ĐỀ CƯƠng tuyên truyền phong trào khởi nghĩa n’trang lơng (1912 1936) LỜi nóI ĐẦU


Phần 3. Ý NGHĨA LỊCH SỬ CỦA CUỘC KHỞI NGHĨA N’TRANG LƠNG (1912 - 1936) VÀ TRUYỀN THỐNG ANH HÙNG BẤT KHUẤT CỦA CÁC DÂN TỘC TÂY NGUYÊN



tải về 165.4 Kb.
trang3/3
Chuyển đổi dữ liệu04.08.2016
Kích165.4 Kb.
#12703
1   2   3

Phần 3. Ý NGHĨA LỊCH SỬ CỦA CUỘC KHỞI NGHĨA N’TRANG LƠNG (1912 - 1936) VÀ TRUYỀN THỐNG ANH HÙNG BẤT KHUẤT CỦA CÁC DÂN TỘC TÂY NGUYÊN.

I. Ý NGHĨA LỊCH SỬ.

Hơn 24 năm (1912 - 1936) đấu tranh kiên cường chống thực dân Pháp xâm lược, nhân dân các dân tộc Tây Nguyên và Đắk Nông cùng với đồng bào M'Nông, S’Tiêng dưới sự lãnh đạo của anh hùng dân tộc N'Trang Lơng đã ghi những chiến công oanh liệt, buộc quân địch phải rút khỏi cao nguyên trong một thời gian dài (1915-1928). Nghĩa quân đã tiêu diệt hàng trăm tên địch, trong đó có những tên thực dân sừng sỏ như Henri Maitre, Truffot, Gatille, Margand... hàng ngàn súng ống, đạn dược và nhiều kho tàng phục vụ chiến tranh của địch bị tịch thu hay phá hủy. Các giai đoạn của cuộc khởi nghĩa kết thành một quá trình liên tục, diễn ra trên toàn địa bàn cao nguyên M'Nông. Lực lượng chủ yếu của phong trào là các nhóm M'Nông: Biêt, Rơhong, Nông và Prâng. Người S’Tiêng hưởng ứng phong trào này từ đầu về sau trở thành một lực lượng đồng minh của nghĩa quân.

Có thể nói, đây là một phong trào chống Pháp có quy mô lớn, địa bàn rộng, cuộc đấu tranh diễn ra hết sức quyết liệt, liên tục và bền bỉ. Dưới sự lãnh đạo của N'Trang Lơng, phong trào chống Pháp đã nổ ra hơn một phần tư thế kỷ. Trong thời gian đó, do ảnh hưởng của N'Trang Lơng, toàn miền sơn nguyên Nam Đông Dương liên tục mở ra nhiều phong trào chống Pháp khác, gây cho Pháp nhiều tổn thất nặng nề. Tính cho đến giữa năm 1930, sau gần 80 năm xâm lược Việt Nam (1858), thực dân Pháp cơ bản chưa khuất phục được hết các dân tộc trên miền sơn nguyên quan trọng này. Đó là một thất bại lớn của chúng, đồng thời là một thắng lợi lớn của phong trào N'Trang Lơng, một đóng góp vẻ vang vào sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân hai nước Việt Nam và Campuchia. Đóng góp vẻ vang đó đã được chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương ở hải ngoại đánh giá cao: "Dân chúng người Lào, người Cao Miên, người Thượng, người Thổ... đang hăng hái chung vai sát cánh với anh em giai cấp người Việt Nam mà chống đế quốc phong kiến..., ai ai cũng nhớ rằng từ năm 1933 đến nay, dân tộc Thượng ở Đồng Nai Thượng (Trung Kỳ) không chịu đầu hàng đế quốc Pháp".

Phong trào khởi nghĩa N'Trang Lơng, đã thể hiện rõ tinh thần chiến đấu kiên cường, anh dũng của N’Trang Lơng và nghĩa quân của ông. Thật vậy, trong suốt gần 25 năm cuộc đấu tranh, bất kể hoàn cảnh chiến đấu khó khăn nguy hiểm như thế nào, ông và nghĩa quân luôn nêu cao tinh thần quyết chiến quyết thắng, ý chí sắt đá không sợ hy sinh gian khổ, không đầu hàng thỏa hiệp dù lực lượng của kẻ thù hùng hậu đến mức nào. Vì chính sách tàn bạo của kẻ thù, N'Trang Lơng và nghĩa quân đã cầm vũ khí đứng lên chiến đấu. Kẻ thù càng hung hãn, tàn bạo, cuộc chiến đấu của ông và nghĩa quân càng kiên quyết, mãnh liệt. Khi ngã xuống, ông vẫn trong tư thế chiến đấu mặt đối mặt với quân thù. Chính kẻ thù cũng buộc phải thừa nhận tinh thần sắt đá và lòng tự tôn không gì lay chuyển nổi của ông. Như vậy, chúng ta khẳng định, chính tinh thần chiến đấu kiên cường, anh dũng của N'Trang Lơng là nhân tố hàng đầu đã làm nên các chiến công oanh liệt của phong trào chống Pháp do ông lãnh đạo; đưa phong trào đó lên vị trí là ngọn cờ chống Pháp chung của dân tộc ông cũng như của các dân tộc khác trên miền sơn nguyên Nam Đông Dương.



II. TRUYỀN THỐNG ANH HÙNG BẤT KHUẤT CỦA CÁC DÂN TỘC TÂY NGUYÊN.

1. Tinh thần chiến đấu dũng cảm và dẻo dai.

Tinh thần dũng cảm của đồng bào M’Nông rất cao và phổ biến trong nhân dân. Cuộc sống ở rừng núi đòi hỏi họ - kể cả phụ nữ và trẻ con – luôn luôn phải được vũ trang và ở tư thế sẵn sàng chiến đấu. Mặt khác, từ ngày xưa, do được rèn luyện trong các cuộc chiến đấu với các thị tộc bộ lạc khác, được giáo dục trong cuộc sống tập thể của công xã, nên sẵn sàng hy sinh cá nhân vì cộng đồng. Chính từ thái độ lạc quan không sợ chết đã dẫn đến tinh thần chiến đấu dẻo dai. Khi thực dân Pháp – kẻ thù của nhân dân Việt Nam nói chung cũng như đồng bào dân tộc M’Nông nói riêng - được vũ trang bằng những vũ khí lợi hại nhất của thời đại văn minh, còn họ thì vẫn cung nỏ, giáo mác (tương quan lực lượng chênh lệch rất lớn) nhưng họ vẫn sẵn sàng lạc quan chiến đấu, vẫn không chịu cúi mình đầu hàng.

Lịch sử đã từng chứng kiến bao nhiêu sự kiện anh hùng trong gần 100 năm chống Pháp xâm lược của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Tinh thần chiến đấu dũng cảm và bền bỉ đó càng được nâng lên mạnh mẽ. Sức chiến đấu anh dũng, bền bỉ còn xuất phát từ tinh thần chịu đựng gian khổ trong cuộc sống. Từ xưa, những tai nạn đói gạo, đói muối, bệnh dịch, chiến tranh đã xảy ra liên miên trên quê hương của họ. Bấy nhiêu thử thách ấy đã rèn luyện cho họ nghị lực để có thể sinh tồn. Còn trong thời kỳ Pháp thuộc, N’Trang Lơng và nghĩa quân của ông đã kiên nhẫn vượt khỏi nhiều hành động trả thù kinh khủng của đối phương (giết người thân thích, đốt phá buôn rẫy, thiêu huỷ lương thực, bắn giết trâu bò, cấm vận chuyển muối…) để kéo dài cuộc kháng cự anh dũng ngót ¼ thế kỷ, làm cho thực dân Pháp bao phen khốn đốn, khiếp sợ.

2. Tinh thần bất hợp tác với kẻ thù.

Đây là một nét khá nổi bật về truyền thống bất khuất của đồng bào Tây Nguyên nói chung và đồng bào M’Nông, S’Tiêng nói riêng. Tinh thần đó không những được thể hiện khi chạm trán với kẻ thù mà còn được thể hiện ở nhiều mặt trong sinh hoạt sau mỗi lần chống đối bị thất bại. Hoặc họ di cư đi một chỗ khác làm ăn và để tổ chức phục thù, hoặc ở lại nhưng không chịu nộp thuế, đi phu cho giặc; hay thấp hơn, chịu nộp thuế, đi phu cho giặc nhưng nhất định không chịu làm việc, không đi lính, không giao thiệp với chúng, không tiếp thu văn hoá của chúng.

Cuộc sống của đồng bào dân tộc trên cao nguyên M’Nông, với lối sống tự do phóng khoáng, họ nhất định không để cho mình, công xã mình, bộ lạc mình bị nhục, họ sẽ chiến đấu dũng cảm và bền bỉ đến mức bất chấp cả tương quan lực lượng quá chênh lệch… Vì thế, họ kiên quyết bất hợp tác với kẻ thù. Điều đó đã được lịch sử trong mọi thời kỳ chứng minh.

Tinh thần bất hợp tác với kẻ thù của đồng bào Tây Nguyên càng được bồi dưỡng và uốn nắn một khi ý thức dân tộc phát triển, khi họ rút được nhiều kinh nghiệm hơn trong quá trình chiến đấu với kẻ thù. Trong quá trình đó, đồng bào càng sử dụng một cách linh hoạt nhất thứ vũ khí vốn dồi dào của họ đối với kẻ thù mới - đế quốc Mỹ và tay sai - và ở một diện rộng rãi nhất. Tinh thần bất hợp tác lúc này không thể hiện ở chỗ tránh mặt kẻ thù mà là đương đầu với chúng, quyết phen sống mái với chúng; không phải rời làng như đối với thực dân Pháp ngày xưa mỗi lần họ bị thất bại mà là kiên quyết giữ làng, từ chối không chịu để cho kẻ thù dỡ làng, bắt sống tập trung trong những “trại dinh điền”, “khu trù mật” hay “ấp chiến lược”… Nói chung, từ trước đến nay, tinh thần bất hợp tác của đồng bào Tây Nguyên thể hiện ở mặt làm thất bại kế hoạch bình định bằng quân sự hoặc chính trị của kẻ thù. Tinh thần bất hợp tác còn thể hiện ở mặt phá tan âm mưu nô dịch kinh tế và văn hoá của chúng: đấu tranh không làm việc, không đi lính, không nộp thuế cho Mỹ và tay sai, không tiếp thu văn hoá đồi trụy của giặc; hoặc cao hơn, là rào làng kháng chiến, là phá “ấp chiến lược”, biến nó thành làng kháng chiến.



3. Đoàn kết với các dân tộc khác trong công cuộc chống kẻ thù chung.

Đoàn kết dân tộc là hiện tượng phổ biến, được hình thành từ lâu, có những yếu tố tích cực xuất hiện từ thời xa xưa và ngày một phát triển. Thực tế lịch sử cho thấy, đối với dân tộc Việt cũng như các dân tộc khác như Chăm, Khơ-me…, đồng bào Tây Nguyên vẫn tiếp tục những quan hệ bình thường vốn đã có truyền thống; hoặc để cho các lái buôn lui tới công xã, trao đổi sản vật với nhau, hoặc kết nghĩa cá nhân với cá nhân và tham gia những cuộc bạo động, khởi nghĩa của nông dân người Việt, người Lào…, hay che dấu những người thuộc dân tộc khác trốn tránh lên cao nguyên. Cho đến thời cận hiện đại, không những chủ nghĩa tư bản đã phá vỡ hàng rào dân tộc mà chỉ riêng chế độ thuộc địa cũng đã làm cho những dân tộc ở Đông Dương tuy khác về văn hoá, tiếng nói, nhưng lại cùng có một mối thù chung. Không phải ngẫu nhiên mà những cuộc nổi dậy chống Pháp của đồng bào Tây Nguyên thường liên quan đến các dân tộc khác như Khơ-me (Pucômbô), Lào (Phumybum)… Do đó, thực dân Pháp đã có ý ngăn trở không cho các dân tộc khác đi lại với vùng Tây Nguyên và ngược lại.

Đối với đồng bào Việt, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên không những chỉ có quan hệ láng giềng; trong ngôn ngữ và phong tục của người Việt có những nét chứng tỏ rằng hai bên nếu không phải cùng chung tổ tiên thì ít ra cũng có sự giao lưu văn hoá mật thiết từ thời cổ đại. Và tình đoàn kết giữa hai dân tộc cùng chiến đấu chống kẻ thù áp bức được nảy sinh từ thời trung đại. Khi phong trào đấu tranh bùng nổ ở miền xuôi thì phong trào đó lại thường ảnh hưởng đến miền ngược, và dân tộc thiểu số ở miền ngược đến lượt mình hoặc vùng dậy hưởng ứng, hoặc có bộ phận tham gia vào khởi nghĩa miền xuôi, đồng bào Tây Nguyên đã có mặt trong cuộc khởi nghĩa của nông dân Tây Sơn năm 1771. Trong thời kỳ thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên ít khi thiếu trong tổ chức kháng chiến chống Pháp do người Việt ở miền Nam Trung bộ hay Nam bộ lãnh đạo, chẳng hạn như cuộc khởi nghĩa của Trương Quyền phối hợp với nhà sư Khơ-me năm 1864, hay phong trào Cần Vương do Mai Xuân Thưởng đứng đầu…Sự đoàn kết của dân tộc Tây Nguyên với dân tộc chủ thể cũng như với các dân tộc thiểu số khác để chiến đấu chống kẻ thù chung càng có quy mô rộng hơn và mật thiết hơn nhiều từ lúc giai cấp công nhân nắm quyền lãnh đạo cách mạng ở Việt Nam. Đồng bào dân tộc Tây Nguyên ngày càng nhận thấy chỉ có quây quần dưới một đảng mác xít, sát cánh với đồng bào Việt mới thực sự giải phóng mình khỏi mọi ách áp bức, đem lại cuộc sống tự do, bình đẳng, dân chủ với các dân tộc anh em, thực sự xây dựng một xã hội tiến bộ và giàu mạnh. Mặc cho thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cố tình chia rẽ, đồng bào Tây Nguyên trước sau vẫn một lòng một dạ với cách mạng; truyền thống theo Đảng, theo cách mạng ngày càng được củng cố trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
KẾT LUẬN

N’Trang Lơng và nghĩa quân đã tạo nên một cuộc khởi nghĩa thuộc loại rộng lớn nhất về quy mô và bền bỉ nhất về thời gian. Đây là một bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy, mặc dù đã hao tổn rất nhiều công sức, tiền bạc và sinh mạng, người Pháp vẫn chưa khi nào bình định được hoàn toàn vùng Tây Nguyên trong suốt thời gian cai trị Đông Dương.

Cuộc khởi nghĩa N’Trang Lơng là cuộc khởi nghĩa có quy mô lớn nhất và kéo dài nhất trong lịch sử đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược tại Tây Nguyên. Cuộc khởi nghĩa đã xây dựng được một mặt trận đoàn kết chiến đấu chung giữa cộng đồng người M’Nông và người S’Tiêng, lôi cuốn cả một bộ phận người Mạ ở trung lưu sông Đồng Nai đối diện với đội quân xâm lược nhà nghề, nắm trong tay nhiều vũ khí hiện đại, N’Trang Lơng và nghĩa quân của mình vẫn bám chắc vào rừng, tìm mọi cách xây dựng và phát triển lực lượng trong suốt ¼ thế kỷ, luôn tấn công quân xâm lược với tinh thần chủ động tích cực, táo bạo và mưu trí. Chính những căn cứ của nghĩa quân sau này trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ là những địa bàn đứng chân vững chắc của bộ đội giải phóng tiến lên giành những thắng lợi to lớn như Bù Đăng, Bù Đốp.

Cuộc đấu tranh với thực dân Pháp trong kháng chiến trường kỳ (1946-1954) đã đưa xã hội Tây Nguyên bước sang một giai đoạn phát triển mới trong lịch sử của mình. Giai đoạn phát triển mới đó được biểu hiện trong những cuộc đấu tranh toàn dân, toàn diện với tính chất tự giác. Từ những cuộc đấu tranh có nội dung yêu sách về những vấn đề kinh tế cụ thể như chống đi xâu, nộp thuế đã mang một nội dung cách mạng nhằm đánh đuổi thực dân Pháp, thực hiện công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở Tây Nguyên. Vì vậy, ngay từ khi thực dân Pháp bước chân vào Tây Nguyên lần thứ hai vào đầu năm 1946, các dân tộc Tây Nguyên đã hợp lực cùng những đơn vị bộ đội chủ lực ở đồng bằng, chặn đánh địch. Mặc dù thực dân Pháp lợi dụng sức mạnh về quân sự tấn công ồ ạt vào Tây Nguyên, nhưng từ năm 1946-1948, chính quyền cách mạng vẫn thành lập được hầu hết ở mọi nơi, du kích Tây Nguyên vẫn hoạt động ở Buôn Hồ, Đắk Lắk, Buôn Ma Thuột. Từ đầu những năm 1950, một giai đoạn mới trong lịch sử kháng chiến ở Tây Nguyên được mở ra, nhiều vùng sau lưng địch dần dần biến thành căn cứ du kích vững chắc.

Phát huy truyền thống bất khuất của các thế hệ đi trước, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân Tây Nguyên và cả nước nói chung, nhân dân Đắk Nông nói riêng, đã kề vai sát cánh, đoàn kết một lòng, cùng đứng lên đấu tranh chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, giành nhiều thắng lợi to lớn. Tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước.

Sau thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, đất nước ta bước vào thời kỳ mới - thời kỳ độc lập, thống nhất, cả nước đi lên xã hội chủ nghĩa. Đó là thuận lợi cơ bản và là nguồn động lực tinh thần để Đảng bộ tỉnh và nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Đắk Nông cùng cả nước bắt tay vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Với bề dày truyền thống yêu nước và cách mạng, các cấp Đảng bộ và nhân dân trên địa bàn tỉnh Đắk Nông vững tin bước vào xây dựng quê hương trong hoà bình. Với vị trí địa lý thuận lợi, diện tích đất nông nghiệp rộng lớn, là tiền đề cho sự phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp và tiểu thủ công nghiệp.

Tuy nhiên, cũng như cả miền Nam, vừa trải qua cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược, hậu quả chiến tranh hết sức nặng nề. Đồng bào dân tộc thiểu số với cơ sở vật chất kỹ thuật thiếu thốn, lạc hậu, phương thức sản xuất du canh du cư, đời sống hết sức nghèo đói, trình độ dân trí thấp, đội ngũ cán bộ vừa yếu, vừa thiếu. Mặt khác, tỉnh lại có địa hình phức tạp với nhiều rừng núi và hơn 130 km đường biên giới với Campuchia. Sau ngày thống nhất, các thế lực thù địch, đặc biệt là bọn FULRO ra sức lôi kéo các phần tử chống đối cách mạng và thường xuyên gây rối an ninh chính trị… Đó là vô vàn những khó khăn, thách thức đối với Đảng bộ và chính quyền các cấp và nhân dân trên địa bàn tỉnh phải khắc phục.

Từ khi thành lập năm 2004, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Đắk Nông đã phát huy sức mạnh đoàn kết, những giá trị văn hoá dân tộc, truyền thống yêu quê hương đất nước, ý chí độc lập tự do, tự lực tự cường, chủ động đã tạo nên sức mạnh tinh thần và nghị lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức, xây dựng cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc và giữ gìn, làm phong phú thêm bản sắc văn hoá của dân tộc. Trong quá trình lãnh đạo, Đảng bộ tỉnh luôn kiên định quan điểm “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, chú trọng chăm lo đời sống đồng bào các dân tộc, kết hợp giáo dục, nâng cao giác ngộ chính trị với đưa quần chúng đi vào hành động cách mạng. Qua đó, tăng cường khối đoàn kết dân tộc, gắn bó máu thịt giữa nhân dân với Đảng.

Trong không khí cùng cả nước thi đua tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Đảng bộ tỉnh Đắk Nông quyết tâm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, huy động cao nhất sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc trên địa bàn tỉnh, đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới theo con đường xã hội chủ nghĩa. Những thành tựu và kinh nghiệm tích luỹ hơn bảy thập kỷ hy sinh phấn đấu anh dũng, vẻ vang đã trở thành hành trang quý báu của Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Nông trên con đường đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hoá, đưa tỉnh nhà trở thành tỉnh giàu về kinh tế, vững về chính trị, mạnh về quốc phòng - an ninh.
BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY ĐẮK NÔNG

------------------------




1 Tên của vị thủ lĩnh trước đây gọi là Bơ Trang Lơng,… nay đã xác minh lại và thống nhất tên gọi là N’Trang Lơng. (BCH Đảng bộ tỉnh Đắk Nông: Phong trào khởi nghĩa N’Trang Lơng 1912 – 1936, Nxb CTGQ, 2012)



tải về 165.4 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương