A dục vưƠng (asoka) cuộC ĐỜi và SỰ nghiệP



tải về 1.22 Mb.
trang5/19
Chuyển đổi dữ liệu26.07.2016
Kích1.22 Mb.
#6622
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   19
Trước hết, Asoka là vị hoàng đế rất mực thương dân. “ Tất cả thần dân là con cái ta; bởi ta có lòng mong muốn cho các con ta được hạnh phúc và an lạc đời này và đời sau, ta cũng mong muốn cho tất cả thần dân của ta được như vậy.”[76] Từ quan điểm lấy dân làm gốc, vì hạnh phúc nhân dân mà phục vụ, Asoka từ bỏ những cuộc dạo chơi săn bắn và nhiều thú vui khác của hoàng gia ( vihàr-yàtra ) để tập trung vào công việc chăm lo đời sống và giáo dục nhân dân ( Dharma-yàtra ). Theo ông,[77]nỗ lực quản lý và điều hành quốc gia không chỉ là nghĩa vụ mà còn là món nợ mà một vị vua phải làm đối với nhân dân. R.Mookerji cho rằng hiếm có vị vua nào lại nhấn mạnh các nghĩa vụ và bổn phận của mình đối với dân như Asoka.[78] Bia ký VI nói rõ Asoka chú tâm giải quyết công việc ở mọi lúc và mọi nơi; ông lệnh cho các quan chức phải báo cáo ngay cho ông những vấn đề liên quan đến đời sống nhân dân,ngay cả khi ông đang ăn, đang ở hậu cung, đang ngủ, đang ở tại các trại chăn nuôi, đang ở chổ thuyết giáo hay khi ông đang vui chơi. Asoka còn nói thêm trong bia ký rằng ông không bao giờ bằng lòng về các nỗ lực giải quyết công việc của mình, bởi ông cho rằng làm việc là để phục vụ hạnh phúc của dân trong đó nỗ lực giải quyết các công việc là căn bản. Asoka cũng ý thức rất rõ rằng việc quản lý và điều hành một quốc gia rộng lớn như Maurya không thể chỉ hoàn toàn dựa vào những báo cáo mà cần phải thường xuyên theo dõi và giám sát thực tế. Đó là lý do vì sao ông thường xuyên du hành với mục đích xem xét tình hình đất nước và hiện tình đời sống nhân dân.[79]Rõ ràng nhờ ý chí phục vụ không mệt mỏi và tài năng lãnh đạo đa dạng của Asoka mà guồng máy nhà nước Maurya dưới sự điều khiển của ông được vận hành tốt và có hiệu quả.
Một yếu tố quan trọng khác góp phần làm cho guồng máy nhà nước của Asoka vận hành có hiệu quả là đội ngũ các nhà quản lý các cấp do ông thiết lập và đề cử đã tỏ ra xuất sắc trong các nhiệm vụ được giao. Mặc dù rất năng động trong cung cách điều hành và giải quyết các công việc, Asoka không thể một mình quản lý hết mọi việc của một quốc gia rộng lớn như Maurya. K. Hazra cho rằng nhờ tài lãnh đạo sáng suốt và quản lý giỏi và với sự trợ giúp của đội ngũ quan chức chính phủ các cấp. Asoka đã quản lý hết sức thành công toàn bộ đế quốc to lớn của mình và đã thu phục lòng người một cách dễ dàng.[80]
Hệ thống tổ chức và quản lý nhà nước của ông khá quy mô và vận hành có hiệu quả. Asoka tỏ ra rất sắc sảo trong khoa học quản trị khi thiết lập hệ thống quản lý nhà nước với nhiều ban ngành chuyên trách và đề cử nhiều chức vụ quản trị tương ứng. Danh sách các quan chức đứng đầu các bộ hay ban ngành chuyên trách thuộc nhà nước trung ương, hệ thống các quan lại địa phương với các nhiệm vụ và chức năng được quy định rõ tỏ cho thấy Asoka ý thức rất rõ việc quản lý nhà nước rộng lớn bằng phương tiện thông tin, bằng chứng là ông đã cho dựng các bia ký và trụ đá khắp nơi nhằm phổ biến chính sách nhà nước và hướng dẫn nếp sống nhân dân. Ông từng phàn nàn việc một số các chỉ dụ của ông đã bị thông tin thiếu chính xác.[81]Trong các chỉ dụ của mình, Asoka thường xuyên nhắc nhở quan chức các cấp sống đúng pháp luật và làm việc theo pháp luật để nêu gương cho mọi người.[82] Bia ký Kalinga ghi rõ những lời răn của ông dành cho các quan lại địa phương, nhắc nhở họ về bổn phận và nghĩa vụ của kẻ làm quan. Theo Asoka,[83]mục đích của kẻ làm quan là chăm lo hạnh phúc cho dân, vì vậy kẻ làm quan phải tuyệt đối cần mẫn và phải hiểu rõ niềm vui và nỗi khổ của dân. Trong cách nói của mình, Asoka ví dân như trẻ thơ, quan lại như người vú. Dân cần phải được chăm sóc bởi quan lại cần mẫn, giống như đứa trẻ cần phải được chăm sóc bởi người vú ân cần.
Có thể còn nhiều yếu tố khác nữa khiến bộ máy nhà nước của Asoka được củng cố vững chắc và vận hành có hiệu quả. Chẳng hạn, chính sách đức trị và chăm lo hạnh phúc cho dân, phản ánh của quần chúng nhân dân đối với chính sách nhà nước và thái độ của các quan chức chính phủ mà họ có quyền nói lên vào dịp các phái đoàn thanh tra nhà nước đến làm việc tại các điạ phương. Bia ký VIII ghi nhận sự kiện rằng mười năm sau khi lên ngôi, Asoka chiêm bái thánh tích Bodhgaya, chỗ đức Phật giác ngộ, và từ đó trở đi ông thường thực hiện những chuyến du hành gọi là Dharma-yàtrà nhằm phổ biến chính sách đức trị bằng cách thăm viếng các tổ chức tôn giáo, tiếp xúc với quần chúng nhằm khuyến khích nếp sống đạo đức và thảo luận với nhân dân về đường lối đức trị, K . Hazra cho rằng Asoka đã thiết lập một nhà nước lý tưởng dựa trên tình thương và sự cảm thông.[84] Quả thực, với một ông vua hết lòng thương dân như thế và với một đội ngũ các quan chức chính phủ được giáo dục thương yêu và chăm lo hạnh phúc cho dân như thế thì không có gì quá đáng khi nói rằng nhà nước của Asoka là một nhà nước lý tưởng của mọi thời đại.
[45] Bia ký IV.
[46] D.R.Bhandarkar,Asoka,tr.42.
[47] OYC,II, tr.184.
[48] B.M.Barua,Asoka and his Inscription,tr.104.
[49] V.A.Smith,Asoka,tr.76.
[50] B.M.Barua, Asoka and hia Inscriptions,tr.69.
[51] Nguyễn Hiến Lê, lịch sử văn minh Ấn Độ,tr.30.
[52] B.M.Barua, Asoka and his Inscription,tr.146.
[53] B.M.Barua, Asoka and his Inscription, tr.186.
[54] Theo tài liệu Vàya Putràna.
[55] R.Mookerji, Asoka, tr.94-95.
[56] Nguyễn Hiến Lê, Lịch sử Văn minh Ấn Độ, tr.98.
[57] RBK,tr.77.
[58] Kalinga Edict I; Kalinga II, văn bản Dhauli; Minor Rock Edict I, văn bản Brahmagiri.
[59] R.Mookerji, Asoka,tr.8,51.
[60] R.Mookerji,Asoka,tr.51.
[61] R.Mookerji, Asoka,tr.51.
[62] R.Mookerji, Asoka,tr.52;B.M.Barua, Asoka and his Inscription,tr.34.
[63] R.Mookerji, Asoka,tr.52.
[64] B.M.Barua, Asoka and his Incription,tr.151.
[65] D.R.Bhandarkar, Asoka,tr.53;R.Mookerji,Asoka,tr.53.
[66] D.R.Bhandarkar,Asoka,tr.53.
[67] D.R.Brandarkar,Asoka,tr.52.
[68] D.R.Bhandarkar, Asoka,tr.51.
[69] D.R.Brandarkar,Asoka,tr.52.
[70] D.R.Brandarkar, Asoka,tr.54-56;R.Mookerji, Asoka,tr.56.
[71] Bia ký XII.R.Mookerji, sau khi so sánh với tài liệu Arthaśàstra của Kautilya, cho rằng vraja-bhùmika là một quan chức trách nhiệm xây dựng các giếng nước, hồ nước, các vườn hoa, vườn cây ăn trái, các nhà nghỉ dành cho khách bộ hành , bảo vệ an toàn cho nhân dân và súc vật trên các tuyến đường. (Xem R.Mookerji, Asoka,tr.160-61, phần chú thích cuối trang.)
[72] Heras cho rằng Asoka là một triết gia hơn là một quốc vương, một bậc thầy về đạo đức hơn là một nhà quản trị. ( Xem QJMS, XVII, tr.276).C.J.Shah nêu quan điểm tương tự: “ Về phương diện chính trị, Asoka là một tín đồ phái Quaker và là người xứng đáng với vị trí một đạo sư hơn là một hoàng đế.” ( Xem C.J.Shah,Jainism in North India,tr.133 )
[73] RPBAI,tr.64-65.
[74] B.M.Barua,Asoka and his Inscriptions,tr.221-22.
[75] Phát hiện Ấn Độ, tập I,tr.201.
[76] Bia ký Kalinga II.
[77] Bia ký VI.
[78] R.Mookerji,Asoka,tr.50.
[79] R.Mookerji,Asoka,tr.50.
[80] RPBAI,tr.64.
[81] Bia ký Kalsi.
[82] Trụ đá I.
[83] Trụ đá IV.
[84] RPBAI,tr.64.

---o0o---



Chương III
CHÍNH SÁCH CỦA Asoka
J. Jolly và R.Schmidt nêu nhận xét rằng người ta có thể đánh giá tài năng lãnh đạo và quản lý quốc gia của một ông vua qua hai đặc điểm nổi trội, khả năng điều hành nhà nước và tài ứng dụng đúng lúc và có hiệu quả các nguyên tắc nhằm bảo đảm cho tự thân, quốc gia, dân chúng và nhiều yếu tố khác của quốc gia được an toàn và hơn thế được lợi ích và hạnh phúc. [85] Nhận xét này xem ra hoàn toàn thỏa đáng đối với trường hợp Asoka, một hoàng đế không những giỏi về mặt lãnh đạo và điều hành quốc gia mà còn rất xuất sắc trong việc ứng dụng đúng lúc các nguyên tắc trị quốc khiến cho nước nhà ngày càng hưng thịnh và dân chúng được an cư lạc nghiệp . Về khả năng thứ nhất của Asoka, nghĩa là tài lãnh đạo và điều hành quốc gia của ông, chúng ta đã có dịp nói đến ở chương trước đây. Trong chương này chúng ta sẽ tập trung xem xét khả năng thứ hai của Asoka, tức là khả năng ứng dụng đúng lúc và có hiệu quả các nguyên tắc điều hành quốc gia hay còn gọi là chính sách trị quốc của ông.
Về chính sách trị quốc của Asoka,các bia ký và trụ đá của ông cung cấp cho chúng ta một số lượng thông tin rất lớn. Chính các bia ký và trụ đá của ông là các văn kiện lịch sử hết sức quan trọng và tuyệt đối cần thiết cho công tác nghiên cứu và đánh giá về con người Asoka cũng như sự nghiệp của ông, về cơ cấu tổ chức và quản lý nhà nước dưới triều đại ông, đặc biệt là về các chính sách mà Asoka đã đề ra mỗi lúc khác nhau nhằm củng cố và phát triển quốc gia. Tài liệu bia ký và trụ đá của ông cũng phản ánh rất rõ lý tưởng hòa bình mà Asoka đã nỗ lực theo đuổi nhằm mang lại thái bình cho đất nước và thiết lập quan hệ hòa hiếu với các quốc gia trong khu vực. Vì vậy, để hiểu rõ các chính sách của Asoka chúng ta sẽ tập trung xem xét hai đường lối chính của nhà nưóc Maurya dưới hai hình thức gọi là đối nội và đối ngoại.
I. Đường lối đối nội:
Về phương diện đối nội, nhà nước Asoka tiêu biểu cho một nhà nước vì dân, được cụ thể hóa qua các chính sách sau đây :
1.Chính sách lấy dân làm gốc :
Nhà nước Asoka không phải là nhà nước do dân bầu nhưng lấy dân làm gốc. Các quan chức nhà nước Asoka cũng không do dân bầu nhưng phục vụ vì lợi ích của nhân dân. Quan điểm lấy dân làm gốc, vì hạnh phúc nhân dân mà phục vụ là đặc điểm nổi bật của nhà nước Asoka. Quan điểm hay chính sách ấy trước hết được thể hiện một cách cụ thể và sinh động qua cách nói của Asoka cũng như qua tấm gương phục vụ không mệt mỏi của ông vì lợi ích và hạnh phúc của nhân dân. Trong bia ký Kalinga, văn bản Dhauli, Asoka tuyên bố: “ Tất cả mọi người là con cái của ta. Bởi t among muốn cho các con ta được hạnh phúc và an lạc đời này và đời sau, ta cũng mong cho tất cả mọi người được như vậy.”
Asoka là một hoàng đế rất mực thương dân , xem dân như con cái của mình, lo lắng cho hạnh phúc của nhân dân. Cách nghĩ và cách nói này của Asoka là một bằng chứng của quan điểm lấy dân làm gốc. Một bằng chứng khác của chính sách lấy dân làm gốc của Asoka là ông tự xem mình không chỉ là một vị vua phải có trách nhiệm chăm lo hạnh phúc cho dân mà còn là một người mắc nợ nhân dân, cần phải nỗ lực làm việc nhiều hơn thanh toán món nợ ấy. [86]Bia ký VIII xác nhận Asoka từ bỏ nhiều thú vui của cá nhân để tập trung vào công việc chăm lo hạnh phúc và giáo dục nhân dân. Ông xem trọng việc nước hơn việc nhà, lấy hạnh phúc của dân làm thú vui cho chính mình. Asoka làm việc không mệt mỏi, chú tâm giải quyết việc nước việc dân ở mọi lúc mọi nơi. Trong bia ký VI, Asoka ra lệnh cho các quan chức có trách nhiệm phải báo cáo ngay cho ông mọi công việc liên quan đến đời sống nhân dân, thậm chí khi ông đang ăn, đang ở hậu cung, đang ngủ, đang ở tại các trại chăn nuôi, đang ở chỗ thuyết giáo hay khi ông đang vui chơi. Nhưng dù đã làm việc hết mình, Asoka vẫn không hài lòng về khả năng giải quyết công việc của mình. Bia ký VI ghi nhận sự kiện rằng Asoka phàn nàn về năng lực làm việc của mình. Ông tự nhận có trách nhiệm thúc đẩy lợi ích của nhân dân mà theo ông căn bản của việc làm ấy chính là nỗ lực giải quyết công việc. Nhưng Asoka không chỉ quyết định việc nước việc dân dựa trên báo cáo, ông còn đích thân thị sát và giải quyết công việc tại các địa phương. Tiểu bia ký I, văn bản Brahmgiri, và bia ký VIII xác nhận Asoka đã thực hiện nhiều cuộc tuần du các địa phương nhằm xem xét tình hình đất nước và đời sống nhân dân.
Từ các thông tin bia ký và trụ đá trên đây ta có thể khẳng định rằng quan điểm hay chính sách lấy dân làm gốc đã được thực hiện một cách triệt để bởi hoàng đế Asoka. Các quan niệm như “đi sâu đi sát quần chúng ,” “ lãnh đạo là đầy tớ của dân ,” xem ra đã được vận dụng triệt để và có hiệu quả bởi Asoka cách nay hơn 20 thế kỷ !
Một bằng chứng khác về chính sách lấy dân làm gốc của Asoka là đội ngũ các quan chức nhà nước Maurya thường xuyên được giáo dục về lý tưởng phục vụ nhân dân và về ý thức trách nhiệm lãnh đạo. Asoka tỏ ra rất quan tâm việc huấn luyện đội ngũ các quan chức đại diện nhà nước chăm lo việc dân, và chính ông là tấm gương sáng cho việc huấn luyện đó. Theo các thông tin bia ký thì đội ngũ quan chức các cấp của nhà nước Asoka được huấn luyện tốt và làm việc khá thông minh và có hiệu quả. Trong các chỉ dụ của mình, Asoka thường xuyên nhắc nhở quan chức các cấp của ông sống đúng pháp ( Dharma ) và thực thi công việc đúng pháp luật để nêu gương cho mọi người .[87] Ông quy định các quan chức có phẩm hàm khác nhau cứ ba hay năm năm một lần phải có trách nhiệm tuần du địa bàn quản lý của mình nhằm phổ biến, hướng dẫn và khuyến khích mọi người sống theo pháp luật. Các quan chức phải làm việc cần mẫn và phải hiểu rõ bổn phận và trách nhiệm của mình. [88] Asoka cho rằng mục đích của kẻ làm quan là phải chăm lo hạnh phúc của nhân dân. Vì vậy , theo ông, kẻ làm quan cần phải hiểu rõ niềm vui và nỗi khổ của dân và phải làm việc hết mình vì lợi ích của nhân dân .[89] Quan lại phải hết lòng chăm lo cho dân, tựa như vú em hết lòng chăm lo cho con trẻ. Ông phát biểu; “ Giống như một người giao phó đứa con thân yêu của mình cho người vú chăm bẵm, nghĩ rằng: “ Bà vú ân cần này sẽ chăm sóc chu đáo cho đứa con của ta ;” cũng vậy, ta thiết lập đội ngũ các quan chức Ràjjùka với ý nghĩ rằng họ sẽ làm việc cần mẫn vì lợi ích và hạnh phúc của nhân dân.”[90]
Như vậy, song song với cách sống và làm việc tích cực của mình, lối giáo dục và rèn luyện cán bộ nhà nước trên đây của Asoka chắc chắn đã mang lại những kết quả nhất định cho đường lối lãnh đạo của ông. Tài liệu Aśokàvadàna thuật câu chuyện rằng Mahendra, em trai Asoka, là một kẻ bướng bỉnh đã làm nhiều việc phi pháp khiến quần chúng oán hận. Các quan chức của Asoka biết được liền nhắc nhở Mahendra: “ Chúng tôi mong rằng ngài sẽ tuân thủ các nguyên tắc mà quốc gia đã đề ra cho chúng ta và tỏ rõ công lý đối với những ai tìm cách phá vỡ các nguyên tắc ấy, bởi lẽ nhà nước có công minh thì dân mới tín nhiệm; khi nhà nước được dân tín nhiệm thì quốc gia sẽ thái bình,” [91] Những lời lẽ được thốt ra như thế này chứng tỏ đội ngũ các quan chức nhà nước Asoka đã được giáo dục rất tốt về chính sách lấy dân làm gốc và các quyên tắc trị quốc dựa trên chính sách ấy.
2.Chính sách đức trị :
Một đặc điểm khác của Asoka là luôn luôn đề cao đạo đức nhân ái và vận dụng triệt để chính sách đức trị ( Dharma-vijava ) trong suốt thời gian ông trị vì. Khắp nơi trong các bia ký và trụ đá của ông, yếu tố đạo đức nhân ái hay đường lối đức trị được nhấn mạnh vướt trội. Divyàvadàna nói rằng Asoka trị vì một vương quốc rộng lớn mà không có đàn áp, không bắt ép người vô tội, không dùng vũ lực mà dùng đức trị.[92] Mặc dù là truyền thuyết, nhận định này ngụ ý rằng nhà nước Asoka là một nhà nước đức trị. Dưới thời Asoka, không một cuộc bạo loạn nào được ghi nhận đã xảy ra trong vương quốc Maurya như từng xảy ra trước đó nhiều lần dưới thời Bindusàra. Phải chăng đây là bằng chứng của một đất nước thái bình thịnh trị? Bia ký V cho chúng ta hay mười ba năm sau khi lên ngôi, Asoka thành lập một đội ngũ quan chức các cấp có trách nhiệm trông coi về kỷ cương và đạo đức xã hội gọi là Dharma-mahàmàtra và Dharma-yukta. Nhiệm vụ của các quan chức này là thúc đẩy kỷ cương đạo đức hay còn gọi là chính sách đức trị nhằm bảo đảm lợi ích và hạnh phúc cho tất cả mọi người, đặc biệt là quần chúng ở các vùng xa xôi như Yavana, Kamboja, Gandhàra, cư dân các vùng biên giới, các đối tượng già yếu, làm thuê làm mướn, bị tù tội hay bị lưu đày khổ sai.[93] Mười ba năm sau, tức 26 năm sau khi lên ngôi, Asoka thành lập thêm đội ngũ các quan chức có trách nhiệm trông coi về pháp luật gọi là Ràjùka . Cũng giống như đội ngũ các Dharma-mahàmàtra và Dharma-yukta, nhiệm vụ của các quan chức Ràjùka cũng có trách nhiệm xem xét các trường hợp tù nhân xin kháng án và giúp các tù nhân bị xử tôi chết được làm việc thiện trong ba ngày với hy vọng đời sau sẽ được may mắn.[94]Các chỉ dụ ghi trong trụ đá I và VII quy định quan chức các cấp của chính phủ phải sống kỷ cương và nêu cao đạo đức, đồng thời phải phổ biến chính sách đức trị của nhà nước nhằm dẫn dắt cuộc sống hạnh phúc nhân dân. Để làm tốt việc này, các quan chức phải điều hành việc nước theo pháp luật, xử lý công việc theo pháp luật, phải làm cho dân được hạnh phúc nhờ pháp luật và bảo vệ dân bằng pháp luật. Quan chức các cấp cũng có trách nhiệm tuần du theo định kỳ ba năm hay năm một lần tùy theo phẩm hàm nhằm phổ biến, khuyến khích và nhắc nhở nhân dân sống đúng pháp luật. Với Asoka, pháp luật đồng nghĩa với kỷ cương đạo đức. Người sống đúng pháp luật do đó là người tôn trọng kỷ cương và nêu cao đạo đức. Hai yếu tố kỷ cương và đạo đức không tách rời nhau trong quan niệm không tách rời nhau trong quan niệm pháp luật của Asoka. Asoka xem kỷ cương đạo đức là nhân tố của hạnh phúc. Bởi vậy theo ông, sống và làm việc theo pháp luật tức là sống tạo hạnh phúc cho mình và đem hạnh phúc cho người.
Asoka rất quan tâm xây dựng một đất nước thái bình thịnh trị trên cơ sở phát huy nếp sống đạo đức của quần chúng và tỏ rõ biện pháp đức trị. Ông khuyên dạy tất cả con cái, cháu chắt và thần dân của mình phải muôn đời sống trong đạo đức Chánh pháp ( Dharma ) và phải có trách nhiệm khuyến khích nếp sống đạo đức Chánh pháp .[95]Asoka quan niệm Chánh pháp (Dharma ) là thiện hay tốt lành ( sàdhu ) được thể hiện qua việc tránh xa điều ác hay tội lỗi, làm các việc lành, sống với tâm lương thiện, hào phóng, chân thật và trong sạch.[96] Ông nhắc nhở mọi người sống đúng Chánh pháp “ bởi những ai theo đúng Chánh pháp sẽ được hạnh phúc đời này và đời sau.” [97]Ông kêu gọi mọi người tránh xa sát sanh hay làm hại; hiếu kính cha mẹ; tôn trọng thầy cô giáo; đối xử tốt với bà con, bạn bè cung kính cúng dường các Sa-môn, Bà-la-mô; xử sự hào phóng với kẻ làm công, người giúp việc; giúp đỡ người nghèo khó, kẻ bất hạnh.[98] Ông khuyên mọi người sống từ hòa, chân thật, trong sạch, thanh cao, trọng lẽ phải, tự chế, biết đủ, biết ơn và tiết kiệm.[99] Ông khuyến khích mọi người nên tiến hành các lễ hội cưới gả, sinh nhật hay tiễn người đi xa bằng những việc làm thiết thực phù hợp Chánh pháp mà ông gọi là vận may Chánh pháp ( Dharma-mangala ) như bố thí, không sát sanh, tôn trọng thầy cô giáo, cung kính cúng dường các bậc hiền thánh, đối xử nhân hậu với kẻ ăn người ở.[100] Asoka đề cao đạo đức bằng cách đề cao Pháp thí ( Dharma-dàna) , nói rằng tất cả mọi người nên từ bỏ sát sanh, hiếu kính cha mẹ, cung kính cúng dường các Sa-môn và Bà-la-môn, giúp đỡ bà con bạn bè, đối xử nhân hậu với kẻ ăn người ở và khuyến khích người khác làm điều tương tự .[101]
Trong chính sách đối với kẻ lầm đường lạc lối, Asoka tỏ rõ tấm olòng khoan dung trong các trường hợp lỗi lầm và công bằng trong xét xử. Ông tuyên bố sẵn sàng tha thứ cho những ai phạm phải sai lầm nhưng biết ăn năn hối lỗi. Ông chủ trương không truy quét các tọi phạm nhưng ra sức thuyết phục họ trở về con đường lương thiện để hưởng lượng khoan hồng của pháp luật.[102] Trong các chỉ dụ ghi ở bia ký V và trụ đá IV, Asoka quy định các quan chức Dharma-mahàmàtra và Ràjùka phải có trách nhiệm xem xét đơn kháng án của các phạm nhân để “pháp luật luôn đi đôi với công lý”[103] và để “ không một ai phải chịu cảnh tù tội hay khổ đau mà không có lý do.”[104]Các quan chức phải tuân thủ con đường trung đạo ( majham patipàda ) , nghĩa là phải tỏ ra công bằng và không thiên vị trong công tác điều hành và xử lý công việc.[105] Họ phải quản lý theo Chánh pháp hay pháp luật ( Dharma) , giải quyết công việc theo pháp luật, khiến cho dân được hạnh phúc nhờ pháp luật và bảo vệ dân bằng pháp luật.[106] Các phạm nhân phải được đối xử công bằng, có quyền kháng án trong trường hợp bị xứ oan, được ân giảm hình phạt trong trường hợp phải nuôi con dại, gặp bất hạnh rủi ro hay bị khổ đau bởi tuổi già.[107] Trụ đá V ghi nhận sự kiện rằng 26 năm kể từ khi lên ngôi, Asoka đã 25 lần ân xá cho các phạm nhân.
3.Chính sách chăm lo hạnh phúc cho dân :
Có thể nói rằng chăm lo hạnh phúc cho dân là chính sách lớn và là chính sách hàng đầu của nhà nước Asoka. Chính sách này bắt nguồn từ chính sách lấy dân làm gốc của nhà nước Maurya và là cụ thể hóa câu nói của Asoka xem dân như con cái mình, mong muốn cho dân được hạnh phúc an lạc, giống như các con mình. Đã là gốc thì việc chăm bón cho gốc được vững chắc, xanh tươi là bổn phận của nhà lãnh đạo. Đã là con cái thì việc chăm lo hạnh phúc cho con cái là trách nhiệm của bậc làm cha mẹ, Asoka xem ra vừa là vua vừa là cha mạ của dân.
Về phương diện chăm lo hạnh phúc cho dân, Asoka tỏ rõ tấm lòng của một hoàng đế thương dân, lo lắng cho hạnh phúc của dân hơn bất kỳ vị hoàng đế nào trong lịch sử. Tấm lòng của ông dành cho dân có thể sánh với tấm lòng của bậc làm cha mẹ dành cho con cái mình và được thể hiện qua hai việc làm cụ thể: chăm lo đời sống vật chất cho dân và giáo dục nhân dân trở thành những công dân tốt. Một bậc cha mẹ hết lòng yêu thương con mình hẳn sẽ làm hai công việc như Asoka đã làm, nghĩa là nuôi dưỡng con khôn lớn và giáo dục con nên người. Asoka cũng tỏ ra là một hoàng đế thương dân, lo lắng cho hạnh phúc của nhân dân khi ông thiết lập đội ngũ quan chức nhà nước các cấp sẵn sàng lo cho dân với niềm tin rằng các quan chức của mình sẽ hết lòng chăm lo hạnh phúc cho dân, giống như những người vú ân cần chăm bẵm những đứa con thân yêu mà ông đã tin tưởng gởi gắm. Như vậy, đội ngũ lãnh đạo của nhà nước Asoka,từ vua chí quan, đều một lòng một dạ phục vụ lợi ích và hạnh phúc của nhân dân. Chính sách chăm lo hạnh phúc cho dân của nhà nước Asoka thể hiện rõ nét ở các điểm sau đây:
a.Tấm gương làm việc và phục vụ không mệt mỏi của Asoka vì lợi ích và hạnh phúc của nhân dân : Asoka thương dân, lo lắng cho hạnh phúc của dân không chỉ ở lời nói hay tấm lòng mà còn ở những hành động và việc làm cụ thể. Việc ông từ bỏ nhiều thú vui cá nhân để tập trung giải quyết việc nước việc dân như được ghi nhận trong bia ký VIII là biểu hiện cụ thể tấm lòng thương dân, lo lắng cho hạnh phúc nhân dân của một vị vua. Thái độ tích cực giải quyết việc nước việc dân không kể giờ giấc và nơi chốn của ông cũng nói rõ tấm lòng thương yêu và lo lắng của ông đối với nhân dân và hạnh phúc của nhân dân.[108] Ngoài ra, việc ông thường xuyên du hành nhằm thúc đẩy lợi ích và hạnh phúc của nhân dân như được ghi trong bia ký I là bằng chứng sống động của chính sách quan tâm chăm lo cho dân của nhà nước Asoka. Nhưng dù đã làm việc hết mình như thế, Asoka vẫn không hài lòng về khả năng giải quyết công việc của mình. Bia ký VI ghi nhận sự kiện rằng Asoka tự nhận có trách nhiệm thúc đẩy lợi ích chung của cộng đồng, một việc làm cao cả đòi hỏi năng lức giải quyết rất lớn, và ông từng phàn nàn về khả năng làm việc yếu kém của mình.
b.Thiết lập đội ngũ quan chức nhà nước các cấp thuộc các ban ngành khác nhau nhằm mục đích phục vụ hạnh phúc của nhân dân : Một đặc điểm khác của chính sách chăm lo hạnh phúc cho dân của nhà nước Asoka là việc thiết lập đội ngũ quan chức các cấp thuộc ban ngành khác nhau của chính phủ nhằm mục đích phục vụ lợi ích của nhân dân.Asoka rất quan tâm chính sách chăm lo hạnh phúc và giáo dục nhân dân. Ông thành lập nhiều ban ngành nhà nước các cấp chuyên lo lợi ích cho cộng đồng như ban chuyên trách về pháp luật, ban chuyên trách về kỷ cương và đạo đức xã hội, ban chuyên trách về nông nghiệp, ban chuyên trách về chăn nuôi, ban chuyên trách về phụ nữ, ban chuyên trách về các vấn đề an sinh và phúc lợi xã hội.Các quan chức của nhà nước Asoka được huấn luyện rất kỹ về lý tưởng phục vụ nhân dân và ý thức trách nhiệm lãnh đạo. Bia ký VI nêu rõ sự kiện năm thứ mười ba sau khi lên ngôi Asoka thành lập đội ngũ các quan chức Dharma-mahàmàta và Dharma-yukta với mục đích thúc đẩy kỷ cương và đạo đức xã hội. Trụ đá IV ghi nhận thêm rằng 26 năm sau khi lên ngôi. Asoka thành lập đội ngũ các quan chức Ràjùka có trách nhiệm trông coi về pháp luật nhằm mục đích bảo đảm lợi ích và hạnh phúc của nhân dân. Các Ràjùka này được huấn luyện nắm bắt nguyên nhân hạnh phúc cũng như khổ đau của dân và có trách nhiệm khuyên răn quần chúng các địa phương sống kỷ cương đạo đức để được lợi ích đời này và đời sau. Các Ràjùka cũng được giáo dục xem xét các trường hợp xin kháng án của thân nhân các phạm nhân hay giúp cho các tù nhân đã bị xử tội chết được hưởng lợi ích đời sau bằng cách tạo cho họ cơ hội bố thí trong ba ngày được gia hạn ( thời gian để thân nhân hoặc xin kháng án hoặc không xin kháng án) .Asoka tuyên bố trong bia ký rằng ông thiết lập đội ngũ các Ràjùka với mục đích phục vụ lợi ích và hạnh phúc của nhân dân và ông tin các quan chức này sẽ hết lòng chăm lo cho dân.


tải về 1.22 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   19




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương