Đa dạng sinh họC Ở việt nam


Các quy định về bảo tồn các loài hoang dã



tải về 276.54 Kb.
trang2/3
Chuyển đổi dữ liệu07.07.2016
Kích276.54 Kb.
#1415
1   2   3

3. Các quy định về bảo tồn các loài hoang dã

(1) Vấn đề bảo vệ các loài động vật, thực vật hoang dã, quý hiếm được quy định trong các văn bản Luật Bảo vệ môi trường 2005, Luật Bảo vệ và phát triển rừng 2004, Luật Thủy sản 2003,… Tuy nhiên, pháp luật hiện hành cũng mới chỉ giới hạn trong việc bảo vệ các loài động thực vật hoang dã quí hiếm có nguy cơ tuyệt chủng mà chưa đề cập đầy đủ đến việc bảo vệ các loài khác.

(2) Các loài động vật hiện đang được phân chia theo môi trường sống khác nhau của chúng, và việc quản lý các loài động vật này thuộc thẩm quyền của các cơ quan khác nhau, cũng như việc bảo vệ chúng được điều chỉnh bởi các văn bản pháp luật khác nhau. Điều dễ nhận thấy là chưa có sự thống nhất về mặt pháp lý việc quản lý và bảo vệ các loài trên cạn cũng như ở dưới nước. Tương tự, pháp luật về bảo vệ và phát triển các loài thực vật mới tập trung điều chỉnh một nhóm các sản phẩm thực vật rừng mà chưa có các quy định mang tính tổng thể.

(3) Các qui định về lấy mẫu tài nguyên sinh vật trong rừng còn chưa chặt chẽ. Luật Bảo vệ và phát triển rừng mới chỉ quy định về lấy mẫu ở trong rừng đặc dụng mà chưa có các quy định đối với các loại rừng khác. Điều này đã dẫn đến tình trạng nhiều khách tham quan, du lịch thu thập nhiều loại tài nguyên sinh vật (như côn trùng…) mang ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, song các cơ quan áp dụng pháp luật lại thiếu cơ sở pháp lý để ràng buộc trách nhiệm đối với họ. Do vậy, quá trình xây dựng pháp luật cần cân nhắc đến đặc tính “động” của một số nguồn tài nguyên sinh vật.

(4) Các quy định về danh mục thực vật, động vật hoang dã, quý hiếm mặc dù mới được điều chỉnh, song cũng đã bộc lộ một số điểm bất cập so với tình hình thực tế. Cơ sở khoa học để đưa các loại động vật, thực vật vào hoặc ra khỏi danh mục là căn cứ vào mức độ quí hiếm và mức độ bị đe doạ đối với chúng. Tuy nhiên, do không xây dựng được một cách chính xác các tiêu chí để xác định mức độ quý hiếm của các loài động thực vật, cũng như không cập nhật thường xuyên các thông tin khoa học nên các qui định này đang gặp phải nhiều sự tranh cãi của các nhà khoa học. Theo họ, việc liệt kê các loài động thực vật quý hiếm như trên là khó bảo đảm độ chính xác và đầy đủ, nhất là trong tình trạng khả năng đánh giá, điều tra, nghiên cứu khoa học ở nước ta còn nhiều hạn chế. Điều này làm nảy sinh nhu cầu là phải có các căn cứ pháp lý chặt chẽ hơn nữa về việc điều tra, nghiên cứu khoa học, đánh giá về tính chất và mức độ quý hiếm của các loài sinh vật để bảo vệ và phát triển chúng tốt hơn.

4. Các quy định về nguồn gen

(1) Các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành đã xây dựng được một số định nghĩa về nguồn gen. Cụ thể là: (i) Nguồn gen thực vật, động vật, vi sinh vật (tại Quy chế bảo tồn nguồn gen); (ii) Nguồn gen cây trồng (tại Pháp lệnh Giống cây trồng); và (iii) Nguồn gen vật nuôi (Pháp lệnh Giống vật nuôi).

(2) Quy chế quản lý và bảo tồn nguồn gen thực vật, động vật và vi sinh vật là văn bản pháp lý đầu tiên về bảo tồn nguồn gen mà Việt Nam ban hành sau khi gia nhập Công ước Đa dạng sinh học. Tuy nhiên, có thể nhận thấy Quy chế này chỉ mang ý nghĩa như là một bản cam kết của Việt Nam đối với Cộng đồng quốc tế trong lĩnh vực đa dạng sinh học mà thôi. Giá trị thực hiện của Bản qui chế này không cao do có hiệu lực pháp lý thấp. Hơn nữa, Bản quy chế thiếu tính quy phạm nên khó có thể định hướng hành vi cho các cá nhân, tổ chức tham gia vào các quan hệ bảo vệ a dạng sinh học.

(3) Hiện nay, pháp luật chưa có các quy định cụ thể về cây thuốc. Mặc dù cùng là thực vật, giống cây trồng, song do cây thuốc có những giá trị đặc biệt về dược học, có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo sức khoẻ, tính mạng cho con người. Hơn nữa cây thuốc bao gồm hàng nghìn loài và phần lớn là tồn tại hoang dại trong tự nhiên thì việc điều chỉnh chung như đối với giống cây trồng bình thường là không hợp lý. Thực tế trong thời gian qua cho thấy việc sản xuất, buôn bán giống cây thuốc một cách tuỳ tiện, thiếu kiểm soát từ phía các cơ quan quản lý diễn ra khá phổ biến. Điều này một phần do chưa có văn bản pháp luật qui định việc phối hợp thống nhất thực hiện kế hoạch bảo vệ, nuôi trồng, tái sinh và phát triển cây thuốc.

(4) Pháp lệnh về Giống cây trồng (2004) và Pháp lệnh về Giống vật nuôi (2004) là hai văn bản có hiệu lực pháp lý cao được ban hành trong thời gian gần đây, có ý nghĩa rất lớn đối với bảo vệ đa dạng nguồn gen. Hai văn bản này đã kế thừa được các quy định trong các văn bản pháp luật trước đó, song nội dung điều chỉnh của chúng đã cụ thể và có giá trị định hướng hành vi mạnh hơn nhiều. Tuy nhiên, phạm vi điều chỉnh của hai văn bản này chỉ là bảo tồn nguồn gen cây trồng và vật nuôi, còn các nguồn gen tự nhiên lại không đề cập đến. Các giống cây, con tự nhiên vẫn chịu sự điều chỉnh bởi các văn bản luật khác nhau có liên quan, điều này cũng hạn chế tính thống nhất và hiệu quả áp dụng luật.

(5) Pháp luật Việt Nam chưa có những quy định pháp luật cụ thể về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích. Các quy định mới chỉ mang tính tuyên ngôn hoặc mới đề cập đến một hoặc một số khía cạnh của quyền được tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích, như về sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, vật nuôi, khai thác nguồn lợi thủy sản, lâm sản, về quyền tác giả giống cây trồng, xuất khẩu nguồn gen.

5. Các quy định về an toàn sinh học

(1) Quy chế quản lý an toàn sinh học (kèm theo QĐ 212/2005/QĐ-TTg ngày 26/8/2005) được ban hành trong thời gian gần đây là văn bản pháp lý chứa đựng nhiều quy định mới, chặt chẽ, cụ thể để kiểm soát sinh vật biến đổi gen, bao gồm các quy định về nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và khảo nghiệm; sản xuất, kinh doanh và sử dụng; nhập khẩu, xuất khẩu, lưu giữ và vận chuyển; đánh giá rủi ro, quản lý rủi ro và cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học, đảm bảo an toàn sinh học… Đây là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc quản lý an toàn sinh học. Tuy nhiên, do giá trị pháp lý của văn bản không cao nên quá trình áp dụng sẽ không tránh khỏi những khó khăn, hạn chế.

(2) Các quy định về kiểm soát sinh vật lạ xâm hại cũng đang bộc lộ một số bất cập. Cụ thể:

- Các văn bản pháp luật hiện hành chưa đưa ra định nghĩa về loài lạ hoặc sinh vật lạ, làm cơ sở khoa học và pháp lý cho việc nhận diện chúng.

- Việc kiểm soát sự lan truyền các loài sinh vật lạ trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam hiện mới chỉ được thực hiện thông qua các quy định cấm đưa các loài động, thực vật lạ vào các khu bảo tồn thiên nhiên, các vùng đất ngập nước, mà chưa có các quy định để kiểm soát các loài sinh vật lạ di chuyển tại các khu vực khác.

- Tương tự, việc kiểm soát quá trình nhân giống động, thực vật mới chỉ được khống chế trong trường hợp có dịch (Ví dụ, không được khai thác, sử dụng tinh của đực giống và trứng của cái giống trong khu vực đang có dịch bệnh...) mà chưa có các quy định để kiểm soát quá trình nhân giống các sinh vật lạ.

- Chưa có các quy định về đánh giá rủi ro về môi trường thông qua việc kiểm nghiệm, sản xuất thử các giống động, thực vật, hay khi các loài lạ di chuyển từ khu vực này vào khu vực khác trong cùng lãnh thổ Việt Nam.

Sự bất cập nêu trên của pháp luật dẫn đến cách hiểu phổ biến là trong trường hợp không có dịch, loài sinh vật lạ không là các loài động vật, thực vật bị biến đổi gen hoặc nhân bản vô tính thì các loài lạ mặc nhiên được hiểu là không bị kiểm soát, trong khi, theo hướng dẫn của Cục Bảo vệ môi trường thì các loài lạ có thể gây tác hại to lớn đối với môi trường và bảo tồn nguồn gen ngay cả khi chúng không phải là đối tượng mắc bệnh dịch.



6. Các quy định về phân công, phân cấp quản lý nhà nước về đa dạng sinh học

(1) Hiện tại, chưa có văn bản pháp luật quy định việc thành lập một cơ quan nhà nước chuyên trách về đa dạng sinh học tại Việt Nam. Do việc bảo vệ đa dạng sinh học được xem là một bộ phận (hay nội dung) của việc bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường, nên tùy thuộc vào từng lĩnh vực cụ thể có yếu tố đa dạng sinh học cần phải bảo vệ mà pháp luật quy định chức năng quản lý nhà nước của từng bộ ngành có liên quan đến đa dạng sinh học. Cụ thể là: (i) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng, về giống cây trồng nông nghiệp và lâm nghiệp, giống vật nuôi nông nghiệp; (ii) Bộ Thuỷ sản thực hiện chức năng quản lí nhà nước về thuỷ sản, về giống cây trồng, giống vật nuôi thủy sản; (iii) Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện chức năng quản lí nhà nước về môi trường, về bảo vệ đa dạng sinh học, về bảo tồn và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước; và (iv) Các Bộ, ngành khác có trách nhiệm phối hợp với các Bộ nêu trên trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong từng lĩnh vực.

(2) Kế hoạch hành động về đa dạng sinh học của Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, xác định khá rõ ràng, cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện Kế hoạch hành động về đa dạng sinh học tại Việt Nam.



(3) Nghị định 109/2003/NĐ-CP có các quy định tương đối rõ ràng về phân công, phân cấp trách nhiệm của các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thủy sản trong việc quản lý nhà nước về bảo tồn và phát triển bền vững đất ngập nước. Ví dụ, các Điều 9, 11, 15 quy định Bộ Tài nguyên và Môi trường lập kế hoạch tổng thể về điều tra cơ bản, nghiên cứu và đánh giá hiện trạng môi trường các vùng đất ngập nước trên phạm vi cả nước; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thủy sản tổ chức điều tra, nghiên cứu các vùng đất ngập nước có tính chất chuyên ngành; lập quy hoạch bảo tồn và khai thác bền vững các vùng đất ngập nước chuyên ngành; chỉ đạo và tổ chức quản lý các khu bảo tồn đất ngập nước chuyên ngành. Tuy nhiên, trong phần giải thích từ ngữ lại không đề cập đến các khái niệm này.

Điểm bất cập nêu trên của pháp luật bắt nguồn từ sự bất cập về tổ chức bộ máy hiện có làm công tác bảo tồn. Hiện tại, mỗi nguồn tài nguyên lại do một cơ quan quản lý nhà nước khác nhau thực hiện nhiệm vụ bảo tồn, trong khi về bản chất tự nhiên, chúng là một chỉnh thể thống nhất, có sự gắn kết nội tại rất cao. Để khắc phục hạn chế lớn nêu trên, đòi hỏi phải có sự tiếp cận mới, một sự thay đổi căn bản về thiết chế bảo tồn các nguồn tài nguyên và đa dạng sinh học tại Việt Nam.



III. NHỮNG BẤT CẬP

Căn cứ vào những tiêu chí chung để đánh giá mức độ hoàn thiện của pháp luật, như tính đồng bộ, tính thống nhất, tính khả thi,… có thể nhận thấy một số điểm hạn chế, bất cập của pháp luật hiện hành về đa dạng sinh học tại Việt Nam như sau:



Thứ nhất, pháp luật về đa dạng sinh học chưa bảo đảm tính khả thi cao.

- Một số quy định pháp luật về bảo vệ đa dạng sinh học còn mang tính tuyên ngôn hoặc ở mức chung chung, thiếu cụ thể, không có tính khả thi. Nhiều quy định thiếu tính định hướng hành vi cụ thể nên khó áp dụng trên thực tế. Nhiều qui định không tính toán đến các yếu tố khách quan của đời sống kinh tế - xã hội.

- Các quy định về đa dạng sinh học hiện đang nằm rải rác ở nhiều văn bản có giá trị pháp lý khác nhau, mà chưa được pháp điển hoá trong một văn bản pháp lý có hiệu lực cao, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến nội dung chính của đa dạng sinh học. Điều này đã làm hạn chế rất nhiều đến hiệu quả áp dụng pháp luật. Ví dụ, việc quản lý và bảo tồn nguồn gen động vật, thực vật, vi sinh vật là một trong những nội dung chính của bảo tồn đa dạng sinh học, nhưng hiện tại mới chỉ được đề cập trong một văn bản pháp luật do cấp bộ ban hành (Quyết định 2117/1997/QĐ-BKHCNMT).

- Các quy định pháp luật về bảo vệ gen, kiến thức bản địa, di truyền cây thuốc, bảo hộ quyền của tổ chức, cá nhân lai tạo giống vật nuôi mới, vấn đề bảo hộ sở hữu công nghiệp đối với tạo giống mới... còn mờ nhạt.



Thứ hai, pháp luật về đa dạng sinh học chưa bảo đảm được tính thống nhất.

- Luật Bảo vệ môi trường, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, Luật Thủy sản còn có các quy phạm không thống nhất, thậm chí còn khác nhau. Ngay cả việc sử dụng các thuật ngữ cơ bản cũng còn có sự khác nhau. Điều này cũng có thể lý giải được khi các luật nhìn nhận đa dạng sinh học từ góc độ chuyên ngành của mình nên thiếu sự bao quát và tính chính xác.

- Một số thuật ngữ pháp lý chưa được sử dụng thống nhất trong các văn bản pháp luật, như bảo tồn tại chỗ với bảo tồn nội vi, bảo tồn nguyên vị, bảo tồn ngoại vi với bảo tồn chuyển vị... Việc sử dụng không thống nhất các thuật ngữ nêu trên khiến cho hoạt động giải thích và áp dụng pháp luật gặp không ít khó khăn.

Thứ ba, pháp luật về đa dạng sinh học còn thiếu một số quy định quan trọng.

- Thiếu các quy định về cơ chế tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích, quyền đối với giống vật nuôi, bảo hộ các giống cây, con truyền thống của cộng đồng và tri thức truyền thống của cộng đồng, các quy định về cơ chế kiểm soát các sinh vật lạ xâm hại, các quy định về hình thức bảo tồn ngoại vi, các quy định về việc chi trả phí bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học, …

- Các quy định về bảo tồn thiên nhiên hoặc bảo tồn loài hay sinh cảnh hầu như mới chỉ được đề cập trong các văn bản pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng (một nội dung của chế định quản lý rừng đặc dụng) mà chưa được đề cập trong các lĩnh vực pháp luật khác.
Phần thứ ba

CÁC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ LIÊN QUAN ĐẾN ĐA DẠNG SINH HỌC

MÀ VIỆT NAM LÀ THÀNH VIÊN
Việt Nam là thành viên của nhiều điều ước quốc tế về đa dạng sinh học như: Công ước Liên hợp quốc về đa dạng sinh học (UNCBD), Công ước về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế, đặc biệt như là nơi cư trú của các loài chim nước (RAMSAR), Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật bị đe dọa tuyệt chủng (CITIES), Công ước về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (PARIS), Nghị định thư về an toàn sinh học (CARTAGENA), v.v... với nhiều cam kết quốc tế chưa được nội luật hóa.

I. CÔNG ƯỚC ĐA DẠNG SINH HỌC (UNCBD)

1. Nội dung chính và nghĩa vụ của các nước thành viên

Việt Nam tham gia UNCBD vào ngày 16 tháng 11 năm 1994. Là thành viên của Công ước, Việt Nam cũng như các thành viên tham gia khác có nghĩa vụ thực hiện các biện pháp chung để bảo tồn và sử dụng bền vững ĐDSH, bao gồm:

(1) Xây dựng các chiến lược, kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn và sử dụng bền vững ĐDSH.

(2) Lồng ghép tối đa và thích đáng công tác bảo tồn và sử dụng bền vững ĐDSH vào các kế hoạch, chương trình và chính sách ngành hoặc liên ngành có liên quan.

(3) Xây dựng hệ thống các khu bảo tồn nhằm bảo vệ ĐDSH, đồng thời thúc đẩy phát triển thân thiện với môi trường xung quanh các khu bảo vệ.

(4) Xác định và giám sát các thành phần quan trọng của ĐDSH cần bảo tồn và sử dụng bền vững.

(5) Phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái và các loài bị đe doạ.

(6) Bảo tồn và duy trì tri thức bản địa liên quan đến sử dụng bền vững đa dạng sinh học với sự tham gia của người dân bản địa và cộng đồng địa phương.

(7) Ngăn chặn sự xâm nhập, kiểm soát và tiêu diệt các sinh vật lạ gây hại cho hệ sinh thái, nơi cư trú và các loài.

(8) Kiểm soát các nguy cơ từ các sinh vật biến đổi gen.

(9) Tăng cường sự tham gia của cộng đồng, đặc biệt khi đánh giá tác động môi trường của các dự án có thể đe doạ ĐDSH.

(10) Giáo dục và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của ĐDSH và yêu cầu bảo tồn ĐDSH.

(11) Báo cáo về việc thực thi Công ước của mỗi quốc gia.

2. Tổ chức thực hiện Công ước

Phần lớn các yêu cầu của Công ước về đa dạng sinh học đã được đáp ứng trong các quy định của hệ thống pháp luật quốc gia về bảo tồn đa dạng sinh học (thông qua 4 văn bản pháp luật chính là Luật Bảo vệ môi trường, Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Thủy sản và Nghị định 109/CP…), trong đó các yêu cầu được đáp ứng đầy đủ nhất là:

(1) Xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học.

(2) Xây dựng hệ thống các khu bảo tồn hoặc các khu vực cần thiết phải tiến hành các biện pháp đặc biệt để bảo tồn đa dạng sinh học.

(3) Ngăn ngừa việc nhập nội, kiểm soát hoặc tiêu diệt các loài sinh vật lạ đe doạ các hệ sinh thái, nơi cư trú và các loài.

(4) Tôn trọng, giữ gìn và duy trì các tri thức bản địa, khuyến khích chia sẻ công bằng những lợi ích có được từ việc bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học.

(5) Đánh giá tác động môi trường đối với các dự án dễ gây ra các tác động bất lợi cho đa dạng sinh học.

(6) Thúc đẩy và khuyến khích sự hiểu biết về tầm quan trọng và các biện pháp cần thiết phục vụ bảo tồn đa dạng sinh học, cũng như tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và đưa các chủ đề này vào chương trình giáo dục.

Đặc biệt là các yêu cầu về kiểm soát các loài sinh vật lạ được đáp ứng khá cụ thể, chi tiết trong nhiều văn bản pháp lý, điển hình là Quyết định 75/QĐ/BNN-BVTV ngày 21/5/1998 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với Danh mục các nhóm sinh vật cần kiểm soát chặt chẽ ở Việt Nam. Ngoài ra, vấn đề sinh vật lạ và việc kiểm soát chúng còn được qui định trong các văn bản khác, như Pháp lệnh về giống cây trồng 2004 và Pháp lệnh về giống vật nuôi 2004. Đối với Việt Nam, các giống vật nuôi, cây trồng mới đều được coi là loài lạ và việc đưa nó vào nuôi, trồng trong môi trường nước ta cần phải được kiểm định một cách chặt chẽ.

Tuy nhiên, vẫn có một số yêu cầu của Công ước chưa được “chuyển hóa” (nội địa hóa) đầy đủ trong hệ thống văn bản pháp luật quốc gia, như: (i) Yêu cầu lồng ghép tối đa và thích đáng công tác bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học vào các kế hoạch, chương trình và chính sách ngành hoặc liên ngành có liên quan; (ii) Khôi phục, phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái, và khuyến khích phục hồi các loài bị đe doạ bằng nhiều biện pháp, thông qua quá trình xây dựng và triển khai các kế hoạch hoặc các chiến lược quản lý khác; (iii) Thúc đẩy và tạo thuận lợi hợp tác khoa học và kỹ thuật thông qua cơ chế trao đổi thông tin… Các mức độ chuyển hóa cũng khác nhau. Cụ thể:

- Một số yêu cầu của Công ước tuy đã được đề cập trong các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành nhưng mới chỉ dừng ở mức quy định chung, mang tính nguyên tắc. Ví dụ, liên quan đến các yêu cầu về kiểm soát các loài sinh vật lạ đe dọa hệ sinh thái, nơi cư trú và các loài, Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định 109/CP mới chỉ dừng ở các quy định “nghiêm cấm nhập khẩu, quá cảnh động vật, thực vật chưa qua kiểm dịch; vi sinh vật ngoài danh mục cho phép; hay nghiêm cấm đưa các động vật, thực vật lạ vào môi trường trên các vùng đất ngập nước gây mất cân bằng sinh thái hoặc làm biến đổi gen các động vật, thực vật tại chỗ”, mà chưa có các quy định đáp ứng đầy đủ yêu cầu của Công ước là phải xây dựng các công cụ để quy định, quản lý và kiểm soát việc nhập khẩu, sử dụng và phóng thích ra môi trường các sinh vật biến đổi gen bằng công nghệ sinh học.

- Một số yêu cầu của Công ước mới chỉ được đáp ứng trong các văn bản có giá trị pháp lý thấp. Ví dụ, những đòi hỏi của Công ước về bảo tồn đa dạng sinh học nói chung, bảo tồn các nguồn gen nói riêng được thể hiện khá rõ nét trong Quy chế quản lý và bảo tồn nguồn gen thực vật, động vật và vi sinh vật, song giá trị thực tiễn của Quy chế này lại bị giới hạn bởi hiệu lực pháp lý của nó. Mặc dù Quy chế đã đề cập đến việc bảo tồn, lưu giữ nguồn gen; bảo vệ tài nguyên di truyền, cung cấp nguồn nguyên liệu khởi thuỷ phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, cải tạo giống, đảm bảo duy trì tính đa dạng sinh học; đồng thời bước đầu xác định một số nội dung và giải pháp của hoạt động bảo tồn nguồn gen; những đối tượng cần ưu tiên bảo tồn; nhiệm vụ của các cơ quan có thẩm quyền quản lý và thực hiện hoạt động bảo tồn và lưu giữ nguồn gen..., song do Quy chế này còn thiếu tính qui phạm nên không tránh những khỏi hạn chế trong việc định hướng hành vi cho các cá nhân, tổ chức tham gia vào các quan hệ bảo vệ đa dạng sinh học.

- Vẫn còn một số yêu cầu của Công ước chưa được chuyển hóa trong các văn bản pháp luật nội địa, như yêu cầu thúc đẩy và khuyến khích sự hiểu biết về tầm quan trọng và các biện pháp cần thiết phục vụ bảo tồn đa dạng sinh học, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, đưa các chủ đề này vào chương trình giáo dục. Yêu cầu thúc đẩy và tạo thuận lợi hợp tác khoa học và kỹ thuật thông qua cơ chế trao đổi thông tin chưa được chuyển hóa trong Nghị định 109/CP, v.v…

II. NGHỊ ĐỊNH THƯ CATAGENA

1. Nội dung chính và nghĩa vụ của các nước thành viên

Nghị định thư Cartagena về an toàn sinh học của Công ước ĐDSH, đã được hoàn thiện và thông qua tại Montreal ngày 29/1/2000. Đến ngày 24 tháng 8 năm 2005, đã có 103 nước tham gia Nghị định thư này. Việt Nam phê chuẩn Nghị định thư vào ngày 21/1/2004 và có hiệu lực vào ngày 20/4/2004.

Nghị định thư Cartagena thúc đẩy an toàn sinh học bằng cách thiết lập các luật lệ và thủ tục thực tế cho việc chuyển giao, xử lý và sử dụng an toàn các LMO, đặc biệt tập trung vào việc điều tiết sự vận chuyển chúng qua biên giới từ nước này tới nước khác. Nội dung chính của Nghị định thư bao gồm:

- Bên xuất khẩu sẽ phải thông báo hoặc yêu cầu nhà xuất khẩu đảm bảo việc thông báo cho cơ quan có thẩm quyền quốc gia của Bên nhập khẩu bằng văn bản trước khi vận chuyển xuyên biên giới có chủ định một sinh vật biến đổi gen.

- Một bên tham gia đưa ra quyết định cuối cùng liên quan đến việc sử dụng trong nước, kể cả đưa ra thị trường sinh vật biến đổi gen có thể bị ràng buộc theo quy định vận chuyển xuyên biên giới để sử dụng trực tiếp làm lương thực, hoặc thức ăn gia súc, hoặc chế biến thì bên đó sẽ phải thông báo cho các bên tham gia trong vòng 15 ngày kể từ khi gia quyết định, thông qua Trung tâm trao đổi thông tin ATSH.

- Bên nhập khẩu sẽ phải đảm bảo những đánh giá rủi ro được thực hiện theo đúng các quyết định nêu trong điều 10. Bên nhập khẩu được phép yêu cầu nhà xuất khẩu tiến hành đánh giá rủi ro.

- Mỗi bên tham gia sẽ áp dụng các biện pháp thích hợp để ngăn chặn việc vận chuyển xuyên biên giới không có chủ định các sinh vật biến đổi gen, kể cả các biện pháp khi bắt buộc tiến hành đánh giá rủi ro trước khi phóng thích lần đầu một sinh vật biến đổi gen.

- Để tránh tác động bất lợi đến bảo tồn và sử dụng bền vững ĐSSH, đồng thời quan tâm đến các rủi ro đối với sức khoẻ con người, mỗi Bên tham gia sẽ phải áp dụng các biện pháp cần thiết để bắt buộc các sinh vật biến đổi gen bị ràng buộc theo vận chuyển xuyên biên giới có chủ định trong phạm vi của Nghị định thư này, phải được xử lý, đóng gói và vận chuyển trong điều kiện an toàn, có quan tâm đến các luật lệ và tiêu chuẩn quốc tế liên quan.

- Mỗi bên tham gia sẽ chỉ định một điểm đầu mối quốc gia thay mặt cho Bên tham gia chịu trách nhiệm liên lạc với Ban thư ký. Đồng thời, mỗi bên tham gia sẽ chỉ định một hay nhiều cơ quan quốc gia có thẩm quyền, có trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý hành chính theo yêu cầu của Nghị định thư, và sẽ được uỷ quyền thay mặt cho bên tham gia đó thực hiện các chức năng đó.

- Mỗi bên tham gia sẽ đưa vào áp dụng các biện pháp thích hợp trong nước nhằm ngăn chặn và nếu thích hợp, trừng phạt việc vận chuyển xuyên biên giới các sinh vật biến đổi gen tiến hành trái với các biện pháp của nước mình thực hiện Nghị định thư này.



2. Tổ chức thực hiện Nghị định thư

Do Nghị định thư Cartagena là văn kiện mới được Việt Nam phê chuẩn vào đầu năm 2004 (có hiệu lực ngày 21/4/2004), trong khi hầu hết các văn bản pháp luật trong nước có liên quan đến đa dạng sinh học và an toàn sinh học đã được ban hành trước thời gian trên nên việc đáp ứng các yêu cầu của điều ước quốc tế này trong hệ thống pháp luật quốc gia cũng được thể hiện ở nhiều mức độ khác nhau. Một là, có nhiều quy định pháp luật mặc dù đã được ban hành từ trước nhưng có nội dung phù hợp với các yêu cầu của điều ước, như: Pháp lệnh Bảo vệ và kiểm dịch thực vật năm 2001, Điều lệ kiểm dịch thực vật 2002… ; Hai là, có một số yêu cầu của Nghị định thư Cartagena cũng đồng thời là yêu cầu của Công ước Đa dạng sinh học nên việc đáp ứng các yêu cầu của Công ước Đa dạng sinh học cũng được xem là đã đáp ứng các yêu cầu của Nghị định thư Cartagena.

Kể từ sau thời điểm Việt Nam tham gia Nghị định thư Cartagena, vấn đề an toàn sinh học cũng đã được Việt Nam tiếp cận và đề cập sâu hơn trong các văn bản pháp luật như Pháp lệnh giống cấy trồng 2004, Pháp lệnh giống vật nuôi 2004, Luật Bảo vệ và phát triển rừng 2004, Luật Bảo vệ môi trường 2005… Đặc biệt, ngày 26/8/2005 Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Bản Quy chế về quản lý an toàn sinh học đối với các sinh vật biến đổi gen; sản phẩm, hàng hóa có nguồn gốc từ sinh vật biến đổi gen, trong đó có nhiều nội dung liên quan đến xuất, nhập khẩu, lưu giữ và vận chuyển sinh vật biến đổi gen. Đây được xem là văn bản pháp lý đáp ứng ở mức cao nhất các yêu cầu của Nghị định thư Cartagena.

Như vậy, phần lớn các yêu cầu của Nghị định thư Cartagena đã được đáp ứng trong Quy chế về quản lý an toàn sinh học đối với các sinh vật biến đổi gen; sản phẩm, hàng hóa có nguồn gốc từ sinh vật biến đổi gen, trong đó có một số yêu cầu được chuyển hóa khá đầy đủ. Ví dụ, yêu cầu phải áp dụng các biện pháp cần thiết trong quá trình vận chuyển xuyên biên giới các sinh vật biến đổi gen (như xử lý, đóng gói và vận chuyển trong điều kiện an toàn)… đã được chuyển hóa thành các điều kiện bắt buộc đối với việc nhập khẩu sinh vật biến đổi gen. Việc nhập khẩu sinh vật biến đổi gen để sử dụng vào các mục đích khác nhau phải tuân theo các điều kiện khác nhau. Các quy định về điều kiện nhập khẩu sinh vật biến đổi gen được xem là bước chuyển hóa đầy đủ nhất đối với các yêu cầu của điều ước. Bên cạnh đó, các quy định về thủ tục nhập khẩu sinh vật biến đổi gen cũng nhằm đáp ứng yêu cầu ngăn chặn những tác động bất lợi đến bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học từ hoạt động xuất, nhập khẩu sinh vật biến đổi gen… Tuy nhiên, do đây mới chỉ là quyết định của Thủ tướng Chính phủ nên không tránh khỏi những hạn chế nhất định trong quá trình áp dụng. Ngoài ra, trong một số văn bản pháp luật được ban hành trước ngày Việt Nam tham gia Nghị định thư Cartagena cũng đã có những quy định bảo đảm mức độ tương thích rất cao đối với các yêu cầu của điều ước. Ví dụ, các quy định về chế độ, tiêu chuẩn kiểm dịch thực vật; quy định các biện pháp ngăn chặn sinh vật gây hại nguy hiểm từ vật thể nhập khẩu… trong Pháp lệnh Bảo vệ và kiểm dịch thực vật năm 2001 đáp ứng khá đầy đủ các yêu cầu về xây dựng và duy trì những cơ chế, biện pháp và các chiến lược thích hợp để quy định, quản lý và kiểm soát các rủi ro liên quan đến việc sử dụng, xử lý và vận chuyển xuyên biên giới có chủ định các sinh vật biến đổi gen, v.v…

Luật Bảo vệ môi trường 2005 cũng đã dành riêng một điều quy định về an toàn sinh học, trong đó nhấn mạnh phải kiểm soát chặt chẽ việc nhập nội và quá cảnh động vật, thực vật, vi sinh vật, cũng như lưu giữ, vận chuyển sinh vật biến đổi gen và sản phẩm của chúng… thông qua nghĩa vụ phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện về an toàn sinh học và thủ tục theo quy định của pháp luật. Đây là quy định mang tính nguyên tắc, thể hiện quan điểm chung của Việt Nam là sẽ thích ứng các yêu cầu quốc tế về an toàn sinh học mà Việt Nam đã cam kết.

Luật Bảo vệ và phát triển rừng 2004 cũng có một số quy định về kiểm soát việc nhập nội giống động vật, thực vật rừng, nhưng đó là những quy định có tính dẫn chiếu và không đi sâu vào các khía cạnh kiểm soát an toàn sinh học. Ví dụ, Điều 44 khoản 2,3 quy định: “Việc nhập nội giống thực vật rừng, động vật rừng phải tuân theo quy định của pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học, pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật, pháp luật về thú y, pháp luật về giống cây trồng, pháp luật về giống vật nuôi"; Điều 12, khoản 12 quy định: “Nghiêm cấm hành vi nuôi, trồng, thả vào rừng đặc dụng các loài động vật, thực vật không có nguồn gốc bản địa khi chưa được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.

Tuy nhiên, vẫn còn một số yêu cầu của điều ước chưa được chuyển hóa đầy đủ, cụ thể trong hệ thống pháp luật quốc gia mà mới chỉ dừng ở các quy định chung chung, như: (i) Các yêu cầu về đánh giá rủi ro. Mặc dù Điều 3, khoản 8 của Quy chế cũng đã đề cập đến nghĩa vụ phải đánh giá rủi ro đối với các hoạt động có liên quan đến sinh vật biến đổi gen nhưng pháp luật chưa có những hướng dẫn cụ thể về cách thức đánh giá rủi ro và khắc phục hậu quả của rủi ro…; (ii) Yêu cầu tăng cường các nguồn nhân lực và năng lực thể chế về an toàn sinh học; yêu cầu nâng cao nhận thức, giáo dục và sự tham gia của cộng đồng liên quan đến chuyển giao, xử lý và sử dụng an toàn các sinh vật biến đổi gen… cũng mới chỉ được đề cập trong Quy chế như là một nội dung của hoạt động quản lý nhà nước về an toàn sinh học, trong khi cách tiếp cận chủ yếu của Nghị định thư là đa dạng hóa các hình thức kiểm soát an toàn sinh học, tăng cường vai trò của các chủ thể khác (ngoài Nhà nước) đối với các hoạt động này.

Có một số yêu cầu của điều ước chưa được chuyển hóa trong các văn bản pháp luật hiện hành, như: (i) Trách nhiệm của bên xuất khẩu phải thông báo với cơ quan có thẩm quyền quốc gia của bên nhập khẩu việc vận chuyển xuyên biên giới có chủ định một sinh vật biến đổi gen (Điều 8.1) và phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của những thông tin đó; (ii) Trách nhiệm của bên nhập khẩu trong việc xác nhận đã nhận được thông báo của bên xuất khẩu; (iii) Trách nhiệm phải cung cấp cho Trung tâm trao đổi thông tin an toàn sinh học các quy định áp dụng đối với việc nhập khẩu các sinh vật biến đổi gen với ý định sử dụng trực tiếp làm lương thực, hoặc thức ăn gia súc, hoặc chế biến, v.v…



Каталог: content -> vankien -> Lists -> DanhSachVanKien -> Attachments
Attachments -> KỲ HỌp thứ TÁm quốc hội khoá XII (20/10/2010 26/11/2010)
Attachments -> PHẦn I các bộ, ngàNH, CƠ quan thuộc chính phủ trả LỜi cáC Ý kiếN, kiến nghị CỦa cử tri
Attachments -> CHÍnh phủ Số: 62/bc-cp cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc Hà Nội, ngày 5 tháng 5 năm 2008 BÁo cáO
Attachments -> BỘ giao thông vận tảI 1/ Cử tri tỉnh Đắk Lắc kiến nghị
Attachments -> QUỐc hội khóa XI uỷ ban về các vấn đề xã hội
Attachments -> QUỐc hội số: CỘng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> 210/bc-btnmt cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> KỲ HỌp thứ TÁm quốc hội khoá XII (20/10/2010 26/11/2010) TẬp hợP Ý kiếN, kiến nghị CỦa cử tri
Attachments -> Ủy ban thưỜng vụ quốc hội số: 365/bc-ubtvqh12
Attachments -> BỘ NÔng nghiệp và phát triển nông thôn số: 1588

tải về 276.54 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương