ĐỂ hiểU ĐẠo phật phương Bối



tải về 338.25 Kb.
trang1/8
Chuyển đổi dữ liệu24.11.2017
Kích338.25 Kb.
#34496
  1   2   3   4   5   6   7   8
ĐỂ HIỂU ĐẠO PHẬT 
Phương Bối

Nguồn

http://thuvienhoasen.org

Chuyển sang ebook 8-7-2010

Người thực hiện : Nam Thiên – namthien@gmail.com

Link Audio Tại Website http://www.phatphaponline.org
Mục Lục

VẤN ĐỀ PHƯƠNG PHÁP 

VẤN ĐỀ SIÊU HÌNH 

VẤN-ĐỀ TỰ-DO Ý-CHÍ 

VẤN-ĐỀ GIẢI THOÁT

VẤN-ĐỀ LUÂN-HỒI 

VẤN-ĐỀ NHÂN-DUYÊN 

VẤN ĐỀ BẢN-NGà

KHÁI NIỆM VỀ THIỀN HỌC 



LỜI NÓI ĐẦU 

Đạo Phật có một kho tàng kinh-điển phong phú hơn hết thảy các tôn giáo triết học khác. Nội một Đại-Tạng-Kinh gồm gần mười ngàn pho cũng đủ làm cho những học-giả kiên-chí nhất phải lắc đầu e ngại. Huống nữa còn biết bao nhiêu sách vở cận đại trên thế giới, trước tác, giải thích, bình luận về giáo lý đạo Phật!

Chúng tôi nhờ duyên may, được học Phật từ khi còn để chỏm; đến nay tuy đã ba mươi mấy tuổi đầu rồi mà vẫn còn thấy dốt, và không biết còn phải bơi-lội bao nhiêu năm nữa trong cái biển Phật học mênh mông kia.

Chúng tôi nào có dám viết sách dạy ai về cái môn học mà chúng tôi tự thấy còn dốt nát ấy. Chỉ vì một số bạn hữu quá yêu ép-uổng mà phải cho in tập này đấy thôi. Chẳng phải để khoe một mớ hiểu biết cạn cợt mà chỉ là để khỏi phụ lòng bạn -hữu trông đợi. Những bài in trong tập này, nếu may mắn lắm cũng chỉ gây được trong tâm hồn người đọc những nhận-thức khái-quát về Phật Học, một môn học bao-la không bến bờ. Chúng tôi viết những bài ấy trong những thời gian khác nhau; một ít bài đã được in trong các tập-san Phật Học trong nước. Như vậy, hình như tập sách không được xếp đặt một cách nhất-trí và có hệ thống. Tuy nhiên, bạn đọc vẫn có thể, trong nội dung, tìm thấy sự nhất trí ấy của cả tập sách; bởi vì khi viết, chúng tôi đã thường đứng trên phương-diện nhận-thức-luận để trình bày vấn đề.

Với sự bộc-bạch trên đây, chúng tôi tin-tưởng rằng các bậc cao-minh sẽ hoan hỉ chỉ giáo cho chúng tôi những chỗ nhầm lẫn, và nếu may mắn tập sách này được sự đón-tiếp ân-cần của chư-vị, chúng tôi sẽ xin nguyện gặp lại chư vị trong những tập sách khác, viết về nền triết-học và đạo-học mà chúng tôi đã cố tìm hiểu và đã sống: Đạo Phật.

Viết tại Huế ngày 01 tháng 10 năm 1958

PHƯƠNG BỐI

NGUYÊN LÝ CĂN BẢN CỦA ĐẠO PHẬT



NGUYÊN LÝ CĂN BẢN CỦA ĐẠO PHẬT

Phần tinh-ba nhất của con người là tư-tưởng. Con người có thể tự-hào rằng mình hơn vạn-vật ở chỗ biết suy-tưởng. "Người là một cây sậy biết suy tưởng", câu nói ấy vừa thú nhận sự yếu đuối của con người trước vũ-trụ mà cũng lại vừa đề cao khả năng bất-diệt của con người trước vũ-trụ.

Đứng trước vạn tượng bao la, và nhìn lại bản-thân mình, con người khát-khao được hiểu biết. Hiểu biết để được thỏa mãn, và hiểu biết để sống cho đáng sống. Chính khuynh-hướng muốn tìm hiểu ấy đã làm nẩy sinh ra triết học.

Nhân loại ngày nay đã hiểu biết tới đâu? Triết học đã vạch ra được con đường tiến của con người chưa? Đã giải quyết được những nỗi thắc mắc lớn lao của con người về cuộc sống, về vũ-trụ và về bản thân của con người chưa?

Đó là những câu hỏi mà chính những con người có khả năng suy-tưởng nhất cũng phải ngậm-ngùi mỗi khi nghĩ đến.

Người ta băn-khoăn tự hỏi tri-thức con người có đủ khả-năng để đạt đến sự thực hay không. Nếu không thì con người còn suy-tưởng làm chi. Thà rằng cứ ù-ù cạc-cạc mà sống trong cuộc đời, bởi vì sự suy-tưởng vô vọng ở đây chỉ làm cho con người thêm đau khổ.

Nhưng con người không thể không suy-tưởng. Sống là suy-tưởng, và vì thế, dù triết học là một môn học không-hư, viển-vông, vô-ích thì triết-học cũng còn phải tồn-tại mãi mãi; bởi vì khi con người còn suy-tưởng đến những vấn-đề căn-bản của kiếp người thì triết-học vẫn còn. Ba nghìn năm lịch-sử của triết-học hình như đã nói với ta như thế.

Vào buổi rạng đông của triết-học, con người rất tin tưởng ở khả-năng tri-thức của mình. Nhưng cùng với những triết-gia hoài-nghi, lòng tin ấy mất dần, mất dần… Càng đi sâu vào sự suy-tưởng, con người càng cảm thấy rõ ràng cái bất-lực của tri-thức nhân loại! Con người lại càng bi-quan hơn nữa khi thấy bên cạnh cái tri-thức yếu đuối và hèn kém ấy, còn có một tâm-hồn nặng-trĩu những ước-vọng đen tối, xấu- xa. Chính những mờ tối, cố-chấp và chủ-quan nầy đã dự phần vào việc che lấp phần khách-quan đáng quý mà tri-thức cần phải đầy đủ.

Với những vốn liếng nghèo-nàn như vậy mà con người đã dám hy-vọng có thể tìm ra chân-lý. Đã thế lại còn muốn bay xa, rất xa trong cõi siêu hình. Càng xa càng hay. Cần gì đến thực nghiệm! Thái độ "duy lý" cũng đã đủ để đảm bảo rồi! Vướng vào thực-nghiệm làm sao mà bay xa đuợc! Và như thế, con người tha hồ tự do kiến tạo những giấc mộng siêu hình.

Nói "những giấc mộng siêu hình" rất đúng, vì chính những kiến tạo duy-lý của con người về siêu-hình đều do những động lực rất chủ quan của con người sắp đặt: phần lý-trí nhiều lầm lạc và thành-kiến, phần tình cảm nhiều mờ-ám, thiên lệch, cho nên giấc mộng của tôi không phải là giấc mộng của ngài, và loài người có đến muôn ngàn giấc mộng… Đã có ai công nhận của ai là đúng đâu.

Đức Phật lúc đương thời đã nhận thấy cái vô ích của những giấc mộng siêu hình. Ngài không muốn cho các đệ-tử Ngài đắm chìm trong những suy tưởng siêu-hình, những vọng-tưởng sai lầm của tri-thức và tình cảm chủ quan. Vấn đề trọng đại mà Ngài đặt ra cho đệ-tử là phải tiêu-diệt ngay phần mê-mờ thiên lệch nằm trong tri-thức và tình cảm của mỗi người – nghĩa là phải tu-hành để tự giải thoát khỏi vô minh triền- phược. Diệt trừ được phần mê-vọng là đạt đến tất cả. Chưa diệt trừ được phần mê vọng thì dù có suy-tưởng ngàn kiếp đến các vấn-đề siêu-hình cũng vẫn không đi đến một kết quả tốt đẹp nào. Phương-pháp của đức Phật là phương-pháp thực hiện, không phải là phương-pháp suy-tưởng. Đạo Phật là một đạo sống chứ không phải là môn học siêu hình.

Một hôm đức Phật cầm trong tay một nắm lá "sinsapa" và nói với các vị đệ tử xuất gia: "Các ngươi nghĩ sao? Lá trong tay ta nhiều hơn hay là lá trong rừng này nhiều hơn?" – "Bạch đức Thế Tôn, những ngọn lá Ngài cầm trong tay thì ít mà lá trong rừng thì quá nhiều" – "Cũng như thế đó, các thầy tỳ-khưu, những cái ta biết thì rất nhiều, nhưng những cái ta đem ra dạy các thầy thì rất ít. Tại sao ta không đem tất cả ra để dạy các thầy? Bởi vì những cái ấy không có lợi gì cho các thầy cả. Chúng không giúp gì cho sự giải-thoát cho nên ta không đem dạy các thầy. Ta dạy các thầy những gì? Ta dạy về sự khổ, nguyên-nhân cái khổ, sự diệt khổ và con đường đi đến diệt khổ. Những thứ ấy có ích lợi, vì chúng có thể đưa các thầy đến chỗ giải-thoát" (Samyutta).

Ta thấy rõ ràng đạo Phật là một con đường và là một con đường duy nhất đưa đến chỗ diệt khổ. Đạo Phật chỉ là một lối sống, một lối thực-hành, không phải là một thuyết-lý vô ích, một "hý-luận". Bởi vì đạo Phật nhận thấy cái cần thiết của sự diệt-trừ mê-vọng. Đức Phật nói: " Này các thầy tỳ kheo, đừng nghĩ vớ vẩn rằng thế giới này là hữu hạn hay vô hạn, hữu cùng hay vô cùng. Dù cho thế giới này là hữu hạn hay vô hạn, dù cho nó hữu cùng hay vô cùng thì điều mà chúng ta phải nhận là hiện-hữu ở đời này, là những khổ đau: sinh, lão, bệnh, tử" (Anguttara).

Vậy đạo Phật chủ trương dẹp bỏ tất cả các lý luận vọng tưởng, cấm trí-óc phiêu-lưu vào trong những thế giới suy-tưởng siêu-hình mà đạo Phật quyết chắc rằng chỉ là những vọng tưởng hư-ngụy và vô ích. Đạo Phật kéo con người trở về với thực- nghiệm. Thực-nghiệm này là một thực nghiệm bao-la rộng rãi. Đó là sự nhận thức cái "khổ" ở đời.

"Khổ" là một chân lý thực-nghiệm. Không những chỉ sinh lão bệnh tử mới là khổ. Còn bao nhiêu cái khổ khác, lặt vặt hơn, nhưng phiền toái hơn, và dày vò con người thường xuyên hơn. "Nhận thức cái khổ" không phải chỉ là xác-nhận cảm giác khổ-thọ là thực hữu. Nhận thức cái khổ – dukkha – nghĩa là phải nhận chân một cách rõ rệt và sâu xa tính cách vô thường vô ngã chống đối nhau của vạn-sự, vạn-vật. Rộng rãi hơn, nhận thức cái khổ tức là biết mình sống đau khổ trong một thế-giới khổ đau với một nghiệp báo không tốt đẹp. Tất cả những giáo-lý Phật dạy đều hướng về chủ đích làm cho con người có ý-thức về cái khổ, và nhận chân được cái khổ theo định nghĩa rộng rãi như trên. Con người trước tiên phải thực-nghiệm một cách sâu xa và rộng rãi cái "khổ" ấy, cái sự thực Vô-Thường, Vô-Ngã, Bất-Tịnh và Mâu-Thuẫn ấy. Có thực nghiệm như thế rồi, con người mới đặt vấn đề cần thiết: tìm nguyên do của sự khổ và phương-pháp diệt khổ.

Kẻ nào chỉ có ý thức nông cạn về cái khổ thì không thể tìm đến nguyên nhân của cái khổ được. Khi con người đã chứng nghiệm một cách đầy đủ và sâu xa cái khổ Vô Thường, Vô Ngã, Bất Tịnh và Mâu Thuẫn, con người sẽ tìm đến nguyên nhân của cái khổ một cách dễ dàng. Đã có chân lý thứ nhất là Khổ-đế, thì có chân lý thứ hai là Tập- đế, nguyên nhân sự khổ. Đức Phật bảo rằng nguyên nhân sự khổ là mê-vọng, ác nghiệp, là ái-nhiễm, và con người cũng nhận thấy như thế. Nguyên nhân của sự khổ cũng như sự khổ, không phải là một kết quả do những suy tưởng siêu hình đem lại mà là một chân lý có thể thực-nghiệm. Ai cũng có thể thực nghiệm chân lý ấy cả. Kinh nghiệm sống dạy cho con người chân lý ấy. Đức Phật muốn cho con người có ý thức rõ rệt về chân lý ấy. Giáo điển đạo Phật đã thuyết minh rõ ràng về chân lý ấy.

Vậy Khổ-đế và Tập-đế là những điều thực-nghiệm rộng rãi và đầy đủ dùng làm nền tảng cho phương pháp đạo Phật. Đứng trước những chân-lý thực nghiệm ấy, con người cố nhiên phải nhận thấy con đường của mình: giải thoát diệt khổ.

Nếu nguyên-nhân của đau khổ là dục vọng thì diệt-trừ dục-vọng tức là diệt-trừ đau khổ. Đó là một điều quá giản-lược mà không ai không thấy. Cuộc đời là khổ. Và nguyên-nhân của cái khổ ấy là dục vọng. Tiêu diệt được dục-vọng tức là tiêu diệt được cuộc đời đau khổ. Vậy, theo đạo Phật, cuộc đời khổ đau, con người phải tiêu diệt cuộc đời khổ đau ấy để tiến đến Niết-bàn.

Đừng vội la lên rằng: như thế thì đạo Phật là quá ư tiêu cực, là chủ trương đừng sống, là chủ trương xa lánh cuộc đời, là chủ trương biến tất cả thành hư-vô. Dục vọng là nguyên nhân của sự khổ đau, là gốc của sinh, lão, bệnh, tử và ngàn muôn khổ-thọ khác. Nhưng con người không phải chỉ có dục-vọng mà thôi. Con người còn có những gì thanh thoát cao siêu hơn dục-vọng, như lòng từ bi, như trí tuệ… Vậy tiêu diệt dục-vọng chỉ là tiêu diệt cuộc đời khổ đau; nói một cách khác hơn, là tiêu diệt phần khổ đau của cuộc đời. Phần dục vọng bị tiêu-diệt, nhưng còn phần tinh-ba cao khiết sẽ ra sao? Phần tinh-ba cao khiết này, khi dục vọng tiêu diệt, cố nhiên sẽ được thực hiện toàn vẹn. Không lẽ sự thực hiện toàn vẹn của phần này lại đưa đến một kết quả hư vô?

Vậy khi dục-vọng tiêu-diệt, phần xấu xa của cuộc đời (vô thường – khổ đau – vô ngã – bất tịnh) bị tiêu diệt, nhưng phần tốt đẹp của cuộc đời (thường – lạc – ngã – tịnh) phải được thực hiện toàn vẹn, vì ở con người, phần tinh ba cao khiết đã được thực hiện toàn vẹn. Vậy Niết-bàn không phải là hư-vô, mà là sự thực-hiện toàn vẹn của những gì cao khiết nhất, thanh tịnh và nhiệm-mầu nhất.

Sống trong cuộc đời vô thường, vô ngã, bất tịnh, khổ đau với bao nhiêu thăng trầm sinh tử, mà không thấy có vô thường, vô ngã, bất tịnh, khổ đau với bao nhiêu thăng trầm sinh tử ấy: đó là Niết-bàn.

Đạt đến chỗ diệt trừ dục vọng, con người được giải-thoát, hoàn-toàn tự-do, không còn bị nô-lệ cho một thứ gì nữa. Vấn đề Giải-Thoát chỉ là vấn đề thay đổi nhận thức. Dục-vọng tiêu-diệt, bi trí thực-hiện, tức thì nhận thức biến-đổi. Vô thường, khổ đau, vô ngã, bất tịnh, trước nhận thức giải-thoát, biến thành Thường, Lạc, Ngã, Tịnh. Sinh tử triền phược là ở đấy. Niết-bàn giải-thoát cũng ở đấy. Và Niết-bàn không rời sinh tử, "Niết-bàn, sinh tử thị không hoa".

Có mặt xấu của cuộc đời là sinh tử, thì cũng có mặt đẹp của cuộc đời là Niết-bàn. Đó là chân lý thứ ba.

Nhưng để diệt trừ dục vọng, đạt tới Niết-bàn, con người cần phải có một đường lối, một phương pháp. Đạo Phật là đường lối ấy, là phương pháp ấy.

Đường lối diệt-dục cần phải rất rõ ràng, và phải khởi đầu từ bờ Mê, nghĩa là phải để cho con người khổ đau có thể đặt được những bước đầu tiên, khó khăn và ngượng ngập. Pháp môn tuy nhiều vô lượng, song được bao hàm trong mấy điều giản-lược thiết yếu: Tam học và Bát chính đạo.

Tam-học: giới, định, tuệ. Chủ động của những nghiệp quả xấu xa, là các hành vi, ngôn ngữ và ý-nghĩ mê-vọng. Các "vọng nghiệp" này lại còn giúp sức cho dục-vọng phát triển. Vậy công việc trước tiên là phải đình chỉ chúng lại. "Giới" chính là sự đình chỉ ấy. Không làm, không nói và không nghĩ những nghiệp nhân mê vọng tức là không chịu tuân theo sự sai sử của dục-vọng. Đó là công tác cách mạng đầu tiên. Có thành công trong bước đầu kháng cự và bất phục tùng này, con người mới hy vọng tiến đến giai-đoạn tiêu diệt dục vọng.

Trì-giới tức là không chịu rót thêm dầu trong ngọn đèn dục-vọng. Tuy thế, ngọn đèn vẫn cháy mạnh. Cho nên, con người phải dùng thêm những biện pháp tích cực để làm yếu dần sức cháy kia và cuối cùng, tiêu diệt được ngọn lửa đèn.

Do công năng trì-giới, ý chí càng lúc càng mạnh. Hành-giả sẽ thực-hành phép tập-trung tư-tưởng, dùng lực lượng thiền-định để cắt xén dần những rễ dây chằng-chịt của dục vọng và trải qua nhiều công phu, có thể lay chuyển và xô ngã được cội rễ của nó.

Dục vọng càng bị tiêu diệt, trí tuệ càng thêm tăng trưởng. Trí-tuệ càng tăng-trưởng thì sức phá trừ dục vọng càng thêm mãnh liệt. Cứ thế hành-giả tiến dần đến chỗ tiêu-diệt hoàn toàn những mầm mống vi-tế nhất của cội nguồn đau khổ. "Nhân Giới sinh Định, nhân Định phát Tuệ" là câu nói tóm tắt của tam-học vậy.

Nhưng công phu tam-học cần được thành lập trên những kiến thức chân chính – chính kiến (vue juste). Nghĩa là cần thấu hiểu và chứng-nghiệm triệt-để bốn sự thực căn bản (gọi là Tứ Đế) để có thể tránh khỏi những nhận thức sai lầm, những tà kiến trái chân lý. Phải theo lời Phật dạy để biết xử dụng pháp tập trung tư tưởng và pháp thiền-quán đúng theo chính-pháp – chính định và chính tư duy (concentration juste et meditation juste). Chỉ tưởng niệm những điều đúng chính pháp – chính niệm (pensée juste). Phải siêng năng theo con đường chính – chính tinh tiến (effort juste). Phải có một phương-tiện sinh tồn chân-chính – chính mạng (moyen d’existence juste). Phải hành động và nói năng đúng theo chánh pháp – chính nghiệp và chính ngữ (action juste et parole juste). Đó là bát chính đạo.

Con đường tuy gay go nhưng là con đường duy nhất. Tất cả các hệ thống giáo lý phong phú của đạo Phật chỉ có một mục-đích duy nhất là trình bày phương-pháp và đường lối giải thoát, ngoài ra không hề có nhằm mục đích giải quyết những thắc-mắc siêu-hình. Người nào nhìn đạo Phật như một khoa học siêu-hình chính người đó đã không hiểu đạo Phật.

VẤN ĐỀ LỊCH SỬ 

Hiện nay tất cả các tông phái Phật-học, dù là Đại thừa, dù là Tiểu-thừa, dù là Bắc-Tông hay dù là Nam-Tông, đều không phải là Phật-giáo nguyên-thỉ. Tất cả đều trải qua nhiều biến-hóa. Những biến-hóa này đã không làm mất những tính chất căn-bản của đạo Phật, mà còn khai thác đến cùng tận những tính-chất ấy, để thực-hiện một sự phát-triển cần thiết cho các thời-đại và các địa-phương.

Nếu đạo Phật chỉ là một mớ giáo điều cố-định thì đạo Phật đã không có địa-vị như ngày nay trong văn-hóa nhân-loại. Đạo Phật là một giáo-lý có nhựa sống mãnh-liệt, phong phú cho đến nỗi trải qua mấy ngàn năm, vẫn còn sức để tiếp-tục phát-triển theo đà nhu cầu của các quốc-gia và các thời-đại. Điểm đặc sắc của đạo Phật là không phải một giáo-điều cố-định cứng cỏi, nằm chết cứng trong khuôn khổ. Phật-pháp là "bất định pháp" phải tùy thời gian không gian để uyển-chuyển thích nghi với căn cơ của chúng sanh. Có thể nói rằng đạo Phật nguyên-thỉ là một "cây giáo lý", bụ bẫm, mạnh khỏe, và sung sức. "Cây giáo-lý" ấy đã theo thời gian mà trưởng thành, để rồi bây giờ trở nên một cái cây to lớn, cành lá rườm-rà xanh tốt.

Đừng ai bắt "cây giáo lý" ấy đứng yên ở trạng thái ban sơ của nó, không cho nó sinh trưởng. Bởi vì nếu không sinh-trưởng thêm thì nó đã tàn hoại và ngày nay đã không có nó. Đàng này nó sinh-trưởng mãnh-liệt, vì nó có một sức sống mãnh-liệt. Bây giờ đây nó to lớn sum-xê nhưng nó vẫn là cây giáo-lý.

Bao nhiêu hệ-thống giáo-lý bao nhiêu tông-phái lưu truyền trên thế-giới hiện nay đều là phát xuất từ Phật-giáo nguyên-thỉ, nói một cách khác hơn, đều là những phát-triển của Phật-giáo nguyên-thỉ. Những hệ-thống giáo-lý này đã có đủ ở Phật giáo nguyên-thỉ, nhưng chỉ được khai thác và truyền dương theo nhu cầu của thời đại mà thôi.

Nguyên-thỉ hay cận-đại Phật-giáo vẫn là Phật-giáo, nghĩa là vẫn có mục-đích giải-thoát diệt khổ, vẫn tôn trọng sự sống và chân-lý, vẫn chủ trương từ-bi tế-độ. "Cũng như nước bốn biển chỉ có một vị: vị mặn, giáo-lý của ta cũng chỉ có một vị: vị giải thoát". Tự giam mình trong khuôn khổ của giáo-lý Nam-Tông rồi bảo Phật-giáo Bắc-Tông không phải nguyên-thỉ, hay đứng về mặt giáo-lý Đại-thừa mà cho rằng Tiểu-thừa là hẹp hòi cố chấp, hai thái-độ đều thiên-lệch, không xứng đáng. Phải nhìn giáo-lý qua sự nhu cầu của nhân-loại, ta mới thấy được khả-năng bất-diệt của đạo Phật và luôn đó, cả tinh thần tích cực nhập thế của Phật-giáo.

Nền văn-học Phật-giáo minh-chứng một cách hùng-hồn cho sự-thực ấy. Dù cho Phật-giáo phương-nam có tự hào giữ được nhiều tính chất nguyên-thỉ, ta cũng thấy đã có sự biến đổi trên nếp sống tư-tưởng và tổ-chức. Chính thời đại mới, sinh hoạt mới đã tạo nên sự biến đổi đó. Ở Bắc-phương, nhiều phong thổ khác nhau, nhiều nếp sống khác nhau, cho nên đạo Phật đi đến đâu cũng đều thích-nghi để hòa mình vào sự sống của các dân tộc. Tinh thần tích-cực nhập thế của đạo Phật đã là một trong những nguyên-nhân làm cho đạo Phật phát-triển mãnh-liệt.

Ở thời đức Phật, con người đã quá đau khổ và vì vậy rất mong-mỏi giải thoát cho cá nhân mình. Giáo-lý Phật-giáo cố nhiên phải cung-phụng cho nhu cầu giải-thoát ấy. Người ta chỉ lo tuyên-dương giáo-lý giải thoát cá-nhân, sùng thượng giáo-lý ấy, và hầu như không còn để ý đến giáo-lý nhập-thế tích-cực nữa. Các kinh điển đại-thừa hầu như bị bỏ quên, không được ai nhắc đến. Dần dần về sau, theo nhu cầu của thời-thế, người ta mới để ý đến kinh điển đại thừa, mới tuyên-dương giáo-lý đại-thừa. Cho nên những kinh-điển đại-thừa xuất-hiện chậm hơn các kinh-điển tiểu-thừa. Giáo-lý đại-thừa mà đức Phật truyền dạy riêng tây cho những bậc bồ-tát, những hàng đại căn có tinh thần nhập thế, giáo-lý ấy mãi về sau mới được chú ý đến.

Vậy trong lúc nghiên-cứu văn-học Phật-giáo, chúng ta hãy gạt ra ngoài những cố-chấp để có thể thấy rõ được tinh-thần và khả-năng của toàn-bộ giáo-lý đạo Phật.


 

VẤN ĐỀ TRI HÀNH 

"Biết rồi mới làm" thì bao giờ cũng hơn "không biết mà cứ làm". Nhưng chữ "biết" này tất nhiên không phải chỉ cho một mớ kiến-thức lỏng-lẻo có tính cách lý-thuyết. Tục ngữ ta có câu "Trăm hay không bằng tay quen" thật có thể là một câu giải-thích về nghĩa Tri Hành rất thần diệu. "Trăm hay" chính là cái biết thuần lý-thuyết. "Tay quen" là cái biết do kinh-nghiệm. Cái biết thuần lý-thuyết không thể dẫn-đạo cho thực-hành một cách sáng-suốt và có hiệu-quả bằng cái biết của kinh nghiệm.

Người ta ai cũng thường hay nói "Biết rồi mới làm", nhưng ít người nhận thấy rõ rằng cái Biết đi trước cái Làm ấy phải là cái biết của kinh-nghiệm. Do đó phát sinh ra cuộc tranh biện "Tri nan hành dị" và "Tri dị hành nan", và người ta cãi nhau không ngừng. Giá họ chịu khó ngừng lại để định-nghĩa hai chữ Tri và Hành thì có lẽ họ sẽ đồng ý với nhau mà không còn tranh luận nữa.

Tôi muốn vỡ đất trồng rau cải. Nhưng tôi chưa "biết" trồng thế nào, nên tôi phải tìm học để "biết". Tôi đọc sách về nghề trồng trọt. Tôi đi thăm các vườn rau cải ở các nhà láng giềng. Tôi hỏi thăm cách thức và tôi cố ý nhìn các nhà trồng rau cải chuyên-môn, khi họ làm việc. Và cuối cùng tôi thu-thập một mớ kiến-thức. Tôi cho mớ kiến thức ấy là cái "biết" cần thiết để có thể làm nền-tảng cho cái nghề trồng rau – cái hành của tôi.

Ngỡ rằng mình sẽ bán được từng loạt rau cải giá hàng mấy chục ngàn đồng một lần như các nhà trồng tỉa chuyên-môn, nhưng ai ngờ tôi đã thất bại. Có nhiều lầm-lỗi tôi đã mắc phải. Có nhiều phương-chước hay tôi không áp dụng. Có nhiều công việc tôi tự làm theo sự suy-đoán "duy-lý" của tôi, thành thử, tôi biết cái kiến-thức mà tôi hiện đã thu-thập được chẳng qua chỉ là "một mớ hiểu biết lỏng lẻo có tính cách lý thuyết", không đủ để cho tôi thành công.

Lần thứ hai được tương đối thành công hơn lần trước. Bởi vì gia thêm vào mớ hiểu biết lỏng-lẻo trên kia, tôi đã có một ít hiểu biết bằng kinh nghiệm mà tôi vừa đạt được trong lần thực hành vừa qua. Nhưng trong lần thực hành này, tôi lại cũng đã thu thập được nhiều kinh nghiệm nữa. Thế là cái biết của tôi càng lúc càng tỏ; càng đi sâu vào thực hành thì nó càng có tính cách thực-nghiệm mà xa dần tính cách thuần lý-thuyết. Vì cái biết càng lúc càng rộng càng tỏ, nên phần thực-hành càng ngày càng có hiệu quả, càng thêm phát triển. Như thế thì tôi càng làm thì càng biết, mà càng biết thì càng làm được nhiều, rồi càng làm được nhiều thì lại càng biết thêm được rộng… Cứ như thế mãi, tri dẫn lối cho hành, hành bổ túc cho tri, để cuối cùng tri và hành đồng đi đến cứu cánh một lúc.

Bây giờ đây tôi đã có thể là một nhà trồng tỉa chuyên môn, chẳng còn bận tâm đến chuyẹân "tri, hành" rắc rối nữa. Tôi đã đạt đến kỹ-thuật tối cao của sự trồng tỉa. Và nếu tôi có viết sách, có giảng dạy cho bạn thì rồi bạn cũng chỉ có thể thâu lượm – như tôi trước kia – những "mớ hiểu biết lỏng lẻo có tính cách lý thuyết" mà thôi. Bây giờ thì đến phiên bạn, và bạn lại phải bắt đầu bước lên con đường thực nghiệm "tri, hành".

Những cái biết mà ta học được trong kinh điển cũng chỉ là "những mớ hiểu biết lỏng lẻo có tính cách lý thuyết". Ta chỉ mới nghe nói đến những chân-lý "vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh" mà thôi chứ ta đã được "thực nghiệm" những chân lý ấy đâu. Phải gắng thực nghiệm. "Hiểu đạo" không phải chỉ là nghiên cứu kinh điển. Hiểu đạo là phải trải qua một quá trình "học đạo – thấy đạo – tu đạo – chứng đạo". Chứng, tức là cái biết thực nghiệm, vượt ra ngoài những lý-luận vô ích. Nếu quay lại chuyện làm vườn thì ta có thể gọi quá trình ấy là "học cách làm vườn – thấy cách làm vườn – thực hành việc làm vườn – đạt đến nghệ thuật tối cao của sự làm vườn". Mà muốn "đạt đến" – chứng – thì ta phải trải qua bao nhiêu "tri, hành" liên tiếp.

Cho nên, "những mớ hiểu biết lỏng lẻo có tính cách lý thuyết" rất cần cho lúc ban đầu. Đó là "khăn gói" để lên đường. Đó là khởi điểm. Miễn ta đừng cho đó là cái Biết cứu-cánh thì thôi. Theo phương pháp đó mà thực hiện công cuộc thực-nghiệm tâm-linh, để diệt mê-vọng và khải phát Trí-Tuệ Viên-Mãn.

Trí-Tuệ Viên-Mãn ấy gọi là Bát-Nhã (Prajnã). Chính đó là cái Biết thực-nghiệm cao tột của kẻ đã chứng ngộ, rất khác với cái Biết của những kẻ mới khăn gói lên đường. Kinh điển của đạo Phật phần nhiều đều nhắm mục đích cung cấp cho con người những thứ tư-lương cần thiết cho cuộc thực-nghiệm và vì thế đều chứa đựng những sự chỉ bảo cặn-kẽ công phu.

Thử lấy cuốn kinh Lăng-Nghiêm để phân-tích, ta sẽ thấy toàn-bộ phân chia ra hai phần như sau đây:

Phần thứ nhất: CHÂN-LÝ-LUẬN (từ quyển 1 đến quyển 4). Phần nầy có mục-đích thuyết-minh chân-lý, chỉ-bày nhận-thức giải-thoát cho mọi người. Lại chia làm hai phần: Phần I xét về thể-tính của vạn pháp (từ quyển 1 đến quyển 3) và phần II xét về tướng trạng của vạn pháp (quyển 4).

Phần thứ hai: PHƯƠNG-PHÁP-LUẬN (từ quyển 5 đến quyển 8). Phần này có mục đích chỉ bày phương pháp để thực-nghiệm chân-lý đã trình bày ở phần trên. Lại chia ra làm bốn phần:

Phần I: nói về sự phát tâm.

Phần II: thuật lại lịch-trình tu chứng.

Phần III: nói về cách thực-hành.

Phần IV: nói về sự đề phòng và đối trị những trở lực tai hoạn.

Với một tổ chức nội-dung như thế, kinh Lăng-Nghiêm đáng được xem như là một cuốn sách chỉ-đạo cho thực-nghiệm. Không những chỉ có một cuốn kinh Lăng-Nghiêm mới là sách chỉ-đạo thực-nghiệm mà các kinh khác cũng đều tổ-chức gần giống như vậy. Phần đầu thường là phần chỉ-bày chân-lý và phần sau là phần chỉ-bày phương-pháp thực-nghiệm chân-lý ấy.

Người học Phật đầu tiên phải tìm-hiểu những điều đã được trình-bày trong các giáo điển của Phật, vì kinh điển là phương tiện giải bày chân-lý đã chứng ngộ và phương pháp thực-nghiệm thể-hiện chân-lý ấy.

Mục đích của người học Phật là:

1) Diệt trừ dục-vọng, nguyên nhân của khổ đau.

2) Đạt đến trí-tuệ để chứng-nghiệm chân-lý.

Nhưng kỳ thực, hai mục đích ấy chỉ là một . Bởi vì diệt trừ dục-vọng tức chính là đạt đến Trí-Tuệ. Sở dĩ Trí-Tuệ không phát hiện và ta không chứng nghiệm được chân-lý là vì dục vọng che lấp Tâm ta. Mà dục-vọng tức là vô minh. Càng diệt dục-vọng, Trí-Tuệ càng khai mở và khi dục-vọng tiêu diệt thì Trí-Tuệ Viên-Mãn sẽ được thực hiện.

Như ta được biết, phương pháp diệt trừ dục-vọng và khai mở Trí-Tuệ chính là Tam-Học: Giới, Định, Tuệ. Giới và Định là Hành, Tuệ là Tri. Giới Định càng vững, Tuệ càng phát hiện. Tuệ càng phát hiện thì Giới Định lại càng được tăng cường, càng được củng cố, và cứ thế, hành giả tiến đến giai đoạn chót của cuộc "tri, hành", diệt được mê vọng, chứng được chánh-giác.

Cái Tri mà đạo Phật hướng đến là cái Chánh Biến Tri – sự hiểu biết chân-chính cùng khắp – bao quát tất cả những cái "học nhi tri, sinh nhi tri, khốn nhi tri" của con người. Đến được cái Tri ấy thì chẳng còn gì mà phải Hành nữa. Cái Hành của đạo Phật hướng đến là cái Hành viên mãn của sự Tự Giác Giác Tha, một khi đã đi đến cứu-cánh rồi thì cùng với Tri là một.

Những ai muốn đạt đến chỗ cứu-cánh của Tri Hành hãy tìm học đạo Phật, rồi bắt tay vào công cuộc thực-nghiệm.
 

VẤN ĐỀ THỰC CHỨNG

Tất cả các giáo-lý của đạo Phật đều được xây dựng trên nền-tảng thực-chứng của đức Phật, của các vị bồ-tát và của bậc tăng-già tu-hành đắc-đạo. Tư-tưởng Phật- giáo vì thế đều đã được thể-nghiệm hóa. Đạo Phật mà ly-khai với sự thực-chứng thì cũng như Cơ-đốc-giáo ly khai với sự cầu nguyện. Bởi vì, nếu ly khai với sự cầu nguyện, Cơ-đốc giáo sẽ mất hết sinh khí, và đạo Phật nếu ly khai với sự thực-chứng thì sẽ không còn gì nữa.

Chân lý mà đức Phật đã chứng-ngộ được gọi là giáo lý bản chất. Những lời lẽ, những luận-lý mà Ngài dùng diễn-đạt chân-lý ấy được gọi là giáo lý ảnh-tượng. Đó không phải là bản-thân của chân-lý mà chỉ là những đồ-án dùng để thể-nghiệm chân-lý.

Giáo-lý của Câu-xá-Tông, Thành-Thật-Tông, Pháp-Tướng-Tông, Thiên-Thai-Tông hay Hoa-Nghiêm-Tông… cũng đều là những kết-quả của sự thực-chứng bằng Thiền-định. Tùy theo sự chứng-ngộ cao thấp và tùy theo nhu cầu của căn cơ và của thời-đại, sự diễn-giải giáo-lý có sai khác nhau. Mỗi giáo-lý trình-bày một khía-cạnh của chân-lý, một ảnh-tượng của chân-lý. Sự kiến lập của bất cứ một hệ-thống giáo-lý nào trong Phật-giáo cũng đều lấy nền-tảng ở thiền-quán. Hệ-thống giáo-lý ấy nếu sau này có mang nặng tính cách lý-luậïn hình-thức, thì đó cũng là vì hậu-thế không lo thực-chứng mà chỉ lo lý-luận suông. Biến Phật-giáo thành một môn học để nghiên-cứu bằng lý-luận hình-thức, đó là một công việc mà người đời nay ưa làm, và cũng là bằng cớ chứng tỏ sự suy-trầm cuả đạo Phật. Đạo Phật không chú trọng luận-lý suông: đạo Phật đòi hỏi sự thực chứng.

Nếu các vị tổ xưa không tu tập tứ-thiền và tứ-vô-sắc-định, thì ngày nay ta đã không có giáo-lý Câu-xá. Nếu không có sự thực-hiện ngũ-trùng duy-thức-quán, ngày nay ta sẽ không có giáo-lý Duy-Thức. Nếu các Ngài không thực hiện pháp-môn thực-tu nhị-đế và không-quán ngày nay ta cũng sẽ không có giáo-lý Tam-Luận… Nhưng với những giáo-lý ấy, những đồ án để đi tìm chân-lý mà các ngài đã để lại ấy, chúng ta chỉ đem ra thảo-luận mà không chịu thực-hành, sinh-khí của đạo-pháp làm sao mà phát hiện được?

Trong phương pháp thể-nghiệm của đạo Phật, ta thấy có hai phần: chỉ và quán. Chỉ là tác-dụng điều-trị cảm giác, chế ngự biểu tượng, xả bỏ tất cả những vọng-niệm và tạp-niệm. Đó là phần tiêu-cực. Còn quán, phần tích-cực, là tác-dụng khảo-sát những công-án thiền-định, căn cứ trên lực lượng tập trung của tâm-ý. Chỉ và quán được thực-hiện một cách quân-bình và thăng-tiến sẽ đưa hành giả đến sự thể nghiệm chân-lý.

Công-năng của chỉ là ngăn ngừa sự tán loạn dao động của tinh thần, tạo cho người hành-giả một cảm giác an lạc, tự chủ, giải phóng, những yếu-tố tạo-thành thiền-duyệt (khoái cảm trong thiền định). Công năng của quán là đồng-nhất-hóa khả-năng tâm-ý và nội dung của quan-niệm, tiêu trừ sự khu-biệt chủ-thể và đối-tượng chủ quan và khách quan và làm phát sinh sự trực-nhận chân-lý (hiện-lượng-trí). Ở đây những công-án giáo-lý có vai trò mở lối, giúp đỡ cho trực-giác thiền-quán.

Vì thế, lý-luận giáo-lý dù có tinh nhuệ bao nhiêu, lý tưởng giáo-lý dù có cao xa bao nhiêu, bất quá cũng chỉ dừng lại ở phạm-vi tri-thức và chỉ có thể là một thứ đồ-án mà thôi. Hành-giả phải căn cứ vào đồ-án ấy, dùng đồ-án ấy làm nền tảng cho phương-pháp chỉ-quán của mình. Nếu giáo-lý không được học hiểu và áp dụng như thế thì dù có chứa đủ tám vạn bốn ngàn pháp môn, cũng chỉ là bánh vẽ mà thôi vậy.

Đức Phật, sau khi chứng ngộ chân-lý, liền chỉ bày cho các đệ-tử xuất-gia những tài-liệu và phương-pháp để thực chứng chân-lý; những giáo-lý ấy phù hợp với khả-năng và trình-độ của họ. Ta không thể nhìn qua các tài-liệu và phương-pháp ấy để đoán định nội-dung thực-chứng của đức Phật, bởi vì nội-dung thực-chứng ấy chỉ nằm trong sự thể-nghiệm bản-thân của Ngài. Nội dung ấy chỉ được biểu-diện-hóa một phần nào nơi giáo-lý. Các pháp Tứ-đế-quán, Thập-nhị-nhân-duyên quán, Tứ-niệm-xứ-quán, Tứ-vô-lượng-quán… đều là những hình-thức giáo-lý được phát-biểu trong một thời đại, với một căn cơ. Sau này, các vị bồ-tát và các bậc cao tăng chứng ngộ cũng tùy thời, tùy cơ mà tiếp tục biểu-diện-hóa và giáo-lý-hóa nội-dung sự thực-chứng ấy.

Do công trình không ngừng ấy của các bậc chứng ngộ, mà Phật-giáo dần dần được phân-hóa và trở thành phong-phú thêm về phương diện giáo-lý. Tuy vậy, từ xưa tới nay, giáo-lý Phật-giáo vẫn được nhận thức như "những ngón tay chỉ mặt trăng", những phương tiện chỉ bày chân lý. Giáo lý không thể là chân-lý, vì giáo-lý chỉ là ngữ-ngôn, văn-tự, lý-luận, trong khi chân-lý là trực-quán, thoát-ly suy lý và tư lự.

Chân-lý có thể được biểu-diện-hóa bằng trăm ngàn phương-thức và được giáo-lý-hóa trên những cơ-sở lý luận phù hợp với sự tư-duy của trí-óc con người. Các hệ-thống giáo-lý được thành lập sau này chính là kết quả của sự khai-triển không ngừng của Phật-giáo để thực hiện sự khế-hợp với căn-cơ và với thời đại. Giáo-lý chân-không của Trung-Quán-Luận chẳng hạn là phương thức biểu-diện-hóa chân lý đứng trên lập trường biện-chứng-luận. Giáo-lý duy-thức của Pháp-Tướng-Tông là sự biểu-diện-hóa chân-lý đứng trên lập trường nhận-thức-luận. Giáo-lý "chân-như" của Khởi-Tín-Luận là sự biểu-diện-hóa chân-lý đứng về mặt bản-thể-luận… Tất cả đều là kết-quả của sự thực-chứng. Nghiên cứu các giáo-lý ấy là để giúp thêm cho mình những kiến-văn cần thiết cho sự tu-tập, chứ không phải để "thấy" được ngay chân-lý.

Kết luận: Giáo-lý Phật-giáo sở dĩ có giá-trị vì đó là kết quả của thực-chứng. Trong hai ngàn rưỡi năm lịch sử, giáo-lý đã được phong-phú thêm nhiều chính là do ở sự thực tu, thực-chứng của các bậc tiền bối. Sinh-khí cuả đạo Phật đã được nuôi dưỡng từ thời đại đến thời đại, qua sự truyền-trì và tu-chứng của các bậc xuất gia tịnh-hạnh. Ngày nay, những bậc có thực-chứng hình như đã hiếm-hoi, sinh-khí của Đạo-Pháp vì vậy không còn linh-hoạt như trước. Nghiên-cứu giáo-lý Phật-giáo là việc mà người ở thời-đại chúng ta thích làm. Nhưng nghiên-cứu mà làm chi, nếu chúng ta chỉ bằng lòng với những chiếc bánh vẽ? Cố gắng để có thực-tu và thực-chứng, đó mới thực là thổi dậy một nguồn sinh-lực mới cho đạo Phật vậy.
 



tải về 338.25 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4   5   6   7   8




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương