1 Hiện trạng động vật I động vật biển và sông nước mặn, lợ


So với nước mặn, lợ nguồn động vật, nước ngọt nghèo hơn nhiều, nhưng không có nó chắc người nông dân làm ruộng ở "xứ ngọt" thiếu nguồn thức ăn động vật một cách nghiêm trọng



tải về 281.54 Kb.
trang4/6
Chuyển đổi dữ liệu08.09.2016
Kích281.54 Kb.
#31851
1   2   3   4   5   6

So với nước mặn, lợ nguồn động vật, nước ngọt nghèo hơn nhiều, nhưng không có nó chắc người nông dân làm ruộng ở "xứ ngọt" thiếu nguồn thức ăn động vật một cách nghiêm trọng.


*Động vật không xương sống:

Đó là bọn tự nó không mang nổi thân nó, buộc phải có điểm tựa chắc chắn trên nền đáy của sông suối, ao hồ, trong các con kênh, mương máng dẫn nước hay trong ruộng lúa luôn ngập nước. Chúng sống bò trên nền đáy hay vùi sâu vào tầng đất bùn, cát. Phổ biến là các loài 2 mảnh vỏ: ốc, trai. ốc gồm có ốc vắn (vặn), ốc bươu (ốc nhồi). ốc vắn có nhiều loài, loại tù và, loại hình côn, loại hình tháp, loại sống ở ruộng, ở mương nước, loại ở sông, xưa kia chúng chỉ là loài làm thức ăn cho vịt và thỉnh thoảng bọn trẻ bắt về luộc lên ăn cho vui miệng, nay trong cơ chế thị trường nó trở nên là loại đặc sản cho "bợm nhậu lai rai". Trong số các loài ốc thì ốc bươu là loài có giá trị nhất, mùa hè là mùa đẻ trứng của ốc bươu, từ chiều ốc bươu cái bò vào bờ và khi trời sập tối, ốc tìm đến những cành, rễ cây cỏ bò sát mép nước, bám chặt lưỡi và bắt đầu co mình đùn trứng ra, trứng tròn vo và có vỏ cứng trắng muốt, chúng kết dính với nhau tạo thành khối to như quả trứng vịt. Thời kỳ ốc bươu mang trứng là thời kỳ ốc béo nhất. Món ốc xào chua ngọt là món "hảo vị" của người dân đồng quê. ốc bươu ngày một trở nên khan hiếm bởi vì nó là món đặc sản của các nhà hàng. Từ những ăm 90 trong sông, ao hồ nước ngọt xuất hiện thêm một loài ốc bươu mới có tên là ốc bươu vàng "nhập cư" nơi khác đến, loài này phát triển rất nhanh vì chúng phàm ăn, nó là mối hoạ cho người dân làm lúa nước.

So với chân đầu bọn hai mảnh vỏ đa dạng hơn nhiều, đa số vùi mình vào lớp đất bùn tầng đáy, có bọn vùi nữa thân, có bọn chìm ngập hoàn toàn chỉ chừa mỗi cái lưỡi để lấy dòng thức ăn phù du tầng đáy. Bất chấp sự phân loại, ở mỗi địa phương có mỗi cái tên riêng đặt cho các loài "ngao, sò, ốc, hến". Loài có hình bầu dục, hình tai nhỏ như "cái tai" thường nằm ở các sông, mương máng và ao hồ, có nơi gọi là sò, nơi gọi là trai. Có loài hình bầu dục hoặc hơi vuông nhưng to gấp 3-4 lần loài trên, có con to như cả 2 bàn tay người lớn úp lại, phân bố ở sông nước nông nhiều bùn hoặc trong ao ruộng lúa thì được gọi là trai, theo cách gọi sách vở (phân loại của các nhà khoa học) thì có trai hình lá, trai cánh mỏng, cánh dày, trai vỏ nâu, trai cốc nhẵn... Có loại dài, một đầu tù, một đầu vuốt trông giống như một lưỡi dao găm, loài này thường thấy ở những nơi nước có dòng chảy chậm người ta gọi là hến, có nơi gọi là trùng trục. Không ít loài trong họ "ngao, sò, ốc, hến" đã được ghi vào Sách Đỏ Việt Nam với tình trạng "nguy cấp" cần phải có kế hoạch bảo vệ ngao, sò, hến là đối tượng được khai thác nhiều nhất trong mùa hè. Mùa hè có bát canh rau muống hoặc rau tạp tàng nấu với ngao hoặc hến thì mát và bổ vô cùng. Ngao xào, hến xào cũng là món ăn hảo hạng của người nông dân. Ăn cháo gạo mới được nấu với ngao, hến giữa trưa hè oi bức là thang thuốc vừa giải cảm vừa bồi bổ sức khỏe.

Giáp xác nước ngọt hay gặp nhất là tôm, tép, cua đồng (dam-đam). Tôm có nhiều loài, tôm càng (tôm cọng) nhỏ, tôm càng lớn, tôm đất nước ngọt, tôm suối. Loài phổ biến và có mặt khắc mọi nơi, chúng sinh ra và lớn lên tại nguồn nước ngọt đó là tôm càng nhỏ, tôm đất, sống ở ao hồ, ruộng lúa, trong mương máng và trên những nhánh sông không có nước mặn. Đến mùa trứng chín, con cái chắc mẩy, bụng đầy ắp trứng và kệ nệ bơi đi tìm nơi có nguồn nước yên lành, giàu ô xi, giàu chất dinh dưỡng, có nhiều thực vật thủy sinh và thế là bắt đầu đẻ.

Sau những trận mưa rào, khi có nguồn nước mới cũng chính là mùa sinh đẻ của bọn sống trong nước ngọt. Tôm càng lớn thì lại một chốn đôi quê, đến tuổi trưởng thành sau kỳ giao vĩ, tôm cái chia tay với bầy đàn ở vùng nước ngọt đến vùng nước mặn để sinh đẻ, sau đó ấu trùng lại tìm về bơi bố mẹ đã sống trong giai đoạn trưởng thành. Tôm nước ngọt được các bà mẹ nuôi con đặt cho cái tên "tôm lành" bởi vì trẻ nhỏ hoặc sản phụ có chứng ho thì kiêng khen rất nhiều thứ đặc biệt là "chất tanh" nhưng tôm càng (cọng) lại vừa bổ (giàu đạm, giàu canxi) lại vừa lành.

Trong họ hàng giáp xác đông đúc nhất phải nói đến đó là tép, có mặt ở khắc mọi nơi, đâu có nguồn nước ngọt, có thực vật thủy sinh thì ở đấy có tép. Mùa hè có bát canh bầu nấu với tép tươi cùng với rau hao là món đặc sản của "dân bạn" ruộng cạn. Từ tép tươi người ta quết lên giang vài ba nắng trong mùa hè với nhiệt độ của mặt trời tạo nên món ruốc khá độc đáo, món này thường làm để ăn xổi (ăn ngay), còn muốn để lâu người ta làm từ con tép khô. Ruốc tép khô có thể cất giữ từ năm này sang năm khác. Ruốc có màu nâu cánh gián, mùi thơm tựa mật ong, chưa ăn mới chỉ thấy và ngửi đã thèm. Nhiều người ra làm việc ở các tỉnh phía Bắc vẫn nhớ mãi món ruốc tép của quê hương. Bà con mỗi lần ra thăm không quên nhắn gửi mang món ruốc đặc sản ra theo. Cà tươi, chuối xanh, khế dành dành (quả nhỏ ít chua) chấm ruốc tép ăn với cơm gạo mới, bên cạnh chai rượi "cuốc lủi" đấy là cái thú nhà nông sau những giờ đồng áng mệt nhọc.

Có lẽ kích thước lớn nhất và hung dữ nhất trong bọn giáp xác nước ngọt đó là cua đồng (dam-đam). Tuy nhiên không chỉ sống ở "đồng" mà còn sống ở dọc bờ sông, dọc kênh mương, còn có loài sống trong các khe suối đá có tên là chàkhé (cua đá). Cua đồng cùng với tôm tép, với những món ăn dân dã đượn hương vị đồng quê, không cao lương, không "sơn hào hải vị", vẫn tạo nên những bữa ăn cân đối về dinh dưỡng hàng ngày của người nông dân.

Bát canh rêu cua đồng, tép dọc mùng, tôm rim với cơm dừa già cùng với cơm gạo mới tạo một bữa ăn vừa có mặn, nhạt, béo bùi, vừa đầy đủ chất vừa mang tính sinh thái - nhân văn.

Do nhiều nguyên nhân, phần vì thuốc bảo vệ thực vật, phần vì "chuyển đất, thay dòng", những loài ít có khả năng tự bảo vệ để sinh tồn như các loài trọng họ hai mảnh vỏ, họ giáp xác đang có xu hướng giảm dần và người nông dân khó có được những bữa ăn mang tính "sinh thái” - thường nhật như trước đây.

Họ hàng cá nước ngọt không đa dạng phong phú như nước mặn lợ, phân bố tầng đáy gồm các loài: lươn, triên (trê), dét (chạch bùn), chình, diếc, gáy (chép), leo, lấu, lăng chày đốt, ngát, bống trắng, bống đen và một số loài kinh tế nhập nội từ nơi khác đến như: mè, trôi, rô phi, trê phi. Phân bổ tầng giữa và tầng mặt gồm có đô (lóc, chuối, quả), rô, lúi, chưng, trôi, trắm, mại, mương, cân (lấn cấn), xanh, bì, bọp, thát lát, rô thia.

Trong số các loài cá nước ngọt có lẽ cá Chình là loại đứng đầu bảng, có kích thước to nhất, thịt thơm ngon có hàm lượng đạm cao hơn cả thịt bò, thịt lợn và trứng gà. Người Trung Quốc coi cá chình là "nhân sâm dưới nước". Cá chình có mặt hầu hết ở vùng thượng nguồn của các con sông Chày (Phong Nha), Rào Nậy (Minh Hoá), Đại Giang (Quảng Ninh), Cẩm Ly (Lệ Thủy) và ở phá Hạc Hải khi chưa có đập Mỹ Trung. Cá chình hoạt động kiếm ăn vào ban đêm, chúng di chuyển rất nhanh, có thể vượt cạn vài cây số từ hồ này sang hồ khác để kiếm ăn. Ban ngày thường nằm trong các khe đá, hang hốc hoặc nằm im dưới đáy. Ngày xưa không mấy ai người ta đánh bắt cá chình vì cho đây là cá "Thần", nếu không may vào lưới người ta cũng thả cá ra, ai đó không biết mà làm thịt ăn thì phải làm đồ mã giống hệt con cá chình và đem đốt đi trả lại cho Thủy Tề - Tục truyền rằng: Cá chình lớn nó trở thành "Thuồng Luồng" (một con vật trong tưởng tượng của người xưa giống như tưởng tượng ra con Rồng vậy). Chỉ có Thuồng Luồng mới vượt cạn từ hồ này sang hồ khác, ai mà nhặt được vảy Thuồng Luồng đặt vào mũi thì người đó sẽ đi được dưới nước một cách bình thường vì có vảy Tuồng Luồng rẽ nước. Những người đi rừng nếu thấy đường đi của Thuồng Luồng là quay về ngay, sợ điều không may xảy ra.

Tập tính sinh đẻ của cá Chình cũng hết sức kỳ lạ. Bắt đầu vào thu khi có gió Đông Bắc, những đêm tối trời, mưa to gió lớn, cá bố mẹ kết đàn từ nguồn thượng lưu của các con sông hoặc trong đầm phá vượt hàng ngàn dặm đường đến biển Thái Bình Dương để tìm bãi đẻ thích hợp (độ sâu 400-500m, độ mặn trên 35%0, nhiệt độ nước 16-170C). Sau khi làm xong nghĩa vụ bảo tồn nòi giống, cá mẹ vĩnh viễn ra đi, còn đàn con lại tìm về cội nguồn "quê cha đất tổ" của các con sông nước ngọt để sinh sống.

Cá Chình là loài cá "khó tính", vùng cư trú hẹp, nơi sống cần có điều kiện thích hợp, là loài được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam, có giá trị lớn về mặt kinh tế. Trong những năm lại đây, do nhu cầu thị trường nên người ta dùng nhiều hình thức đánh bắt, do đó cá Chình đang có nguy cơ tuyệt diệt.

Những loài đặc sản

Được gọi là đặc sản vì đây là "của hiếm" không phải gặp ở mọi nơi mà chỉ phân bố ở những vùng nhất định, điều kiện sinh sản cũng khó khăn nên họ hàng không được đông đúc như các loài khác. Đặc sản nước ngọt chủ yếu các loài trong họ rùa, họ ba ba và họ kỳ đà (nằm trong nhóm bò sát nhưng đời sống chủ yếu sống ở nước ngọt).

Một trong những loài có kích thước lớn nhất đó là con Giải (vùng Lệ Thủy, Quảng Ninh gọi là con Rộn, Trựng), chúng thường sống ở những vùng nước sâu, trong mát, đáy có nhiều hang đá, thường phân bố ở vùng thượng nguồn của các nhánh sông như hồ Cẩm Ly (Lệ Thủy), Trường Sơn, Tam Lu, Rào Trù, Rào Đá, Khe Giữa (Quảng Ninh), Vực Tròn (Quảng Trạch)... Hình thái và tính hung dữ như ba ba nhưng kích thước so với ba ba lớn hơn nhiều, mai có con dài trên 0,6m, nặng 50-70kg - có con đến tạ. Những người từng đi khai thác Trẹng ở hồ Cẩm Ly đã kể rằng, những năm 60, khi hồ cạn nước để thi công lại đập mới có người bắt được những con Trẹng nặng trên 100kg, 2 người khiêng rất vất vã. Với cở này người nặng 60kg đứng trên mai, Trẹng vẫn di chuyển nhẹ nhàng. Thịt Trẹng chẳng những loại thực phẩm cao cấp mà còn dùng để chữa bệnh, theo kinh nghiệm dân gian phổi và thịt chữa được bệnh hen suyễn.

Con Ba Ba (con Hôn) so với Trẹng thì kích thước nhỏ hơn nhiều, nó cũng thuộc vào loại dữ không kém gì Trẹng, trẻ con cho đến người lớn nếu không cẩn thận dễ bị Ba Ba cắn và rất khó gỡ ra vì hai hàm răng liền và rất sắc, chúng bắt mồi theo kiểu đớp chặn. Ba Ba có hai loài phổ biến, loại Ba Ba Trơn sống ở ruộng, sông ở đồng bằng, Ba ba Gai sống ở khe, suối vùng thượng nguồn. Ba Ba Trơn thịt thơm ngon hơn Ba Ba Gai. Cứ đến mùa cày vỡ (cày ải) ruộng sâu, ở vùng Lệ Thủy, Quảng Ninh hay làm đất trước khi cấy người ta hay bắt được Ba Ba trên ruộng, tháng 3 đến tháng 7 là mùa để trứng của Ba Ba, Ba Ba cái tìm đến những bờ đê, bờ sông yên tỉnh, ít người và gia súc qua lại, đêm đến chúng bò lên bờ đào hố vừa đủ để gửi vào đó khoảng 20-30 trứng rồi vùi lại, nhờ nhiệt của tự nhiên ấp trứng. Một năm đẻ 3-4 lứa. Trước đây Ba Ba không phải là đối tượng đánh bắt chủ yếu, người đi làm đồng bắt gặp đem về nấu cháo ăn chơi, tuy rằng từ xưa Ba Ba là một món ăn đặc sản và mặt hàng xuất khẩu có giá trị.

Cùng họ hàng với Trẹng và Ba Ba nhưng tính hiền lành, cơ thể nhỏ nhắn, xinh xắn hơn đó là Rùa, họ rùa có nhiều loài: rùa Hộp có Hộp Trán vàng, Hộp Ba vạch, rùa Ba gờ, rùa Đất, rùa Sa nhân, rùa Bốn mắt, rùa Núi có núi Vàng, núi Viền. Chúng sống và phân bố khắp mọi nơi, ở các suối, các khe rãnh trong rừng vùng núi và trung du, ở những con lệch, nhánh sông vùng đồng bằng. Đa số ưu vùng nước nông, khi trời nắng thích lên tắm nắng ở bãi ven bờ. Ban ngày sống ẩn trong các đám cỏ, hay dưới các đống cây mục nát, tối mới ra đi kiếm ăn. Đối với các loài rùa núi nó sống thành đàn trong hang, lúc nhiều lên đến vài chục con, khi leo núi chúng xếp thành hàng một, con đực dẫn đầu, theo thứ tự lớn trước nhỏ sau. Rùa có khả năng nhịn đói hàng tháng nhưng thiếu nước rùa sẽ chết. Hàng năm vào tháng 4-9 là mùa giao phối và đẻ trứng. Trong những đêm trời sáng, chúng nổi lên khỏi mặt nước đùa giỡn vẫy vùng rồi sau đó bò lên cạn rất "khí thế" và hoạt bát. Con đực chủ động quay tròn quanh con cái, dúi đầu vào con cái, hoặc dùng chân trước chặn con cái lại không cho bò đi và tiến hành giao phối. Một lần con đực thụ tinh có "hiệu quả" cho nhiều lứa đẻ và thậm chí cho mùa sinh sản năm sau.

Rùa đào ổ đẻ rất tài, rùa mẹ dùng chân sau để đào, nếu gặp đất cứng, rùa đái vào đất để cho đất mềm ra rồi đào tiếp. Đôi khi gặp đất quá cứng, rùa phải vài ba lần đái vào hố và tiếp tục đào cho đến lúc thành ổ đẻ mới thôi. Đào xong, rùa đẻ trứng ở ngoài cửa hang rồi lấy chân sau đẩy trứng vào sâu trong hang vì cửa hang rất nhỏ, cũng như bọn khác trong họ hàng, rùa gửi trứng nhờ trời.

Trong các loài bò sát thì rùa là loài sống lâu nhất, rùa Vàng 152 năm, rùa Hộp 123 năm. Người ta không thấy rùa lột xác, nhưng để lớn lên, từ những tấm vảy sừng có hình đa giác, chúng cứ nới rộng ra. Người ta căn cứ số vòng trên vảy để tính tuổi của rùa.

Thịt rùa thơm ngon, nhiều đạm, giàu vitamin, là dược liệu quý, bổ âm bổ máu, tăng cường thể lực, giải độc... là mặt hàng xuất khẩu rất có giá trị. Trước đây nguồn lợi này rất phong phú, phổ biến ở vùng núi và trung du, tập trung nhất vùng Cẩm Ly (Lệ Thủy), Trường Sơn (Quảng Ninh), Phong Nha - Kẻ Bàng (Bố Trạch - Minh Hoá) .

Một đối tượng khác cũng có thể gọi là đặc sản của xứ nước ngọt đó là kỳ đà Nước. Chúng có mặt hầu hết ở các bờ sông, khe suối vùng trung du miền núi tỉnh ta. Tập trung ở vùng thượng nguồn sông Long Đại, Phong Nha, Cẩm Ly, Rào Nậy... Kỳ đà nước bơi giỏi, có thể lặn lâu tới 20-30 phút, chúng ăn cá và các loài thân mềm khác. Khi ở trên cạn Kỳ Đà dùng chiếc lưỡi chẻ đôi để đánh hơi con mồi. Đến mùa sinh sản con đực thường có hiện tượng đánh nhau để tranh giành con cái. Hang được làm trên bờ sông hoặc dưới gốc cây gần mép nước. Mỗi lần đẻ 15-20 trứng. Trứng ăn ngon, thịt trắng ăn ngon. Thịt và mật dùng làm thuốc, da dùng làm đồ mỹ nghệ. Kỳ đà là món hàng xuất khẩu có giá trị.

1.1.3. Động vật ở cạn

* Bò sát:

Họ hàng khá đông trong nhóm bò sát đó là các loài rắn, chúng phân bố khắp mọi nơi từ miền núi trung du cho đến vùng đồng bằng, ở đâu có bụi bờ, có cây cối, lùm lòi, yên tỉnh, vắng vẻ hoang sơ là nơi rắn thường hay trú ngụ. Họ hàng loài rắn có thể chia làm 2 nhóm, nhóm rắn độc và rắn không độc.

- Loài thuộc nhóm rắn độc đầu tiên phải kể đến đó là rắn Mai Gầm, tuỳ theo địa phương nó còn có nhiều tên gọi khác như rắn đen vàng, rắn ăn tàn, rắn Hổ Lửa, rắn Cạp Nong (ở Bắc). Đây là một trong những loài rắn độc phổ biến nhất sống trong rừng hoặc những nơi gần chổ ở của người: bờ ruộng, bờ sông, bờ đê, vườn tược, bụi tre, bờ ao. Loại rắn độc này phân biệt với các loài khác rất dễ vì trên mình những khoang vàng nhạt xen kẻ với khoang màu đen. Đây là loại rắn rất độc, dân gian có câu: "rắn mai tại chổ, rắn hổ về nhà". song có lẽ vì quá độc nên tạo hoá khiến cho kẻ dễ giết chết người này bởi cái tính lầm lỳ chậm chạp, ít khi cắn ai, ngay cả khi bị châm chọc. Ban ngày thường cuộn tròn người, đầu dấu vào dưới cơ thể, ban đêm mới đi kiếm ăn và khá linh hoạt. Trước đây ở quê ban đêm người ta hay đi soi cá và dùng đóm bằng bùi dùi tre bó lại (chứ không phải dùng đèn măng sông hoặc đèn đất như bây giờ), khi thấy đóm rắn cạp nong thường đi theo sau, do đó dân gian có câu: "Theo đóm ăn tàn" và có cái tên: "Rắn ăn tàn".

- Loài rắn thứ hai không kém loài trên về khả năng gây chết người đó là Hổ Lửa, còn có tên rắn Cạp Nia.

Cứ tưởng "nia" nhỏ hơn "nông" nhưng không phải thế, cạp nia chỉ phân biệt với Mai Gầm bởi thân mình thon mảnh về phía đuôi, đặc biệt các khoanh đen hoặc nâu xen kẻ với những khoang trắng không khép kín toàn thân. Là loài rất độc, so với hổ mang độc gấp 4 lần song được cái chậm chạp, hiền lành và cũng thường hoạt động vào ban đêm.

Một loài rắn khác cũng được coi là "Hổ" và có dáng oai phong đó là rắn Hổ Mang, có nơi gọi là rắn mang bành. Khi gặp kẻ thù rắn phùng mang, bạnh cổ trông vẻ dữ tợn. Rắn không chủ động tấn công người song khi bị kích thích như châm chọc, giẫm lên người rắn sẽ bạnh cổ vươn lên mổ về phía trước doạ nạt. Rắn non thường dữ hơn rắn trưởng thành.

Loài rắn độc có thể coi dữ nhất, có cỡ lớn nhất và được tôn làm "Chúa" trong nhóm "Tứ hổ" đó là rắn hổ Chúa (hay rắn hổ mang Chúa)(4 loài rắn độc - nông, nia, hổ mang, hổ chúa nằm trong Họ: Rắn Hổ). Rắn hổ Chúa dài đến 3,5m có con dài trên 4m, chưa có loài rắn nào đạt đến kỷ lục này. Nơi ở của chúng là gốc cây, trong lùm cây có các mô đất do mối đùn, đào hang bên bờ suối, dưới các gốc cây đổ, đặc biệt ở những nơi yên tỉnh có những cây cổ thụ như si, đa, đề, miếu thờ, lăng tẩm có ít người lui tới. Chính vì thế người ta cho đây là rắn "Thần" không mấy ai đụng đến. Hổ Chúa gặp người hoặc động vật vì sợ phá nơi ở của nó, chúng chủ động tấn công, khi tấn công, cũng giống như Hổ Mang, bạch cổ ra đồng thời nhỏm đứng phần trước cơ thể, vì thân dài nên phần dựng đứng có thể cao đến ngực người lớn, đầu luôn luôn vươn ra phía trước, phì phò, "phùng mang trợn mắt" làm các vạch đen trắng trên đầu, cổ lộ rõ trông đến khiếp người. Họ nhà Hổ khi đã đớp được mồi thì ngậm chặt miệng lại, cho răng truyền nọc độc vào cơ thể con mồi, sau đó mới đến động tác nuốt mồi.

Khác với trạng thái doạ nạt kẻ thù, trong quan hệ duy trì nòi giống "rắn Hổ" hết sức đằm thắm, hiền lành.

Đến mùa sinh sản, ngay ở thân rắn Chúa cái tiết ra một chất có mùi đặc biệt để dẫn dụ rắn đực tìm đến. Nếu không phải cát cứ một vùng, rắn đực phải trải qua một cuộc "huyết chiến" tranh giành con cái. Sau cuộc đọ sức với nhiều đối thủ, rắn đực chiến thắng sẽ đuổi vượt theo rắn cái, bất chấp mọi chướng ngại vật. Khi đuổi kịp, chúng cùng bò song song, phần dưới và đuôi rắn đực cuộn lấy rắn cái. Cuộc giao hoan như thế kéo dài hơn một giờ trước khi giao phối, lúc này cơ quan giao cấu của con đực ở hai bên lỗ huyệt lộ rõ ra ngoài do máu dồn đến cương lên (chuyện xưa cho rằng, rắn khi nướng mọc thêm chân đó chính là nguyên nhân khi gặp nhiệt máu dồn vào cơ quan giao cấu nở ra và bật ra ngoài).

Rắn Hổ Chúa đực và cái sau cuộc giao hoan thì chúng không rời nhau nữa bước. Sau khi đẻ chừng 20-40 trứng, rắn Hổ Chúa cái nằm cuộn tròn lên trên để bảo vệ và giữ trứng khỏi bị khô cho đến lúc trứng nở. Dù tổ chỉ cách đường đi lối lại chỉ vài bước chân, nhưng nó chỉ biết nằm im ôm lũ con sắp đến kỳ nở.

Nhóm rắn độc khác cũng cần phải kể đến đó là họ nhà Lục. Thân hình mảnh mai và không có loài nào vượt quá chiều dài 1 mét, đời sống thường trên cây, chỉ xuống đất khi đi kiếm ăn. Họ hàng nhà Lục khá đông, lục Núi, lục Tre, lục Sừng, lục Mép, lục Khô mộc, lục Xanh. Trong số đó lục Xanh phổ biến nhất. Khi cắn nọc độc dễ gây chết người, đặc biệt đối với trẻ con. Chúng thường nằm im trên cây hoặc ẩn dưới vỏ cây. Nếu động, bất thình lình lục Xanh mổ rất mạnh bằng cách bật phần sau cơ thể ra phía trước. Người dân khi vào rừng, hoặc vào các lùm cây thường hay bị rắn lục cắn vì thân hình nhỏ, màu xanh dễ lẫn trong lá cây khó phát hiện.

Khi săn mồi trên mặt đất, rắn lục vội nhổm dậy, vươn phần thân trước lên theo hình chữ S và dựa vào khúc thân sau vẫn cuộn tròn như một cái đế vững chắc, rắn quay đầu theo các hướng dõi theo con mồi. Khúc mình điều chỉnh theo đúng tầm đúng hướng rất linh hoạt. Khi đã bắt đúng mục tiêu, rắn lao nhanh về phía con mồi và mổ thẳng 2 răng độc vào thân con mồi. Khoảng chừng 30 giây nhả con mồi tiêm nọc độc ra. Nó quan sát con mồi đang run rẩy, co quắp và dần chết lịm đi vì bị ngấm độc. Lúc này rắn mới bò từ từ đến bên con mồi tìm đầu mà nuốt.

Khác với loài trong họ rắn Hổ, rắn Lục không cuộn lấy trứng mà nấp gần ổ trứng để canh giữ.

Các loài thuộc nhóm không độc phổ biến có rắn Nước, rắn Lại (rắn Ráo), rắn Sọc dưa, rắn Học trò, rắn Bồng chì, rắn Rồng cổ đen, rắn Sọc đuôi khoanh. Các loài trong nhóm này ít cắn người, nếu có cắn cũng không gây độc. vì không có độc nên khi bắt mồi linh hoạt và hết sức nhanh nhẹn lao theo con mồi và há to miệng ngoạm chặt vào bất kỳ chỗ nào của con mồi rồi khéo léo dùng hàm dưới đưa dần con mồi vào gọn trong khoang miệng.

Dù độc hay lành rắn là đối tượng gắn bó với cuộc sống loài người từ xa xưa. Con rắn đã đi vào cả sinh hoạt vật chất lẫn tinh thần. Hình ảnh con rắn ngậm đuôi mình thành vòng tròn tượng trưng cho vũ trụ vĩnh hằng, cho sự luân chuyển không ngừng giữa cỏi sống và cỏi chết, giữa ánh sáng và bóng tối. Rắn là trợ thủ đắc lực cho con người, điều tiết sự cân bằng sinh thái giúp cho con người diệt trừ nhiều loại gậm nhấm và sâu bọ nguy hiểm. Một con rắn trung bình mỗi năm ăn 250-400 con chuột, một đời rắn tiêu diệt hàng nghìn, vạn con chuột. Thịt rắn là món ăn đặc sản vì nạc, ngon, bổ, mùi vị lạ, da rắn mềm mịn, dai bền, là đồ mỹ nghệ đắt tiền. Tác dụng dược liệu của rắn thật tuyệt vời. Hầu hết các bộ phận cơ thể rắn đều là những vị thuốc quý. Thịt rắn chữa được bệnh thần kinh, đau nhức, tê liệt, co giật, kinh phong, mụn nhọt, lỡ loét. Mỡ rắn là thuốc chữa bỏng, chốc đầu, chóng lên da non. Máu chữa chứng nhức mỏi, đau lưng. Mật rắn chống viêm, đau sưng, thấp khớp, ra mồ hôi trộm, nóng sốt, nhức đầu dai dẳng. Nọc rắn quý hơn vàng, dùng làm thuốc chữa nhiều bệnh hiểm nghèo như: hủi, ung thư, động kinh, đau cơ, viêm dây thần kinh, viêm khớp, trẻ em động kinh co giật.v.v... Rượu rắn, cao rắn làm tăng cường sinh lực, chữa tê thấp, đau nhức xương, khớp. Thuốc tây bào chế từ rắn với những vị thuốc có công hiệu mạnh hơn và rộng hơn.

Hiện nay do môi trường sống bị thu hẹp, nhu cầu thị trường tiêu thụ lớn, tất cả các loài rắn đều bị săn bắt ráo riết, cả số lượng và chủng loại đều bị giảm sút nghiêm trọng.

Cùng họ hàng với rắn, cũng là chúa tể trong nhóm bò sát về kích thước trọng lượng đó là Trăn. Có lẽ Trăn là loài bò sát trên cạn lớn và nặng nhất, Trăn mốc (còn gọi là Trăn đất) khi trưởng thành dài từ 6-8m, có con trên 10m, nặng hàng trăm cân. Vùng trung du, miền núi tỉnh ta ở đâu cũng có mặt của Trăn, chúng thường phân bố ở rừng thưa, núi đá thấp, gần nước, đôi khi vắt mình trên cành cây. Mỗi lần có lũ đầu nguồn Trăn hay theo nước lũ xuôi về vùng trung du. Trăn là loài bò sát đi kiếm mồi ban ngày (người ta thường dựa vào kiểu cấu tạo của con ngươi để phân biệt rắn đi kiếm mồi ban ngày hay ban đêm. Rắn ngày có con ngươi tròn gồm có rắn nước, rắn ráo, trăn. Rắn đêm hoặc hoàng hôn có con ngươi dọc, gồm những loài rắn hổ mang, hổ chúa, cạp nong, cạp nia, rắn lục. Rắn chuyên đêm có con ngươi ngang).

Trăn ăn những động vật có móng guốc nhỏ như dê, sơn dương, hoẳng, khỉ và bọn gậm nhấm, đôi lúc trong trường hợp Trăn đói do thiếu mồi chúng tấn công cả người đi rừng. những con Trăn như thế người ta cho là đã hoá thành "Tinh".

Những năm 60 (thế Kỷ XX) trở về trước, khi nhu cầu con người chưa hướng đến khai thác các động vật hoang dã, người đi rừng ở Cẩm Ly, Rào trù, Rào Đá thường hay gặp Trăn đang bắt mồi, như chồn, thỏ, có lúc cả con mang (hoẳng). Nhiều người đi làm gỗ hoặc hái củi kể lại rằng: khi Trăn đã nuốt được con mồi vào bụng, đặc biệt những con mồi to chúng nằm im như khúc gỗ, nhiều người nhầm là khúc gỗ thật ngồi lên nghỉ, thậm chí làm chỗ tựa để đẻo gọt các thứ. Trăn đau đớn cựa mình khi đó mới phát hiện ra.

Trăn săn mồi, tuỳ đối tượng mà có nhiều hình thức, hoặc nằm lỳ một nơi để chờ con mồi dẫn xác đến, hoặc đuổi rượt theo con mồi một cách khéo léo. Thường thường trong tự nhiên Trăn không thể nằm chờ "sung rụng" mà phải lần theo dấu vết con mồi. Một con vật thiếu cả 4 chân và không có chất độc làm tê liệt con mồi như Trăn thì phải biết sử dụng sức mạnh của bộ hàm và tấm thân mềm mại, với mọi kỹ thuật bắt mồi điêu luyện để tóm cho bằng được con mồi. Khi phát hiện ra con mồi, đặc biệt những con mồi quá lớn, Trăn há miệng, lao thẳng vào mồi như một ánh chớp và bất kỳ chổ nào, 2 hàm răng khỏe cắn chặt lấy mồi, còn thân quấn chặt lấy toàn thân con mồi, như một sợi dây thiết dần lại cho đến lúc con mồi ngừng thở. Lúc đó Trăn mới từ từ thả mồi ra và dò dẫm tìm đầu con mồi để nuốt. Chất nhầy trong miệng Trăn tiết ra bao lấy con mồi như bôi một lớp mỡ bên ngoài. Các vùng thân của Trăn cuộn lấy con mồi và đẩy dần miếng mồi vào miệng. Chẳng bao lâu con mồi trôi đến tận dạ dày. Người ta đã thấy một con Trăn Mốc một ngày một đêm đã xài hết 4 con dê nặng từ 5,5 - 8,5kg mặc dầu những con dê này có sừng dài 7 - 8cm. Một lần khác bắt gặp một chú Trăn nuốt trôi cả một con sơn dương nặng 42kg trong 1 giờ rưởi. Để tiêu hoá xong một con mồi cở lớn như trên, Trăn phải mất từ 8 -10 ngày nếu trời nóng, và trên 1 tháng vào mùa lạnh.

Tục truyền rằng, mỗi lần Trăn muốn "nôn" những thứ không tiêu hoá được qua đường hậu môn như: xương, thì Trăn tìm ăn lá cây ngái (họ sung, vả) sau đó Trăn bò lên một cây cao, đuôi quấn lên trên cành cây, thả mình quay ngược trở xuống, Trăn há to mồm ra, toàn thân co rút và "nôn" xương và các thứ cặn bả khác ra đường mồm.

Mỗi năm Trăn đẻ một lần bắt đầu từ mùa xuân. Tuỳ vào tuổi và kích thước mà Trăn đẻ từ 8 - 100 trứng. Trăn được coi là loài có tập tính ấp trứng chính thức trong nhóm bò sát. Sau khi đẻ xong Trăn cái dùng đuôi và cử động uốn mình của thân để vun trứng lại thành đống, sau đó toàn thân Trăn như một chiếc chăn cuộn lấy toàn bộ ổ trứng vào trong những khúc thân. Cứ ở tư thế đó trong 6 tuần, Trăn cái gắn bó với ổ trứng và chỉ rời chốc lát để đi uống nước.

Trước đây, Trăn được xem là loài "khổng lồ" có sức mạnh và nhanh nhẹn nên không ai nghĩ đến việc săn bắt. Nhưng nay, thịt trăn trở thành món ăn đặc sản, xương trăn, máu trăn, mật trăn là dược liệu quý, da trăn là loại mỹ nghệ cao cấp, do đó Trăn đang có nguy cơ hiếm dần vì bị săn lùng ráo riết.

Trong nhóm bò sát còn phải kể đến họ hàng tắc kè có tắc kè núi, Thạch sùng núi, Thạch sùng nhà (thằn lằn). Họ hàng nhông có ô rô, nhông xanh, nhông cát, rồng đất (tắc kè bóng) sống ở trên các cành cây, bụi cây trẻ con hay bắt cho hút thuốc. Họ hàng thằn lằn có thằn lằn chân ngắn, thằn lằn hoa, thằn lằn đuôi dài, thằn lằn bóng mà ta quen gọi là rắn mối thường có mặt trong nhà hoặc trong bụi bờ quanh vườn. Nói chung các đối tượng có mặt ở trên đều có giá trị lớn trong đời sống của người dân từ bao đời nay, có đối tượng dùng để làm thuốc, có đối tượng là loài thực phẩm quý. Là người bạn của nhà nông trong việc tiêu diệt một số côn trùng gây hại.




tải về 281.54 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương