12 người lập ra nước Nhật Mục lục Lời tựa của dịch giả


Cội nguồn của "xã hội chức lộc"



tải về 1.61 Mb.
trang3/24
Chuyển đổi dữ liệu24.07.2016
Kích1.61 Mb.
#4415
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   24

Cội nguồn của "xã hội chức lộc"

Cái sáng kiến "chọn lấy chỗ tốt" như vậy, đã có cội nguồn từ tư tưởng gộp đạo của Thái tử Shotoku. Thật ra, thời kỳ cải cách sau cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai cũng giống như vậy. Tư tưởng gốc của xã hội Nhật Bản thì không đổi đi, song việc dân chủ hóa cái bề ngoài thì xúc tiến, kỹ thuật và mánh lới kinh doanh của Mỹ thì thâu nhận. Do đó, mặc dầu có kỹ thuật, có phương pháp quảng cáo tiên tiến kiểu Mỹ hơn ai hết, song ở Nhật Bản đã sinh ra mộ t "xã hội chức lộc (chức tước và bổng lộc)" độc đáo theo chủ nghĩa tập thể do "quan liêu" (công chức) chỉ đạo.

Ngày nay, xã hội Nhật Bản đã thành một "xã hội chức lộc" trong đó "sở" (nơi làm việc) làm thành một "kết hợp thể," tức là một vật kết tinh chắc nịch. Có nhiều lý do cho sự việc này. Thứ nhất, Nhật Bản hầu như không có những đoàn thể tôn giáo đóng vai "kết hợp thể" thay cho "sở" được. Với tư tưởng gộp đạo do Thái tử Shotoku khởi xướng, người ta có thể dễ dàng tránh được những luật lệ, nghi lễ tôn giáo phiền toái có phương hại cho hoạt động của "sở." Cũng chính cái sáng kiến "chọn lấy chỗ tốt" này đã đẻ ra cái bản năng "súc vật kinh tế23[14]."

Trong thế giới của những tôn giáo độc thần như Ðạo Do Thái, Ðạo Thiên Chúa, Ðạo Islam, thì mỗi cá nhân trực tiếp đối đầu với vị thần đó. Quan hệ với cá nhân khác, phải là qua trung gian của vị thần đó. Ðiều này thật là khó hiểu đối với người Nhật.

Chẳng hạn, trong hôn lễ, khi linh mục hỏi "Ngươi có nhận người này làm vợ hay không? Ngươi có nhận người này làm chồng hay không? Có chịu thề sẽ vĩnh viễn yêu nhau cho tới chết, hay không?" và khi người bị hỏi trả lời "Xin thề!" thì nhiều người Nhật vẫn hiểu lầm rằng đây là thề giữa hai người trai gái với nhau. Thật ra, đây là thề với Chúa, chứ không phải là thề lấy Chúa làm nhân chứng. Ngược lại, đạo Thiên Chúa có lời răn "ngươi chớ thề thốt" tức là cấm không cho thề thốt lấy Chúa làm chứng cho mình.

Bởi vậy, Công giáo mới không nhìn nhận ly hôn mặc dầu hai đương sự đã thỏa thuận ly dị với nhau rồi. Ðó là vì sự thỏa thuận của hai cá nhân thì không thể xóa bỏ được lời giao ước với Chúa. Ðây chính là cái suy nghĩ cơ bản của đạo Thiên Chúa vậy.

Trong các tôn giáo độc thần thì mọi việc đều là do sự đối đầu giữa Chúa và người. Khi chết, thì chẳng có cha mẹ, vợ con bạn bè nào, cũng chẳng có "công ty," "cấp trên" nào cả, mà chỉ có một mình duy nhất đứng ra chịu sự phán xét của Chúa. Chính vì vậy mới sinh ra cái suy nghĩ rằng nếu mình không thấy hổ thẹn trước Chúa, thì cho dù có bị bạn bè ghét bỏ cũng chẳng sao. Hơn nữa, dù bạn bè có khuyên nên làm đến mấy đi nữa, song nếu là việc đáng sợ trước Chúa, thì cũng không làm. Bởi vậy mà cái quan hệ người với người bị nhạt nhẽo đi, và thay vào đó, cá tính cùng tính sáng tạo đơn độc mới nẩy nở ra.

Song, người Nhật thì "hay đâu, lấy đó" cho nên hôm nay thề với Phật, mai thề với Chúa, mốt thề với Thần, mà không hề thấy hổ thẹn gì cả. Ngược lại, cái quan trọng là mối quan hệ người với người đang có lúc này. Ðây chính là cái cơ sở tinh thần mà từ đó hình thành cái gọi là "cộng đồng sở," nghĩa là cái tập thể vĩ đại gồm những "con người xí nghiệp."

"Con người xí nghiệp" đã hoàn thành trong thời kỳ hậu chiến, nhất là trong khoảng năm 1955 (năm thứ 30 niên hiệu Chiêu Hòa). Trước đó, Nhật Bản là "xã hội máu mủ ruột thịt, dây mơ rễ má." Thời đó hãy còn có đại gia đình, đại gia tộc. Người ta coi trọng cộng đồng hương thôn, bà con lối xóm. Nếu có kẻ gây tội lỗi thì trước nhất người ta bảo đó là "làm bêu rếu họ hàng," "làm xấu mặt lối xóm." Không ai nghĩ rằng kẻ đó đã vi phạm giao ước với Chúa cả.

Nhưng trong thời kỳ phục hưng và tăng trưởng cao độ hậu chiến, thì dân địa phương ồ ạt kéo nhau ra các đô thị lớn. Kết quả là cha mẹ và con cái ở xa nhau ra, người ra ở các đô thị lớn sống rải rác lẻ loi không còn "máu mủ ruột thịt, dây mơ rễ má" nữa. Cái xã hội "bà con họ hàng" của đại gia đình, đại gia tộc bị tan rã. Cái "xã hội địa phương, bà con lối xóm" cũng bị tiêu diệt. Kết quả là người Nhật chỉ còn một nơi duy nhất để có ý thức quy thuộc: Ðó là "sở," đó là "công ty."

Ý thức quy thuộc vào tập thể của người Nhật, đã có từ trước thời Thái tử Shotoku. Ðó chính là truyền thống đã làm phát sinh ra Thần đạo từ "xã hội thị tộc" ("xã hội họ hàng") nguyên thủy. Thái tử Shotoku đã không hủy diệt cái xã hội đó mà lại duy trì nó, bảo tồn nó trong quá trình truyền bá Ðạo Phật. Do đó, người Nhật đã trở nên trung thành với tập thể, đã tạo ra cái gọi là cấu tạo "xã hội bề dọc."

Ý thức quy thuộc hướng tới đại gia đình, đại gia tộc, cộng đồng thôn xóm trong thời tiền chiến, thì tới thời hậu chiến đã biến thành ý thức quy thuộc đối với cộng đồng "sở." Ðối tượng có thể đã khác đi hoàn toàn, nhưng tựu trung cái căn bản của sự suy nghĩ vẫn là "coi trọng con người ở ngay tại đó."

Cái cộng đồng "xóm làng, dây mơ rễ má" của Nhật Bản thời cổ, là tập thể có tính cách sản xuất kinh tế. Cộng đồng xóm làng của Nhật Bản là một xã hội địa vực cùng nhau sản xuất thóc lúa. Ở những nước mà sự phân tranh giữa các sắc dân khác nhau đã xẩy ra kịch liệt, thì xã hội địa vực của họ mang tính cách cộng đồng phòng vệ hơn là cộng đồng "sở." Xã hội địa vực của Nhật Bản, cơ bản là tập thể của những người cùng cày cấy, cùng sản xuất thóc lúa dọc theo cùng một dòng nước với nhau. Ngày nay, cái xã hội đó trở thành tập thể ở một "xí nghiệp," một "doanh nghiệp," một "công sở." Thế thôi.

Xét như trên, ta thấy trong suy nghĩ của người Nhật ngày nay, trong cấu tạo của xã hội Nhật ngày nay, cũng có mối quan hệ sâu sắc của phong cách "chọn lấy chỗ hay" vốn phát xuất từ "tư tưởng gộp đạo" của Thái tử Shotoku vậy.

Thái tử Shotoku còn là một đối tượng thờ cúng của người Nhật đã từ lâu rồi. Sự thờ cúng thái tử chiếm một vị trí thoải mái trong tư tưởng gộp đạo mà chính thái tử đã sáng tạo ra. Thái tử một mặt cống hiến tố đa cho việc phổ cập Ðạo Phật từ ngoài truyền vào, mặt khác đã có sự nghiệp to lớn là tạo ra cội nguồn của nền văn hóa Nhật Bản. Ngày nay, cái phong cách "gạn lọc lấy chỗ hay," tức là phương pháp áp dụng văn hóa một cách chọn lọc, chính là ảnh hưởng lớn nhất mà người Nhật tiếp nhận được từ thái tử vậy.

[1] Kodan là một nghệ thuật kể truyện truyền thống của Nhật Bản.


[2] Một nước trong Liên bang Nam Tư.
[3] Gishi Wajinden. Chí là sách chép lịch sử, Ngụy là nước Ngụy, Oải nhân là người Nhật. Vậy Ngụy Chí Oải Nhân Truyện là Truyện Người Nhật trong sách Ngụy Chí.
[4] Tức Tào Phi.
[5] Không liên can gì tới thời Tam quốc bên Trung Hoa.
[6] Thời Meiji, tức là thời Duy tân Minh Trị, hay thời Canh tân Minh Trị, là nói từ khi Nhật hoàng đổi niên hiệu từ Khánh ứng (Keio) thành Minh Trị (Meiji, từ 8/9/1968 tới 30/7/1912), sau khi được chúa Tokugawa trả lại quyền chính trị năm 1967, bắt đầu cho thời kỳ canh tân biến nước Nhật thành một quốc gia công nghiệp hiện đại.
[7] Omuraji, tương đương với hàng đại nguyên soái.
[8] Vua Nhật, tức Thiên Hoàng, vốn được coi là con cháu Thái Dương Thần Nữ (xem lời chú tiếp), không những chỉ là vị nguyên thủ của Nhật Bản về mặt chính trị, mà đồng thời còn là Giáo chủ của Thần đạo Nhật Bản nữa. Giáo chủ Thần đạo mà tới chùa làm lễ Phật giáo là chuyện khó vậy.
[9] Amaterasu Omikami, quen gọi ở Việt Nam là Thái Dương Thần Nữ.
[10] Dịch tính cách mạng (cách mạng đổi họ) hay Dịch thế cách mạng (cách mạng đổi đời).
[11] Ozaka, nay là thành phố Osaka.
[12] Ðền Ise là đền chính của Thần đạo, mỗi 21 năm lại đổi đền một lần gọi là "thiên cung," bằng cách khi đền mới xây xong thì các thần tượng, thánh thể được di sang đền mới này, và đền cũ bị phá đi để xây lại trong 20 năm rồi năm thứ 21 lại thành đền mới.
[13] Bon Odori, đây là hình thức múa dân gian vào dịp lễ Vu Lan, rằm tháng bảy.
[14] "economic animal", do một cố tổng thống Philippines gọi Nhật Bản, có ý chê người Nhật chỉ miệt mài làm kinh tế để làm giàu.

Chương II : Hikaru Genji  

Người mẫu chính khách thanh nhã

 

Hikaru Genji có thật không?

Không cần nói, ai cũng biết Hikaru Genji là nhân vật tưởng tượng, vai chính của Truyện Genji (Genji Monogatari)24[1].

Tại sao một nhân vật tưởng tượng lại có thể là một người đã lập ra nước Nhật được? Người như vậy có ảnh hưởng gì tới thời nay? Hẳn có nhiều độc giả cảm thấy lạ lùng, ngờ vực, cho nên chúng tôi xin trình bày điểm này trước hết.

Thời Taisho25[2] và Showa26[3] có một sử gia tên tuổi, là tiến sĩ Tsuda Soukichi, nổi tiếng với lối nghiên cứu thực chứng. Triệt để gạt bỏ những tình cảm lãng mạn, ông đã thẳng thắn tuyên bố trong tác phẩm của ông rằng những gì viết trong Kojiki (Cổ Sự Ký) và Nihon Shoki (Nhật Bản Thư Kỷ) đều không là sự thật, mà chỉ là huyền thoại. Nói cách khác, trong tác phẩm của ông nhan đề "Nghiên cứu lịch sử đời thần thánh," ông đã chỉ trích thuyết "thiên tôn giáng lâm27[4]" bằng cách nói rằng hai sách Ký Kỷ vừa kể, chẳng qua đã được soạn ra căn cứ vào những tư liệu cổ, "Ðế Kỷ" và "Cựu Từ," tức là những tư liệu ghi chép lại những truyện cổ lưu truyền trong cung đình nhằm chính đáng hóa chế độ "thiên hoàng," mà thôi.

Ðến thập kỷ Showa thứ X (1926-1935), ông bị nhóm tôn thờ chủ nghĩa "Nhật Bản quốc túy" phê bình là ông đã "phạm thượng," đã xâm phạm tới sự "tôn nghiêm của hoàng tộc." Họ nói "Tsuda viết nhảm, dám nghi ngờ sự hình thành của hoàng tộc." Họ đã thưa kiện ông về tội vi phạm luật xuất bản.

Rút cục, vì lý do "thời hiệu" nên ông đã được "miễn tố," song trước tòa án, ông đã có lời biện minh tuyệt diệu như sau: "Truyện thần thoại Nhật Bản không phải là đã kể lại những sự thật lịch sử, nhưng đáng được lưu ý về cấu trúc tư tưởng!"

Nói cách khác, "Mọi người tin là như vậy cho nên về mặt tư tưởng, đó là một cấu trúc không phủ nhận được. Bản thân ông cũng không phủ nhận. Tuy nhiên, đó không phải là những sự thật đã diễn ra trong lịch sử. Chẳng hạn, trên trời làm gì có đất đai, vì thế làm gì có người từ trên trời rơi xuống! Do đó, đây chỉ là truyện thần thoại, và có là thần thoại thì những lời thuật của Cổ Sự Ký mới đứng vững được."

Ở vào thời đó thì việc làm của ông như vậy là chuyện không thể tránh được, song đó là một cách nói chạy, nói lẩn tránh khá gò bó. Ðể lấy một thí dụ điển hình chứng tỏ rằng một cấu trúc trong tư tưởng tuy không phải là một sự thật lịch sử, vẫn có thể tồn tại được, tiến sĩ Tsuda đã viện dẫn vai Hikaru Genji.

Nghĩa là, Hikaru Genji là nhân vật tưởng tượng được bịa ra trong Truyện Genji, cho nên Truyện Genji không phải là sự thực lịch sử. Thế nhưng, một chính khách quý tộc "hao hao" như vậy đã có tồn tại ở thời Heian, thì rõ ràng lại là một sự thực.

Trên thực tế, ngày nay không còn thấy có "nhân vật" nào đủ truyền lại được cái mẫu người quý tộc hoặc chính trị gia quý tộc thời Heian như Hikaru Genji nữa.

Với ý nghĩa trên, thì Hikaru Genji là một nhân vật tưởng tượng và sự tồn tại của một nhân vật như vậy không phải là một sự kiện lịch sử. Song có thể nói rằng cái cấu trúc lịch sử có ảnh hưởng tới người Nhật như vậy, thì đã thực sự tồn tại. Ðây là lời thuyết minh của tiến sĩ Tsuda.

Ðúng như vậy, khi chúng ta hình dung con người quý tộc thời Heian, tưởng tượng lối sinh hoạt hay thế giới tinh thần của họ, thì Truyện Genji là đại biểu dễ hiểu nhất. Vì thế, nó đã có ảnh hưởng lớn tới lối suy tư hay tiêu chuẩn giá trị của người Nhật ngày nay.

Bởi thế, nhân vật tưởng tượng do Murasaki Shikibu sáng tạo ra, đã được chọn làm một trong số "Mười hai người lập ra nước Nhật" vậy.



Ðại biểu cho lớp người quý tộc thời đại Heian

Vậy nhân vật chính Hikaru Genji mô tả trong Truyện Genji quá quen biết này, là con người có lai lịch ra sao? So với sự kiện tên Hikaru Genji đã trở nên rất quen thuộc, thì lai lịch, sự tích của người ấy lại ít được biết tới.

Người ta cho rằng Hikaru Genji đã sống vào thời đại cũ hơn thời đại tác giả Murasaki Shikibu chừng vài chục năm. Nói kiểu ngày nay, sự kiện này tựa hồ như việc một tác giả thời hậu chiến viết lại cảnh tượng diễn ra ở thời kỳ đầu của đời vua Showa (niên hiệu Showa: 1925-1989) vậy. Có khác chăng là thời ấy không có sự tăng trưởng kinh tế cao độ, không có những biến đổi kỹ thuật, nên dạng thức sinh hoạt không thay đổi mấy. Nói về niên hiệu thì đó là lúc niên hiệu Engi (đọc là ên-ghi, 901-923) đổi sang niên hiệu Tenryaku (947-957), nghĩa là khoảng từ năm 901 tới năm 957. Truyện Genji lấy thời đại đó làm sân khấu, đã có vài nhân vật tưởng tượng chủ yếu như sau xuất hiện.

Trước hết là vua Kiritsubo. Người con trai thứ hai được nưng như trứng hứng như hoa của nhà vua, chính là hoàng tử Hikaru. Thân mẫu của cậu tuy là cung nữ của vua Kiritsubo, song vốn xuất thân hèn hạ, nên cậu bị giáng xuống hàng thần hạ mang họ Genji. Rồi vì đẹp trai, cậu được gọi là Hikaru Genji28[5]. Cậu yêu hết cô gái nọ tới cô gái kia, rồi sau cùng rơi vào mối tình đau khổ với một người đàn bà giống địa vị mẹ cậu là cung nữ Fujitsubo. Mà Fujitsubo lại là ái phi của vua cha. Cuộc tình ngang trái đã sinh ra một hoàng tử "hoang." Người con hoang này lại được nuôi làm con vua Kiritsubo rồi sau này lên ngôi thành vua Reizei.

Về sau, người anh khác mẹ của Genji lên ngôi, tức là vua Suzaku, thì sau khi vua Kiritsubo mất đi, Genji bị ngược đãi và bị lưu đầy hai năm ở vùng Suma, Akashi. Ðây là "đoạn Suma - Akashi" mô tả hoàng tử trong cảnh bất hạnh.

Thế rồi vua Suzaku và mẫu hậu, tức là bà thái hậu Hoằng Huy Ðiện29[6] lâm bệnh, nên thế lực yếu đi và nhờ đó, Genji mới về kinh được và lại nắm được quyền hành ở trung ương.

Sau đó, ở địa vị người săn sóc ấu chúa Reizei, Genji đã lần lượt thăng chức tới Naidaijin30[7], rồi Dajodaijin31[8]. Ngày một có thêm vây cánh, Genji mới xây dinh thự riêng cho mình đặt tên là Rokujo-in. Rồi Genji cho người mình sủng ái nhất tức là Murasaki no Ue, cùng những người đàn bà khác đã có quan hệ với mình, ở đó. Ðịa vị của Genji lên tới bậc tương tự như thái thượng hoàng. Ðến đây là hết phần Một của truyện.

Trong phần Hai, Hikaru Genji ở tuổi sơ lão đã tái hôn với công chúa thứ ba, con gái cưng nhất của Suzakuin32[9], rồi dần dần về già. Ở đoạn này, Genji trở thành một nhà chính trị có quyền lực lớn.

Trong phần Ba thì con trai của Genji là công tử Kaoru xuất hiện, song ở đây chỉ có Hikaru Genji được chọn, coi đó là người mẫu của lớp nhà chính trị quý tộc thời đại Heian.

Vậy thì, lớp người quý phái thời đại Heian kể từ niên hiệu Engi tới niên hiệu Tenryaku sinh hoạt trong trạng thái như thế nào.

Trước thời này là thời Nara, thời đại mà các hào trưởng lấy hoàng tộc làm trọng tâm cho cuộc tranh giành quyền lực với nhau trong quá trình thành lập của chế độ tập quyền trung ương.

Nhưng sang tới thời Heian, thì nhà vua được đôn lên trên "mây" và ở dưới thì dòng họ Fujiwara trở thành trung tâm quyền lực của cái gọi là thời đại quý tộc. Giới quý tộc này có trang ấp, đồn điền, nông trại ở khắp nước. Quyền quản lý các trang ấp như vậy được trao cho đám quản gia mà sau này trở thành võ sĩ33[10]. Các địa chủ không sống ở trang ấp mà chỉ ngồi mát thâu hoa lợi hàng năm.

Ðám quản gia này được các quý tộc ủy thác cho quyền hành, đã dùng bạo lực bóc lột chiếm đoạt quá nửa hoa lợi, coi đó là phí tổn quản lý.

Quý tộc và quản gia như vậy là có quan hệ nương tựa lẫn nhau. Sự kiện này tương tự như quan hệ ngày nay giữa những bà quả phụ thừa hưởng tài sản chứng khoán lớn với đám người kinh doanh đắc lực vậy.

Nói như vậy không phải là giới quý tộc thời Heian chỉ ngồi chơi xơi nước. Ngược lại, tuy ở kinh đô, họ có nhiệm vụ "chính trị" trọng yếu là đảm đương việc quốc chính, dẹp loạn. Vấn đề là nội dung công tác "chính trị" đó của họ.

Việc làm của một chính khách quý tộc

Thời đó, Nhật Bản có tổ chức triều đình rập khuôn theo kiểu nhà Ðường bên Trung Hoa nên có thể chế luật lệnh đàng hoàng. Ở dưới chức Dajodaijin thì có Sadaijin34[11], Udaijin35[12], Dainagon36[13], Shonagon37[14], v.v.. Những quan chức lớn này thì chỉ có dòng dõi nhà vua, hoặc con cháu bốn họ Gen Pei Tô Kitsu38[15], đảm đương mà thôi.

Vậy thì, nền chính trị do những người này nắm giữ là như thế nào? Từ tướng quốc trở xuống, các nhà chính trị quý tộc này làm gì? Những điều này được thấy rất rõ ở nhân vật Hikaru Genji.

Như đã kể ở trên, Hikaru là con vua, và nhờ đẹp trai nên chàng đã yêu hết người này tới người khác. Trong khi đó, địa vị của chàng cũng tăng dần lên. Song lúc vua cha mất đi thì chàng bị lôi cuốn vào cuộc tranh giành quyền lực giữa các nhà quý tộc, rồi bị lưu đày ra xứ Suma, xứ Akashi.

Ở trong tình huống này, ai chẳng chán ngán cho cái không may của mình và oán hận những kẻ địch chính trị của mình? Hoặc, để trở lại chính trường, ai chẳng sẽ triển khai cuộc vận động chính trị, trình bầy đường lối chính trị của mình và kết nạp đồng chí? Nhưng Hikaru hầu như chẳng làm gì cả! Trong cả tập truyện dài như vậy, người ta không hề thấy gì viết về chính kiến của Hikaru, về chính sách mà Hikaru muốn thực hiện, mặc dầu Hikaru đã làm quan đại thần lâu năm và đã leo lên tới địa vị tướng quốc.

Ngay cả sự kiện Hikaru được gọi từ vùng lưu đày Suma - Akashi về kinh rồi lại làm quan to nữa, cũng chẳng phải là kết quả của một cuộc vận động chính trị nào cả, mà chỉ do một sự thay đổi bè phái ở kinh đô mà thôi.

Tuy nhiên, "đoạn Suma - Akashi" kể lại cuộc sống trong thời kỳ bị lưu đầy, thì lại có rất nhiều điểm đáng tham khảo. Một điểm là ngay trong trạng huống bất hạnh như vậy mà Hikaru vẫn không hề bị trụy lạc, không hề làm phản!

Xa kinh đô, buồn về đời sống nhà quê tẻ nhạt, Hikaru đã than khóc nỗi niềm nhớ kinh đô và cảnh ngộ phải kéo dài cuộc sinh hoạt chán nản này, nhưng không hề có ý định làm phản, cũng không hề oán hận gì cả. Quý tộc thời đó sống biệt lập với những thành phần khác, và chỉ đắm chìm trong thế giới của ý thức thiện mỹ để khắc phục cái bất mãn của mình. Ðây mới chính là lối sống quý tộc thời đó, mới là nguyên gốc của cái "thanh nhã Nhật Bản" cho tới ngày nay.

Hikaru sau hai năm lưu đày ở vùng Suma - Akashi trở về kinh thì lại càng nắm được địa vị trọng yếu hơn trước. Ðến nỗi, chàng đã leo lên tới bậc tướng quốc, tức là tương đương với chức thủ tướng ngày nay. Hơn thế nữa, là tướng quốc, chàng còn làm Chuẩn Thái thượng hoàng kia.

Là một nhà chính trị ở địa vị cao sang như vậy mà đọc suốt "Truyện Genji" ta không thấy Hikaru làm gì "có vẻ chính trị" cả. Trong cả tập truyện dài của Murasaki Shikibu người ta không thấy nói gì tới vấn đề ngoại giao, quốc phòng hay trị an nào cả. Cũng chẳng thấy có cục diện nào thảo luận về vấn đề tài chính hay chế độ thuế khóa. Thế mà, người đọc vẫn không lấy thế làm lạ lùng, kỳ cục. Ngược lại, người ta gật đầu nhìn nhận rằng, với quý tộc thời Heian thì có khi như vậy là phải.

Nhật Bản ở thời kỳ này về mặt "công," thì đường lối "bế môn tỏa cảng" được áp dụng, sau khi bỏ lệ gửi sứ sang nhà Ðường, do đề nghị của Sugawara Michizane.

Kể từ khi Thái tử Shotoku bắt đầu gửi sứ sang nhà Tùy, rồi khi nhà Ðường thay thế nhà Tùy, thì thông lệ gửi sứ sang Trung Hoa đã kéo dài trong suốt thời đại Nara cho tới đầu thời đại Heian. Song từ năm 857, nhà Ðường có nội loạn và không thấy có tiến bộ nữa về mặt kỹ thuật cũng như văn hóa trước con mắt người Nhật thời đó, nên việc gửi sứ sang đó đã bị gián đoạn lâu năm. Cho tới năm 894, Sugawara Michizane mới đề nghị rằng "dẫu có sang nhà Ðường, thì cũng chẳng mang được gì về đáng cho ta học hỏi," nên lệ gửi sứ sang Trung Hoa đã bị bãi bỏ hẳn.

Trên thực tế, từ loạn Vương Tiên Chi - Hoàng Sào năm 875 trở đi, thì Ðường triều bị suy thoái dần và rơi vào tình trạng nội loạn liên miên, khiến mất cả năng lực thống suất. Cho nên dẫu cho có tới kinh đô Trường An đi chăng nữa thì cũng chẳng mang về được văn vật nào đáng kể cả! Ít nhất đây cũng là cái nhìn của người Nhật thời đó. Thực ra, thời kỳ gọi là "Ðường mạt ngũ đại" này mới chính là lúc sắp thoát thai của đời Tống, thời kỳ "cận hiện đại" với những kỹ thuật mới như "than đá," "kim nam châm," "thuốc nổ," v.v.. Thế mà người Nhật quý tộc thời Heian đã hoàn toàn không quan tâm tới những kỹ thuật công nghiệp như vậy.

Ở trong nội bộ nước Nhật thì thời đại đó chẳng phải là thời đại thong dong gì cả. Quyền thế và võ lực của giới quý tộc Heian đã yếu đi, khiến miền đông thì có loạn Taira no Masakado (935-940), miền tây có loạn Fujiwara Sumitomo (938-941). Hikaru Genji đã lên làm tướng quốc trước đó, song vẫn sống bình thản chứ không thấy lo lắng gì về vấn đề trị an hoặc tài chính cả.

Ấy thế mà, cả người đọc cũng như người bình luận "Truyện Genji" đều hiếm có ai phê bình Hikaru là nhà chính trị vô vi vô tài. Ngược lại, sự kiện những vấn đề hiện thực như trị an hay tài chính thì không phải do giới quý tộc trực tiếp nắm giữ, mà đã được giao phó cho các quản gia ở trang ấp, tức là những người sau này trở thành giai cấp võ sĩ samurai, là điều coi là đương nhiên vậy.

Ðiểm gốc của khái niệm "thanh nhã"

Vậy thì, công việc của người quý tộc thời đó trong chính phủ trung ương do họ chi phối, là gì? Công việc lớn nhất của họ là tiêu dùng tiền thuế do những người quản lý nông trại đã trưng thu, vào những phí tổn ở kinh đô cho việc cử hành những nghi thức Phật giáo hay Thần đạo nhằm truyền bá cái phong thái, cái dạng thức của nhà nước ra toàn quốc, với mục đích giữ được cái phong cách Nhật Bản, duy trì được sự thống nhất nhân tâm và văn hóa trong toàn quốc. Vấn đề trị an hay duy trì sản vật và ngành nghề của địa phương nào thì ủy thác cho quyền tự trị của địa phương ấy.

Thời Nara, họ cho mở nhiều đường quốc lộ, cho dựng chùa Quốc Phân Tự39[16] ở mỗi địa phương để hoàn thành chế độ tập quyền trung ương. Ðến thời Heian thì quyền hành trung ương bị yếu dần đi, làm cho nền tự trị địa phương biến thành nền "phân lập" (độc lập) địa phương.

Chẳng hạn, ngày nay khi người ta làm một đường cao tốc và nếu người ta quy hoạch một cách hợp lý thì hầu như con đường đó luôn luôn trùng với quốc lộ ngày xưa. Nói cách khác, thời xưa người ta đã lập ra một quốc gia cổ đại với những con đường đáng được gọi là "đường viên đạn" chạy từ kinh đô Nara ra khắp nơi trong nước.

Nhưng đến thời Heian thì những con đường này mất khí thế, rất hiếm người đi lại nữa vì sự di chuyển trên những con đường này trở nên mất thời gian và nguy hiểm. Nói cách khác, Nhật Bản dần dần bước sang thời trung cổ.

Do đó, quyền hạn và quyền lực của chính phủ trung ương bị giảm đi, "giá trị" của chính phủ cũng không lấy gì làm "đắt" cho lắm nữa. Mỗi địa phương đều được phân quyền và lập ra một chính phủ nhỏ bé của mình. Việc làm của các chính trị gia quý tộc chủ yếu là duy trì những nghi thức tôn giáo có tính cách quốc gia để làm mô phạm cho ý thức thiện mỹ của toàn quốc. Có thể nói một cách cực đoan rằng nước Nhật thời đó đã được bảo tồn nhờ một ý thức thiện mỹ chung vậy. Chính ở thời kỳ như vậy mà Hikaru Genji, ở địa vị một chính trị gia, đã làm một "cấu trúc trên mặt tư tưởng."

Chính phủ trung ương thời đại Heian là một "chính phủ nhỏ," song việc thu thuế để duy trì một chính phủ nhỏ như vậy cũng không dễ dàng gì. Truyện Genji có những đoạn mô tả cảnh biệt thự hoang tàn của những bậc công khanh nghèo nàn hoặc những nhân vật quý tộc đã suy đồi. Hikaru Genji làm tướng quốc mà không thấy nghiêm chỉnh thảo luận vấn đề cứu tế những nhà quý tộc suy đồi đó. Ngược lại, thái độ của ông là xa lánh, hoặc dẫu có nhìn thấy cũng làm ngơ trước những nhân vật quý tộc đáng thương đó. Ðương nhiên là với thứ dân, ông cũng làm như vậy. Cá nhân ông thì có coi những cảnh tượng đó là tội nghiệp thật, song với tư cách chính trị gia, ông đã không hề nghĩ đến một chính sách phúc lợi nào cho họ.

Tướng quốc Hikaru Genji đã chỉ miệt mài vào thế giới của ý thức đẹp, ý thức thẩm mỹ. Thơ ca hoặc trang phục, cử chỉ hoặc sự xếp đặt chỗ ngồi trên dưới trong nghi lễ, thì thấy thảo luận rất nhiều. Rồi yêu đương và tranh giành trong quan hệ với nữ giới cũng thế. Thật ra, nếu nghĩ rằng chính trị chẳng qua là vấn đề bè phái, vấn đề máu mủ ruột thịt, thì yêu đương nhau cũng là vấn đề chính trị trọng yếu chăng.

Ngày nay, nếu các nhà chính trị không màng gì đến ngoại giao, tài chính, mà chỉ miệt mài với thẩm mỹ, thì sẽ ra sao? Không chừng, bọn quan liêu (công chức), tức là những người tương đương với đám quản gia thời Heian xưa, lại làm cho mọi việc chạy trơn chu hơn cũng nên. Trước đây đã có một thủ tướng Nhật Bản chỉ bận tâm tới cách quàng khăn cổ trong buổi hội kiến với tổng thống Mỹ. Biết đâu ông thủ tướng ấy chẳng là "hậu duệ" của các nhà quý tộc thời Heian? Và nếu nghĩ như vậy, người ta có thể sẽ gật đầu nghĩ thầm: "chí lý!"

Có điều lạ lùng là riêng với nhân vật Hikaru Genji này, thì dù chẳng làm chính trị gì cả, mà không thấy có gì đáng ghét, không bị nghĩ là ngu. Gần đây, từ lập trường nhân quyền của phái nữ, hình như có nhiều người cảm thấy ghê tởm Truyện Hikaru Genji bởi vì có quá nhiều phụ nữ xuất hiện trong truyện. Song ngay với những người như vậy, thì vai chính trị gia Hikaru Genji cũng không đến nỗi bị người ta ghét bỏ. Ðây âu cũng là bởi chàng vốn có "đức" chăng?

Truyện kể Hikaru Genji làm nhân vật điển hình của lớp người quý tộc Heian và được mọi người Nhật biết cho đến ngày nay. Nếu trong lịch sử không có Hikaru Genji, nghĩa là nếu bà Murasaki Shikibu không viết ra Truyện Genji, thì ngày nay chúng ta làm sao biết được chi tiết như vậy về địa vị, về lối sống của lớp người quý tộc Heian.

Thế rồi cái đó đã trở thành hình ảnh của giới quý tộc, hay hơn thế nữa, thành điểm gốc của khái niệm "thanh nhã" của Nhật Bản. Người Nhật thì ngay ngày nay cũng vậy, vẫn chấp nhận những người như Hikaru Genji, dù chỉ là chấp nhận với điều kiện nào đó. Sự kiện Hikaru Genji vẫn có ảnh hưởng lớn tới cách sống hoặc cách đánh giá trong xã hội của người Nhật ngày nay, đủ chứng tỏ Hikaru Genji đáng được đếm là một trong số "Mười hai người lập ra nước Nhật" vậy.




tải về 1.61 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   24




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương