2. Văn học Chăm 1 Các thời kỳ phát triển của văn học



tải về 154.73 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu15.11.2017
Kích154.73 Kb.
#34306
MỞ ĐẦU

Trong lịch sử hình thành và phát triển của của nền văn hóa Việt Nam đa dân tộc, văn hóa của người Chăm chiếm một vị trí đáng chú ý.Văn hóa Chăm nó không chỉ được coi như là một biểu hiện về tính đa dạng của văn hóa Việt Nam, mà còn góp phần tạo nên một sắc thái riêng trong văn hóa dân tộc. Với đức tính thông minh, cần cù, và sáng tạo, người Chăm đã tạo ra cho mình một nền văn hóa hết sức độc đáo và phát triển rực rỡ trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực văn học. Đối với văn học của Chămpa thì đó là một nền văn học như thế nào, diện mạo của nó ra sao,và có những nét đặc sắc gì ? Nó đă có nhưng đóng góp gì vào lịch sử văn học Việt Nam ? Đó chính là những câu hỏi mà chúng ta cần giải quyết để góp phần vào việc tìm hiểu và khôi phục lại bức tranh văn học của người Chăm.



B . NỘI DUNG

Nền văn hóa Chămpa là sản phẩm mang tính tổng hòa mối quan hệ của các nền văn hoá khác nhau, thông qua giao lưu tiếp xúc giữa các nền văn hóa trong khu vực cũng như trong cùng một quốc gia đa dân tộc. Nó là sự hòa quyện, thống nhất của nhiều nền văn hóa đã tạo nên một nền văn hóa Chăm phong phú và đa dạng trên nhiều lĩnh vực. Góp phần vào sự đóng góp cho nền văn hóa của dân tộc Việt Nam nói chung.

Trong tất cả các lĩnh vực văn hóa cũng như nghệ thuật thì văn học cũng là một lĩnh vực không thể không nhắc đến trong quá trình hình thành và phát triển của một dân tộc, nó là một lĩnh vực mang tính đa dạng của tổng thể các thể loại như thần thoại, ca dao, dân ca hay trong những câu chuyện dân gian hay trong thơ. Có chứa đựng trong các văn bia hay trong bài tụng kinh với nhiều sắc thái khác nhau, để tạo nên một nền văn hoc Chăm có đặc trưng riêng biệt.

2. Văn học Chăm

2.1 Các thời kỳ phát triển của văn học

Về lịch sử văn học Chămpa chúng ta có thể chia thành ba thời kỳ. Trước một thực tế là hầu hết các tác phẩm văn học Chăm không có tên tác giả và không xác định được niên đại rõ ràng, chính vì vậy mà việc xác định các thời kỳ phát triển của văn học Chăm phải dựa vào lịch sử của dân tộc Chăm. Văn học Chămpa được chia thành ba thời kỳ đó là:

- Văn học Chăm thời kỳ độc lập tự chủ (từ TK II đến TK X). Đây là thời kỳ hình thành và phát triển hùng mạnh của vương quốc Chămpa. Nhà nước Chămpa là một nhà nước có chủ quyền và có sức mạnh quân sự, chính trị, kinh tế trong khu vực. Xã hội ổn định và phát triển, tôn giáo hưng thịnh. Do đó,các tác phẩm văn học thời kỳ này có nội dung thường ca ngợi con người và đất nước Chămpa, ca ngợi công lao của các bậc đế vương, các chiến công quân sự, tôn vinh thần linh và tôn giáo… Văn học thời kỳ này chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của văn hóa Ân Độ và của Hồi giáo. Các thể loại tiêu biểu là các văn bia ký, sử thi, truyện kể, tụng thi…Các tác phẩm hầu như không có tên tác giả.

- Văn học Chăm thời kỳ trong thời kỳ khủng hoảng, mâu thuẫn nội bộ, từng bước bị xâm lược thôn tính và biến mất trên bản đồ Việt Nam của vương quốc Chămpa (TK XI đến TK XIX). Trước áp lực của Đại Việt ở phía Bắc và của Chân Lạp ở phía Nam, trong khi đó tình hình nội bộ vương quốc Chăm lại diễn ra những mâu thuẫn, tranh giành quyền lực...đã làm cho đất nước Chăm suy yếu dần. Từ thế kỷ XI đến thế kỷ XV (tương đương với thời Lý, Trần, Lê của Đại Việt), Chămpa bắt đầu bị thôn tính và sát nhập từng phần vào Đại Việt và cho đến thế kỷ XIX với việc nhà Nguyễn hoàn thành công cuộc thống nhất đất nước, đã xóa bỏ hoàn toàn hình ảnh của vương quốc Chămpa. Đây cũng là mạt kỳ của văn hóa và văn học Chămpa cổ. Văn hóa truyền thống bị mai một. Tôn giáo Balamôn, Hồi giáo bị khống chế và thu hẹp phạm vi, cộng đồng người Chăm tan rã, phải trốn chạy phiêu tán. Do đó văn học thời kỳ này tiếp tục các cảm hứng về thần linh và tôn giáo, về đời sống của các đế vương, vì những mối tình bất hạnh vì tôn giáo và cường quyền, những bài ca về con người, đất nước, những bài học giáo lý, hay những nỗi đau của người Chăm mất nước, những gia đình ly tán, những bất công đọa đày... Đối với văn học viết với thể loại bia ký, ngoài ra là những văn bản chép tay các sử thi, trường ca trữ tình thơ triết lý các truyện kể... mà hầu như cũng không có tên tác giả.

- Văn học Chăm thời kỳ cận hiện đại (được tính từ đầu thế kỷ XX cho đến nay). Nhiều lĩnh vực văn hóa của người Chăm được khôi phục và phát triển. Về mặt văn học có thể thấy rõ trên hai lĩnh vực đó là: việc sưu tầm, nghiên cứu và giới thiệu vốn văn học Chăm truyền thống của một số nhà nghiên cứu văn hóa Chăm. Thứ hai là các sáng tác văn học Chăm hiện đại bằng tiếng Việt và tiếng Chăm. Tuy nhiên những sáng tác văn học này vẫn chưa thật sự nêu bật bản săc của dân tộc này như các tác phẩm văn học thời kỳ trước đó. Văn học Chăm thời kỳ cận hiện đại đã và đang hòa mình vào trong nền văn học của dân tộc.

2.2. Các bộ phận cấu thành văn học Chăm

2.2.1. Văn học dân gian

Trong kho tàng văn hóa dân gian của một dân tộc thì văn học dân gian, hay còn gọi là văn học truyền miệng có một vị trí đặc biệt. Một mặt nó luôn gắn bó với các bộ phận văn hóa dân gian khác như dân ca, dân nhạc, dân vũ …mặc khác nó lại có mối liên hệ với văn học viết của dân tộc đó. Bàn về lĩnh vực này, các nhà nghiên cứu văn học dân gian viết: “Văn học dân gian chia làm hai bộ phận lớn: truyện và thơ ca. Truyện gồm có thần thoại, truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn, truyện cười. Thơ ca gồm tục ngữ, ca dao và dân ca”. Được truyền miệng từ thế hệ này sang thế hệ khác, các sản phẩm của văn học dân gian được chắt lọc dần dần để ngày càng uyển chuyển, linh động, giản dị và điển hình hơn về mặt hình ảnh và phong cách nghệ thuật để có thể phản ánh tốt nhất cuộc sống đa dạng của cộng đồng. Có thể xem đây là đặc điểm hàng đầu của văn học dân gian. Văn học dân gian Chăm cũng mang những đặc điểm của văn học dân gian nói chung.



* Thần thoại Chăm

Điểm đặc biệt trong thần thoại Chăm là yếu tố bên ngoài như ảnh hưởng của thần thoại Ấn Độ thường rất ít hoặc đa số bị bản địa hóa. Số lượng thần thoại Chăm còn lưu truyền rất ít ỏi, có thể nói chúng chỉ là những mảnh vụn của một hệ thống đã bị thất truyền. Sự thất truyền này có thể do rất nhiều nguyên nhân nhưng có lẽ nguyên nhân lớn nhất là do những biến động của lịch sử vương quốc Chăm. Mười bảy thế kỉ chiến tranh liên miên đã làm cho người Chăm khó bảo tồn được vốn cổ văn hóa của mình, hơn nữa đời sống văn học Chăm gần như chưa hề trải qua kĩ thuật in ấn nên thần thoại Chăm cũng như toàn bộ kho tàng truyện cổ Chăm đã không được ghi chép kịp thời.



Cũng tương tự như thần thoại Việt, thần thoại Chăm không được ghi chép lại trong một hình thức thơ ca ổn định, các câu chuyện chỉ được kể lại qua những điều truyền tụng của nhân dân, có khi được chép lại trong những thư tịch cổ của các gia đình nhưng phần nhiều đã bị pha tạp và "tam sao thất bản". Chỉ có ba truyện sưu tầm được là một số lượng quá ít để hình dung ra diện mạo của hệ thống thần thoại Chăm. Tuy nhiên qua ba truyện còn sót lại chúng ta vẫn nhận thấy có những loại truyện, môtip truyện khá phổ biến trong thần thoại thế giới và thần thoại ở khu vực Đông Nam Á. Đó là những môtip truyện kể về nguồn gốc thủy tổ của loài người, phản ánh sinh hoạt, tín ngưỡng hay lí giải một số hiện tượng, sự vật của người Chăm cổ. Đặc biệt thần thoại về Po inư nưgar có thể coi là một hệ thống bao gồm nhiều truyện kết hợp lại, đó là các truyện về nguồn gốc vũ trụ, nguồn gốc loài người, nguồn gốc một số sinh vật, sự vật hiện tượng, nguồn gốc tín ngưỡng, phong tục văn hóa, tôn giáo của người Chăm cổ. Một số môtip thần thoại phổ biến còn lại trong các thần thoại Chăm đó là:

- Môtip nhiều mặt trời chỉ còn lại một
Truyện Po inư nưgar kể rằng: "Thuở sơ khai vũ trụ có 12 mặt trời, nhiều mặt trời quá, sức nóng rất lớn, vạn vật không phát sinh được. Thánh Nơmaisơbaicadong giương cung bắn tan các mặt trời, vạn vật trở nên tăm tối". Truyện Sự tích gà gáy sáng kể chi tiết hơn: "Thuở sơ khai trái đất có 12 mặt trời do đó khí hậu vô cùng nóng bức và khó chịu. Vị chúa của quỷ Satăng là Mưnưmassibaikayông đã lấy trộm cái nỏ thần tên vàng trên ngực vị thánh Pôkuh bắn tan hết 11 mặt trời, chỉ có một mặt trời chạy thoát. Trái đất trở nên mờ mịt, tối tăm và hỗn loạn. Thánh Pôkuh phải nhờ gà, vịt đi gọi mặt trời trở lại. Từ đấy trái đất được chiếu sáng một cách hòa dịu, mát mẻ chứ không gay gắt như xưa"
Hầu hết thần thoại các nước đều có nói đến hiện tượng đa mặt trời và các mặt trời dư thừa dần dần bị bắn rụng. Thần thoại Hán có Hậu Nghệ bắn rụng 9 mặt trời. Sử thi Đẻ Đất Đẻ Nước của người Mường có họ nhà Ngao dùng tên bắn rụng 8 mặt trời. Thần thoại các tộc người Thái, Mèo, Tày đều có chi tiết bắn mặt trời. Đối với nhiều dân tộc, mặt trời nếu không được coi như một vị thần thì cũng là một biểu tượng của thần linh. Mặt trời còn có thể được coi như là con trai của vị thần tối cao và là người anh em của cầu vồng. Mặt trời là nguồn ánh sáng, sức nóng, là nguồn ban phát khả năng sinh sản. Kinh sách của đạo Hinđu, coi mặt trời là nguồn gốc của mọi cái tồn tại, là khởi nguyên và cũng là chung cực của mọi dạng biểu hiện. Mặt trời bất tử mọc lên mỗi buổi sáng và lặn mỗi buổi tối xuống vương quốc của những người chết; do đó nó có thể kéo những người theo mình và giết chết khi lặn. Như vậy dưới một dạng vẻ khác, mặt trời là kẻ phá hoại, là nguyên nhân của sự khô khan, chết chóc. Sự sinh sản và sự phá hủy có tính cách chu kì của mặt trời được biểu hiện bởi sự luân phiên sống-chết-tái sinh của sự vật, hiện tượng.
Trong quan niệm của các dân tộc cổ xưa cho rằng vạn vật ngay từ thuở khai sinh lập địa đã không được hoàn thiện và ý tưởng cải tạo thiên nhiên đã bắt đầu từ đó. Đối với người Chăm cổ cũng vậy, bằng kinh nghiệm thực tiễn họ thấy mặt trời có vai trò rất quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của họ. Mặt trời là hiện tượng khởi đầu cho mọi hoạt động của con người, là ánh sáng, là ban ngày. Có mặt trời mới có sự sống, sự sinh thành. Không có mặt trời chỉ có bóng tối âm u, mù mịt, lạnh lẽo, mọi vật hỗn loạn. Không thể thiếu mặt trời mà lại có sự sống, bởi vậy bao giờ cũng phải còn lại một dù là dưới dạng đi trốn. Ở đây lại xuất hiện thêm một nhân vật đi gọi mặt trời đó là loài gà. Quan niệm này của người Chăm trùng hợp với nhiều quan niệm của nhiều dân tộc ở Đông Nam Á. Sự liên hệ gà gáy thì mặt trời mọc buổi sáng đã dẫn đến quan niệm cho rằng gà là con vật linh thiêng. Như vậy trên phương diện ngữ nghĩa, mặt trời là tín hiệu ngữ nghĩa về thời gian, sự sống và ánh sáng thì hình tượng con gà đi gọi mặt trời có chức năng đánh thức mặt trời, khơi lên nguồn sáng, và mới có sự chiến thắng của ánh sáng đối với bóng tối. Mo Đẻ Đất Đẻ Nước của người Mường cũng có chi tiết gà đi gọi mặt trời. Trong tín ngưỡng của người Chăm và nhiều dân tộc khác, gà còn là vật để hiến tế trời đất, để cúng gia tiên.

- Môtip cây


Môtip cây là một trong những biểu tượng phong phú, phổ biến. Môtip cây cũng có trong thần thoại cổ của nhiều dân tộc ở Đông Nam Á. Người Mường có cây si, người Êđê có cây smusk, người Lào có cây khưa khẩu cạc, người Việt có cây chiên đàn, cây mộc sanh…Còn trong thần thoại Pônaga của người Chăm, thì nhắc đến loài cây Môsi ra đời. Ta thấy Môsi ở thần thoại Pônaga không được mô tả kĩ như cây thần thoại ở thần thoại của các dân tộc khác.

Cây Môsi không được mô tả kĩ có lẽ vì thần thoại Pônaga đã bị tách khỏi môi trường sống cổ xưa của nó, tồn tại như một thể loại của văn học dân gian, được ghi chép thành văn và có một cuộc sống tương đối độc lập như nhiều thần thoại của dân tộc Việt chứ không còn sống ngay trong sinh hoạt cộng đồng, tồn tại với dạng một tổng thể hỗn hợp các yếu tố văn hóa của dân tộc (bao gồm các loại tín ngưỡng, các loại nghi lễ thờ cúng, các hình thức diễn kể, các loại hình sinh hoạt ca hát, nhảy múa…). Có lẽ do đặc điểm lịch sử của tộc người, chiến tranh liên miên cộng với việc phải liên tục thay đổi địa bàn cư trú. Cây Môsi trong thần thoại Pônaga chỉ được mô tả ngắn gọn là "vòi vọi cao lớn" nghĩa là tồn tại ở dạng thức cô đọng nhất về tầm vóc vũ trụ của mình.

Hình tượng cây ở môtip này thường hình thành theo trình tự từ sự xuất hiện đến chết chóc.

- Môtip về người kiến tạo vũ trụ

Đây là môtip không chỉ phổ biến ở Đông Nam Á mà trên toàn thế giới. Thường người kiến tạo vũ trụ là đôi thần nam nữ: người Hilạp có Caốt Gaia, người Việt có Ông Đùng - Bà Đà, người Thái có vợ chồng Ải Lật Cậc…
Thần thoại Pônaga của người Chăm kể rằng: thuở sơ khai, vũ trụ có 12 mặt trời và 12 mặt trăng, đất còn mỏng mảnh, trời thì thấp và chưa có người. Mãi tới giờ thứ 3, ngày thứ hai, tháng 6 năm con chuột bà Átmêhưcát mới bắt đầu trông coi vạn vật… sau thánh Nơmaisơbaicadong bắn tan các mặt trời, vũ trụ u tối, đó là mạt thế.
Đến ngày thứ 2, mồng 6, tháng 5, năm con chuột, ông Âuloahú thụ sắc bà Átmêhưcát ra đời làm công việc tạo thiên lập địa. Ông hóa ra ông Mưhămmách. Ông Mưhămmách sinh ra ông Dilraiel, Ông Dilraiel sinh ra ông Ibarmaminmư trị vì đất đai của ông Âuloahú. Khi ông Atầm và bà Haooa chết đi tất cả lại tiêu tan hết chỉ còn lại cây Môsi cao vòi vọi.

Ngày thứ 3, mồng 6, tháng 2, năm con trâu ông Âuloahú lại từ cây Môsi ra đời lo khai quang nhật nguyệt và tái tạo vạn vật. Đến năm con dê ông sai con gái đầu lòng bà Mú Dụ xuống trần gian cai quản vạn vật, Mú Dụ chính là bà Nưgar.


Ta thấy môtip người kiến tạo vũ trụ của người Chăm có phần khác biệt so với thần thoại của các dân tộc khác. Người kiến tạo vũ trụ của người Chăm không phải là đôi thần nam nữ cùng thế hệ song song thực hiện công việc này như thường thấy mà theo phả hệ của thần thoại Chăm là bốn thế hệ lần lượt thay nhau thực hiện công việc này.Thuở sơ khai, bà Átmêhưcát trông coi vạn vật, khi mặt trời bị bắn rụng, vũ trụ u tối, đó là mạt thế hay nói cách khác là chấm dứt một giai đoạn. Thế hệ thứ hai là ông Âuloahú thụ sắc bà Átmêhưcát tạo thiên lập địa, lại cho sáng sủa hơn, sau đó tất cả lại tiêu tan hết, chỉ còn lại cây Môsi cao vòi vọi. Thế hệ thứ ba vẫn là ông Âuloahú phục sinh từ cây Môsi, sau khi khai quang nhật nguyệt, tái tạo vạn vật, ông sai con gái đầu lòng - thế hệ thứ tư - là bà Nưgar thay ông cai quản vạn vật. như vậy các nhân vật kiến tạo vũ trụ của thần thoại Chăm chỉ là các đơn thần chứ không phải đôi thần nam-nữ như thường thấy. Các đơn thần này tự sinh, tự hóa rồi lại tự phục hồi, có nghĩa là trong bản thể các vị thần này chưa có sự phân chia đầu tiên của vũ trụ, sự phân chia âm - dương, nam - nữ, chưa có Adam và Eva. Bà Átmêhưcát, ông Âuloahú là những con người lưỡng tính như Shiva, một thần linh lưỡng tính, do được đồng nhất với bản nguyên vô hình của thế giới hữu hình hay được khắc họa ôm chặt lấy Shakti là sức mạnh của bản thân mình, được biểu hình như một nữ thần. Đây là một môtip cổ xưa nhất, nguyên thủy nhất trong thần thoại thế giới. Như vậy cũng có thể khẳng định nó là môtip nguyên thủy nhất của thần thoại Chăm còn được lưu giữ đến ngày nay dù đã trải qua rất nhiều sự pha trộn các yếu tố của đời sau thêm thắt vào. Trong thần thoại, tín nguỡng và trong tâm khảm người dân Chăm thì Pônaga đóng một vai trò rất quan trọng, là bà mẹ của xứ sở, bà có chức năng như một đấng tạo hóa tạo dựng nên vũ trụ, xếp đặt lại vũ trụ, sáng tạo nên các thuần phong mĩ tục và truyền nghề cho người dân Chăm. Như vậy rất có thể hình tượng ông Âuloahú trong môtip này là một yếu tố mà đời sau thêm thắt vào khi Hồi giáo đã xâm nhập vào đời sống của người dân Chăm, cái tên Âuloahú có thể là một tên thánh của đạo Hồi chứ không phải là một cái tên có nguồn gốc Chăm nguyên thủy. Hơn nữa người Chăm theo chế độ mẫu hệ, nên trình tự từ bà Átmêhưcát đến bà Nưgar có lẽ là quá trình phát triển hợp lí nguyên thủy của môtip này. Sau đó trong thần thoại không thấy nhắc đến vai trò của ông Âuloahú và trong tín ngưỡng, lễ hội cũng như các đền tháp của người Chăm cũng không thấy xuất hiện hình tượng ông Âuloahú.
Là một tộc người cổ xưa, có chữ viết khá sớm nhưng văn học chủ yếu là văn học dân gian, sự thất truyền, sự pha tạp, nạn ''tam sao thất bản'' của các thần thoại dẫn đến tình trạng hết sức khó khăn trong việc xác định một diện mạo hoàn chỉnh cho hệ thống thần thoại Chăm. Tuy nhiên những mảnh vụn còn giữ lại được là những môtip thần thoại rất đặc trưng, có thể cho ta khái niệm xâu chuỗi về một số thần thoại suy nguyên. Những bức tranh ghép mảnh các huyền thoại về thời kì khai thiên lập địa làm cho ta hình dung một kích thước kì vĩ, hoành tráng vừa có tính bản địa, vừa có tính nhân loại phổ quát của thần thoại Chăm, chứng tỏ người Chăm có cùng một trình độ tư duy, cùng một cơ tầng văn hóa với các tộc người không chỉ trong khu vực Đông Nam Á mà cả trên toàn thế giới. Điều đó được dọi sáng bởi các môtip cơ bản và phổ biến của folklore. Từ các môtip này các mảnh vụn thần thoại Chăm trở thành những lát cắt của lịch sử văn hóa và tư duy người Chăm cổ.

* Truyện cổ tích Chăm

Giống với truyện cổ tích của người Việt, truyện cổ tích của người Chăm rất phong phú mang nhiều nội dung khác nhau:

- Thứ nhất là những truyện mang tính chất giải thích với ẩn ý giáo dục như truyện con hổ có nhiều đốm vằn vện là hậu quả của sự ngu ngốc, truyện con vịt không ấp trứng chỉ là phần thưởng cho đức hi sinh.

- Thứ hai là là những truyện mang tính chất giải thích những hiện tượng đã có trong thiên nhiên như màu lông sặc sỡ của loài công hay màu đen thui của con quạ (Truyện Quạ, Dông và Công). Lý do trái bầu có eo ở khúc giữa hay lá chuối có đường rãnh (Truyền thuyết về Ppo Klaung Girai).

- Thứ ba là các câu truyện cổ tích nói về nguyên nhân ra đời của phong tục tập quán dân tộc Chăm như tại sao người Chăm Bà-la-môn kiêng thịt bò (Bà thần Kapil), tín đồ Bàni không được uống rượu…

Nhìn chung trong truyện cổ tích Chăm có nhiều điểm tương đồng với truyện cổ tích Việt Nam như truyện “con công và quạ”. Trong dân gian Việt Nam truyền tụng truyện trạng Quỳnh thì truyện cổ tích Chăm cũng có diễn tả thực tài tình trí thông minh láu lỉnh như chùm truyện về Trạng Con (ám chỉ Ppo Klaung Girai) đấu trí với quan quân của triều đình, đánh lừa các sứ giả vượt qua tất cả những thử thách của nhà vua, đã làm cho nhiều thế hệ Chăm thán phục. Blơk blơng amư (Chúa nói dối) đã khiến cho người đọc cười suốt từ đầu đến cuối câu truyện không chỉ do yếu tố gây cười ở cốt truyện mà chính là bởi trí thông minh sắc sảo của chàng trai lãng tử.



* Ca dao, tục ngữ

Nếu như trong ca dao Việt, hình ảnh phụ nữ thường được ví với thân cái cò. Cái cò giữa mênh mông đồng bằng Bắc bộ ngày xưa hay Nam bộ ngày nay, cái cò bên bờ sông, trong ruộng lúa, trên bãi cạn…



  • Con cò lặn lội bờ sông

  • Gánh gạo đưa chồng, tiếng khóc nỉ non…

  • Cái cò đi đón cơn mưa

  • Tối tăm mù mịt ai đưa cò về

Thì cùng nỗi cô đơn ấy, cũng hoàn cảnh và tâm trạng ấy, nhưng môi trường sinh hoạt của phụ nữ Chăm lại khác biệt hẳn. Khúc ruột miền Trung mà đồng ruộng chỉ như một dải mặt phẳng mảnh mai, mơ hồ nằm vắt ngang qua với một bên là biển khơi, bên kia là rừng núi. Bởi thế, khi không được tung hoành biển cả như đàn ông, phụ nữ Chăm luôn gắn thân phận mình với rừng núi. Dù rừng có ban phát cái độ nhật:

Bbơng bauh kayuw, liah ia kakwơr


(Ăn trái rừng đỡ đói, liếm sương đêm qua ngày)

Nhưng rừng luôn thâm u:


Ơk kuw nau mưk danin
Glai lin tapin tian anưk kuw lipa
(Đói, ta đi kiếm củ nần
Rừng núi mịt mùng cho đôi con ta)
Và đầy dọa nạt:
Cơk glaung rimaung hơm hơm
(Núi cao hơi thú rợn người)

Ai có một lần đi vào rừng mới thấy hết cái dọa nạt kỳ lạ của rừng khi rừng về chiều. Thanh âm của rừng đồng loạt trỗi dậy. Một sinh thể bé nhỏ gắn chặt với bao la núi rừng, phụ nữ Chăm ra đi vào sớm mai với sự tự tin thế nào thì khi trở về lúc chiều tối trong nỗi bất an và lo sợ như thế.
Aw taik di drei, bbuk klauh di glai
(Manh áo rách trên thân mình,
Sợi tóc đứt vương cây rừng)
Nhưng rồi, họ lại phải ra đi vào ngày mai. Cái cơ cực luôn có mặt. Cơ cực bởi đa mang:

Dom siam ra mưk đung ba
Tamuh rak hala mưng jiơng bingu
O khin paik đa ka rayuw
O khin kauh dahluw đa ka lihik

(Ngọt lành ta nhận cưu mang
Bao công vun xới mới đâm cành trổ bông
Không dám hái sợ úa tàn
Không đành ngắt ngại mất oan giống loài).
Người Chăm theo chế độ mẫu hệ nên người ta dễ lầm tưởng rằng chế độ gia đình này luôn ưu ái phụ nữ. Không hoàn toàn như thế! Trong Ariya Patauw Adat Kamei hay Kabbon Muk Thruh Palei, Bà tổ phụ luôn chất lên vai phụ nữ Chăm nhiều gánh nặng trách nhiệm, với chồng con trong gia đình và cả ngoài xã hội:

Hadip krah ngap hadah bbauk pathang
(Vợ sáng làm sang mặt chồng)
Còn ở ca dao, trong tình yêu đôi lứa, chúng ta chỉ thấy con gái Chăm thường nhận thiệt thòi về phần mình, luôn cưu mang tình yêu với sự bao dung độ lượng:

Hajan juk ppahik khơn đung
Đa ka rabbung nhjơp bauh hajan
Hajan mai kuw mưk đon tah
Đa ka taprah gauk cei rabbung

(Mưa đen, em xóe khăn bọc
E cho người tình phải giọt mưa rơi
Mưa, em gạt với nón cơi
Kẻo mưa giọt lạnh bay rơi trúng chàng)
Cuộc tình có thể là không may mắn – bởi hố cách ngăn tôn giáo quá lớn lao (Cam – Bani karei ia: Chăm – Bàni khác nước), bởi tàn dư chế độ tập cấp Bàlamôn hay bởi muôn ngàn hệ lụy khác mà những cặp tình nhân Chăm không thể hiểu – đã dẫn đến đổ vỡ, chia ly và cái chết. Nhưng tấm lòng thủy chung thì mãi mãi còn lại. Bởi thế, dù trong văn chương Chăm luôn hiện diện sự dằn xé, u uất của nỗi người đằng sau cái bất trắc của cõi vô thường, nhưng bao giờ nhân bản tính cũng bao trùm ấm áp.
Trung thành với chàng trai Bàni, cô gái Chăm đã phải chịu bao trận đòn roi, bao điều sỉ nhục để cuối cùng chỉ nhận lấy cái chết. Một sự bù đắp muộn màng: Chàng trai Bàni – sau khi sáng tác một trường ca kể lại cuộc tình này – đã nhảy vào giàn lửa để tìm hạnh phúc cùng nhau ở thế giới bên kia. Trong một tác phẩm khác, Mưh Rat đã vào núi ẩn tu khi trái tim nàng không được đáp ứng bởi một Sah Pakei quy phái, kiêu kỳ.
Có thể nói, đó là phong cách của các sáng tác bác học. Ở giới bình dân, dù tình yêu có chung nồng độ đó:
Anit amaik amư bbiah min
Anit ai mưdin anit klauh prưn
(Thương cha thương mẹ vừa thôi
Thương anh như muốn đứt đôi lá lòng)
Nhưng phản ứng của các cô gái Chăm ở đây vừa phải hơn, chừng mực hơn:
Kak tian kuw bbơng nhjơm phik
Cang ppo lingik jai mai wơk taum
(Ăn rau đắng nén nỗi lòng
Gió xô sum hợp chỉ còn mong ơn trời)
Tình yêu có mất đi, cô gái cũng chỉ ví thân mình như “con cua lột gãy càng” (arieng mat jauh ginraung) – nhận và yêu mệnh:
Urang yuw padai, klaung yuw ralơng
(Người ta như hạt thóc tròn
Con như lúa lép còn mong nỗi gì)

2.2.2. Văn bia kí

Văn bia kí được sáng tác từ thế kỷ III đến thế kỷ XV bằng cả hai thứ ngôn ngữ là văn tự Chăm cổ và Sanskrit, có mặt khắp miền duyên hải Trung Bộ. Văn bia Chăm Pa là một mảng quan trọng của văn học Chăm Pa, các bia ký Chăm Pa bằng chữ Phạn được viết chủ yếu theo thể thơ của Ấn Độ, văn học Ấn Độ qua hình thức truyền khẩu trong dân gian cũng có mặt tại Chăm Pa.



2.2.3. Văn học viết

Người Chăm biết sử dụng chữ viết từ khá sớm. Văn học vừa là nhân vừa là quả của ngôn ngữ - tư duy Chăm, cả tư duy bình dân lẫn tư duy bác học (tư duy phức hợp, tư duy trừu tượng, siêu hình, tư biện, suy lí…), biểu hiện ở bề nổi lẫn phần chìm trong mọi khía cạnh, lĩnh vực. Ngôn ngữ - chữ viết phát triển thúc đẩy văn học phát triển. Nên ở Chăm, song hành với văn học dân gian: panwơc yaw tục ngữ, panwơc pađit ca dao, dalikal truyện cổ…, là nền văn học viết: sử thi, trường ca, thơ thế sự, thơ triết lí, gia huấn ca…Nhìn chung văn học viết của dân tộc Chăm có thể chia làm các thể loại sau:



* Trường ca

Trường ca Chăm được viết theo thể ariya (như thể thơ lục bát Việt) theo 2 lối: lục bát đếm âm tiết và lục bát chỉ tính lượng trọng âm của từ. Trường ca Chăm ngắn (từ 120 cặp đến 300 cặp lục bát), cô đọng và súc tích. Tất cả dành cho các biến cố, nên tác giả Chăm bỏ qua diễn tả tâm lí nhân vật hay kể các lệ tục rườm rà, như ta thường thấy ở văn bản văn chương cùng thể loại của vài dân tộc khác.

Trong trường ca có hai bộ phận chính là trường ca trữ tình và trường ca thế sự.

- Trường ca trữ tình

Ba tác phẩm được sáng tác vào khoảng thế kỷ XVII - XVIII đã xác lập thế đứng trong văn học Chăm là: Ariya Bini - Cam (162 câu), Ariya Cam - Bini (118 câu), và Ariya Xah Pakei (148 câu). Đây là ba chuyện tình bi đát xảy ra vào giai đoạn lịch sử Champa buổi suy tàn trong đó xung đột tôn giáo (Bàlamôn - Hồi giáo) được xem là nguyên nhân chính dẫn đến sự đổ vỡ và cái chết.
Từ thế kỷ XIX trở đi, nhiều câu chuyện tình được sáng tác thành thơ: Aiya Mưyut, Ariya Kei Oy nhưng đến thời điểm này, các thi phẩm ngắn lại và ngòi bút của thi sĩ Chăm cũng kém sắc sảo đi.

- Trường ca thế sự

Xuất hiện vào khoảng cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX gồm những sáng tác mô tả các cuộc nổi dậy của nông dân Chăm chống lại triều đình nhà Nguyễn như:


- Ariya Twơn Phauw (71 câu)
- Ariya Kalin Thak Wa (80 câu)
Các tác phẩm về thế thái nhân tình mang tính triết lý và luân lý như:

- Ariya Glang Anak (116 câu)


- Pauh Catwai (132 câu)
Từ các trường ca Chăm, chúng ta có thể nhận ra phần nào cuộc sống xã hội và tinh thần Chăm từ hơn ba thế kỉ qua; những bận rộn thường nhật và ưu tư của họ; những cuộc tình ngang trái qua va chạm tôn giáo để phần nào nói lên cái khắc nghiệt của sự phân biệt đối xử giữa hai tôn giáo lớn của dân tộc là Bà-la-môn và Bàni; những nét độc đáo của phong tục tập quán; những cảnh đẹp thiên nhiên.... Qua các trường ca, chúng ta vẫn có thể học được từ các thế hệ của dân tộc Chăm những bài học về tình yêu quê hương, lòng chung thủy vợ chồng, tình cảm anh em, bằng hữu thắm thiết, sự hi sinh cao cả. Trường ca Chăm còn cung cấp cho nhà ngữ học một khối lượng từ vựng phong phú mà không văn bản nào có được.

Với nền văn học Chăm hiện đại, phong cách thơ trong trường ca có nhiều thay đổi như:

- Về hình thức thơ: Đã có vài thử nghiệm thể pauh catwai vào sáng tác hiện đại

- Về cách nói: Thâu thái cách nói của người bình dân Chăm

- Về cách biểu hiện: Cuộc thế thay đổi, giọng thơ cũng phải thay đổi. Nếu hôm nay chúng ta còn khóc người yêu như Xapatan Dawi khóc Dewa Xamưlaik cách đây 4 thế kỉ: kể lể uốn éo, ngân nga đầy nhạc tính thì chỉ làm thiên hạ nực cười. Bây giờ người ta nấc, nghẹn và lắm khi, không cần đến nước mắt. Giọng thơ thế hệ mới của Chăm khinh khoái hơn, lãng đãng hơn.

- Về ngôn ngữ: thơ Chăm hôm nay lung linh mà góc cạnh hơn, đưa những ý tưởng len lỏi bất ngờ vào ngõ ngách tâm hồn con người thời đại hơn



* Gia huấn ca

Có nhiều tác phẩm như: Ariya Patauw Adat Kamei (124 câu), Ariya Muk Thruh Palei (115 câu), Ariya Patauw Adat Likei (79 câu) cùng một số sáng tác Thơ triết lý mô tả nhân sinh quan của mình: Ariya Nau Ikak (26 câu), Jadar (120 câu)...



* Akayet – sử thi

Về mặt hình thức sử thi Chăm không có được cái tầm vóc đồ sộ của sử thi Ấn Độ hay các tác phẩm cùng thể loại của các nước trong khu vực, nhưng chúng luôn đạt tới một bố cục gẫy gọn và cô đúc. Điều cốt yếu là chúng đã nêu bật được hành động và tính cách anh hùng của nhân vật bằng các trận giao chiến với kẻ thù, các chiến công lẫy lừng, ý chí vượt trở ngại để đi đến tiêu đích một cách anh dũng. Trong ba sử thi quan trọng của văn học dân tộc Chăm là Akayet Dewa Mưno, Akayet Inra Patra, Akayet Um Mưrup đều lược bỏ mọi sinh hoạt đời thường, các lễ nghi phong tục tập quán rườm rà và cả quang cảnh hùng vĩ cũng được tiết chế một cách đáng kể.

Trong ba tác phẩm: Akayet Dewa Mưno, Akayet Inra Patra, Akayet Um Mưrup đều là những tác phẩm viết bằng thơ và hai trong ba sử thi nổi tiếng được vay mượn từ ngoài, vay mượn từ cốt truyện đến tên nhân vật, địa danh… nhưng với chữ viết (akhar thrah) và ngôn ngữ của mình, các thi sĩ Chăm đã kịp thời hoán cải chúng cho phù hợp với đặc trưng văn hóa dân tộc.
- Dewa Mưno: Gồm 480 câu thơ theo thể ariya Chăm, xuất hiện ở Chăm vào thế kỷ XVI. Câu chuyện được ghi nhận là vay mượn từ Hikayat Dewa Mandu của Mã Lai. Trong các sử thi Chăm (Akayet Dewa Mưno, Akayet Inra Patra, Akayet Um Mưrup), Akayet Dewa Mưno (Sử thi Dewa Mưno) chiếm vị trí quan trọng nhất. Quan trọng không những ở quy mô và độ dài của nó mà còn ở chỗ nó là một tác phẩm bằng thơ có lẽ cổ nhất, có giá trị văn chương cao, đồng thời có tính nhân bản sâu sắc.

- Inra Patra: truyện Hikayat Inra Putera của Mã Lai được chuyển thành Akayet Chăm vào đầu thế kỷ XVIII, gồm 580 câu ariya. Đây là sáng tác thuộc mô típ người tráng sĩ (đại diện cho phái thiện), sau khi vượt qua bao chướng ngại, bằng tài năng và đức độ của mình đã chiến thắng lực lượng đại diện cho bên ác, mang lại an bình cho xứ sở, hạnh phúc cho nhân dân.




- Um Mưrup: Sử thi dài 240 câu và là một sáng tác trực tiếp của người Chăm, mô tả sự xung đột giữa hoàng tử Um Mưrup và triều đình vua cha, cuộc chiến tranh tương tàn giữa người Chăm Bàlamôn và Hồi giáo. Cuối cùng là cái chết của tráng sĩ này, người định mang giáo lý Islam truyền bá vào vương quốc Bàlamôn giáo.
- Ngoài ra người Chăm còn có hai Akayet bằng văn xuôi là Inra Sri BakanPram Dit Pram Lak có nguồn gốc từ sử thi Ramayana của Ấn Độ.

Qua các tác phẩm trên, chúng ta nhận thấy sử thi Chăm mang những đặc điểm sau:


- Sử thi Chăm lấy đề tài chiến tranh làm trung tâm, bằng chiến tranh, nhân vật anh hùng trung tâm thực hiện nhiệm vụ trực tiếp vượt thử thách hoặc đánh bại kẻ thù để thu phục người đẹp. Đồng thời người anh hùng cũng qua đó, bằng chiến tranh để thu phục các lực lượng phân tranh đem lại hoà bình thống nhất cho đất nước và ấm no cho toàn dân.

- Đặc điểm thẩm mỹ cơ bản là tính kỳ vỹ hào hùng, các nhân vật anh hùng mà nổi bật là nhân vật chính diện số một có tài năng xuất chúng, pháp thuật cao cường siêu việt, bách chiến bách thắng. Đó là hình ảnh lý tưởng và ước mơ, là kết quả, đồng thời là sự phản ánh chủ nghĩa anh hùng của dân tộc thời đại sử thi.


- Sử thi Chăm chủ yếu được diễn đạt bằng văn vần và diễn xướng bằng hát - kể. Đây cũng là đặc điểm chung của sử thi các dân tộc Việt Nam như sử thi Thái, Mường, Êđê, Bana, Raglai, Jrai, Mnông, Xơđăng, Xơtiêng,… Riêng Pram Dit-Pram Lak là trường hợp cá biệt vì đây là sử thi đã cổ tích hoá.

- Ngoài những đặc điểm nói trên, sử thi Chăm, trong bối cảnh sử thi Việt Nam, nổi rõ tinh chất luân lý đạo đức. Đó là lòng hy sinh, tinh thần vị tha, cao thượng, khoan hoà, tinh thần nhường nhịn, kể cả đối tượng khó nhường nhịn là tình yêu. Ở người Chăm việc giáo huấn đạo lý thành một nhiệm vụ phổ biến. Người Chăm đã có một hệ thống thơ ca giáo huấn như Arya Patauw Adat Kamei, Arya Muk Thruh Palei, Arya Patauw Adat Likei. Chúng có ảnh hưởng sâu sắc trong tiềm thức dân tộc và tất nhiên, thấm đượm vào sử thi.

Nhìn chung, sử thi là một trong những dòng văn học viết quan trọng của dân tộc Chăm. Dù đa số các tác phẩm được vay mượn từ ngoài nhưng người Chăm biết hoán cải chúng phù hợp với thực tế lịch sử - xã hội của mình. Qua các Akayet này, thể thơ ariya Chăm đã phát triển hoàn chỉnh và tồn tại đến ngày nay.

2.3. Đặc điểm văn học Chăm

- Văn học Chăm pa phong phú, đa dạng về hình thức lẫn nội dung và có những nét đặc sắc riêng.

+ Về hình thức: văn học Chămpa có nhiều thể loại khác nhau như: thần thoại, truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn, sử thi, trường ca, thơ thế sự, thơ triết lí, gia huấn ca…

+ Về nội dung: văn học thành văn phản ánh thời cuộc, khắc hoạ nhiều mặt của đời sống xã hội, ca ngợi tình yêu lứa đôi, tình yêu gia đình và quê hương. Thơ ca rất dồi dào âm điệu, nội dung trữ tình và thường là thơ lục bát gieo vần lục tứ và bát lục.

+ Nét riêng của văn học Chămpa:


  • Thể thơ lục bát Chăm linh hoạt trong cấu trúc, có khả năng sáng tạo lớn.

  • Về nội dung và đề tài: có tới 250 minh văn Chămpa được sáng tác từ thế kỉ III đến thế kỉ XV bằng cả tiếng Phạn lẫn tiếng Chăm cổ. Là điều mà lịch sử văn học Việt Nam chưa hề có, nhưng chỉ chưa đầy 10% minh văn đó được dịch sang tiếng Việt chủ yếu là phục vụ cho nghiên cứu chứ chưa là chọn lọc mang tính chất văn chương. Năm sử thi Akayet Chăm có xuất xứ hoặc mang âm hưởng Mã Lai hoặc Ấn Độ được viết vào thế kỉ XVI – XVIII là sáng tác thành văn đắc trưng Chăm, một hiện tượng không có trong văn học sử Việt Nam. Bốn sử thi nổi tiếng của Chăm khác với các dân tộc anh em ở Tây Nguyên như Êđê, Bana…sử thi Chăm đã được văn bản hoá từ thế kỉ XVI. Cuối cùng ba trường ca Ariya trữ tình nổi tiếng mà nội dung mang chở sự đối kháng quyết liệt giữa Hồi giáo – Bàlamôn giáo dẫn đến đổ vỡ và cái chết cũng là một dị biệt khác.

- Hầu hết các tác phẩm văn học Chăm không có tên tác giả và chưa xác định được năm sáng tác cụ thể.

- Văn học Chăm pa có một quá trình phát triển lâu dài gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của quốc gia dân tộc.

- Văn học Chăm pa mang tính nhân văn sâu sắc, nhất là ở thể loại sử thi và cụ thể là trong 2 bộ sử thi quan trọng của văn học Chămpa là Akayet Inra Patra và Akayet Dewa Mưnô.

- Văn học Chăm pa chịu sự ảnh hưởng của tôn giáo và ảnh hưởng của các nền văn học khác.



2.4 . Ảnh hưởng của tôn giáo và các nền văn học bên ngoài tới nền văn học Chămpa

- Văn học Chămpa chịu ảnh hưởng của tôn giáo: Hinđu giáo, Hồi giáo trong đó đặc biệt là đạo Bàni. Thể hiện rõ nét sinh động sáng tạo trong nội dung, hình thức của các thể loại văn học làm cho văn học Chămpa vừa mang tính hiện thực lịch sử, vừa mang tính li kì. Tuy nhiên cũng đã có những biến đổi khác để phù hợp với dân tộc.

- Trong thời điểm Hinđu giáo phát triển và ảnh hưởng sâu sắc nhất thì hầu như tất cả các tôn giáo chính của Ấn độ đều được thờ phụng hay nhắc tới ở Chămpa. Đồng thời Chămpa cũng tiếp nhận văn học Ấn độ trực tiếp và đậm nét nhất. Sau này dòng chảy của văn học Ấn độ đến với Chămpa qua trung gian là Malaysia. Dĩ nhiên khi đến Chămpa những dòng tư tưởng cũng có khác để phù hợp với cuộc sống và sinh hoạt Chămpa. Đó là những thể loại văn học dân gian với những bài hát lễ, hát giao duyên, những kinh văn bài xướng ca được biểu diễn vào dịp lễ quan trọng liên quan đến Hinđu giáo. Hơn nữa cungc không ít những phù điêu Chămpa lại là hình ảnh nghệ thuật cô đúc về một truyện thần thoại hay một truyền thuyết nào đó của Ấn độ.

- Do chịu nhiều ảnh hưởng sâu sắc của văn học Ấn độ cho nên ý nghĩa Văn chương được thể hiện trong các bia kí, các tác giả bia kí cố gắng dùng lời lẽ văn hoa nhiều điển tích và ẩn dụ của văn học Ấn độ để thể hiện ý tưởng của mình. Vì thế mà văn bia Chămpa là một mảng quan trọng nhất của văn học Chămpa, các bia kí Chămpa bằng chữ Phạn được viết chủ yếu theo những thể thơ của Ấn độ. Văn học Ấn độ qua hình thức trong dân gian cũng có mặt ở Chămpa. Điều này được thể hiện qua việc người Chăm dựng đền thờ thần Rsi Valmiki, người được coi là tác giả của sử thi Ramayana cũng như các bức phù điêu thể hiện các nhân vật có trong sử thi Ramayana như chàng Rama, nàng Sita…Việc thờ Rsi Valmiki chứng tỏ ngay từ thế kỉ thứ VII tác phẩm Ramayana của Ấn độ đã phải được biết đến, nếu không nói là được yêu thích ở Chămpa. Tuy không có văn bản nhưng chúng ta biết chắc là cho đến tận thế kỉ XV, sử thi Ramayana vẫn còn được lưu truyền ở Chămpa. Bằng chứng là, trong “Lĩnh Nam Chích quái” - tập truyện cổ dân gian thế kỉ XV của người Việt do Vũ Quỳnh - Kiều Phú biên soạn có “truyện Dạ Thoa” hay còn có tên khác là “Chiêm Thành truyện”. Truyện này tuy rất ngắn nhưng lại tóm tắt được hầu như toàn bộ nội dung sử thi Ramayana của Ấn độ. Chúng ta dễ dàng nhận thấy ở “truyện Dạ Thoa” những nguyên mẫu nhân vật và địa danh của Ramayana: nước Diệu Nhiêm chính là đảo Lanka, Dạ Thoa vương là quỷ Ravana mười đầu, hồ tôn tinh quốc là nước Kôsala, Thập xa vương – vua Dasaratha, thái tử Vi Bà – Rama, Bạch Tĩnh Chiếu Nương – Sita, đoàn quân vượn – đoàn quân khỉ của Hanuman. Cho đến ngày nay, chỉ còn lại bốn bức phù điêu thế kỉ X (hiện có ỏ bảo tàng Chăm Đà Nẵng) là bốn nhân vật chính của Ramayana là Rama, Sita, Hanuman, Laksman…

Bộ sử thi Mahabharata cúng đã có mặt ở Chămpa. Ở Đà Nẵng hiện giờ có bức phù điêu mang kí hiệu 47-7, ở bảo tàng Chăm, có xuất xứ từ thành Bình Định thể hiện cảnh Ácgiunna cùng hoàng tử Utara ra trận - một trong những tình tiết quan trọng của sử thi Mahabhara.

Ngoài ra theo G.Coedes những tình tiết khắc trên bốn mặt của bệ tượng Trà Kiệu (thế kỉ X) nổi tiếng thế giới thể hiện các cảnh tượng tiêu biểu rút ra từ bộ Bhagavata prurana. Như vậy không chỉ các bộ sử thi mà các truyện cổ tích của Ấn độ đã có mặt ở Chămpa.

Như vậy, qua bia kí ta thấy, ở Chămpa đã có mặt hầu như toàn bộ những tác phẩm văn học cổ nổi tiếng cũng như các hệ thống thần thoại và truyền thuyết chính thuộc những tôn giáo khác nhau của Ấn độ.

- Bên cạnh sự ảnh hưởng của tôn giáo và văn học Ấn độ thì văn học Chămpa còn chịu sự ảnh hưởng mạnh mẽ của tôn giáo Hồi giáo với hai nền văn học là văn học Hồi giáo và văn học Mã lai cả về nội dung và hình thức.

Về nội dung thì văn học Chămpa mô phỏng cốt truyện của văn học Hồi giáo, vì thế nội dung văn học Chăm có nhiều tình tiết giống với nội dung của văn học Hồi giáo. Trong truyện kể của người Chăm, Pô Inư Nưgar là người sinh ra dân tộc Chăm, sáng tạo ra vạn vật. Khi Hồi giáo du nhập vào, thần thoại Chăm không còn nguyên dạng mà bị biến đổi theo các quan niệm tôn giáo Pô Inư Nưgar - người sáng tạo ra dân tộc Chăm đã bị biến đổi và đưa vào “sáng thế kỉ” của đạo Bàni. Theo truyền thuyết này thì vũ trụ đã diễn ra bốn thời kì. Lần thứ tư, ông Cú (vị thần của đại nữ thần Át Mư Hô Cát) sai con gái đầu lòng là Pô Inư Nưgar xuống trần lập ra nước Chămpa, Việt, Trung Quốc…và tất cả các nước, sinh ra các vị thánh Nưbi. Hay như trong câu chuyện “Sự tích Gà gáy sáng” (truyện Atmuhekat) đã kể về thánh Pôkuk Parahimuk, đấng sáng tạo ra vạn vật trên trái đất. Nhân vật Pôkuk của người Chăm lại chính là nhân vật Nuk trong thần thoại Hồi giáo. Nuk là một nhà tiên tri, kinh Coran gọi Nuk là “người giáo huấn sáng láng” cho những người đồng tộc tội lỗi của mình, là kẻ “nô lệ tri ân”, “phái viên trung thành” của Allah. Câu chuyện của người Chăm và của đạo Hồi khác nhau về hình thức thể hiện nội dung nhưng về cơ bản cốt truyện đều phản ánh các tình tiết: Sau khi đã được tạo lập, thế giới bị nhấn chìm (bởi nạn đại hồng thuỷ của Hồi giáo và bóng tối vì không có mặt trời , mặt trăng của người Chăm); rồi xuất hiện đấng cứu thế (Pôkuk của người Chăm và Nuk của người Hồi giáo); con thuyền của nhân vật cứu thế (con vịt và chiếc thuyền gỗ); thế giới được lặp lại tốt đẹp hơn trước và loài người được giao cai quản muôn loài. Theo Ngô Văn Doanh thì rất có thể, câu chuyện “Sự tích gà gáy sáng” với nhân vật trung tâm là Pôkuk ít nhiều đã mô phỏng cốt truyện về hồng thuỷ của Hồi giáo.

Hoặc như thần thoại “Cái cân” đã phản ánh lịch sủ xã hội Chăm thế kỉ X trong thời trị vì của Pô Awăh (1000-1036) tại kinh thành Sribinưi (Đồ Bàn – Bình Định) - một vị vua theo Hồi giáo đã hành hương đến thánh địa Mécca. Theo câu chuyện thì Pô Awăh là một trong những trợ thử đắc lực của nữ thần mẹ Pô Inư Nưgar trong tạo lập vũ trụ thế giới. Sau khi sinh ra vũ trụ và vạn vật, nữ thần sai Pô Awăh dùng thân mình hoá thánh đường và truyền dạy giáo lí cùng phong tục Hồi giáo cho người Chăm Bàni.

Qua tìm hiểu truyện cổ Chăm chúng ta thấy những ảnh hưởng khá rõ nét của niềm tin tôn giáo vào văn học Chăm, nội dung truyện cổ Chăm ít nhiều mang cốt truyện của văn học Hồi giáo, các vị thần người Chăm mang nhiều nét của vị thần Hồi giáo.

Ca dao, tục ngữ Chăm cũng chịu ảnh hưởng của đạo Bàni. Với quan niệm hôn nhân đồng tôn giáo đã chi phối đế tư tưởng của người Chăm và được phản ánh trong văn học. Sự ngăn trở trong tình yêu đã khiến cho đôi trai gái phải thốt lên:

“Cam saung Bini ke tah

Yaum sa darah krung mưng dahluw

Cam saung Bani ke tah

Mu sa karan ia sabilauk

Thei la cong khin dwix xak nhu đwa”

Nghĩa là:

“Chăm – Bani đâu xa

Cùng màu da, cùng dòng máu

Chăm – Bani đâu khó

Cát lồi chung hạt, nước chung nồi

Chăm lấy Bàni được thôi

Ai rằng chẳng được tội người ấy mang”

Tình yêu khoác tôn giáo luôn kết thúc bằng một bi kịch, nó đã trở thành tiếng nói phê phán xá hội. Ca dao, tục ngữ Chăm đã phản ánh rõ nét chân thực thực trạng xã hội Chăm lúc bấy giờ, sự xung đột của 2 tôn giáo.

Ngoài ra về hình thức văn học Chăm cũng chịu ảnh hưởng từ thể loại Akayet của văn học Mã lai và văn học Hồi giáo để sáng tạo ra thể loại Aryia (lục bát Chăm) vô cùng độc đáo. Điều này được thể hiện rõ rệt nhất trong 2 bản sử thi được diễn thơ của người Chăm là Akayet Dewa Mưno và Akayet Inra Patra.

Trong sử thi Akayet Inra Patra đã có sự vay mượn vốn từ Ảrập hay có nguồn gốc Ảrập:

Chăm Ảrập

Rabap aroxah nobat roh syah

Manlap dalap malik zahab

Idar jalan indera jalani

Kapiah kupiah

Mưgik mesid

Jamư-at jumat

Kuramư kurma

Còn theo G.Moussay 1 trong những nhà nghiên cứu đầu tiên về sử thi Chăm nhìn nhận rằng Inra Patra vay mượn từ Hikayat Indra Putera của Mã lai. Nhìn bảng đối chiếu tên các nhân vật trong hai bản sử thi Indra Putera và Inra Patra:

Chăm Mã lai

Inra Patra Indra Putera

Cahya xri bilan mengin dra seri bulan

Insuman luga tamar buga

Kurama baxapa bikrama puspa

Kiradan akax dikar agus

Saman jaleh tamar jalis

Có thể nói rằng, Hồi giáo lúc này đã có một thế đứng vững chắc trong lịch sử xã hội Chămpa và đã gây một ảnh hưởng quan trọng đến nhiều lĩnh vực. Nhưng dù vay mượn câu truyện từ một tác phẩm của Mã lai, Akayet Inra Patra vào đến đất Chămpa đã có những tính cách và phong thái khác hẳn.

Đối với sử thi Akayet Dewa Mưno được coi là sử thi chiếm vị trí quan trọng nhất trong các sử thi Chăm thì được ghi nhận là có quan hẹ với Hikayat Dewa Mandu của Mã lai. Đó là quan điểm của G.Moussay trong bài thảo luận của mình. Ông cũng sơ bộ đối chiếu tên địa danh và tên nhân vật giữa tác phẩm này:

Chăm Mã lai

Dewa mưno dewa mandu

Anggeran dewa akar dewa

Dewa arkas peri arakas kaphwari

Langka dura birung langdara

Berhamana brah manna

Cendera candra

Dewa raksa malik deva samalaik

Gangsa indera gan sri inra

Zenggi sanggi

Palinggem cahya palinggan cahya

Nhưng khi vay mượn tác phẩm Mã lai, Akayet Dewa Mưno đã có nhiều thay đổi quan trọng về những tình tiết của cốt truyện lẫn tâm lí nhân vật. Điều đó làm nên những sử thi riêng của người Chăm.

- Sự giao lưu, tiếp xúc giữa văn học Chămpa với văn học Việt:

Trước hết là về mặt văn hóa dân gian, cố giáo sư Võ Quang Nhơn đã nhận xét: Truyện Dạ thoa có thể là chứng tích cổ nhất mà người Chăm đã đóng góp vào thư tịch cổ Việt Nam từ thế kỷ XV qua bàn tay biên soạn của các trí thức thời Lê. Câu chuyện đấu tranh quyết liệt của nhân vật anh hùng Rama với Qủy Ravana trong thiên anh hùng ca Ramayana của Ấn Độ...được nhân dân Việt Nam ưu thích, tiếp thu và dĩ nhiên là đã qua sự nhào nặn của các nghệ nhân Chăm. Một lần nữa nó lại được các trí thức Đại Việt tiếp thu, biên soạn và bằng chứng là trong Lĩnh nam chích quái-tập truyện cổ dân gian thế kỉ XV của người Việt có truyện Dạ thoa (hay còn có tên khác là Chiêm Thành truyện).

Mặt khác trong kho tàng văn học dân gian Việt cũng như Chăm có nhiều tác phẩm mà rõ ràng cả hai đều bắt nguồn từ một cội rễ chung. Ví dụ truyện Tấm Cám(của Việt Nam) và Dalikal ka M’kam-M’hlơk (của Chăm). Những chi tiết khác biệt so sánh hai truyện này với nhau cho thấy cái cách mà mỗi dân tộc tiếp biến bản gốc câu chuyện chung này. Tuy nhiên, nội dung triết lý, đạo đức nhân sinh mà mỗi tác phẩm dẫn dắt người đọc hướng dến lại rất thống nhất với nhau, đó là “ ở hiền găp lành, ác giả ác báo”.Còn về truyện ngụ ngôn của dân tộc tộc nào cũng gắn liền với những điều răn dạy, đối nhân xử thế và góp phần giải thích các sự kiện, hiện tượng thiên nhiên hoặc xã hội trong môi trương và bối cảnh lịch sử riêng của mình. Truyện ngụ ngôn của người Việt và người Chăm vừa có những nét giống nhau lại vừa khác nhau.. Nếu sự khác nhau chỉ rõ các nét riêng của môi trường tự nhiên, bối cảnh cụ thể của từng khu vực sinh sống, thì những đặc điểm giống nhau lại cho ta thấy ảnh hưởng qua lại trong quá trình tiếp xúc .Nhân vật trong các truyện ngụ ngôn Việt và Chăm đã minh chứng cho điều này. Trong một số truyện điển hình như Mưu con thỏ (của Việt) và Con thỏ và bà lão nông dân (của Chăm) thì thỏ bao giờ cũng thể hiện tính cách khôn lanh, nhiều mưu mẹo, những khả năng thắng cả con người. Giải thich các hiện tượng trong giới tự nhiên, người Việt có chuyện Qụa và Công, còn người Chăm có Dalikal ka Ak.Con vật có màu sắc đẹp trong truyên của Chăm là con Dông (Ajah), còn trong truyện của người Việt là con Công. Tuy nhiên, có một điều lý thú đó là nếu như trong truyên Qụa và Công thì màu đen của con Qụa là do nó tham ăn, vội bay đi nên chủ động nói với Công là bôi bừa màu đen cho xong, còn trong Dalikal ka Ak màu đen lông Qụa là do con Dông nghe tiêng sấm rền, giật mình đánh đỏ mực vẽ màu đen lên mình con Qụa. Điều này vừa nói về màu lông của Qụa vừa nhằm giải thích vì sao loài Qụa luôn luôn săn đuổi Dông –loài bò sát phổ biến ở đất cát Ninh Thuận, Bình Thuận để ăn thịt.

Ngoài ra, từ ngữ của người Việt được sử dụng trong Ariya Chăm cũng hết sức đa dạng,điều này về mặt nghệ thuật nó còn giúp cho sự gieo vần thêm dễ dàng, câu thơ trở nên mềm mại uyển chuyển. Ví dụ như : Ta chịu nhục làng xóm chê cười ;Thức giấc, em nghẹn ngào ngào rầu những trong lòng... Sử dụng từ ngữ Việt với các mục đích biểu hiện và mục đích nghệ thuật là hiện tượng phổ biến không chỉ trong Ariya mà cả trong tục ngử ca dao Chăm. 2.5. Nhận xét, đánh giá

* Đóng góp của văn học Chămpa đối với nền văn học của dân tộc:

- Như vậy, trong quá trình phát triển của mình người Chăm đã sáng tạo ra một nền văn học khá đăc sắc,với sự phong phú đa dạng về thể loại, nội dung phản ánh nhiều mặt của xã hội. Văn học Chăm đã để lại cho chúng ta một cái nhìn toàn diện về xã hội Chăm lúc bấy giờ với những thăng trầm lịch sử, những biến cố và sự xung đột của các tôn giáo.

- Do nhiều nguyên nhân mà cho đến nay chúng ta vẫn chưa có một hình dung đầy đủ về văn học Chăm. Nhưng với những gì hiện có,văn học Chămpa đã góp phần làm đa dạng, phong phú, đặc sắc cho diện mạo văn học Việt Nam. Nó đã bổ sung vào bức tranh văn học Việt Nam với những màu sắc riêng mà văn học bất kỳ dân tộc nào cũng không có được, điều đó thật là vô giá. Chúng ta có thể thấy rằng văn học Chăm đã có những đóng góp riêng vào văn học dân tôc như: thể thơ lục bát Chăm đã góp phần đa dạng thơ ca Việt Nam, sử thi Chăm đă được văn bản hóa từ thế kỷ XVI (sáng tác thành văn) chứ không chỉ mang tính truyền miệng, trường ca-Ariya trử tình nổi tiếng mà nội dung thể hiện sự xung đột tôn giáo Hồi giáo và Balamôn giáo dẫn đến những câu chuyện tình ngang trái,đổ vỡ chỉ có trong văn chương Chăm...

- Về vị trí của văn học Chăm trong lịch sử văn học Viêt Nam hiện nay, thì nó không phải chỉ là ở những tác phẩm văn học đã có mà là một thực thể sống động đang trực tiếp góp phần vào đời sống văn học dân tộc. Điều đó được thể hiện trên cả lĩnh vực văn học dân gian và văn học viết. Đối với văn học dân gian, thì những ảnh hưởng qua lại của văn học dân gian Chăm với văn học dân gian Việt đã góp phần quan trọng vào việc xác định đặc tính Đông Nam Á trong văn học Việt Nam. Đối với văn học viết, những đóng góp của văn học Chăm được thể hiên rõ trên hai phương diện, thứ nhất là những hình thức văn học Chăm rất độc đáo, thứ hai là những cảm hứng nghệ thuật mang tính tôn giáo rất riêng lạ của người Chăm đã và đang tiếp tục tham gia vào đời sống văn học của dân tộc. Văn học Chăm là một bộ phận không chia cắt của văn học Việt Nam. Sự hiện diện của văn học Chămpa trong lịch sử văn học Việt Nam chắc chắn sẽ đem đến những nhận thức mới về các biên giới không gian và thời gian của văn học Việt Nam, cũng như tính toàn vẹn, và thống nhất của lịch sử văn học dân tộc.



* Thực trạng và vấn đề bảo tồn, phát huy văn học Chăm.

Về thực trạng:

Thực tế cho đến nay chúng ta vẫn chưa có một hình dung đầy đủ về toàn bộ nền văn học của Chămpa. Những mất mát, thất lạc bởi biến động của thời cuộc đã làm cho diện mạo văn học Chămpa không còn nguyên dạng. Nếu như việc hình dung về bộ phận văn học dân gian truyền thống của Chăm dù còn rất nhiều khó khăn nhưng có thể thực hiện được một cách có kết quả nhất định. Bởi vì các tác phẩm văn học dân gian vẫn ít nhiều được lưu truyền và gìn giữ trong các gia đình Chăm. Còn đối với văn học viết của Chăm thì số phận của nó lại tỏ ra lận đận hơn, nó lận đận như chính số phận của vương quốc này, dân tộc này. Bởi đăc điểm của các tác phẩm văn học viết đa phần là không có tên tác giả, và khó xác định được niên đại. Ngoài bia ký là loại hình có thể khôi phục lại được, còn các loại hình tác phẩm được ghi chép trên giấy đều là các bản viết tay hầu như chưa được khắc in khi chúng xuất hiện. Chúng ta không biết tới những tác gia văn học của dân tộc này trong qua khứ, và như hình dung của Inrasara là một nhà thơ,đồng thời là một nhà nghiên cứu văn hóa Chăm, thì những tác phẩm văn học viết của người Chăm đang bị thất lạc khắp nơi và cũng có thể phần lớn đã bị chôn vùi và lãng quên, đó là cả một tài sản khổng lồ.

Như vậy, đó là tình trạng rất khó khăn trong việc nghiên cứu lịch sử văn học Chăm. Mặt khác, khi mở các bộ lịch sử văn học Việt Nam tư trước tới nay chúng ta không thấy bóng dáng văn học Chămpa ở đâu cả,chưa có một chương nào nói về văn học của người Chăm.

* Vấn đề bảo tồn và phát huy văn học Chăm.

Đứng trước thực trạng của văn học Chăm, chúng ta cần phải tăng cường công tác bảo tồn và phát huy văn học Chăm, thể hiện ở một số vấn đề sau:

- Như chúng ta đã biết, hình bóng vương quốc Chămpa hùng cường đã bị xóa nhòa trong ký ức. Thế nhưng còn một dân tộc Chăm, còn một cộng đồng người Chăm đang tồn tại thì cũng có nghĩa rằng còn tiếng nói , còn văn hóa Chăm và còn văn học Chăm.Văn học đó phải có chỗ đứng trong lịch sử văn học Việt Nam, như con người Chăm đang tồn tại trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.Do đó cần phải đưa văn học Chămpa bộ lịch sử văn học Việt Nam.

- Chúng ta phải có một chương trình,kế họach cụ thể và toàn diện để sưu tầm, nghiên cứu,dịch thuật, công bố những tác phẩm văn học Chăm đang còn thất lạc để làm sống dậy nền văn học đó. Nói chung là bảo tồn phát huy những giá trị hiện có,tăng cường tìm kiếm những giá trị còn tiềm ẩn.



- Đặc biệt, trong tình hình hiện nay với xu thế toàn cầu hóa, sự giao lưu văn hóa diễn ra mạnh mẽ. Do đó vấn đề bảo tồn và phát huy văn hóa là việc làm có ý nghĩa và tầm quan trọng hàng đầu mà bất cứ một dân tộc,quốc gia nào cũng đặc biệt quan tâm.Chính vì vậy mà công tác bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của người Chăm trong đó có văn học chính là bảo tồn một phần của tinh hoa văn hóa dân tộc Việt Nam, và trách nhiệm này không phải của riêng ai.
KẾT LUẬN

Mặc dù vương quốc Chămpa không còn tồn tại đến ngày nay nhưng tất cả những gì mà vương quốc Chămpa đã xây dựng nên và để lại đến ngày nay dều lag những ”tài sản” mang giá trị đặc biệt. Nhất là về mặt văn hoá trong đó có lĩnh vực văn học. Mạc dù văn học Chămpa cho đén giờ vẫn chưa được nghiên cứu và biên dịch nhiều nhưng chỉ cần với những tác phẩm đã có đó cũng có thể đánh giá được nền văn học Chămpa phát triển phong phú, đa dạng và rực rỡ như thế nào. Sự phát triển đó không chỉ làm nên sự phong phú cho văn hoă Chămpa, cho văn học Việt xưa kia mà còn cho nền văn học đa dân tộc Việt Nam ngày nay.
Каталог: ld
ld -> Thủ tục Giải quyết trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945 và người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến trước tổng khởi nghĩa 19/8/1945
ld -> Mẫu tkn1 CỘng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
ld -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc ĐĂng ký thất nghiệP
ld -> Thủ tục: Đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Trình tự thực hiện: Bước 1
ld -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc TỜ khai của ngưỜi hưỞng trợ CẤP
ld -> 1. Mở rộng đối tượng bắt buộc tham gia bhtn
ld -> Nghị ĐỊnh của chính phủ SỐ 205/2004/NĐ-cp ngàY 14 tháng 12 NĂM 2004 quy đỊnh hệ thống thang lưƠNG, BẢng lưƠng và chế ĐỘ phụ CẤp lưƠng trong các công ty nhà NƯỚC
ld -> BỘ luật lao đỘng của Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam BỘ luật lao đỘng ngày 23 tháng 6 năm 1994 và
ld -> Mẫu số 1: Ban hành kèm theo Thông tư số 19/2003/tt-blđtbxh ngày 22 tháng 9 năm 2003 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Tên đơn vị Số V/v Đăng ký nội quy lao động CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
ld -> Ủy ban quốc gia vì SỰ tiến bộ CỦa phụ NỮ việt nam

tải về 154.73 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương