ĐỀ CƯƠng tuyên truyền ngày truyền thống ngưỜi cao tuổi việt nam ngày ngưỜi cao tuổi việt nam



tải về 83.91 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu19.08.2016
Kích83.91 Kb.
#24710


ĐỀ CƯƠNG

TUYÊN TRUYỀN NGÀY TRUYỀN THỐNG NGƯỜI CAO TUỔI

VIỆT NAM - NGÀY NGƯỜI CAO TUỔI VIỆT NAM

(06/6/1941- 06/6/2016)

(Kèm theo Công văn số 136 /TV-HNCT, ngày 27/4/2016 về tuyên truyền kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống NCT Việt Nam – Ngày NCT Việt Nam)

___________________________


Ngày 26/5/2006, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 772/QĐ-TTg: “Lấy ngày 06 tháng 6 hàng năm là Ngày truyền thống người cao tuổi Việt Nam”.

Ngày 23/11/2009, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (khoá XII) đã biểu quyết thông qua Luật NCT. Điều 6, Luật NCT ghi rõ: “Ngày 06 tháng 6 hằng năm là Ngày người cao tuổi Việt Nam”.

Ngày 06/6/2016, kỉ niệm 75 năm Ngày truyền thống người cao tuổi Việt Nam - Ngày Người cao tuổi Việt Nam (06/6/1941- 06/6/2016), Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam gửi các cấp Hội “Đề cương tuyên truyền Ngày truyền thống người cao tuổi Việt Nam - Ngày người cao tuổi Việt Nam” để tổ chức tuyên truyền đến các tổ chức Hội và hội viên:

1. Bối cảnh ra đời của lời kêu gọi “Kính cáo đồng bào” ngày 06/6/1941 và “Lời hiệu triệu đoàn kết tất cả các bậc phụ lão” của đồng chí Nguyễn Aí Quốc:

a) Khái quát tình hình thế giới, trong nước lúc đó và chủ trương của Đảng:

Ngày 01/9/1939, Chiến tranh Thế giới lần thứ II bùng nổ. Ở châu Âu, quân đội phát xít Đức tấn công Ba Lan, Pháp. Chính phủ phản động Pháp đầu hàng, làm tay sai cho phát xít Đức (tháng 6/1940). Ở Viễn Đông, quân đội phát xít Nhật tiến sát biên giới Việt - Trung.

Ở Đông Dương, thực dân Pháp lo sợ trước phong trào cách mạng giải phóng dân tộc của nhân dân Đông Dương và đe doạ nhẩy vào Đông Dương của phát xít Nhật. Để đối phó, một mặt thực dân Pháp thực hiện chính sách ra sức phát xít hoá bộ máy thống trị, thẳng tay đàn áp phong trào cách mạng của nhân dân ta; mặt khác lại tăng cường vơ vét sức người, sức của ở thuộc địa để cung ứng cho cuộc chiến tranh đế quốc. Chính sách phản động trên của thực dân Pháp đã đẩy nhân dân ta vào cảnh sống ngột ngạt, bần cùng.

Ngày 22/9/1940, Nhật cho quân đánh chiếm Lạng Sơn, ném bom thành phố Hải Phòng, đổ bộ vào thị xã Đồ Sơn. Quân Pháp ở Lạng Sơn nhanh chóng đầu hàng Nhật. Sau đó Nhật lấn dần Pháp, buộc thực dân Pháp phải nhượng bộ, quỳ gối đầu hàng Nhật, cấu kết với phát xít Nhật để bóc lột nhân dân ta. Từ đó, nhân dân ta phải chịu 2 tầng áp bức: Thực dân Pháp và phát xít Nhật.

Ngày 28/01/1941, đồng chí Nguyễn Ái Quốc về nước. Sau khi xem xét tình hình, đồng chí đã trực tiếp xây dựng cơ sở cách mạng, tổ chức quần chúng, chuẩn bị và tổ chức Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 từ ngày 10-19/5/1941 tại Pắc Bó (Cao Bằng) do Người chủ trì. Hội nghị nhận định: “Cuộc cách mạng Đông Dương trong giai đoạn hiện tại là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc”và đưa ra chủ trương phải giải phóng Đông Dương khỏi ách thống trị của thực dân Pháp – phát xít Nhật.

Hội nghị Trung ương 8 đã đề ra hoàn chỉnh sự chuyển hướng chiến lược và sách lược được đề ra từ Hội nghị Trung ương 6 (tháng 11/1939), Hội nghị Trung ương 7 (tháng 11/1940) làm cơ sở để tập hợp quần chúng, xây dựng lực lượng chính trị, xây dựng lực lượng vũ trang, căn cứ địa cách mạng, chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền về tay nhân dân.

Thực hiện chủ trương chuyển hướng chiến lược trên, ngày 19/5/1941, Mặt trận Việt minh chính thức được thành lập.

b) Nội dung cơ bản của Lời kêu gọi “Kính cáo đồng bào” và “Lời hiệu triệu đoàn kết tất cả các bậc phụ lão”:

Để tập hợp lực lượng toàn dân thực hiện nhiệm vụ giải phóng dân tộc, ngày 06/6/1941 đồng chí Nguyễn Aí Quốc ra lời kêu gọi “Kính cáo đồng bào”. Câu đầu trong Lời kêu gọi trên, Người viết: “Hỡi các bậc phụ huynh!”; tiếp sau, Người nói đến các hiền nhân, chí sĩ, sĩ, nông, công, thương, binh... Câu đầu trên, đã khẳng định vai trò vận động, lôi cuốn, tầm ảnh hưởng rất quan trọng của các bậc phụ huynh (NCT) trong xây dựng khối đoàn kết toàn dân, thực hiện nhiệm vụ đánh đổ bọn Đế quốc và bọn Việt gian để giành tự do, độc lập cho Tổ quốc. Người dẫn chứng bằng các tấm gương truyền thống của phụ lão góp phần vào những chiến công chung trong lịch sử hào hùng của dân tộc như Phụ lão đời Nhà Trần, cụ Phan Đình Phùng, cụ Hoàng Hoa Thám…

Tháng 6/1941, Người ra Lời hiệu triệu đoàn kết tất cả các bậc phụ lão, Người chỉ rõ: “Trách nhiệm của các vị phụ lão với nhiệm vụ đất nước thật là trọng đại. Đất nước hưng thịnh do phụ lão xây dựng. Đất nước tồn tại do phụ lão giúp sức. Nước bị mất, phụ lão cứu. Nước suy sụp, phụ lão phù trì. Nước nhà hưng, suy, tồn, vong phụ lão đều gánh trách nhiệm rất nặng nề... Nước nhà lo, các cụ cùng phải lo. Nước nhà vui, các cụ đều cùng được vui. Đối với gia đình, đối với Tổ quốc, phụ lão có trọng trách là bậc tôn trưởng; đối với làng xóm, đối với bà con, phụ lão có sự tín nhiệm lớn lao. Phụ lão hô, nhân dân hưởng ứng; phụ lão làm, nhân dân làm theo...”.

Người khẳng định: Thời cơ giải phóng dân tộc đã đến, Người kêu gọi “Toàn dân đoàn kết” để đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc “Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy”, “Việc cứu nước là việc chung. Ai là người Việt Nam đều phải kề vai gánh vác một phần trách nhiệm: Người có tiền góp tiền, người có của góp của, người có sức góp sức, người có tài năng góp tài năng”...



2- Thực hiện Nghị quyết của Đảng, hưởng ứng Lời kêu gọi của đồng chí Nguyễn Aí Quốc, NCT đã sát cánh cùng nhân dân cả nước tích cực tham gia nhiều phong trào, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng:

a) Từ năm 1941 đến 1945: Hàng chục vạn người cao tuổi tham gia vào tổ chức Hội NCT: Phụ lão cứu quốc tuyên truyền ủng hộ Mặt trận Việt Minh, xây dựng căn cứ địa cách mạng Bắc Sơn - Võ Nhai, củng cố và mở rộng khu căn cứ Cao - Bắc - Lạng; xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang của Đảng; nuôi, giấu, làm giao thông liên lạc cho cán bộ, làm công tác binh vận, giữ bí mật các cơ sở hoạt động của Đảng, tuyên truyền chống âm mưu chia rẽ của địch; vận động thanh niên không đi lính cho Pháp, không làm tay sai cho Nhật, tích cực xây dựng lực lượng tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền.

b) Trong kháng chiến chống Pháp, bảo vệ chế độ dân chủ nhân dân, giữ vững nền độc lập dân tộc (02/9/1945 - 1954): Nhiều cụ đã gương mẫu thực hiện và vận động con cháu tham gia diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Ở vùng địch tạm chiếm, các cụ dùng mưu kế rào làng kháng chiến, vận động con cháu thực hiện khẩu hiệu “Cướp súng giặc, giết giặc”, áp dụng lối đánh du kích tiêu hao sinh lực địch; tự tay đốt nhà mình thực hiện tiêu thổ kháng chiến, đối phó có hiệu quả các trận càn của giặc. Ở vùng tự do, vùng căn cứ địa kháng chiến, các cụ hăng hái tăng gia sản xuất, đóng thuế cho Nhà nước, góp gạo nuôi quân đánh giặc, động viên thanh niên xung phong đi bộ đội, đi thanh niên xung phong mở đường chiến dịch. Các “Hội mẹ chiến sĩ” tích cực vận động tiết kiệm, xây dựng “Hũ gạo nuôi quân”, hết lòng chăm sóc anh em thương binh từ các mặt trận đưa về.

c) Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 -1975) người cao tuổi đã hăng hái tham gia thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược của dân tộc:

Tại miền Bắc: Nhiều hội viên phụ lão đã tích cực tham gia xây dựng những “Cánh đồng 5-10 tấn thắng Mỹ” giành danh hiệu “Phụ lão 3 giỏi”. Nhiều cụ mạnh khỏe còn tham gia các đội “Bạch đầu quân”, đặc biệt Trung đội lão dân quân Hoàng Hoá (Thanh Hoá) đã mưu trí, dũng cảm dùng súng bộ binh bắn rơi máy bay phản lực Mỹ, được Bác Hồ gửi thư khen.

Tại chiến trường miền Nam: Nhiều cụ đã ngày đêm đào hầm nuôi giấu cán bộ, đùm bọc, giúp đỡ quân giải phóng, tham gia đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị. Nhiều bà má miền Nam tay không, dũng cảm đi đầu trong các đoàn biểu tình, hô vang các khẩu hiệu: Đả đảo sự đàn áp của Mỹ, Ngụy, đòi chồng, đòi con đang bị giam cầm; kêu gọi anh em binh lính ngụy quay súng trở về với Tổ quốc, với đồng bào... bất chấp xe tăng, lưỡi lê, họng súng của kẻ thù.

d) Trong công cuộc đổi mới, nhất là từ khi Hội NCT Việt Nam được thành lập:

Được phép của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ, đáp ứng nguyện vọng thiết tha của đông đảo người cao tuổi nước ta, ngày 10 tháng 5 năm 1995, Hội Người cao tuổi Việt Nam được thành lập đã kế thừa và phát huy truyền thống Hội Phụ lão cứu quốc do Bác Hồ sáng lập. Hội NCT Việt Nam, ngay từ khi được thành lập đã được sự chỉ đạo sát sao của Trung ương Đảng, sự quan tâm tạo điều kiện và phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể, sự đồng tình hưởng ứng của Nhân dân, của người cao tuổi, sự chủ động, sáng tạo của Hội Người cao tuổi các cấp, các hoạt động phong trào của Hội có bước phát triển không ngừng và đạt nhiều kết quả, được xã hội ghi nhận và đánh giá cao. Vị thế, vai trò của tổ chức Hội Người cao tuổi ngày càng được khẳng định trong đời sống xã hội nước ta. Nhìn lại chặng đường từ khi Hội được thành lập, nhân kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống NCT Việt Nam – cũng là kỷ niệm 21 năm Hội được thành lập, xây dựng và phát triển, với công sức, trí tuệ, tâm huyết và sự phấn đấu không mệt mỏi của các thế hệ cán bộ Hội từ trung ương đến địa phương và của toàn thể hội viên NCT trong cả nước, đã đạt được những kết quả to lớn, toàn diện trên các lĩnh vực công tác của Hội, đặc biệt là chăm sóc, phát huy vai trò và xây dựng Hội không ngừng lớn mạnh và góp phần vào sự nghiệp ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Các tổ chức Hội Người cao tuổi Việt Nam từ Trung ương đến địa phương, trong quá trình xây dựng và phát triển, đã chủ động tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương nhiều chủ trương, chính sách liên quan đến người cao tuổi, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người cao tuổi. Hội đã động viên khuyến khích được lớp người cao tuổi hăng hái tham gia phong trào thi đua yêu nước “Tuổi cao – Gương sáng” trên các lĩnh vực hoạt động công tác của Hội nhằm phát huy những tiềm năng, thế mạnh, kinh nghiệm sống và vị thế của người cao tuổi; tiếp tục đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước; những kinh nghiệm quý trong giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ, tuyên truyền, động viên con cháu trong gia đình, dòng họ gương mẫu thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, những quy định của chính quyền địa phương được cấp ủy, chính quyền địa phương trân trọng; đặc biệt, Hội Người cao tuổi Việt Nam đã được Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao chủ trì nghiên cứu, xây dựng trình Quốc hội dự án Luật Người cao tuổi và đã được Quốc hội khóa XII thông qua tại kỳ họp thứ 6 ngày 23 tháng 11 năm 2009… Với sự chỉ đạo của Chính phủ, Hội đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành chức năng, nên chỉ sau một thời gian, Luật Người cao tuổi đã có các văn bản hướng dẫn thực hiện. Luật Người cao tuổi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá là văn bản pháp luật được triển khai nhanh và sớm đi vào cuộc sống.

Kể từ khi Hội NCT Việt Nam được thành lập, với hiệu quả hoạt động của tổ chức hội các cấp và toàn thể hội viên, đến nay, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành chức năng đã ban hành hơn 30 văn bản liên quan đến người cao tuổi; hệ thống chính sách liên quan đến người cao tuổi ngày càng hoàn thiện. Hội Người cao tuổi Việt Nam là một trong số ít hội có nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước: Hiến pháp; Luật; Chương trình hành động Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam; các Nghị định; Quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; hướng dẫn của các bộ, ngành chức năng…Năm 2015, Trung ương Hội đã trình và được Thủ tướng Chính phủ Quyết định lấy tháng tháng 10 hàng năm là “Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam” (số 544/QĐ-TTg, ngày 25/4/2015) về “Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam”, nhằm phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, lòng hiếu thảo của con cháu với bố mẹ, ông bà và tinh thần kính lão trọng thọ, thu hút sự quan tâm của tổ chức, cá nhân và các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia chăm sóc, phụng dưỡng và phát huy vai trò người cao tuổi. Tháng 10 năm 2016, năm thứ 02 thực hiện “Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam”, thực hiện hướng dẫn của Trung ương Hội, tổ chức hội các cấp, sự tham gia, hưởng ứng của toàn xã hội sẽ đem lại niềm cổ vũ và động viên lớn đến với NCT cả nước.

Các phong trào, chương trình do Hội phát động đều nhận được sự đồng tình hưởng ứng của các cấp, các ngành, của toàn xã hội, như: Phong trào “Một triệu áo ấm tặng người cao tuổi nghèo”; phong trào ủng hộ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người cao tuổi nghèo; chương trình “Mắt sáng cho người cao tuổi”; chương trình “Người cao tuổi tham gia bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới”… đã được các cấp, các ngành, các tổ chức, đơn vị, các doanh nhân, cá nhân trong cả nước nhiệt tình tham gia, chia sẻ những khó khăn với người cao tuổi trong cả nước.

Thông qua các chương trình phối hợp, hàng triệu người cao tuổi, nhất là những người cao tuổi nghèo khó đã được thụ hưởng sự giúp đỡ của cộng đồng, của xã hội, giúp họ bớt đi nhiều khó khăn trong cuộc sống. Đặc biệt, hai chương trình do Đại hội IV Hội Người cao tuổi Việt Nam phát động đã đạt kết quả tốt: Chương trình “Mắt sáng cho người cao tuổi” - Đã tổ chức tư vấn, khám, cấp thuốc miễn phí cho hơn 3,5 triệu người cao tuổi, chữa các bệnh về mắt, mổ quặm, mổ mộng, thay thủy tinh thể cho 541.571 người cao tuổi, kinh phí xã hội hóa hơn 513 tỷ đồng; Chương trình “Người cao tuổi tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới”- Người cao tuổi cả nước và gia đình, động viên con cháu, họ tộc tự nguyện hiến 15.683 m2 đất, góp 65.990 ngày công lao động góp phần xây dựng đường giao thông nông thôn và các công trình phúc lợi tại địa phương.

Hội Người cao tuổi Việt Nam đã ký chương trình phối hợp công tác với 07 bộ, ngành chức năng như: Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Cơ bản, các chương trình phối hợp với các bộ, ngành đều thực hiện tốt, một số bộ đã tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí để Hội Người cao tuổi Việt Nam tổ chức các khóa bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ Hội cơ sở.

Trên cơ sở Luật Người cao tuổi, Chương trình hành động Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam giai đoạn 2012 – 2020, các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, của các bộ, ngành, đến nay cả nước đã có 2,8 triệu người cao tuổi đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội; hơn 1,5 triệu người cao tuổi được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; từ năm 2010 đến nay, trung bình hàng năm có từ 1 triệu đến 1,1 triệu người cao tuổi được các cấp, các ngành, đoàn thể tổ chức chúc thọ, mừng thọ; hơn 900 ngàn người cao tuổi được thăm hỏi, động viên khi ốm đau, bệnh tật, tặng quà trong dịp lễ, tết; công tác chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi được các cấp, các ngành, cộng đồng xã hội quan tâm. Một số địa phương, cơ sở đã tổ chức khám sức khoẻ định kỳ, lập sổ theo dõi sức khoẻ người cao tuổi. Năm 2015, cả nước đã tổ chức khám sức khoẻ định kỳ cho hơn 2,9 triệu người cao tuổi, cấp thẻ BHYT cho hơn 3,986 triệu người.

Hội Người cao tuổi các cấp đã tích cực tổ chức các hoạt động, vận động các cơ quan ban ngành, các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế tổ chức tư vấn, hướng dẫn, bồi dưỡng và tập huấn kiến thức, kỹ năng tự chăm sóc sức khoẻ, nâng cao sức khoẻ đối với đối với người cao tuổi và gia đình người cao tuổi; tổ chức khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hàng triệu người cao tuổi ở cơ sở. Đi đôi với quan tâm chăm sóc đời sống vật chất, chăm sóc sức khoẻ cho người cao tuổi, các địa phương quan tâm phát triển các hoạt động văn hoá tinh thần cho người cao tuổi, tổ chức nhiều lễ hội truyền thống tâm linh đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của đông đảo người cao tuổi.

Các loại hình quỹ hội từng bước được củng cố và phát triển, gồm: Quỹ Chăm sóc và Phát huy vai trò người cao tuổi theo Luật Người cao tuổi của 63 tỉnh, thành trên cả nước đạt tỷ lệ 85,8%, với 9.575/11.161 xã, phường, thị trấn, huy động được 299.627 triệu đồng; Chân Quỹ do chi hội quản lý 1.168.979 triệu đồng; Quỹ Phụng dưỡng ông bà cha mẹ do gia đình, họ tộc quản lý… Trên thực tế ở địa phương nào phát triển mạnh các loại hình quỹ thì ở địa phương ấy các phong trào, hoạt động của tổ chức Hội phong phú, hiệu quả, được đông đảo người cao tuổi đồng tình hưởng ứng tham gia.



Các hoạt động phát huy vai trò người cao tuổi được các cấp, các ngành quan tâm, tạo điều kiện để những người cao tuổi còn sức khoẻ, kinh nghiệm tiếp tục đóng góp cho quê hương đất nước:

Với 5 triệu người cao tuổi từ 60 – 65 tuổi, 70 – 75 tuổi và hàng triệu người cao tuổi có trình độ đại học, sau đại học còn sức khoẻ, trí tuệ, trong đó có nhiều người là giáo sư, tiến sĩ có chuyên môn sâu về các ngành khoa học, công nghệ v.v… nhiều người là cán bộ chủ chốt của các cấp, các ngành, có nhiều kinh nghiệm trong quản lý, chỉ đạo điều hành, triển khai thực hiện các chương trình dự án trong nước, quốc tế; kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền vận động Nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; kinh nghiệm trong nghiên cứu, xây dựng, giám sát, phản biện các chính sách kinh tế, xã hội… Đây thật sự là những tiềm năng, thế mạnh của người cao tuổi, nếu được Đảng, Nhà nước quan tâm tạo điều kiện, họ sẽ tiếp tục có những đóng góp, cống hiến vào các hoạt động kinh tế, văn hoá, xã hội của đất nước. Hiện nay cả nước có 1,24 triệu người cao tuổi tham gia công tác Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức đoàn thể. Có địa phương có đến 70 – 80% người cao tuổi làm Bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng bản; gần 2,5 triệu người cao tuổi tham gia lao động sản xuất, kinh doanh; hơn 93 ngàn người cao tuổi làm chủ trang trại, cơ sở sản xuất, kinh doanh; gần 300 ngàn người cao tuổi làm kinh tế giỏi…

Hội Người cao tuổi các cấp đã tích cực tham gia, góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp 1992: Hội đã tổ chức 4.013 hội nghị với trên 2 triệu lượt người cao tuổi tham dự đóng góp 165.819 ý kiến. Đáp ứng nguyện vọng đông đảo người cao tuổi cả nước, kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Hiến pháp sửa đổi 1992. Hiến pháp 2013 đã đề cập đậm nét đến vấn đề người cao tuổi: Tại khoản 3, Điều 37 đã có nội dung: “Người cao tuổi được Nhà nước, gia đình và xã hội tôn trọng, chăm sóc và phát huy vai trò trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” và tại Khoản 2, Điều 59 có nội dung: “Nhà nước tạo bình đẳng về cơ hội để công dân thụ huởng phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống an sinh xã hội, có chính sách trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn khác”.

75 năm qua, tổ chức Hội NCT Việt Nam ngày càng lớn mạnh.

Đến nay, tổ chức NCT đã được thành lập từ Trung ương đến cơ sở trên phạm vi cả nước. 13 tỉnh, thành phố đã thành lập và hoạt động mô hình Hội NCT, 50/63 tỉnh, thành phố hoạt động mô hình Ban đại diện NCT ở cấp tỉnh, thành phố. Mô hình Hội cấp tỉnh, thành phố đã thể hiện rõ vị thế, vai trò của tổ chức Hội, hiệu quả hoạt động, phong trào phát triển sôi nổi được các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể xã hội ghi nhận và đánh giá cao.

- Cả nước có 100% xã, phường, thị trấn thành lập Hội cơ sở với 11.122  xã, phường, thị trấn, 99.600 chi hội, 250.540 tổ hội ở các thôn, bản, buôn làng, khu dân cư, tổ dân phố thu hút, tập hợp được 90 % NCT vào Hội với hơn 8,6/10 triệu NCT. Một số tỉnh, thành phố có tỷ lệ NCT tham gia tổ chức Hội cao như Hải Dương, Bắc Ninh đạt 98,5 %, Ninh Bình 97 %, Hà Nội 96,4 %, Lào Cai 96,1 %, Sơn La 95 %, Quảng Ninh 93,88 %, Phú Yên 93,21 %, Thái Bình 93 %...

- Hoạt động của Hội đang đi dần vào nề nếp. Nhiều cấp ủy, chính quyền địa phương đã làm tốt và quan tâm hơn đến công tác NCT, phong trào của Hội NCT từng bước kiện toàn củng cố, tăng cường cán bộ chuyên trách, có chính sách đối với cán bộ Hội; nhiều tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ hội cơ sở, tạo điều kiện tổ chức bồi dưỡng tập huấn về luật NCT, các văn bản của Chính phủ, của các Bộ ngành, về nghiệp vụ công tác Hội cho đội ngũ cán bộ Hội. Hoạt động của nhiều chi hội, tổ hội ngày càng phong phú, đa dạng, không ngừng đổi mới nội dung, hình thức, thu hút được đông đảo NCT tham gia;

Nhiều cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương đánh giá cao Hội NCT như: Một đoàn thể đông hội viên, hoạt động phong phú, góp phần tích cực thực hiện các chương trình kinh tế, xã hội; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội từ cơ sở; việc nhà, việc làng, việc nước đều có NCT tham gia. Tổ chức Hội NCT thực sự là cầu nối giữa Đảng với NCT.

- Được sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền đia phương đến nay, các cấp Hội ở địa phương, cơ sở không ngừng đổi mới nội dung, phương phức hoạt động, nhất là các hoạt động về lĩnh vực tinh thần như:

+ Tổ chức thăm hỏi, động viên khi NCT ốm đau bệnh tật;

+ Phối hợp với chính quyền, gia đình tổ chức tốt chúc thọ, mừng thọ hàng năm;

+ Tổ chức chu đáo lễ tang khi người cao tuổi qua đời…

+ Hoạt động Câu lạc bộ đã trở thành phổ biến đối với NCT. 70.000 CLB thu hút 3,5 triệu NCT tham gia.

Với các hình thức hoạt động phong phú, phù hợp hoàn cảnh cụa thể của địa phương, đã động viên NCT tham gia Hội có xu hướng ngày càng đông.

- Trung ương Hội NCT Việt Nam có tổ chức phù hợp với tình hình nhiệm vụ và ngày càng được củng cố, hoàn thiện phương pháp công tác Hội, rõ chức năng nhiệm vụ, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản, qui chế làm viêc, mối quan hệ công tác, qui chế thi đua khen thưởng… đưa các hoạt động công tác hội ngày càng nề nếp.

Trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong xu thế già hoá dân số; đánh gía cao vai trò, vị thế của người cao tuổi, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm chăm sóc ngày càng tốt hơn và phát huy tiềm năng, kinh nghiệm quý của NCT. Hội NCT đã từng bước góp phần tạo dựng được hệ thống chính sách cho NCT mà đỉnh cao là Luật NCT; xác định được mục tiêu của NCT là: Sống vui, sống khoẻ, sống hạnh phúc, sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Hội NCT Việt Nam là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có 3 nhiệm vụ trọng tâm là: Xây dựng tổ chức Hội vững mạnh; chăm sóc, phụng dưỡng và phát huy vai trò NCT. Với sự chỉ đạo của Trung ương Hội và triển khai của tổ chức hội các cấp, trong sự phát triển của đất nước luôn có những phong trào của NCT đồng hành: Phong trào thi đua yêu nước “Tuổi cao - Gương sáng"; “NCT thi đua làm kinh tế giỏi”; NCT với phong trào “Xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh”; NCT với cuộc vận động “Xây dựng đời sống văn hoá”; NCT với phong trào “Khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập”; NCT với phong trào “Phòng chống tội phạm, bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “tham gia giữ vững chủ quyền, bảo đảm an ninh, trật tự biên giới đất liền, biển đảo”; phong trào “Aó ấm cho NCT”, “Xoá nhà tạm cho NCT”; NCT thực hiện Chương trình “NCT tham gia bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới”; Chương trình “Mắt sáng cho NCT” và từ tháng 10 năm 2015 “Tháng hành động vì NCT” đã được sự quan tâm của toàn xã hội và triển khai sâu, rộng trong cả nước.

Nhìn lại 75 năm qua, những hội viên NCT hôm nay chính là lớp người đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân của mình cho đất nước. Đó là những trai tài, gái giỏi đầy lòng yêu nước năm xưa, nghe theo tiếng gọi của Đảng, Bác Hồ, đã đứng lên đạp đổ ách thống trị của đế quốc, phất cao ngọn cờ Cách mạng tháng 8 năm 1945, giành chính quyền về tay nhân dân, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Đó là những con người gan dạ, trường kì kháng chiến chống thực dân Pháp Chín năm làm một Điện Biên chấn động địa cầu. Những con người đánh thắng Đế quốc Mỹ bằng cả quân sự, chính trị, ngoại giao, bằng cả 3 thứ quân, bằng vũ khí thô sơ và hiện đại, bằng cả kinh nghiệm truyền thống mấy ngàn năm lịch sử để kết thúc thắng lợi bằng chiến dịch lịch sử Mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đưa giang sơn thu về một mối. Suốt hơn 75 năm hy sinh, cống hiến trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học, an ninh, quốc phòng, xây dựng Đảng, đến nay trong số hội viên NCT cả nước có hàng ngàn cụ bà được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý “Mẹ Việt Nam anh hùng”; hàng ngàn NCT là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động; hàng ngàn NCT là lão thành cách mạng; hàng chục nghìn người là cán bộ cách mạng đã bị địch bắt, giam cầm, tù đày; hàng trăm nghìn NCT là thương, bệnh binh, cựu thanh niên xung phong, cựu chiến binh… Nhiều đại biểu NCT được tín nhiệm bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Đại biểu Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam các khoá, đây là những đại biểu NCT ưu tú, tiêu biểu cho trí tuệ, đạo đức của NCT Việt Nam đang phát huy tích cực những nội lực sẵn có, đóng góp xứng đáng vào việc chăm lo xây dựng cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, đưa sự nghiệp vẻ vang của đất nước ta phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.

Điều đặc biệt và rất tự hào, Chủ tịch Hồ Chí Minh là NCT Việt Nam đẹp nhất, Người anh hùng giải phóng dân tộc, Người chiến sĩ lỗi lạc trong phong trào cộng sản quốc tế, danh nhân văn hoá thế giới, Người sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng thời là người đầu tiên kêu gọi thành lập Hội Phụ lão cứu quốc, tiền thân của Hội NCT Việt Nam ngày nay.



  1. Ngày 06 tháng 6 hàng năm trở thành Ngày truyền thống

người cao tuổi Việt Nam, đồng thời là Ngày Người cao tuổi Việt Nam:

Sau Lời kêu gọi “Kính cáo đồng bào” và “Lời hiệu triệu đoàn kết tất cả các bậc phụ lão của đồng chí Nguyễn Aí Quốc; cùng với sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, phong trào “Đoàn kết toàn dân”, “Đoàn kết các bậc phụ lão” ngày càng phát triển; với sức mạnh đại đoàn kết dân tộc đã tạo ra nguồn lực to lớn, mạnh mẽ, là một trong những nhân tố góp phần quyết định thắng lợi các nhiệm vụ vẻ vang trong từng giai đoạn cách mạng của dân tộc.

Từ nguyện vọng tha thiết của lớp NCT trong cả nước; sự quan tâm sâu sắc, đánh giá cao của Đảng, Nhà nước đối với những cống hiến to lớn trong suốt 65 năm chiến đấu (đến thời điểm ngày 26/5/2006) và xây dựng đất nước của lớp NCT Việt Nam; theo đề nghị của Ban Thường vụ Trung ương Hội NCT Việt Nam (khoá III), ngày 26/5/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định số 772/QĐ-TTg: Lấy ngày 06 tháng 6 hàng năm là “Ngày truyền thống người cao tuổi Việt Nam”.

Thực hiện quyết định trên, Ban Thường vụ Trung ương Hội đã kịp thời hướng dẫn các cấp Hội triển khai tổ chức tuyên truyền, kỷ niệm Ngày truyền thống NCT Việt Nam (06/6). Ngày 06/6/2006, lần đầu tiên Ban Thường vụ Trung ương Hội NCT Việt Nam đã tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 65 năm Ngày Truyền thống NCT Việt Nam tại Thủ đô Hà Nội.

Để khẳng định vai trò, vị thế của NCT và Hội NCT Việt Nam, đồng thời thể chế hoá chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chăm sóc và phát huy vai trò của NCT trong xã hội, ngày 23/11/2009 Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (khoá XII) đã biểu quyết thông qua Luật NCT . Trong Luật, dành riêng Điều 6, ghi rõ: “Ngày 06 tháng 6 hàng năm là Ngày người cao tuổi Việt Nam”.

Như vậy, ngày 06 tháng 6 hàng năm là “Ngày truyền thống NCT Việt Nam”, đồng thời là “Ngày NCT Việt Nam”.

75 năm kỷ niệm Ngày truyền thống Người cao tuổi Việt Nam - Ngày Người cao tuổi Việt Nam, ôn lại chặng đường đã qua, NCT cả nước đã ghi tiếp trang truyền thống của NCT, Hội NCT Việt Nam bằng những sự kiện mốc son mới:

- Ngày 30/12/2006, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 3 Hội NCT Việt Nam thành công tốt đẹp;

- Ngày 23/11/2009, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (khóa XII) biểu quyết thông qua Luật Người cao tuổi do Hội NCT Việt Nam tham gia soạn thảo;

- Ngày 02/6/2010, Đảng, Nhà nước đã Quyết định trao tặng Huân chương Sao vàng cho các thế hệ NCT Việt Nam;

- Ngày 11/11/2011, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV Hội NCT Việt Nam thành công tốt đẹp;

- Tổ chức Hội các cấp và hội viên đã đóng góp ý kiến bổ sung, sửa đổi Hiến pháp và được Quốc hội ghi nhận bổ sung Hiến pháp 2013 nội dung liên quan đến NCT tại điều 37 và 59;

- Ngày 09/01/2015, Đảng, Nhà nước đã Quyết định trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Hội NCT Việt Nam.

Nhân Ngày truyền thống NCT– Ngày NCT Việt Nam năm 2016, Ban Thường vụ Trung ương Hội kêu gọi tổ chức Hội NCT các địa phương phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo đẩy mạnh phong trào thi đua "Tuổi cao -Gương sáng" thi đua hoạt động phù hợp với thực tế của địa phương, đơn vị, phấn đấu hoàn thành tốt Nghị quyết Hội lần thứ sáu BCH Trung ương Hội NCT Việt Nam về nhiệm vụ công tác Hội năm 2016, thiết thực lập thành tích chào mừng Đại hội lần thứ V NCT Việt Nam được tổ chức vào quí IV năm 2016 tại Hà Nội.

Để công tác tuyên truyền kỉ niệm 75 năm Ngày truyền thống NCT – Ngày NCT Việt Nam đạt kết quả tôt, thiết thực, Ban Thường vụ TW Hội đề nghị Hội NCT các cấp, các đơn vị trực thuộc TW Hội, đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua mọi hoạt động công tác Hội, hội nghị, hội thảo, các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao... Làm chuyển biến, nâng cao nhận thức của NCT, các tổ chức, cá nhân và cộng đồng xã hội về mục đích, ý nghĩa Ngày truyền thống NCT– Ngày NCT Việt Nam; Hướng dẫn Hội NCT cơ sở tổ chức các hoạt động kỷ niệm cụ thể, kết hợp tổ chức tuyên truyền kỷ niệm Ngày truyền thống NCT– Ngày NCT Việt Nam với thực hiện tốt công tác tuyên truyền bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp; NCT tham gia đầy đủ, có trách nhiệm các nhiệm vụ được phân công trong công tác bầu cử tổ chức vào ngày 22/5/2016; tiếp tục đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; tiếp tục tổ chức học tập nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và vận dụng những nội dung liên quan đến NCT để xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết; khẩn trương tổ chức triển khai các công việc chuẩn bị Đại hội V Hội NCT Việt Nam (trình Ban Bí thư Trung ương Đảng về triển khai Đại hội V; triển khai tổ chức công tác tuyên truyền về Đại hội trên các phương tiện thông tin đại chúng và trong các cấp Hội; hoàn thành việc tham gia đóng góp ý kiến vào các văn kiện trình Đại hội V Hội NCT Việt Nam; tổ chức Đại hội Hội NCT cấp cơ sở; tiếp tục tổ chức tốt Đại hội Hội NCT và Hội nghị BĐD Hội NCT cấp tỉnh, cấp huyện, tổng kết nhiệm kỳ 2011-2016 và 05 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội IV Hội NCT Việt Nam; chuẩn bị tốt nhân sự BĐD Hội NCT cấp tỉnh, cấp huyện và BCH Trung ương Hội nhiệm kỳ 2016- 2021...); tích cực triển khai, vận động nguồn lực chuẩn bị cho “Tháng hành động vì NCT” năm 2016 với chủ đề “Chung sức vì NCT cô đơn, không nơi nương tựa”…

Phấn khởi, tự hào với những công lao to lớn của các thế hệ NCT Việt Nam, NCT và Hội NCT Việt Nam hôm nay luôn giữ trọn niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, kiên định con đường cách mạng mà Đảng và Bác Hồ đã chọn, sát cánh cùng toàn Đảng, toàn dân phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, đưa hoạt động công tác Hội, công tác chăm sóc, phát huy vai trò NCT, xây dựng tổ chức Hội lên một tầm cao mới.







HỘI NGƯỜI CAO TUỔI VIỆT NAM



Каталог: files -> resource
files -> BÁo cáo quy hoạch vùng sản xuất vải an toàn tỉnh bắc giang đẾn năM 2020 (Thuộc dự án nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học ) Cơ quan chủ trì
files -> BỘ TÀi nguyên và MÔi trưỜng
files -> 1. Mục tiêu đào tạo: Mục tiêu chung
resource -> ĐỀ CƯƠng tuyên truyền ngày truyền thống ngưỜi cao tuổi việt nam ngày ngưỜi cao tuổi việt nam
resource -> Ban chấp hành trung ưƠNG
resource -> HỘi ngưỜi cao tuổi việt nam cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
resource -> Ban thưỜng vụ tw hộI ––––––––– CỘng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
resource -> BIỂu mẫu thống kê KẾt quả thực hiệN “THÁng hành đỘng vì ngưỜi cao tuổi việt nam” NĂM 2016 Công tác chỉ đạo
resource -> Lấy tháng 10 hằng năm là "Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam"

tải về 83.91 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương