1 Hiện trạng động vật I động vật biển và sông nước mặn, lợ



tải về 281.54 Kb.
trang5/6
Chuyển đổi dữ liệu08.09.2016
Kích281.54 Kb.
#31851
1   2   3   4   5   6

*ếch nhái:

Xuất phát từ tên Hy Lạp ếch, nhái nghĩa là "hai đời sống" vừa sống ở nước vừa sống trên cạn, và cũng vì thế bọn này còn có tên gọi lưỡng cư hay lưỡng thê (hai nơi ở). Chẳng cứ gì bọn "ếch nhái" mà những đối tượng nào sống được vừa nước vừa cạn thì được gán vào nhóm "ếch nhái" và "ếch nhái" trở nên cái tên chung đại diện cho bọn có đặc điểm này.

ếch nhái là nhóm động vật có xương sống phổ biến với số lượng đông và sống trên mọi địa hình sinh thái, từ miền núi cho đến trung du, đồng bằng, từ vùng cao cho đến vùng ngập trũng. Là bọn đầu tiên lên cạn nên chính trong nó vừa mang cái "cổ điển" của tổ tiên vừa mang cái "hiện đại" trong cách mạng tiến hoá.

Dựa vào đặc điểm hình thái và sinh học mà chia ếch nhái thành 3 nhóm: nhóm không đuôi, nhóm có đuôi, nhóm không chân. Nhóm không đuôi có số lượng đông nhất và khá phổ biến ở mọi nơi trong tỉnh.

Được mệnh danh là "cậu ông Trời" đó là họ hàng nhà Cóc, có Cóc Tía, Cóc Nước sần, Cóc Nước nhẵn, Cóc bùn, Cóc Rừng nhưng đáng chú ý nhất và phổ biến đó là Cóc Nhà. Cóc Nhà là loài ếch nhái sống gần gũi người nhất, nhà tranh vách đất là "tổ ấm" của Cóc, đào hang nấp ở góc nhà, gầm giường, khô ráo, kín gió là nơi trú ngụ lý tưởng. Khi mà nhà cửa được bê tông hoá, Cóc vô tình bị "đuổi" ra khỏi nhà, làm hang hóc quanh vườn, quanh chuồng lợn, chuồng trâu bò, chờ đến đêm "sát thủ" những kẻ gây hại như kiến, mối, muỗi, bướm và các loại côn trùng khác.

Họ hàng nhà Cóc vốn tính nết hiền lành, chậm chạp, do đó được bù đắp bởi một thứ vũ khí lợi hại đó là mủ độc. Khi có kẻ thù tấn công ngoài việc ngậm miệng, phồng bụng, các gai mủ trên thân căng để doạ nạt thì đồng thời phun mủ độc thành tia nhỏ bắn vào kẻ thù.

Hè về, sau những trận mưa nhỏ, Cóc bắt đầu bước vào mùa sinh sản chính. tiếng kêu "ọc, ọc" nho nhỏ và trầm lắng là tiếng gọi và là lời "tỏ tình" của Cóc đực với Cóc cái trong mùa sinh sản. Cóc gép đôi chủ yếu vào khoảng lúc nữa đêm trở đi. Sau khi làm xong nghĩa vụ sinh tồn, Cóc bố Cóc mẹ nhảy lên bờ và chia tay nhau đi mỗi ngã để mặc lũ trứng nằm trong nước. Đúng ngày đúng giờ (3 ngày) trứng nở thành nòng nọc màu đen giống cá trê con mới nở, chính vì thế trong dân gian có chuyện: "Trê Cóc kiện nhau".

Cóc là loài ếch nhái có ích, góp phần tiêu diệt nhiều loại côn trùng gây hại, giữ gìn cho vườn rau nhà ta thường xuyên xanh tốt. Thịt Cóc ngon và bổ. Bột cóc là thuốc chữa còi xương, cam tích. Mủ Cóc là dược liệu quý. Tuy nhiên khi ăn cũng như trong quá trình sử dụng làm thuốc cần thận trọng vì trứng, gan và mủ Cóc rất độc.

Một trong số những loài có kích thước trọng lượng lớn nhất trong nhóm ếch nhái đó là ếch. Họ nhà ếch có mặt ở tỉnh ta có tên " ếch" đó là ếch Nhẻo (trơn), ếch Xanh, ếch Suối, ếch Bám đá, ếch Cây mép trắng (sống trên cây) trong đó ếch Đồng có giá trị kinh tế và phổ biến nhất.

Sau kỳ ngủ đông dài khoảng 3 tháng (11-1 năm sau), khi mùa xuân sắp đi qua, tiết trời trở nên ấm áp, ếch Đồng bắt đầu rời hang đi kiếm ăn và cũng là lúc chuẩn bị cho mùa sinh đẻ. Vào tháng 3 khi có những trận mưa rào đầu tiên, là lúc ếch đực ếch cái tìm gặp nhau để sinh sản (đây là lúc ếch béo nhất, do đó dân gian có câu: " ếch tháng 3, Ca (Gà) tháng 10"). Thoạt đầu ếch đực ra ngoài ven bờ nước kêu: "ẹp ẹp... ộp ộp" chúng phồng mang, làm cho tiếng kêu trở nên ấm áp thiết tha vang xa. Khi càng về khuya, tiếng kêu càng thưa dần báo hiệu đực cái đã gặp gỡ và ghép đôi, ("say" đến nổi, dọi đèn pin trực tiếp vào mà "anh chị" chả hề hay biết gì). Cuộc giao hoan kéo dài cho đến tận 1-2 giờ sáng. Sau cuộc giao hoan đó cũng như cóc chúng chia tay nhau bỏ mặc lũ trứng nằm lại trong nước.

Thịt ếch là món ăn đặc sản được ưu thích từ lâu đời. đùi ếch tẩm bột rán giòn; ếch nấu giấm với chuối xanh; ếch xào măng nứa, măng tre là những món ăn phổ biến của người dân quê Quảng Bình. Cháo thịt ếch là món ăn bổ dưỡng cho trẻ con và người già yếu. ếch còn là người bạn của nông dân trong việc góp phần tiêu diệt những côn trùng gây hại mùa màng.

Trong nhóm ếch nhái loài phổ biến nhất, phân bố rộng rãi và con cháu đông đúc nhất đó là Ngóe có nơi gọi là nhái hay nhái câu (những người đi câu cá Đô thường bắt Ngoé (Nhái) làm mồi). Trừ một số ít vùng thuộc dân tộc ít người hoặc người nguồn đa số người dân Quảng Bình chưa sử dụng Ngoé làm nguồn thực phẩm bổ sung cho bữa ăn hàng ngày.

Chính vì đông đảo và phổ biến nhất, nên Ngóe đóng vai trò quan trọng trong việc tiêu diệt côn trùng gây hại về ban đêm.

Ngoài những bọn hoạt động trên mặt đất có một loài được gọi là nhái sống trên cây, thích nấp trong các bẹ chuối đó là nhái Bén (được gọi là phái "bén" vì đầu các ngón chân có "đĩa" bám, bám rất chắc giống như ếch Cây). Nhái Bén và ếch Cây dân ta thường gọi chung là "con hót cổ" toàn thân có màu xanh ẩn vào cây rất khó phát hiện. Chúng hoạt động vào đêm, nhất là sau những trận mưa, đến chập tối chúng kéo ra bám lên các bụi dứa, hoặc các cây dại lá to trên các bờ ruộng. Có tiếng kêu "oẹt, oẹt" thật vang động và vui tai.

Cùng tên "nhái" có nhái Bầu Vân, nhái Bầu Sọc, nhái Bầu Hoa, nhái Bầu Trơn, bọn chúng đều nhỏ hơn ngoé và nhái bén, trong đó nhỏ nhất là nhái Bầu Trơn. Khi có mưa, đặc biệt những trận mưa đầu mùa, tiếng kêu "cò, kè" liên tục thành từng hồi của Bầu Vân; "chít, chít..." của Bầu Trơn; "o ẹ, o ẹ..." của Bầu Hoa... tạo nên bản hợp xướng đồng quê đủ sắc âm, vang động một vùng. Đó cũng là bản "tình ca" đặc trưng cho từng loài gọi bạn cặp đôi trong mùa sinh sản.

Trong cùng họ hàng ếch, có mặt khắp mọi nơi, dáng dấp thư sinh, nhanh nhẹn, láu lỉnh đó là Chẩu Chuộc và hai người em họ Chàng Hiu, Hiu Hiu. Chúng có những nét hao hao giống nhau, do đó trong thực tế người ta ghép cho một cái tên chung đó là Chàng Hương hay là Chẩu Chàng, có người nhầm Chàng Hiu (có lúc gọi Chàng Hương) là Chẩu Chuộc khi còn nhỏ, thực ra đây là hai loài khác nhau, Chàng Hiu không thể lớn để biến thành Chẩu Chuộc. Sau những trận mưa từ tháng 3 đến tháng 7, nghe những tiếng kêu đều đặn "chuộc, chuộc" đấy là tiếng gọi bạn tình để kết đôi giao phối của chú chẩu.

Chẩu Chuộc thịt thơm ngon, cũng là món nhấm nhí của người bạn nhà nông trong món xào măng hoặc nấu mẻ chuối xanh. Nay là món đặc sản, nên bị soi bắt ráo riết, có nguy cơ suy giảm số lượng.

Hiền lành mà cũng chả có gì để tự vệ đó là ếch ương lớn, ếch ương nhỏ. Khi gặp kẻ thù chỉ biết nuốt khí vào phồng bụng trợn mắt, tạo dáng kỳ dị với đủ sắc màu trên thân, biến chiều dài thân gần bằng chiều rộng làm cho kẻ thù khiếp sợ bỏ đi.

Trong những buổi chiều hè mưa tầm tả, ếch ương cất tiếng kêu rền rĩ, âu sầu như kẻ thất tình vô vọng nhưng đấy là nghệ thuật gọi bạn tình hiệu quả.

* Chim:

Trong số những loài sống ở cạn, có lẽ chim là lớp đông nhất, thống kê bước đầu, chỉ riêng ở vùng Phong Nha-Kẻ Bàng đã có đến 302 loài, nhiều gấp 3 lần thú, gấp 5 lần bò sát, gấp 13 lần lưỡng cư. Thật đúng là: “Chim trời cá nước”. Với đôi cánh của mình, chim bay đi khắp mọi nơi, sống ở mọi hệ sinh thái, trong khoảng trời bao la, tất cả là của chim.

Trên những rừng thưa, những vùng đồi cây bụi thứ sinh, hay ngay ở cửa rừng ta bắt gặp những loài trong họ Gà: Gà rừng, Đa đa (gà Gô), Công, Trĩ, gà Lôi. Họ hàng nhà này con trống rất đẹp mã, thường có từ 1 đến 2 cựa sắc nhọn ở chân (rất là con nhà võ) khả năng bay kém, thích kiếm ăn trên mặt đất. Gà rừng là loài đa thê, đến mùa sinh sản thường xảy ra những cuộc đọ sức rất quyết liệt giữa các con trống để tranh dành đàn gà mái và định vùng cát cứ. Để báo hiệu vùng đất đã có chủ, gà trống đầu đàn vào mỗi buổi sáng thường cất lên tiếng gáy đầu tiên.

Nơi khô ráo vùng trung du miền núi, ta thường gặp Đa đa, chúng chui lũi luồn lách rất nhanh vào các cây bụi giữa vùng đồi khi gặp người. Suốt ngày và hầu như quanh năm, Đa đa buồn bã, luyến tiếc cất tiếng than phiền: “Tiếc trộ tép chà chà”. Đến mùa sinh sản (tháng 4 đến tháng 5) tiếng kêu lại càng dồn dập hơn.

Chuyện kể rằng: Khi xưa Đa đa sống ở vùng ao hồ, ruộng lúa nước, tôm tép, là thức ăn chính của Đa đa rất giàu có. Một hôm Đa đa gặp Đầm đấm có thân hình và bộ mã tương tự Đa đa và hai bên nhận làm anh em. Đầm đấm sống ở vùng gò đồi, đất cằn sỏi đá. Thế là hai bên thỏa thuận đổi nơi ăn chổ ở cho nhau. Thế là từ đó Đa đa, cha truyền con nối suốt đời luyến tiếc nơi ở cũ của mình với nguồn thức ăn dồi dào quanh năm suốt tháng cất lên tiếng kêu ai oán: “Tiếc trộ tép chà chà”. Còn Đầm đấm quá sung sướng, mỗi bước đi là mỗi “trộ tép” đã liên tục kêu: “túm. túm, túm”.

Có bộ mã đẹp nhất và thuộc loài chim lớn trong họ gà đó là Công. Chim trống có mào lông cao, chân có cựa lớn, lông đuôi rất dài, đẹp, có nhiều “gương” hình mặt trăng đủ sắc màu. Đến mùa sinh sản, Công trống xoè lông đuôi thành hình cánh quạt và “biểu diễn” những điệu múa tỏ tình xung quanh Công cái rất quyến rũ.

Trong họ hàng sánh vai cùng Công đó là Trĩ, Trĩ là loài chim quý, không phải nơi nào cũng có, ngoài tỉnh ta ra chỉ thấy ở rừng Nghệ An, Quảng Trị. Mặc dầu cùng họ nhưng Trĩ không có cựa ở chân, đầu có mào, lông đuôi rất dài và lốm đốm nhiều màu đẹp.

Công, Trĩ xưa kia ở rừng thưa vùng nào cũng có, nay hiếm dần, vì do con người tác động vào rừng quá lớn làm mất đi sinh cảnh tự nhiên của chúng.

Cùng mang tên “Gà” nhưng sống thiếu nước không chịu được đó là họ gà Nước gồm có gà Nước Kịch (chà Kịch), Cuốc, Xít (Trích). Bọn này bay kém nhưng có bộ chân cao chạy giỏi, khi có kẻ thù chúng chui rúc vào bờ bụi rất nhanh. Mặc dầu chân không có màng nhưng bơi giỏi, thường làm tổ sơ sài ngay trên mặt đất giữa các bụi cây.

Trong bọn, to xác nhất là Xít (dân vùng ruộng sâu Lệ Thủy gọi là Trích). Trích có tầm vóc bằng gà mái đẻ, có bộ lông xanh lam, mỏ đỏ rất to khỏe, mào sừng đỏ. Trích là một loài chim có hại, ngày mùa kéo về từng đàn phá lúa, tuy nhiên nay không còn nhiều vì giống lúa mới thấp cây đã không thích hợp với đời sống của chúng.

Trở về với vùng đồi thấp, có những đồng cỏ và cây bụi xen kẻ, ta bắt gặp một dòng họ rất ít con cháu, được các nhà khoa học cho là nhóm chuyển tiếp giữa các họ nhà Gà đó là họ chim Cút. Điều đặc biệt của họ này là tính sinh dục thứ sinh đảo ngược, các con mái lớn hơn và bộ lông đẹp hơn con trống. Bởi vì cần phải có “đức ông chồng” thuộc sở hữu để giao quyền làm mẹ khi con mái sinh nở. Sau khi “thuận tình” cặp đôi, chim trống tìm nơi làm tổ, tổ làm xong, chim mái đẻ vào đấy từ 3 đến 6 trứng và đó cũng là nghĩa vụ cuối cùng của chim mái. Việc ấp trứng và nuôi con hoàn toàn trao lại cho chim trống đảm nhận.

Mặc dầu họ hàng xa nhưng cùng chung vùng sinh thái với chim Cút, gà Rừng đó là Bìm Bịp. Họ hàng nhà này dáng oai vệ không sợ người. Tiếng kêu vang xa, ăn tạp, làm tổ thường ở trên mặt đất hoặc trong lùm các cây bụi. Họ hàng này có hai đại diện, có mặt khắp mọi nơi. ở vùng trung du miền núi thấp đó là Bìm Bịp Lớn và Bìm Bịp Nhỏ, cũng giống như chim Cút bổn phận làm mẹ dành cho chim trống. Dân gian truyền khẩu rằng, Bìm Bịp có một bài thuốc chữa gãy xương rất hay (nếu con non của nó bị bẻ gãy chân thì con mẹ tìm một thứ lá gì đấy làm lành chân cho chim non ngay). Trong thực tế Bìm Bịp là vị thuốc quý dùng để chữa đau xương, sưng khớp. Hiện nay Bìm Bịp bị săn lùng ráo riết do đó ngày càng hiếm dần.

Cùng ông tổ với Bìm bịp nhưng khác Họ đó là các loài: Cu cu, Chèo chẹo, Tìm vịt, Bắt cô trói cột, Tu hú, Phướn. Dòng họ này có tính sinh sản đặc biệt, không chịu làm tổ mà chuyên đi đẻ nhờ. Chim mái không làm tổ, nuôi con mà đẻ trứng vào tổ chim của loài khác và nhờ “bố mẹ ghẻ” nuôi cho đến lúc khôn lớn. Trong số đó Tu hú (Chào vao), thường đẻ vào tổ Cà cưỡng, ác là, Quạ. Vì thế trong dân gian có câu:

“Cà cưỡng làm tổ cho cao

Đến mùa lụt lội Chào vao đẻ cùng”.

Chèo chẹo, Bắt cô trói cột đẻ nhờ tổ chim Khiếu, Liếu tiếu, Tìm vịt đẻ nhờ vào tổ chim Chích.

Khi mùa Đông đến, tiết trời trở nên se lạnh, trên các đầm phá nước ngọt ta bắt gặp họ hàng các loài chim di trú, chân chúng có màng bơi, bơi rất giỏi đó là Vịt Trời, Ngổng Trời, Le Le, Bồng Bồng. Trước đây ở đầm phá Hạc Hải Le Le, Bồng Bồng có hàng đàn, mỗi đàn có hàng trăm con nhìn xa người ta cứ ngỡ vịt nuôi (Le Le có dáng rất giống vịt). Nay ở vùng này rất hiếm vì môi trường sinh thái mặt nước có nhiều thay đổi.

Dòng họ được mạnh danh là bạn của nhà nông đó là Cò. Có những loài gắn bó với vùng đất Quảng Bình, ruộng sâu, ruộng cạn, lùm lòi, vườn tược, cồn soi đó là Cò ruồi (Cò trâu), Cò bợ (Coi cói), Cò hương, Cò lữa, Vạc, đặc biệt loài thân cận với người, đi vào ca dao, tục ngữ cùng với đời sống của người nông dân đó là Cò Bạch, Cò Ngà (có tên chung Cò trắng). Cò Bạch cũng như Cò Ngà có bộ lông trắng tuyền. Trong mùa sinh sản, với bộ “áo cưới” được thêu dệt bởi những chiếc lông rất dài ở đầu, ngực và vai, chúng không móc vào nhau, thả tự do như những đai rua của các nghệ sĩ múa, tung lên theo gió rất ấn tượng dễ cuốn hút người bạn tình.

Người anh cả của đại gia đình nhà Cò đó là Diệc (Triếc), thân có màu xám tro, to cao nhất trong họ nhà Cò, cổ dài, gáy có mào dài. Diệc thường kiếm ăn ở các đồng lầy, ruộng lúa, bắt cá, bắt sâu bọ và đôi lúc ăn cả rắn nước.

Láng giềng của họ nhà Cò, cùng chung sống trong hệ sinh thái đầm lầy, đồng ruộng nước, bãi ven sông, đó là họ Rẽ. Những loài trong họ này ăn giun, ăn những động vật ở bùn, cát như Rẽ gà, Rẽ giun, Nhát (dân ta thường gọi chung là Nhát), đây là những loài chim di trú, khi có mưa to gió lớn Nhát thường nép mình trong cỏ, người đi săn rất dễ đánh bắt.

Bãi sông, bãi ngập triều ta gặp thêm những loài trong họ Choi Choi, bọn này chạy rất nhanh, có lúc ta tưởng chúng lướt trên mặt nước, chúng hầu như không đứng yên, phần đuôi lúc nào cũng “chớp chớp” để giữ thăng bằng cho cơ thể, có lẽ vì thế mà có tên “Choi Choi”.

Một trong số đối tượng của họ Choi Choi có vùng sinh thái khá rộng đó là Te vặt (Tai vặt), sống phổ biến vùng đầm lầy, sông hồ, cánh đồng lúa, và những nơi trống trãi ở các vùng gò đồi, núi thấp. Te vặt có tiếng kêu “chi chi cheo hót-chi chi cheo hót” rất đặc trưng và chỉ cất tiếng kêu khi chúng đang bay. Khi có người vào vùng lãnh thổ của chúng đang kiếm ăn hoặc làm tổ, Te vặt vừa quần đảo trên đầu vừa kêu dồn dập, làm cho ta có cảm giác rờn rợn, sờ sợ trong người. Đặc biệt trong đêm, Te vặt cất tiếng kêu sẽ chắc có điềm gở xảy ra.

Dọc theo bờ sông vùng trung du, miền núi, những nơi có ao hồ nước ngọt, gặp phổ biến hai loài trong họ Bói cá đó là Thằng Chài (Bói cá, Chài Chài, Sã thầy bói) và Sã Sã (chim Chả). Chài Chài và Sã Sã khoác bộ áo lông tương tự nhau, xanh lam và lục nhưng thân hình Chài Chài nhỏ hơn. Khi bắt mồi Chài Chài bay lướt theo dòng sông, phát hiện ra con mồi nó dừng lại bay vút lên cao, lấy đôi cánh làm thăng bằng giữ yên tại chổ, mỏ đầu gập xuống sát vào người, khi “bói” đúng mục tiêu cánh khép sát vào thân, chim lao từ trên cao xuống như tên bắn. Sã Sã to xác hơn, ít bắt được cá nên thức ăn chính là sâu bọ, ếch nhái, giun dế.

Xuân đến hè sang là thời kỳ các loài Cu Xanh, Cu Gáy (Cu Cườm) kết đàn đi kiếm ăn và cặp đôi sinh sản. Cu Xanh với bộ lông có nhiều màu, chủ yếu là màu lục, bay thành từng đàn, kiếm ăn trên cây với các loại quả mềm thuộc họ Si, Đa. Khác với Cu Xanh, Cu Gáy có bộ lông xám và nâu hung đặc biệt có vòng cườm đen đốm trắng ở cổ rất đẹp. Chúng kiếm ăn trên mặt đất với các loại hạt thích nhất là các loại hạt ngũ cốc. Nó là loài chim thường trú có mặt khắp mọi nơi ở rừng núi cho đến đồng bằng. Cu gáy không phải giống đa thê, đến mùa sinh sản thường cặp đôi một cách tình nguyện, làm tổ trên cây hết sức sơ sài, trông dưới lên có thể thấy được trứng. Mỗi lứa đẻ 2 quả và bao giờ cũng nở một trống một mái. Con trống tỏ ra vô cùng “hiếu chiến” trong mùa sinh sản. Những người sành đi bẫy chim Cu, chỉ nghe tiếng gáy là phân biệt được con “hay” con “dỡ” nghĩa là có đủ dũng khí để quyết chiến hay là chịu phục đối phương giữa chừng. Cũng căn cứ vào tiếng gáy để người ta chọn con mồi. Một con mồi hay có tiếng gáy vừa biểu hiện ý thức đối phương vừa rủ rê, lôi cuốn, và thách đánh một cách kiên trì khiến cho đối phương không nỡ bỏ cuộc.

Họ hàng có chung một “Ông Tổ” lớn nhất trong số các loài chim hiện thời đó là họ Chích Choè, họ nhà Khiếu, họ Chào Mào, Bông Lau, họ Chèo Bẻo, Phường Chèo, họ chim Sâu, chim Khuyên, Chìa Vôi, Sẽ Đồng, Vàng Anh, họ Sáo, họ Quạ, chim Chích, Nhạn Rừng, Bã Trầu. Trong số những họ hàng trên đều có đại diện khắp các vùng sinh thái ở tỉnh ta. Đông anh em có họ Khiếu: Khiếu bạc má, Khiếu mun, Khiếu đá, Khiếu đất, Bù Chao (Bò Chao), Hoạ Mi. Họ Sáo: Sáo Ngà, Sáo Nghệ, Sáo chợ, Sáo Trâu (Sáo đá), Yễng (Nhồng), Cà Cưỡng. Đây là những loài chim cảnh quý, có tiếng hót rất hay, có loài nhại được tiếng người và tiếng kêu của một số vật nuôi (Chó, Mèo, Lợn, Gà), như Sáo, Cà Cưỡng đặc biệt Nhồng bắt chước tiếng người rất sõi. Nhồng là loài lớn nhất trong họ hàng Sáo và có lẽ cũng khôn ngoan nhất. Thường tìm hốc lớn trên cây độc mộc để làm tổ. Khi phát hiện ra dấu hiệu có kẻ thù muốn đánh cắp bầy con, một trong hai bố mẹ đi “tiền trạm” tìm tổ mới và dời đàn con đến đó. Mỗi lần tha mồi về cho con, không bao giờ Nhồng bay thẳng một mạch về tổ mà để mồi lại một hốc cây gần đấy, sau đó chim mái đến tha mồi về tổ khi đã quan sát kỹ không có kẻ nào theo dõi để phá hoại.

Một trong những họ hàng mà những năm của thập kỷ 60 trở về trước là bạn của người nông dân ruộng cạn, sống từng đôi hoặc từng đàn ở khắp nơi đó là Quạ, ác là Quạ thường làm tổ rất to và bù xù trên các ngọn cây cao (cây đa, cây bông gòn, cây ngô đồng). Là loài rất thích ăn xác chết, do đó khi xưa, Quạ bay đến đậu trên nóc nhà hoặc trước cửa và cất tiếng kêu người ta rất sợ, vì nghĩ rằng sẽ có điều gỡ xảy ra trong nhà.

Quạ cũng là kẻ thù truyền kiếp của Chèo Bẻo vì Quạ hay ăn trứng và chim non. Mặc dầu thân hình rất nhỏ, nhưng vô cùng dũng cảm và nhanh nhẹn, Chèo Bẻo chỉ nhìn thấy Quạ ở trong “vùng cấm” là lập tức lao đến đánh ngay, cuộc chiến xảy ra trên không hết sức gay cấn và ác liệt. Những trẻ chăn trâu, thường gở tổ Chèo Bẻo mang đến đặt ở cây có Quạ hay đến (lũ trẻ cũng có lúc bị Chèo Bẻo đánh cho phải bỏ trốn), để Quạ và Chèo Bẻo đánh nhau. Xem Chèo Bẻo và Quạ đánh nhau cũng say như say xem chọi trâu vậy.

Ngoài những loài hoạt động, kiếm ăn ban ngày, thì có những loài chim bắt mồi ban đêm thuộc họ Cú. Đây là những chim ăn thịt, có mỏ và chân cấu tạo giống chim Ưng. Đầu to, cổ ngắn. Mắt và tai rất phát triển, thích nghi với việc săn mồi đêm. Phổ biến ở ta có hai đại diện: Cú Mèo và Cú lợn. Ngày xưa dân ta quan niệm rằng, tiếng kêu của Cú bao giờ cũng báo hiệu điềm gở, sẽ có người chết, do đó trong dân gian có câu: “Cú kêu ma ăn”. Đây là loài giúp nhà nông diệt trừ chuột và một số loài gây hại khác.



*Chim biển

Cách bờ biển Quảng Trạch chừng một cây số, có hòn Nồm và xa hơn chút nữa có hòn La (đảo La) nơi đây có nhiều vách đá hang động là “ngôi nhà” của các loài chim Yến, một loài đặc sản quý hiếm cho vùng biển này.

Yến là loài chim nhỏ, bay rất giỏi, vừa bay vừa bắt mồi, tĩa lông, tĩa cánh và cả ngủ trên đường bay. Yến sống thành đôi và tập trung thành đàn lớn. Mùa xuân là thời kỳ bận rộn làm tổ của chim Yến. Chim Yến thường xây tổ vào ban đêm, sau hai ba tháng mới cuốn xong tổ, trông tựa như nữa vỏ trứng bám chặt vào vách đá. Nừu bị con người bốc mất tổ thì chim hối hã làm lại tổ khác và chim bắt đầu đẻ trứng vào khoảng tháng bảy. Tổ Yến hay Yến sào là sản phẩm quý có hàm lượng dinh dưỡng cao, chỉ dùng trong các bữa “yến tiệc”. Tuỳ chất lượng mà Yến sào chia làm 4 loại: Yến Huyết, Yến Quan, Yến Thiên, Yến Địa - Yến Huyết là loại quý hiếm và đắt tiền nhất.

Cũng từ bờ biển Quảng Trạch, ra chừng 20 hải lý ta đến với Đảo Chim, nơi đây có mặt của Hải Âu, Mồng biển, là những loại chim suốt đời sống cảnh lênh đênh, lấy mặt nước và bầu trời làm nơi ở chính, trừ khi sinh sản mới cập vào Đảo Chim để làm tổ và đẻ trứng.

Chim yến cũng như Hải Âu số lượng so với trước đây giảm nghiêm trọng do ngư dân khai thác, bắt lấy trứng quá nhiều.

* Thú:

Lớp thú có tổ chức cao nhất trong những động vật có xương sống. Tuy không có khả năng vận chuyển tự do bằng cách bay lượn như chim, song có sự phân bố vị trí địa lý đặc biệt rộng.

Họ hàng đông đúc nhất trong lớp thú đó là Dơi, có đến 4 anh em cùng ông tổ Dơi (Bộ Dơi thuộc lớp Thú) và con cháu có hàng chục loài có gương mặt khác nhau. Gồm những cá thể nhỏ hoặc trung bình, là thú độc nhất có khả năng bay, và vì chân rất yếu nên Dơi không đi được mà chỉ có thể bò lê khi ở trên mặt đất. Dơi đi kiếm mồi vào ban đêm, mắt kém nhưng được bù lại bởi đôi tai rất thính có thể nghe được âm với tần số 18 - 98.000 dao động/giây. Đặc biệt Dơi phát ra siêu âm với tần số 30.000 - 70.000 dao động/giây, cho nên mặc dầu “mù” nhưng Dơi bắt mồi rất linh hoạt mà không hề bị va vấp.

Mùa thu đến, Dơi cặp đôi giao phối và một số loài có tập tính, Dơi cái giữ tinh trùng cho đến sang xuân khi trứng rụng mới thực hiện qúa trình thụ tinh. Các Dơi cái mang thai tách khỏi Dơi đực, tập trung trong hang động hay hốc cây rỗng. Dơi đực cũng tập hợp một nơi hang sống riêng lẽ. Dơi có 2 vú và thường đẻ một con. Dơi mới đẻ chưa mở mắt, chưa có lông phải bám vào bụng mẹ trong 4 tháng.

Dơi là loài có ích, tiêu diệt muỗi và các loài sâu bọ có hại, cung cấp một lượng phân khá lớn trong các hang đá dùng làm phân bón và là nguồn diêm trắng, phân Dơi còn gọi là “da minh sa” dùng làm thuốc chữa những bệnh về mắt. Tuy nhiên có một số ít loài phá vườn cây ăn quả vào thời kỳ quả chín.

Họ hàng đông đúc không kém gì Dơi đó là gặm nhấm gồm họ Sóc Bay, Sóc Cây, Họ Dúi, Họ Chuột, Họ Nhím. Đặc biệt Họ Chuột đông anh em nhất và cũng là bọn gây hại lớn nhất và gieo rắc biết bao dịch bệnh cho con người, do chúng mang nhiều loài giun ký sinh và hàng chục loài ve bét truyền bệnh. Chuột Cống, Chuột Nhà, Chuột Đồng, Chuột Nhắt nhà, Nhắt Đồng phổ biến khắp nơi và sống dựa vào người. Chuột sinh sản quanh năm nhưng mạnh nhất vào 2 mùa lúa. Chuột Cống mỗi năm đẻ 2 - 3 lứa mỗi lứa trung bình 10 con, sau 3 tháng tuổi thành thục sinh dục. Mặc dầu đông đúc cháu con, nhưng bọn chuyên gây hại này tuổi thọ không là bao. Thọ lắm chỉ một năm.

Có giá trị về mặt kinh tế đó là Họ Nhím, có 2 đối tượng phân bố khắp nơi trong vùng: Nhím và Đon (Don). Nhím có bộ lông đặc biệt đó là những chiếc trâm cứng dài từ 20 - 25 cm mọc tua tủa trên lưng, nhất là ở nữa lưng sau. Khi cần tự vệ, Nhím thu tròn mình, dựng lông tua tủa. Nhím chạy giật lùi, lao thẳng vào kẻ thù, Nhím co lại và “bắn” những chiếc trâm nhọn sắc vào thân kẻ thù. Đon nhỏ hơn Nhím, đuôi dài và các chiếc trâm dài thon hơn. Đon bơi rất giỏi.

Thịt Nhím và Đon ăn rất ngon, mật và dạ dày dùng làm thuốc.

Cùng tên Chuột nhưng thuộc vào Bộ ăn sâu bọ, chẳng những không gây hại mà có ích rất nhiều cho con người đó là Chuột Chù. Họ này con cháu rất hiếm hoi, chỉ mình Chuột Chù sống quanh quẩn ở mọi nhà, có mặt mọi nơi từ miền núi, trung du đến đồng bằng. Chuột có tuyến “thơm” 2 bên sườn, đặc biệt khi giao phối, tuyến căng phồng lên, phát ra mùi “thơm” để khích thích con cái. Khi gặp kẻ thù tuyến cũng phóng thích ra hương vị “doạ nạt” để xua đuổi.

Trở về trung du, vùng đồi với cây bụi lúp xúp và những khu rừng tái sinh hoặc rừng cây bụi trên động cát dọc bờ biển, ta bắt gặp bọn có bộ răng “Gặm nhấm” nhưng hoàn toàn không được xếp cùng họ hàng đó là Thỏ hoang (Thỏ rừng). Chúng sống độc thân hay thành từng đàn. Đến mùa sinh sản, có hiện tượng tranh dành con cái. Thỏ đực bị thua thường bị Thỏ thắng trận cắn vào bộ phận sinh dục. Sau khi chiến thắng Thỏ đực khoe mẽ trước Thỏ cái bằng cách chạy vượt lên, cong đuôi khoe phần hậu môn và đái vào Thỏ cái, “mùi hương” trong nước đái có tác dụng lôi cuốn, quyến rũ Thỏ cái.

Thỏ là loài có ích, da lông làm đồ mỹ nghệ, thịt chế biến được rất nhiều món ăn đặc sản vừa bổ vừa hấp dẫn. Thỏ là đối tượng dùng nhiều trong các phòng thí nghiệm, là vật chủ yếu để nghiên cứu thử nghiệm các loại dược liệu mới, các vi khuẩn, vi rút gây bệnh. Hiện nay hệ sinh thái rừng trồng, cây bụi phát triển, nhiều đàn Thỏ hoang có khả năng phát triển trở lại.

Họ hàng được xem là “Kẻ thống trị” của chốn sơn lâm đó là Bộ ăn thịt. Trong Bộ này gồm có những Họ lớn như Họ Chó, Họ Gấu, Họ Chồn, Họ Cầy, Họ Mèo. Họ nào cũng có đại diện phân bố đều khắp ở tất cả các vùng rừng núi của Lệ Thủy, Quảng Ninh và Khu Phong Nha - Kẻ Bàng chạy xuyên suốt Bố Trạch, Tuyên Hoá, Minh Hoá.

Trong Họ Mèo, được mạnh danh “Chúa sơn lâm” đó là Hổ, tùy địa phương mà Hổ có tên khác: Cọc, Cọp, Hùm, Khái. Thân hình to lớn nhất trong cả bọn ăn thịt, nặng từ 2 đến 3 tạ, là loài thú dữ, nó không từ một loài nào trong cộng đồng khi đang đói. Khi xưa, ở vùng Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, Hổ về tận vùng trung du để bắt bò, trâu, lợn. Đêm đến người ta đóng cửa kín mít không dám ra khỏi nhà, sợ Hổ về. Khi vào đến cửa rừng, người đi khai thác vật sản của rừng không bao giờ gọi tên cúng cơm của Chúa sơn lâm mà gọi là Ngài, Mệ hoặc Ông Ba mươi. Tục truyền rằng, những con Hổ nào đã ăn người thì sẽ thành “Tinh” (trong dân gian gọi Tinh là loại ma, quỷ ranh mãnh xảo quyệt khi nhập vào người nào đó thì sai khiến người đó trở nên điên loạn - người ta nói người đó bị tinh, ma nhập), những con này không bao giờ bắn được hoặc bẩy được chúng vì rất khôn. Da Hổ là đồ mỹ nghệ cao cấp, xương Hổ làm thuốc.

Hổ là loài thú đang ở tình trạng nguy cấp, theo tính toán của các nhà khoa học, hiện nay ở tỉnh ta còn khoảng 3 đến 4 con phân bố vùng Phong Nha - Kẻ Bàng, có thể bị tuyệt chủng tại địa phương tỉnh ta trong tương lai gần.

Cùng họ còn có Mèo rừng (Cáo), Beo, Báo Hoa mai, Báo Gấm. Tất cả đều ăn thịt. Mang, Nai, Lợn, Nhím, Hươu, Khỉ v.v... đều là thức ăn của chúng.

Họ có những loài thân xác lớn và hung dữ không kém gì Chúa sơn lâm đó là Gấu. Rừng ở tỉnh ta có mặt đủ cả 3 loại Gấu: Ngựa, Chó, Lợn. Phổ biến ở vùng Trường Sơn (Quảng Ninh) là Gấu Lợn và Gấu Chó. Thức ăn ưa thích nhất của Gấu là mật ong và ấu trùng ong. Gấu trèo rất giỏi, khi phát hiện có tổ ong trên cây, Gấu leo lên, đánh đu trên cây, lấy tay trước gỡ từng bánh mật đưa vào miệng, ăn say Gấu thả cho rơi tự do xuống đất. Sở dĩ Gấu không bị thương tích gì, người ta cho là do có mật, mật chạy ra từng thớ cơ và “xoa bóp” làm cho máu lưu thông đều mà không để lại thương tích.

Trước đây chỉ có đồng bào miền núi săn Gấu để lấy mật, thịt và da lông. Hiện nay trong cơ chế thị trường, xu hướng sử dụng những dược liệu thiên nhiên, với tính chất chữa bệnh của mật Gấu, người ta đã săn bắt Gấu một cách ráo riết, chủ yếu lấy mật và 4 bàn chân của Gấu. Tuỳ mật nhỏ hay to mà một cái giá bán từ 3 đến 7 triệu đồng. Người ta nuôi Gấu và định kỳ chích hút mật trên Gấu sống, 01ml giá 200 đến 250 ngàn đồng. Mật Gấu Ngựa tốt hơn cả. Để biết mật thật hay giả, các tay “lái” lành nghề mách rằng, chích một tí mật xoa lên mu bàn tay để khoảng 3 giờ đồng hồ nếm trong lòng bàn tay thấy đắng, đó là mật Gấu thật.

Hiện nay nơi khai thác động vật hoang dã nói chung, Gấu nói riêng tập trung nhất có lẽ vùng Ba Rền, Rào Trù, Rào Đá, thượng nguồn sông Đại Giang, đây là vùng hợp thủy phân bố khá đông đúc các loại thú tạo nên một chuỗi thức ăn phong phú trong quần thể.

Thú nhỏ hơn trong bọn Họ ăn thịt đó là Rái Cá (Tấy), Chồn, Cầy. Cầy có đến 9 loài: Cầy Mực, Cầy Tai trắng, Cầy Vằn, Cầy Gấm, Cầy Mốc, Cầy Đốm, Cầy Sọc, Cầy Giông, Cầy Hương. Cầy, Chồn thường có tuyến thơm toả ra chất thơm dùng để quyến rũ bạn tình trong mùa sinh sản. Đối với người đây là những tuyến có mùi hôi rất khó chịu. Có loài như Chồn Hương (Chồn Xạ), chất của tuyến thơm được gọi là Xạ hương là một dược liệu quý có khả năng chữa những bệnh hiểm nghèo ở trẻ con như cấm khẩu, co giật.

Họ hàng có giá trị kinh tế lớn, là đối tượng săn bắn trong những chuyến đi dã ngoại phần đa nằm trong Bộ Guốc Chẵn (bàn chân có 2 móng guốc), phổ biến có Lợn rừng, Cheo Cheo, Nai, Hoẳng (Mang), Mang Lớn, Sơn Dương (Dê núi), Sao La, Bò Tót. Đây là bọn ăn thực vật chân cao, chạy nhanh.

Sao La, Mang Lớn mặc dầu đã tồn tại và có mặt rất lâu cùng với các loài khác trong Bộ Guốc Chẵn, ở núi rừng của tỉnh ta từ Cẩm Ly (Lệ Thủy) đến Lèn Tinh (Minh Hoá), nhưng đến mãi những năm 90 của thế kỷ 20 các nhà khoa học mới phát hiện ra chúng ghi nhận như một phát minh trong sinh học được cả thế giới chú ý. Mang Lớn lớn hơn Hoẳng nhưng nhỏ hơn Nai. Phân biệt với Hoẳng ở bộ sừng có 2 nhánh như Hoẳng, nhưng đế sừng thấp, lông dài, mềm và dày hơn Hoẳng. Sao La còn gọi là Dê sừng dài hay Sơn Dương mốc, có thân hình lớn hơn Sơn Dương, chủ yếu sống ở rừng núi đất, sừng dài, hơi thẳng và nhẵn. Không giống như sừng Sơn Dương mập, có nhiều ngấn tròn, đầu mút nhọn và hơi cong phía sau.

Loài lớn nhất trong Bộ đó là Bò Tót. Những năm 60 trở về trước, người đi rừng ở vùng Cẩm Ly (Lệ Thủy), Rào Trù, Rào Đá (Quảng Ninh), Ba Rền, U Bò (Bố Trạch) hay gặp Bò Tót ở những khu rừng thưa, có trãng tranh.

Những năm lại đây, Bò Tót không còn có mặt khắp vùng nữa, người dân Phong Nha - Kẻ Bàng cho biết thỉnh thoảng có gặp Bò Tót ở những đường phía Tây Nam của Khu bảo tồn Phong Nha - Kẻ Bàng.

Bò Tót là loài thú hiếm cần phải bảo vệ được ghi trong sách Đỏ của Việt Nam và sách Đỏ Thế giới.

Họ hàng được xếp vào bậc nhất của sự khôn ngoan trong lớp Thú đó là Họ Khỉ, Họ Vượn. Điều thật đáng tự hào, vùng núi rừng tỉnh ta được mạnh danh là vương quốc của Linh Trưởng (Khỉ, Vượn trong Bộ Linh Trưởng). Nơi tập trung nhất - Thủ đô của mọi loài trong các Họ đó là khu rừng núi đá Phong Nha - Kẻ Bàng.

Họ Khỉ có: khỉ mặt Đỏ, Khỉ Mốc, Khỉ Vàng, Khỉ đuôi Lợn, Voọc Gáy trắng, Voọc Đen, Chà vá Chân nâu (Voọc Ngũ sắc, Khỉ Khoang).

Các loài Khỉ có đuôi dài, đặc biệt có túi má để chứa thức ăn tạm thời, có hai mông lớn, hoạt động kiếm ăn trên cây và trên mặt đất. Để phân biệt với Khỉ, Voọc là loài chuyên sống trên cây có tay, chân và đuôi rất dài, mình thon, có loài tóc trên đầu mọc chụm lại dô cao lên tạo thành mào.

Các loài trong Họ Vượn (Vượn Bạc má, Vượn SiKi) có điểm đặc trưng đó là thân hình mảnh dẽ, chân tay rất dài và không có đuôi. Chuyên sống trên cây.

Khỉ, Vượn là những loài được ghi trong sách Đỏ Thế giới và Việt Nam cần được bảo vệ.

Khỉ, Vượn nói chung được dùng làm thuốc. Cao xương Khỉ hoặc cao Khỉ toàn tính là loại thuốc bổ toàn thân, chữa thiếu máu, kém ăn, kém ngủ. Chính vì Vậy mà Khỉ, Vượn đang bị săn bắt một cách ráo riết (phổ biến hiện nay là dạng bán Khỉ ép). Nếu không có kế hoạch bảo vệ, thì tương lai số lượng cá thể sẽ bị giảm nghiêm trọng.

Họ hàng cùng Khỉ, Vượn nhưng thân bé, tính lì lợm, chậm chạp, như đứa con “lót ổ” của dòng Họ này về khả năng linh lợi, khôn ngoan đó là Cù Lì nhỏ, Cu Lì lớn (Cu Li nhỏ, Cu Li lớn). Cù Lì kiếm ăn đêm, sinh hoạt lặng lẽ. Ngày ngủ trong các bụng cây hay trên các cây to. Thức ăn là các loại côn trùng, quả mềm, nhựa cây.

Có những họ hàng con cháu hiếm hoi đến nổi cả tổ tông chỉ có vẻn vẹn một đại diện đó là Chồn Dơi, trong Bộ cánh da; Trút trong Bộ Tê Tê; Voi trong Bộ có vòi.

Chồn Dơi hay còn gọi là Cầy Bay, người Vân Kiều ở bản Khe Giữa (huyện Quảng Ninh) gọi là con A Chu. Đây là loài quý hiếm được ghi vào sách Đỏ Việt Nam và sách Đỏ Thế giới. Chồn dơi có mãng da nối từ cổ qua chi trước, chi sau và bao lấy đuôi tựa như chiếc áo khoác lông da ôm lấy toàn thân có điểm thắt tại cổ. Leo trèo giỏi nhưng chậm chạp, Chồn Dơi di chuyển không phải bay theo kiểu vỗ cánh như Chim mà leo lên cao căng cánh ra bay liệng từ cây này sang cây khác... Nếu có kẻ thù bất ngờ, Chồn Dơi buông mình lăng sang cành khác để thoát nạn.

Tê Tê (Trút) có tên khác là Xuyên sơn giáp là loài thiếu răng hoàn toàn, mỏm nhỏ, lưỡi rất dài, có phủ một thứ nước bọt quánh dẻo có khả năng phóng xa để bắt Kiến, Mối. Dạ dày có cấu tạo đặc biệt để nghiền mồi thay cho điều kiện thiếu răng. Tê Tê mang con trên lưng phía gốc đuôi, khi gặp nguy hiểm dấu con dưới bụng và cuộn tròn người lại. Đây là loài có ích, vảy Trút làm thuốc chữa tắc tia sữa, tràng nhạc, mụn nhọt, dị ứng, đau nhức các khớp xương.

Loài thú lớn nhất sống ở cạn và đại diện duy nhất cho cả Tổ tông đó là Voi, mũi và môi trên kéo dài thành vòi (vì thế gọi Bộ có vòi), vòi có tác dụng như những ngón tay. Vòi vừa là cơ quan khứu giác vừa là xúc giác, dùng để đưa thức ăn vào miệng, để hút nước và phun nước khi tắm.

Trong những năm 60 của thế kỷ trước (Thế kỷ 20), người đi rừng thỉnh thoảng gặp Voi ở các khu rừng thuộc địa phận huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch (Khu Phong Nha-Kẻ Bàng). Vào khoảng năm 1961 - 1962 đồng bào Vân Kiều (Thiểu số) ở Khe Giữa trong 2 năm đã bắn 2 con Voi tại khu rừng thuộc địa phận Quảng Ninh - Lệ Thủy. Hồi đó dân vùng Sơn Thủy, Phú Thủy, Hoa Thủy (Lệ Thủy) dân Sơn Tràng (dân đi khai thác gỗ), gánh thịt về ăn, ăn không hết người ta luộc phơi khô cất vào chum, đến mùa rét đem ra nướng nhấm rượu, hoặc bọn trẻ con ăn chơi.

Sách Bỉ Nhã xưa có ghi: Thân Voi có đủ thập nhị tiêu (12 con giáp), Tý là Chuột, Sửu là Trâu, Dần là Cọp, Mão là Mèo, Thìn là Rồng, Tỵ là Rắn, Ngọ là Ngựa, Mùi là Dê, Thân là Khỉ, Dậu là Gà, Tuất là Chó, Hợi là Heo (Lợn).

Có lẽ vì thế người dân quê tôi khi đem thịt Voi về ăn có người cho thịt Voi ăn chả khác gì thịt gà, có người nói giống thịt lợn, thịt trâu. Có người nấu ra không ăn được vì tanh, sỉn họ cho xẻo nhầm phải khổ thịt Cọp trên thân Voi.

Dân vùng núi thường nói: Mật Voi tuỳ mùa mà xuống 4 chân: Mùa Xuân mật xuống chân trái trước, mùa Hạ xuống chân mặt (phải) trước, mùa Thu xuống chân trái sau, mùa Đông xuống chân mặt (trái) sau. Khi Voi bị bệnh, nó hướng đầu về phía Nam mà chết.

Voi phân biệt rất giỏi chổ nào đất rỗng, dễ sập, chổ nào đất liền không sập, mặc dầu trên bề mặt không thấy dấu hiệu gì. Cho nên trước đây mỗi lần vua vi hành phải có quản tượng dẫn đầu. Nếu có gì nguy hiểm nằm dưới mặt đất Voi không bao giờ đi qua.

Các nhà khoa học cho rằng, hiện nay có thể còn ở vùng dọc biên giới phía Tây Quảng Bình, ở Minh Hoá, Bố Trạch, Quảng Ninh. Voi đang phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng.

Cuối cùng trong Lớp Thú, phải kể đến một loài mà nay không bao giờ bắt gặp ở vùng rừng núi tỉnh ta đó là Tê Ngưu (Tê Giác). Đây là loài thú quý hiếm, chẳng những có giá trị về khoa học mà giá trị lớn về chữa bệnh. Người ta săn bắn Tê Giác để lấy da và sừng.

Xưa kia Tê Giác có mặt từ vùng núi thuộc huyện Quảng Ninh cho đến Phong Nha - Kẻ Bàng. Nhà địa chất kiêm khảo cổ học người Pháp Jăng phơ rô ma giê 1923 đã khai quật di chỉ Hang động Rào Té (Rào Trẹ) một nhánh sông của Rào Troóc (sông Troóc) và xa hơn về phía Tây Nam đó là Khe Tong ở hữu ngạn Rào Cộc, thượng lưu sông Long Đại đã tìm thấy, bên cạnh di cốt người, những công cụ bằng đá còn có nhiều xương thú như Tê Ngưu, Gấu, Lợn rừng, Bò tót, Hươu, Nhím, Vượn...

Sách xưa có chép rằng: “Con Tê Ngưu giống như con trâu, đầu giống đầu heo, chân thấp, chân giống chân Voi có 3 móng, bụng to, đầu màu đen có 3 sừng: một sừng trên trán, một sừng trên mũi, một sừng đỉnh đầu. Sừng trên mũi nhỏ mà không rụng gọi là thực giác, con Tê giác ưa ăn gai. Trong miệng thường rĩ máu và nước bọt.

Đất rợ Tây Nam có giống tê (Tê giác) lạ lùng có 3 sừng, đi trong đêm như cây đuốc to chiếu ra xa mấy ngàn bộ. Bậc Vua Chúa quý sừng của nó, dùng làm cây trâm, có thể tiêu trừ được điều hung nghịch.

Cầm cái sừng Tê khuấy vào các thứ nước thuốc độc thì đều thấy sủi lên bọt trắng và nước thuốc độc không còn độc nữa. Có ai trúng tên độc, lấy sừng Tê ghim vào chổ vết thương thì khỏi ngay.

Sừng đẻo thành hình con cá, ngậm vào mà xuống nước, thì nước thường vẹt ra ba thước, dùng cái sừng ấy để dẫn đường”.



tải về 281.54 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương