A. thông tin chung về ĐỀ TÀi chủ nhiệm đề tài



tải về 49.46 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích49.46 Kb.
#30539
NGHIÊN CỨU BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY NHỮNG GIÁ TRỊ VĂN HOÁ CÁC DÂN TỘC VÙNG PHONG NHA - KẺ BÀNG
A. THÔNG TIN CHUNG VỀ ĐỀ TÀI

1. Chủ nhiệm đề tài: TS. Nguyễn Thế Hoàn.

2. Cơ quan chủ trì đề tài: Trường Đại học Quảng Bình.

3. Những cá nhân tham gia thực hiện đề tài: ThS. Lê Thúy Mùi; ThS. Cao Thị Thanh Thuỷ; Cao học. Hoàng Văn Tân; CN. Trần Văn Ninh; CN. Trần Thị Diệu Hồng.

4. Mục tiêu của đề tài:

- Nghiên cứu những giá trị văn hoá của các dân tộc ở vùng Phong Nha - Kẻ Bàng, chủ yếu là các giá trị về văn hoá vật thể và phi vật thể, nhằm giữ gìn bản sắc văn hoá của các dân tộc ở đây trước nguy cơ ngày càng bị mai một.

- Trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá thực trạng, đề tài sẽ đề xuất một số giải pháp cụ thể có tính khả thi nhằm bảo tồn và phát triển văn hoá các dân tộc người vùng Phong Nha - Kẻ Bàng và phục vụ cho các hoạt động du lịch.

- Việc nghiên cứu đề tài sẽ góp phần khẳng định thêm những di sản văn hoá độc đáo của vùng Phong Nha - Kẻ Bàng để không ngừng đẩy mạnh việc khai thác giá trị của di sản thiên nhiên thế giới, phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội văn hoá ở đây.



5. Phương pháp nghiên cứu của đề tài:

- Vận dụng các quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về chính sách dân tộc cũng như những vấn đề lý luận và thực tiễn cấp bách có liên quan đến dân tộc, tộc người ở nước ta và trên thế giới.

- Phương pháp nhất quán, bao quát toàn bộ quá trình nghiên cứu là cách tiếp cận tổng hợp liên ngành. Bên cạnh chú ý đến các chuyên ngành: Lịch sử, dân tộc học, ngôn ngữ học, địa lý học, còn phải kết hợp nhiều chuyên ngành khác như: Văn hoá, tâm lý tộc người, nghiên cứu tổng hợp những vấn đề về kinh tế - xã hội.

- Sử dụng công nghệ phần mềm GIS để quy hoạch phát triển các loại hình du lịch ở vùng Phong Nha - Kẻ Bàng như: Du lịch văn hoá, lịch sử, du lịch làng, bản dân tộc, kết hợp du lịch văn hoá, du lịch sinh thái với du lịch hang động và tham quan các di tích lịch sử bằng một hệ thống bản đồ, sơ đồ, tranh ảnh…

- Sử dụng các phương tiện kỹ thuật hiện đại như: Camera, máy ảnh, băng, đĩa…

- Tiến hành điều tra xã hội học để xem xét việc tiếp nhận một số giá trị văn hoá của dân tộc khác (chủ yếu là dân tộc Kinh) trong đời sống sinh hoạt của các dân tộc ít người ở khu vực này.

6. Những đóng góp của đề tài:

- Nghiên cứu, thống kê và phân loại các di sản văn hoá vật thể và phi vật thể của các dân tộc ít người ở vùng Phong Nha - Kẻ Bàng.

- Dựa trên thực trạng và luận cứ khoa học, đề tài sẽ đề xuất một số giải pháp có tính khả thi nhằm bảo tồn và phát triển văn hoá các dân tộc trong đời sống đương đại, phục vụ cho các hoạt động du lịch và góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở đây.

7. Bố cục của đề tài: Ngoài phần mở đầu và kết luận, đề tài gồm có 03 phần:

- Phần I: Tổng quan về điều kiện tự nhiên - xã hội các dân tộc vùng Phong Nha - Kẻ Bàng.

- Phần II: Nghiên cứu những di sản văn hoá vật thể và phi vật thể của các dân tộc ở vùng Phong Nha - Kẻ Bàng.

- Phần III: Các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá các dân tộc phục vụ cho hoạt động du lịch và phát triển kinh tế - xã hội.



B. NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA ĐỀ TÀI

Phần I

TỔNG QUAN VỀ ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN - XÃ HỘI CÁC DÂN TỘC VÙNG PHONG NHA - KẺ BÀNG

1. Điều kiện tự nhiên.

a. Vị trí địa lý, địa hình.

Đề tài đã đánh giá một cách tổng quát đầy đủ các điều kiện, đặc điểm, vị trí địa lý của tỉnh Quảng Bình.

b. Khí hậu, sông ngòi, thổ nhưỡng và sinh vật.

Đề tài đã tổng quát các điều kiện tự nhiên và sinh vật của vùng đất được nghiên cứu với các đặt điểm cơ bản như: khí hậu, sông ngòi…

2. Điều kiện xã hội.

Đề tài đã giới thiệu các điều kiện xã hội với các phần được đánh giá đặc trưng: Tình trạng dân cư; Tình hình kinh tế các dân tộc vùng Phong Nha - Kẻ Bàng; Tình hình văn hoá, giáo dục, y tế.



Phần II

NGHIÊN CỨU NHỮNG GIÁ TRỊ VĂN HOÁ CÁC DÂN TỘC

VÙNG PHONG NHA - KẺ BÀNG

1. Một số khái niệm.

Đề tài nêu ra một số định nghĩa về di sản văn hóa, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; đã vận dụng định nghĩa bảo tồn văn hoá là giữ lại, không thể mất đi (Từ điển Tiếng Việt).



2. Nghiên cứu các giá trị văn hóa vật thể.

2.1. Nghiên cứu làng, bản dân tộc.

Một giá trị văn hóa của một tộc người được đánh giá cơ bản trên các tiêu chí như trạng thái cư trú, nhà cửa, làng bản. Vì vậy, đề tài đã đánh giá dựa trên các tiêu chí đó với các dân tộc được thể hiện qua: Trạng thái cư trú của người Chứt; Làng, bản của người Bru-Vân Kiều.

2.2. Y phục và trang sức.

Đề tài đã miêu tả những trang phục đặc sắc của cư dân nơi đây, mà cụ thể đó là của người Chứt và Bru-Vân Kiều. Những trang phục và trang sức đã thể hiện quan điểm thẫm mỹ của của mỗi dân tộc và tạo ra những nét văn hóa đặc sắc cho dân tộc đó. Đề tài đã trình bày y phục và trang sức của người Chứt; y phục và trang sức của người Bru-Vân Kiều.

2.3. Công cụ sản xuất và đồ dùng trong sinh hoạt đời sống.

Công cụ sản xuất và đồ dùng thể hiện được trình độ của một bộ phận cư dân, những đồ dùng đó còn gọi là tư liệu sản xuất. Qua các công cụ sản xuất thể hiện được cuộc sống của cư dân đó. Đề tài đã miêu tả và thống kê các loại tư liệu như sau: Công cụ sản xuất và đồ dùng của người Bru-Vân Kiều; công cụ sản xuất kinh tế; đồ dùng sinh hoạt hàng ngày; công cụ sản xuất và đồ dùng của người Chứt; công cụ sản xuất và sinh hoạt của người Rục.

2.4. Nghiên cứu các hình thức ăn, uống, hút.

Trong cuộc sống sinh tồn và phát triển của bất cứ một cộng đồng dân tộc nào, văn hoá ẩm thực cũng đóng một vai trò hết sức quan trọng. Nó không chỉ bảo đảm cho con người về mặt vật chất mà còn thể hiện những giá trị văn hoá độc đáo. Khảo sát đời sống vật chất của đồng bào các dân tộc vùng Phong Nha - Kẻ Bàng, đề tài đã nêu lên các hình thức ăn uống, hút của các tộc người, với các đặc điểm: hình thức ăn, uống, hút của người Chứt; hình thức ăn, uống, hút của người Bru-Vân Kiều.

3. Nghiên cứu các giá trị văn hóa phi vật thể.

3.1. Văn học dân gian.

Văn học dân gian của các cộng đồng người dân tộc người này hết sức phong phú và đa dạng. Đề tài đã liệt kê và tổng quát từng dân tộc: Văn học dân gian người Chứt; văn học dân gian người Bru-Vân kiều.

3.2. Nghệ thuật dân gian.

a. Nghệ thuật dân gian người Chứt.

Nghệ thuật dân gian người Chứt được thể hiện qua lời ca dịu ngọt, mang giai điệu trầm lắng, đi vào tâm thức của con người, phản ánh tình yêu lao động, yêu tự do và tình yêu lứa đôi tha thiết. Nổi bật là các làn điệu như: Làn điệu Kà tơm - tà lênh, yêu quê hương đất nước, yêu lao động, tình yêu nam nữ…

b. Nghệ thuật dân gian người Bru-Vân Kiều.

Nghệ thuật dân gian của người Bru-Vân Kiều khá đa dạng. Đề tài đã miêu tả và ghi chép lại đầy đủ. Trong đó, dân ca của người Vân Kiều có nhiều thể loại như Prơdoạc, Oát, A dâng con... Mỗi làn điệu như vậy thường được sử dụng và biểu hiện trong những bối cảnh khác nhau.

3.3. Các loại nhạc cụ.

a. Các loại nhạc cụ của người Bru-Vân Kiều.

Cũng như nhiều dân tộc khác, các loại nhạc cụ phục vụ cho đời sống tinh thần của dân tộc Bru-Vân Kiều cũng đa dạng và phong phú, có thể kể đến như: Kèn Khsui, kèn Ta râm, kèn Amam, kèn Pi, đàn Achung, đàn môi Chiêng núm, thanh la, trống...

3.4. Các lễ hội truyền thống của các dân tộc.

Lễ hội là hình thức văn hóa cổ truyền, luôn gắn liền với cộng đồng dân cư nói chung và cư dân nông nghiệp nói riêng, nhằm hướng tới sự hòa hợp giữa con người với nhau và với tự nhiên. Lễ hội là nơi phản ánh ước vọng cũng như sự cung thỉnh của con người đến các đấng thần linh về một cuộc sống an lành no đủ.

3.5. Phong tục tập quán.

a. Phong tục tập quán của người Bru-Vân Kiều.

Đề tài đã miêu tả và thống kê các luật tục tập quán của người Bru-Vân Kiều qua các mục: Các nghi lễ trong hôn nhân của người Vân Kiều; tục lễ cưới hỏi của người Ma Coong; phong tục trong quan hệ hôn nhân; phong tục tang ma của người Ma Coong.

b. Phong tục tập quán của người Chứt.

Cũng như dân tộc Bru-Vân Kiều, đề tài đã điều tra thống kê các tập quán của người Chứt trong hôn nhân và gia đình; tang ma của người Chứt; tục sinh đẻ theo ý muốn của người Rục; tục thích sinh con gái, lễ “bỏ của” và lễ cúng của người A Rem.

3.6. Tôn giáo tín ngưỡng.

Phần này đề tài đã thống kê, miêu tả lại các tập tục của các dân tộc có trên địa bàn. Cụ thể: Tôn giáo tín ngưỡng của người Chứt với các quan niệm riêng: Cõi sống và cõi chết trong quan niệm của người Chứt; các nghi thức thờ cúng; các hình thức ma thuật.

Tôn giáo tín ngưỡng của người Bru-Vân kiều: Tục thờ cúng của người Vân Kiều; thờ cúng ông bà tổ tiên của người Khùa; tín ngưỡng ma thuật; tín ngưỡng Tôtem (vật tổ); thờ thần bản mệnh; tục thờ cúng của người Ma Coong.

3.7. Các luật tục.

Trong phần này đề tài tập trung miêu tả hệ thống luật tục được xem là chuẩn mực, điều tiết quan niệm, hành vi của từng tộc người liên quan đến thiết chế xã hội như: Luật tục của người Chứt; luật tục của người Bru-Vân Kiều; luật tục liên quan đến tang ma; luật tục trong quan hệ hôn nhân; luật tục về các mối quan hệ trong gia đình; luật tục trong việc xác định quyền sở hữu, quan hệ sở hữu đối với tài nguyên rừng; luật tục trong việc xác định quyền và quan hệ sở hữu đối với tài nguyên đất đai; luật tục trong việc xác định quyền và quan hệ sở hữu đối với tài nguyên sông suối; luật tục trong khai thác và bảo vệ đất trong chăn nuôi.

3.8. Tổ chức cộng đồng.

Phần này đề tài đánh giá tổ chức hành chính của các dân tộc như: Tổ chức xã hội, cơ cấu xã hội, quan hệ dòng họ, tổ chức xã hội của người Bru-Vân Kiều, cơ cấu xã hội, quan hệ dòng họ, quan hệ xã hội.

3.9. Nghiên cứu tri thức bản địa của các dân tộc.

a. Tri thức bản địa của người Bru-Vân Kiều.

- Lịch sản xuất.

- Chu kỳ sản xuất nương rẫy.

- Phát, cốt, đốt, trĩa.

- Chăm sóc rẫy.

- Công việc thu hoạch.

- Kinh nghiệm bắt cá bằng cây thuốc của người Ma Coong .

- Kinh nghiệm bắt cá của người Ma Coong bằng chi ruốc.

b. Tri thức bản địa của người Chứt.

Ruộng nước và ruộng vãi (roọng nác, roọng vãi), nương rẫy (roọng), hái lượm, săn bắn, đánh bắt cá, chăn nuôi và các nghề phụ gia đình. Kỹ thuật đánh ong của người Rục; cách lấy lửa của người Rục; thổi, đánh ong lấy mật của người Mày; nghề bắt én của người A Rem…


Phần III

CÁC GIẢI PHÁP BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY NHỮNG GIÁ TRỊ VĂN HOÁ CÁC DÂN TỘC

1. Nhận xét tổng quát kết quả điều tra xã hội học.

Đối tượng điều tra bao gồm: Đồng bào của dân tộc, học sinh, thanh niên, già làng, trưởng bản, bộ đội biên phòng, các nhà quản lý… từ dưới 18 tuổi đến trên 50 tuổi. Nhóm điều tra tiến hành trong 6 tháng, trên một địa bàn khá rộng và phức tạp. Tổng số phiếu điều tra là 500 phiếu đã được thực hiện và đã kiểm tra đúng thể thức.

* Nhận xét chung:

Với kết quả khảo sát, điều tra và phân tích ở trên, đề tài đã rút ra một số nhận xét:

- Tuyệt đại đa số người được điều tra thừa nhận các giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc ở Phong Nha - Kẻ Bàng hiện nay đã bị mai một đi rất nhiều. Trong số những người biết sử dụng và biết một chút thì phần lớn là người lớn tuổi khoảng gần 70%. Có thể nói, đây là một nguy cơ báo động khiến cho các loại hình văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc ở đây khó có thể bảo tồn, phát triển được và sẽ mất dần theo thời gian.

- Kết quả điều tra cho thấy, xu hướng đồng nhất hoá và bản địa hoá các loại hình văn hoá truyền thống như trang phục, ăn uống, nhà ở, phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc ở Phong Nha - Kẻ Bàng cùng song hành tồn tại. Nhìn chung, đồng bào các dân tộc ở đây đều mong muốn duy trì các truyền thống văn hoá bản địa nhưng trong thực tế các giá trị đó dần bị mai một và khó có thể phát triển một cách có hiệu quả.

Đây là những cơ sở khoa học đáng tin cậy và với những thông tin đã được lượng hoá, cho phép các nhà nghiên cứu tránh được những nhận định cảm tính về các giá trị văn hoá đang hiện hữu của các dân tộc ở Phong Nha - Kẻ Bàng.

2. Các giải pháp bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa các dân tộc.

- Nhóm giải pháp bảo tồn các giá trị văn hoá trong đời sống đương đại.

- Nhóm giải pháp phát huy các giá trị văn hoá phục vụ cho hoạt động du lịch và góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
KẾT LUẬN

Đề tài nghiên cứu bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá của các dân tộc được tiến hành trên một địa bàn khá đặc biệt - Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng - Di sản thiên nhiên thế giới, một khu vực Karst trẻ, rộng lớn khoảng 200.000ha và điển hình không chỉ ở Việt Nam mà còn của cả nhân loại. Ngoài những giá trị mang tính toàn cầu như: Địa mạo, địa chất, danh thắng, đa dạng sinh học, ở đây còn chứa đựng nhiều giá trị văn hoá hết sức đồ sộ và độc đáo; trong đó văn hoá tộc người chiếm một vai trò quan trọng.

Song trên nền cảnh ấy, văn hoá tộc người được thể hiện một cách đa dạng và phong phú. Qua tìm hiểu, khảo sát và nghiên cứu đời sống văn hoá của các dân tộc Chứt, Bru-Vân Kiều, chúng ta đã có một bức tranh toàn cảnh đầy sống động về văn hoá vật thể và văn hoá phi vật thể của các tộc người Sách, Rục, Mày, Arem, Vân Kiều, Ma Coong, Khùa, Trì, Mường...

Bên cạnh những nét văn hoá đẹp, chúng ta cũng cần cảnh báo rằng sắc thái văn hoá tộc người ở đây đang dần bị lãng quên, do ảnh hưởng của nền kinh tế lạc hậu, sự giao lưu ảnh hưởng văn hoá ngoại lai và các tác động khác. Vì thế ngày nay, tục hát dân ca của người Sách, người Mày, điệu múa của người Vân Kiều, Ma Coong không còn phổ biến nữa, người ta đã dần quên lãng nó và thay thế bằng các hình thức ca nhạc hiện đại, đa số thanh niên thích nhạc xanh, nhạc rock, nhạc vàng mà quên đi những câu hát “Cà tơm, tà lênh” của ông cha để lại. Cộng thêm vào đó là các hủ tục mê tín dị đoan, cúng ma, yểm bùa, tục cưới hỏi nặng nề tốn kém vẫn còn phổ biến. Đó là những mảng tối văn hoá cần phải được khắc phục và loại bỏ trong đời sống văn hoá các dân tộc ở đây.

Từ những kết quả nghiên cứu các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể của đồng bào dân tộc vùng Phong Nha - Kẻ Bàng, đề tài đã có những nhận xét sau:

- Mặc dù trong điều kiện thiếu thốn, lạc hậu nhưng các dân tộc vùng Phong Nha - Kẻ Bàng đã để lại một kho tàng văn hoá hết sức phong phú và đa dạng, kể cả nội dung lẫn loại hình. Bên cạnh các loại hình văn hoá đang còn hiện hữu thể hiện bản sắc của từng tộc người còn có những loại hình văn hóa pha trộn giữa các tộc người với nhau, có những thể loại văn hoá khó có thể phân biệt một cách rạch ròi.

- Thực tế cho thấy, nhiều giá trị văn hoá của đồng bào dân tộc ở đây bị mai một đi rất nhiều, có những lĩnh vực chỉ còn lại trong tâm trí của con người, có những lĩnh vực đang tồn tại nhưng không có điều kiện để thực thi và nếu có cũng rất hạn chế.

Từ sự phân tích thực trạng đời sống văn hoá của các dân tộc và các luận cứ khoa học, đề tài đã đề xuất một nhóm giải pháp có tính khả thi nhằm bảo tồn và phát triển những giá trị văn hoá các dân tộc trong đời sống đương đại, phục vụ cho hoạt động du lịch và góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng, nhóm giải pháp xây dựng làng bản văn hoá sinh thái bền vững ở khu vực này.

Tuy nhiên thực tế chứng minh rằng, trong điều kiện giao lưu kinh tế - xã hội như hiện nay, việc tiếp tục gìn giữ những giá trị văn hoá đó lại là điều không dễ. Cuộc sống hiện tại với các mối quan hệ ngày càng mở rộng hơn trên tất cả các lĩnh vực đang từng ngày từng giờ làm suy yếu nền tảng văn hoá truyền thống của các tộc người ở khu vực này cả bình diện văn hoá vật chất và văn hoá phi vật chất.

Sẽ còn nhiều vấn đề cần được nghiên cứu tiếp theo để làm rõ hơn bản sắc văn hoá của các dân tộc ở vùng Phong Nha - Kẻ Bàng như vấn đề nguồn gốc và quá trình phát triển tộc người, những đặc trưng văn hoá, ngôn ngữ và chữ viết dân tộc. Hy vọng rằng đó là những bài toán sẽ tìm được lời giải trong nay mai.


Tổng thuật: Tạ Trung Nghĩa

tải về 49.46 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương