ĐƯa môn sở HỮu trí tuệ VÀo chưƠng trình đÀo tạo tại các trưỜng đẠi học là MỘT ĐÒi hỏi thiết yếu trong thời kỳ HỘi nhậP



tải về 113.51 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu07.02.2018
Kích113.51 Kb.
#36196
ĐƯA MÔN SỞ HỮU TRÍ TUỆ VÀO CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO TẠI CÁC

TRƯỜNG ĐẠI HỌC LÀ MỘT ĐÒI HỎI THIẾT YẾU TRONG THỜI KỲ HỘI NHẬP

Tôn Thất Hoàng Hải
Giảng viên Khoa QTKD – Trường ĐH Nguyễn Tất Thành
Trưởng Ban Quản trị Tài sản trí tuệ RESCUE Co.,Ltd


Ngày nay, sở hữu trí tuệ (SHTT) chiếm một tỉ trọng đa số trong giá trị của các công ty lớn. Theo một nghiên cứu nhiều ngành công nghiệp tại Mỹ năm 2009, vốn trí tuệ: bao gồm các bằng sáng chế, bản quyền, thương hiệu, và kiến thức tổ chức, chiếm tới 44% giá trị thị trường của các công ty. Rõ ràng, những công ty này không muốn đặt quyền SHTT của mình trước nguy cơ bị bào mòn hay bị ăn cắp trắng trợn; họ muốn kinh doanh ở những nơi họ có thể yên tâm rằng quyền SHTT của mình được an toàn.

  1. Sở hữu trí tuệ là gì?

Theo Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) và Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS) quy định rằng sở hữu trí tuệ bao gồm các quyền đối với: (1) quyền tác giả và quyền liên quan; (2) sáng chế; (3) nhãn hiệu ; (4) kiểu dáng công nghiệp; (5) chỉ dẫn địa lý; (6) bảo hộ chống cạnh tranh không lành mạnh; (7) giống cây trồng; (8) mạch tích hợp bán dẫn; (9) bí mật thương mại và (10) thông tin bí mật.

Sở hữu trí tuệ bao gồm ba nhóm: nhóm quyền tác giả (bản quyền tác giả), nhóm sở hữu công nghiệp (quyền sở hữu công nghiệp) và giống cây trồng (Điều 3 Luật SHTT 2005).

Các đối tượng SHTT được Nhà nước bảo hộ bao gồm: (1) Đối tượng quyền tác giả: Tác phẩm văn học, nghệ thuật và tác phẩm khoa học; đối tượng liên quan đến quyền tác giả như: cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá. (2) Đối tượng quyền sở hữu công nghiệp: Sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh, tên thương mại, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn và (3) Đối tượng quyền đối với giống cây trồng: Giống cây trồng và vật liệu nhân giống.

Bất cứ khi nào một sản phẩm mới vào thị trường và thu hút khách hàng thành công, không sớm thì muộn sẽ bị đối thủ cạnh tranh sản xuất các sản phẩm giống hoặc tương tự. Trong một số trường hợp, đối thủ cạnh tranh sẽ hưởng lợi từ việc tiết kiệm về quy mô sản xuất, khả năng tiếp cận thị trường lớn hơn, có quan hệ tốt hơn với các nhà phân phối chính hoặc tiếp cận với các nguồn nguyên liệu thô rẻ hơn và do đó, có thể sản xuất một sản phẩm tương tự hoặc giống hệt với giá thành rẻ hơn, tạo áp lực nặng nề lên nhà sáng tạo ra sản phẩm hoặc dịch vụ nguyên gốc. Đôi khi, điều này sẽ đẩy nhà sáng tạo gốc ra khỏi thị trường, đặc biệt khi mà họ đã đầu tư đáng kể vào việc phát triển sản phẩm mới thì đối thủ cạnh tranh lại hưởng lợi từ kết quả đầu tư đó và chẳng mất một xu nào cho thành quả sáng tạo và sáng chế của nhà sáng tạo gốc. Đây là lý do quan trọng duy nhất để các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải cân nhắc khi sử dụng hệ thống sở hữu trí tuệ để bảo vệ sản phẩm sáng tạo và sáng chế của mình nhằm mang lại cho họ các độc quyền sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thương hiệu, tác phẩm văn học nghệ thuật và các tài sản vô hình khác. Bảo hộ theo pháp luật SHTT mang lại quyền sở hữu đối với tác phẩm sáng tạo hoặc đổi mới, do đó, hạn chế phạm vi sao chép và bắt chước của đối thủ cạnh tranh một cách đáng kể. Việc bảo hộ pháp lý tài sản vô hình thông qua hệ thống SHTT mang lại cho chủ sở hữu độc quyền sử dụng những tài sản đó trong kinh doanh, biến tài sản vô hình thành quyền sở hữu độc quyền trong một thời hạn nhất định.



  1. Vai trò của SHTT đối với phát triển kinh tế - xã hội

Có thể khái quát vai trò của SHTT đối với phát triển kinh tế - xã hội trên những khía cạnh sau:

Thứ nhất, SHTT là nhân tố đem lại sự tăng trưởng kinh tế ngoạn mục cho chủ thể sở hữu và xã hội.

Các quốc gia là các nước công nghiệp phát triển, SHTT được đánh giá là loại tài sản chiếm vị trí quan trọng nhất đối với sự tăng trưởng của đất nước. Với mỗi phát minh, sáng chế ra đời và được bảo hộ, chủ thể sở hữu sản phẩm trí tuệ đó không những có được tỷ lệ tiền bản quyền cao hơn và có giá trị thị trường cao hơn nhiều lần so với các tài sản vô hình khác. Ví như với việc mỗi năm có đến hàng trăm các phát minh, sáng chế mới ra đời, NOKIA không chỉ thu được lợi nhuận khổng lồ từ những sản phẩm trí tuệ mới này được cung cấp bởi chính hãng mà còn thu được nhiều tỷ USD từ việc bán bản quyền. Theo tài liệu của Tổ chức SHTT thế giới thì tổng thu nhập từ bản quyền về sáng chế trên toàn thế giới tăng từ 10 tỷ USD năm 1990 lên 110 tỷ USD năm 2000; riêng hãng máy tính IBM (Mỹ) năm 2000 đã thu được 1,7 tỷ USD.



Thứ hai, SHTT là công cụ cạnh tranh hữu hiệu cho doanh nghiệp cũng như nền kinh tế quốc gia trong hội nhập

Hiện nay, với mỗi quốc gia, doanh nghiệp, năng lực SHTT là một trong những năng lực cốt lõi quan trọng hàng đầu để phát triển bền vững. Quốc gia, doanh nghiệp nào có được càng nhiều quyền SHTT thì năng lực cạnh tranh của quốc gia, doanh nghiệp đó càng cao. Theo số liệu của Liên hợp quốc, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Ấn Độ chỉ tương đương với 11,8% GDP của nước này trong giai đoạn 2010 – 2012, thấp hơn nhiều so với con số trung bình 30% của các quốc gia đang phát triển khác. Theo một nghiên cứu mới của các nhà kinh tế học Robert Shapiro và Aparna Mathur, nếu Ấn Độ có cơ chế bảo vệ quyền SHTT tương đương với Trung Quốc, dòng vốn FDI của họ sẽ tăng lên 33% hàng năm. Nếu Ấn Độ có thể nâng cơ chế bảo vệ quyền SHTT của mình lên tương đương với Mỹ, tức còn hiệu quả hơn Trung Quốc, thì lợi ích họ đạt được thậm chí sẽ còn lớn hơn nữa. Tới năm 2020, dòng chảy FDI có thể sẽ tăng tới 83%/năm; và chỉ riêng trong lĩnh vực dược phẩm, FDI có thể đạt tới con số 77 tỉ USD, trong đó vốn đầu tư cho R&D tăng lên tới 4,2 tỉ USD, và 44.000 việc làm mới sẽ được tạo. 

Với các nước đang phát triển, năng lực cạnh tranh thường thấp, khả năng tiếp cận thị trường hạn chế, cho nên để có thể phát triển bền vững và hội nhập hiệu quả, cần thiết phải đánh giá đúng vị trí quan trọng của SHTT. Cách tốt nhất là phải tiếp cận các chuẩn mực quốc tế về SHTT nhằm xây dựng hệ thống SHTT có hiệu quả. Điều đó làm cho hoạt động SHTT xét trên phạm vi quốc gia ngày càng có khuynh hướng tiến gần hơn tới chuẩn mực chung của thế giới.

Thứ ba, SHTT là phương tiện đảm bảo sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia cũng như từng doanh nghiệp

Bất kỳ tài sản hữu hình nào cũng đều có giới hạn và cùng với thời gian, không gian khối lượng và giá trị của các tài sản hữu hình này không chỉ bị thu hẹp về quy mô, số lượng mà còn có khả năng bị thay thế bởi các sản phẩm mới do tri thức tạo ra. Do đó, sở hữu các tài sản hữu hình là sở hữu cái có giới hạn, còn sở hữu SHTT là tri thức, trí tuệ của nhân loại là sở hữu cái vô hạn, vì vậy sẽ là vô cùng bền vững nếu chúng ta biết khai thác và sử dụng một cách hiệu quả , có thể nói SHTT là sở hữu một thứ tài sản đặc biệt, khi sử dụng không những không mất đi mà còn có khả năng kiến tạo những sản phẩm trí tuệ cao hơn, là những tiền đề cho sự phát triển mạnh mẽ và bền vững đối với những chủ thể sở hữu và xã hội.

Việt Nam đã ký kết nhiều điều ước quốc tế (song phương và đa phương) về bảo vệ quyền SHTT. Hiện nay, chúng ta đã là thành viên của các Điều ước quan trọng như Công ước Paris, Thoả ước Madrid, Nghị định thư Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hoá, Hiệp ước hợp tác Patent, Công ước Benre về bản quyền… đặc biệt là Hiệp định TRIPS và Việt nam đàm phán về quyền SHTT trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Ngoài ra, các Điều ước quốc tế đa phương và song phương liên quan đến việc khiếu nại, xét xử, trọng tài, thi hành bản án, quyết định, tương trợ tư pháp… giữa Việt Nam và các nước là những cơ sở quan trọng trong công tác thực thi quyền SHTT ở Việt Nam.

Thực tiễn cho thấy, lợi nhuận lớn thường đổ dồn về những doanh nghiệp nào biết quan tâm đầu tư và khai thác sản phẩm trí tuệ của mình hay những quốc gia sở hữu nhiều phát minh, sáng chế của nhân loại. Vì lẽ đó mà hàng năm, hãng sản xuất danh tiếng như Apple đầu tư hàng tỷ USD và huy động nhiều ngàn lao động trí tuệ trong nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, mỗi năm hãng này đệ trình đăng ký bảo hộ sáng kiến và giải pháp mới cho hàng ngàn pháp minh các loại.

Thứ tư, tuân thủ hệ thống quản lý SHTT là cách thức để các nước đang phát triển tiếp cận bền vững hơn với các hoạt động đầu tư, chuyển giao công nghệ và hội nhập hiệu quả.

Các công ty xuyên quốc gia sẽ quyết định chuyển giao công nghệ và đầu tư trực tiếp, thay cho xuất khẩu, vào một nước đang phát triển khi ở đó quyền SHTT được bảo hộ đủ mạnh. Tất nhiên điều này chỉ đúng khi các điều kiện khung khác cũng được thỏa mãn. Nghĩa là chỉ có nước đang phát triển nào đang triển khai tốt hoạt động Nghiên cứu & Phát triển mới có nhiều cơ hội thu hút đầu tư trực tiếp của các công ty xuyên quốc gia.

Bảo hộ SHTT có ảnh hưởng rất khác nhau đến từng nước đang phát triển và cho từng ngành sản xuất, kinh doanh. Các nước đang phát triển đã có hoặc đang triển khai hoạt động Nghiên cứu & Phát triển riêng sẽ được hưởng lợi từ chuyển giao công nghệ, đặc biệt là các công nghệ tiên tiến. Trong khi các nước chậm phát triển hơn sẽ chịu thiệt thòi do việc bảo hộ Sở hữu công nghiệp hầu như không có ảnh hưởng tích cực nào đến chuyển giao công nghệ vào các nước này.

Thứ năm, một hệ thống bảo hộ quyền SHTT hiệu quả là một yếu tố để chống lại nguy cơ tụt hậu và phát triển đất nước

Kinh nghiệm phát triển của Nhật Bản cho thấy, một quốc gia hoàn toàn có thể phát triển mạnh mẽ mà không nhất thiết phải có nguồn lực vật chất dồi dào, mà vấn đề là nhận thức được giá trị thực sự của tài sản trí tuệ và việc bảo hộ các tài sản trí tuệ đó. Cựu Thủ tướng Nhật Bản Tanzan Ishibashi đã từng nói: “ Tôi tin chắc rằng, đây là bí quyết phát triển công nghiệp của chúng tôi từ thời Meiji. Chỉ trong một nước đã nhận ra giá trị thực sự của hệ thống bảo hộ sáng chế và quyết tâm dùng mọi sức lực của nó để xây dựng hệ thống đó, người ta mới có thể hy vọng công nghiệp phát triển ”.



  1. Thực trạng giảng dạy và đào tạo về SHTT trong các trường đại học
    tại Việt Nam


Tình hình giảng dạy và đào tạo về SHTT hiện nay có thể khái quát qua những điểm sau:

Hiện nay chưa có trường Đại học (ĐH) hoặc Viện nghiên cứu nào có chuyên ngành đào tạo về SHTT;

Cho đến nay, hầu như chưa có trường ĐH Kỹ thuật nào có nội dung giảng dạy về SHTT trong chương trình đào tạo của mình. Một số nội dung cơ bản tối thiểu về SHTT chỉ được giảng dạy tại các cơ sở đào tạo Luật và cũng trong khuôn khổ của môn học khác như Luật Dân sự hoặc Tư pháp quốc tế. Trong số các cơ sở đào tạo này, một số bắt đầu tổ chức môn học về SHTT nhưng với thời lượng và nội dung rất khác nhau, phần lớn chỉ dừng lại ở 15 đến 30 tiết học. Việc dạy và học này chủ yếu dựa vào sự chuẩn bị và nhận thức của giáo viên dạy kiêm nhiệm khi phải phụ trách các môn học khác;

Các giảng viên có giảng dạy về SHTT hầu hết chưa được đào tạo chuyên ngành về SHTT. Họ chỉ được đào tạo về SHTT một cách hạn chế trong chương trình đào tạo cử nhân luật tại các trường ĐH, do đó, cũng không dễ dàng để tự mình xây dựng và hoàn thiện chương trình đào tạo cho một môn học phức tạp và liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhất là Kinh tế và Luật, như SHTT;

Phương pháp dạy và học SHTT ở Việt Nam chưa đem lại hiệu quả mong muốn do chưa có kinh nghiệm. Đặc biệt, chưa có sự chuẩn bị đầy đủ và cần thiết về tài liệu, thực tiễn cho việc giảng dạy và học tập. Kết quả tất yếu là sinh viên chưa chủ động trong học tập, chưa có động lực và quyết tâm nghiên cứu những vấn đề liên quan đến SHTT. Một điều kiện khác không thể thiếu trong giảng dạy và đào tạo về SHTT là tài liệu, nhưng thực tế có thể khẳng định việc hầu như không có tài liệu giảng dạy về SHTT trong các trường ĐH.


  1. Kinh nghiệm của thế giới trong giảng dạy SHTT dưới góc độ môn học
    trong các trường ĐH


Trong khuôn khổ của bài viết này, với những tài liệu được cung cấp và tìm kiếm được qua mạng Internet, chúng tôi chỉ tập trung khảo sát việc giảng dạy và đào tạo SHTT dưới góc độ một môn học tại các trường ĐH ở các nước ASEAN, Nga, Mỹ, Australia và Nhật Bản là những nước có những mối quan tâm và có những thành công nhất định trong giảng dạy và đào tạo về lĩnh vực SHTT.

Việc giảng dạy và đào tạo SHTT của các nước trong khối ASEAN đã được triển khai tương đối rộng và bắt đầu đi vào chiều sâu ở những nước phát triển hơn như Singapore, Malaysia, Thái Lan và Indonesia.



Singapore.

Các trường ĐH lớn như ĐH Công nghệ Nanyang, ĐH Tổng hợp Quốc gia Singapore,... đều có các môn học về SHTT ở bậc cử nhân và ở bậc sau ĐH. Tại Khoa Luật, ĐH quốc gia Singapore, có khoá Luật SHTT cơ bản và khoá Luật sở hữu nâng cao (giới thiệu về Luật Công nghệ sinh học, Luật quốc tế về bằng sáng chế, Luật quốc tế và so sánh Luật Bản quyền, Sáng chế và Nhãn hiệu hàng hoá



Malaysia.

Việc giảng dạy về SHTT được bắt đầu từ những năm 1980. Chính phủ Malaysia đã đưa Luật về SHTT như một môn học vào chương trình giảng dạy của các trường luật. Hiện tại Luật SHTT được giảng dạy ở Khoa Luật ĐH Tổng hợp Malaysia (MU), Trường Luật thuộc ĐH Công nghệ Mara (UITM), Khoa các Luật thuộc ĐH Hồi giáo Quốc tế Malaysia (IIUM) và Khoa Luật, ĐH Tổng hợp Quốc gia Malaysia (UKM). Tất cả các trường luật ở Malaysia dạy Luật SHTT ở bậc ĐH và sau ĐH. Ở bậc ĐH, Luật SHTT được đưa vào chương trình học của năm thứ hai hoặc thứ ba.

Chương trình giảng dạy về Luật SHTT ở ĐH Công nghệ Mara chú trọng đến luật nội dung hơn thủ tục tố tụng trong Luật SHTT và bao gồm các bài giảng về: Quyền tác giả; Kiểu dáng công nghiệp; Bằng sáng chế; Nhãn hiệu; ...

Ở bậc sau ĐH, khoá học về SHTT được xây dựng dựa trên nét đặc thù của từng Trường, ví dụ ở ĐH Tổng hợp quốc gia Malaysia, chương trình thạc sỹ tập trung vào giải thích các điều khoản của Hiệp định về các khía cạnh thương mại liên quan đến quyền SHTT (TRIPS) với Luật về SHTT của Malaysia và gồm các nội dung: Luật SHTT quốc tế, Quyền tác giả và thực hiện quyền; Quyền tác giả, sản phẩm điện tử và Internet; Tri thức truyền thống và nghệ thuật dân gian; Công nghệ sinh học và nguồn gen; Thương hiệu; Tên miền; Chính sách cạnh tranh; thực thi quyền SHTT

Ở Trường ĐH Tổng hợp Hồi giáo Quốc tế Malaysia, chương trình Thạc sỹ Luật so sánh (MCL) bao gồm các nội dung: Các hiệp ước quốc tế về SHTT; Internet và quyền tác giả; Tên miền; Thương hiệu; Thương mại điện tử, bằng sáng chế phần mềm; Công nghệ sinh học, bằng sáng chế ; Quyền cơ sở dữ liệu; Quyền tác giả và thương hiệu sản phẩm trên trường quốc tế; Chỉ dẫn địa lý và các nhãn hiệu nổi tiếng; Thực thi quyền; Quyền liên quan đến chip bán dẫn; Quan hệ giữa quyền SHTT và luật cạnh tranh.

Giảng viên Luật SHTT ở Malaysia đa phần được đào tại tại Anh và Úc, các giảng viên được đào tạo trong nước cũng có vai trò đáng kể. Những người đang hành nghề trong lĩnh vực SHTT cũng thường được mời đến trao đổi với các sinh viên ở bậc sau ĐH về các vấn đề thực tiễn trong luật SHTT. Nhiều trường còn dành ngân sách để mời các giảng viên từ nước ngoài đến giảng dạy về SHTT.



Thái Lan.

Môn SHTT được đưa vào chương trình giảng dạy của tất cả các Khoa Luật của các trường ĐH tổng hợp công lập và tư thục. Ở bậc ĐH, khoá học về SHTT như môn tự chọn được đưa vào chương trình cho sinh viên năm thứ ba hoặc thứ tư và có khoảng 90% sinh viên đã chọn khoá học này.

Luật về SHTT cũng được các trường ĐH công lập như Thammasart University, Chulalongkorn University, Chieng Mai University, Ramkamhaeng University; các trường ĐH tư thục như Sri Pratoom University, Thurakit Bundit University và Eastern University đưa vào giảng dạy ở bậc sau ĐH. Ở các trường ĐH công lập, đa số giảng viên luật SHTT tốt nghiệp tại Mỹ, Anh và châu Âu với học bổng của Chính phủ. Ngoài ra những chuyên gia trong lĩnh vực SHTT cũng được mời để giảng dạy và trao đổi với sinh viên.

Tại Viện Công nghệ Châu Á (AIT) đặt tại Thái Lan, môn Quản trị SHTT được đưa vào chương trình giảng dạy từ năm 2002 như một môn học tự chọn cho Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh (MBA) với nội dung nhằm trang bị những kiến thức cơ bản về SHTT, về khuôn khổ pháp lý của quyền SHTT, về những phạm trù khác nhau của SHTT, về những thách thức của bảo hộ quyền SHTT ở châu Á.



Philippines.

Hiện tại SHTT được coi là một môn luật và chỉ có sinh viên Luật nghiên cứu về lĩnh vực này. Nhiều giảng viên dạy SHTT là những Luật sư đang hành nghề chuyên môn về SHTT tại các văn phòng luật, hoặc là công chức Nhà nước đang làm việc tại Cơ quan SHTT.



Indonesia.

Một số Khoa và Trường đã có mối quan tâm đến SHTT và đưa các khoá học về SHTT vào chương trình của mình. Ở ĐH tổng hợp Gadjah Mada, Luật SHTT được giảng dạy tại Khoa Luật (từ năm 1965) và Khoa Kinh tế, trong khuôn khổ môn Luật Kinh doanh (từ năm 1980) cho sinh viên năm thứ hai và trong các khoá học chuyên ngành (Kỹ năng thực hành về SHTT, SHTT cơ bản) cho sinh viên năm thứ ba tại Khoa Dược như khoá học chuyên ngành.

Tại Khoa Luật, Airlangga University, Luật SHTT được giảng dạy trong khuôn khổ môn Luật Kinh doanh và trong các khoá học chuyên ngành.

Tại các Trường ĐH Công nghệ, ĐH Nghệ thuật, ĐH Nông nghiệp, Luật SHTT được giảng dạy trong khuôn khổ môn Lý thuyết về Công nghệ và Quan hệ kinh doanh hoặc như những khoá học chuyên ngành (bắt buộc với sinh viên năm thứ tư ở ĐH Công nghệ Bandung, Viện Công nghệ Sepuluh Nopember). Từ năm 2002, tại Viện Nghệ thuật Indonesia ở học kỳ thứ 6 có giảng dạy những nguyên tắc chung của bảo hộ SHTT đặc biệt đối với ngành nghệ thuật, thời lượng là hai tín chỉ các vấn đề chung: Định nghĩa, Lý thuyết về SHTT, Các quyền; Cạnh tranh không lành mạnh; Bản quyền; Nhãn hiệu; Bằng sáng chế; Bí mật kinh doanh; Kiểu dáng công nghiệp.



Nga.

Tại Trường ĐH Tổng hợp quốc gia Novosibir có giảng dạy môn học “Quản trị sáng chế” là môn bắt buộc đối với sinh viên năm thứ 4 Khoa Kinh tế với thời lượng 64 giờ giảng, trong nội dung của môn học có phần đáng kể liên quan đến SHTT nói chung và sáng chế nói riêng.

Ở Trường ĐH tổng hợp quốc gia kỹ thuật radio Taganrogskyi, có 5 bài giảng liên quan đến SHTT bao gồm: quan hệ dân sự trong lĩnh vực SHTT, các quyền liên quan đến SHTT, bằng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hoá và thương hiệu,...

Mỹ.

Theo Xếp loại các quốc gia theo mức độ vi phạm bản quyền phần mềm, Mỹ là nước có mức độ vi phạm bản quyền thấp nhất. Chỉ số này nói lên phần nào việc tôn trọng SHTT ở Mỹ và trong đó có phần đóng góp không nhỏ của giảng dạy về SHTT ở các trường ĐH Mỹ.

Ở Mỹ, Luật SHTT được giảng dạy với những khoá học phân chia theo nội dung Luật Bản quyền, Luật Sáng chế...Năm 1999 trên toàn nước Mỹ chỉ có 56 Trường Luật dạy Luật Sáng chế và 54 Trường Luật dạy Luật Bản quyền. Đến nay đã có 139 Trường Luật dạy Luật Sáng chế và 123 Trường Luật dạy Luật Bản quyền. 89 Trường Luật ở Mỹ đưa ra từ 5 đến 10 khoá học, 20 Trường Luật đưa ra hơn 10 khoá học về SHTT. Chương trình giảng dạy về SHTT ở Mỹ gồm những nội dung sau: Tổng quan về SHTT; Nâng cao về SHTT; Tổng quan Tranh tụng về SHTT; Giới thiệu về Luật Sáng chế; Luật Sáng chế; Luật Bản quyền; Nâng cao về Luật Bản quyền; Luật Nhãn hiệu hàng hoá; Luật quốc tế và so sánh về SHTT; Chứng nhận SHTT; Thủ tục cấp Bằng Sáng chế; Tranh tụng về Sáng chế; Thủ tục cấp Chứng nhận Nhãn hiệu hàng hoá; Tranh tụng về Nhãn hiệu hàng hoá; Bí mật thương mại; Luật Công nghiệp giải trí; Giao dịch trên Internet/Thương mại điện tử. 71 Trường Luật ở Mỹ đưa ra các khoá học về Luật Sáng chế, Luật Bản quyền, Luật về Nhãn hiệu hàng hoá quốc tế hoặc khoá học tổng hợp về các vấn đề trên.

Thống kê cho thấy ở Mỹ trong 40.000 sinh viên tốt nghiệp mỗi năm có khoảng 15% tức là khoảng 6.000 sinh viên đã học qua các khoá về SHTT. Theo U.S. News and World Report, 10 Trường Luật hàng đầu về giảng dạy SHTT là các trường: 1. University of California-Berkeley; 2. Stanford University; 3. George Washington University; 4. University of Houston; 5. Cardozo-Yeshiva University; 6. Franklin Pierce Law Center; 7. Columbia University; 8. Duke University; 9. New York University; 10. Boston University.

Trường Luật thuộc ĐH Tổng hợp Stanford có hàng chục các khóa học về SHTT. Đó là các khóa học sau: Luật và chính sách về công nghệ sinh học; Tội phạm ảo; Thực hành luật ảo (Cyberlaw Clinic); Thực hành luật ảo nâng cao; Luật SHTT và chống độc quyền; SHTT dưới góc độ một tài sản chiến lược; Chiến lược SHTT dành cho các công ty công nghệ; Bản quyền; Sáng chế; Các chuyên đề nâng cao về luật sáng chế; Luật thương mại và các doanh nghiệp; Luật nhãn hiệu và cạnh tranh không lành mạnh; Luật SHTT quốc tế; Thương mại hóa; . Luật và các khoa học sinh học; Luật SHTT của Liên minh châu Âu; ....

Tại Trường Luật Harvard, có giảng dạy một loạt các môn liên quan đến SHTT như: Bản quyền; Lý thuyết về SHTT; Luật Sáng chế và Chính sách; Thương mại hóa khoa học và công nghệ cao; Quản trị trong nền kinh tế sáng tạo; Quản trị cho hoạt động sáng tạo; Quản trị trong thời kỳ thông tin;....

Ở Mỹ, không chỉ việc đưa SHTT vào giảng dạy mà môi trường xung quanh việc học và nghiên cứu của sinh viên cũng tác động đến nhu cầu tìm hiểu về SHTT. Người Mỹ tôn trọng giá trị của cá nhân và tính bất khả xâm phạm của tài sản cá nhân, đồng thời cũng tôn trọng các ý tưởng cá nhân.

Australia.

Ở tám trường ĐH hàng đầu của Australia bao gồm: ĐH Adelaide, ĐH Quốc gia Australia (ANU), ĐH Melbourne, ĐH Monash, ĐH New South Wales, ĐH Queensland, ĐH Sydney và ĐH Western Australia (gọi chung là Top Eight) đều có những môn học thuộc về hoặc liên quan đến luật SHTT. Các môn học này trong thực tế không chỉ được giảng dạy mà còn có thể bao gồm nhiều nội dung với những tên gọi khác nhau phụ thuộc trước hết vào quan điểm riêng của từng ĐH, mà thực chất là chủ yếu phụ thuộc vào đội ngũ giảng dạy và nghiên cứu (academic staff) tại các trường chuyên ngành nơi trực tiếp giảng dạy, cũng như xuất phát từ nhu cầu thực tế của người học tại nơi có ĐH đó nói riêng và ở Australia nói chung.

Một số ĐH trong Top Eight có những khoá học thạc sỹ đặc biệt chuyên sâu về SHTT. Học viên theo đuổi khóa học này phải đăng ký để hoàn thành một phần lớn các môn học về SHTT với tư cách là những môn bắt buộc trong chương trình học. Có thể lấy hai ví dụ cho trường hợp này ở ĐH Queensland và ĐH Monash. Sinh viên theo khóa học này ở ĐH Queensland, trong năm 2007, ngoài việc hoàn thành một số môn học khác, sẽ phải hoàn thành ít nhất 04 môn về SHTT được lựa chọn từ các môn là (1) Luật Bản quyền và các quyền được liên quan (Copyright Law and Related Rights); (2) Luật Sáng chế và các quyền được liên quan (Patent Law and Related Rights); (3) Nhãn hiệu thương mại và các quyền được liên quan (Trade Marks and Related Rights); (4) Quản trị tài sản trí tuệ và thương mại hoá tài sản trí tuệ (Intellectual Property Management and Commercialization); (5) Các chuyên đề đặc biệt trong luật SHTT (Selected Topics in Intellectual Property Law). Còn ở ĐH Monash, các sinh viên của khoá học này có 03 lựa chọn để: (1) hoặc là trả bài đủ 08 môn học trong đó ít nhất 05 môn về luật SHTT; (2) hoặc là hoàn thành một chuyên luận từ 12,000 đến 15,000 từ về lĩnh vực này và 06 môn học khác trong đó có ít nhất 03 môn về SHTT; (3) hoặc là viết một chuyên luận từ 25,000 đến 30,000 từ về lĩnh vực và trả bài 04 môn học khác với ít nhất 01 môn thuộc luật SHTT.

Nhật Bản.

Mục tiêu chung của đào tạo SHTT ở Nhật Bản được xác định là nhằm xây dựng một quốc gia phát triển trên cơ sở SHTT (IP-based nation), giáo dục tính sáng tạo, giáo dục khoa học và công nghệ, giáo dục pháp luật. Mục tiêu cụ thể đặt ra đối với sinh viên tất cả các trường là phải hiểu hệ thống SHTT và biết đến luật SHTT. Đối với sinh viên các trường khoa học và kỹ thuật phải biết làm thể nào để đạt được quyền SHTT và ứng dụng được những sáng tạo trí tuệ. Đối với sinh viên trường luật phải hiểu hệ thống pháp luật quốc tế và pháp luật Nhật Bản về SHTT và áp dụng được vào thực tiễn, hướng tới đào tạo các chuyên gia giỏi trong lĩnh vực SHTT.

Đối tượng giảng dạy của đào tạo SHTT ở Nhật Bản là sinh viên tất cả các trường ĐH thuộc các khối khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, khoa học văn hoá; đối tượng đã tốt nghiệp ĐH: cán bộ quản lý công nghệ, cán bộ quản lý văn hoá-nghệ thuật, doanh nhân, luật sư, kỹ sư...

Nhật Bản là quốc gia đầu tiên trên thế giới giảng dạy sở hữu trong chương trình đào tạo thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA) và thạc sĩ quản lý công nghệ (MOT), có chuyên ngành SHTT cho thạc sĩ và tiến sĩ. Chương trình đào tạo SHTT ở Nhật Bản gồm có Chương trình chung (survey courses/program) và Chương trình đào tạo chuyên gia (Specialized program) nhằm đào tạo luật sư giỏi về SHTT, cán bộ quản lý công nghệ, đào tạo luật sư (đi sâu vào một số chuyên đề như pháp luật sáng chế của Cộng đồng Châu Âu, pháp luật bản quyền của Mỹ…). Nội dung giảng dạy SHTT ở Nhật Bản khác nhau đối với từng khoá học/chương trình học và đối tượng học. Trong nội dung giảng dạy, luôn luôn kết hợp nhiều khía cạnh khác nhau như pháp luật, khoa học-công nghệ và kinh tế (coi đây là những khía cạnh không thể tách rời trong nội dung của SHTT), không tập trung vào lý thuyết mà nhấn mạnh khía cạnh thực tiễn của SHTT, nhấn mạnh thực tế về cạnh tranh toàn cầu và vai trò của SHTT trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu. Sinh viên tất cả các trường ĐH ở Nhật Bản đều được học Lý thuyết về nền văn minh hiện đại, khoa học, công nghệ và sự phát triển của loài người. Sinh viên các trường kỹ thuật đi sâu vào học chiến lược về sáng chế, thủ tục nộp đơn xin được bảo hộ sáng chế, quyền SHTT.

Các trường ĐH có giảng dạy SHTT ở Nhật Bản hợp tác rất chặt chẽ với các trường ĐH khác ở trong nước và các trường ĐH nước ngoài (hình thành một mạng lưới đào tạo về SHTT); các ngành công nghiệp; các đơn vị nghệ thuật; các tổ chức quản lý SHTT (JPO, JIII) và đặc biệt là các nhà trẻ, trường mẫu giáo và trường phổ thông các cấp (ở Nhật Bản, SHTT được giảng dạy ngay từ các nhà trẻ). Việc hợp tác này nhằm gắn chặt lý thuyết với hoạt động thực tiễn; đào tạo những chuyên gia hiểu biết toàn diện về SHTT; tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên sau khi tốt nghiệp có cơ hội làm việc tốt; tạo sự liên thông, hệ thống trong đào tạo SHTT.

Tóm lại. Từ thực tiễn hết sức đa dạng về giảng dạy SHTT trong các trường ĐH của các nước trên thế giới có thể đi đến một số kết luận:

♦ Đa số các trường ĐH đều có môn học cơ bản về SHTT giúp sinh viên không chuyên cũng có thể tiếp cận vấn đề SHTT trong hoạt động nghề nghiệp của mình khi đã rời ghế nhà trường.

♦ Việc xây dựng chương trình đào tạo về SHTT rất đa dạng và khác nhau ở các trường. Các trường chọn lọc các nội dung về SHTT phù hợp với đặc thù các chuyên ngành đào tạo của mình.

♦ Các môn học về hoặc có liên quan đến SHTT được thiết kế cho tất cả các cấp học của các trường ĐH: cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ và sau tiến sỹ.

♦ Sự thay đổi và phát triển chương trình đào tạo về SHTT của các trường ĐH khá nhanh nhằm bắt kịp đà phát triển của khoa học và công nghệ, cũng như của nền kinh tế tri thức.

Qua đây, chúng ta thấy rõ: Việc giảng dạy cũng như nghiên cứu về SHTT là cần thiết, là một yêu cầu gần như mang tính tất yếu trong một xã hội phát triển hoặc đang phát triển và phải phát triển trong thời đại này. Phải xác định đúng, đầy đủ mục tiêu giáo dục SHTT (thúc đẩy sáng tạo, coi trọng giá trị sáng tạo và ứng dụng thành quả sáng tạo) và phải thấy rõ vai trò quan trọng của nhà nước trong thúc đẩy giáo dục SHTT ở bậc ĐH (chính sách, pháp luật)

Một số đề xuất sau về giảng dạy và đào tạo SHTT cho các trường ĐH Việt Nam

- Bộ Giáo dục có thể có văn bản cụ thể, bắt buộc đưa các nội dung về SHTT vào chương trình giảng dạy ở các trường ĐH.

- Tạo môi trường để sinh viên tôn trọng SHTT, dẫn đến nhu cầu tìm hiểu các nội dung về SHTT

V. Một số kiến nghị chung đối với việc đưa SHTT vào giảng dạy tại các trường ĐH

1. Thiết kế môn học SHTT.

Thứ nhất, sinh viên thuộc tất cả các chuyên ngành đào tạo đều cần được trang bị những kiến thức cơ bản nhất về SHTT và pháp luật SHTT. Dưới góc độ này, sinh viên cần nhận thức được SHTT là gì, hệ thống quyền SHTT được xây dựng như thế nào, những kiến thức cơ bản trong việc xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ tài sản trí tuệ. Điều này sẽ giúp sinh viên có được những kiến thức nền tảng nhất để sau khi ra trường dù làm trong lĩnh vực nào thì sinh viên cũng có thể chủ động bảo vệ, khai thác tài sản trí tuệ của mình, khai thác khối kiến thức về SHTT của nhân loại và tránh xâm phạm quyền SHTT của chủ thể khác.

Thứ hai, việc xây dựng một hoặc nhiều môn học độc lập về SHTT cũng như nội dung chương trình giảng dạy các môn học đó tại các Trường phải dựa trên đặc điểm của từng ngành đào tạo và xa hơn là từng chuyên ngành đào tạo. SHTT là một lĩnh vực rất rộng, không chỉ liên quan đến pháp lý mà còn liên quan đến kinh tế, đến các vấn đề xã hội, do đó, không thể trang bị cho sinh viên các trường tất cả các kiến thức về SHTT chỉ trong một hay một số môn học về SHTT mà các kiến thức được giảng dạy phải dựa vào mục đích và đặc điểm của từng ngành và từng chuyên ngành đào tạo cụ thể. Chuyên ngành đào tạo là những tiêu chí cụ thể nhất để đánh giá khía cạnh nào của SHTT là thiết thực và cần thiết nhất nhằm đưa vào chương trình môn học. Điều này có nghĩa là nội dung môn học có tính chất bắt buộc cho sinh viên cũng phải được xây dựng phù hợp với từng khối ngành đào tạo, thậm chí từng chuyên ngành đào tạo trong khối ngành đó. Thời lượng giảng dạy cho toàn môn học và cho từng nội dung của môn học cũng phải dựa trên đặc điểm và mục đích của từng ngành đào tạo. Ví dụ cùng môn đại cương về SHTT, đối với sinh viên khối ngành kỹ thuật thì nội dung về sáng chế, bí mật thương mại, kiểu dáng công nghiệp sẽ cần được giới thiệu kỹ hơn về bản quyền vì đây là những lĩnh vực liên quan chặt chẽ tới công việc của sinh viên sau khi tốt nghiệp. Trong khi đó đối với ngành công nghệ thông tin hoặc khối ngành khoa học xã hội thì thời lượng dành cho khối kiến thức về quyền tác giả sẽ nhiều hơn đối với sinh viên khối ngành kỹ thuật. Điều này sẽ giúp cho việc giảng dạy SHTT dười góc độ môn học độc lập dù là bắt buộc hay tự chọn sẽ mang tính khả thi cao và tính hiệu quả phù hợp với mục tiêu đào tạo.

Thứ ba, cần có một lộ trình cụ thể cho việc đưa SHTT vào giảng dạy tại các trường ĐH. Mục đích của việc đưa SHTT vào giảng dạy tại các trường ĐH tại Việt Nam không chỉ nhằm trang bị cho sinh viên và học viên các trường ĐH những kiến thức cơ bản về SHTT mà còn đào tạo được đội ngũ các cán bộ có kiến thức chuyên sâu về SHTT.

2. Đội ngũ cán bộ giảng dạy về SHTT.

Các Trường cần sớm xây dựng đội ngũ giảng viên chuyên trách về SHTT. SHTT sớm hay muộn sẽ được tiếp cận như môn học chính khóa. Các giảng viên này cần được tạo điều kiện tham gia các khóa học, đào tạo ngắn hạn cũng như dài hạn nhằm trang bị kiến thức SHTT một cách đầy đủ và hệ thống.

Các Trường có thể phối hợp với các đơn vị có nghiệp vụ cao về SHTT để mời giảng viên kiêm nhiệm. Đây là một giải pháp quan trọng hiện nay do đội ngũ giảng viên về SHTTcủa các trường ĐH và CĐ hầu như chưa hình thành. Những cơ quan chuyên môn chính về SHTT mà các trường có thể hợp tác lâu dài là: Cục SHTT, Bộ Khoa học và Công nghệ; Cục Bản quyền tác giả văn học - nghệ thuật, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; các chuyên gia am hiểu SHTT của Hội SHTT Việt Nam,...

Các Trường nên hợp tác để xây dựng mạng lưới giảng viên về SHTT làm quỹ dự phòng cho việc giảng dạy và đào tạo về SHTT của mỗi trường.

Các Trường cần chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn, các doanh nghiệp, tổ chức sinh hoạt chuyên môn về SHTT như: toạ đàm, hội nghị, nói chuyện chuyên đề về SHTT.

Các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường hợp tác với các trường để phát triển đội ngũ giảng viên. Với chức năng là cơ quan quản lý nhà nước đối với các hoạt động SHTT, Cục SHTT chủ trì lĩnh vực này nên cần tăng cường phối hợp và hỗ trợ hơn nữa các trường ĐH trong việc nghiên cứu và giảng dạy về SHTT.

---oOo---

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Tài liệu

[1] Gary Althen (2005), “Phong cách Mỹ”. NXB Thành phố Hồ Chí Minh, các trang 165, 166, 345, 346

[2] Kamil Idris (2005), “Sở hữu trí tuệ, một công cụ đắc lực để phát triển kinh tế”. WIPO, bản tiếng Việt.

[3] Kenneth L. Port (2005), “Intellectual Property Curricula in the United States, IDEA”. The Intellectual Property Law Review N. 46, 2005.

[4] Michel Blakeney (2006), “Handbook on IP Curricula and Teaching Mat erials, EC-ASEAN Intellectual Property Rights”. Co – operation Progamme (ECAP II).

[5] Shahid Alikhan (2007), “Lợi ích kinh tế, xã hội của việc bảo hộ SHTT ở các nước đang phát triển”. Bản tiếng Việt.

[6] WIPO (2005), “Những điều cần biết về SHTT”. Bản tiếng Việt.

[7] WIPO (2005), “Cẩm nang Sở hữu trí tuệ”. Bản tiếng Việt.

[8] WIPO (1998), “Sự phát triển của chương trình giảng dạy về nghiên cứu Luật SHTT”. WIPO/IP/CAR/BB/98/3.

[9] WIPO (1999), “Chiến lược phát triển nguồn nhân lực”. ISIP/99/2.

Hội thảo

[1] Tài liệu Hội thảo khoa học (2005), “EU-ASEAN Colloquium on a Common Postgraduate IP Curriculum and Syllabi Template for ASEAN Countries”. Singapore, Website http://www.ecap-project.org

[2] Tài liệu Hội thảo khoa học (2006), “EU-ASEAN Colloquium on IP Education”. Kuala Lumpur, Malaysia, Website http://www.ecap-project.org.

[3] Tay Pek san (2006), “Specialist IP Course for Law Students: Advanced Trade Mark Law, EU-ASEAN Colloquium on IP Education”. Kuala Lumpur, 22-23 November 2006.

[4] Lukana Pobromyen (2006), “Reseach Paper on the Current Teaching and Learning in the Field of Intellectual Propety in Thailand, Colloquium on Postgraduated IP Education for ASEAN Countries”.

[5] Roland Amossou Guenou (2006), “IP Management Courses at the Asian Institute of Technology, EU-ASEAN Colloquium on IP Education”. Kuala Lumpur, 22-23 November 2006.

[6] Dina W. Kariodimedjo (2006), “Overwiew of IP Courses in Indonesia, Colloquium on Postgraduated IP Education for ASEAN Countries”.

[7] Tài liệu của Hội thảo (2008), “Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn để đưa SHTT vào giảng dạy và đào tạo trong các trường ĐH”.

[8] Trần Lê Hồng, (2007), “Hoạt động SHTT trong các trường ĐH và CĐ”. Trường ĐH Bách khoa Hà Nội”.

[9] Trần Văn Hải (2007), “Giới thiệu Luật SHTT và hướng triển khai trong các trường ĐH và CĐ

Website

[1] http://www.trungtamwto.vn/

[2] http://www.law.harvard.edu/academics/curriculum/catalog/

[3] http://www.law.stanford.edu/program/courses/#2nd-3rd_year_program

[4] http://law.anu.edu.au/

[5] http://www.english.ulsu.ru/

[6] http://www.nsu.ru/exp/index.jz?lang=en

[7] http://www.law.msu.su

[8] http://www.patent.km.ua



[9] http://www.law.anu.edu.au


Каталог: uploads -> files
files -> VIỆn chăn nuôi trịnh hồng sơn khả NĂng sản xuất và giá trị giống của dòng lợN ĐỰc vcn03 luậN Án tiến sĩ NÔng nghiệp hà NỘI 2014
files -> Btl bộ ĐỘi biên phòng phòng tài chíNH
files -> Bch đOÀn tỉnh đIỆn biên số: 60 -hd/TĐtn-tg đOÀn tncs hồ chí minh
files -> BỘ NÔng nghiệP
files -> PHỤ LỤC 13 MẪU ĐƠN ĐỀ nghị HỌC, SÁt hạch đỂ CẤp giấy phép lái xe (Ban hành kèm theo Thông tư số 46/2012/tt-bgtvt ngày 07 tháng 11 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ gtvt) CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
files -> TRƯỜng cao đẲng kinh tế KỸ thuật phú LÂm cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
files -> CHƯƠng trình hoạT ĐỘng lễ HỘi trưỜng yên năM 2016 Từ ngày 14 17/04/2016
files -> Nghị định số 79/2006/NĐ-cp, ngày 09/8/2006 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Dược
files -> MỤc lục mở ĐẦU 1 phần I. ĐIỀu kiện tự nhiêN, kinh tế, XÃ HỘI 5
files -> LỜi cam đoan tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu khoa học của riêng tôi. Các số liệu, kết quả nghiên cứu nêu trong luận án này là trung thực, khách quan và chưa được ai bảo vệ ở bất kỳ học vị nào

tải về 113.51 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương