ĐỀ CƯƠng tuyên truyền kỷ niệM 50 NĂm ngày truyền thống đÁnh thắng trậN ĐẦu của hải quân nhân dân việt nam


b. Đánh trả máy bay Mỹ trong ngày 5 tháng 8



tải về 199.03 Kb.
trang2/3
Chuyển đổi dữ liệu05.08.2016
Kích199.03 Kb.
#13272
1   2   3

b. Đánh trả máy bay Mỹ trong ngày 5 tháng 8:

- Ngay sau khi tàu Ma đốc bị đánh đuổi khỏi vùng biển của ta trong ngày 2 tháng 8 năm 1964, thì đêm mồng 4 tháng 8 năm 1964, bọn đầu sỏ trong chính quyền Mỹ đã dựng lên cái gọi là “sự kiện vịnh Bắc Bộ” lấy cớ để mở chiến dịch “trả đũa” mang tên “Mũi tên xuyên”.

- Ngày 5 tháng 8 năm 1964, đế quốc Mỹ sử dụng tối đa lực lượng máy bay ở hai biên đội tàu sân bay Con-xten-lây-sơn và Ti-cơn-đê-rô-ga gồm hàng chục máy bay tiêm kích và cường kích hiện đại, chia làm 3 đợt bất ngờ tấn công gần như cùng một lúc vào các mục tiêu kinh tế và hầu hết các căn cứ, kho tàng, nơi trú đậu tàu của hải quân ta suốt dọc ven biển từ sông Gianh (Quảng Bình); Cửa Hội, Vinh, Bến Thủy (Nghệ An); Lạch Trường (Thanh Hóa) đến Bãi Cháy (Quảng Ninh), hòng tiêu diệt lực lượng hải quân của ta, mở đầu kế hoạch gây chiến tranh phá hoại quy mô lớn đối với miền Bắc nước ta mà chúng đã vạch sẵn từ trước:

+ Tại vùng biển Cửa Hội và thành phố Vinh, lúc 12 giờ 20 phút ngày 5 tháng 8, một tốp 8 chiếc máy bay địch loại F8U, AD4, AD6 lao vào ném bom, bắn phá khu vực Sở dầu thuộc thành phố Vinh và căn cứ Hải quân ở Cửa Hội. Các tàu của Phân đội 7 và Phân đội 5 đã báo động kịp thời, nhanh chóng triển khai đội hình chiến đấu phối hợp với lực lượng phòng không ở khu vực đánh trả máy bay địch. Trận chiến đấu diễn ra quyết liệt. Các tàu của hải quân vừa cơ động tránh bom đạn của địch vừa tập trung hỏa lực ken lưới lửa giáng trả máy bay Mỹ. Trong trận chiến đấu này, các lực lượng vũ trang đã bắn cháy 2 máy bay giặc Mỹ, trong đó tàu T187 của Khu tuần phòng 2 đã bắn cháy 1 chiếc rơi xuống biển cách đông nam Hòn Mát 2km.

+ Tại Cửa Ròn và cảng Gianh, lúc 12 giờ 30 phút, 8 chiếc máy bay địch bay từ phía biển vào đèo Ngang chia làm 2 tốp, một tốp lao xuống bắn tàu đo đạc 527 của hải quân đang làm nhiệm vụ ở Cửa Ròn, một tốp khác vòng theo dãy Trường Sơn lên thượng nguồn sông Gianh rồi lao xuống bắn phá cảng Gianh. Tàu đo đạc 527 và các tàu T181, T183 (Phân đội 7); T173, T175, T177 (Phân đội 6) thuộc Khu tuần phòng 2 đã kịp thời chặt xích neo, nhanh chóng cơ động chiến đấu, phối hợp với lực lượng phòng không, dân quân tự vệ anh dũng đánh trả các đợt công kích của máy bay địch. Sau 25 phút chiến đấu, bộ đội ta đã bắn cháy 1 máy bay rơi xuống biển phía đông nam Cửa Gianh và bắn bị thương 1 chiếc khác.

+ Tại vùng biển Hòn Gai, Bãi Cháy (Quảng Ninh), lúc 14 giờ 40 phút, một tốp 8 chiếc máy bay từ hướng biển Long Châu lao vào ném bom, bắn rốc két tấn công các tàu của hải quân ta đang neo đậu ở Cửa Lục. Các tàu đã vừa chiến đấu vừa cơ động ra vịnh Hạ Long để lợi dụng sự che chắn của các núi đá làm mất tác dụng đánh phá của địch. Các tàu T144, T134, T122, T124 và tàu 225 săn ngầm thuộc Khu tuần phòng 1 và căn cứ Hải quân Bãi Cháy đã phối hợp với Tiểu đoàn phòng không 217 và lực lượng phòng không của tự vệ, công an địa phương bắn rơi 2 máy bay Mỹ, bắt sống tên giặc lái, trung úy An vơ rét.

+ Tại vùng biển Lạch Trường (Thanh Hóa), 2 tàu phóng lôi 333, 336 cùng các tàu tuần tiễu T130, T132, T146 ở khu trú đậu được lệnh sẵn sàng chiến đấu. Lúc 14 giờ 45 phút, 4 máy bay AD6 lao từ hướng đông bắc vào bắn phá hai tàu T130 và T132. Tiếp đó chúng tập trung 8 chiếc AD4 đánh các tàu 333, 336 và T146. Các tàu đã phối hợp nổ súng kịp thời đánh trả máy bay địch bắn rơi 2 máy bay giặc Mỹ, bắn bị thương 2 chiếc khác.

+ Lúc 16 giờ 18 phút, địch cho 11 chiếc máy bay F8U lao vào bắn phá cảng Gianh lần thứ hai. 6 chiếc lao xuống công kích tàu T175 ở Hòn La; 5 chiếc khác lao vào đánh phá cảng Gianh. Các tàu trong tư thế sẵn sàng chiến đấu đã kịp thời nổ súng, ngay loạt đạn đầu đã bắn cháy 1 chiếc máy bay địch. Ở Hòn La, cán bộ, chiến sĩ tàu T175 chiến đấu đánh trả 6 máy bay địch rất dũng cảm. Tàu bị trúng đạn bốc cháy, nước tràn vào khoang, một số đồng chí hy sinh, Thuyền trưởng bị thương nặng, nhưng tất cả vẫn kiên cường bám vị trí vừa chiến đấu vừa cứu chữa tàu, điều khiển cơ động tàu vào được bờ kịp thời.

+ Lúc 16 giờ 40 phút cùng ngày, địch tiếp tục cho 8 chiếc máy bay khác lao vào đánh phá các trận địa pháo bảo vệ cảng Nghi Phúc và thành phố Vinh. Các tàu của Hải quân đã phối hợp đánh trả quyết liệt, buộc chúng phải rời khỏi khu vực.

- Cùng với lực lượng phòng không ba thứ quân và nhân dân địa phương, bộ đội Hải quân đã chiến đấu anh dũng đánh trả không quân và hải quân của Mỹ ngày 2 và 5 tháng 8 năm 1964. Trong thế trận chiến tranh nhân dân đất đối không, ngay trận đầu, ta đã mưu trí, dũng cảm, kiên cường đánh trả, bắn rơi 8 máy bay phản lực hiện đại của Mỹ, bắn bị thương nhiều chiếc khác. Gây cho bọn đầu sỏ đế quốc Mỹ bị bất ngờ bởi đã bị tổn thất lớn.

- Bị tổn thất lớn ngay trong trận đầu của kế hoạch mở rộng chiến tranh xâm lược nhưng những người cầm quyền ở Mỹ lúc đó vẫn lấy làm đắc ý vì họ đã kiếm được cớ để khởi sự cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân ra miền Bắc Việt Nam. Và dĩ nhiên việc “trừng phạt” lực lượng tàu bé nhỏ của Hải quân Bắc Việt trong một trận không được, chúng tiếp tục “trừng phạt” cả miền Bắc Việt Nam. Từ đó cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ đã dần leo tới nấc thang tột đỉnh của tội ác và cuối cùng chúng đã chuốc lấy thất bại nhục nhã, bị quân dân ta đánh bại hoàn toàn uy thế của không lực Hoa Kỳ bằng chiến thắng lịch sử “Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không” 12 ngày đêm cuối tháng 12 năm 1972 trên bầu trời Hà Nội. Từ 5 tháng 8 năm 1964 đến 17 tháng 1 năm 1973, có 4.181 chiếc máy bay trong đó có 68 B52, 13 F111 của đế quốc Mỹ bị bắn cháy trên miền Bắc Việt Nam.

- Cùng với thành tích đánh đuổi tàu khu trục Ma đốc ngày 2 tháng 8, chiến thắng ngày 5 tháng 8 năm 1964 trở thành chiến công đầu tiêu biểu, mở đầu trang sử anh hùng trong lịch sử xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành của Hải quân nhân dân Việt Nam. Với chiến công vẻ vang ngày 2 và 5 tháng 8 năm 1964, bộ đội Hải quân đã được Đảng, Nhà nước, Quốc hội tặng thưởng 1 Huân chương Quân công hạng Nhì, 5 Huân chương Quân công hạng Ba, 142 Huân chương Chiến công các hạng cho các đơn vị và cán bộ, chiến sĩ lập công xuất sắc. Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam tặng tuổi trẻ Hải quân 20 lá cờ “Chiến công oanh liệt- Truyền thống vẻ vang”.

- Ngày 7 tháng 8 năm 1964, Bộ Quốc phòng tổ chức Lễ tuyên dương công trạng của bộ đội hải quân và PK-KQ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự và khen ngợi: “Các chú đã chiến đấu rất dũng cảm, đã bắn rơi 8 chiếc máy bay của Mỹ và bắn hỏng ba chiếc,... Các chú đã bắt sống phi công Mỹ, đánh đuổi tàu chiến Mỹ ra khỏi vùng biển nước ta. Như vậy là rất tốt”. Và ngày 5 tháng 8 năm 1965, nhân dịp kỷ niệm một năm ngày truyền thống đánh thắng trận đầu, Bác Hồ đã gửi thư khen bộ đội Hải quân: “Tuy còn non trẻ, nhưng nhờ có sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự tin yêu giúp đỡ của nhân dân, sự cố gắng không ngừng của mình, Hải quân đã anh dũng chiến đấu, tích cực diệt địch, bắn rơi máy bay và đánh đuổi tàu chiến Mỹ, đoàn kết lập công, bảo vệ nhân dân, bảo vệ vùng trời và vùng biển của Tổ quốc. Các chú đã nêu cao truyền thống anh hùng của dân tộc ta”.

- Trực tiếp theo dõi trận chiến đấu đánh trả máy bay Mỹ của Hải quân ta tại vùng biển, vùng trời Bãi Cháy (Quảng Ninh) chiều ngày 5 tháng 8 năm 1964, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã biểu dương chiến công của Hải quân: “Tôi rất tự hào về tinh thần chiến đấu của Hải quân ta. Chiến thắng này của các đồng chí có ý nghĩa to lớn lắm, tôi sẽ báo cáo với Trung ương Đảng và Chính phủ những điều tai nghe, mắt thấy về tinh thần anh dũng tuyệt vời của các đồng chí”.

- Khi đến thăm Phân đội 3 tàu phóng lôi vừa đánh đuổi tàu khu trục Ma đốc của đế quốc Mỹ trở về, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đã biểu dương: “Tinh thần chiến đấu dũng cảm của các đồng chí thể hiện ý chí quyết chiến, quyết thắng, dám đánh và biết đánh thắng kẻ thù hơn ta về nhiều mặt, biểu hiện tinh thần kiên quyết chấp hành mệnh lệnh, thực hiện nhiệm vụ triệt để, dũng cảm và mưu trí của bộ đội Hải quân, giáng một đòn vào uy thế của hải quân Mỹ, đồng thời cổ vũ mạnh mẽ ý chí dám đánh và quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược của quân và dân cả nước ta”.

Ngày 2 và 5 tháng 8 năm 1964 trở thành một mốc son có ý nghĩa quan trọng, tự hào trong lịch sử của Quân chủng Hải quân và lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta, trở thành ngày “truyền thống đánh thắng trận đầu” của Hải quân nhân dân Việt Nam đồng thời cũng là “ngày truyền thống đánh thắng trận đầu” của quân dân miền Bắc trong chống chiến tranh phá hoại của không quân, hải quân đế quốc Mỹ xâm lược.




Phần thứ hai:

Ý NGHĨA LỊCH SỬ, NHỮNG BÀI HỌC KINH NGHIỆM RÚT RA

TỪ CHIẾN THẮNG TRẬN ĐẦU NGÀY 2 VÀ 5 THÁNG 8 NĂM 1964

1. Ý nghĩa lịch sử

- Chiến thắng trận đầu ngày 2 và 5 tháng 8 năm 1964 là chiến thắng của sức mạnh chính trị tinh thần toàn dân tộc, chiến thắng của ý chí quyết tâm chiến đấu dám đánh, quyết đánh và biết đánh thắng giặc Mỹ xâm lược của Hải quân nhân dân Việt Nam và của quân dân miền Bắc nước ta; là biểu tượng của bản lĩnh Việt Nam kiên cường bất khuất, của dân tộc yêu tự do, độc lập, không bao giờ chịu khuất phục trước kẻ thù xâm lược; của trí tuệ, lòng yêu nước, căm thù giặc và nghệ thuật quân sự Việt Nam được kế thừa, phát triển trong thời đại Hồ Chí Minh.

- Chiến thắng ngày 2 và 5 tháng 8 năm 1964 đã tô thắm thêm truyền thống anh hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng; tiếp tục khẳng định sự đúng đắn trong lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược tài tình, sáng suốt của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay từ khi Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Đồng thời khẳng định về sự rèn luyện bản lĩnh, ý chí quyết tâm, lòng dũng cảm kiên cường, tinh thần cảnh giác cách mạng, chủ động, mưu trí sáng tạo, vượt qua khó khăn gian khổ, ác liệt của bộ đội Hải quân, quyết tâm đánh thắng kẻ thù mạnh hơn ta nhiều lần, có trang bị vũ khí hiện đại, khi chúng liều lĩnh xâm phạm chủ quyền vùng trời, vùng biển của Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

- Chiến thắng trận đầu ngày 2 và 5 tháng 8 năm 1964 là thắng lợi của đường lối chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện, tự lực cánh sinh, dựa vào sức mình là chính; của nghệ thuật quân sự “lấy yếu đánh mạnh, lấy ít địch nhiều”, đánh địch bằng vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện có; là thắng lợi của trí thông minh và lòng dũng cảm của quân dân ta trong cuộc đọ sức quyết liệt với sức mạnh của hải quân và không quân hiện đại của giặc Mỹ.

- Chiến thắng trận chiến đầu ngày 2 và 5 tháng 8 năm 1964 là chiến công tiêu biểu đầu tiên có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo tiền đề thuận lợi, cổ vũ động viên khí thế tiến công của quân và dân ta quyết tâm đánh bại các bước “leo thang” chiến tranh của đế quốc Mỹ, bảo vệ vững chắc hậu phương lớn miền Bắc, sát cánh cùng tiền tuyến lớn miền Nam tạo nên sức mạnh tổng hợp của cách mạng để đánh thắng Mỹ, ngụy, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

- Chiến thắng trận đầu ngày 2 và 5 tháng 8 năm 1964 tạo được tiếng vang lớn trên thế giới về dân tộc Việt Nam nhỏ bé nhưng đã hạ gục uy thế của “không lực Hoa Kỳ” ngay từ trận đầu chúng tiến hành mở rộng chiến tranh ra miền Bắc Việt Nam, đã đem lại lòng tin và niềm phấn khởi cho hàng triệu người đang đấu tranh cho độc lập dân tộc, dân chủ, hòa bình và tiến bộ trên thế giới.



2. Những bài học kinh nghiệm

Trận đầu ra quân đánh thắng ngày 2 và 5 tháng 8 năm 1964 đã để lại cho chúng ta nhiều bài học quý báu có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc không chỉ đối với lịch sử mà còn có ý nghĩa giá trị sâu sắc, thiết thực với hiện nay và lâu dài sau này. Đó là:



a. Luôn giáo dục quán triệt sâu sắc tình hình yêu cầu nhiệm vụ, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, ý chí quyết tâm chiến đấu cao, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong mọi tình huống

Chính vì được giáo dục, rèn luyện tốt từ trước nên khi bước vào trận chiến đấu thực sự ngày 2 và 5 tháng 8 năm 1964, dù là lần đầu tiên nhưng mọi cán bộ, chiến sĩ đã không hề nao núng trước những thử thách khốc liệt của trận đọ sức với kẻ thù có vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại và hơn ta gấp nhiều lần. Ngay từ khi xây dựng, huấn luyện trong điều kiện hòa bình, bên cạnh việc thường xuyên tổ chức học tập, giáo dục quán triệt tình hình nhiệm vụ chung và yêu cầu nhiệm vụ cụ thể của đơn vị, các tàu và phân đội đã chú trọng giáo dục xác định trách nhiệm cho bộ đội, nêu cao tinh thần sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng làm nhiệm vụ; giáo dục tinh thần yêu nước, yêu tổ quốc, lòng căm thù giặc và những âm mưu, thủ đoạn xảo quyệt của kẻ thù, về tương quan lực lượng giữa ta và địch, những thuận lợi, khó khăn của ta, xây dựng ý chí quyết tâm, không sợ khó khăn gian khổ và những thử thách ác liệt, sẵn sàng hy sinh vì nghĩa lớn; không sợ kẻ địch mạnh hơn ta, xây dựng ý chí chiến đấu kiên cường, quả cảm, tinh thần quyết chiến quyết thắng; phát huy dân chủ trí tuệ để tìm ra cách đánh thắng kẻ địch có vũ khí trang bị kỹ thuật hiện đại.

Cùng với đó, các đơn vị đã chú trọng giáo dục về truyền thống đánh giặc của cha ông, về những tấm gương dũng cảm hy sinh của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong kháng chiến chống Pháp cũng như trong chống Mỹ, ngụy ở miền Nam; giáo dục học tập, huấn luyện về các phương án chiến đấu của ta... Qua đó xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thần tích cực, chủ động sẵn sàng đánh địch và quyết tâm đánh thắng địch trong bất kỳ tình huống nào, đồng thời tạo được niềm tin vững chắc vào khả năng đánh thắng đế quốc Mỹ cùng với vũ khí hiện đại của chúng và khuyến khích động viên bộ đội mưu trí tìm ra những cách đánh sáng tạo, độc đáo để giành thắng lợi.

b. Luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động, tích cực bảo đảm sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi, không để bị bất ngờ trong bất kỳ tình huống nào.

Chính vì nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động, tích cực trong nắm, phân tích tình hình diễn biến trên chiến trường và dự báo đúng âm mưu, thủ đoạn của địch, nên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã sớm chỉ đạo chuẩn bị sẵn sàng để đập tan âm mưu mở rộng chiến tranh đánh phá của đế quốc Mỹ ra miền Bắc, nên quân dân ta đã chủ động trong xây dựng các trận địa, lực lượng phòng không nhân dân, kịp thời phối hợp với Hải quân đánh trả máy bay địch ngày 5 tháng 8 năm 1964.

Do Quân chủng đã chủ động tăng cường bố trí lực lượng kết hợp giữa các đài ra đa, trạm quan sát và trinh sát kỹ thuật để nắm tình hình địch, quản lý vững chắc tình hình mặt biển, kịp thời phát hiện và theo dõi sát các hoạt động của tàu thuyền địch xâm phạm, đồng thời tích cực chuẩn bị mọi mặt cả chính trị tinh thần, cơ sở vật chất, vũ khí phương tiện trang bị kỹ thuật và huấn luyện, diễn tập các phương án để bảo đảm cho sẵn sàng chiến đấu. Nên khi có lệnh chiến đấu là triển khai thực hiện nhận nhiệm vụ được ngay.

Do thường xuyên làm tốt công tác giáo dục, xây dựng ý thức cảnh giác, nhận rõ âm mưu, thủ đoạn thâm độc, bản chất phản động, hiếu chiến của kẻ thù và tổ chức cho bộ đội phát huy trí sáng tạo nên bộ đội đã không những không bị ảnh hưởng của những tư tưởng tiêu cực sợ vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại của đế quốc Mỹ mà trái lại đã nhận thức rõ trách nhiệm, luôn nêu cao cảnh giác, có ý chí quyết tâm chiến đấu cao và tinh thần sẵn sàng chiến đấu tốt. Vì vậy, ngày 2 tháng 8 năm 1964, mặc dù trực diện với tàu khu trục Ma đốc có nhiều vũ khí hiện đại và lớn hơn gấp nhiều lần tàu ta nhưng cán bộ, chiến sĩ ta vẫn dũng cảm tiến công quyết tiêu diệt kẻ địch; và do nêu cao cảnh giác nên các tàu của ta không bị bất ngờ khi máy bay địch tập kích đánh phá, mới nổ súng kịp thời đánh trả máy bay hiện đại của địch và tiêu diệt được 8 chiếc ngay trong trận ra quân chiến đấu đầu tiên của bộ đội Hải quân.



c. Nêu cao tinh thần tự lực tự cường, khắc phục khó khăn, gian khổ, dám đánh, quyết đánh và biết đánh thắng kẻ thù xâm lược trong mọi điều kiện hoàn cảnh cho dù chúng có khả năng hơn ta gấp nhiều lần.

Đứng trước một kẻ thù đầu sỏ của chủ nghĩa đế quốc, một thế lực lớn là “sen đầm quốc tế” đầy nguy hiểm, xảo quyệt, hơn ta gấp nhiều lần cả về tiềm lực kinh tế, trang bị vũ khí kỹ thuật và kinh nghiệm hoạt động chiến đấu trên biển (tàu khu trục Mỹ rất lớn, có hỏa lực mạnh, máy bay tốc độ cao, phương tiện trang bị kỹ thuật hiện đại... trong khi tàu phóng lôi của ta nhỏ bé, trang bị ngư lôi chạm nổ trong điều kiện tác chiến biển sóng gió lớn, cùng lúc phải đánh trả cả máy bay, tàu chiến của địch; vũ khí trang bị kỹ thuật chiến đấu phòng không hạn chế, không có lực lượng hỗ trợ (2.8) hoặc có nhưng không nhiều (5.8), nhưng cán bộ, chiến sĩ ta đã không những không sợ mà còn dám đánh, quyết đánh và quyết tâm đánh thắng chúng; chúng ta đã biết khai thác những điểm yếu, sơ hở của địch (xâm phạm trái phép trên vùng biển, vùng trời của ta nên sợ ta giáng trả, tàu khu trục lớn nên khả năng cơ động chiến đấu kém, máy bay hoạt động xa căn cứ nên nhiên liệu không bảo đảm cho kéo dài thời gian tác chiến, từ xa đến nên nhận dạng mục tiêu chậm…), tận dụng thế mạnh và vũ khí trang bị hiện có của ta (lòng yêu nước nồng nàn, căm thù giặc sâu sắc, ai cũng muốn được đi chiến đấu lập công để trả thù cho đồng bào miền Nam đang hàng ngày, hàng giờ bị Mỹ ngụy kìm kẹp và tàn sát dã man).

Chủ động theo dõi mọi hoạt động xâm phạm của tàu địch, âm mưu, ý đồ gây chiến tranh của kẻ thù, chủ động đề ra phương án tác chiến, tìm thời cơ thuận lợi nhất để đánh địch đạt hiệu quả, buộc địch phải chuyển từ thế chủ động thành bị động theo cách đánh của ta (như chọn đánh tàu địch ở khu vực Hòn Mê vừa để chúng vào sâu khu vực của ta hơn, hành trình đến vị trí đợi cơ của tàu phóng lôi không dài và hạn chế được ảnh hưởng của sóng gió lớn khi tác chiến; máy bay địch chủ động vào tấn công đánh phá nhưng lại bị ta làm cho phân tán lực lượng, không đạt hiệu quả như chúng muốn, và bị ta tiêu diệt).

d. Phát huy sức mạnh tổng hợp, trong đó đặc biệt coi trọng công tác tổ chức lãnh đạo, chỉ huy và nắm chắc lực lượng, chỉ đạo chặt chẽ từng giai đoạn của cuộc chiến đấu, bảo đảm yếu tố bí mật bất ngờ, nắm vững thời cơ, vận dụng cách đánh hợp lý, đạt hiệu quả cao

Từ thực tế chiến đấu ngày 2 và 5 tháng 8 năm 1964 đã cho thấy, để các tàu chiến đấu giành thắng lợi, cùng với việc tổ chức phối hợp hiệp đồng chặt chẽ giữa mọi cán bộ, chiến sĩ trong từng đơn vị, giữa các đơn vị, lực lượng với nhau, giữa cấp trên với cấp dưới và giữa các mặt, các lĩnh vực hoạt động, chúng ta còn phải làm tốt công tác tổ chức lãnh đạo, chỉ huy và điều hành chiến đấu. Đây là yếu tố có vai trò hết sức quan trọng để phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của đơn vị trong quá trình chiến đấu. Do vậy, các cấp ủy, tổ chức đảng từ cấp trên đến các cơ sở phải luôn quán triệt nghiêm chỉ thị, mệnh lệnh của trên, có nghị quyết lãnh đạo kịp thời, xây dựng ý chí quyết tâm, xác định chủ trương, biện pháp lãnh đạo cụ thể, nhất là trong xác định các phương án chiến đấu, bảo đảm cho trận đánh giành thắng lợi. Công tác tổ chức chỉ huy, điều hành phải tiến hành đầy đủ các bước, từ nắm tình hình, xây dựng kế hoạch tác chiến, quán triệt nhiệm vụ, tổ chức lực lượng, tổ chức bảo đảm các mặt, xây dựng các văn kiện chiến đấu, chuẩn bị mệnh lệnh chỉ thị... đều phải thực hiện nghiêm túc, đúng theo yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu. Đồng thời phải bảo đảm tuyệt đối giữ bí mật; tiến hành đồng bộ trên các mặt để địch không phát hiện được những dấu hiệu của ta chuẩn bị cho trận đánh, nếu không, ta sẽ mất đi những lợi thế rất quan trọng để giành thắng lợi.

Cũng từ chiến thắng trận đầu đã cho chúng ta thấy rằng trong các trận đánh trên biển với bất kỳ đối tượng tác chiến nào, thì việc nắm thời cơ là vô cùng quan trọng, phải bám sát tình hình, nắm vững về địch, phân tích, dự báo chính xác những gì có thể xảy ra, từ đó, tính toán các yếu tố để tiếp cận địch được nhanh nhất, bảo đảm được bí mật, chiếm lĩnh vị trí có lợi để chớp thời cơ tiến công địch đạt hiệu quả nhất. Đồng thời biên đội chiến đấu phải biết phát huy tính năng kỹ thuật, chiến thuật của con tàu và các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật trên tàu để hạn chế thiệt hại khi hỏa lực từ tàu và máy bay địch tập kích.

Trong những ngày đầu tháng 8 năm 1964, mọi hoạt động của khu trục Ma đốc Mỹ luôn bị ta bám sát. Để tiến công địch có hiệu quả ta phải tính toán khu vực nào tác chiến có lợi cho ta, không có lợi cho địch. Tàu ta nhỏ nên rất khó hoạt động trong điều kiện thời tiết xấu, hơn nữa lượng dự trữ nhiên liệu có hạn nên thời gian hoạt động trên biển không được dài. Do vậy lựa chọn đúng thời cơ là rất quan trọng để bảo đảm vừa tiêu diệt được địch, vừa an toàn cho các lực lượng của ta.



e. Luôn giữ vững tính tổ chức, tính kỷ luật, đoàn kết hiệp đồng và làm tốt công tác chính sách trong chiến đấu.

Trong chiến đấu ngày 2 tháng 8 năm 1964, mặc dù đang huấn luyện ở xa căn cứ nhưng Tiểu đoàn 135 tàu phóng lôi đã chấp hành nghiêm mệnh lệnh, nhanh chóng trở về khẩn trương làm công tác chuẩn bị để kịp thời lên đường làm nhiệm vụ; dù chưa được phổ biến phương án đánh địch nhưng vẫn chấp hành nghiêm lệnh xuất kích; mất liên lạc với cấp trên vẫn chủ động tác chiến. Trong tình thế bất lợi cho ta khi tàu bạn bị thương, mất sức cơ động, các tàu còn lại đã tập trung tối đa sức tiến công của hỏa lực bắn trả địch, thu hút đối phương về phía mình, chia lửa với tàu bạn,... Vì thế, khi tàu Ma đốc Mỹ chạy khỏi vùng biển của ta, ba tàu phóng lôi 333, 336, 339 tuy có bị tổn thất nhưng vẫn trở về bờ đầy đủ.

Trong chiến đấu với máy bay Mỹ ngày 5 tháng 8, mặc dù đang đi làm nhiệm vụ ở trên bờ Bãi Cháy, khi thấy báo động phòng không, chiến sĩ Đồng Quốc Bình đã tìm cách quay trở về tàu cùng đồng đội chiến đấu đánh trả máy bay địch; bị thương đến lần thứ ba nhưng vẫn nén chịu đau, một tay giữ ruột không cho lòi ra ngoài, một tay liên tục tiếp đạn cho đồng đội chiến đấu đến phút cuối cùng. Trong trận đánh diễn ra ác liệt với tàu T175 ở Hòn La, chiến sĩ Nguyễn Văn Vinh chưa đầy một tuổi quân, băng mình dưới làn lửa đạn để cấp cứu thương binh, tiếp đạn cho đồng đội, khi tàu bị trúng đạn, có nguy cơ bị chìm, thuyền trưởng cho phép rời tàu nhưng Vinh đã báo cáo: “Tàu còn thì tôi còn, đề nghị thuyền trưởng cho tôi được ở lại chiến đấu tới cùng”... Chỉ có nắm vững điều lệnh tàu và tinh thần tất cả vì con tàu thân yêu mới có ý chí và hành động cao cả như vậy. Và có rất nhiều tấm gương khác thể hiện nghiêm tính tổ chức, tính kỷ luật và lòng dũng cảm, ý chí kiên cường trong chiến đấu đánh trả quân thù. Vừa chiến đấu, vừa tìm mọi cách để kịp thời băng bó cho thương binh, bảo vệ thi thể các liệt sĩ, cổ vũ động viên nhau tiếp tục giữ vững ý chí chiến đấu trả thù cho đồng chí đồng đội.

Trong chiến đấu ngày 2 và 5 tháng 8 năm 1964, cũng cho chúng ta thấy để bảo đảm thắng lợi trong chiến đấu cần phải luôn xây dựng và phát huy tốt mối đoàn kết, hiệp đồng chặt chẽ giữa các ngành, các vị trí chiến đấu trong toàn tàu, giữa các tàu trong biên đội, trong cụm chiến đấu, giữa hải quân với các đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn và với đảng bộ, chính quyền, nhân dân, dân quân du kích địa phương; vừa chiến đấu vừa làm tốt công tác chính sách, nhất là chính sách thương binh, liệt sĩ. Đó là yêu cầu mang tính nguyên tắc thường xuyên quan trọng đối với đơn vị trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chiến đấu, huấn luyện, học tập, công tác, xây dựng đơn vị.

Ngày 5 tháng 8 năm 1964, bộ đội hải quân đã được sự phối hợp, chi viện chiến đấu của đơn vị phòng không ở đảo Hòn Ngư; tự vệ cảng và dân quân xã Nghi Phúc; đơn vị pháo phòng không và dân quân các xã Cảnh Dương, Quảng Phúc, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình; Tiểu đoàn phòng không 217, tự vệ cảng Hòn Gai, Công an nhân dân vũ trang Quảng Ninh... và cấp ủy, chính quyền, nhân dân các địa phương kịp thời hỗ trợ trong việc cấp cứu thương binh, sẵn sàng hiến máu, đồ dùng thiết yếu của gia đình để cứu chữa thương binh nặng, mai táng liệt sĩ, tiếp đạn cho bộ đội chiến đấu... Đã góp phần tạo lưới lửa đánh máy bay địch, làm nên chiến thắng trận đầu bắn rơi 8 máy bay, bắn bị thương nhiều chiếc khác và bắt sống giặc lái của đế quốc Mỹ.

f. Không ngừng nâng cao trình độ làm chủ khoa học kỹ thuật quân sự, khai thác sử dụng hiệu quả các loại vũ khí trang bị kỹ thuật hiện có

Hải quân là quân chủng chiến đấu và kỹ thuật, các trang bị vũ khí, khí tài, máy móc đặc biệt là vũ khí, trang bị kỹ thuật ở trên tàu đòi hỏi phải có sự hiểu biết mới sử dụng được. Khi chiến đấu, tình huống diễn biến rất nhanh và nảy sinh nhiều sự cố phức tạp mà lúc bình thường không lường hết được. Sự tinh thông kỹ thuật sẽ làm cho thao tác của người chiến sĩ nhanh nhẹn, chính xác, kịp thời và sẽ tạo ra khả năng giành thắng lợi cao. Nếu không nắm chắc kỹ thuật sẽ dẫn đến lúng túng, vụng về, để lỡ thời cơ tiêu diệt địch, thậm chí còn bị thương vong.

Chính vì được huấn luyện, rèn luyện nắm vững kỹ thuật, sử dụng tốt các vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện có nên trong chiến đấu ngày 2 và 5 tháng 8 năm 1964 cán bộ, chiến sĩ ta mới phát huy được khả năng của các loại vũ khí, dùng cả súng bộ binh kết hợp với súng phòng không trên tàu để đánh lại kẻ địch (2/8) . Pháo thủ hy sinh, các đồng chí khác đã nhanh chóng thay thế tiếp tục phát huy hỏa lực đánh trả máy bay địch. Và khi tàu bị trúng đạn, máy móc hư hỏng, đã bình tĩnh cứu chữa, khôi phục sức sống của con tàu để tiếp tục cơ động chiến đấu...

Trong mỗi trận chiến đấu, diễn biến thường diễn ra theo nhiều đợt với mức độ khốc liệt, gay go, thời gian dài ngắn khác nhau. Khoảng cách giữa hai đợt chiến đấu là cơ hội rất quý để cấp ủy, người chỉ huy và từng quân nhân vận dụng những kiến thức sẵn có để kịp thời rút kinh nghiệm bảo đảm cho công tác tổ chức chỉ huy, xử trí tình huống, phát huy vai trò, vị trí chiến đấu của mình và đơn vị mình được tốt hơn. Thực tế trận đánh ngày 2 tháng 8 năm 1964, các tàu không bảo đảm thông tin liên lạc nên không có sự liên hệ hội ý rút kinh nghiệm, do đó, việc xử trí tình huống trong phối hợp tác chiến chưa chặt chẽ, khi hành quân trở về bờ cũng không thống nhất, chu đáo.

Trong khi đó, ngày 5 tháng 8, ngay sau đợt oanh kích đầu tiên của máy bay địch, nhiều tàu ở Khu tuần phòng 2 đã tranh thủ hội ý, rút kinh nghiệm hiệp đồng chiến đấu, vận dụng kỹ thuật, chiến thuật, cách đánh, bổ sung phương án tác chiến, củng cố quyết tâm chiến đấu nên khi máy bay Mỹ vào đánh phá đợt 2, các tàu đã kịp thời cơ động phân tán lực lượng, tổ chức quan sát, phát hiện mục tiêu, tập trung hỏa lực, phối hợp với các lực lượng đánh trả máy bay địch đạt hiệu quả cao, bảo vệ được căn cứ, giảm được tổn thất, thương vong; cán bộ, chiến sĩ trưởng thành thêm một bước cả về ý chí quyết tâm, tinh thần và kinh nghiệm chiến đấu. Và ngay sau đợt oanh kích của địch ở sông Gianh, Cửa Hội, Sở chỉ huy Quân chủng đã kịp thời chỉ đạo Khu tuần phòng 1 và các căn cứ ở phía bắc rút kinh nghiệm, nêu cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu đánh máy bay địch nên khi chúng vào tập kích đã bị các tàu phối hợp với lực lượng phòng không ba thứ quân ở khu vực nổ súng đánh trả ngay từ phút đầu, kiên quyết bắt chúng phải đền tội, đã bắn cháy 2 máy bay, bắt sống tên giặc lái đầu tiên trên miền Bắc.


Каталог: vi-VN -> bannganh -> BanTuyenGiao -> Lists -> Danh%20sch%20cc%20bi%20vit%20tin%20tc%20v%20s%20kin -> Attachments
Attachments -> TỈnh uỷ quảng ninh ban tuyên giáO
Attachments -> CỤc tuyên huấn cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> HỌc tập và LÀm theo tấm gưƠng đẠO ĐỨc hồ chí minh về trung thựC, trách nhiệM; GẮn bó VỚi nhân dâN; ĐOÀn kếT, XÂy dựNG
Attachments -> Ban Tuyªn Gi¸o Sè 91 cv/tg đẢng cộng sản việt nam
Attachments -> ĐỊnh hưỚng một số NỘi dung tuyên truyền trong tháng 12 NĂM 2012
Attachments -> KẾt quả NỔi bật trong chuyến thăm cộng hoà nhân dân trung hoa của tổng bí thư nguyễn phú trọNG
Attachments -> HƯỚng dẫn tuyên truyền kỷ niệM 40 NĂm ngày giải phóng miền nam, thống nhấT ĐẤt nưỚC
Attachments -> Kết quả công tác đảm bảo tt-atgt trên địa bàn toàn tỉnh
Attachments -> Ban tuyên giáo số 40 bc/tg đẢng cộng sản việt nam
Attachments -> 1. Giàn khoan Hải Dương-981 hạ đặt ở đâu?

tải về 199.03 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương