thực hiện mô hình “Sản xuất giá thể, ươm trồng và phát triển một số loài hoa cây cảnh ở đô thị thành phố Đồng Hới”.



5. Mục tiêu của mô hình

- Trồng và chăm sóc các giống Địa Lan, Hồng Lộc, Đai Vàng từ Thành phố Hồ Chí Minh và Bình Định có khả năng phù hợp với điều kiện khí hậu thời tiết miền trung khô, nóng.

- Sản xuất đại trà các loại được đánh giá có chất lượng cao, phù hợp với điều kiện địa phương và có thời gian tác dụng lâu.

6. Đối tượng, phạm vi của mô hình

- Đối tượng nghiên cứu: Hồng Lộc: 900 cây; Địa Lan: 1.080 cây; Đai Vàng: 675 cây.

- Phạm vi nghiên cứu: Vườn ươm Trung tâm CV-CX Đồng Hới - phường Bắc Nghĩa - Đồng hới.

7. Kinh phí thực hiện mô hình

Tổng kinh phí thực hiện: 109.127.000 đồng

Trong đó: - Ngân sách sự nghiệp KH&CN tỉnh: 86.064.000 đồng

- Nguồn của tổ chức, cá nhân: 22.063.000 đồng



8. Thời gian thực hiện: 12 tháng, từ tháng 10/2009 đến tháng 10/2010.
B. NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA MÔ HÌNH
MỞ ĐẦU

Cây xanh, hoa, cây cảnh là một bộ phận cấu thành môi trường thành phố, có chức năng bảo vệ môi trường, tăng cường cảnh quan đô thị, hạn chế tác hại của thiên nhiên và quá trình đô thị hóa, là phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần, văn hóa, đóng góp quan trọng trong nét đẹp, mỹ quan thành phố hiện tại cũng như tương lai.

Trong những năm qua do nhiều yếu tố khách quan như điều kiện khí hậu khắc nghiệt, đất đai thổ nhưỡng không phù hợp nên cây xanh, hoa, cây cảnh chưa đóng góp nhiều vào đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân thành phố Đồng Hới.

Cảnh quan thành phố Đồng Hới các loại hoa chưa đa dạng và thiếu nhiều chủng loại hoa đẹp. Vì vậy việc đầu tư trong nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ để ươm trồng và phát triển một số loài hoa đẹp như Hồng Lộc, Đai Vàng, Địa Lan ... để đánh giá khả năng sinh trưởng và phát triển phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng của thành phố Đồng Hới là một việc làm cần thiết.



I. Nội dung thực hiện

1.1. Nội dung

Cây cảnh Hồng Lộc, hoa Địa Lan và hoa Đai Vàng được nhập từ Thành phố Hồ Chí Minh và Bình Định. Tiến hành nhân giống, trồng thử nghiệm. Mỗi giống tiến hành theo 1 công thức, số lần lặp lại 3.

Tổng diện tích trồng thử nghiệm: 225m2.

Số cây thực hiện mô hình: Hồng Lộc 900 cây; Địa Lan 1.080 cây; Cây hoa Đai Vàng 675 cây.

1.1.1. Cây Hồng Lộc

* Cây Hồng Lộc được tuyển chọn, nhập từ thành phố Hồ Chí Minh và Bình Định về trồng lấy vật liệu ban đầu.

* Tiến hành nhân giống bằng cách:

Chọn cành bánh tẻ, cắt thành từng đoạn dài 10-15cm, cắt bỏ bớt lá ở phần gốc và xử lý kích thích ra rễ, có thể dùng n3m: 20mg/8lít nước, ngâm cành trong 10 phút.

- Sau khi xử lý thuốc, đem giâm cành trên luống đất đã được định sẳn hay giâm vào túi nilon, có đục lỗ, bên trong có chứa hổn hợp ruột bầu là đất mùn và phân chuồng hoai mục. Sử dụng giá thể được sản xuất từ vật liệu tro trấu, xơ dừa qua xử lý chế phẩm sinh học, tạo độ thông thoáng cho hệ rễ hình thành và nhanh phát triển. Đem bầu giâm vào nơi râm mát hoặc che nắng cho luống giâm.

- Thường xuyên tưới nước đủ ẩm cho đất và phun nước dạng sương mù, tạo ẩm độ không khí cao để đạt tỷ lệ sống cao.

- Sau khi cành giâm đã ra rể cấp 2 cây có 10 lá mới tiến hành đem trồng.

* Trồng thử nghiệm - Kỹ thuật trồng, chăm sóc

- Cây Hồng Lộc có thể trồng trên nhiều loại đất, nhưng tốt nhất là đất cát pha, phù sa, giá thể, đất thịt có bón thêm phân hữu cơ.

- Không nên trồng trên đất thịt nặng pha sét, đặc biệt là đất nhiễm mặn, nhiễm phèn.

- Nguồn nước tưới cũng không nên nhiễm mặn, nhiễm phèn.

- Dọn sạch cỏ rác cây, xới đất cho thông thoáng tơi xốp, phơi ải đất 5-7 ngày để hạn chế mầm móng sâu bệnh. Đối với giá thể thì bỏ qua giai đoạn này.

- Thiết kế luống theo hướng Bắc Nam, để tăng cường ánh sáng mặt trời cho cây, luống rộng 1-1,2m, cao 0,2- 0,25cm, cách nhau 0,5m, chiều dài khoảng 10-12m (tùy điều kiện thực địa cho phép).

- Bón lót: Sau khi lên luống, bón lót bằng phân chuồng hoai mục, trộn với tro trấu theo tỷ lệ 1:2, bằng cách rải một lớp hỗn hợp phân này dày khoảng 3-4cm, sau đó xới nhẹ để trộn phân vào đất.

- Bón thúc có nhiều cách, nhưng nên bón theo hai cách sau:

+ Rải phân xung quanh gốc cây, mỗi gốc 1 muỗng canh phân NPK (loại 20:20:15), sau đó tưới nước để phân tan và ngấm dần xuống đất. Thời gian bón 1-1,5 tháng 1 lần.

+ Cách thứ 2: Dùng 1 muỗng phân NPK loại trên ngâm trong 10 lít nước tưới vừa đủ ẩm cho đất mặt luống, khoảng 3-4 tuần tưới 1 lần. Chú ý: Tưới xong phải tưới rửa nhẹ lá bằng nước sạch.

- Sau khi cành giâm đã ra rể cấp 2 cây có 10 lá mới tiến hành đem trồng.

Khoảng cách trồng: 30cm x 30cm

- Sau trồng phải thường xuyên tưới nước giữ ẩm cho cây ngày 2 lần vào buổi sáng sớm và chiều mát, tốt nhất là có bình tưới vòi hoa sen.

- Làm cỏ xới xáo kết hợp bón thúc cho cây cho đất không bị rẽ đất, bí nước định kỳ 1lần/1 tháng. Đối với cây trồng trên giá thể thì số lần làm cỏ bón phân thấp hơn so với cây trồng trên nền đất là 1/3.

- Thường xuyên kiểm tra cây để phát hiện và phun thuốc diệt kịp thời sâu bệnh hại như: Sâu ăn lá, rầy mềm, nhện đỏ, bệnh khô cành, rĩ sắt, khô lá,...

1.1.2. Cây Địa Lan

* Cây Địa Lan được tuyển chọn, nhập từ thành phố Hồ Chí Minh và Bình Định về trồng, chăm sóc lấy vật liệu ban đầu.

* Tiến hành nhân giống bằng cách tách bụi trồng.

- Đối với Địa Lan người ta thường áp dụng phương pháp tách bụi vào đầu mùa mưa để trồng vào khoảng tháng 8 đến tháng 9.

* Trồng thử nghiệm - Kỹ thuật trồng, chăm sóc:

- Cây Địa Lan có thể trồng trên đất cát pha, đất thịt nhẹ kết hợp với bón phân chuồng tro trấu, rác bụi, rác mục, đất tơi xốp sạch bệnh. Điều kiện thuận tiện trồng trên giá thể là tốt nhất.

- Sau khi tách bụi từ cây mẹ có thể cắt bớt lá trên cây trước khi trồng, đất trồng chuẩn bị kỹ, đủ dinh dưỡng và đủ ẩm, đất lên luống cao 0,2- 0,25m, rộng 1-1,2m. Trồng với khoảng cách 0,2 - 0,3m, mỗi khóm trồng 1-2 xỉa hành, ngay sau khi trồng phải tưới nước đủ ẩm, duy trì tưới thường xuyên 2 lần trên ngày. Từ khi trồng đến khi cây phục hồi ít nhiều bị ảnh hưởng nên phải che chắn vào những ngày nắng to. Đặc điểm này của cây Địa Lan là ưa ẩm nên bố trí trồng trong hệ thống nhà lưới, có hệ thống phun sương là tốt nhất.

- Cây hoa Địa Lan có thể trổ bông quanh năm, hoa rất lâu tàn.

- Bón phân và chăm sóc:

+ Sự ra hoa của các giống địa lan phụ thuộc rất nhiều vào chế độ bón phân, trong quá trình trồng nên tăng cường bón thúc cho hoa. Thời kỳ cây còn nhỏ: thời kỳ này cây cần N để phát triển cành lá nên bón nhiều N, dùng NPH tỷ lệ 3:1:1.

+ Thời kỳ cây trưởng thành: NPK tỷ lệ 1:3:1.

+ Thời kỳ cây ra hoa: 1:1:3.

+ Thường xuyên đảm bảo cho cây đủ ẩm.

+ Làm sạch cỏ dại kết hợp bón thúc.

+ Để điều khiển cho hoa ra đúng dịp tết tập trung bón P,K trước 1-2 tháng để cây thúc quá trình phân hóa mầm hoa, tăng số lượng hoa. Sau đó bón N để cây phục hồi.

1.1.3. Cây hoa Đai Vàng

* Cây hoa Đai Vàng được tuyển chọn, nhập từ thành phố Hồ Chí Minh về trồng lấy vật liệu ban đầu.

* Tiến hành nhân giống bằng cách

Chọn cành bánh tẻ, cắt thành từng đoạn dài 7-10cm, cắt bỏ bớt lá ở phần gốc và xử lý kích thích ra rễ, có thể dùng n3m: 20mg/8lít nước, ngâm cành trong 10 phút.

- Sau khi xử lý thuốc, đem giâm cành trên luống đất đã được định sẳn hay giâm vào túi nilon, có đục lỗ, bên trong có chứa hỗn hợp ruột bầu là đất mùn và phân chuồng hoai mục. Sử dụng hỗn hợp tốt nhất là giá thể được sản xuất từ vật liệu tro trấu, xơ dừa qua xử lý chế phẩm sinh học, tạo độ thông thoáng cho hệ rễ nhanh hình thành và phát triển mạnh. Đem bầu giâm vào nơi râm mát hoặc che nắng cho luống giâm.

- Thường xuyên tưới nước đủ ẩm cho đất và phun nước dạng sương mù, tạo ẩm độ không khí cao để đạt tỷ lệ sống cao.

- Sau khi cành giâm đã ra rể cấp 2, cây có 2 vòng lá mới tiến hành đem trồng.

* Trồng thử nghiệm - Kỹ thuật trồng, chăm sóc

- Cây hoa Đai Vàng có thể trồng trên nhiều loại đất, nhưng tốt nhất là đất cát pha, phù sa, đất thịt có bón thêm phân hữu cơ.

- Không nên trồng trên đất thịt nặng pha sét, đặc biệt là đất nhiễm mặn, nhiễm phèn.

- Nguồn nước tưới cũng không bị nhiễm mặn, nhiễm phèn.

Dọn sạch cỏ rác cây, xới đất cho thông thoáng tơi xốp, phơi ải đất 5-7 ngày để hạn chế mầm móng sâu bệnh. Đối với giá thể thì bỏ qua giai đoạn này.

Thiết kế luống theo hướng Bắc Nam, để tăng cường ánh sáng mặt trời cho cây, luống rộng 1-1,2m, cao 0,2- 0,25cm, cách nhau 0,5m, chiều dài khoảng 10-12m (tùy điều kiện thực địa cho phép).

- Bón lót: Sau khi lên luống, bón lót bằng phân chuồng hoai mục, trộn với tro trấu theo tỷ lệ 1:2, bằng cách rải một lớp hỗn hợp phân này dày khoảng 3-4cm, sau đó xới nhẹ để trộn phân vào đất.

- Bón thúc có nhiều cách, nhưng nên bón theo hai cách sau:

+ Rải phân xung quanh gốc cây, mổi gốc 1 muỗng canh phân NPK (loại 20:20:15), sau đó tưới nước để phân tan và ngấm dần xuống đất. Thời gian bón 1-1,5 tháng 1 lần.

+ Cách thứ 2: Dùng 1 muỗng phân NPK loại trên ngâm trong 10 lít nước tưới vừa đủ ẩm cho đất mặt luống, khoảng 3-4 tuần tưới 1 lần. Chú ý: Tưới xong phải tưới rửa nhẹ lá bằng nước sạch.

- Sau khi cành giâm đã ra rể cấp 2 cây, có 2 vòng lá mới tiến hành đem trồng.

Khoảng cách trồng: 30cm x 30cm

- Tưới nước giữ ẩm cho cây ngày 2 lần vào buổi sáng sớm và chiều mát, tưới 1 tuần đầu sau trồng.

- Làm cỏ xới xáo kết hợp bón thúc cho cây cho đất không bị rễ đất, bí nước. Đối với cây trồng trên giá thể thì số lần làm cỏ bón phân thấp hơn so với cây trồng trên nền đất là 1/3. Để tăng số lượng hoa, tạo màu sắc và tăng độ bền của hoa, trước thời hoa nở 1 tháng bón thúc cho cây bằng phân NPK tỷ lệ 1:3:1.

- Thường xuyên kiểm tra cây để phát hiện và phun thuốc diệt kịp thời sâu bệnh hại như: Sâu ăn lá, rầy mềm, loét thân, lá...

1.2. Giải pháp công nghệ

- Sản xuất giá thể: 50%Tro trấu (đốt không hoàn toàn) + 50% xơ dừa - sử dụng phân hữu cơ sinh học phun xử lý + nước vôi pha nồng độ 5- 10% (định kỳ 3 ngày phun 1 lần) - phủ bạt kín ủ - sau 10 ngày đem sử dụng như trên nền đất.

- Mỗi công thức phun xử lý phân hữu cơ sinh học sẽ được áp dụng cho mỗi công thức theo dõi ngẫu nhiên trên các giống hoa, cây cảnh để tiến hành xác định được công nghệ phun thích hợp cho ươm trồng các giống hoa cây cảnh (đối với Địa Lan và Đai Vàng phun phân hữu cơ sinh học giá thể nồng độ 5%, còn Hồng lộc phun xử lý giá thể 10%)

1.3. Theo dõi đánh giá

Mỗi công thức theo dõi 45 cây ngẫu nhiên theo hình chéo gốc, với 3 lần nhắc lại (mỗi lần nhắc lại theo dõi 15 cây).

Theo dõi các chỉ tiêu sau đây:

* Diễn biến khí hậu qua các tháng.

* Thời gian sinh trưởng qua các giai đoạn của các giống hoa:

- Thời gian từ khi trồng đến xuất hiện lá mới (ngày)

- Thời gian từ khi trồng đến ra hoa (ngày).

- Thời gian từ khi trồng đến khi hoa cuối cùng tàn (ngày).

* Các đặc tính liên quan đến giá trị thẩm mỹ, thương mại:

- Đối với lá: Số lá trên cây (lá) khi xuất hiện lá đầu tiên sau trồng.

- Đối với hoa:

+ Đường kính hoa (cm).

+ Màu sắc, độ bền của hoa (ngày): Tính thời gian từ khi xuất hiện nụ đến khi hoa bắt đầu tàn (đài hoa bắt đầu héo).

+ Chiều cao cành (từ điểm phân cành đến đỉnh sinh trưởng)

* Các đặc tính liên quan đến khả năng nhân giống:

- Số cành trên thân chính (cành).

- Tốc độ phân cành (ngày): cành có từ 3- 5 lá trở lên gọi là một cành.

- Theo dõi tình hình nhiễm sâu bệnh và ảnh hưởng của điều kiện ngoại cảnh đến sự phát triển của giống hoa.

- Theo dõi khả năng sinh trưởng phát triển của các loài cây được ươm trồng trên giá thể, theo dõi các chỉ tiêu như các loài cây đề xuất thí nghiệm.

* Phương pháp theo dõi và xử lý số liệu:

- Phương pháp theo dõi: Đánh giá bằng mắt thường, đo, đếm, ghi chép số liệu, theo dõi thường xuyên và ứng dụng khoa học và công nghệ để tác động sự phát triển của các giống hoa cụ thể:

+ Theo dõi định kỳ 7 ngày/lần cho các chỉ tiêu: tốc độ phát triển cành, lá.

+ Định kỳ 1 ngày/lần cho chỉ tiêu về đường kính hoa, độ bền của hoa.

+ Các chỉ tiêu và nhân giống: Số cành bánh tẻ đem giâm, số củ tách được đem trồng (tỷ lệ sống sau quá trình đem nhân với số cây nhân được gọi là hệ số nhân giống)

+ Theo dõi tình hình nhiễm sâu bệnh.

- Dụng cụ đo đếm: Thước sắt.

* Xử lý số liệu: Tính trị số trung bình của các cá thể (giống hoa, số cành, số hoa...).

II. Kết quả triển khai thực hiện

2.1. Các giải pháp tổ chức thực hện

* Nhân sự và quy trình triển khai mô hình

Ban quản lý mô hình gồm: Ban giám đốc, trưởng phòng KHKT, Tài vụ và cán bộ kỹ thuật đội

Mô hình cung ứng vật tư (giống, củ, vật liệu sản xuất giá thể, phân bón các loại...), chỉ đạo kỹ thuật, lịch sản xuất và quy trình kỹ thuật.

Cán bộ kỹ thuật và các chuyên gia trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật tại chỗ cho cán bộ kỹ thuật đội, tổ và công nhân sản xuất trực tiếp.

Đội vườn ươm là đơn vị sản xuất, thực hiện các khâu từ tiếp nhận vật tư, xử lý, ươm trồng thử nghiệm các loại cây trên giá thể. Làm đất, chăm sóc, ươm, nhân giống, trồng và chuẩn bị các bước đầy đủ để đưa cây giống ra trồng đại trà trên khu vực.

Cung ứng giống, vật tư: cây giống, củ giống, phân bón được cung ứng đầy đủ theo dự toán.

2.2. Giải pháp về vốn

Tổng kinh phí thực hiện: 109.127.000 đồng

- Nguồn sự nghiệp KH&CN tỉnh: 86.064.000 đồng

- Nguồn CỦA tổ chức, cá nhân: 22.063.000 đồng



2.3. Khả năng nhân rộng mô hình

Thông qua mô hình chúng tôi tiến hành tập huấn cho cán bộ công nhân viên, đồng thời in ấn tài liệu phát tay thông qua các khóa học thi nâng bậc thợ cho công nhân trực tiếp sản xuất.

Khuyến cáo nên nhân rộng mô hình bằng cách tuyên truyền in ấn tài liệu phát tay cho mọi người cùng tham khảo quy trình sản xuất giá thể lên nữa nhằm đáp ứng nhu cầu không chỉ mảng hoa cây cảnh mà còn ứng dụng để sản xuất một số loài rau thương phẩm phục vụ trong nông nghiệp là rất tốt, hạn chế được diện tích đất, tránh hiện tượng khai thác kiệt nguồn dinh dưỡng trong đất, đồng thời tận dụng được phụ phế phẩm trong nông nghiệp, hạn chế tác động ảnh hưởng xấu đến môi trường thông qua việc bón phân hóa chất và thuốc BVTV.

*Kết quả thực hiện về đối tượng triển khai

- Cây Hồng Lộc: Tên khoa học Redbud họ đậu - Legume, pea. Cây có nguồn gốc từ Singapore: Là cây thân bụi, cây có tán đẹp, thân mọc thẳng cao có thể lên đến 1,7m. Lá đơn mọc đối xứng, lá non có màu đỏ hồng rất đẹp phổ biến dùng để sử dụng làm cây chủ đạo trang trí, lá già có màu xanh đậm, tốc độ phân cành mạnh. Cây thích hợp điều kiện khí hậu nóng ẩm.

- Cây Địa Lan: Tên khoa học Hippeastrumequestre herb Họ Thủy tiên - Amaryllidaeae. Có nguồn gốc từ Châu mỹ: Mehicô, Chi lê đến Brazin. Cây thân cỏ, rể củ và thân mọc thẳng cao 25 - 40cm. Lá hình dải hẹp dài khoảng 10cm, màu xanh đậm, mọc lên đến đỉnh thân. Cụm hoa ở nách lá phía đỉnh dạng hình câu, rộng khoảng 2cm, màu tím với các hoa nhỏ dạng ống dài mảnh. Cây ưa khí hậu ẩm.

- Cây Đai Vàng: Tên khoa học Allamanda cathatia L thuộc họ Trúc đào. Cây hoa Đai Vàng (dây huỳnh). Cây hoa thân leo, có thể tạo thành bụi, khóm. Cây Đai Vàng có tên là dây Huỳnh cách thường gọi của người Miền trung. Hoa Đai Vàng có màu vàng rực và không thơm, hoa mọc thành xim ở ngọn rủ xuống. Thân cây vươn dài, song không quá dài, ít bóng râm. Hoa nở quanh năm. Cây yêu cầu đất không chặt, có thể trồng rên giá thể, có nhiều ánh sáng, ẩm. Cây nhân giống bằng giâm cành bánh tẻ vào mùa xuân hoặc thu, có thể chiết vin tức là vin cành xuống lấp đất nuôi cho ra rể.

III. Kết quả đạt được

3.1. Sản xuất giá thể

Số lượng sản xuất được: 200m3.

Cây trồng sinh trưởng phát triển tốt như trên nền đất, hạn chế được sử dụng thuốc BVTV, tiết kiệm lượng phân bón cho cây, tận dụng được phụ phế phẩm trong nông nghiệp, giảm trọng trong quá trình vận chuyển phục vụ trang trí lễ hội.

Rút ra được quy trình phù hợp cho mỗiloại cây trồng. Ví dụ: đối với Cây Hồng Lộc nồng độ phun chế phẩm sinh học cao (10%), còn đối với cây hoa Địa Lan và Đai Vàng phun xử lý chế phẩm sinh học 5%.



3.2. Cây Hồng Lộc

* Kỹ thuật tác động:

Sử dụng thuốc kích thích ra rể để giâm cành, trồng trên giá thể, chăm sóc.

*Sản phẩm thu được:

Số cây đưa vào trồng làm vật liệu ban đầu: 200 cây. Qua quá trình nhân giống, trồng thử nghiệm đã ươm trồng sản xuất, đưa ra trồng trên các dải phân cách Lộc Đại, công viên Tam Tòa: 900 cây.

Số lượng cây ươm trồng được khi kết thúc mô hình: 1.500 cây.



3.3. Cây Địa Lan

* Kỹ thuật tác động: Tách củ trồng trên nền giá thể phun xử lý phân sinh học 5%, chăm sóc như đối với cây trồng trên nền đất.

* Sản phẩm thu được:

- Với số cây đưa về làm vật liệu ban đầu là 300 cây, sau quá trình thực hiện mô hình đã nhân lên được 1000 cây.

- Số lượng được ươm trồng: 1000 cây.

3.4. Cây Hoa Đai Vàng

* Kỹ thuật tác động: Sử dụng thuốc kích thích ra rể giâm cành, trồng trên nền giá thể xử lý phân sinh học nồng độ 5%, trồng, chăm sóc như trên nền đất.

* Số lượng cây đưa về làm vật liệu giống là 667 cây. Sản phẩm thu được từ mô hình là: 1200 cây.

IV. Hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường

4.1. Hiệu quả kinh tế

* Giá thể:

1. Chi phí sản xuất tại chỗ: 230.372 đồng/ m3 x 200m3 = 46.074.400đ

2. Chi phí mua 1m3 từ Bình Định về: 350.000đ/m3 x 200m3 = 70.000.000đ

3. Tiết kiệm được (2-1) = 23.925.600đ



* Cây Hồng Lộc (chiều cao 40cm):

1. Chi phí sản xuất tại chỗ: 30.319 đồng/cây x 900cây = 27.287.100đ

2. Chi phí mua cây ở Bình Định (chưa kể vận chuyển):

80.000đồng/ cây x 900 cây = 72.000.000đ

3. Tiết kiệm được (2-1): 44.712.900đ

* Cây Địa Lan:

1. Chi phí sản xuất tại chỗ: 18.018 đồng/cây x 1000 cây = 18.018.000đ

2. Chi phí mua cây ở Bình định (chưa kể vận chuyển):

25.000đồng/cây x 1000 cây = 25.000.000đ

3. Tiết kiệm được (2-1): 6.982.000đ.

* Cây Đai Vàng:

1. Chi phí sản xuất tại chỗ: 20.300 đồng/cây x 675 cây = 13.702.500đ

2. Chi phí mua cây ở Bình định (chưa kể vận chuyển):

25.000đồng/ cây x 675 cây = 16.875.000đ.

3. Tiết kiệm được( 2-1): 3.172.500đ.

Các sản phẩm từ mô hình chỉ mới cung ứng phục vụ cho mảng xanh của thành phố, chưa được bán rộng rãi trên thị trường. Tuy nhiên, qua mô hình Trung tâm đã tiết kiệm được nguồn ngân sách là: I + II + III + IV = 78.793.000đ.



4.2. Hiệu quả xã hội và môi trường

Sản xuất giá thể nhằm tận dụng được phụ phế phẩm từ nông nghiệp, hạn chế rác thải ảnh hưởng đến môi trường sống, đồng thời xác định được quy trình hợp lý trong khâu chăm sóc các giống hoa.

Môi trường cảnh quan đô thị được tạo lập bởi cây xanh, hoa cây cảnh, các công viên vườn hoa, thảm cỏ và dải xanh.

Đảm bảo vừa phát triển kinh tế vừa bảo vệ môi trường, tăng cường cảnh quan đô thị thành phố Đồng Hới, hạn chế sự tác động của thiên nhiên đến môi trường sống.



KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

1. Kết luận

Tiến hành sản xuất giá thể, tìm ra được những công thức tác động thích hợp cho từng loại cây trồng.

Du nhập, nhân giống bằng phương pháp vô tính (giâm hom, tách củ). Tuy số lượng nhân giống chưa nhiều nhưng đã nắm bắt được kỹ thuật nhân, kỹ thuật tác động thích hợp, thời điểm cho hoa để đưa phục vụ trồng trên địa bàn thành phố.

Thời điểm tiến hành trồng, nhân giống quanh năm, nhưng tốt nhất là vào vụ xuân hè, cây có tỷ lệ sống cao, cây sinh trưởng phát triển tốt hơn vụ hè thu.



2. Kiến nghị

Tiếp tục đầu tư kinh phí và cơ sở vật chất để nhân rộng mô hình. Nhất là việc triển khai sản xuất cây Hồng Lộc bằng phương pháp giâm hom.

Tạo điều kiện cho Trung tâm thành lập một cơ sở nghiên cứu các loại giống hoa, cây cảnh với quy mô lớn, trang thiết bị hiện đại.

Đề nghị UBND tỉnh, UBND thành phố Đồng Hới đầu tư về cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực sản xuất của Trung tâm để xây dựng Trung tâm Công viên - Cây xanh lớn mạnh đủ sức và đáp ứng nhu cầu chỉnh trang đô thị, góp phần xây dựng thành phố Đồng Hới nói riêng và tỉnh Quảng Bình nói chung xanh, sạch, đẹp và phát triển bền vững.


Tổng thuật: Trần Thị Thu Hiền

tải về 75.33 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương