01. ĐẤT ĐAI, khí HẬU, ĐƠn vị HÀnh chính t0101. Diện tích và cơ cấu đất



tải về 2.72 Mb.
trang3/44
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2016
Kích2.72 Mb.
#29322
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   44

T0201.5 Trình độ học vấn

1. Mục đích, ý nghĩa

Trình độ học vấn của dân số là một chỉ tiêu thống kê quan trọng, phản ánh mối tương quan thuận với trình độ phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội và nhân khẩu học của dân số. Trong nghiên cứu dân số, trình độ học vấn là một biến số xác định nhận thức và hành vi của dân số, là một đặc trưng xã hội gắn liền với mỗi người. Trình độ học vấn của dân số luôn tác động đến sự thay đổi tích cực về mức độ sinh, mức độ chết, các tình trạng về hôn nhân, di cư và hoạt động kinh tế, v.v...



2. Khái niệm, nội dung

Theo Tổ chức Văn hoá, Khoa học và Giáo dục của Liên Hợp Quốc (UNESCO), trình độ học vấn đã đạt được của một người được định nghĩa là lớp học cao nhất đã hoàn tất trong hệ thống giáo dục quốc dân mà người đó đã theo học.

Theo Luật Giáo dục hiện hành, Hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm Hệ thống giáo dục chính quy và Hệ thống giáo dục thường xuyên, bắt đầu từ bậc giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, dạy nghề cho đến các bậc giáo dục chuyên nghiệp.

Ba khái niệm chủ yếu thường được sử dụng khi thu thập các số liệu về trình độ học vấn của dân số như sau:


  1. Tình trạng đi học: là hiện trạng của một người đang theo học tại một cơ sở giáo dục trong Hệ thống giáo dục quốc dân đã được Nhà nước công nhận, như các trường/lớp mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, phổ thông trung học, các trường/lớp dạy nghề và các trường chuyên nghiệp từ bậc trung học chuyên nghiệp trở lên thuộc các loại hình giáo dục- đào tạo khác nhau để nhận được sự truyền đạt kiến thức học vấn phổ thông hoặc kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ một cách có hệ thống.

  2. Biết đọc biết viết: là những người có thể đọc, viết và hiểu đầy đủ những câu đơn giản bằng chữ quốc ngữ, chữ dân tộc hoặc chữ nước ngoài.

  3. Trình độ học vấn cao nhất đã đạt được:

Học vấn phổ thông:

    1. Đối với những người đã thôi học, là lớp phổ thông cao nhất đã học xong (đã được lên lớp hoặc đã tốt nghiệp);

    2. Đối với người đang đi học, là lớp phổ thông trước đó mà họ đã học xong (= lớp đang học – 1).

Dạy nghề: gồm những người đã tốt nghiệp (thường đã được cấp bằng hoặc chứng chỉ) các trường sơ cấp nghề, trung cấp nghề hoặc cao đẳng nghề.

Trung cấp chuyên nghiệp: gồm những người đã tốt nghiệp (thường đã được cấp bằng) bậc trung cấp chuyên nghiệp.

Cao đẳng: là những người đã tốt nghiệp cao đẳng (thường đã được cấp bằng cử nhân cao đẳng).

Đại học: là những người đã tốt nghiệp đại học (thường đã được cấp bằng cử nhân đại học).

Trên đại học: là những người đã tốt nghiệp (thường đã được cấp học vị) thạc sỹ, tiến sỹ, tiến sỹ khoa học.

3. Phân tổ chủ yếu

a) Tình trạng đi hoc:



  1. Đang đi học;

  2. Đã thôi học;

  3. Chưa bao giờ đi học.

b) Trình độ học vấn cao nhất đã đạt được:

  1. Mù chữ (hoặc không biết đọc biết viết);

  2. Biết chữ (hoặc biết đọc biết viết);

  3. Chưa tốt nghiệp tiểu học;

  4. Tốt nghiệp tiểu học;

  5. Tốt nghiệp trung học cơ sở

  6. Tốt nghiệp trung học phổ thông;

  7. Tốt nghiệp sơ cấp nghề;

  8. Tốt nghiệp trung cấp nghề;

  9. Tốt nghiệp cao đẳng nghề;

  10. Tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp;

  11. Cử nhân cao đẳng;

  12. Cử nhân đại học;

  13. Thạc sỹ;

  14. Tiến sỹ/tiến sỹ khoa học.

Trong các cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở, các số liệu về trình độ học vấn phổ thông còn được phân tổ theo lớp; đối với các trình độ dạy nghề hoặc đào tạo chuyên nghiệp (như sơ cấp nghề/trung cấp nghề/cao đẳng nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học và trên đại học) còn được phân tổ theo năm học.

4. Nguồn số liệu

  • Các cuộc tổng điều tra dân số được tiến hành 10 năm một lần;

  • Số lượng dân số theo trình độ học vấn hàng năm thường được suy rộng từ kết quả điều tra mẫu biến động dân số-KHHGĐ hàng năm, điều tra lao động-việc làm hoặc các cuộc điều tra chuyên đề khác, sau khi đã đánh giá mức độ tin cậy mẫu về cơ cấu trình độ học vấn và hiệu chỉnh tương ứng.

T0201.6 Dân tộc

1. Mục đích, ý nghĩa

Cơ cấu dân số theo dân tộc là một bộ phận của cơ cấu dân số nói chung. Khi kết hợp với các chỉ tiêu dân số học (giới tính, độ tuổi, tình trạng hôn nhân,...) và các chỉ tiêu kinh tế-xã hội khác (trình độ học vấn, trình độ chuyên môn kỹ thuật, lao động-việc làm,...), các số liệu dân số theo dân tộc có ý nghĩa phân tích rất quan trọng về các mặt chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội.



2. Khái niệm, nội dung

Dân tộc là nhóm người có chung các đặc tính văn minh, chẳng hạn giống nhau về nguồn gốc, phong tục, tập quán, ngôn ngữ,… Trong trường hợp đặc biệt, dân tộc còn được gọi là ‘‘chủng tộc’’. Khi phân biệt các dân tộc, các nhà nghiên cứu thường sử dụng cách phân biệt đơn giản hơn, chẳng hạn như chủng tộc, ngôn ngữ, nơi sinh, quốc tịch,...

Trong thống kê dân số, dân tộc được thu thập dựa trên cơ sở tự xác định của đối tượng điều tra. Tên dân tộc của một người thường được quy định theo dân tộc của người cha. Tuy nhiên, đối với một số dân tộc còn theo chế độ mẫu hệ, thì tên dân tộc được ghi theo dân tộc của người mẹ.

3. Phân tổ chủ yếu

Trong các cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở, dân tộc thường được phân tổ theo các đặc trưng nhân khẩu học, các đặc trưng kinh tế-xã hội và phân bố theo vùng địa lý, đơn vị hành chính.

Các đặc trưng nhân khẩu học:


  • Giới tính;

  • Độ tuổi;

  • Tình trạng hôn nhân;

  • Tình hình sinh, chết, di cư,...

Các đặc trưng kinh tế - xã hội:

  • Trình độ học vấn;

  • Tình trạng hoạt động kinh tế,...

- Phân bố theo vùng địa lý, các đơn vị hành chính.

v.v…


4. Nguồn số liệu

  • Số liệu dân số theo các thành phần dân tộc thường chỉ được thu thập qua các cuộc tổng điều tra dân số tiến hành 10 năm một lần;

  • Sau tổng điều tra dân số, số liệu dân số theo các thành phần dân tộc thường được tính toán theo phương pháp dự báo cơ cấu;

  • Số lượng dân số theo dân tộc có thể được suy rộng từ kết quả điều tra mẫu biến động dân số-KHHGĐ hàng năm, điều tra lao động-việc làm hoặc các cuộc điều tra chuyên đề khác, với điều kiện là phải hạn chế tối thiểu số nhóm dân tộc (ví dụ chỉ phân tổ theo một ít nhóm dân tộc có quy mô dân số lớn), song nhất thiết phải tiến hành đánh giá độ tin cậy mẫu đối với các nhóm dân tộc cần công bố.

T0201.7 Tôn giáo

1. Mục đích, ý nghĩa

Các số liệu dân số chia theo tôn giáo có ý nghĩa quan trọng khi nghiên cứu mối quan hệ giữa tôn giáo với các đặc trưng kinh tế, văn hoá, xã hội, chính trị, v.v… Nó cho biết tình hình phân bố tôn giáo theo các đặc trưng khác nhau của các vùng và đơn vị hành chính. So sánh số liệu dân số chia theo tôn giáo qua các cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở cho phép thấy được xu hướng thay đổi số lượng người có tín ngưỡng hoặc số tín đồ của các tôn giáo khác nhau.



2. Khái niệm, nội dung

Tôn giáo là một tổ chức gồm những người có chung niềm tin vào một giáo lý nhất định. Trong điều tra thống kê, tôn giáo được hiểu theo hai cấp độ khác nhau:



Thứ nhất, gồm những người có “niềm tin” hoặc “tín ngưỡng” vào một giáo lý tôn giáo nhất định;

Thứ hai, gồm những người đã gia nhập tín đồ của một tôn giáo. Tín đồ khác với tín ngưỡng ở chỗ, ngoài “niềm tin” hoặc “đức tin”, tín đồ cũng phải thoả mãn một số tiêu chuẩn và đã được tổ chức tôn giáo “kết nạp” làm tín đồ của tôn giáo đó. Ví dụ:

  • Phật tử của Phật giáo phải “quy y tam bảo” và được cấp “sớ điệp”;

  • Tín đồ Tin lành phải “chịu phép bắp têm”;

  • Đối với Tín đồ Hồi giáo Ixlam thì họ phải “làm lễ xu-nát” đối với nam và “lễ xuống tóc” đối với nữ. Nếu là Tín đồ Hồi giáo Bni thì trong nhà phải thờ “Thần Lợn”;

  • Tín đồ Cao đài phải được cấp “Sớ cầu đạo”;

  • Tín đồ Phật giáo Hảo hảo thì phải được cấp “Thẻ hội viên”, trong nhà phải thờ “Thần Điều” và treo ảnh Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ;

  • v.v…

3. Phân tổ chủ yếu

Các số liệu về tôn giáo được phân tổ theo giới tính, đơn vị hành chính và theo Danh mục tôn giáo do Ban Tôn giáo Chính phủ (Bộ Nội vụ) đưa ra.



4. Nguồn số liệu

  • Số liệu dân số theo tôn giáo thường chỉ được thu thập qua các cuộc Tổng điều tra dân số tiến hành 10 năm một lần;

  • Sau Tổng điều tra dân số, số liệu dân số theo tôn giáo thường được tính toán theo phương pháp dự báo cơ cấu;

  • Số lượng dân số theo tôn giáo có thể được suy rộng từ kết quả điều tra mẫu biến động dân số-KHHGĐ hàng năm hoặccác cuộc điều tra chuyên đề, với điều kiện là phải hạn chế tối thiểu số nhóm tôn giáo (thường chỉ phân tổ theo một ít nhóm tôn giáo có số dân lớn), song nhất thiết phải tiến hành đánh giá độ tin cậy mẫu đối với các nhóm tôn giáo cần công bố.

T0202. Số hộ và cơ cấu hộ dân cư

1. Mục Đích, ý nghĩa

Trong các cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở cũng như trong nhiều cuộc điều tra chọn mẫu về kinh tế-xã hội khác, hộ là một đơn vị thu thập thông tin. Bởi vậy, số lượng, cơ cấu theo loại hộ có ý nghĩa quan trọng đối với công tác chỉ đạo và thu thập thông tin, ngoài ra cũng là nguồn thông tin quan trọng đối với việc ước lượng dân số, dự báo hộ và dân số. Do hộ có liên quan chặt chẽ với khái niệm gia đình, nên số lượng và cơ cấu hộ cũng là nguồn thông tin quan trọng để đánh giá sự thay đổi theo thời gian về quy mô và cơ cấu hộ cũng như quy mô và cơ cấu gia đình.



2. Khái niệm, nội dung

Hộ là một đơn vị điều tra (thu thập thông tin), bao gồm một hay một nhóm người ở chung và ăn chung. Đối với những hộ có từ 2 người trở lên, họ có thể có hay không có quỹ thu chi chung; họ có thể có hoặc không có quan hệ ruột thịt; hoặc kết hợp cả hai.

Báo cáo này chỉ thu thập loại “hộ dân cư”, không tính các loại “hộ đặc thù” (do quân đội, công an, ngành Lao động-TBXH quản lý theo chế độ riêng).

Hộ và gia đình được phân loại như sau:

a) Hộ một người.

b) Hộ hạt nhân: là loại hộ bao gồm toàn bộ các“gia đình hạt nhân đơn” và được phân tổ thành:

(i) Gia đình có một cặp vợ chồng:

- Có (các) con đẻ;

- Không có (các) con đẻ.

(ii) Bố đẻ cùng với (các) con đẻ;

(iii) Mẹ đẻ cùng với (các) con đẻ.

c) Hộ mở rộng: Được định nghĩa là hộ bao gồm một trong các loại sau đây:

(i) Gia đình hạt nhân đơn và những người có quan hệ gia đình với gia đình hạt nhân. Ví dụ: một người bố đẻ cùng với (các) con đẻ và những người thân khác, hoặc một cặp vợ chồng với (các) người thân khác;

(ii) Hai gia đình hạt nhân trở lên có quan hệ gia đình với nhau mà không có những người khác. Ví dụ: có hai cặp vợ chồng trở lên cùng với (những) đứa con đẻ;

(iii) Hai gia đình hạt nhân trở lên có quan hệ gia đình với nhau cộng với những người có quan hệ gia đình với ít nhất một gia đình hạt nhân. Ví dụ: hai cặp vợ chồng trở lên với (những) người thân khác;

(iv) Hai người trở lên có quan hệ gia đình với nhau, không có ai tạo thành một gia đình hạt nhân.

d) Hộ hỗn hợp: được định nghĩa là hộ gồm các thành phần sau đây:

(i) Một gia đình hạt nhân đơn cộng với những người khác, trong đó có một số người có quan hệ gia đình với gia đình hạt nhân và một số người thì không. Ví dụ: mẹ đẻ cùng (các) con đẻ, ở với những người thân và người không phải người thân;

(ii) Một gia đình hạt nhân đơn cộng với những người khác, trong đó không có ai có quan hệ gia đình với gia đình hạt nhân. Ví dụ: bố đẻ cùng (các) con đẻ và những người không có quan hệ gia đình;

(iii) Hai gia đình hạt nhân trở lên có quan hệ gia đình với nhau cộng với những người khác, trong đó có một số người có quan hệ gia đình với ít nhất một gia đình hạt nhân và một số thì không. Ví dụ: hai cặp vợ chồng trở lên với những người thân và không phải người thân khác;

(iv) Hai gia đình hạt nhân trở lên có quan hệ gia đình với nhau cộng với những người khác, trong đó không có ai có quan hệ gia đình với gia đình hạt nhân. Ví dụ: hai cặp vợ chồng trở lên, trong đó có một hay trên một cặp có (các) con đẻ cùng (những) người không phải người thân;

(v) Hai gia đình hạt nhân trở lên không có quan hệ gia đình với nhau, có hay không có những người khác;

(vi) Hai người trở lên có quan hệ gia đình với nhau nhưng không có ai tạo thành một gia đình hạt nhân, cộng với những người không có quan hệ gia đình;

(vii) Chỉ có những người không có quan hệ gia đình.



3. Phân tổ chủ yếu

Trong các cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở cũng như các cuộc điều tra chọn mẫu hàng năm, hộ của từng tỉnh/thành phố thường được phân tổ theo loại hộ, quy mô của hộ, thành thị/nông thôn, huyện/quận/thị xã/thành phố. Đôi khi hộ còn được phân tổ theo một số đặc trưng của chủ hộ (trình độ học vấn của chủ hộ, thu nhập của chủ hộ,...).



4. Nguồn số liệu

Các số liệu về hộ được thu thập từ:



  • Các cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở;

  • Các cuộc điều tra chọn mẫu về dân số và lao động-việc làm hàng năm;

  • Các cuộc điều tra chuyên đề khác lấy hộ làm đơn vị điều tra.

Đối với các cuộc điều tra mẫu nói trên, nhất thiết phải đánh giá mức độ tin cậy mẫu và điều chỉnh tương ứng trước khi quyết định suy rộng mẫu đến cấp nào.

T0203. Mật độ dân số

1. Mục Đích, ý nghĩa

Mật độ dân số là một chỉ tiêu cho phép đánh giá mức độ tập trung dân số theo lãnh thổ. Mật độ dân số phản ánh mối tương quan giữa dân số với đất đai, tài nguyên và môi trường. Mật độ dân số còn là một chỉ báo quan trọng liên quan đến các chỉ tiêu kinh tế-xã hội khác, như khả năng và mức độ đô thị hoá, khả năng phát triển kinh tế-xã hội-an ninh quốc phòng,…



2. Khái niệm, nội dung

Mật độ dân số là số dân tính bình quân trên một kilômét vuông diện tích lãnh thổ.



3. Phương pháp tính

Mật độ dân số được tính bằng cách chia dân số (thời điểm hoặc bình quân) của một vùng dân cư nhất định cho diện tích lãnh thổ của vùng đó. Mật độ dân số có thể tính cho toàn quốc hoặc riêng từng vùng (nông thôn, thành thị, vùng kinh tế), từng tỉnh, từng huyện, từng xã, v.v... nhằm phản ánh tình hình phân bố dân số theo địa lý vào một thời gian nhất định.

Công thức tính:

Mật độ dân số (người/km2) = Số lượng dân số (người)/ Diện tích lãnh thổ (km2)



4. Phân tổ chủ yếu

Mật độ dân số có thể được tính theo các đơn vị hành chính của tỉnh/thành phố (huyện/quận/thị xã/thành phố hoặc xã/phường/thị trấn) hoặc theo các vùng địa lý trong tỉnh/thành phố. Trừ các cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở, số liệu điều tra chọn mẫu hàng năm của tỉnh/thành phố chỉ phân tổ theo huyện/quận/thị xã/thành phố.



5. Nguồn số liệu

Số liệu về số lượng dân số có thể lấy từ các cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở (dân số thời điểm) hoặc lấy từ Niên giám Thống kê của tỉnh/thành phố (dân số trung bình hàng năm).

Diện tích lãnh thổ có thể lấy từ Niên giám Thống kê của tỉnh/thành phố, hoặc chi tiết hơn từ công bố chính thức về kết quả Tổng điều tra đất do Nhà nước đã ban hành.

T0204. Tỷ số giới tính của dân số

1. Mục đích, ý nghĩa

Nếu các thế hệ trong dân số phát triển bình thường, thì số nam và số nữ của một dân số nhất định thường cân bằng nhau. Tuy nhiên, do nhiều lý do khác nhau, thực tế dân số nam thường thấp hơn dân số nữ. Sự cân bằng giới tính nam-nữ trong dân số được đo lường qua tỷ số này là một chỉ báo quan trọng, nó đánh giá mức độ ảnh hưởng của sự cân bằng giới tính của dân số đến tình hình phát triển kinh tế-xã hội và nhân khẩu học của cả nước và từng địa phương.



2. Khái niệm, nội dung

Tỷ số giới tính của dân số được xác định bằng số nam trên 100 số nữ của tỉnh/thành phố và được tính theo công thức sau:

Tỷ số giới tính của dân số = (Tổng số nam/Tổng số nữ) *100

3. Phân tổ chủ yếu

Tỷ số giới tính của dân số được tính cho thành thị/nông thôn của tỉnh/thành phố.



4. Nguồn số liệu

Số liệu dân số chia theo giới tính có thể khai thác từ tổng điều tra dân số và nhà ở, các cuộc điều tra biến động dân số và KHHGĐ hàng năm (dân số thời điểm) hoặc lấy từ Niên giám Thống kê của cả nước hoặc của tỉnh/thành phố (dân số trung bình hàng năm).



T0205. Tỷ số giới tính của trẻ em mới sinh

1. Mục đích, ý nghĩa

Tỷ số giới tính của trẻ em mới sinh (cũng gọi là tỷ số giới tính khi sinh) phản ánh sự cân bằng giới tính của số trẻ em mới sinh trong một thời kỳ (thường là một năm lịch). Bình thường, tỷ số này dao động từ 103 đến 107 và rất ổn định qua thời gian và không gian. Bất kỳ sự thay đổi đáng kể nào của tỷ số này chệch khỏi mức dao động bình thường đó đều phản ánh sự can thiệp có chủ ý ở một mức độ nào đó và làm ảnh hưởng đến sự mất cân bằng giới tính tự nhiên, đe doạ sự mất ổn định dân số. Chỉ số này đã và đang được các nhà hoạch định Chính sách cũng như các cơ quan thông tin đại chúng hết sức quan tâm, bởi vì khi số trẻ em trai cao hơn một cách bất bình thường so với số trẻ em gái có thể gắn liền với tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, cùng với sự tiếp cận dễ dàng đến các dịch vụ kỹ thuật chuẩn đoán sớm giới tính của thai nhi và dịch vụ nạo phá thai có thể dẫn đến tình trạng lựa chọn giới tính thai nhi ở một số địa phương.



2. Khái niệm, nội dung

Tỷ số giới tính của trẻ em mới sinh là số trẻ em trai trên 100 trẻ em gái mới được sinh ra trong kỳ, thường là một năm lịch.



3. Phương pháp tính

Tỷ số giới tính của trẻ em mới sinh được tính theo công thức sau:

Tỷ số giới tính của trẻ em mới sinh = (Tổng số bé trai/Tổng số bé gái) *100

4. Phân tổ chủ yếu

Tỷ số giới tính của trẻ em mới sinh của tỉnh/thành phố được tính cho thành thị/nông.



5. Nguồn số liệu

Số liệu về số trẻ em mới sinh trong kỳ (thường là một năm lịch) chia theo giới tính có thể khai thác từ tổng điều tra dân số và nhà ở, điều tra biến động dân số và KHHGĐ hàng năm, số liệu thống kê hộ tịch hoặc tổng hợp từ tài liệu đăng ký dân số.



T0206. Tỷ suất sinh thô

1. Mục đích, ý nghĩa

Tỷ suất sinh thô là một trong những chỉ tiêu đo lường mức sinh của dân số. Là một trong hai thành phần của tăng tự nhiên dân số, tỷ suất sinh thô lớn hay nhỏ có ảnh hưởng lớn đến quy mô, cơ cấu và tốc độ gia tăng dân số.

So với các chỉ tiêu khác về mức sinh, tỷ suất sinh thô là một chỉ tiêu phụ thuộc vào cơ cấu dân số theo độ tuổi, có nguồn thông tin dễ thu thập, thường sẵn có và được tính toán đơn giản.

2. Khái niệm, nội dung

Tỷ suất sinh thô cho biết, cứ 1.000 dân, có bao nhiêu trẻ em sinh ra sống trong năm.



3. Phương pháp tính

Tỷ suất sinh thô là tỷ số giữa tổng số sinh trong kỳ (thường là một năm lịch) với dân số trung bình hay dân số giữa thời kỳ (hoặc giữa năm).

Công thức tính:

Trong đó:

B - Tổng số sinh trong năm;

P - Dân số trung bình (hoặc dân số giữa năm).



4. Phân tổ chủ yếu

Tỷ suất sinh thô được phân tổ theo giới tính của trẻ mới sinh, thành thị/nông thôn của tỉnh/thành phố.



5. Nguồn số liệu

- Từ các cuộc điều tra chọn mẫu (mẫu kết hợp trong Tổng điều tra dân số và nhà ở, điều tra chọn mẫu biến động dân số hàng năm, điều tra nhân khẩu học và sức khoẻ,...);

- Từ các hồ sơ hành chính (đăng ký hộ tịch, đăng ký dân số).

T0207. Tổng tỷ suất sinh

1. Mục đích, ý nghĩa

Tổng tỷ suất sinh là một chỉ tiêu tổng hợp của mức độ sinh, không phụ thuộc vào cơ cấu tuổi của dân số, là công cụ phân tích chế độ tái sinh sản dân số hữu hiệu nhất. Tổng tỷ suất sinh là một trong những chỉ tiêu quan trọng của Chiến lược dân số Việt Nam và là chỉ tiêu không thể thiếu đối với công tác dự báo dân số.



2. Khái niệm, nội dung

Tổng tỷ suất sinh (TFR) là số con đã sinh ra sống bình quân tính trên một phụ nữ (hoặc một nhóm phụ nữ) trong suốt thời kỳ sinh đẻ nếu chị ta tuân theo các tỷ suất sinh đặc trưng của một năm đã cho trong suốt thời kỳ sinh đẻ (nói cách khác là nếu chị ta kinh qua các tỷ suất sinh đặc trưng của những phụ nữ 15 tuổi, 16 tuổi, 17 tuổi,... , cho đến 49 tuổi).



3. Phương pháp tính


Tổng tỷ suất sinh được tính theo công thức:

Trong đó:



  • Bx : là số trẻ sinh ra sống đã đăng ký trong năm của những bà mẹ (x) tuổi,

  • x : là khoảng tuổi 1 năm;

- Wx :là số phụ nữ (x) tuổi có đến giữa năm tính toán. Các tỷ suất sinh đặc trưng theo tuổi được cộng dồn từ x =15 tới x =49.


Trong thực tế, tổng tỷ suất sinh được tính bằng phương pháp rút gọn hơn. Trong trường hợp tỷ suất sinh đặc trưng được tính cho nhóm 5-độ tuổi thì chỉ số (i) biểu thị các khoảng 5-tuổi, như: 15-19, 20-24,..., 45-49. Khi đó:

Trong đó:

- Bi : là số trẻ sinh ra sống đã đăng ký trong năm của những bà mẹ thuộc nhóm tuổi (i),

- i : là khoảng 5-độ tuổi liên tiếp;

- Wi :là số phụ nữ thuộc cùng nhóm tuổi (i) có đến giữa năm tính toán.

Hệ số 5 trong công thức trên là áp dụng cho tỷ suất bình quân của nhóm 5-độ tuổi liên tiếp sao cho TFR sẽ tương xứng với tổng các tỷ suất đặc trưng từng độ tuổi nêu trong công thức trên.



4. Phân tổ chủ yếu

Tổng tỷ suất sinh được tính cho khu vực thành thị/nông thôn của tỉnh/thành phố.



5. Nguồn số liệu

- Từ các cuộc điều tra chọn mẫu (mẫu kết hợp trong Tổng điều tra dân số và nhà ở, điều tra chọn mẫu biến động dân số hàng năm, điều tra nhân khẩu học và sức khoẻ,...);

- Từ các hồ sơ hành chính (đăng ký hộ tịch, đăng ký dân số).

T0208. Tỷ suất chết thô

1. Mục đích, ý nghĩa

Tỷ suất chết thô là một trong những chỉ tiêu đo lường mức độ chết của dân số. Cũng như tỷ suất sinh thô, đây là một trong hai thành phần của tăng tự nhiên dân số, tỷ suất chết thô lớn hay nhỏ có ảnh hưởng lớn đến quy mô, cơ cấu và tốc độ gia tăng dân số.

So với các chỉ tiêu khác về mức độ chết, tỷ suất chết thô là một chỉ tiêu có nguồn thông tin dễ thu thập, thường sẵn có và được tính toán đơn giản.

2. Khái niệm, nội dung

Tỷ suất chết thô cho biết, cứ 1000 dân, có bao nhiêu người bị chết trong kỳ (thường là một năm lịch). Cũng như tỷ suất sinh thô, tỷ suất chết thô bị tác động bởi nhiều đặc trưng dân số, đặc biệt là cơ cấu tuổi của dân số. Tỷ suất chết thô là thành phần không thể thiếu trong việc tính tỷ suất tăng tự nhiên cũng như tính tỷ suất tăng chung của dân số.



3. Phương pháp tính

Tỷ suất chết thô được tính theo công thức:



Trong đó:

CDR - Tỷ suất chết thô;

D - Tổng số người chết trong năm;

Ptb - Dân số trung bình (hay dân số giữa năm).

4. Phân tổ chủ yếu

Tỷ suất chết thô được phân tổ theo giới tính, thành thị/nông thôn của tỉnh/thành phố. 5. Nguồn số liệu

- Từ các cuộc điều tra chọn mẫu (mẫu kết hợp trong Tổng điều tra dân số và nhà ở, điều tra chọn mẫu biến động dân số hàng năm, điều tra nhân khẩu học và sức khoẻ,...);

- Từ các hồ sơ hành chính (đăng ký hộ tịch, đăng ký dân số).



T0209. Tỷ suất chết của trẻ em dưới 1 tuổi

1. Mục đích, ý nghĩa

Tỷ suất chết của trẻ em dưới 1 tuổi (ký hiệu là IMR) có ý nghĩa quan trọng đặc biệt, bởi vì: Thứ nhất, IMR là một trong những chỉ tiêu nhạy cảm nhất phản ánh tình hình cung cấp các phương tiện và dịch vụ bảo sức khoẻ cho nhân dân nói chung, cho bà mẹ và trẻ em nói riêng. Thứ hai, nó đánh giá mức độ tử vong của nhóm dân số có mức độ chết rất cao và tác động mạnh đến tuổi thọ bình quân tính từ lúc sinh. Thứ ba, mọi biểu hiện của sự giảm mức độ chết thì trước hết ảnh hưởng ngay đến IMR và thông qua đó nó tác động đến phân bố dân số theo độ tuổi. Hơn nữa, nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng có mối liên hệ thống kê chặt chẽ giữa IMR và mức độ sinh đẻ. Thứ tư, IMR là một trong những chỉ tiêu quan trọng của mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Thế giới và của Việt Nam.



2. Khái niệm, nội dung

Tỷ suất chết của trẻ em dưới 1 tuổi là số đo mức độ chết của trẻ em trong năm đầu tiên của cuộc sống. Tỷ suất này được định nghĩa là số trẻ em dưới 1 tuổi chết tính bình quân trên 1.000 trẻ em sinh ra sống trong năm đó.



3. Phương pháp tính

Tỷ suất chết của trẻ em dưới 1 tuổi được tính theo công thức sau đây:

D0

IMR = x 1000

B

Trong đó:



IMR - Tỷ suất chết của trẻ em dưới 1 tuổi;

D0 - Số trẻ em chết ở độ tuổi dưới 1 tuổi trong năm;

B - Tổng số trường hợp sinh ra sống trong năm.

4. Phân tổ chủ yếu

Tỷ suất chết của trẻ em dưới 1 tuổi được tính theo giới tính, thành thị/nông thôn của tỉnh/thành phố.



5. Nguồn số liệu

Tổng điều tra dân số và nhà ở (10 năm/lần) và Điều tra biến động dân số và KHHGĐ hàng năm.



T0210. Tỷ suất chết của trẻ em dưới 5 tuổi

1. Mục đích, ý nghĩa

Tương tự như tỷ suất chết của trẻ em dưới 1 tuổi, tỷ suất chết của trẻ em dưới 5 tuổi cũng là một chỉ tiêu quan trọng, bởi vì đây là một trong những chỉ tiêu nhạy cảm nhằm đo lường mức độ chết cho cả nhóm 5 độ tuổi đầu là nhóm dân số có mức độ chết rất cao, đồng thời nó cũng là một trong những chỉ tiêu quan trọng của mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Thế giới và của Việt Nam.



2. Khái niệm, nội dung

Tỷ suất chết của trẻ em dưới 5 tuổi là số đo mức độ chết của trẻ em trong 5-năm đầu tiên của cuộc sống. Tỷ suất này được định nghĩa là số trẻ em dưới 5 tuổi chết tính bình quân trên 1.000 trẻ em sinh ra sống trong năm đó.



3. Phương pháp tính

Tỷ suất chết của trẻ em dưới 5 tuổi được tính theo công thức sau đây:



0D5

5q0 = x 1000

B

Trong đó:



5q0 - Tỷ suất chết của trẻ em dưới 5 tuổi;

5D0 - Số trẻ em chết ở độ tuổi dưới 5 tuổi trong năm;

B - Tổng số trường hợp sinh ra sống trong năm.



4. Phân tổ chủ yếu

Tỷ suất chết của trẻ em dưới 5 tuổi được tính theo giới tính, thành thị/nông thôn của tỉnh/thành phố.



5. Nguồn số liệu

Tổng điều tra dân số và nhà ở (10 năm/lần), điều tra biến động dân số và KHHGĐ hàng năm.



T0211. Tỷ suất tăng dân số (chung, tự nhiên)

T0211.1 Tỷ suất tăng dân số tự nhiên

1. Mục đích, ý nghĩa

Tỷ suất tăng dân số tự nhiên (đôi khi còn gọi là “tỷ lệ tăng tự nhiên”) được sử dụng để đánh giá hiệu quả của các chương trình dân số-kế hoạch hoá gia đình đối với tình hình gia tăng dân số ở các địa phương, vùng lãnh thổ.

Tỷ suất tăng dân số tự nhiên là một chỉ tiêu có nguồn thông tin dễ thu thập, thường sẵn có và được tính toán đơn giản.

2. Khái niệm, nội dung

Tỷ suất tăng dân số tự nhiên là tỷ suất mà dân số tăng lên (hoặc giảm đi) trong một thời kỳ (thường tính cho một năm lịch) do thặng dư (hoặc thiếu hụt) của số sinh so với số chết và được biểu thị bằng tỷ lệ phần trăm so với dân số trung bình (hay dân số có đến giữa năm).



3. Phương pháp tính

Tỷ suất tăng tự nhiên của dân số bằng hiệu số giữa tỷ suất sinh thô với tỷ suất chết thô của dân số trong một thời kỳ (thường tính cho một năm lịch).



NIR

=

B - D

x

1000

Ptb

Trong đó:

NIR - Tỷ suất tăng dân số tự nhiên

B - Số sinh trong năm;

D - Số chết trong năm;

Ptb - Dân số trung bình (hoặc dân số có đến ngày 1 tháng 7) của năm.

4. Phân tổ chủ yếu

Tỷ suất tăng dân số tự nhiên được tính cho thành thị/nông thôn của tỉnh/thành phố.



5. Nguồn số liệu

Từ Tổng điều tra dân số và nhà ở, điều tra biến động dân số và KHHGĐ hàng năm.



T0211.2 Tỷ suất tăng dân số chung

1. Mục đích, ý nghĩa

Tỷ suất tăng dân số chung được sử dụng để đánh giá tình hình gia tăng dân số chung ở các địa phương, vùng lãnh thổ dưới tác động của mức tăng tự nhiên và mức di cư thuần của dân số. Đối với dân số của các địa phương và vùng lãnh thổ, do mức độ di cư nội địa thường khá cao, nên tỷ suất tăng dân số chung là cơ sở để tính toán tổng số dân đến các thời điểm khác nhau.

Tỷ suất tăng dân số chung cũng là một chỉ tiêu có nguồn thông tin dễ thu thập, thường sẵn có và được tính toán đơn giản.

2. Khái niệm, nội dung

Tỷ suất tăng dân số chung (gọi tắt là "Tỷ suất tăng dân số") là tỷ lệ mà theo đó dân số được tăng lên (hay giảm đi) trong một thời kỳ (thường tính cho một năm lịch) do tăng tự nhiên và di cư thuần, được biểu thị bằng tỷ lệ phần trăm so với dân số trung bình (hay dân số có đến giữa năm).



3. Phương pháp tính

Công thức tính tỷ suất tăng dân số chung như sau:



GR = CBR - CDR + IMR - OMR

Trong đó:

GR - Tỷ suất tăng dân số chung;

CBR - Tỷ suất sinh thô;

CDR - Tỷ suất chết thô;

IMR - Tỷ suất nhập cư;

OMR - Tỷ suất xuất cư.

Hay: GR = NIR + NMR

Trong đó:

NIR - Tỷ suất tăng dân số tự nhiên;

NMR - Tỷ suất di cư thuần.

4. Phân tổ chủ yếu

Tỷ suất tăng dân số chung được tính cho thành thị/nông thôn của tỉnh/thành phố.



5. Nguồn số liệu

Từ Tổng điều tra dân số và nhà ở, điều tra biến động dân số và KHHGĐ hàng năm.



T0212. Tỷ suất nhập cư, tỷ suất xuất cư, tỷ suất di cư thuần

1. Mục đích, ý nghĩa

Tỷ suất nhập cư, tỷ suất xuất cư và tỷ suất di cư thuần được sử dụng để đánh giá tình hình gia tăng dân số do tác động của biến động di cư (nhập cư, xuất cư) giữa các địa phương, vùng lãnh thổ, thành thị và nông thôn.... Đối với dân số của các địa phương và vùng lãnh thổ, do mức độ di cư nội địa thường khá cao, nên tỷ suất nhập cư, tỷ suất xuất cư và tỷ suất di cư thuần là yếu tố quan trọng, cùng với tỷ suất tăng tự nhiên để tính toán tổng số dân đến các thời điểm khác nhau. Đặc biệt, tỷ suất di cư thuần là nguồn thông tin không thể thiếu đối với công tác dự báo dân số theo địa phương và các vùng lãnh thổ.



2. Khái niệm, nội dung

0212.1 Tỷ suất nhập cư

Tỷ suất nhập cư là số người từ đơn vị lãnh thổ khác (nơi xuất cư) để nhập cư đến một đơn vị lãnh thổ trong thời kỳ nghiên cứu (thường là một năm lịch) tính trên 1.000 dân của đơn vị lãnh thổ đó (nơi nhập cư).

Tỷ suất nhập cư được tính theo công thức sau:


IMR (%o)

=

I

x

1000

Ptb

Trong đó:

IMR - Tỷ suất nhập cư;

I - Số người nhập cư trong năm;

Ptb - Dân số trung bình (hay dân số có đến giữa năm).



0212.2 Tỷ suất xuất cư

Tỷ suất xuất cư là số người xuất cư của một đơn vị lãnh thổ trong thời kỳ nghiên cứu (thường là một năm lịch) tính trên 1.000 dân của đơn vị lãnh thổ đó.

Tỷ suất xuất cư được tính theo công thức sau:


OMR (%o)

=

O

x

1000

Ptb

Trong đó:

OMR - Tỷ suất xuất cư;

O - Số người xuất cư trong năm;

Ptb - Dân số trung bình (hay dân số có đến giữa năm).



0212.3 Tỷ suất di cư thuần

Tỷ suất di cư thuần là hiệu số giữa tỷ suất nhập cư và tỷ suất xuất cư của một đơn vị lãnh thổ trong thời kỳ nghiên cứu (thường là một năm lịch) tính trên 1.000 dân của đơn vị lãnh thổ đó.

Tỷ suất di cư thuần được tính theo công thức sau:


NMR (%o)

=

I - O

x

1000

Ptb

Trong đó:

NMR - Tỷ suất di cư thuần;

I - Số người nhập cư trong năm;

O - Số người xuất cư trong năm;

Ptb - Dân số trung bình (hay dân số có đến ngày 1 tháng 7) của năm.

Hoặc: NMR = IMR - OMR

Trong đó:

NMR -Tỷ suất di cư thuần;

IMR - Tỷ suất nhập cư;

OMR - Tỷ suất xuất cư.



3. Phân tổ chủ yếu

Tỷ suất nhập cư, tỷ suất xuất cư và tỷ suất di cư thuần được phân tổ theo giới tính, thành thị/nông thôn của tỉnh/thành phố.



4. Nguồn số liệu

Từ Tổng điều tra dân số và nhà ở, điều tra biến động dân số và KHHGĐ hàng năm.



T0213. Tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh

1. Mục đích, ý nghĩa

Là một chỉ tiêu tổng hợp của bảng sống, tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh (còn gọi là triển vọng sống trung bình khi sinh hay tuổi thọ trung bình) được ứng dụng rộng rãi trong phân tích dân số. Là chỉ tiêu cơ bản phản ánh mức độ chết của dân số không bị tác động của cơ cấu dân số theo độ tuổi, tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh lại chịu ảnh hưởng bởi mức độ chết ở tất cả các độ tuổi, đặc biệt là tuổi sơ sinh và trẻ em nên nó được sử dụng để so sánh mức độ chết giữa các thời kỳ, giữa các vùng, các nước.

Cũng như chỉ tiêu tổng tỷ suất sinh (TFR), tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh là chỉ tiêu không thể thiếu trong dự báo dân số dài hạn. Tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh còn là một trong những chỉ báo quan trọng để đánh giá mức độ phát triển của một quốc gia, một vùng hay một địa phương; đồng thời còn là một thành tố để tính chỉ số phát triển con người (HDI) - một chỉ tiêu rất quan trọng đánh giá trình độ phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời nó cũng là một trong những chỉ tiêu quan trọng của mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Thế giới và của Việt Nam.

2. Khái niệm, nội dung

Tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh là chỉ tiêu thống kê chủ yếu của bảng sống, biểu thị triển vọng một người mới sinh có thể sống được bao nhiêu năm nếu như mô hình chết hiện tại được tiếp tục.



3. Phương pháp tính

Tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh được tính theo công thức sau:



e0

=

T0







l0

Trong đó:

e0 - Tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh;

T0 - Tổng số người năm của những người mới sinh trong bảng sống sẽ

tiếp tục sống được;

l0 - Số người sống đến độ tuổi 0 của bảng sống (tập hợp sinh ra sống ban đầu được quan sát).

Tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh là một trong những chỉ tiêu tổng hợp được tính toán từ bảng sống. Bởi vậy, một trong những phương pháp tính chỉ tiêu này là phải lập bảng sống cho dân số cần nghiên cứu.



Bảng sống (hay còn gọi là bảng chết) là một biểu thống kê bao gồm những chỉ tiêu biểu thị mức độ chết của dân số ở các độ tuổi khác nhau và khả năng sống của dân số khi chuyển từ độ tuổi này sang độ tuổi khác. Bảng sống chỉ cho thấy, từ một tập hợp sinh ban đầu (cùng một đoàn hệ), sẽ có bao nhiêu người sống được đến 1 tuổi, 2 tuổi, ...,100 tuổi,…; trong số đó có bao nhiêu người ở mỗi độ tuổi nhất định bị chết và không sống được đến độ tuổi sau; những người đã đạt được một độ tuổi nhất định sẽ có xác suất sống và xác suất chết như thế nào; tuổi thọ trung bình trong tương lai là bao nhiêu.

Ba phương pháp cơ bản để lập bảng sống được trình bày tóm tắt như sau:



a) Phương pháp lập bảng sống dựa trên số liệu về số người chết và phân bố dân số theo độ tuổi (tỷ suất chết đặc trưng theo độ tuổi-ASDRx)

Thông thường, việc lập bảng sống thường dựa trên hai số liệu: (i) số người chết chia theo từng độ tuổi (hay nhóm tuổi) thu thập được trong một khoảng thời gian nhất định (ít nhất là 12 tháng), và (ii) dân số chia theo từng độ tuổi (hay nhóm tuổi) tại thời điểm có liên quan đến thời kỳ thu thập số người chết đó. Từ hai loại số liệu này có thể tính được tỷ suất chết đặc trưng theo từng độ tuổi (hay nhóm tuổi) và xác suất chết theo từng độ tuổi hoặc nhóm tuổi (qx).



Tỷ suất chết đặc trưng theo độ tuổi (ASDRx) cho biết, bình quân cứ 1.000 dân ở độ tuổi x sẽ có bao nhiêu người chết trong năm. Tỷ suất chết đặc trưng theo độ tuổi được tính theo công thức:

ASDRx = Dx / t.Px

Trong đó:

ASDRx: Tỷ suất chết đặc trưng theo độ tuổi (x);

Dx : Số người chết trong độ tuổi (x) trong khoảng thời gian t;

Px : Dân số trung bình của độ tuổi (x);

t : Khoảng thời gian tính theo năm.

• Từ tỷ suất chết đặc trưng theo từng độ tuổi (x), có thể tính được xác suất chết trong độ tuổi (x) theo công thức:

2 . mx

qx =

2 + mx

Trong đó:

qx : Xác suất chết trong độ tuổi (x);

mx: Tỷ suất chết đặc trưng theo độ tuổi (x) của bảng sống tương ứng với ASDRx trong thực tế.

• Từ tỷ suất chết đặc trưng theo nhóm tuổi (x, x+n), có thể tính được xác suất chết trong nhóm tuổi (x, x+n) theo công thức:

n . nmx

nqx =

1 + n . nax . nmx

Trong đó:

nqx : Xác suất chết trong nhóm tuổi (x, x+n);

nmx : Tỷ suất chết đặc trưng theo nhóm tuổi (x, x+n) của bảng sống

tương ứng với nASDRx trong thực tế;



nax : Số năm trung bình mà những người chết ở nhóm tuổi (x, x+n)

sống được trong nhóm tuổi đó;

n : độ dài của nhóm tuổi (x, x+n).

b) Phương pháp hệ số sống giữa hai cuộc điều tra (sử dụng dân số chia theo độ tuổi của hai cuộc tổng điều tra dân số gần nhất)

Nếu hai cuộc tổng điều tra được tiến hành cách nhau 10 năm, thì dân số ở độ tuổi 10 tuổi của cuộc TĐTDS sau sẽ chính là số người ở độ tuổi 0 tuổi của cuộc TĐTDS lần trước còn sống sót. Bởi vậy, từ số liệu của hai cuộc TĐTDS, người ta có thể xác định được xác suất sống (và sau đó là xác suất chết) theo độ tuổi và lập được bảng sống trong đó có tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh.

Xác suất sống từ độ tuổi x đến độ tuổi x+t được xác định theo công thức:

tpx = P1x+t / P0x

Trong đó:



tpx : Xác suất sống từ độ tuổi x đến độ tuổi x+t;

P0x : Dân số độ tuổi x của cuộc TĐTDS trước;

P1x+t : Dân số độ tuổi x+t của cuộc TĐTDS sau;

t : Khoảng thời gian giữa hai cuộc TĐTDS gần nhất tính theo năm.

Từ xác xuất sống tpx, sử dụng bảng sống mẫu có thể xác định được xác suất sống trong độ tuổi (x) và các chỉ tiêu còn lại của bảng sống.

c) Phương pháp ước lượng gián tiếp qua số liệu về tỷ suất chết của trẻ em dưới 1 tuổi (IMR) và bảng sống mẫu

Do giá trị của tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh phụ thuộc chủ yếu vào mức độ chết của trẻ em, nhất là tỷ suất chết của trẻ dưới 1 tuổi, nên nếu biết được tỷ suất chết của trẻ dưới 1 tuổi, người ta có thể lập bảng sống và ước lượng tuổi thọ trung bình của dân số thông qua bảng sống mẫu.

Tỷ suất chết của trẻ em dưới 1 tuổi (IMR) được tính theo công thức:

IMR = D0/ B

Trong đó:

D0 : Số trẻ em chết ở độ tuổi 0 tuổi trong năm;

B : Số trẻ em sinh trong năm.

4. Phân tổ chủ yếu

Tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh được phân tổ theo giới tính của tỉnh/thành phố.



5. Nguồn số liệu

Từ Tổng điều tra dân số và nhà ở, điều tra biến động dân số và KHHGĐ hàng năm.



T0214. Tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên biết chữ

1. Mục đích, ý nghĩa

Tỷ lệ biết chữ (còn gọi là tỷ lệ biết đọc biết viết) của dân số từ 15 tuổi trở lên là chỉ tiêu cơ bản về trình độ học vấn của dân số; là chỉ tiêu quan trọng đánh gía trình độ phát triển của một quốc gia, một vùng hay một địa phương; đồng thời còn là nguồn thông tin không thể thiếu để tính chỉ số phát triển con người (HDI).



2. Khái niệm, nội dung

Tỷ lệ (phần trăm) giữa số người 15 tuổi trở lên tại thời điểm (t) biết chữ so với tổng dân số 15 tuổi trở lên tại thời điểm đó.

Người biết chữ là người có thể đọc, viết và hiểu được một câu đơn giản bằng chữ quốc ngữ, chữ dân tộc hoặc chữ nước ngoài.



tải về 2.72 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   44




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương