ĐỀ CƯƠng tuyên truyền kỷ niệm 70 năm thành lập Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh



tải về 89.9 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu30.07.2016
Kích89.9 Kb.
#10410
ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH

BCH TP. HỒ CHÍ MINH

***

HỘI ĐỒNG ĐỘI Tp. Hồ Chí Minh, ngày 11 tháng 4 năm 2011

ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN

Kỷ niệm 70 năm thành lập Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh

(15/5/1941 – 15/5/2011)
Năm 2011 đánh dấu chặng đường lịch sử 70 năm vẻ vang của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh và thiếu nhi Việt Nam, là năm được thành phố chọn là Năm Vì Trẻ em. Đây là dịp để mỗi thiếu nhi, Đội viên nhìn lại lịch sử hào hùng của Đội TNTP Hồ Chí Minh, đồng thời, là cơ hội để các em thể hiện vai trò là con ngoan trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ, làm tốt 5 điều Bác Hồ dạy, kế thừa và phát huy truyền thống Đội TNTP, tiếp bước lên Đoàn, xây dựng thành phố và đất nước. Nhằm mục đích giúp các thiếu nhi, đội viên hiểu rõ hơn về lịch sử, truyền thống Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, về những thành tích mà đội viên thiếu nhi cả nước nói chung và thành phố Hồ Chí Minh nói riêng đạt được qua các phong trào công tác Đội, về những gương anh hùng nhỏ tuổi, Hội đồng Đội Thành phố giới thiệu đến các em đội viên thiếu niên thành phố những nội dung chủ yếu về quá trình hình thành, xây dựng tổ chức Đội Thiếu Niên Tiền Phong Hồ Chí Minh, kỷ niệm 70 năm thành lập Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh. (15/5/1941 – 15/5/2011).
I. SỰ RA ĐỜI CỦA ĐỘI TNTP HỒ CHÍ MINH
Đảng Cộng Sản Việt Nam thành lập vào ngày 03/02/1930. Từ đó, phong trào đấu tranh chống đế quốc và phong kiến dưới sự lãnh đạo của Đảng ngày càng phát triển. Trong đấu tranh giành độc lập tự do, Bác Hồ và Đảng luôn quan tâm đến thế hệ trẻ vì đó là một lực lượng quan trọng trong công cuộc cách mạng cứu quốc, và chỉ một năm sau ngày thành lập, Đảng đã thấy rõ tầm quan trọng của việc thành lập tổ chức Đoàn, ngày 26/3/1931, tại Hội nghị lần thứ 2 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết thành lập tổ chức Đoàn Thanh niên, tiếp theo sau đó, tại Hội nghị lần thứ 8 của Trung ương Đảng vào tháng 5/1941, Trung ương Đảng đã ra quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh đoàn kết đánh Tây, đuổi Nhật, giành độc lập tự do cho dân tộc Việt Nam.

Ngay sau đó, vào ngày 15/5/1941 lịch sử, tại thôn Nà Mạ, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, tổ chức Hội Nhi đồng Cứu quốc (nay là Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh) đầu tiên được thành lập với 5 đội viên là Nông Văn Dền (tức Kim Đồng) được bầu làm Đội trưởng, Nông Văn Thàn (tức Cao Sơn), Lý Văn Tịnh (tức Thanh Minh), Lý Thị Nì (tức Thủy Tiên), Lý Thị Xậu (tức Thanh Thủy).

Từ những ngày đầu thành lập đến nay, theo sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Đảng, Bác Hồ kính yêu và được Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phụ trách, từng thời kỳ, Đội trải qua các giai đoạn cách mạng với các tên gọi khác nhau:

- Năm 1941: Hội Nhi đồng Cứu quốc (sau đó đổi là Đội Thiếu nhi Cứu quốc);

- Năm 1949: Đội Thiếu nhi Tháng Tám.

- Tháng 2/1950: Đội Thiếu nhi Tháng Tám tách thành Đội Nhi đồng Tháng Tám và Đội Thiếu niên Tiền phong.

- Tháng 3/1951: Đội Thiếu nhi Tháng Tám.

- Ngày 4/11/1956 : Đội Thiếu niên Tiền phong Việt Nam.

- Thể theo nguyện vọng của Đội viên thiếu nhi cả nước, ngày 30/1/1970 Ban chấp hành Trung ương Đảng quyết nghị cho Đội Thiếu niên, Đội Nhi đồng được mang tên Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh cho đến nay.
Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh là tổ chức của thiếu nhi Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng Sản Việt Nam sáng lập, được Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh phụ trách, từ những ngày đầu thành lập, là thành viên của Mặt trận Việt Minh, Đội hoạt động theo điều lệ của Mặt trận Việt Minh với nội dung: “Dự bị giúp đánh Tây, đánh Nhật Bản cho Việt Nam hoàn toàn độc lập”. Điều đó cho thấy, Đội luôn là tổ chức nòng cốt trong các phong trào thiếu nhi, là lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường, là lực lượng dự bị của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Đội lấy 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng làm mục tiêu phấn đấu rèn luyện cho Đội viên. Đứng dưới cờ Đội quang vinh, Đội viên được phát triển mọi khả năng trong hoạt động, học tập, vui chơi, cống hiến sức mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc.
II. ĐỘI THIẾU NIÊN TIỀN PHONG HỒ CHÍ MINH – 70 NĂM XÂY DỰNG VÀ TRƯỞNG THÀNH
Từ sau ngày thành lập. Trên khắp cả nước, các Đội Thiếu nhi Cứu quốc ở mọi nơi được thành lập. Bên cạnh việc tập hợp, giáo dục thiếu niên nhi đồng, các Đội Thiếu nhi Cứu quốc đã tham gia cách mạng góp phần vào thắng lợi của cách mạng Tháng Tám 1945. Lúc này các tổ chức thiếu nhi cả nước được gọi chung là Hội Thiếu nhi Cứu quốc, mỗi đơn vị gọi là một Đội. Ở khắp nơi các Đội thiếu nhi đều tích cực tham gia các hoạt động cách mạng cùng với cha anh và tham gia các hoạt động xã hội như: dạy Bình dân học vụ, cổ động, tham gia sản xuất, tiết kiệm hoặc bảo vệ trật tự trị an, giúp đỡ bộ đội, tự vệ.

Ngày 2/9/1945, Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình lịch sử khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, mở ra một kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam.

Tháng 9/1945, Bác Hồ viết thư cho thiếu nhi cả nước nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Trong thư, Bác đã căn dặn “…Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được vẻ vang sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không chính là nhờ một phần lớn công học tập của các cháu”.

Hoà bình trên đất nước ta chưa được bao lâu, giặc Pháp lại xâm lược nước ta một lần nữa. Bác Hồ đã kêu gọi toàn dân kháng chiến chống Pháp. Cùng với toàn quân toàn dân ta, các Đội Thiếu nhi Cứu quốc đã tham gia kháng chiến. Nhiều đội thiếu niên đã lập công xuất sắc làm sáng ngời trang sử vẻ vang của Đội như: Đội thiếu nhi Hoàng Văn Thụ, Đội thiếu nhi Bát Sát (Hà Nội), Đội thiếu nhi Đồng tháp Mười và các đội thiếu nhi ở Sài Gòn…và nhiều anh hùng liệt sĩ thiếu niên như Lê Văn Tám (Sài Gòn), Dương Văn Nội (Hà Nội), Vừ A Dính (Lai Châu)…xuất hiện trở thành gương sáng cho các thế hệ thiếu nhi mai sau.

Vào tháng 2/1948 Bác Hồ đã gửi thư căn dặn thiếu nhi cả nước làm công tác Trần Quốc Toản. Từ đó, một phong trào lớn của Đội ra đời để giúp đỡ các gia đình thương binh liệt sĩ, neo đơn. Đến nay, công tác Trần Quốc Toản đã trở thành phong trào truyền thống của Đội ngày càng phát triển và có ý nghĩa xã hội rộng lớn. Trong những năm kháng chiến cho đến ngày hoà bình lập lại, tổ chức Đội ở các địa phương ngày càng phát triển, phong trào của Đội mở rộng giành được những kết quả mới. Ở các tỉnh thuộc chiến khu Việt Bắc, Quân khu Ba đã mở các Đại hội “Thiếu nhi gương mẫu”.

Tháng 3/1951 Đội thiếu nhi Cứu quốc được đổi tên thành Đội thiếu nhi Tháng Tám. Năm 1954, hoà bình lập lại, nhưng nước ta tạm thời bị chia cắt làm 2 miền. Đế quốc Mỹ âm mưu chia cắt nước ta và phá hoại hiệp định Giơ – ne – vơ. Từ đó, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng vừa đấu tranh giành lại miền Nam thống nhất Tổ Quốc, vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Miền Bắc hoà bình, trẻ em được vui chơi, được cắp sách đến trường. Tổ chức Đội phát triển mạnh đến thôn xóm, bản làng và các trường học. Các phong trào Đội cũng phát triển mạnh mẽ như các phong trào “Vì miền Nam ruột thịt”, “Đi thăm miền Nam”.

Sau Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ 2, ngày 4/11/1956 Đội được mang tên là Đội thiếu niên Tiền phong Việt Nam. Đến năm 1961, các em ở lứa tuổi nhi đồng được tổ chức vào Đội nhi đồng Tháng Tám.

Năm 1958 Hợp Tác Xã Măng non Thạch Khối (Hải Hưng) được thành lập mở đầu cho phong trào xây dựng Hợp Tác Xã Măng non ở miền Bắc. Hợp tác xã Măng non Phú Mẫn (Hà Bắc) đã trở thành điển hình của phong trào, được Bác Hồ gửi thư khen vào năm 1969. Ngày 02/12/1958 Bác Tôn Đức Thắng (Chủ tịch Ủy Ban thường vụ Quốc Hội khoá 2) đã viết thư hoan nghênh sáng kiến của thiếu nhi Hải Phòng và Sơn Tây đề nghị Quốc Hội và Chính phủ cho phép thiếu nhi mở phong trào làm kế hoạch nhỏ xây dựng nhà máy nhựa Thiếu niên Tiền Phong ở Hải Phòng.

Ngày 30/5/1959, nhà máy nhựa mang tên Đội khánh thành, Ban Giám đốc đã trao cho đoàn thiếu nhi miền Bắc 18.000 đồ chơi. Sản phẩm của nhà máy để trao tặng cho các bạn thiếu nhi miền Nam.

Ngày 15/5/1961 nhân kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Đội, Bác Hồ đã căn dặn các cháu thiếu niên nhi đồng 5 điều:

“Yêu Tổ Quốc, yêu đồng bào

Học tập tốt, lao động tốt

Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt,

Giữ gìn vệ sinh thật tốt,

Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm.”

Từ đó đến nay 5 điều Bác Hồ dạy đã trở thành mục tiêu phấn đấu của toàn thể thiếu niên, nhi đồng Việt Nam.

Năm 1961, phong trào “Nghìn việc tốt” của Đội xuất hiện ở Tam Sơn, Hà Bắc và phát triển khắp các địa phương và trở thành một phong trào lớn của Đội cho đến nay với nội dung: “Nói lời hay, làm việc tốt, phấn đấu trở thành cháu ngoan Bác Hồ”. Ngày 20/12/1961 Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam ra đời, tổ chức Đội Thiếu niên Tiền phong ở miền Nam được thành lập và phong trào “Việc nhỏ chí lớn chống Mỹ cứu nước” trở thành phong trào tiêu biểu của thiếu nhi miền Nam, phát triển theo cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc. Góp phần vào công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta, thiếu nhi cả 2 miền đã lập nên những chiến công xuất sắc.

Ngày 15/5/1966, nhân kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Đội, Bác Tôn Đức Thắng thay mặt Đảng và Nhà nước đã trao cho Đội lá cờ thêu nhiệm vụ của Đội trong thời kì chống Mỹ cứu nước.

“Vâng lời Bác dạy,

Làm nghìn việc tốt

Chống Mỹ cứu nước

Thiếu niên sẵn sàng”

Ngày 30/1/1970, sau ngày Bác Hồ đi xa, thể theo nguyện vọng của thanh niên, đoàn viên, đội viên, thiếu nhi cả nước, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã ra nghị quyết trao cho Đoàn và Đội được mang tên Bác Hồ kính yêu và từ đó đến nay Đội được mang tên: Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh.

Ngày 30/4/1975, miền Nam độc lập, đất nước hoàn toàn giải phóng. Ngày 23/6/1976 Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đoàn lần thứ 23 họp tại thành phố Hồ Chí Minh đã thống nhất tổ chức Đội TNTP Hồ Chí Minh trong cả nước và đề nghị Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng trao cho Đội khẩu hiệu: “Vì Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, vì lý tưởng của Bác Hồ vĩ đại: Sẵn sàng!”. Sau khi đất nước giải phóng, Đội viên thiếu nhi tiếp tục phấn đấu, góp phần xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa mà tiêu biểu là các sự kiện nổi bật sau:

Tháng 12/1976, hưởng ứng phong trào Kế hoạch nhỏ, theo sáng kiến của thiếu nhi thành phố Hồ Chí Minh, thiếu nhi cả nước phát động phong trào “Thu lượm 4 triệu kilogam giấy vụn phế liệu và lao động tiết kiệm lấy tiền đóng đoàn tàu mang tên “Đoàn xe lửa Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh” và đến ngày 01/01/1979 đoàn tàu đã hoàn thành và đã được bàn giao cho ngành đường sắt tại Hà Nội. Phong trào đã gây tiếng vang lớn trong xã hội và có giá trị sử dụng đến ngày hôm nay. Bên cạnh đó, năm 1980, thiếu nhi Thái Bình đã khởi xướng xây dựng khách sạn Khăn Quàng Đỏ tại Thủ đô Hà Nội, năm 1985, phong trào “Xây dựng khu di tích Lịch sử Kim Đồng” tại Cao Bằng được phát động và đã hoàn thành vào ngày 15/5/1986.

Từ 18 đến 31/7/1977, Đoàn đại biểu thiếu nhi toàn quốc đi dự Đại Hội Liên hoan Thiếu nhi Thế giới lần thứ I tổ chức tại Mat-cơ-va (Liên Xô cũ). Ngày 19/01/1981, Ban Bí thư Trung ương Đoàn ra quyết định số 02 về việc thành lập Hội đồng phụ trách Đội TNTP Hồ Chí Minh và Đội Nhi đồng Hồ Chí Minh khoá I.

Những cố gắng của Đội viên thiếu nhi đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận và vinh danh khi nhân kỷ niệm 40 năm thành lập Đội, Đội viên và thiếu nhi cả nước đã vinh dự nhận Huân chương Hồ Chí Minh vào ngày 15/5/1981.

Từ ngày 20 đến 26/8/1981: Đại Hội Cháu Ngoan Bác Hồ lần thứ I được tổ chức. Đến nay, đã trải qua bảy kì Đại Hội.

Năm 1983 “Cuộc hành quân theo bước chân những người anh hùng” được phát động trong cả nước với chủ đề “Mừng chiến thắng Điện Biên Phủ” và “Mừng chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng”.

Ngày 15/5/1996 nhân kỷ niệm 55 ngày thành Đội, Trung ương Đảng trao tặng tổ chức Đội lá cờ mang dòng chữ: “Thiếu niên Việt Nam hãy làm tốt 5 điều Bác Hồ dạy”.

Từ ngày 6 đến 10/7/1996: Liên hoan phụ trách thiếu nhi giỏi toàn quốc được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, gần 200 phụ trách Đội đã tham gia.

Từ 5 đến 15/5/2001: Lễ hội kỷ niệm trọng thể 60 năm ngày thành lập Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh và đón nhận Huân chương Sao vàng – phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước trao tặng Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh vì “Đã có nhiều công lao to lớn đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc”

70 năm qua, những trang vàng sử Đội và hào khí truyền thống của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh mỗi ngày một toả sáng. Lịch sử đó, truyền thống đó gắn liền với phong trào thiếu nhi Việt Nam và là một bộ phận không thể tách rời trong lịch sử của dân tộc, của Đảng và Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.

Trong 70 năm lịch sử vẻ vang Đội TNTP Hồ Chí Minh, đã có rất nhiều tấm gương Đội viên, thiếu nhi anh hùng, tiêu biểu cho hình ảnh Đội viên, thiếu nhi Việt Nam, Hội đồng Đội Thành phố trân trọng giới thiệu đến các em các tấm gương tiêu biểu sau:



+ KIM ĐỒNG: Người Đội trưởng đầu tiên của Đội, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Việt Nam.

Tên thật của Kim Đồng là Nông Văn Dền, dân tộc Nùng, ở thôn Nà Mạ, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Anh là người đội viên đầu tiên của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh. Từ nhỏ, Kim Đồng giúp mẹ làm đủ việc trong nhà, ở rừng, ở rẫy. Khi nhận công tác giao liên, Kim Đồng luôn hoàn thành nhiệm vụ. Kim Đồng vừa gan dạ, vừa mưu trí, luôn có sáng kiến bảo vệ tài liệu mật và mọi cuộc họp của cán bộ. Lần cuối cùng canh gác để cán bộ họp bất thường, Kim Đồng thấy lính bao vây, chỉ còn cách nhờ bạn lẻn lối khác về báo cấp tốc, còn mình đánh động để lính chú ý đến mình. Quả nhiên, tên lính bị lừa, tên gần nhất đã thẳng tay nhắm bắn anh. Tiếng súng cũng là tiếng báo động để các cán bộ đang họp thoát nạn. Nhưng chính Kim Đồng gục ngã bên bờ suối ở tuổi 15, hôm ấy là ngày 15/2/1943.

Anh đã nêu một tấm gương vì cách mạng quên mình, hy sinh khi làm nhiệm vụ bảo vệ cán bộ cách mạng. Sự hy sinh đó là tấm gương sáng chói mở đầu cho nhiều gương cao quí khác trong đội ngũ Đội viên Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh.
+ LÊ VĂN TÁM: Ngọn đuốc sống

Năm ấy, ở gần chợ Đa Kao thành phố Sài Gòn có một em bé con nhà nghèo phải đi bán lạc rang, đánh giày để kiếm sống. Tên em là Tám.

Lê Văn Tám thường lân la tới những nơi có quân Pháp đóng để bán hàng, đánh giầy. Tám tỏ ra hiền lành, nhút nhát nên được bọn lính Pháp để cho đi qua, đi lại và dần dần quen mặt em. Tại Thị Nghè, có một kho xăng, đạn lớn của địch. Hình ảnh những hòm đạn, những trái bom hiện ra trong trí nhớ của Tám cùng những cảnh tàn phá, giết chóc dã man của địch đối với đồng bào ta đã thôi thúc em tính đến việc làm táo bạo. Tám nảy ra ý định sẽ phá kho xăng đạn này.

Sau mấy hôm dò la quan sát địch, Tám giấu dầu xăng trong người, thản nhiên khoác hòm lạc rang đến bán cho lính như thường lệ. Lợi dụng lúc bọn địch không để ý Tám chạy như bay vào chỗ để xăng và xoè diêm. Dầu xăng trong người Tám bốc cháy và bén luôn vào thùng xăng gần nhất. Thế là cả kho xăng bốc cháy đùng đùng rồi lan tới chỗ bom đạn. Tiếng nổ rầm trời, khói lửa mịt mù cả thành phố.

Lê Văn Tám đã hy sinh và để lại trong trí nhớ nhân dân Thành phố Sài Gòn hình ảnh: Em bé đuốc sống của thành phố mang tên Bác, của dân tộc Việt Nam.
+TRẦN VĂN CHẨM: Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Việt Nam

Trần Văn Chẩm sinh năm 1948 ở Phước Vĩnh An – Củ Chi, anh luôn được mọi người yêu mến. Sau khi nghe tin một cán bộ quen biết bị tên đại diện Chưng bắt, đánh gãy chân rồi đưa về quận trưởng giết chết, thì từ đó, anh Chẩm trở nên lầm lì ít nói, để ý đến tên Chưng và mày mò tạo súng từ sườn xe đạp cũ. Hôm ấy, tên Chưng đi đâu về ghé uống nước ở quán chú Tư Lên, chợt có hai cậu bé đi học về đội nón che nửa mặt vào quán hỏi mua thuốc lá. Ngậm điếu thuốc lên miệng, cậu thò tay vào túi lấy hộp quẹt, không ngờ cậu lấy ra khẩu súng chỉa vào mặt tên Chưng và bắn, tiếng nổ vang lên kết liễu tên ác ôn. Hôm khác, Chẩm dò la tin tức và định giết tên cảnh sát Long nhưng bị chúng phục kích bắt được. Tên Long giận dữ, tra tấn, đánh đập, chặt đầu anh khi nghe Chẩm nói : “Tao còn tính giết cả mày nữa đấy!”, sau đó tên Long đã bêu đầu người chiến sĩ cách mạng nhỏ tuổi trước cổng đồn. Sự hy sinh của anh Chẩm đã góp phần thắp lên ngọn lửa chiến đấu trong lòng người dân Củ Chi.



+ NGUYỄN BÁ NGỌC: Quên mình hy sinh

Là học sinh lớp 4B trường cấp 1 xã Quang Trung, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Ngày 04/4/1965, máy bay Mỹ ném bom bắn phá, lúc ấy người lớn đã ra đồng làm việc, trong nhà chỉ có trẻ em. Nghe tiếng máy bay, Ngọc đã chạy xuống hầm chợt nghe nhà bên có tiếng khóc to, không chút chần chờ, Ngọc nhào lên chạy sang nhà Khương thì thấy bạn đã bị thương, còn hai em nhỏ của Khương đang kêu khóc. Ngọc vội bế và dìu hai em xuống hầm, gần tới nơi trú ẩn thì giặc lại thả bom và anh đã bị trúng đạn vào lưng rất nguy hiểm. Sau khi cứu được 2 em nhỏ rồi Ngọc mới tái mặt, lả đi. Vết thương quá nặng nên Nguyễn Bá Ngọc đã hy sinh vào lúc 02 giờ sáng ngày 05/4/1965 tại bệnh viện.

Tấm gương dũng cảm của Nguyễn Bá Ngọc đã được Đảng và Nhà nước truy tặng danh hiệu liệt sỹ và Huân chương Chiến công Hạng Ba. Với ý chí kiên cường và lòng dũng cảm, Nguyễn Bá Ngọc là tấm gương sáng tuổi xanh.
III. ĐỘI THIẾU NIÊN TIỀN PHONG HỒ CHÍ MINH TP. HỒ CHÍ MINH – LỚN LÊN CÙNG ĐẤT NƯỚC:
* Phong trào Đội trước giải phóng:

     Trải qua hơn 300 năm lịch sử, tuổi nhỏ thành phố tự hào là đã góp phần viết nên những trang sử oai hùng của Thành phố. Từ ngày có Đảng, thiếu nhi Sài Gòn – Gia Định luôn sát cánh cùng cha anh đánh đuổi kẻ thù.

Ngày 8/4/1946, em Lê Văn Tám 13 tuổi, bán lạc rang ở chợ Đa Kao đã biến thân mình thành ngọn đuốc sống làm nổ tung kho xăng đạn lớn của giặc ở Thị Nghè. Các chiến sĩ du kích nhỏ như Lê Văn Thọ (anh hùng biệt động), Phạm Văn Ry (Anh hùng biệt động), Lê Văn Giản, Út Một, Mai Văn Te… đã nhiều phen làm quân thù khiếp sợ. Chiến sĩ biệt động Nguyễn Thị Kim Dung (nay là cán bộ giảng dạy trường Đại học Y Dược Thành phố) thuộc đội nữ cảm tử mang tên chị Minh Khai mới 15 tuổi đã táo bạo đánh bom vào rạp hát Majestic. Trong Ban Công tác 1 (tiền thân của lực lượng biệt động Sài Gòn) còn có nhiều chiến sĩ nhỏ như em Tâm 14 tuổi từng tham gia trận đánh vào tòa soạn báo Phục Hưng phản động, hai anh em Hoàng, Hiệp từng dùng lựu đạn làm què chân tên Beziat - Chủ tịch Hội đồng tư vấn Nam Kỳ.

Khi đế quốc Mỹ thay chân Pháp, cuộc kháng chiến càng trở nên ác liệt, cam go. Thiếu nhi Sài Gòn – Gia Định càng tỏ rõ khí phách của mình. Nữ sinh Quách Thị Trang đã hy sinh anh dũng giữa đường phố Sài Gòn trong cuộc biểu tình chống Mỹ Ngụy khi mới 15 tuổi. Liệt sĩ Trần Văn Chẩm 14 tuổi ở xã Phước Vĩnh An lừng danh với khẩu súng tự tạo tìm ác ôn xử tội mở đầu cho truyền thống anh hùng của thiếu nhi “Đất thép”. Đó là sự vận dụng những điều cơ bản trong 5 điều Bác Hồ dạy thiếu nhi vào hoàn cảnh đấu tranh hợp pháp giữa lòng địch.

    Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, nhiều chiến sĩ nhỏ của THÀNH phố đã hướng dẫn các đơn vị bộ đội đánh chiếm và tiếp quản các đồn bót địch. Em Phạm Phú Hữu là người treo cờ giải phóng đầu tiên trong khu vực lên cột cờ Trường Bình Lợi Trung (Bình Thạnh) vào sáng sớm 30/4/1975. Em Nguyễn Văn Dũng ở xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh dẫn đầu cả một “trung đội” thiếu nhi dùng mưu cướp đồn Tân Bửu rồi giao lại cho các anh bộ đội v.v…

    Suốt chặng đường đấu tranh giành độc lập của cả dân tộc, tuổi nhỏ Thành phố đã có những đóng góp đáng kể, tiếp sức với cha anh viết nên những trang sử rực rỡ, tô thắm truyền thống vẻ vang của nhân dân Sài Gòn – Gia Định. Đây chính là cơ sở để phong trào thiếu nhi thành phố sau giải phóng kế thừa và phát huy mạnh mẽ. Tinh thần của những Lê Văn Tám, Trần Văn Chẩm đang được nhân ra khắp thành phố trong giai đoạn mới.



* Phong trào Đội sau giải phóng đến nay:
     1. Giai đoạn 1975 – 1976:

     Sau đại thắng mùa Xuân 75, tuổi nhỏ thành phố nô nức cùng với cha anh tham gia các chiến dịch như: làm vệ sinh đường phố, xóm ấp, thu gom và truy quét các loại văn hóa phẩm đồi trụy, phản động. Mừng chiến thắng, trật tự giao thông. Ngay khi tiếp quản Sài Gòn, Ban Thiếu nhi Thành phố đã tập họp lực lượng, triển khai nhiều phong trào lớn. Tiêu biểu là:

- Ngàn hoa việc tốt dâng Đảng quang vinh (mừng Đại hội lần thứ IV của Đảng 12/1976)

- 1 triệu học cụ vì các bạn vùng kinh tế mới (thực hiện chủ trương giãn dân sau giải phóng)

- Xóa nạn mù chữ (thầy giáo, cô giáo quàng khăn đỏ).

+Về tổ chức:

  Chi đội đầu tiên mang tên Lê Văn Tám được thành lập ngày 19/5/1975, đến năm 1977 Đội đã phát triển ra khắp các phường xã với 74.653 đội viên và 8.353 Cháu ngoan Bác Hồ.



+  Sự kiện tiêu biểu:

  Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ thành phố lần I: 24 – 15/8/1976 tại Hội trường Thống Nhất.


     2. Giai đoạn 1977 – 1982:

     Đầu năm 1977, Báo Khăn Quàng Đỏ ra số đầu tiên. Đây là giai đoạn có nhiều cao trào lớn mà tiêu biểu là phong trào Kế hoạch nhỏ xây dựng đoàn tàu Thiếu niên Tiền phong được phát động vào ngày 19/5/1977 theo sáng kiến của Liên Đội trường cấp 2, 3 Nguyễn An Ninh, Q10. Phong trào được Trung ương Đoàn công nhận và phát động trong toàn quốc. Các phong trào khác là: một triệu viên gạch cho Nghĩa trang Liệt sĩ Thành phố; làm kế hoạch nhỏ xây dựng Khách sạn Khăn quàng đỏ và công trình thủy điện Trị An; một triệu dụng cụ học tập, 120 bộ trống tặng thiếu nhi Cam-pu-chia…



+ Về tổ chức:

 Đội chuyển vào hoạt động trong nhà trường và gần 400.000 đội viên, gần 93.000 Cháu ngoan Bác Hồ, hơn 3.000 đội viên trưởng thành được kết nạp Đoàn.


+ Sự kiện tiêu biểu:

- Đại hội Liên hoan Dũng sĩ kế hoạch nhỏ Thành phố lần thứ I tại Nhà hát Thành phố (12/1977).

- Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ Thành phố lần III (6/1979) Quốc hội và Chính phủ tặng huân chương Lao động hạng Ba cho Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh và phong trào thiếu nhi Thành phố.
  3. Giai đoạn 1983 – 1987:

Mở đầu với chủ đề lớn “Tiếp bước những Anh hùng” với hàng loạt phong trào lớn: Sưu tầm địa chỉ đỏ - Vì các bạn nhỏ biên giới phía Bắc. Kết nạp đội viên danh dự - Vì tuyến đầu Tổ quốc. Xây dựng phòng truyền thống – Vì các bạn thiếu nhi vùng thiên tai.

  Đỉnh cao là các chủ đề “Em là chiến sĩ Điện Biên – Mỗi trường làm một Điện Biên”, “Chúng em bộ đội Bác Hồ”, “Chiến dịch Hồ Chí Minh 85”, “Hè Đồng Khởi 94”, “Hè Toàn thắng 95”…

+ Sự kiện đáng nhớ:

- Đoàn đại biểu thiếu nhi thành phố ra thăm thủ đô, các tỉnh phía Bắc và Điện Biên Phủ (104 thiếu nhi và phụ trách) vào tháng 6 – 7/1984.

- Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ Thành phố 10 năm. Đồng chí Mai Chí Thọ thay mặt Thành ủy – Uỷ ban Nhân dân Thành phố tặng lá cờ truyền thống thêu 16 chữ vàng cho Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh và phong trào thiếu nhi thành phố. Đó là:


“Hiếu học chăm làm

Đoàn kết lễ phép

Làm đẹp thành phố

Giúp đỡ mọi người”

- Cuộc gặp gỡ Cháu ngoan Bác Hồ – chiến sĩ nhỏ Giải phóng quân toàn quốc diễn ra tại thành phố trong 9 ngày (có 2 đoàn khách quốc tế là Lào và Cam-pu-chia cùng dự).
 5. Giai đoạn 1988 – 1995:

     Đây là giai đoạn quan trọng, Đại hội Đảng lần VI đã chủ trương trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế với nhiều chủ trương đổi mới sâu sắc. Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh có dịp nhìn lại mình và có nhiều hoạt động thiết thực:

+ Các chủ đề lớn:

- Hành trình về quê Bác.

- Về nguồn.

- Về với cội nguồn dân tộc.

- Nụ cười hồng.

- Thành phố Bác Hồ, Thành phố của em…

     Các phong trào được định hình rõ nét, mang tính xã hội và được đông đảo phụ huynh ủng hộ. Đó là các phong trào: Về nguồn; Vượt khó học giỏi; Giúp bạn vượt khó; Nụ cười trái đất; Khỏe vì nước… Giai đoạn này, các đội nòng cốt được hình thành trên cơ sở tự nguyện, tự giác của các em tạo nên nét tích cực trong hoạt động Đội.

 

+ Sự kiện đáng nhớ:



- Chuyến hành trình về quê Bác và tham quan các tỉnh phía Bắc của 54 đội viên và phụ trách tháng 7/90.

- Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ 15 năm (1990) và 20 năm (1995) đều tổ chức tại nhà hát Hòa Bình. Các đại biểu đều được Thành ủy  và Ủy ban Nhân dân Thành phố tặng nhiều quà giá trị.

- Các trại dã ngoại bằng xe đạp được tổ chức hàng năm từ 1990, trại hè Thanh Đa từ 1988 (phối hợp với Liên đoàn Lao đông Thành phố).

- Họp mặt “Tuổi nhỏ vượt khó giúp bạn”. Các lễ hội Hồng Bàng (23 tháng chạp 1991) với 1.500 diễn viên, lễ hội Hùng Vương (mười tháng ba 1992) với 1.600 diễn viên và hàng ngàn khán giả là những lễ hội hoành tráng nhất của thành phố từ trước đến nay.

- Chiến dịch Nụ cười Hồng với 3 đợt trong năm 1993 đã thu được gần 1 tỉ đồng với nhiều cách làm độc đáo, thiết thực giúp bạn nghèo đến lớp, giúp bạn nghèo vui Tết, giúp các đội viên hiếu học.

- Giải thưởng Lê Quý Đôn và các giải thưởng khuyến học được tổ chức và phát triển mạnh mẽ khắp các quận-huyện.


4. Giai đoạn 1995 – 2010:

Đất nước đang trong thời kỳ đổi mới, bước vào thời kì hội nhập quốc tế, Đội đã có những chuyển mình một cách năng động theo từng bước phát triển và đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ và biểu dương:



+ Các chủ đề lớn:

- Nhi đồng chăm ngoan.

-Thiếu niên sẵn sàng.

- Chăm ngoan học tốt, tiến bước lên Đoàn.

- Thiếu nhi thành phố, nói lời hay, làm việc tốt.

- Tự hào thiếu nhi Thành phố Anh hùng.

- Rạng ngời trang sử Đội – Vững bước tiến lên Đoàn.

Các phong trào mang tính giáo dục cao, các phong trào Thiếu niên sẵn sàng, Thi đua chăm ngoan, Kế hoạch nhỏ, Du lịch học sử...gần gũi với các em, phù hợp thời kỳ tăng trưởng của đất nước, nhận được sự đồng tình và ủng hộ cao của xã hội. Qua các phong trào, các em có được tính độc lập, biết thương người, giúp bạn, luôn có ý thức tự giác học tập xứng đáng trở thành con ngoan trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ.


+Sự kiện đáng nhớ:

- Thực hiện chương trình “Hướng về Điện Biên” nhân dịp kỷ niệm 55 năm Ngày chiến thắng Điện Biên (7/5/1954 – 7/5/2009), thiếu nhi thành phố đã đóng góp 118 triệu để xây dựng nhà bán trú cho các bạn ở tỉnh Điện Biên.

- Tại Ngày hội “Thiếu nhi thành phố làm ngàn việc tốt”, ngày 10/5/2009, Đội viên thiếu nhi thành phố đã cùng nhau lập nên kỷ lục Việt Nam với “Lá cờ Đội Thiếu Niên Tiền phong Hồ Chí Minh lớn nhất Việt Nam”

- Đánh dấu Đại hội quan trọng của đội viên thiếu nhi thành phố, tại Đại hội Cháu Ngoan Bác Hồ Thành phố năm 2010, Đội viên thiếu nhi thành phố tiếp tục lập nên kỷ lục Việt Nam với “Đội hình nghi lễ Đội Thiếu niên Tiền Phong Hồ Chí Minh lớn nhất”.

- Nhằm tuyên dương cán bộ và Đội viên thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh đã có thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 1996 đến năm 2001, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ Quốc, Chủ tịch Nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tặng thưởng cho cán bộ và đội viên thành phố huân chương cao quí: Huân chương Lao động Hạng Nhất.

- Năm 2011, Hội đồng Đội thành phố vinh dự được nhận giải thưởng Hồ Hảo Hớn với chương trình “Cùng em vững bước”, tuyên truyền giáo dục pháp luật cho các em thiếu nhi, đội viên trên toàn thành phố.

Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ VIII về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục thiếu niên nhi đồng, đẩy mạnh cuộc vận động “Vì đàn em thân yêu” đã thổi một không khí và sức sống mới cho các hoạt động của Đội và phong trào thiếu nhi. Đưa tinh thần Nghị quyết vào thực tiễn phong trào, công tác xây dựng Đội trong những năm gần đây đã có nhiều chuyển biến tích cực: Đội ngũ phụ trách thiếu nhi, cán bộ Đội được tăng cường, chất lượng nội dung sinh hoạt Sao nhi đồng được cải tiến, nội dung sinh hoạt Đội được đổi mới từng bước phù hợp với nhu cầu của thiếu nhi. Hoạt động Đội trong nhà trường từng bước được củng cố và nâng cao, hoạt động thiếu nhi ở địa bàn dân cư được đẩy mạnh và nhân rộng, công tác Sao nhi đồng có những bước phát triển, công tác bồi dưỡng đội viên trưởng thành được phát triển Đoàn có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều phong trào, hoạt động mới đã tạo ra hiệu quả xã hội thiết thực của thiếu nhi tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Cuộc vận động “Vì đàn em thân yêu” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ IX và phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” được đẩy mạnh đã tạo ra những kết quả tích cực với hàng ngàn các công trình vui chơi cho thiếu nhi, các lớp học tình thương đã mang lại niềm vui, điều kiện được sinh hoạt dưới ánh sáng tri thức đến với học sinh thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn. Cuộc vận động “Vòng tay bè bạn”, “Giúp bạn đến trường” phong trào “Tấm áo tặng bạn” , chương trình “Thắp sáng ước mơ thiếu nhi Việt Nam” được tổ chức sâu rộng tại cơ sở Đội, khơi dậy trong thiếu nhi và toàn thể xã hội tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, sẵn sàng chia sẻ những khó khăn thiếu thốn; cổ vũ tạo niềm tin và đồng lòng cùng thiếu nhi trên con đường biến ước mơ thành hiện thực. Đặc biệt cuộc vận động “Thiếu nhi Việt Nam thi đua thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy” tiếp tục khẳng định lòng biết ơn vô hạn của thiếu nhi Việt Nam với vị lãnh tụ, người cha già muôn vàn kính yêu của dân tộc, tạo môi trường học tập và rèn luyện, góp phần bồi dưỡng hình thành cho các em những giá trị phẩm chất tốt đẹp của người công dân mới xã hội chủ nghĩa.

Ba mươi lăm năm qua, cùng với sự phát triển của thành phố, bao lớp đội viên đã trưởng thành và đang góp phần cùng cha anh tích cực thực hiện công cuộc và xây dựng đất nước. Hội đồng Đội thành phố xin giới thiệu đến các bạn những gương mặt tiêu biểu của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh thành phố Hồ Chí Minh trong ba mươi lăm năm qua:

1. Chị Đỗ Ngọc Đức – Chi đội Trưởng Chi đội Lê Văn Tám, chi đội đầu tiên của thành phố, hiện nay là bác sỹ.

2. Nghệ sỹ ưu tú Thành Lộc, Đội trưởng Đội múa Nhà Thiếu nhi, hiện nay là một trong những nghệ sỹ kịch nói nổi tiếng của thành phố.

3. Chị Trần Phương Ngọc Thảo, Liên đội Trưởng Trường THCS Nguyễn Du Quận 1; công dân trẻ tiêu biểu năm 2008.

4. Anh Lê Quang Liêm: huy chương bạc cờ vua thế giới lứa tuổi U10 khi học lớp 5/4 trường Nguyễn Đình Chính, quận Phú Nhuận, hiện là sinh viên Đại học Sài Gòn và là kỳ thủ đầu tiên đi vào lịch sử giải cờ vua Aeroflot với tư cách vận động viên hai lần liên tiếp bảo vệ thành công chức vô địch.

5. Anh Phạm Ngọc Tuyền – Liên đội trưởng Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh lúc 14 tuổi ở phường 10 quận Phú Nhuận chỉ huy hàng trăm bạn nhỏ. Người phụ trách Đội tiêu biểu, nguyên là Phó Bí thư Thường trực Phụ trách khối thiếu nhi – Trường học Quận Đoàn Phú Nhuận; Giám đốc Trung tâm Sinh hoạt dã ngoại Thanh thiếu nhi thành phố tại Cần Giờ, và nay là Giám đốc Nhà Thiếu nhi Thành phố Hồ Chí Minh.



Bảy mươi năm ghi dấu một chặng đường phát triển và trưởng thành của tổ chức Đội với lớp lớp các thế hệ đội viên đã trở thành những nhà lãnh đạo, những công dân ưu tú của xã hội, những tiến sỹ, kỹ sư, bác sỹ, những nhà khoa học, thầy cô giáo, những công nhân có bàn tay vàng… Hôm nay đây, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự dìu dắt của Đoàn và sự chăm lo của toàn xã hội, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, thiếu niên, nhi đồng Việt Nam đang có những thuận lợi, thời cơ mới để tiếp bước cha anh rèn đức, luyện tài, xây dựng tổ chức Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh ngày càng vững mạnh.
____________________________________




Каталог: CongVan -> 2011 -> TaiLieu
CongVan -> Văn phòng quốc hội cơ sở dữ liệu luật việt nam lawdata công văn
CongVan -> Tiêu chuẩn Việt nam tcvn 6001 1995 iso 5815 1989
CongVan -> Ubnd tỉnh vĩnh long sở XÂy dựng số: 1106/tb-sxd cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
CongVan -> CỤc hộ TỊCH, quốc tịCH, chứng thực số
CongVan -> Bhxh huyện mang thíT Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
CongVan -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam sở XÂy dựng độc lập Tự do- hạnh phúc
CongVan -> CỘng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam kho bạc nhà NƯỚC Độc lập Tự do Hạnh phúc
TaiLieu -> LẦn thứ nhiệm kỳ (2012-2014)
2011 -> QuyếT ĐỊnh ban hành Quy định về tiêu chuẩn cán bộ của
2011 -> BỘ XÂy dựng số : 887/bxd-ktxd

tải về 89.9 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương