6 tháng cuối năm 2002 của ubnd tỉnh Long An



tải về 104.21 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu07.08.2016
Kích104.21 Kb.
#14917
UỶ BAN NHÂN DÂN CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

TỈNH LONG AN Độc Lập - Tự Do - Hạnh Phúc

_____________ __________________M 205

Số: 2085/BC-UB Tân An, ngày 18 tháng 6 năm 2002

BÁO CÁO

Tình hình KT- XH 6 tháng đầu năm và chương trình công tác

6 tháng cuối năm 2002 của UBND tỉnh Long An.

--------------------------

Công tác triển khai thực hiện KH phát triển KT- XH năm 2002 có những thuận lợi cơ bản. Những tháng đầu năm TW ban hành và tập trung chỉ đạo triển khai một số chủ trương, cơ chế chính sách mới nên môi trường SXKD và đầu tư thuận lợi, sôi động. Các nguồn lực đầu tư trên địa bàn tiếp tục gia tăng, kể cả đầu tư thuộc ngân sách Nhà nước, của các thành phần kinh tế và đầu tư của dân cư. Chỉ tiêu KH Nhà nước được giao sớm cho đơn vị cơ sở. Các chương trình phát triển lớn của tỉnh tập trung triển khai thực hiện. Đó là điều kiện để thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương.

Tuy nhiên, cũng có một số khó khăn: thời tiết khắc nghiệt, nắng hạn kéo dài ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống dân cư; giá trị quyền sử dụng đất biến động giả tạo làm ảnh hưởng việc thực hiện các kế hoạch đầu tư.

Trong bối cảnh đó, tỉnh tập trung chỉ đạo các ngành các cấp, các đơn vị cơ sở nỗ lực phấn đấu khắc phục khó khăn, tổ chức thực hiện kế hoạch trong 6 tháng đầu năm đã đạt được các kết qủa sau.

I. KẾT QUẢ THỰC HIỆN KH 6 THÁNG ĐẦU NĂM:

1- Tăng trưởng kinh tế:

Ước đánh giá 6 tháng đầu năm 2002 tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh là 9% và đạt 56% so với KH giá trị tổng sản phẩm quốc nội. Đạt được kết quả trên là một cố gắng lớn, cần được phát huy trong 6 tháng cuối năm.

2.1. Chương trình dân sinh vùng lũ:

Đến nay đã triển khi thi công 57 cụm dân cư với giá trị khối lượng 84 tỷ đồng bằng 82% giá trị giao thầu. Trong đó có 7 cụm hoàn thành hạng mục san nền, 13 cụm đạt trên 80%, 8 cụm đạt trên 50%. Khả năng có trên 50 cụm hoàn thành hạng mục san nền trước mùa lũ, đủ điều kiện xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Tỉnh chi đạo khẩn trương xây dựng chính sách huy động các hộ dân vào cư trú ổn định để phát huy hiệu quả các cụm tuyến dân cư tránh lũ.

Việc triển khai thực hiện chương trình dân sinh vùng lũ được nhân dân đồng tình ủng hộ, nguồn vốn đầu tư được TW bố trí hỗ trợ kịp thời, các ngành và địa phương có cố gắng đẩy nhanh tiến độ thi công công trình. Khó khăn hiện nay là quy hoạch chung các cụm tuyến dân cư vùng lũ chưa hoàn chỉnh, công tác bồi hoàn giải phóng mặt bằng chậm do thiếu cán bộ và giá bồi hoàn khá cao. Ban quản lý dự án các huyện cũng còn hạn chế nhất định trong quản lý và điều hành dự án.

2.2. Chương trình vùng kinh tế trọng điểm:

Nội dung cơ bản của hương trình đã được bố trí trong KH 2002, nhất là nhiệm vụ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Đã hoàn chỉnh quy hoạch các khu, cụm công nghiệp theo chương trình, nhưng theo yêu cầu của phát triển, tỉnh đã bổ sung một số khu, cụm ở những nơi có điều kiện và có nhà đầu tư. Tỉnh cũng có chủ trương cho một số nhà đầu tư đủ khả năng vào đầu tư hạ tầng. Mặt khác cũng xác lập cơ cấu ngành nghề đầu tư cho từng khu vực và định khung giá đền bù để chủ động thu hút đầu tư. Cầu Thủ Bộ đã thi công; các trục đường giao thông chủ yếu như ĐT 823, 824, 825, 832, đường HL.8, TL.19 đã khởi công, các huyện Bến Lức, Đức Hoà, Thủ Thừa đang thực hiện công tác giải phóng mặt bằng để thi công. Cảng Cần Giuộc được đầu tư với hình thức BOT. Các dự án Trường Dạy nghề của tỉnh và Trung tâm Dạy nghề Đồng Tháp Mười, Bến Lức, Cần Giuộc đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Các kết cấu hạ tầng khác như điện, nước, thông tin liên lạc, vệ sinh môi trường cũng được từng bước đầu tư. Tỉnh đã ban hành và triển khai thực hiện chính sách thu hút đầu tư trong ngoài nước; ban hành quy định cấp phép đầu tư và xác định nhiệm vụ của cơ quan đầu mối.

Tuy nhiện, biến động giá trị đất đai gần đây và cùng một lúc triển khai nhiều khu, cụm CN mà nhân lực có hạn trong đo đạc, xác định định giá đền bù nên tiến độ có chậm, ảnh hưởng không nhỏ đến thời cơ đầu tư.

2.3. Chương trình phát huy nguồn nhân lực:

Chương trình đào tạo và phát huy nguồn nhân lực được ban hành chính thức tháng 2/2002. Đến nay đã có một số ngành và huyện xây dựng KH thực hiện cụ thể. Tỉnh chỉ đạo sớm hoàn chỉnh chính sách hỗ trợ, khuyến khích trong đào tạo bồi dưỡng cán bộ- công chức và thu hút nhân tài góp phần thúc đẩy thực hiện tốt chương trình. Nhìn chung trong 6 tháng đầu năm chương trình được triển khai vận hành tốt.

2.4. Chương trình xoá đói giảm nghèo:

Ban điều hành chương trình đã tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện năm 2001 và triển khai KH thực hiện chương trình năm 2002. Đến nay có 11 huyện- thị xây dựng chương trình XĐGN- GQVL giai đoạn 2001- 2005 (9 huyện đã thông qua HĐND cùng cấp), còn 3 huyện Bến Lức, Châu Thành, Tân Thạnh đang thực hiện.

Tỉnh chỉ đạo tập trung nguồn lực hướng dẫn hổ trợ 3 xã điểm Thái Trị (Vĩnh Hưng), Tân Thành (Thủ Thừa) và Mỹ Thạnh Đông (Đức Huệ) xây dựng và triển khai các dự án về y tế, giáo dục, chuyển giao KHKT, giải quyết việc làm, xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng...giúp cho người nghèo, xã nghèo có điều kiện làm ăn sinh sống để thoát nghèo, sau đó rút kinh nghiệm chỉ đạo nhân rộng mô hình trong toàn tỉnh.

3- Các lịnh vực kinh tế:

3.1. Nông- lâm- ngư- nghiệp:

- Sản xuất vụ lúa Mùa và Đông Xuân 2001-2002 được thuận lợi về thời tiết khí hậu và giá cả. Tổng sản lượng 1,242 triệu tấn, đạt 79% kế họach và bằng 105% so cùng kỳ năm trước. Trong đó vụ Đông Xuân 2001-2002 thu hoạch 244 ngàn ha, năng suất bình quân 48,9 tạ/ha (tăng 4,3 tạ/ha so vụ ĐX trước), sản lượng 1,192 triệu tấn. Gía lúa bình quân khoảng 1.500đ/kg nên nông dân phấn khởi.

Tiến độ gieo cấy lúa Hè thu chậm do khô hạn gay gắt, đến 5/6/2002 được 118 ngàn ha, đạt 78% KH và bằng 83% so cùng kỳ. UBND tỉnh đã chỉ đạo theo dõi chặt chẽ về thời tiết, thuỷ văn, kiên quyết không cho xuống giống vụ Hè thu ở những vùng không kịp thời vụ nhằm tránh thiệt hại khi lũ năm 2002 đến.

Mía cây vụ 2001-2002 tuy bị lũ lớn nhưng nhờ tập trung làm đê bao kịp thời nên thiệt hại thấp. Tổng diện tích 15.877 ha đạt 93% KH (tăng 205 ha so vụ trước), năng suất bình quân 50,4 tấn/ha (tăng 4tấn/ha so cùng kỳ) sản lượng 800 ngàn tấn đạt 100% KH. Giá mía bình quân khoảng 300 ngàn đ/ tấn. Hiện nay nông dân đang tập trug chăm sóc mía gốc và trồng mới cho vụ 2002 –2003 được 16. 170 ha.

Đậu phộng vụ đông xuân trồng 6.214 ha, đạt 72% KH và tăng 2.043 ha so vụ trước, năng suất bình quân 26 tạ/ha, sản lượng trên 16 ngàn tấn đạt 89% KH. Giá đậu bình quân 4.700 đồng/kg (thấp hơn cùng kỳ 600 đ/kg). Vụ Hè thu xuống giống được 313 ha chỉ đạt 15,5% KH, do nắng hạn kéo dài nên khó đảm bảo diện tích KH.

Các loại cây trồng khác gồm 1.130 ha bắp (giảm 647 ha do giá không ổn định) năng suất bình quân 41,2 tạ/ha, sản lượng 4.690 tấn; 1.960 ha khoai mỡ năng suất bình quân 8 tấn/ha, sản lượng 14.500 tấn...

- Chăn nuôi gia súc gia cầm đang xu hướng phát triển thuận lợi do giá tiêu thụ sản phẩm tăng và làm tốt các công tác chuyển giao KHKT, giám sát tiêm phòng dịch bệnh. Đàn heo tổng số 215 ngàn con đạt 111% KH và bằng 116% so cùng kỳ năm trước. Hiện nay heo hơi đang khan hiếm trên thị trường, giá luôn ở mức cao (từ 14.500 đ/kg lúc đầu năm tăng lên 18-19 ngàn đ/kg). Đàn bò tổng số 24,5 ngàn con đạt 102% KH và bằng 104% so cùng kỳ, trong đó bò sữa 1.930 con tăng 518 con so cùng kỳ. Đàn gia cầm khoảng 4 triệu con đạt 100% KH và bằng 102% so cùng kỳ, tiêu thụ thuận lợi (giá gà hơi 18-23 ngàn đ/kg, vịt hơi 12-13 ngàn đ/kg).

- Tôm sú thả nuôi 3.455 ha (đợt một 2.910 ha chết 1.305 ha còn 1.605 ha, đợt hai mới thả 1.850 ha) ở các huyện Cần Giuộc, Cần Đước, Châu Thành, Tân Trụ. Hiện nay tình hình dịch bệnh bệnh tôm sú tạm ổn định, số mới thả nuôi đang phát triển tốt. Khả năng thu hoạch khoảng 1.600 ha với năng suất bình quân 500 kg/ha, sản lượng 800 tấn. Tiêu thụ tốt với giá hiện nay khoảng 105-110 ngàn đ/kg (loại 25-30 con/kg), bình quân mỗi ha lãi 20-25 triệu đồng, cá biển lãi trên 100 triệu/ha. Tôm càng xanh đã triển khai nuôi thí điểm ở một số nơi. Cua lột nuôi 30 ha (giảm 20 ha so cùng kỳ), sản lượng khoảng 180 tấn, đa số hộ nuôi lãi không nhiều vì nguồn con giống hiếm, giá cao, thị trường tiêu thụ không ổn định. Nuôi cá lồng, cá lóc tiếp tục gia tăng về quy mô, hiệu quả khá.

- Về lâm nghiệp, toàn tỉnh trồng mới 3.460 ha (chủ yếu là tràm cừ) đạt 68% KH, diện tích rừng hiện nay 51 ngàn ha (trong đó rừng trồng 50 ngàn ha). Do nắng hạn gay gắt kéo dài và quản lý kiểm tra chưa thật tốt nên đến nay đã xảy ra 30 vụ cháy rừng thiệt hại 264 ha (chưa tính vụ cháy rừng ngày 30/5/2002 của Cty Lâm Hải, đang xác định nguyên nhân và đánh giá thiệt hại) chủ yếu là trồng rừng. Tỉnh đã chỉ đạo tăng cường công tác phòng cháy, cấp kinh phí thực hiện một số công trình và trang bị bổ sung các phương tiện cần thiết. Lực lượng kiểm tra lâm phối hợp địa phương tổ chức kiểm tra thường xuyên, phát hiện xử lý trên 500 vụ vi phạm, thu phạt 116 triệu đồng.

- Tỉnh theo dõi chỉ đạo thực hiện một số chương trình, dự án quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp- nông thôn. Dự án kinh tế mới thực hiện giá trị khối lượng 2 tỷ đồng đạt 33% KH. Riêng dự án Tân Thành- Thủ Thừa do dự kiến quy hoạch khu công nghiệp xử lý rác tập trung nên chưa triển khai thi công. Chương trình 661 đang lập hồ sơ thiết kế các dự án, riêng dự án các vườn giống lâm nghiệp Mộc Hoá thi công khối lượng đạt 60% KH, khả năng cuối năm đạt KH đề ra. Chương trình phát triển nuôi trồng thuỷ sản đang thẩm định các dự án, riêng dự án Tân Lập- Phước Vĩnh Đông và dự án Phước Vĩnh Tây đang vướng khâu giải toả mặt bằng.

Nhìn chung hoạt động SXKD trong lĩnh vực nông nghiệp những tháng đầu năm khá thuận lợi và đạt kết quả đáng phấn khởi. Các loại nông sản hàng hoá đều được mùa được giá, thu nhập của người lao động được nâng lên. Cơ cấu SX trong nội bộ ngành nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng năng suất và hiệu quả. Trong 6 tháng đầu năm đã có trên 6 ngàn ha sản xuất lúa không ổn định, năng suất thấp được chuyển sang trồng rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày (có loại mới đưa vào sản xuất như sen, bông vải...) hoặc trồng rừng, nuôi thuỷ sản...hiệu quả hơn. Đáng chú ý là giảm diện tích lúa Mùa và Đông Xuân bị thiên tai, kém hiệu quả. Đồng thời qua tiết kiệm chi phí sản xuất ở hai khâu giống và BVTV đã góp phần hạ giá thành sản phẩm lúa từ 1.250đ/kg (vụ Đông xuân 2000-2001) nay còn 1.130đ/kg (Vụ ĐX 2001-2002).Với sự hổ trợ của TW, tỉnh vừa đầu tư khắc phục hậu quả năm trước, vừa phát triển thêm kết cấu hạ tầng cơ bản của nông nghiệp- nông thôn.

Về chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi có chú trọng công tác tuyển chọn, thử nghiệm và nhân giống cây con... cụ thể như chương trình nạc hoá đàn heo, phối giống bò sữa, trình diễn các giống lúa, mía mới, trồng thử nghiệm dứa cayen, đậu nành, nhân giống khoai mỡ bằng phương pháp cấy mô, sản xuất giống tôm sú, tôm càng xanh và đang tập trung khảo sát lập dự án nuôi cá tra, cá ba sa. Kết quả có 15 giống lúa mới qua trình diễn được nông dân chọn đưa vào sản xuất, trên 80% diện tích lúa sử dụng giống tốt đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, 70% diện tích mía trồng giống mới có năng suất và trử đường cao, đàn heo tiếp tục được nạc hoá, bò sữa giống tốt tăng thêm hàng trăm con so năm trước. UBND tỉnh đã thông qua chính sách đầu tư, hỗ trợ đối với vùng trồng mới cây tràm, đàn bò sữa trong tỉnh và chỉ đạo quy hoạch lại vùng nuôi tôm, nuôi cá bè nhằm đảm bảo chăn nuôi có hiệu quả, không để người dân tự phát gây thiệt hại.

Hiện nay sản xuất lúa Hè thu đang gặp khó khăn do tình hình nắng hạn gay gắt hơn mọi năm, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến năng suất, hiệu quả và đời sống nông dân. Việc phát triển diện tích nuôi tôm sú quá nhanh không kiểm soát được chặt chẽ nên một số hộ bị thiệt hại. Công tác thông tin thị trường chưa kịp thời, hợp đồng tiêu thụ sản phẩm chủ yếu còn khó khăn. Ngành nghề phi nông nghiệp ở nông thôn có phát triển nhưng còn chậm so yêu cầu. Lao động nông thôn vào thời vụ thu hoạch lúa (ở vùng ĐTM), mía (ở các huyện phía Nam) thiếu nhiều, giá ngày công tăng 30-40% so với các năm trước.

3.2. Công nghiệp:

- Giá trị sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm (giá cố định 1994) 1.944 tỷ đồng đạt 57% KH và tăng 37% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó khu vực QDTW 289 tỷ (đạt 62% KH, tăng 23% so cùng kỳ), khu vực QDĐP 126 tỷ (đạt 72% KH, tăng 4%), khu vực ngoài QD 346 tỷ (đạt 46% KH, tăng 6%), khu vực có vốn ĐTNN 1.182 tỷ (đạt 59% KH, tăng 56%). Các sản phẩm chủ yếu gồm 19,8 triệu mét vải thành phẩm, 1,5 triệu sản phẩm may, 55 ngàn tấn đường mật các loại, 3,5 ngàn tấn hạt điều nhân, 400 tấn lông vũ, 4,8 ngàn tấn giấy, 2,9 ngàn tấn thép, 635 tấn thuỷ sản chế biến, 17,7 triệu lít nước khoáng...

Mặc dù tình hình chung còn nhiều khó khăn nhưng lĩnh vực công nghiệp vẫn đạt mức tăng trưởng khá, giá trị sản xuất các khu vực đều tăng (khu vực có vốn ĐTNN có mưc tăng cao nhất). Chỉ tính khu vực ngoài quốc doanh và khu vực có vốn ĐTNN đã tạo ra một khối lượng hàng hoá lớn, đóng góp ngày càng nhiều cho tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, giải quyết việc làm.

Tuy nhiên do chi phí trong SXKD lớn nên giá trị tăng thêm đạt thấp, khả năng cạnh tranh yếu, hiệu quả kinh doanh thấp. Do đó việc chuẩn bị cho quá trình hội nhập còn nhiều hạn chế. Một số sản phẩm chủ yếu như vải, gạch men... việc tiêu thụ còn khó khăn.

- Sản lượng điện thương phẩm 204 triệu kwh tăng 23% so cùng kỳ năm trước. Đã đưa vào hoạt động ổn định trạm biến áp 110KV Cần Đước, đồng thời triển khai thi công các công trình điện khí hoá ở 9 xã thuộc 6 huyện. Đến nay có 100% số xã và 83% hộ dân sử dụng điện.

3.3. Thương mại-Dịch vụ:

- Kinh doanh thương mại những tháng đầu năm tương đối thuận lợi do SX nông nghiệp đạt kết quả khá, thu nhập của nông dân được cải thiện tạo điều kiện tăng sức mua trên thị trường. Tuy nhiên đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng thương mại như chợ nông sản, chợ thị xã và các chợ nông thôn... còn chậm nên ảnh hưởng đến trao đổi hàng hoá trong dân cư. Tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ 6 tháng đầu năm 1.831 tỷ đồng, đạt 46% KH năm và tăng 14% so cùng kỳ năm trước.

Về kinh doanh lương thực, những tháng đầu năm Nhà nước có các biện pháp hỗ trợ đẩy mạnh xuất khẩu như phân bổ chỉ tiêu theo hợp đồng cấp Chính phủ, hỗ trợ vốn và lãi suất thu mua..., các doanh nghiệp cũng cố gắng mở rộng mạng lưới thu mua, tìm kiếm thị trường. Tuy nhiên do giá lúa gạo tăng trong khi giá xuất giảm vì cạnh tranh xuất khẩu nên các doanh nghiệp gặp khó khăn, hiệu quả thấp. Tổng cộng đến nay đã mua 185 ngàn tấn qui lúa chỉ bằng 50% cùng kỳ năm trước, xuất khẩu 90 ngàn tấn gạo đạt 30% KH và bằng 82% cùng kỳ.

- Tỉnh chỉ đạo hoàn thiện các dự án đầu tư phát triển hạ tầng dịch vụ du lịch để từng bước đưa vào khai thác kể từ năm 2003 trở đi.

- Công tác quản lý thị trường- chống buôn lậu trên địa bàn được tăng cường. Tỉnh đã sơ kết việc thực hiện Chỉ thị 853/TTg, đồng thời thực hiện tốt Công điện số 1254/VPCP.VI của Thủ tướng Chính phủ. Kết quả đã xử lý 405 vụ vi phạm, phát hành chính 653 triệu đồng và thu giữ tang vật, phương tiện trị giá trên 3 tỷ đồng. Nhìn chung buôn lậu qua biên giới được kiểm soát chặt chẽ hơn, tuy nhiên chỉ hạn chế được các hoạt động buôn bán, vận chuyển nhỏ lẻ. Sắp tới tỉnh chỉ đạo tập trung phát hiện xử lý bọn đầu nậu, các đối tượng buôn lậu chuyên nghiệp, thường xuyên kiểm tra việc kinh doanh vải ngoại, thuốc lá ngoại... nhập lậu trên thị trường nội địa.

- Công tác sắp xếp, đổi mới và cổ phần hoá DNNN tiếp tục triển khai theo chương trình thực hiện NQ.TW3 và KH năm 2002. tỉnh cử cán bộ chuyên trách để theo dõi đôn đốc, tiến độ nhanh hơn trước. Các DN trong KH cổ phần hoá 2002 đã tiến hành xác định giá trị tài sản. Dự kiến đến cuối tháng 6, xí nghiệp In Phan Văn Mảng, Cty XNK Thuỷ Sản tiến hành đại hội cổ đông. Cty Xuất Nhập Khẩu Tổng Hợp do nhiều năm thua lỗ, đã giải thể theo trình tự thủ tục quy định. Cty Vật Tư Nông Nghiệp đang chuẩn bị thực hiện một trong các hình thức giao, bán, khoán, cho thuê.

3.4. Đầu tư phát triển:

- Tổng vốn đầu tư XDCB từ NSNN năm 2002 do tỉnh quản lý (không kể nguồn vốn do TW đầu tư trên địa bàn) 1.013 tỷ đồng tăng 30% so năm trước. Đến nay đã thực hiện giá trị khối lượng 388 tỷ đạt 38% KH, tương đương cùng kỳ năm trước, và đã cấp phát 302 tỷ đạt 30% KH, tăng 14% so cùng kỳ. Trong đó vốn XDCB tập trung đạt 61% KH, vốn từ các nguồn thu để lại đạt 50% KH, vốn vay từ ngân sách đạt 23% KH, vốn chương trình mục tiêu đạt 25% KH, vốn TW hỗ trợ theo chương trình mục tiêu quốc gia đạt 44% KH, vốn ADB khắc phục hậu quả lũ lụt đạt 28% KH...

Phân theo cấp quản lý thì nguồn vốn tỉnh quản lý đạt 38% KH, cấp phát đạt 30% KH. Nguồn vốn huyện quản lý (chiếm 42% tổng vốn đầu tư) đạt 43% KH, cấp phát đạt 30% KH. Các huyện có khối lượng đạt khá như Đức Hoà 81% KH, Vĩnh Hưng 58% KH, huyện đạt thấp như Đức Huệ 19% KH. Vốn để lại cho xã quản lý đạt 45% KH, công trình được bố trí tập trung hơn, không dàn trải như các năm trước.

KH được tạm giao từ tháng 11/2001 và giao chính thức ngay trong tháng 1/2002 nên việc triển khai khá thuận lợi. Công tác chuẩn bị đầu tư làm chu đáo hơn trước. Công tác đấu thầu được thực hiện đối với các công trình xây dựng dân dụng và giao thông. Công tác giải toả đền bù nhanh hơn do tỉnh tập trung chỉ đạo kiên quyết việc áp dụng cưỡng chế đồng thời có quy hoạch khu tái định cư cho các hộ bị giải toả (nhất là tại Thị Xã). Tỉnh tiếp tục phân cấp, mở rộng quyền chủ động cho cơ sở. Vừa qua đã cho phép các huyện, thị xã thành lập Ban quản lý dự án chuyên trách, không trực tiếp thoả thuận danh mục công trình như các năm trước mà chủ yếu là hướng dẫn sử dụng nguồn vốn, hỗ trợ nghiệp vụ, tổ chức kiểm tra đôn đốc nên huyện, thị xã ít bị động trong thực hiện nhiệm vụ. mặt khác, các huyện, thị xã đã có kinh nghiệm quản lý đầu tư và tổ chức triển khai thực hiện dự án.

Tuy tiến độ triển khai KH nhanh hơn, quản lý điều hành chặt chẽ hơn, thời tiết mùa khô kéo dài thuận lợi nhưng khối lượng thực hiện còn thấp. Các huyện phía Bắc của tỉnh phải tập trung cho chương trình dân sinh vùng lũ nên chậm triển khai các công trình đầu tư bằng nguồn vốn được để lại. Tương tự các huyện phía Nam phải phối hợp thực hiện chương trình vùng kinh tế trọng điểm, bồi hoàn giải phóng mặt bằng cho các khu cụm công nghiệp trên địa bàn nên triển khai thực hiện vốn đầu tư hạn chế. Mặt khác tổng mức đầu tư cao, số lượng công trình nhiều nên có hiện tượng dàn trải lực lượng thi công nên thi công không đồng bộ, không dứt điểm. Một số chủ đầu tư chưa tập trung chỉ đạo điều hành thực hiện dự án. Trình độ năng lực cán bộ quản lý còn hạn chế ở một số huyện, xã nên tiến độ thực hiện chậm hơn nơi khác.

- Đầu tư trong nước và ngoài nước có xu hướng gia tăng rõ rệt trong những tháng đầu năm. Cơ bản là do tình hình chung về chính trị, KT- XH của cả nước vẩn ổn định và cơ chế chính sách được sữa đổi thông thoáng phù hợp hơn. Tỉnh có chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư, đồng thời chỉ đạo tích cực việc quy hoạch đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất công nghiệp, góp phần làm thay đổi môi trường đầu tư theo hướng thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp.

Về đâu tư trong nước, 6 tháng đầu năm đã cấp phép ĐKKD 117 doanh nghiệp ngoài quốc doanh với tổng vốn đăng ký 233 tỷ đồng, trong đó có 33 DNTN (vốn 142 tỷ), 82 Cty TNHH (vốn 87 tỷ) và 2 Cty Cổ Phần tổng (vốn 4 tỷ). Luỹ kế đến 14/6/2002 có 1.528 DN đang hoạt động với tổng vốn 1.215 tỷ đồng (bình quân mỗi doanh nghiệp có vốn đăng ký gần 1 tỷ), gồm 980 DNTN, 255 CTY TNHH và 23 CTY CP. Riêng hộ kinh doanh cá thể có 16 ngàn hộ. Do thực hiện tốt Luật Doanh Nghiệp, Luật khuyến khích đầu tư và chính sách thu hút đầu tư của tỉnh nên số lượng doanh nghiệp ngoài quốc doanh đầu tư trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng (riêng vốn bình quân/DN tăng gấp 2 lần).

Chương trình liên kết hợp tác với TP.HCM, về cơ bản các nội dung thoả thuận giữa 2 địa phương đã được triển khai thực hiện, nhất là trong lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng và tiêu thụ nông sản hàng hoá. Các trục giao thông huớng tâm trong vùng giao thoa nối kết giửa 2 địa phương như ĐT 823, 824, 825, 826, HL 12, HL 39... đã được bố trí đầu tư đồng bộ về cấp đường và cùng niên độ đầu tư. Trong sản xuất là lưu thông hàng hoá nông sản, các đơn vị TP.HCM từng bước thực hiện các đơn đặt hàng ổn định theo yêu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Trong việc đầu tư cụm công nghiệp và khu dân cư, Long An đã giao cho các đơn vị TP.HCM khoảng 2.500 ha để xây dựng kết cấu hạ tầng thu hút đầu tư trực tiếp. Trong các lĩnh vực giáo dục- đào tạo, y tế, nước sạch- vệ sinh môi trường... hai bên cũng có kế hoạch hỗ trợ lẫn nhau để giải quyết các vấn đề bức xúc. Tuy nhiên lĩnh vực chuyển giao khoa học và công nghệ triển khai còn chậm. vừa qua lãnh đạo 2 địa phương đã tổ chức họp định kỳ để kiểm điểm những công việc đã làm được và các vấn đề tồn tại cần xử lý trong thời gian tới để KH hợp tác tiếp tục được triển khai có hiệu quả.

Tỉnh đã tiếp xúc trên 20 tổ chức và cá nhân có vốn ĐTNN đến tìm hiểu cơ hội đầu tư. Đến nay có 6 dự án được cấp phép đầu tư với tổng số vốn đăng ký 26 triệu USD. Mặt khác, có 5 dự án đang trong giai đoạn bồi hoàn giá trị sử dụng đất. Các doanh nghiệp đã hoạt động có thuận lợi (doanh thu 6 tháng 75 triệu USD, xuất khẩu 37 triệu USD và lao động 9 ngàn người). Tuy nhiên, tình hình thu hút đầu tư một số nơi thuộc vùng kinh tế trọng điểm có khó khăn nhất định, nhất là nguồn nhân lực ngày càng có xu hướng khan hiếm. Biến động tăng cao giá trị quyền sử dụng đất cũng ảnh hưởng lớn đến đầu tư trực tiếp. Tỉnh đã có các biện pháp chỉ đạo giải nên hiện nay đang ổn định dần.

3.5. Tài chính- Tín dụng:

- Tổng thu NSNN 6 tháng đầu năm 371 tỷ đồng đạt 62% dự toán TW giao (61% chỉ tiêu phấn đấu) và tăng 34% so cùng kỳ năm trước. Trong đó thu nội địa 351 tỷ đạt 64% dự toán TW giao (63% chỉ tiêu phấn đấu) và tăng 42% so cùng kỳ, thu thuế xuất nhập khẩu 20 tỷ đạt 40% dự toán năm và bằng 72% so cùng kỳ. Các nguồn thu đạt 70% trở lên gồm thu thuế SDĐNN, cấp QSDĐ, chuyển QSDĐ, thuế nhà đất, thu XSKT, thu khác NS. Đạt từ 50-70% gồm thu doanh nghiệp QDTW, doanh nghiệp có vốn ĐTNN, lệ phí trước bạ và thuế thu nhập. Đạt dưới 50% gồm thu doanh nghiệp QDĐP, thu ngoài QD, thu phí lệ phí và tiền thuê đất. Nhìn chung thu ngân sách 6 tháng đầu năm đạt khá, nếu có sự phấn đấu tích cực thì khả năng thực hiện đạt và vượt dự toán năm 2002.

Tổng chi NSĐP 6 tháng 597 tỷ đồng đạt 72% dự toán TW giao (63% mức địa phương giao) và tăng 58% so cùng kỳ. Trong đó chi đầu tư phát triển đạt 72% dự toán năm (tăng 47%), chi thường xuyên đạt 51% dự toán năm (tăng 7%). Tỷ lệ chi ngân sách 6 tháng đầu năm vượt nhiều so dự toán do đáp ứng nhu cầu chi XDCB, mặt khác chưa loại trừ các khoản chi do TW bổ sung thêm nhiệm vụ nhưng không có kết cấu vào dự toán chi NSĐP (nếu tách yếu tố này thì tỷ lệ so sánh sẽ thấp hơn).

- Số dư tiền gửi huy động tại địa phương 1.332 tỷ đồng tăng 8% so với đầu năm. Huy động nguồn vốn tại chỗ hạn chế do một số kênh khác như tiết kiệm bưu điện, bảo hiểm nhân thọ, đầu tư vào bất động sản... thu hút một lượng đáng kể vốn nhàn rổi trong dân cư. Cơ cấu vốn huy động chủ yếu là ngắn hạn (97%).

Dư nợ cho vay 2.535 tỷ đồng tăng 26% so đầu kỳ, trong đó cho vay ngắn hạn 1.883 tỷ (tăng 25%), cho vay trung dài hạn 652 tỷ (tăng 31%). Tăng trưởng đầu tư tín dụng vượt KH đề ra, đáp ứng trên 60% nhu cầu vốn của các thành phần kinh tế. Cơ cấu cho vay chủ yếu là ngắn hạn, cho vay trung và dài hạn còn chiếm tỷ lệ thấp do ít có dự án mới công công nghệ, cải tiến kỹ thuật, mở rộng sản xuất, mặc dù nhu cầu vốn cho việc này rất lớn.

4. Văn hoá- Xã hội:

4.1- Sự nghiệp giáo dục tiếp tục ổn định và phát triển. Trong năm học 2001-2002 toàn tỉnh có gần 500 trường học và cơ sở giáo dục các cấp (gần đây tách thêm một số trường cấp 2-3 ở huyện). Tỷ lệ huy động trẻ mẩu giáo 38% (tăng 1,2%), trẻ 6 tuổi ra lớp một 98%. Số học sinh tiểu học tiếp tục giảm 5% và học sinh trung học tiếp tục tăng (cấp II tăng 7,5%, cấp III tăng 2,7%).

Chất lượng giáo dục được nâng lên, tỷ lệ học sinh có hạnh kiểm tốt, học lực khá giỏi tăng hơn năm học trước (có 18 học sinh lớp 12 đạt học sinh giỏi cấp QG), riêng chất lượng giáo dục các huyện vùng lũ còn hạn chế do ảnh hưởng lũ lụt (nhất là học sinh tiểu học). Tỷ lệ lưu ban bỏ học còn cao(bỏ học cấp II 12%, cấp III 13%). Về kết quả thi tốt nghiệp các cấp năm học 2001-2002, bậc tiểu học đạt 99,7%, bậc trung học cơ sở 98,9%, trung học phổ thông 75,8% và bổ túc trung học phổ thông 78,2%.

Giáo viên bậc tiểu học đáp ứng đầy đủ, riêng giáo viên trung học còn thiếu chủ yếu ở vùng sâu. Công tác chuẩn hoá, bồi dưỡng thường xuyên cho đội ngũ giáo viên luôn được chú trọng. Về cơ sở vật chất tiếp tục thực hiện mục tiêu chống xuống cấp. Năm 2002 tỉnh đầu tư từ các nguồn vốn xây dựng 830 phòng học, đến nay toàn tỉnh có 82% số phòng học phổ thông từ cấp 4 trở lên. Trang thiết bị trường học và sách giáo khoa cũng được tăng cường (chiếm hơn 6% ngân sách giáo dục).

Tuy nhiên tiến độ thực hiện công tác phổ cập giáo dục THCS còn chậm (đến nay có 5 phường và thị trấn được công nhận hoàn thành phổ cập). Nhu cầu giáo viên cấp III ở các huyện vùng sâu còn rất bức xúc, cần có chính sách thu hút giáo viên về công tác ở vùng sâu. Tiến độ triển khai các công trình XDCB cũng chậm so yêu cầu.

4.2- Tình hình dịch bệnh không có đột biến. So cùng kỳ bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, sốt rét giảm. Các bệnh thương hàn, tiêu chảy không tăng, nhưng tiêu chảy còn mắc số lượng cao (8.162 ca). Các chương trình quốc gia về y tế được triển khai thực hiện tích cực, công tác truyền thông giáo dục sức khoẻ, kế hoạch hoá gia đình, phòng chống AIDS... được làm thường xuyên. Các chỉ tiêu về sức khoẻ, dinh dưỡng đều đạt kế hoạch đề ra, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi 25,6%. Số sinh giảm 13% so cùng kỳ, nhưng tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm chậm.

Đến nay, toàn tỉnh có 105/183 trạm y tế có bác sĩ đạt tỷ lệ 58% (chỉ tiêu 60%). kinh phí các chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện 16% KH năm, đạt thấp do 1,2 tỷ mua sắm trang thiết bị y tế đang đấu thầu.

4.3- Các hoạt động văn hoá thông tin tập trung phục vụ Tết Nguyên Đán, kỷ niệm các ngày lễ lớn và các công tác trọng tâm như gọi thanh niên nhập ngũ, bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XI... QLNN lĩnh vực văn hoá- văn nghệ tiếp tục được tăng cường gắn liền với thực hiện NQ.TW5, phòng chống tệ nạn xã hội, xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở. Các ngành chức năng của tỉnh đã phối hợp tổ chức 41 cuộc kiểm tra, phát hiện xử lý 35 trường hợp vi phạm, thu giữ tang vật và thu phạt hành chính trên 47 triệu đồng.

Tỉnh chỉ đạo tổ chức đại hội TDTT các cấp lần IV đạt kết quả tốt. Phong trào thể dục thể thao quần chúng tiếp tục phát triển rộng rãi trong các đối tượng và trên nhiều địa bàn. Trong trường hợp đã tổ chức thành công Hội khoẻ Phù Đổng cấp tỉnh. Lực lượng Công an, Quân sự cũng tổ chức nhiều cuộc hội thao với hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ tham gia. Trong đội ngũ công nhân viên chức nhiều cơ quan, xí nghiệp tổ chức các hoạt động sôi nổi như hội thao các ngành Bảo hiểm xã hội, Bưu điện, Ngân hàng Nông nghiệp- PTNT..., các giải Cầu long, Quần vợt, Bóng đá mi ni... Phong trào ở nông thôn cũng phát triển cả về số lượng và chất lượng.

4.4- Trong 6 tháng đầu năm đã giải quyết việc làm cho 6,8 ngàn người, đào tạo ngề cho 3,4 ngàn lao động. Trong đó duyệt 70 dự án vay vốn từ quỹ QG giải quyết việc làm với tổng vốn 8,8 tỷ đồng thu hút 2,5 ngàn lao động. Nguồn vốn quỹ TW phân bổ gần 28 tỷ đồng, dư nợ đến nay 23 tỷ, khoanh nợ 725 triệu (chiếm 3,1% số dư nợ).Vốn tồn ở kho bạc 4,9 tỷ (bằng 18% tổng nguồn vốn) do một số dự án giải ngân chậm. Mặt khác có 21 ngàn hộ nghèo được vay vốn tín dụng ưu đãi với dư nợ 48 tỷ đồng.

Công tác đền ơn đáp nghĩa, cứu trợ xã hội cho các đối tượng chính sách, cho người nghèo được đẩy mạnh. Trong 6 tháng đã xây dựng 100 căn nhà tình nghĩa đạt 67% KH. về xây dựng nhà tình nghĩa, theo phản ảnh còn trên 3.000 hộ cần xây dựng nhà tình nghĩa, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Lao động- TBXH phối hợp với các huyện, thị xã tiến hành khảo sát, xác định tiêu chí mới để xem xét chỉ đạo trong thời gian tới.

Trong dịp tết các hộ nghèo, hộ chính sách đã được các cấp chính quyền, đoàn thể, các tổ chức từ thiện, nhà hảo tâm thăm hỏi tặng quà, trợ cấp có hiệu quả và thiết thực. Hàng trăm trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được trao tặng nhà tình thương. Các ngành chức năng và các địa phương tiếp tục phối hợp phòng chống tệ nạn xã hội, phát hiện xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Huy động lao động công ích được trên 125 ngàn lao động, trong đó thu tiền lao động gián tiếp 6,4 tỷ đồng đạt 88% KH.

5. An ninh- Quốc phòng:

- Tình hình an ninh chính trị ổn định. Trên tuyến biên giới, chính quyền và lực lượng chức năng do giữ được mối quan hệ tốt, hữu nghị, chủ động nên đã giải quyết kịp thời các vụ việc phát sinh. Nhìn chung khu vực biên giới được tổ chức quản lý chặt chẽ theo quy chế, có chú trọng tuần tra kiểm soát các cửa khẩu và đường tiểu ngạch nhằm ngăn chặn tội phạm, buôn lậu và các đối tượng xâm nhập trái phép khác. Tuy nhiên tình trạng xâm canh của cư dân biên giới vẫn còn tồn tại chưa giải quyết dứt điểm được.

Trật tự xã hội xảy ra 767 vụ tăng 5% so cùng kỳ năm trước, trong đó có 277 vụ vi phạm pháp hình sự, đã làm rõ 79 vụ bắt xử lý 86 tên. Tai nạn và tệ nạn xã hội 490 vụ (riêng tai nạn giao thông 296 vụ tăng 12%), xử lý hành chính 437 đôi tượng. Tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện tốt KH phòng chống tội phạm bảo vệ các ngày lễ tết, giữ vững an ninh- tật tự địa bàn, đặc biệt trong thời điểm tổ chức bầu cử đại biểu quốc hội khóa XI. Tổ chức tổng kết 10 năm phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, kiểm tra và chỉ đạo chuẩn bị sơ kết việc thực hiện NQ 09/CP và chương trình phòng chống tội phạm ở địa phương, xây dựng và triển khai thực hiện chương trình phòng chống ma tuý, tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục trong cộng đồng dân cư, trong học đường về phòng chống tội phạm, giữ gìn an ninh chính trị- trật tự an toàn xã hội.

- Tỉnh đã triển khai tổ chức thực hiện Chỉ Thị 3478/CP.QP của Bộ quốc phòng về một số mặc công tác quốc phòng địa phương trong năn 2002, sơ kết tình hình thực hiện NQ.08 và chương trình hành động về nhiệm vụ bảo vệ ANQG trong tình hình mới. Gọi công dân nhập ngũ đợt I/2002 đạt 100% chỉ tiêu, đúng thời hạn và đảm bảo chất lượng. Thực hiện kế hoạch tìm kiếm cất bốc hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện VN hy sinh ở CPC, đến nay đã làm lễ hồi hương an táng 425 bộ hài cốt tại nghĩa trang Huyện Vĩnh Hưng (đợt I là 220 bộ).

- Khiếu nại- tố cáo của công dân 6 tháng đầu năm giảm hơn cùng kỳ năm trước. Số vụ phát sinh mới không nhiều, chủ yếu là khiếu nại đền bù chưa thoả đáng, còn lại là những vụ tồn động đã được UBND các cấp giải quyết hoặc UBND tỉnh đã ra quyết định giải quyết cuối cùng có hiệu lực thi hành nhưng đến nay vẫn tiếp tục khiếu nại. Tỉnh đã tập trung chỉ đạo giải quyết nhiều vụ việc tồn động, hạn chế khiếu nại đông người, vượt cấp.

Tỉnh đã tổ chức tiếp công dân theo quy định và chỉ đạo kiểm tra các huyện- thị, xã- phường nghiêm túc thực hiện quy chế tiếp công dân, cố gắng hoà giải, giải quyết ngay từ cơ sở. Đồng thời đã có Chỉ Thị về việc phát huy vai trò của hội nông dân trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân.



6. Xây dựng củng cố chính quyền:

Công tác quản lý tổ chức bộ máy và biên chế được thực hiện chặt chẽ. Tỉnh đã quyết định sáp nhập, điều chỉnh về tổ chức, cơ chế quản lý một số cơ quan đơn vị (Lực Lượng Thanh Tra Giao Thông, Trường Chính Trị Tỉnh Và Trung Tâm Bồi Dưỡng Chính Trị Huyện, Thị Xã Điều Chỉnh Phòng Ban Thị Xã Và Đơn Vị Phòng Ban Thuộc Huyện...) cho phù hợp tình hình mới. Mặt khác tập trung chấn chỉnh cũng cố hoạt động, tăng cường cán bộ lãnh đạo cho một số ngành, đơn vị, địa phương (Sở Tư Pháp, Bệnh Viện Đa Khoa, Cty Xây Dựng Thuỷ Lợi, thay đổi bổ sung thành viên UBND một số huyện, thị xã...) để khắc phục yếu kém tồn tại.

Những tháng đầu năm tiếp tục chỉ đạo thực hiện tinh giản biên chế HCSN theo Nghị Quyết 16/2000/NQ.CP của chính phủ đi đôi với tăng cường công tác chính trị tư tưởng, nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ và chú trọng công tác đào tạo bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ- công chức.

Tỉnh đã ban hành KH cải cách hành chính giai đoạn 2002-2005, tiến tới thí điểm cơ chế “một nữa” trên lĩnh vực quản lý đất đai, nhà ở, tiếp nhận quản lý đầu tư, đổi mới qui trình xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện văn bản qui phạm pháp luật, xây dựng đề án tin học hoá quản lý hành chính nhà nước tỉnh Long An giai đoạn 2001-2005, khuyến khích áp dụng tiêu chuẩn ISO trong hoạt động các cơ quan công quyền.



7. Công tác khác:

Tỉnh đã chỉ đạo tổ chức thắng lợi cuộc bầu cử đại biểu quốc hội khoá XI, số cử tri bầu đạt 99,65%. Các công việc trong KH bầu cử được trỉên khai thực hiện đúng định luật, không có trường hợp thắc mắc khiếu nại, an ninh- trật tự được đảm bảo.

Tỉnh thành lập ban chỉ đạo thi hành án dân sự theo Chỉ Thị số 20/2001/CT.TTG nhằm tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác này. Đồng thời xây dựng chương trình thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới theo Chỉ Thị số 10/2002/CT.TTg và NQ 08/TW của bộ chính trị.

Nhận xét chung:

Đầu năm việc giao kế hoạch KT-XH được tổ chức sớm đã tạo thuận lợi cho các ngành các địa phương chủ động triển khai thực hiện nhiệm vụ. Nhìn chung các ngành các cấp có cố gắng bám sát chỉ đạo sản xuất. Các chương trình lớn của NQ.ĐH 7, chương trình hợp tác liên kết với TP.HCM cũng được tích cực triển khai thực hiện đạt kết quả bước đầu. Do đó việc thực hiện KH nhà nước trong những tháng đầu năm 2002 đem lại kết quả tích cực: tăng trưởng kinh tế khá, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hoá- hiện đại hoá.

Trong nông ngiệp năng suất và sản lượng đều tăng, giá nông sản đảm bảo được hiệu quả cho người sản xuất. Các mô hình chuyển đổi cơ cấu sản xuất tiếp tục được khẳng định. Tuy nhiên hợp đồng tiêu thụ nông sản giửa doanh nghiệp với hộ nông dân chưa phổ biến. Công nghiệp duy trì được tốc độ tăng trưởng cao tăng trưởng mặc dù còn nhiều khó khăn, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế. Kinh doanh thương mại khá thuận lợi do sức mua thị trường gia tăng tạo điều kiện đẩy nhanh tốc độ lưu chuyển hàng hoá. Vốn đầu tư XDCB từ NSNN được bố trí ở mức cao nên thuận lợi trong xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng, chỉnh trang phát triển đô thị. Tỉ lệ hộ có điện thấp sáng 83%. Tỉ lệ hộ dân sử dụng nước sạch 63% (tăng 3% so với năm 2001). Công tác quản lý đầu tư khá chặt chẽ nề nếp nhưng tiến độ thực hiện KH vẫn chưa đạt yêu cầu. Môi trường đầu tư chung tiếp tục được cải thiện nên thu hút đầu tư trong và ngoài nước đang xu hướng tăng lên. Thu chi ngân sách đạt tiến độ dự toán.

Các hoạt động văn hoá- xã hội có tiến bộ. Tỉnh chỉ đạo khắc phục hậu quả lũ lụt và xoá đói giảm nghèo tốt (tỷ lệ hộ nghèo giảm còn khoảng 7%), nhưng vận động quỹ đền ơn đáp nghĩa, xây dựng nhà tình nghĩa còn hạn chế. Tình hình an ninh chính trị- trật tự xã hội được đảm bảo, đấu tranh chống buôn lậu, phòng chống tện nạn xã hội đạt kết quả khá nhưng trật tự an toàn giao thông vẫn chưa tốt.



II. CÁC CÔNG TÁC TậP TRUNG TRONG 6 THÁNG CUốI NĂM 2002:

Những tháng cuối năm cần nổ lực phấn đấu cao để làm tốt những nhiệm vụ còn lại. Do đó tỉnh tập trung chỉ đạo các ngành các cấp rà soát kiểm tra tiến độ thực hiện nhiệm vụ, chỉ tiêu KH của địa phương đơn vị, chủ động tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc, quyết tâm hoàn thánh thắng lợi KH phát triển KT-XH năm 2002. Trong đó chú trọng thực hiện tốt những công việc trọng tâm sau đây:

1. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện có kết quả 4 chương trình theo NQ.ĐH7 và triển khai thực hiện các Nghị Quyết và chương trình hành động của Chính Phủ và Tỉnh Uỷ về thực hiện NQ.TW5 khoá IX.

2. Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết thuỷ văn, chủ động thực hiện các biện pháp chống hạn, phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai. Tiếp tục chỉ đạo sản xuất vụ lúa hè thu năm 2002 và chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi gắn với hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, nhất là đối với các nông sản chính.

3. Rà soát, điều chỉnh kế hoạch XDCB năm 2002. Kiểm tra, chấn chỉnh công tác đầu tư XDCB, quản lý đất đai, ngăn chặn và sử lý các trường hợp đầu cơ đất đai trên địa bàn tỉnh, nhất là ở các vùng kinh tế trọng điểm.

Tiếp tục chỉ đạo thực hiện chỉnh trang Thị Xã Tân An, đẩy mạnh tiến độ thực hiện các dự án xây dựng khu dân cư, khu tái định cư, chung cư cho cán bộ- công chức và người có thu nhập thấp.

Đồng thời với việc thực hiện kế hoạch năm 2002, chỉ đạo các ngành, các địa phương khẩn trương xây dựng KH kinh tế- xã hội năm 2003 để chủ động triển khai thực hiện KH ngay từ đầu năm.

4. Đôn đốc các DN tiến hành thủ tục cổ phần hoá theo đúng KH, kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Theo dõi chỉ đạo các DN thu mua và xuất khẩu gạo theo chỉ tiêu được giao, cố gắng tiêu thụ hết lúa hàng hoá trong dân. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, thông tin thị trường.

Tiếp tục triển khai thực hiện chương trình hợp tác với TP.HCM trên các lĩnh vực đã được lãnh đạo hai địa phương thoả thuận.

5. Thường xuyên kiểm tra công tác thu ngân sách, phấn đấu đạt và vượt dư toán năm 2002. Tiết kiệm chi, đảm bảo cân đối ngân sách đáp ứng nhu cầu chi đầu tư phát triển. Thực hiện tốt kế hoạch huy động vốn nhàn rỗi trong dân cư và cho vay đáp ứng nhu cầu vốn của các thành phần kinh tế.

6. Tiếp tục điều hành thực hiện các mặt công tác về văn hoá- xã hội, trong đó chú ý thực hiện các nội dung: kế hoạch hè, chuẩn bị năm học mới; thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, hoàn thiện và đưa bệnh viện mới vào hoạt doạt động; tổ chức kỷ niệm ngày 27/7, tiếp tục thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa, công tác phòng chống tệ nạn, công tác qui tập hài cốt liệt sĩ ở K.

7. Tiếp tục triển khai thực hiện NQ.09 và chương trình quốc gia phòng chống tội phạm, giữ vững an ninh-trật tự địa bàn nội địa. Tập trung chỉ đạo công tác lập lại trật tự giao thông, trật tự công cộng. Tăng cường chống buôn lậu và gian lận thương mại theo chỉ đạo của TW.

Thực hiện tốt công tác quốc phòng địa phương trong năm 2002, công tác đăng ký thanh niên trong độ tuổi sẵn sàng nhập ngũ, tổng điều tra chất lượng quân nhân dự bị, tuyển sinh quân sự, huấn luyện DQTV, dự dị động viên, đảm bảo chế dộ sẵn sàng chiến đấu.

Tiếp tục chỉ đạo các ngành các cấp trong giải quyết khiếu nại- tố cáo, chú trọng giải quyết có hiệu quả ngay ở cơ sở, không để kéo kiện về TW. Tích cực giải quyêt dứt điểm các vụ việc tồn động, thực hiện nghiêm các quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Đảm bảo việc tổ chức tiếp công dân theo qui định.

8. Thực hiện cải cách hành chính theo KH đề ra, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế chủ trương của chính phủ. Triển khai thực hiện đề án tin học hoá trong quản lý hành chính. Tăng cường kỷ lụât kỷ cương hành chính, kiên quyết xử lý các trường hợp sai phạm trong thực thi công vụ. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước các cấp nhất là cấp xã, kết hợp với thực hiện tốt qui chế dân chủ cơ sở. Tiếp tục thực hiện thí điểm khoán biên chế vá chi phí quản lý hành chính theo chỉ đạo của Chính phủ.

9. Tiếp tục triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới theo Nghị Quyết số 08/NQ-TW của bộ chính trị và Chỉ Thị số: 10/2002/CT-TTg của thủ tướng Chính phủ.

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH


CHỦ TỊCH

Nơi nhận:

- VP Chính phủ ( HN+TP.HCM).

- Bộ Trưởng Bộ Tư Pháp.

- TT.TU.


- TT.HĐND tỉnh.

- Thành viên UBND tỉnh. Trương Văn Tiếp

- Đại biểu HĐND tỉnh.

- Các Sở, ngành, Đoàn thể tỉnh.

- UBND các huyện- thị.

- Chánh, phó VP.



- NC.UB(10b).

- Lưu.
Каталог: vbpq longan.nsf
vbpq longan.nsf -> Ủy ban nhân dân cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam tỉnh long an độc lập Tự do Hạnh phúc
vbpq longan.nsf -> Nghị quyết về phê chuẩn tổng quyết toán thu, chi ngân sách nhà nước tỉnh Long An năm 2010
vbpq longan.nsf -> Ủy ban nhân dân cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam tỉnh long an độc lập Tự do Hạnh phúc
vbpq longan.nsf -> Ủy ban nhân dân cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam tỉnh long an độc lập Tự do Hạnh phúc
vbpq longan.nsf -> Ủy ban nhân dân cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam tỉnh long an độc lập Tự do Hạnh phúc
vbpq longan.nsf -> Ủy ban nhân dân cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam tỉnh long an độc lập Tự do Hạnh phúc
vbpq longan.nsf -> Ủy ban nhân dân cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam tỉnh long an độc lập Tự do Hạnh phúc
vbpq longan.nsf -> Ủy ban nhân dân cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam tỉnh long an độc lập Tự do Hạnh phúc
vbpq longan.nsf -> Ủy ban nhân dân cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam tỉnh long an độc lập Tự do Hạnh phúc
vbpq longan.nsf -> Ủy ban nhân dân cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam tỉnh long an độc lập Tự do Hạnh phúc

tải về 104.21 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương