+++ MỤc lụC Đức Thánh Cha gặp các Giám mục Argentina đi ad limina


Gặp gỡ các tổ chức đối thoại liên tôn



tải về 0.52 Mb.
trang7/8
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích0.52 Mb.
#30968
1   2   3   4   5   6   7   8

Gặp gỡ các tổ chức đối thoại liên tôn

Hoạt động cuối cùng của Đức Thánh Cha trong ngày 11-5-2009 là cuộc gặp gỡ các tổ chức đối thoại liên tôn tại Trung Tâm Đức Bà ở Jerusalem, cách viện Yad Vashem lối 10 cây số.

Trung tâm này do các cha dòng thánh Augustino Đức Mẹ Lên Trời ở Pháp khởi xướng hồi năm 1884 với mục đích giúp đỡ và cho các tín hữu Pháp hành hương Thánh Địa trú ngụ. Sau nhiều năm xây cất, trung tâm được hoàn thành hồi năm 1904. Năm 1978, Đức Gioan Phaolô 2 biến trung tâm này thành một Viện Giáo Hoàng với tên là Trung Tâm Đức Bà Jerusalem, một trung tâm đại kết. Tại đây có 144 phòng, 2 phòng lớn để hội họp, và một thính đường với 500 chỗ ngồi. Từ năm 2004, Đức Gioan Phaolô 2 ủy thác việc quản trị trung tâm này cho Dòng Đạo Binh Chúa Kitô.

Tại thính đường của Trung Tâm Đức Bà vào lúc gần 7 giờ chiều, đã diễn ra cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha và các vị đại diện nhiều tôn giáo ở Thánh Địa: Kitô, Do thái, Hồi giáo, người Hồi giáo Druse, Samaritani, v.v.

Sau lời chào mừng của Đức Thượng Phụ Fouad Twal, Đức Thánh Cha đã ngỏ lời với mọi người hiện diện và đề cao sự đóng góp của các tôn giáo cho văn hóa và xã hội. Ngài đặt câu hỏi: đâu là đóng góp mà tôn giáo mang lại cho các nền văn hóa trên thế giới đang chịu ảnh hưởng của sự hoàn cầu hóa mau lẹ như ngày nay? ĐTC nhấn mạnh rằng trong bối cảnh văn hóa hoàn cầu hóa và bị phân hóa như ngày nay, cần để ý tới sự duy nhất của bản tính con người và ảnh hưởng của sự hiện diện khắp nơi của Thiên Chúa. Và trong nhiều cách thức mà tín hữu cảm nghiệm Thiên Chúa, chúng ta cần nêu bật sự thật này là: Chân lý chẳng những không đe dọa thái độ bao dung đối với những khác biệt hoặc sự đa nguyên văn hóa, trái lại chân lý làm cho con người có thể đồng thuận với nhau và giữ cho cuộc đối thoại công cộng được hợp lý, lương thiện và có thể kiểm chứng được, đồng thời chân lý cũng mở ra con đường dẫn tới hòa bình. Khi thăng tiến ý chí vâng phục chân lý, chúng ta mở rộng ý niệm lý trí và phạm vi hoạt động của lý trí, làm cho sự đối thoại chân thành giữa các nền văn hóa và các tôn giáo có thể tiến hành được và đó là điều mà nhân loại ngày nay đang đặc biệt cần đến.

ĐTC nói thêm rằng:

- ”Những người có tín ngưỡng có thể chia sẻ với tha nhân chân lý về Thiên Chúa và qua đó họ phục vụ xã hội bằng nhiều cách. Chúng ta có thể kiến tạo môi trường, những ốc đảo hòa bình và suy tư sâu xa, trong đó chân lý có thể được khám phá.” Sau cùng, ngài khích lệ các đại diện của các tổ chức dân thân đối thoại liên tôn và nói rằng ”Những khác biệt giữa chúng ta không bao giờ được trình bày một cách sai trí như thể đó là một nguồn mạch gây ra cọ xát và căng thẳng không thể tránh được giữa chúng ta cũng như giữa lòng xã hội. Trái lại, những khác biệt ấy là một cơ hội rất tốt để con người thuộc các tôn giáo khác nhau, có thể sống chung trong niềm tôn trọng sâu xa đối với nhau, trong sự quí chuộng và nâng đỡ nhau trên các nẻo đường của Thiên Chúa”.

Sau cuộc gặp gỡ, Đức Thánh Cha còn làm phép viên đá đầu tiên xây cất Trung Tâm Đức Bà ở Magdala, thuộc miền Galilea, với mục đích nới rộng hoạt động của Trung Tâm Đức Bà ở Jerusalem này. Trung tâm mới sẽ được thiết lập trên khu đất rộng 4,3 hécta, được mua với sự đóng góp của hàng ngàn tín hữu hảo tâm các nơi. Trung Tâm Đức Bà Magdala sẽ được dùng để đón tiếp các tín hữu hành hương và theo dự kiến, Thánh đường thánh Maria Madalena cũng sẽ được xây cất trong tương lai vì đây cũng là nơi sinh trưởng của Thánh Nữ.

Trong cuộc viếng thăm, Đức Thánh Cha đã tặng cho nhà nguyện Trung Tâm một nhà tạm nặng 40 kílô để giữ Mình Thánh Chúa có hình Người Mục Tử nhân lành và các con chiên. Phần bên ngoài bằng bạc và bên trong mạ vàng.

Cũng nên nói thêm rằng cuộc viếng thăm của ĐTC tại Thánh Địa bị những người Hồi giáo và Do thái cực đoan phê bình.

Một số bộ trưởng Do thái thuộc đảng Shas cực hữu tẩy chay, trong khi những người Hồi giáo cực đoan thì than phiền Đức Thánh Cha không công khai xin lỗi rõ ràng vì bài diễn văn tại đại học Regensburg hồi năm 2006 mà họ cho là 'xúc phạm đến Hồi giáo'.

Những thành phần cực đoan này chỉ là thiểu số trong cả hai phía.



G. Trần Đức Anh OP

9. Huấn dụ Đức Thánh Cha trong buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên đàng (17-05-2009)

Trong những ngày qua, dư luận chú ý theo dõi chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha sang Thánh địa, một nơi mà tình hình chính trị khá căng thẳng.

Hôm qua, trong bài huấn dụ trước khi đọc kinh kính Đức Mẹ, ngài đã dâng lời cám tạ Thiên Chúa vì đã kết thúc cuộc hành hương với nhiều ý nghĩa: uỷ lạo các Kitô hữu, gặp gỡ các giáo hội ngoài công giáo cũng như các tôn giáo khác, thăm viếng nạn nhân của những cuộc xung đột.

Dựa theo các bài đọc Sách Thánh của chúa nhựt Phục sinh thứ sáu thuật lại kế hoạch tình thương của Thiên Chúa đối với nhân loại được biểu lộ qua việc dân ngoại được lãnh nhận Thánh Linh, ngài đã trình bày Đất thánh như là nơi mà Thiên Chúa đã thực hiện ý định cứu độ phổ quát dành cho hết mọi người, ý định này được diễn ra trong một lịch sử của tội lỗi và tha thứ, của đau thương và hoan hỉ.

Sau cùng Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI cũng bày tỏ mối quan tâm đối với tình hình chiến sự tại Sri Lanka.

Sau đây là nguyên văn bài huấn dụ.



Anh chị em thân mến

Tôi đã trở về từ Đất thánh từ hôm thứ sáu. Tôi có ý định sẽ kể chi tiết về chuyến hành hương này với anh chị em vào thứ tư sắp tới, nhân buổi tiếp kiến chung. Bây giờ tôi muốn trước hết là cám tạ Thiên Chúa, Đấng đã ban cho tôi hoàn tất chuyến viếng thăm rất quan trọng này. Tôi cũng cám ơn tất cả những ai đã hợp tác với đức Thượng phụ latinh và các vị chủ chăn ở nước Giorđani, các tu sĩ dòng Phan-sinh thuộc tỉnh Thánh địa, chính quyền của Giordani, Israel và Palestina, các cơ quan tổ chức và an ninh. Tôi xin cám ơn các linh mục, tu sĩ và giáo dân đã đón tiếp tôi cách niềm nở, và hết những ai đã tháp tùng và nâng đỡ tôi bằng lời cầu nguyện. Tôi xin hết lòng cám ơn tất cả.

Cuộc hành hương Đất thánh cũng là một cuộc thăm viếng mục vụ dành cho các tín hữu điạ phương, một sự phục vụ cho cuộc hợp nhất các kitô hữu, phục vụ cho cuộc đối thoại với những tín đồ Do thái và Hồi giáo, và cho cuộc xây dựng hoà bình. Đất thánh, biểu tượng của tình thương Thiên Chúa dành cho dân của Người và cho toàn thể nhân loại, cũng là biểu tượng của tự do và hoà bình mà Thiên Chúa muốn cho tất các con cái của mình. Tuy nhiên, trên thực tế, lịch sử hôm qua và hôm nay cho thấy rằng chính vùng đất này đã trở thành biểu tượng trái ngược, nghĩa là biểu tượng của những chia rẽ và tranh chấp huynh đệ không ngừng. Tại sao lại có chuyện ấy? Cần để câu hỏi này chất vấn con tim chúng ta, cho dù chúng ta đã biết kế hoạch nhiệm mầu của Thiên Chúa dành cho đất ấy, nơi mà “Thiên Chúa đã phái Người Con của mình đến làm hy lễ xá giải tội lỗi chúng ta”, như thánh Gioan đã viết (1Ga 4,10). Đất thánh được gọi là quyển “Tin mừng thứ năm”, bởi vì nơi đây, chúng ta có thể nhìn thấy, và nói được đụng chạm thực tại lịch sử mà Thiên Chúa thực hiện đối với loài người. Khởi đầu từ những nơi của cuộc đời ông Abraham cho đến những nơi của cuộc đời Chúa Giêsu, từ lúc nhập thể đến ngôi mồ trống, dấu chỉ của cuộc phục sinh. Thực vậy, Thiên Chúa đã đi vào đất này, đã sinh hoạt với chúng ta ở đất này. Nhưng chúng ta còn thể nói thêm: Đất thánh, do lịch sử của nó, có thể coi như một tiểu vũ trụ, thu tóm lại hành trình vất vả của Thiên Chúa với loài người. Một hành trình do tội lỗi cho nên cũng bao hàm Thập giá; nhưng do sự phong phú của Tình thương Thiên Chúa cho nên nó cũng bao hàm niềm vui của Thánh Linh, sự phục sinh đã khởi đầu và là hành trình giữa vũng nước mắt tiến về Triều đại Thiên Chúa, một triều đại không thuộc trần thế này, nhưng sống trong trần thế này và cần phải thâm nhập trần thế bằng sức mạnh của công lý và hoà bình.

Lịch sử cứu độ bắt đầu từ việc tuyển chọn một người, ông Abraham, và một dân tộc, Israel, nhưng mang tầm kích phổ quát, ơn cứu độ dành cho muôn dân. Lịch sử cứu độ luôn ghi dấu đan chéo giữa tính đặc thù và tính phổ quát. Trong bài đọc thứ nhất của Thánh lễ hôm nay, chúng ta thấy sự móc nối đó. Khi nhìn thấy tại nhà ông Cornêlio, đức tin của lương dân và lòng khao khát Thiên Chúa, thánh Phêrô tuyên bố rằng: “Thực sự tôi nhận ra rằng Thiên Chúa không thiên vị ai hết, nhưng tiếp đón bất cứ kẻ nào kính sợ Ngài và thực hành công lý, dù họ thuộc về bất cứ quốc gia nào đi nữa” (Cv 10,34-35). Kính sợ Thiên Chúa và thực hành công lý, mở cửa thế giới cho Triều đại Thiên Chúa: đó là mục tiêu sâu xa của mọi cuộc đối thoại giữa các tôn giáo.

Tôi không thể kết thúc buổi cầu nguyện kính Đức Mẹ mà không nói ít lời với nhân dân Sri Lanka, để bảo đảm tâm tình và sự gần gũi tinh thần với những thường dân nằm trong vùng giao chiến ở miền Bắc của nước này. Hàng ngàn thiếu nhi, phụ nữ, người già đã bị chiến tranh cướp mất sự sống và niềm hy vọng. Một lần nữa tôi muốn kêu gào các phe lâm chiến hãy nương tay cho các thường dân được thoát khỏi vòng lửa đạn, và tôi xin hợp lời với Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, cách đây mấy hôm, đã yêu cầu bảo đảm cho các thường dân được an toàn. Ngoài ra tôi cũng mời gọi các tổ chức nhân đạo, kể cả của công giáo, đừng bỏ qua bất cứ biện pháp nào để cứu trợ những nhu cầu lương thực và y tế cho các người di cư. Tôi xin ký thác nước này cho Đức Mẹ Madhu, được mọi người dân địa phương mộ mến, và tôi xin dâng lời khẩn nguyện lên Thiên Chúa, để chóng tới ngày hoà giải và hoà bình.

Bình Hòa

10. Đức Thánh Cha tiếp kiến 53 Giám Mục Peru (18-5-2009)

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến sáng 18-5-2009, dành cho 53 GM nước Peru, Đức Thánh Cha khích lệ các vị đẩy mạnh công cuộc truyền giảng Tin Mừng tại nước này.

Các Giám Mục Peru vừa kết thúc cuộc hành hương viếng mộ hai thánh Tông Đồ và thăm Tòa Thánh.

Trong bài huấn dụ, Đức Thánh Cha nhắn nhủ các vị luôn duy trì tình hiệp nhất với nhau và biểu lộ qua sự thực hành cụ thể tinh thần quí mến đoàn thể với nhau.

Đức Thánh Cha nhắc đến nhu cầu rao giảng sứ điệp của Đấng Cứu Thế như một nghĩa vụ của tín hữu sau khi được vẻ đẹp và chân lý của Chúa Kitô chinh phục tâm hồn. Ngài nói:

- ”Vì thế, tôi khuyên anh em hãy động viên toàn thể năng lực trong các giáo phận của anh em để họ khởi hành từ Chúa Kitô, luôn chiếu tỏa ánh sáng tôn nhan Chúa, đặc biệt cho những anh chị em vì đôi khi cảm thấy mình ít có giá trị, hoặc không được quan tâm săn sóc đủ trong những nhu cầu tinh thần và vật chất, nên họ tìm kiếm những kinh nghiệm tôn giáo khác đáp ứng những ưu tư của họ”.

Đức Thánh Cha nhắc nhở các Giám Mục Peru hãy sống như những môn đệ can đảm và thừa sai của Chúa, siêng năng viếng thăm các cộng đoàn Giáo Hội, kể cả những cộng đoàn xa xăm và khiêm hạ nhất, nguyện gẫm lâu giờ, chuẩn bị kỹ lưỡng các bài giảng, quan tâm đến các linh mục trong tình phụ tử, các gia đình, người trẻ, các giáo lý viên và nhân viên mục vụ...

Sau cùng, Đức Thánh Cha đề cập đến tình trạng của nhiều người dân Peru đang thiếu công ăn việc làm, không được săn sóc thích đáng về giáo dục và y tế, hoặc những người đang phải sống trong các khu ổ chuột ven các thành phố lớn. Ngài nói:

Tôi cũng nghĩ đến những người bị rơi vào vòng ma túy và bạo lực. Chúng ta không thể bỏ rơi các anh chị em yếu thế nhất và được Chúa thương yêu và luôn nhớ rằng lòng yêu mến Chúa Kitô thúc giục chúng ta” (2 Cr 5,14).

Đức Cha Chủ tịch HĐGM Peru, Miguel Cabrejos Vidarte, OFM, Tổng Giám Mục giáo phận Trujillo, trong lời chào mừng Đức Thánh Cha, đã nói đến tình trạng nghèo đói tầm trọng của dân chúng tại Peru. Theo các thống kê gần đây, hơn 40% dân nước này ở trong tình trạng nghèo, và 14% nghèo cùng cực, thậm chí tại các miền quê, số người nghèo lên tới 80%. (SD 18-5-2009)

G. Trần Đức Anh OP

11. Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ tại Monte Cassinô (24-5-2009)

Tuy rằng tại Vatican, lễ Chúa Giêsu lên trời đã được cử hành vào thứ năm vừa rồi, nhưng tại Italia, bởi vì hôm đó không phải là lễ nghỉ dân sự, cho nên Hội đồng Giám mục nước này đã dời sang chúa nhựt hôm qua, cũng như tại nhiều nơi trên thế giới.

Đức Thánh Cha lại có dịp mừng lễ một lần nữa cùng với cộng đoàn Dân Chúa ở Cassinô, một thị trấn cách Rôma 130 cây số về mạn nam, nổi tiếng về đan viện do thánh Bênêđictô (cũng phiên âm là Biển đức) sáng lập vào khoảng năm 500.

Đan viện này mang quy chế một đan viện biệt hạt, nghĩa là một đơn vị hành chánh tương đương với giáo phận, với diện tích 567 cây số vuông, dân số là 78.900 tín hữu, được phân phối trong 53 giáo xứ, do 40 linh mục triều và 34 linh mục dòng phụ trách.

Chuyến viếng thăm hôm qua được đặt dưới khẩu hiệu: “Đức Giáo Hoàng mang danh hiệu Bênêđictô viếng thăm quê hương thánh Bênêđictô”.

Đức đương kim giáo hoàng đã hơn một lần giải thích lý do của việc chọn lựa danh hiệu Bênêđictô: bởi vì cảm thấy gắn bó với vị thánh tổ phụ đời đan tu bên Tây phương.

Chỉ cần ghi lại vài kỷ niệm gần nhất. Vào ngày 1/4/2005, nghĩa là hôm trước khi vị tiền nhiệm băng hà, đức hồng y Ratzinger đã đọc một bài thuyết trình tại Subiaco, đan viện tiên khởi của thánh Bênêđictô, về bài học của vị thánh này đối với việc kiến tạo châu Âu ngày nay. Bốn tháng trước đó, ngài đã đến Monte Cassino để dâng thánh lễ cho các thành viên Hàn lâm viện Khoa Học của Toà Thánh.

Cuộc viếng thăm ngày hôm qua được chia làm hai phần.

Vào buổi sáng, ngài đã chủ sự thánh lễ đồng tế cùng với 27 giám mục trong miền Lazio dành cho cộng đoàn Dân Chúa tại quảng trường Campo Miranda, từ nay được đổi tên là quảng trường Bênêđictô XVI.

Vào ban chiều, ngài đã gặp gỡ các viện phụ và viện mẫu của dòng Biển đức trên toàn thế giới trong khuôn khổ Kinh Chiều.

Bài tường thuật hôm nay chỉ giới hạn vào sinh hoạt ban sáng, còn sinh hoạt ban chiều được dành cho buổi phát ngày mai.

Thánh lễ được cử hành bằng tiếng Ý, nhưng các bài hát phần thường lễ bằng tiếng latinh vì lý do dễ hiểu: các cha dòng Biển đức nổi tiếng về bình ca grêgôrianô.

Bài giảng thánh lễ gồm hai tư tưởng chính: thứ nhất chú trọng vào lễ Chúa Lên Trời, thứ hai về linh đạo thánh Biển đức.

Khi tuyên xưng Đức Giêsu lên trời, chúng ta không hiểu về một chuyển động không gian kiểu như du hành lên không trung, nhưng cần hiểu như là một tác động của Thiên Chúa đưa đức Giêsu vào cõi thiên giới.

Ở đây “trời” không ám chỉ một chỗ nào ở trên cung trăng hay các tinh tú, nhưng ám chỉ một điều cao siêu hơn nhiều.

Trong mầu nhiệm Đức Giêsu lên trời, phụng vụ tuyên xưng rằng nhân tính của Người được liên kết mãi mãi với Thiên Chúa. Mầu nhiệm này mang lại cho ta một niềm hoan hỉ vô tận, giống như các môn đệ tại Giêrusalem, bởi vì chúng ta biết rằng Chúa Giêsu không tách biệt khỏi chúng ta, nhưng Người hiện diện giữa chúng ta dưới một hình thức mới, trong quyền năng của Thánh Linh, trong lời giảng và chứng tá của các môn đệ.

Hội thánh được thiết lập không phải để thay thế cho sự vắng mặt của Chúa, nhưng để tuyên xưng sự hiện diện năng động và vinh hiển của Chúa trên trần thế.

Vai trò của Hội thánh, như thánh Phaolô nhắc lại trong thư các tín hữu Êphêsô, là tăng cường lòng gắn bó với Chúa Giêsu và mang những đặc sủng đã lãnh nhận để xây dựng sự hợp nhất của Thân Thể của Người.

Trong phần thứ hai của bài giảng, Đức Thánh Cha đã giải thích tính cách thiết thực của linh đạo của thánh Biển đức: ora et labora et lege (cầu nguyện, làm việc và học hỏi).

Việc cầu nguyện, bao gồm cả việc suy niệm Lời Chúa, đưa chúng ta kết hiệp với Thiên Chúa, mang lại bình an cho tâm hồn giữa những sóng gió của cuộc đời.

Lao động bao hàm cả sự liên đới với những công nhân đang gặp những khó khăn trong cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay.

Sự học tập không chỉ giới hạn vào việc trau giồi kiến thức, nhưng còn vươn lên đến việc tìm kiếm Thiên Chúa, đến những chân trời của vô biên, động lực của sự phát triển văn minh châu Âu.

Một đặc trưng nữa của tinh thần thánh Biển đức là bình an (hay hoà bình) được bổ túc trong bài huấn dụ trước khi xướng kinh kính Đức Mẹ kết thúc Thánh Lễ. Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến. Mỗi lần cử hành Thánh lễ, chúng ta nghe thấy vọng lên những lời Chúa Giêsu trối lại cho các môn đệ như một món quà quý báu tại nhà Tiệc Ly: “Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an cho các con (Ga 14,27). Cộng đoàn Kitô giáo và nhân loại đang cần được hưởng nếm sự phong phú và quyền năng của bình an Chúa Kitô biết bao! Thánh Biển Đức là một chứng nhân của điều đó, bởi vì Người đã đón nhận nó vào cuộc đời của mình, và đã để cho nó sinh hoa kết quả qua những công tác canh tân văn hoá và tinh thần. Chính vì thế mà ở cổng vào của đan viện MonteCassino và tất cả các đan viện Biển đức, ta thấy khẩu hiệu PAX (bình an). Thực vậy, cộng đoàn đan tu được kêu gọi để sống sự bình an này là một hồng ân tuyệt vời nhất của Chúa Phục sinh. Như anh chị em đã biết, trong cuộc hành hương mới đây sang Thánh điạ, tôi đã muốn làm kẻ lữ hành của bình an, và hôm nay trên manh đất mang dấu của thánh Biển đức, tôi muốn lợi dụng cơ hội này để nhấn mạnh rằng hoà bình tiên vàn là một món quà của Thiên Chúa, và sức mạnh của nó nằm trong lời cầu nguyện.

Tuy nhiên, hoà bình vừa là món quà vừa là nỗ lực của con ngươi. Và nghị lực cần thiết để hoạt động cũng có thể múc lấy từ việc cầu nguyện. Chính vì thế cần phải vun trồng một đời sống cầu nguyện chân thực để bảo đảm cho sự tiến triển của xã hội trong hoà bình. Một lần nữa, lịch sử của đời đan tu dạy cho chúng ta biết rằng sự tiến bộ của nền văn minh được chuẩn bị trong việc lắng nghe Lời Chúa mỗi ngày, điều này thúc đẩy các tín hữu hãy cố gắng về phía cá nhân cũng như cộng đoàn, hãy chống lại mọi hình thức ích kỷ và bất công. Chỉ khi nào, nhờ ơn Chúa Kitô, chúng ta học biết chống cự sự dữ ở trong bản thân mình và trong các mối tương giao với tha nhân, thì ta mới trở thành những kẻ kiến tạo đích thực của hòa bình và tiến bộ xã hội. Nguyện xin Mẹ Maria, Nữ Vương Hòa bình, giúp đỡ tất cả mọi tín hữu, trong những ơn gọi và hoàn cảnh sinh sống khác nhau, được trở nên những chứng nhân của bình an mà Chúa Kitô đã ban cho chúng ta và đã để lại cho chúng ta như một sứ mạng phải thực hiện khắp nơi.

Hôm nay ngày 24 tháng năm, kính nhớ Đức Mẹ Phù hộ các giáo hữu, được kính nhớ đặc biệt tại đền thờ Sheshan tại Thượng hải, là ngày cầu nguyện cho Giáo hội Trung quốc. Tâm tư của tôi hướng về các tín hữu công giáo ở Trung quốc, và tôi xin họ trong ngày hôm nay, hãy lặp lại niềm hiệp thông với Chúa Kitô và sự trung thành với đấng Kế vị thánh Phêrô. Ước gì việc chung lời cầu nguyện của chúng ta mang lai sự trút đổ Thánh Linh, ngõ hầu tính đoàn kết giữa các Kitô hữu, tính công giáo và phổ thế của Giáo hội mỗi ngày được đâm sâu và hiển hiện thêm mãi.

Nên biết là lễ kính Đức Mẹ phù hộ các tín hữu được đức giáo hoàng Piô VIII ấn định cử hành tại Rôma vào ngày 24 tháng 5 năm 1814, nhưng được truyền bá mạnh mẽ nhờ thánh Gioan Bosco, và lễ này được mừng tại nhiều quốc gia, trong đó có cả nước Trung quốc từ năm 1924.



Bình Hòa

12. Huấn dụ của Đức Thánh Cha dành cho Dòng Biển Đức (24-5-2009)

MONTECASSINO.

Đức Thánh Cha Biển Đức 16 khích lệ các Đan sĩ nam nữ dòng Biển Đức tiếp tục trung thành với ơn gọi nguyên thủy và giải thích chính thức về sứ mạng của thánh Tổ Phụ.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi hát kinh chiều trọng thể chúa nhật 24-5-2009 trong dịp viếng thăm Đan viện Biển Đức Montecassino, cách Roma lối 150 cây số.

Hiện diện tại buổi hát kinh chiều ở thánh đường Đan viện có 500 viện phụ, viện mẫu, các bề trên và các đan sĩ Biển Đức đến từ nhiều nước. Đặc biệt cũng có 6 Hồng Y và một số Giám mục , cùng với các tín hữu.

Trong bài giảng sau bài đọc ngắn, Đức Thánh Cha nhắc đến sự kiện Đan viện Montecassino 4 lần bị tàn phá nhưng đã được tái thiết, giống như cây sồi cổ thụ vẫn xanh tươi.

Lần chót, Đan viện bị tàn phá bình địa cách đây 65 năm trong thời thế chiến thứ hai, nhưng đã tái sinh, vững mạnh hơn. Ngài nói:

- ”Hơn một lần tôi đã được hưởng lòng hiếu khách của các đan sĩ và trong Đan viện này tôi đã trải qua những giờ phút yên tĩnh và cầu nguyện không thể quên được”.

Sau khi chào thăm các Đan sĩ, đặc biệt là Đức Viện Phụ Pietro Vittorelli, cùng với tất cả các Viện phụ, Viện mẫu và các cộng đồng Biển Đức hiện diện, Đức Thánh Cha nói về tấm gương và sự nghiệp của Thánh Biển Đức, đồng thời nhắc nhở các Đan sĩ nam nữ Biển Đức ngày nay tiếp tục trung thành với linh đạo nguyên thủy của thánh Tổ Phụ, và giúp con người ngày nay tìm kiếm Thiên Chúa.



Thánh Biển Đức và mầu nhiệm Chúa lên trời

Hôm nay, phụng vụ mời gọi chúng ta chiêm ngắm mầu nhiệm Chúa lên trời. Trong bài đọc ngắn trích từ thư thứ I của Thánh Phêrô, chúng ta được nhắn nhủ hãy ngắm nhìn Đấng Cứu chuộc chúng ta, Chúa đã chết một lần cho tất cả vì tội lỗi để dẫn đưa chúng ta về cùng Thiên Chúa, và nay Ngài đang ngự bên hữu Thiên Chúa, ”sau khi lên trời và được chủ quyền trên các thiên thần, vương thần và quyền thần” (1 Pr 3,18.22). ”Được cất lên cao” và trở nên vô hình trước mắt các môn đệ, nhưng Chúa Giêsu không bỏ rơi họ: thực vậy, 'Ngài chết trong thân xác, nhưng sống trong tinh thần” (1 Pr 3,18), giờ đây Ngài hiện diện một cách mới mẻ, trong nội tâm các tín hữu, và nơi Ngài, ơn cứu độ được ban cho mọi người không phân biệt chủng tộc, ngôn ngữ và văn hóa. Thư thứ I của thánh Phêrô chứa đựng những tham chiếu rõ ràng về các biến cố Kitô học cơ bản trong đời sống Kitô. Quan tâm của Thánh Tông Đồ là làm nổi bật chiều kích phổ quát của ơn cứu độ trong Chúa Kitô. Chúng ta cũng thấy điểm tương tự trong thánh Phaolô mà chúng ta đang kỷ niệm 2 ngàn năm sinh nhật của Người. Thánh nhân đã viết cho cộng đoàn Corintô rằng: ”Chúa Kitô đã chết cho tất cả mọi người, để những người sống không còn sống cho mình nữa, nhưng cho Đấng đã chết và sống lại cho họ” (2 Cr 5,15).

Không còn sống cho mình nữa, nhưng cho Chúa Kitô: đó chính là điều mang lại ý nghĩa trọn vẹn cho cuộc sống của những ai để cho Chúa chinh phục. Cuộc sống nhân bản và tinh thần của thánh Biển Đức biểu lộ rõ ràng điều đó. Sau khi từ bỏ mọi sự, thánh nhân đã trung thành theo Chúa Giêsu. Người thể hiện Tin Mừng trong cuộc sống của mình, và khởi xướng một phong trào rộng lớn làm tái sinh tinh thần và văn hóa tại Tây Phương. Ở đây tôi muốn nhắc đến một biến cố ngoại thường trong cuộc sống của thánh nhân mà thánh Gregorio Cả, người viết tiểu sử thánh Biển Đức đã nói tới và chắc chắn anh chị em đã biết rõ. Hầu như người ta có thể nói rằng cả thánh Tổ Phụ Biển Đức cũng đã được ”cất lên cao” trong một kinh nghiệm thần bí khôn tả. Tiểu sử thánh nhân còn ghi lại: đêm 29 tháng 10 năm 540, trong lúc nhìn qua cửa sổ, ngắm nhìn các vì sao, Người chìm đắm trong chiêm niệm thần linh, và cảm thấy tâm hồn nồng cháy... Đối với Người, bầu trời đầy sao kia giống như một bức màn thêu che Gian Cực Thánh. Rồi một lúc nào đó tâm hồn Người cảm thấy được đưa qua phía bên kia của bức màn, để chiêm ngưỡng nhãn tiền tôn nhan Đấng ở trong ánh sáng không thể lui tới được” (Xc A.I Schuster, Tiểu sử thánh Biển Đức và thời đại của ngài, Ed. Abbazia di Viboldone, Milano, 1965, p.11 e ss). Hẳn thật, tương tự như đã xảy ra với thánh Phaolô sau khi được cất đưa lên trời, đối với Thánh Biển đức, sau kinh nghiệm thiêng liêng ngoại thường ấy, đã khởi sự một đời sống mới. Thực vậy, tuy thị kiến chóng qua, nhưng những công hiệu vẫn tồn tại. Các sử gia ghi lại, chính dung mạo của thánh nhân cũng thay đổi, khuôn mặt Người luôn thanh thản và thái độ như thiên thần, tuy vẫn sống trên mặt đất, người ta hiểu rằng tâm hồn của Người đã ở trên thiên đàng.

Ảnh hưởng của Thánh Biển Đức

Đức Thánh Cha nói tiếp:

Thánh Biển Đức nhận được thiên ân ấy chắc chắn là không phải để thỏa mãn tính hiếu kỳ trí thức, nhưng đúng hơn, để đoàn sủng mà Chúa ban cho Người có khả năng diễn lại trong đan viện chính cuộc sống trên trời và tái lập sự hòa hợp của thụ tạo nhờ sự chiêm niệm và lao tác. Vì thế, Giáo Hội có lý mà tôn kính Thánh Nhân như ”bậc thầy nổi bật về đời sống đan tu” và là ”tiến sĩ linh đạo khôn ngoan yêu mến cầu nguyện và lao tác”, ”là vị hướng đạo rạng ngời đưa các dân tộc đến ánh sáng Tin Mừng” được nâng lên trời qua một con đường sáng ngời, dạy cho con người thuộc mọi thời đại tìm kiếm Thiên Chúa và những sự phong phú trường cửu đã được Chúa chuẩn bị” (Xc kinh tiền tụng lễ kính Thánh nhân trong phụ trương đan tu cho Sách Lễ Roma, 1980, 153).

Đúng vậy, thánh Biển đức là mẫu gương sáng ngời về sự thánh thiện và Người chỉ dẫn cho các đan sĩ Chúa Kitô là đại lý tưởng duy nhất; Người là vị tôn sư dạy về văn minh, đề nghị một cái nhìn quân bình và thích hợp về những đòi hỏi của Chúa và các mục đích tối hậu của con người, Người luôn nhớ tới những nhu cầu và lý lẽ của con tim, để dạy dỗ và khơi lên tình huynh đệ chân chính và bền bỉ, để trong những quan hệ xã hội phức tạp, con người không quên sự hiệp nhất tinh thần, có khả năng kiến tạo và luôn luôn nuôi dưỡng hòa bình. Không phải tình cờ mà từ Pax, Hòa bình, đón tiếp các tín hữu hành hương và khách viếng thăm ngay tại cửa Đan viện này, một Đan viện được tái thiết sau thảm hại lớn lao trong thế chiến thứ hai; từ Hòa bình được treo lên như một lời âm thầm nhắc nhở hãy loại bỏ mọi hình thức bạo lực để xây dựng hòa bình: trong gia đình, trong các cộng đoàn, giữa các dân tộc và trong toàn thể nhân loại. Thánh Biển Đức mời gọi mỗi người lên núi này hãy tìm kiếm và theo đuổi hòa bình: (inquire pacem et sequere eam, Ps 33,14-15) (Tu luật, Lời tựa, 17).

Áp dụng những điều trên đây vào sứ mạng của các đan viện Biển Đức, Đức Thánh Cha nói:

Theo trường của thánh Biển Đức, qua các thế kỷ, các đan viện đã trở thành những trung tâm hăng say đối thoại, gặp gỡ và liên kết giữa các dân tộc khác nhau, được hiệp nhất nhờ văn hóa Tin Mừng về hòa bình. Các đan sĩ đã biết dạy bằng lời nói và gương lành nghệ thuật hòa bình bằng cách thi hành cụ thể 3 mối liên hệ mà Thánh Biển đức coi là cần thiết để duy trì sự hiệp nhất tinh thần giữa con người với nhau, đó là: Thánh Giá là chính luật của Chúa Kitô; sách vở, nghĩa là văn hóa; và cái cày, chỉ sự lao tác, sự làm chủ trên vật chất và thời gian. Nhờ hoạt động của các đan viện, được phân phối qua qua công tác thường nhật là cầu nguyện, học hỏi và lao tác, toàn thể các dân tộc Âu Châu đã được giải thoát thực sự và được phát triển về luân lý, tinh thần và văn hóa, học hỏi về ý nghĩa sự liên tục với quá khứ, hoạt động cụ thể cho công ích và cởi mở đối với Thiên Chúa và chiều kích siêu việt. Chúng ta hãy cầu nguyện để Âu Châu luôn biết đề cao giá trị gia sản các nguyên tắc và lý tưởng Kitô rất phong phú về văn hóa và tinh thần này.

Nhưng điều ấy chỉ có thể thực hiện được nếu ta đón nhận giáo huấn trường kỳ của Thánh Biển Đức, nghĩa là ”Querere Deum”, tìm kiếm Chúa, như một nghĩa vụ cơ bản của con người. Con người không tự thể hiện trọn vẹn bản thân, không thể thực sự hạnh phúc nếu không có Thiên Chúa. Các đan sĩ quí mến, anh chị em có nghĩa vụ đặc biệt trở thành những mẫu gương sống động về quan hệ nội tâm sâu xa này với Chúa, thực hiện trọn vẹn chương trình mà Đấng Sáng lập của Anh chị em đã tóm tắt trong câu ”Không đặt điều gì trên tình yêu Chúa Kitô” (Tu Luật 4,21). Trong câu này nói lên nòng cốt sự thánh thiện, được đề nghị cho mỗi Kitô hữu, hơn bao giờ hết trong thời đại chúng ta ngày nay, trong đó chúng ta thấy cần phải đặt cuộc sống và lịch sử theo những tham chiếu tinh thần vững chắc. Vì thế, anh chị em thân mến, ơn gọi của anh chị em có tính chất thời sự hơn bao giờ hết và sứ mạng đan sĩ của anh chị em là điều không thể thiếu được.

Sứ mạng của các Đan sĩ

Từ nơi này, có hài cốt của Người, Thánh Bổn Mạng Âu Châu tiếp tục mời gọi tất cả mọi người hãy tiếp tục công cuộc truyền giảng Tin Mừng và thăng tiến con người mà ngài đã thực hiện. Các đan sĩ thân mến, Thánh nhân khích lệ trước tiên anh chị em hãy trung thành với tinh thần nguyên thủy và là những người giải thích chính thức chương trình tái sinh về tinh thần và xã hội do Người đề ra. Xin Chúa ban ơn này cho anh chị em, nhờ lời chuyển cầu của Thánh Sáng lập, của Thánh Scolastica em Thánh nhân, và tất cả các thánh nam nữ của dòng. Và Thiên Mẫu của Chúa, mà hôm nay chúng ta cầu khẩn là Đấng Phù Trợ các tín hữu Kitô, canh giữ anh chị em và bảo vệ Đan viện này cũng như tất cả các đan viện của anh chị và cộng đồng giáo phận sống quanh Montecassino này. Amen.

Vào cuối kinh chiều, ĐTC còn đến thắp ngọn đèn và xông hương trên mộ thánh Biển Đức và thánh Scolastica ở dưới bàn thờ chính, cũng như cầu nguyện ít phút trong thinh lặng tại đây.

Rời Thánh đường Đan viện, Đức Thánh Cha đến viếng nghĩa trang quân đội Ba Lan nơi an táng hàng ngàn binh sĩ Ba Lan, Đức và Đồng Minh tử trận trong thế chiến thứ hai. Tại đây, ngài đã đọc một kinh nguyện cầu nguyện cho tất cả các binh sĩ quá cố đồng thời cầu xin Chúa ban ơn hòa bình cho toàn nhân loại. Sau đó, vào lúc quá 6 giờ rưỡi chiều, ĐTC đã đáp trực thăng trở về Vatican.


Каталог: home -> dulieu
dulieu -> Tông huấn "Lời Chúa" của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI
dulieu -> TỰ do nội tâm jacques Philippe Người dịch, Lm. Minh Anh (Gp. Huế) TỰ do nội tâM
dulieu -> Thánh nhạc và đời sống đức tin của Dân Chúa tại Việt Nam 50 năm qua
dulieu -> LƯỢc sử giáo phận huế khai sinh và phát triểN 50 NĂm qua (1960-2010) I. LỊch sử KHAI SINH giáo phận huế
dulieu -> Phụng tự tại Việt Nam trong 50 năm qua (1960-2010)
dulieu -> HÀn mạc tử, ngưỜi kitô HỮu trẻ trên lối vào nội tâM
dulieu -> Rao giảng Lời Chúa tại Việt Nam trong 50 năm qua (1960-2010)
dulieu -> Dọn đường cho Chúa đến
dulieu -> MƯỜi lăm sự thưƠng khó ĐỨc chúa giêsu thứ nhất thì gẫm
dulieu -> Dọn đường cho Chúa đến

tải về 0.52 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương